Vài ý nghĩ về tụng kinh

*Đọc 4 phút*

Bài ĐỒNG PHÚC

Bạn có thể đến chùa để tụng kinh, học tụng kinh theo các thầy cô, và đến một lúc nào đó khi đã vững niềm tin, bạn có thể tụng kinh ở bất cứ nơi nào, giữa đám đông đại chúng hay ở trong một căn phòng nhỏ hẹp của riêng mình, nơi chỉ có bạn với hình ảnh của Đức Phật ngay trước mặt.

Những người đi trước đã nói với kẻ đi sau rằng đến một lúc nào đó, người kiên trì tụng kinh sẽ được nhập vào cảnh giới của Phật, không còn ở cảnh giới của nhị nguyên. Đơn giản hơn, tụng kinh là để hiểu và sống theo lời Phật dạy.

Tụng kinh, trì chú, niệm Phật là ba phương pháp tu hành gồm đủ hai yếu tố lý thuyết và thực hành, mà ở chùa các tăng ni thường gọi là Lý và Sự. Cho dù người chọn tu hành trong chùa nơi có môi trường thuận tiện cho việc giữ tâm thanh tịnh, hay tu giữa cuộc đời xôn xao chuyện thế sự mà tâm rất dễ bị lôi cuốn, và cho dù tu theo pháp môn nào chăng nữa, thì hầu như không ai có thể rời tụng kinh, trì chú, niệm Phật trên con đường học Phật để thoát vòng sinh tử luân hồi, để thật sự được sống tự do không bị ràng buộc, chấp trước, được đến đích giải thoát mà hành giả từng định hướng cho kiếp người hiếm có và quý báu này.

Tụng kinh là đọc lại, ôn lại một cách chí thành, tôn kính những lời Đức Phật đã dạy trong kinh điển, hợp với chân lý và căn cơ của chúng sanh. 

Trì chú là nắm giữ một cách chắc chắn lời bí mật của Chư Phật. Các bài chú đều có oai thần và công đức không thể nghĩ bàn, dứt trừ được nghiệp chướng, tiêu tai giải nạn và tăng trưởng phước huệ, nên cũng gọi là thần chú. 

Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, hình dung Phật và đức hạnh của Phật, để luôn luôn cố gắng noi theo bước chân Ngài.

Trên con đường tầm đạo, học đạo và hành đạo, một hành giả mong được giải thoát thì không thể chỉ thờ, lạy và cúng Phật. Đó mới là những bước đầu về hình thức, chưa thể gọi là thuần thành. Người Phật tử thuần thành còn phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Nếu bỏ qua ba phần sau này, thì ba phần trước là thờ, lạy và cúng khó có thể viên dung cả Sự và Lý.

Cư sĩ Khánh Chi có nhắc nhở các bạn đạo rằng “Khi miệng tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tay gõ mõ, đánh chuông, lần chuỗi, thì tâm trí phải gột rửa hết bao ý nghĩ bất chính, những ham muốn đê hèn, và đặt vào đấy hình ảnh của Đấng Từ Bi. Rồi phải noi gương Ngài, mở lòng thương rộng lớn, nghĩ đến nỗi thống khổ của muôn loài và phát nguyện đem sức mình ra, ban vui cứu khổ cho tất cả. Đến khi thôi tụng niệm, trở lại tiếp xúc việc đời, thì phải làm thế nào cho những hành động của mình cũng được từ bi như tư tưởng và lời nói của mình vậy.”

Cũng liên quan đến vấn đề tụng kinh, Thượng Tọa Tịnh Quang có viết lời khuyên trên trang nhà của Tu Viện Bích Nham ở thị xã Pine Bush, tiểu bang New York: “Nếu tâm tư quý vị đang xôn xao, xin mời quý vị ngồi xuống thật yên để lắng nghe những lời kinh. 

“Quý vị có thể tụng kinh chung với quý thầy cô và với đại chúng. Những bài kinh như Hướng Về Kính Lạy, Mười Nguyện Phổ Hiền hoặc Quy Nguyện… nghe tới đâu thì quý vị hiểu tới đó. Lời kinh thấm vào cơ thể và tâm hồn, đem tới cho quý vị niềm an ủi, lắng dịu, giúp cho quý vị thấy được tâm cũng như hoàn cảnh của quý vị một cách rõ ràng, và nhờ đó quý vị có thể tìm được hướng đi hoặc cách hành xử cần thiết để giải quyết những thắc mắc, khó khăn của chính mình.”

Này bạn, cho dù chưa hiểu lời kinh lúc đầu mới đọc tụng, bạn cũng không nên cố gắng hiểu cho được ý kinh, mà hãy chú tâm hòa giọng của mình theo chư tăng ni và các đạo hữu để quen nhịp và nhập vào bầu không khí mầu nhiệm, thanh tịnh của buổi tụng kinh mà muôn đời không có lại lần thứ nhì. Sau nhiều buổi tụng kinh, bạn sẽ thấy ý kinh dần dần hiển lộ một cách tự nhiên, giúp bạn càng thêm phấn khích và tiến tu hơn nữa trên nẻo đường về với Phật.

(Photo taken in Odessa, Ukraine / Getty Images)

(Nguồn: Nhật Báo Viễn Đông, 13 tháng 2, 2019)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *