Thiền sư và kẻ ngốc

*Đọc 5 phút*

Bài TRẦN TUẤN VIỆT

(Ghi chép này xin phép chỉ dành cho những người quan tâm đến thiền)

Sư Kim Triệu được coi là Thánh Tăng với gần một thế kỷ cống hiến cho Chánh Pháp. Ngoài trí tuệ sắc bén được mài giũa qua nhiều thập niên nghiên cứu và thực hành thiền, cũng như quá trình học tập trực tiếp từ các thiền sư lỗi lạc của thế giới như các Ngài Goenka, Shwe Oo Min, Mahasi, Dipa Ma..; Sư Kim Triệu còn tỏa ra lòng Từ Bi vô điều kiện với các học trò năm châu, dù căn cơ người ấy cao hay thấp, thân phận sang hay hèn.

Tôi may mắn được ở gần Sư trong lần hiếm hoi Ngài về nước giảng Pháp, nên mạn phép chép lại những điều tôi còn nhớ được trong những lần tham vấn (trình Pháp) với Sư. Dù việc trình Pháp diễn ra ở đâu: trong phòng riêng, tại thiền đường, ngoài bãi biển, hay trên đỉnh núi; dù câu hỏi có ngô nghê đến cỡ nào, thì Sư luôn kiên trì giảng giải cặn kẽ, với hành ngôn trong sáng bình dị.

Ở tuổi 92 sức khỏe của Sư đã yếu đi rất nhiều theo quy luật tất yếu Sinh Già Bệnh Chết, Thành Trụ Hoại Diệt của mọi tạo vật trong vũ trụ, Ngài vẫn không quản ngại trải qua hơn 48 giờ bay và di chuyển để đến truyền lại cho những kẻ u tối như tôi niềm cảm hứng để bước đi trên con đường ánh sáng của Buddha, thoát khỏi sự vô minh (tất nhiên, có đủ can đảm bước đi vững chãi hay không, và bước đi bao lâu, bao xa thì tôi chưa dám nói).

Xin tặng các thiền sinh và người quan tâm đến thiền những lời dạy ngắn gọn của Ngài mà tôi thấy tâm đắc.

Ngày 1: Bạch Thày, tại sao Thày dạy chúng con Thiền Vipassana mà không phải là thiền khác?
– Đức Phật đã nói rằng Thiền Vipassana là cách ngắn nhất và trực diện nhất để đạt tới sự giải thoát, khỏi ràng buộc của Tham Sân Si ngay khi ta còn sống. Điều may mắn là Đức Phật dạy ta đúng cái cách mà chính Ngài đã từng thực hành để đạt đến giác ngộ, vì vậy cứ yên tâm mà đi theo.

Ngày 2: Bạch Thày, khi tham thiền phải quan sát hơi thở và bụng phồng xẹp để làm gì?
– Nhà của Tâm là Thân. Nhưng Tâm của con thường xuyên vắng nhà để đi lang thang trong quá khứ, tương lai và tưởng tượng. Quan sát hơi thở để dẫn cái Tâm về với nhà của nó. Thiền tập nhằm mục đích chữa bệnh cho Tâm, nên ta phải mời nó về nhà thì chữa mới tốt được.

Ngày 3: Bạch Thày, con đã từng tập Vipassana theo cách của ngài Goenka nhưng thấy cơ thể mệt mỏi, co cứng.
– Vipassana có bốn đối tượng để quán sát là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Phương pháp của thày Goenka là quán Thọ có thể không phù hợp với người nhiều ham muốn như con. Chính ta từng học ngài Goenka nên ta biết sự này.

Ngày 4: Bạch Thày, hầu hết Phật tử đều từng nghe đến cụm từ Giới Định Tuệ. Có người nói với con là sau khi có Giới thì phải học Thiền Định rồi mới đến Thiền Tuệ.
– Vipassana là Thiền Tuệ, nhưng trong nó đã có sát-na Định. Vậy con không cần học thêm Thiền Định trước khi học Thiền Tuệ. Nhưng nếu con muốn học thêm Thiền Định thì cũng tốt thôi, có nhiều thiền sư giỏi cả hai loại thiền. Nhưng nhớ rằng Thiền Tuệ là con đường ngắn nhất đi tới giải thoát.

Ngày 5: Bạch Thày, con chạy half-marathon không hụt hơi, vậy mà chỉ đi thiền vài vòng hoặc ngồi thiền vài phút đã thấy tức ngực như thiếu oxy.
– Là do tâm Tham đó con. Đừng ham muốn phải đạt được điều này điều nọ khi hành thiền, hãy ghi nhận, và ghi nhận mà thôi.

Ngày 6: Bạch Thày, con đã bắt đầu quan sát thấy những ý nghĩ xấu khởi lên trong Tâm mình. Nhưng mỗi lần như vậy lại thấy tức bụng.
– Là do tâm Sân đó con. Còn phán xét là còn Sân, dù là phán xét chính mình hay người khác. Hãy ghi nhận, và ghi nhận mà thôi.

Ngày 7: Bạch Thày, con đã bắt đầu biết ghi nhận những gì đang diễn ra trong tâm mình. Nhưng có lợi gì từ việc đó?
– ‘Ghi nhận đúng’ trong tiếng Pali là Samma Sati, còn gọi là Chánh niệm. Ở đâu có Chánh niệm thì có ánh sáng, xua đi bóng tối của Tham Sân Si. Con không cần ghét Tham Sân Si vì nó là những thứ tồn tại tất yếu trong vũ trụ, chỉ cần thắp sáng Chánh Niệm thì bóng tối kia sẽ tự tan đi.

Ngày 8: Bạch Thày, chúng con nên tập thiền Vipassana khi nào?
– Nên tập mọi nơi mọi lúc: khi đi – đứng – nằm – ngồi, khi đang ăn hoặc sắp ngủ, khi làm việc hoặc tắm giặt, thậm chí khi đại tiểu tiện. Cứ quan sát và ghi nhận quá trình tâm khởi lên ý định làm việc gì, rồi tiến trình ta thực hiện việc đó. Nếu trong khi quan sát mà thấy xuất hiện một suy nghĩ hoặc cảm giác nào đó thì hãy tiếp tục ghi nhận nó mà đừng phán xét. Dần dần các con sẽ thấy thích thú với việc quan sát này, rồi trí tuệ sẽ phát sinh, đừng sốt ruột.

Ngày 9: Bạch Thày, Đức Phật nói Bát Chánh Đạo là con đường tám nhánh để thoát khổ. Vậy Vipassana có liên quan gì đến Bát Chánh Đạo?
– Tập Vipassana là để trau dồi Chánh niệm, chính là sự Ghi nhận đúng. Có Ghi nhận đúng sẽ có Suy nghĩ đúng (Chánh tư duy), từ đó sẽ có Nhận thức đúng (Chánh kiến) mà dẫn tới Lời nói đúng (Chánh ngữ), Hành động đúng (Chánh nghiệp) và Đời sống đúng (Chánh mạng).

Ngày 10: Bạch Thày, con đang trên chuyến bay về nhà, không còn được ở bên Thày để hỏi những câu ngốc nữa, nhưng con sẽ cố gắng tu tập để chữa bệnh cho cái tâm đầy tham sân si này, và được SỐNG trong tỉnh giác trọn vẹn từng phút giây thay vì chết trong mê mờ từng giây phút.

Ngài Kim Triệu và Trần Tuấn Việt

(Nguồn: Trần Tuấn Việt / Facebook, ngày 17 tháng 2, 2020. Tựa nguyên thủy của bài viết là “Kẻ ngốc và Thiền sư.”)

Vài dòng về tác giả:

Trần Tuấn Việt là một bạn trẻ yêu đời sống tại Hà Nội, đang giữ vai trò giám đốc tiếp thị tại ngân hàng VPBank. Anh rất thích chạy bộ, chạy marathon. Để biết anh vừa thiền vừa yêu đời cỡ nào, xin đọc bài thơ dưới đây mà Việt đã đăng trên Facebook ngày 23 tháng 2, 2020, sau khi viết bài về Ngài Kim Triệu.

Bước chạy đầu tiên
Sau khóa học thiền
Chạy chỉ biết chạy
Không nghĩ liên thiên

Chân hôn mặt đất
Bụng thở vào ra
Đếm bước chẵn lẻ
Mặc kệ gần xa

Không ham pace khủng
Chẳng giận chân rùa
Nhưng cần ảnh xịn
Đồ đẹp vẫn mua 


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *