Niệm Phật mà không được nhất tâm thời làm thế nào?

*Đọc 3 phút*

Lời HT THÍCH TRÍ TỊNH

Phải dứt tưởng dừng lo, rồi chậm chậm mà niệm. Phải làm sao cho tiếng hiệp với tâm, tâm duyên theo tiếng. Niệm như vậy lâu lâu thời các vọng niệm tự đứng lặng, tâm cảnh tuyệt chiếu chứng nhập “niệm Phật Tam muội.”

Hằng ngày cần phải niệm cho thường, từ nghìn đến muôn, tâm đừng gián đoạn thời rất dễ thuần thục. Nếu cố ép tâm cho nhất, thời trọn không thể nhất được.

Vọng niệm diệt dứt, đó là chân tâm thường trụ của chư Phật. Vọng niệm mà còn đó là nghiệp tâm sinh tử của chúng sinh. Nếu các người có thể miên mật gia công, tâm không một mảy hở trống thời mới đặng tương ưng đôi phần.

Phải dè dặt, đừng có vừa thực hành đặng nửa năm hay mười tháng, rồi tự cho là mình đã có công tu hành. Phải biết rằng quan niệm tự đắc ấy, chính là chỗ chướng đạo. Rất phải cẩn thận! Mặc dầu có gắng sức công phu, nhưng nếu niệm lực chưa vững như núi đồng, chắc như vách sắt, xô không ngã, lay không động, thời vẫn chưa phải đã thành nhất phiến đâu.

Chớ có mới vừa được đôi chút đắc lực bèn dừng tay, mà thành lỗi “bán đồ nhi phế,” có khi rồi phải hỏng cả công phu trước, đây là chứng bệnh lớn của các nhà tu hành, cần phải biết.

Nên hiểu rằng: Phật pháp như biển cả càng vào càng sâu, không phải đôi chút tri kiến mà thấu hết được. Phải gia công tu tập trọn đời, đi mãi đến nguồn đến đáy làm mục đích, không nên có quan niệm xem thường.

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (hình không rõ nguồn)

Một câu A Di Đà Phật đây, chẳng phải từ tư tưởng sinh, chẳng phải do ức niệm mà có, không phải ở trong, không phải ở ngoài, không có tướng mạo. Đó chính là bặt hết các vọng tưởng, cùng với chân thân vi diệu thanh tịnh của Như Lai không phải đồng, không phải khác, không thể phân biệt là đồng là khác. Niệm Phật như vậy, thời phiền não trần lao không đoạn dứt mà cũng không hệ phược, duy là nhất tâm thôi. Được nhất tâm rồi mới phải là “chấp trì danh hiệu,” mới được gọi là “nhất tâm bất loạn.” Đến đây thời tịnh nghiệp thành công, thẳng lên bậc “Thượng phẩm.”

Niệm Phật như thế nào mới đầy đủ công đức?

– Điều kiện thứ nhất, trong lúc tụng niệm, phải rành rẽ rõ ràng. Rành rẽ là chữ câu rành rẽ không lộn lạo mù mờ. Rõ ràng, là tiếng nói rõ ràng, không trại tiếng.

– Điều kiện thứ hai, tiếng phải hiệp với tâm, tâm phải duyên theo tiếng, tâm và tiếng hiệp khắn với nhau.

– Điều kiện thứ ba, phải chí thành tha thiết, với Đức Từ Phụ, lòng ta như con thơ nhớ mẹ, với cõi Cực Lạc lòng ta như viễn khách tưởng cố hương.

– Điều kiện thứ tư, không cho xen lộn một mảy tưởng niệm thế sự, nghĩa là phải luôn nhiếp tâm trụ nơi tiếng niệm Phật, không xao lãng. Nếu lỡ xao lãng phải liền nhiếp thâu lại. Với trường hợp đây, chú tâm nhận chắc lấy tiếng của mình niệm là công hiệu nhất. Bồ Tát lại bảo ta lúc đi đứng nằm ngồi, khi ăn khi uống… đều nên quay mặt về hướng Tây, để tâm ta lúc nào cũng tưởng nhớ Cực Lạc thế giới, hầu giúp cho công phu tịnh nghiệp chóng thành. Về điều này ta có thể trừ lúc khạc nhổ, đi đại tiểu tiện, còn tất cả thời đều nên hướng về Tây phương.

Nếu theo đúng các điều kiện đã dạy trên đây mà gia công thực hành, trong một thời gian tiếp tục luôn không gián đoạn sẽ được “bất niệm tự niệm.”

Tổ Thiện Đạo và Tổ Vân Thê gọi là được niệm niệm tương tục. Được niệm niệm tương tục này mà giữ vững trọn đời thời sự vãng sinh đã bảo đảm.

Tiến thêm, nếu càng gia công chí thành khẩn thiết chuyên niệm không hở, trong quên thân ngoài quên cảnh, thời chứng nhập “Chính ức niệm Tam muội” cũng gọi “Sự niệm Phật Tam muội” mà cũng chính là “Sự nhất tâm bất loạn.”

(Nguồn: Đường về Cực Lạc, 2010)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *