Thầy Sakya Minh-Quang dịch thơ Sám Hối Sáu Căn

*Đọc 12 phút*

(Photo: Tu Viện Thiện Tường / Facebook)

1. Sám Hối Nhãn Căn

Con từ vô thủy đến nay
Quên đi chân tánh xưa rày tịnh thanh
Không biết nẻo chánh đường lành
Rơi ba đường khổ tử sanh nhiều đời.

Xét suy nghiệp ác đầy trời
Do sáu căn lỗi mê thời tạo ra
Nếu không sám hối tội qua
Làm sao tu sửa nghiệp tà tương lai?

*

Mắt từng bao việc lầm sai
Thích xem điều xấu mê say sắc trần
Việc thiện để mắt chưa từng
Hư không hoa đốm tưởng chừng thực hoa.

Quên trăng, ngỡ ngón tay là…
Ghét thương, đẹp xấu… theo đà phát sinh
Mắt liếc vọng khởi bao tình
Mê đi chánh kiến, tà sinh nhiễm lòng.

Phân biệt đen trắng, sắc không…
Bao loại tà quán khiến lòng loạn mê
Chân tâm không thấy lối về
Như người mù giữa bốn bề tối tăm.

Gặp người sắc đẹp mê tâm
Liếc nhìn, trộm ngó… tưởng xâm phạm người
Phản quan soi chiếu biếng lười
Không thấy mặt thật mình thời chưa sinh.

Thấy tiền, vàng, ngọc… tham sinh
Mở to mắt ngắm ước mình chủ nhân
Gặp ai khốn khó cùng bần
Quay lưng, khép mắt chưa từng biết thương!

Thấy người dưng chết giữa đường
Từ bi không có, mắt thường làm ngơ
Gia đình mình chết bao giờ
Ái ân nhắc đến, lệ mờ đôi mi!

Tam Bảo không kính, còn khi
Gặp kinh, tượng Phật quay đi chẳng màng
Phòng tăng, điện Phật nữ nam
Mày đưa mắt liếc khởi tham ái tình.

Nhân quả chẳng sợ, chẳng tin
Không e hộ Pháp, mặc tình đắm say
Vô biên tội lỗi thế này
Từ nơi căn mắt lỡ gây nghiệp trần.

Đọa vào địa ngục khổ thân
Hằng sa kiếp mới lần lần thoát ra
Thân người dù được nhưng mà
Vẫn còn dư báo phải ra mù lòa.

Nếu không sám hối trước tòa
Không tiêu tội cũ, phải sa đọa đày
Con nay khẩn thiết giải bày
Cầu trên chư Phật quan hoài chứng minh.

Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát Ma-ha-tát (lễ 1 lễ)

2. Sám hối nhĩ căn

Con từ vô thủy đến nay
Quên đi chân tánh xưa rày tịnh thanh
Không biết nẻo chánh đường lành
Rơi ba đường khổ tử sanh nhiều đời.

Xét ra nghiệp ác đầy trời
Do sáu căn lỗi mê thời tạo ra
Nếu không sám hối tội qua
Làm sao tu sửa nghiệp tà tương lai?

*

Tai từng bao việc lầm sai
Ghét nghe Chánh Pháp, đắm say lời tà
Chân tâm mê nhận không ra
Chạy theo vọng cảnh hằng sa lỗi lầm.

Sáo đàn ồn náo loạn tâm
Say mê khen tiếng rồng ngâm non Bồng
Chuông vang trầm ấm nhẹ lòng
Nghe như ếch nhái ngoài đồng kêu đêm.

Nhạc đời lời tục đi tìm
Vừa nghe ca khúc tình liền vọng sanh
Câu kinh tiếng kệ lời lành
Bỏ qua chẳng chút tâm thành lắng tai.

Được người khen nịnh, dù sai
Nghe xong vui thích, ước ai khen hoài
Lời lành, hướng thượng thẳng ngay
Không nghe, còn lại giận ai khuyên mình.

Vài ba bạn rượu tâm tình
Rủ rê hoa liễu mặc tình ăn chơi
Gặp nhau chỉ nói chuyện đời
Thị phi, đâm thọc, nghe lời dệt thêu.

Thầy sáng bạn tốt dắt dìu
Ân cần chỉ bảo bao nhiêu cũng thừa
Che tai, lòng chẳng thích ưa
Những lời trung hiếu thầy vừa dạy khuyên.

Nghe kinh cảm thấy chán phiền
Còn nghe tiếng xuyến lòng liền khởi dâm
Trên đây vô lượng lỗi lầm
Do tai nghe tiếng kiếm tầm vọng duyên.

Chết sa ác đạo triền miên
Nhiều đời chịu khổ chẳng yên một ngày
Thân người dù được phước này
Vẫn còn dư báo điếc tai nhiều đời.

Nếu không sám hối chẳng lơi
Tội này phải chịu bao đời đọa sa
Chí thành sám hối trước tòa
Cầu trên chư Phật thương mà chứng minh.

Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát Ma-ha-tát (lễ 1 lễ)

3. Sám hối tỷ căn

Con từ vô thủy đến nay
Quên đi chân tánh xưa rày tịnh thanh
Không biết nẻo chánh đường lành
Rơi ba đường khổ tử sanh nhiều đời

Xét suy nghiệp ác đầy trời
Do sáu căn lỗi mê thời tạo ra
Nếu không sám hối tội qua
Làm sao tu sửa nghiệp tà tương lai?

*

Mũi từng bao nghiệp lầm sai
Tham mùi thơm lạ, tạo vay nghiệp trần
Pháp thân thanh tịnh hương chân
Không biết trân quý năm phần tâm hương.

Lan xông xạ ướp vấn vương
Chạy theo trần cảnh vào đường khổ không
Hương giới định tuệ ngát lòng
Chưa từng huân tập, cũng không biết mùi.

Trước mặt Tam Bảo đùa vui
Chiên đàn cúng Phật ngửi mùi chẳng kiêng
Không ngại Hộ Pháp linh thiêng
Trộm hương bất kính, cửa thiền giỡn chơi.

Má đào hương phấn không rời
Lôi đi cũng chẳng chịu dời bước chân
Bồ-đề cây giác xoay lưng
Hoa lòng đẹp nở chưa từng để tâm.

Món ngon quán chợ kiếm tầm
Nghe mùi bếp nấu khởi tâm thèm thuồng
Tanh hôi cá thịt không buông
Đam mê ô uế như tuồng heo dơ.

Vào chùa chẳng biết kính thờ
Hỉ mũi lau cột làm nhơ Phật đường
Say nằm điện Phật vất vương
Thở hôi kinh tượng khinh thường già-lam.

Tỳ-kheo sen ngửi chưa tham
Bị thần ao quở trộm làm của riêng
Thần thông tiên chứng tứ thiền
Nghe hương mỹ nữ còn liền khởi dâm.

Chỉ trong một niệm sai lầm
Không hay không biết rơi hầm khổ đau
Do vì mũi đắm trần lao
Vô biên tội lỗi từ nào đến nay.

Chết rơi vào cảnh đọa đày
Ba đường chịu khổ, kiếp dài trần sa
Cho dù đường ác thoát ra
Làm người bệnh mũi thở ra nhọc nhằn.

Nếu không sám hối ăn năn
Sao tiêu tội lỗi số hằng hà sa?
Nay con đối trước Phật-đà
Thành tâm sám hối thương mà chứng minh.

Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát Ma-ha-tát (1 lễ).

4. Sám hối tội lỗi thiệt căn

Con từ vô thủy đến nay
Quên đi chân tánh xưa rày tịnh thanh
Không biết nẻo chánh đường lành
Rơi ba đường khổ tử sanh nhiều đời

Xét suy nghiệp ác đầy trời
Do sáu căn lỗi mê thời tạo ra
Nếu không sám hối tội qua
Làm sao tu sửa nghiệp tà tương lai?
*
Lưỡi từng bao nghiệp lầm sai
Tham ăn đắm vị ngọt cay đều sành
Tổn thương sinh mạng chúng sanh
Nuôi thân thỏa miệng tạo thành tội sâu.

Chim bay cá lặn khác nhau
Thú rừng, gia súc cùng vào bếp ăn
Chìu theo khẩu nghiệp trói trăn
Tanh hôi không kể, tỏi hành chẳng kiêng.

Bao đời nhân quả triền miên
Ăn người tám lạng, trả liền nửa cân
Đến nay sinh tử bao lần
Tội kia đầy dẫy có phần tham ăn.

Vào chùa lễ Phật trai Tăng
Cơm chay thanh đạm cho rằng khó ăn
Nhịn đói lòng nghĩ lăng xăng
Mong xong việc sớm về ăn thịt thà.

Những ngày chay lạt qua loa
Mới ăn chút ít bảo là đã no
Khác nào người bệnh sầu lo
Gượng nuốt thuốc cháo để cho đỡ lòng.

Tiệc tùng ăn nhậu trông mong
Đầy bàn cá thịt trong lòng mới vui
Cơm qua rượu lại nói cười
Mang lên món nóng, lạnh thời dẹp đi.

Đãi khách, cưới gả những khi
Sát sinh hại vật chỉ vì miệng tham
Biết bao tội lỗi đã làm
Chỉ vì cái lưỡi còn tham vị trần.

Lưỡi còn gây tạo ác nhân
Nói dối, hai lưỡi rẽ phân hiệp hòa
Dệt thêu những chuyện trăng hoa
Ác ngôn mắng chưởi gây ra khổ sầu.

Tam Bảo chẳng kính chút nào
Mắng chê nói xấu hỗn hào tăng ni
Mẹ cha nghịch cãi kể gì
Thánh hiền lừa dối, vua thì chê bai.

Việc người moi móc đúng sai
Lỗi mình che dấu như bài kẻ gian
Cổ kim bình luận nói càn
Khen chê phải quấy theo đàng chủ quan.

Lấy lòng khen nịnh giàu sang
Còn ai khốn khổ mắng càn nể chi
Chiếm chùa xua đuổi tăng ni
Người ăn kẻ ở khinh khi chửi thường.

Miệng ngọt lòng tợ đao thương
Thuốc độc ngoài lại bọc đường khó hay
Lỗi mình bao biện khéo thay
Chuyện không nói có, đúng sai ngược đường.

Trách trời oán đất chuyện thường
Đàm dơ khạc nhổ vãi vương sông hồ
Phòng tăng hý luận chuyện thô
Người đang niệm Phật xen vô ồn ào.

Lưỡi gây tội lỗi biết bao
Trong vô lượng kiếp, toán nào tính xong?
Chết sa địa ngục nát lòng
Nước đồng sôi đổ vào trong miệng này.

Lại thêm rút lưỡi trâu cày
Trải trăm ngàn kiếp không ngày tạm yên
Trả xong địa ngục tội khiên
Làm người dư báo hiện tiền ngọng câm.

Nếu không sám hối lỗi lầm
Làm sao hết tội khỏi hầm lửa sa?
Nay con sám hối trước tòa
Cầu trên chư Phật thương mà chứng minh.

Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát Ma-ha-tát (1 lễ).

5. Sám hối tội lỗi thân căn

Con từ vô thủy đến nay
Quên đi chân tánh xưa rày tịnh thanh
Không biết nẻo chánh đường lành
Rơi ba đường khổ tử sanh nhiều đời
Xét suy nghiệp ác đầy trời
Do sáu căn lỗi mê thời tạo ra
Nếu không sám hối tội qua
Làm sao tu sửa nghiệp tà tương lai?
*

Thân từng bao nghiệp lầm sai
Tinh cha huyết mẹ hình hài tạo nên
Bốn đại năm uẩn không bền
Duyên sinh giả hợp chẳng nên chấp mình.
Chấp thân là ngã, vọng tình
Quên đi chân tánh của mình bấy lâu
Làm ra ba nghiệp dãi dầu:
Sát sinh, trộm cắp, tham cầu tà dâm.

Sát sinh không chút từ tâm
Đều do một niệm sai lầm mà ra
Không hay vật cũng như ta
Tham sống sợ chết, từng là mẹ cha.
Ngộ sát, cố sát nghiệp tà
Hoặc tự mình giết, hay là xúi ai
Làm bùa cầu hại người ngay
Thức ăn đầu độc chết hay bệnh dần.
Nhẫn tâm không chút lòng nhân
Đốt rừng giết thú muôn phần phần thảm thương
Chặn nguồn cá cạn cùng đường
Đuổi tận giết tuyệt không thương loài nào.
Lưới giăng bẫy rập vây rào
Chim ưng, chó dữ xua vào đuổi săn
Chưa từng một niệm ăn năn
Khởi lòng thương xót nghĩ rằng sẽ không.
Thấy nghe giết hại vui lòng
Khởi tâm động niệm vào vòng tội khiên
Xuống lên sinh tử triền miên
Tội sát đầy dẫy như miền rừng hoang.

Trộm cắp nghiệp bởi tham lam
Của người lại muốn chiếm làm của riêng
Móc túi, phá két trộm tiền
Đột nhập, bẻ khóa… lấy khiêng sạch nhà.
Của chùa trộm cắp không tha
Không tin tội phước, gian tà nhiễm tâm
Ngọc vàng hay chỉ cây tăm…
Không cho mà lấy tội lâm vào mình.

Tà dâm mắt đắm sắc thinh
Tâm mê tham ái, phụ tình phu thê
Liêm trinh chẳng sợ cười chê
Thỏa lòng tư dục không hề thẹn tâm.
Hoặc nơi đất Phật ăn nằm
Gái trai gần gũi làm xằng việc yêu
Mày đưa mắc liếc đủ điều
Ném hoa chọc ghẹo, cười trêu gái lành.
Gian dâm, hãm hiếp ác hành
Vô biên tội lỗi hình thành từ dâm
Chết sa ngục khổ tối tăm
Trai ôm cột lửa, gái nằm giường chông.
Muôn kiếp nghiệp trả chưa xong
Làm người dư báo thân không vẹn toàn
Tội xưa cao chất bằng non
Nghiệp nay tiếp tục vẫn còn diễn sinh.

Nếu không rửa sạch tâm mình
Ăn năn sám hối tội tình nào tiêu
Trước tòa Tam Bảo cao siêu
Con xin sám hối những điều nghiệp thân.
Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát Ma-ha-tát (1 lễ).

6. Sám hối tội lỗi ý căn

Con từ vô thủy đến nay
Quên đi chân tánh xưa rày tịnh thanh
Không biết nẻo chánh đường lành
Rơi ba đường khổ tử sanh nhiều đời

Xét suy nghiệp ác đầy trời
Do sáu căn lỗi mê thời tạo ra
Nếu không sám hối tội qua
Làm sao tu sửa nghiệp tà tương lai?
*
Ý từng bao nghiệp lầm sai
Phan duyên phân biệt không ngày tạm yên
Tình trần trói buộc xích xiềng
Mê tâm chấp tướng não phiền tự gây.

Như tằm kéo kén tự vây
Nhả tơ càng lắm càng dày buộc thân
Bướm đêm đèn sáng lại gần
Sa vào lửa dữ đốt thân hại mình.

Mê tâm điên đảo khởi sinh
Đều do ba độc vọng tình gây ra
Tham, sân, si nghiệp bao la
Gây nên khổ não hằng sa tội tình.
*
Tham lam thấy của tâm sinh
Âm mưu chiếm đoạt cho mình xài riêng
Thấy người tài giỏi, ngoan hiền
Còn mình thua kém lại phiền ghét ganh.

Gặp người hoạn nạn nỡ đành
Làm ngơ tiếc của chẳng dành một xu
Cúng chùa bỏ chút mặc dù
Cầu xin đủ việc đền bù tốn hao.

Bán buôn tham lợi hại nhau
Dối gian, dơ, độc…miễn sao lời nhiều
Của tiền dù có bao nhiêu
Túi tham không đáy vẫn kêu mình nghèo!

Biết rằng chết chẳng đem theo
Gạo dư để mục, người nghèo chẳng cho
Áo quần treo kín cả kho
Để người chịu rét chỉ lo phần mình.

Được người ngàn vạn còn xin
Bỏ ra một chút thấy mình tốn hao
Bạc vàng châu báu biết bao
Chưa từng bố thí đồng nào cho ai.

Tính toan kiếm của cả ngày
Đêm nằm sợ trộm cửa gài không yên
Lao tâm tổn trí não phiền
Đều do tham nghiệp làm duyên buộc mình.
*
Từ tham sân hận phát sinh
Giận người vì bởi trái mình mà ra
Lửa sân một đóm lan xa
Đốt mình cũng đốt cả nhà thiện duyên.

Hét la, đập phá, trách phiền
Hơn thua tranh chấp đâu riêng người đời
Xuất gia kinh luận tranh hơi
Cãi nhau, công kích nhiều lời khó nghe.

Giận thầy, phỉ báng kéo phe
Mẹ cha la mắng, bạn bè từ nhau
Cỏ nhẫn khô héo úa màu
Lửa độc lừng lẫy bốc cao ngất trời.

Ác ngữ giận mắng theo đời
Hại người tổn vật những lời độc cay
Từ bi không nhớ mảy may
Không tuân luật cấm, mặc ai phê bình.

Mở miệng thiền đạo, điển kinh
Gặp duyên đối cảnh mê tình như ngu
Cửa không khoác áo nhà tu
Lòng chưa vô ngã, công phu sơ sài.

Như cây khô bắt lửa ngay
Lửa quay lại đốt cây này thành than
Bao nhiêu tội lỗi buộc ràng
Đều do sân nghiệp một đàng gây nên.
*
Ngu si lầm lỗi là nền
Tham sân… các tội xây trên nghiệp này
Tối tăm, cố chấp sâu dày
Không phân thiện ác, đúng sai thế nào.

Như ngu giết gấu, mất tay
Đốn cây ngã chết dại này tự mang
Mắng Phật tội báo buộc ràng
Nhìn trời phun bọt mặt càng dính dơ.

Vong ân phụ nghĩa trước giờ
Không lòng nhân đức làm ngơ ân tình
Không biết tự xét lại mình
Là do si nghiệp tội tình mà ra.

Như đây tội lỗi hằng sa
Nghiệp si sâu nhất tạo ra mọi điều
Chết sa ngục tối khổ nhiều
Trải trăm ngàn kiếp khó tiêu tội này.

Thân người dù được như nay
Vẫn còn dư báo người hay dại khờ
Nếu không sám hối nghiệp nhơ
Làm sao hết tội, bao giờ tịnh thanh?

Con nay một dạ chí thành
Sám hối bỏ ác, làm lành tu tâm
Vung gươm tuệ dứt lỗi lầm
Cầu trên chư Phật âm thầm chở che.

Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát (2 lần)
Nam-mô Cầu Sám Hối Bồ-tát Ma-ha-tát (1 lễ).

Giới thiệu bản dịch thơ Sám Hối Sáu Căn

Sám Hối Sáu Căn có xuất xứ từ “Lục Thời Sám Hối Nghi” (Nghi thức sám hối trong sáu thời) trong sách Khóa Hư Lục của Ngài Trần Thái Tông (1218-1277), một vị vua tài đức mà cũng là một vị thiền sư cư sĩ lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam đời Trần. Trần Thái Tông soạn nghi thức sám hối này dựa trên sám hối tội lỗi từ sáu căn: mắt tai mũi lưỡi thân ý, phối hợp với sáu thời, mỗi thời sám hối một căn.

Chúng ta hiện có bốn bản dịch Việt Ngữ của Khóa Hư Lục, gồm:

1. Khóa hư lục, Thiều Chửu dịch, Nxb Hưng Long, S, 1961.

2. Khóa hư lục, Nguyễn Ðăng Thục dịch, Nxb Khuông Việt.

3. Khóa hư lục, Ðào Duy Anh dịch, Nxb KHXH, H, 1974.

4. Khóa hư lục, Sa môn Thích Thanh Kiểm dịch, Thành hội PG Tp.HCM xb, 1992.

Tất nhiên, Lục Thời Sám Hối Nghi cũng được các dịch giả trên dịch ra Việt ngữ.

Nhưng có lẽ dịch và biên soạn nghi thức sám hối dựa trên nội dung của Lục Thời Sám Hối Nghi, chỉ có Hòa thượng Thích Thanh Từ. Hòa thượng đã dịch phần chánh văn của Lục Thời Sám Hối Nghi, biên tập lại nghi thức, lấy tên là Sám Hối Sáu Căn, được dùng trong hệ thống thiền viện của Hòa thượng và phổ biến ở một số Đạo tràng. Hòa thượng đề xướng sử dụng Nghi Thức Sám Hối Sáu Căn của Việt Nam là đề cao văn hóa và tinh thần dân tộc, một trong những nỗ lực khôi phục lại Phật giáo Thiền Tông đời Trần của Ngài.

Về mặt dịch thuật, Hòa thượng dịch Sám Hối Sáu Căn sát với nguyên văn chữ Hán, tương đối dễ hiểu cho người đọc tụng. Tuy nhiên, Hán văn vốn ngắn gọn, súc tích, nhiều chỗ lại dùng điển tích, nếu dịch quá sát tuy được phần Tín (trung thực) về lời, nhưng lại thiếu phần Đạt (sáng rõ) về nghĩa và Nhã (hay đẹp) về âm vận.

Vì vậy, bút giả đã căn cứ vào nguyên văn chữ Hán, thử chuyển dịch lại phần Sám Hối Sáu Căn theo thể thơ lục bát. Chỗ nào súc tích và có điển tích lại diễn dịch thêm cho người đọc tụng dễ hiểu. Bút giả cố gắng trung thành với nguyên ý của nguyên tác, nhưng ngôn ngữ và diễn đạt có sự sáng tạo nhất định qua vần điệu thơ ca.

Ngoài ra, bút giả cũng dịch phần Thật Tướng Sám Hối mà đức Phật đã dạy trong Kinh Quán Phổ Hiền Hành Pháp. Đây là phần bổ túc quan trọng cho phần Sám Hối Sáu Căn. Nếu không có trí tuệ bát-nhã quán chiếu tánh tội vốn không, thì không thể khế hợp với tinh thần trực chỉ đốn ngộ của Thiền tông. Lại nữa, người tu không những phải vượt qua tội lỗi, mà còn phải vượt qua mặc cảm tội lỗi nhờ phương pháp Thật Tướng Sám Hối này. Phương pháp thật tướng sám hối là tụng đọc kinh Đại thừa, quán chiếu các pháp thật tướng vô tướng, tội tánh vốn không, liền dứt trừ tội lỗi. Ví dụ, nói về sám hối nhãn căn, Kinh Quán Phổ Hiền Hành Pháp dạy:

Nhãn căn tạo ác sâu dày
Nghiệp duyên chướng ngại mắt đầy tội nhơ
Đại Thừa đọc tụng nương nhờ
Tư duy thật tướng tội nhơ không còn
Sám hối vầng tuệ sáng tròn
Bóng đêm ác nghiệp đâu còn mảy may.

Mong rằng “văn dĩ tải đạo”, bản dịch Sám Hối Sáu Căn này sẽ góp phần làm phong phú thêm nền văn học Phật giáo Việt Nam, cũng như giúp cho hành giả có một nghi thức sám hối sáu căn dễ tụng dễ hiểu.

Hòa thượng và những vị đi trước đã mở ra một con đường. Với lòng tri ân và tôn kính của hàng hậu học, bút giả xin góp một bàn tay mở rộng lớn hơn con đường xưa, lại trồng thêm cây xanh để lấy bóng mát cho thế hệ tương lai. Bản dịch thơ Sám Hối Sáu Căn xin dâng lên cúng dường các bậc Đạo sư, cũng như kết duyên cùng độc giả Phật tử xa gần.

Nam-mô Công Đức Lâm Bồ-tát Ma-ha-tát.

Sakya Minh-Quang kính ghi
Ngày 4 tháng 3, 2020

(Nguồn: Tu Viện Thiện Tường Facebook)

(Photo: Tu Viện Thiện Tường/ Facebook)
(Photo: Tu Viện Thiện Tường/ Facebook)
(Photo: Tu Viện Thiện Tường/ Facebook)
(Photo: Tu Viện Thiện Tường/ Facebook)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *