Thầy Thường Tín, một hành giả tu và hoằng pháp Tịnh Độ

*Đọc 21 phút*
Bức tranh cổ Trung Hoa, không rõ thời nào, nói về sự tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà đưa chúng sanh về cõi Tịnh Độ, đăng trên mạng Buddha Door.

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Ngôi nhà bậc trung đó nằm ở góc đường Nutwood St. và Law Dr., khang trang, tươm tất trong một khu gia cư tương đối yên tịnh ở mạn đông của thành phố Garden Grove. Trước sân nhà có một cây cổ thụ lớn, quanh năm che bóng mát cho một tư gia mà thoạt nhìn trông hòa lẫn với các tư gia khác ở chung quanh, với sân cỏ, cây xanh được chăm sóc và một hai chiếc xe đậu trước garage. Không có một dấu hiệu nổi bật nào cho thấy cơ ngơi này thật ra lại khác với các căn nhà trong cùng khu phố. Mái nhà đó chính là Trang Nghiêm Tịnh Độ Đạo Tràng, một nơi chuyên tu pháp môn Niệm Phật mà chúng tôi may mắn được biết tới.

Quận Cam có khá nhiều chùa, đạo tràng của người Việt mình. Bất cứ ai có tâm cầu đạo thì chỉ cần lái xe không tới mười phút là có thể thăm quý tăng ni, làm quen với các bạn đạo, để tìm hiểu, học hỏi từ những thiện tri thức đó về con đường giải thoát sanh tử luân hồi mà Đức Phật vào thời ban sơ hơn hai ngàn năm trước ở đất Ấn Độ đã chỉ cho chúng sanh. Cũng với cái tâm như vậy, chúng tôi được đến thăm Thượng Tọa Thích Thường Tín vào một buổi chiều Chủ Nhật đầu tháng Giêng 2019. Đạo tràng của thầy cách nhà chúng tôi chừng mười-lăm phút lái xe.

Nói là “được” vì buổi gặp gỡ đó là phước duyên lớn cho vợ chồng chúng tôi, nhất là cho bản thân tôi, bởi có dịp gặp quý thầy để hỏi về đạo không phải là chuyện dễ, không hẳn “muốn” là “được.” Tôi nghiệm thấy điều đó qua những lần được tiếp xúc, hoặc bị vuột cơ hội, với các vị tu hành. Khi duyên chưa đủ thì thầy với trò như hai con thuyền trôi trong đêm tối, đi sát bên mà lại không thấy nhau giữa không trung đen như mực. Thầy Thường Tín có khóa tu niệm Phật cứ mỗi hai tuần một lần ở đạo tràng nói trên, được tổ chức trong ba ngày liên tục thứ Ba, thứ Tư, và thứ Năm. Vợ tôi có đủ duyên đến dự nên hầu như khóa nào cũng có mặt. Còn tôi, vì lo kiếm ăn suốt ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, chỉ còn ngày Chủ Nhật được nghỉ làm để “thở,” làm dăm ba chuyện cần thiết chung quanh nhà, mà nhất là để ngủ lấy lại sức, nên có muốn đến dự khóa tu của thầy cũng khó. Vậy mà không hiểu sao, không nhớ rõ nguyên do lắm, tôi từng “nhín chút thời giờ” đến niệm Phật ở đạo tràng của thầy trong hai buổi sáng, và một lần được hòa mình với đại chúng niệm Phật theo thầy trên “chùa núi” Chơn Sung Tự ở Valley Center, Hạt San Diego.

Qua những kinh nghiệm tuy hiếm hoi đó, tôi cảm nhận được sự thành khẩn, hết lòng tu hành miên mật ở Thầy Thường Tín đối với pháp môn Tịnh Độ. Nên khi thực hiện chủ đề về pháp môn này cho số báo Tinh Tấn thứ ba, tôi có nghĩ đến thầy. Thật ra thì tôi đã nêu ý muốn phỏng vấn thầy ngay từ  lúc biếu thầy số báo Tinh Tấn đầu tiên nhưng thầy không nói gì hết. Lần thứ hai khi tôi tặng số báo thứ nhì, thầy từ chối với lý do thầy chuyên tu, không muốn nói về đạo tràng của thầy trên báo trong khi thầy còn khá trẻ so với quý chư tăng đã đi sâu và xa hơn trên con đường hoằng dương tông Tịnh Độ này.

Nghe vậy tôi cũng đành chịu, tính cho vụ này “chìm xuồng” luôn. Nhưng rồi vận may đã đến ở lần thứ ba. Biết tôi có ý tìm hiểu về trường hợp của một hành giả lớn tuổi vừa thoát khỏi móng vuốt của bệnh ung thư nhờ chuyên trì danh hiệu Phật, lại thấy tôi khẩn khoản muốn nghe câu chuyện của vị pháp lữ ấy cùng sự kỳ diệu của pháp môn niệm Phật, thầy đồng ý cho tôi có được một buổi đàm đạo. Thế rồi tự hiểu mình chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm trước một vị tăng chuyên tu gần như gồm đủ đạo tâm, đạo hạnh và đạo lực như thầy Thường Tín, và để tránh nêu ra những câu hỏi “ngớ ngẩn,” tôi rủ vợ cùng đi. Nàng nhà tôi không chỉ là một bạn đạo mà tôi rất quí trọng, còn là người hiểu được ý tôi muốn nói mỗi khi tôi không trình bày được hết những tư tưởng đang nhào lộn vô trật tự trong đầu.

Dưới đây là trích đoạn từ buổi đàm đạo hi hữu chiều Chủ Nhật hôm ấy. Đặc biệt ngày đó vị pháp lữ đã thoát khỏi bệnh ung thư cũng ưu ái ngồi cùng chúng tôi và nghe thầy chia sẻ về hành trình tu tập của thầy và những ý tưởng tuy có vẻ miên man, bất chợt nhưng hàm chứa nhiều điều thâm thúy, thể hiện một công phu tu trì nghiêm mật trải suốt hơn hai thập niên.

(Photo: Bùi Đức Nhượng)

Có người tuy cũng là Phật tử mà không tin có Phật A Di Đà, kính bạch thầy, thầy nghĩ sao?

“Nói về pháp tu, tại sao có Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật Giáo Đại Thừa? Lý do là tại người ta bất đồng với nhau. Không đồng ý với nhau nên mới chia ra. Mấy năm trước tôi có đi đảnh lễ, chúc Tết quý hòa thượng, thì có một vị hòa thượng khai thị. Ngài nói pháp môn Tịnh Độ này hổng phải mình mới biết đây hay như người ta đồn là sau này bên Trung Quốc triển khai ra mới có, mà thật sự ra đã có nhắc trong kinh Hoa Nghiêm, mà theo như bài kệ sau đây thì:

 Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật,
A Hàm thập nhị, Phương Đẳng bát,
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm,
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên.

“Có nghĩa là Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm trong ba tuần lễ đầu tiên Đức Phật thành đạo, rồi do chúng sanh không tiếp nhận nổi cái pháp của ngài nói, cho nên A Hàm thập nhị, tức là trong 12 năm đức Phật mới hạ xuống nói kinh A Hàm; rồi Phương Đẳng bát, tức là nói kinh Phương Đẳng trong tám năm. Rồi nói kinh Bát Nhã 22 năm, Pháp Hoa và Niết Bàn tám năm sau cùng.

“Ngài Thiện Đạo Đại Sư, Nhị Tổ của Tịnh Độ Tông nói, sở dĩ Đức Phật ra đời cũng vì muốn nói bản nguyện của Đức Phật A Di Đà.

“Tôi cũng có nghe quý Sư thuộc Nguyên Thủy nói là không có Bồ Tát Quán Thế Âm, không có Phật A Di Đà, chuyện đó bình thường thôi, không có gì để tranh luận, bởi vì đã nói là Phật Giáo Nguyên Thủy khác với Phật Giáo Phát Triển, thì người ta không chấp nhận được chuyện đó. Bây giờ mình nhỏ, mình không thể nào đứng ra tranh luận vì nếu nói không đủ ý thì có lỗi với Đức Phật, với chư Tổ.

“Thành ra vấn đề các ngài nói thì các ngài phải chịu trách nhiệm, còn mình học, mình tu, mình thấy đạt được lợi ích trong cuộc sống, và trải qua mấy ngàn năm, Việt Nam đã nương theo đó mà tu tập và vô số người đã chứng đắc, đã thành tựu. Bây giờ nếu mình đứng ra tranh luận vấn đề có Phật A Di Đà và không có Phật A Di Đà, hoặc có hay không có Bồ Tát Quán Thế Âm, tranh luận như thế thì sẽ không có hồi kết mà chỉ thêm sự chia rẽ. Cho nên mình chỉ nói trong phạm vi tu tập của mình, thấy rõ kết quả là có được sự an lạc trong tâm. Vì chính Đức Phật Thích Ca có dạy, ‘Khi Ta nói pháp các ngươi đừng nên tin Ta mà hãy nghe, nghe xong những điều đó rồi tư duy, tư duy thấy đúng rồi mới tu, chứ đừng nên tin liền những gì Ta nói ra’…”

Về cơ duyên đến với pháp môn Tịnh Độ, thầy Thường Tín kể, “Tôi hồi xưa gốc Phật Giáo Hòa Hảo, sống ở một vùng quê thuộc Đồng Tháp ở cập sông Hậu. Huyện Lai Vung, gần Vàm Cống đi lên Núi Cấm, An Giang, là những vùng thuộc Phật Giáo Hòa Hảo, nên niệm Phật đã có từ trong nôi, trong tâm. Từ cha mẹ, hàng xóm, tôi đã tiếp nhận được cái pháp niệm Phật rồi. Tuy nhiên tôi không chấp nhận cách sống thiếu sự theo học tới nơi tới chốn hoặc chỉ học lóm. Tôi muốn thực thụ học từ cái gốc, chính từ chỗ đó mà tôi có sự nghiêm túc: đó là xuất gia. Khi đi tu rồi, tôi có cái duyên với Tịnh Độ.

“Đúng ra, ngay từ hồi ở nhà, trước khi vô chùa, tôi hay sưu tập các lời dạy của các vị Tổ cũng như các kinh của Phật về Tịnh Độ. Tôi sưu tập lại, để cả chồng cao, rồi đọc kỹ, nghiên cứu, sau đó tôi nhập thất. Khi nhập thất tôi có được cái cảm giác từ những gì mình đã tu hành chứng nghiệm, cảm giác an lạc đó diệu kỳ đến nỗi nếu có một người nào đó giàu có nhất thế giới này muốn đem hết tài sản của họ để đổi lấy sự an lạc của tôi, tôi cũng không màng. Nghĩa là cái giá trị của cảm giác an lạc đó không thể nghĩ bàn, không thể nào nói hết. Niềm an lạc do sự thực chứng được từ pháp hành đó, không có cái gì trên đời này đổi được hết.

“Ngôi chùa mà tôi xuất gia (năm 1994) là một cái chùa quê nghêo đến nỗi đầy mối mọt dột nát, mưa xuống thì dột, ăn thì ăn cháo vì không đủ gạo. Từ năm 1995 khi đọc được sách Tịnh Độ rồi, tôi đam mê lắm, ham tu lắm. Phía sau nhà Tổ có một cái phòng, tường thì nứt nẻ, mái thì lợp tôn, trời mùa hè nóng nực oi bức. Vậy mà tôi trong cái phòng nóng bức đó suốt một tuần lễ mà không hề cảm thấy nóng. Nó lạ đời, nó ngộ ở chỗ đó!

“Tôi quét dọn cái phòng tồi tàn thiếu tiện nghi như vậy rồi ở mà cảm thấy an lạc vô cùng. Bây giờ cung đình dù lộng lẫy nguy nga tới đâu đi nữa đối với tôi, so với lúc có cảm giác ấy nó không có giá trị vì tự nhiên mình thấy nó không có ảnh hưởng gì hết. Tin được cái pháp rồi theo đó mà tu, tự nhiên mình cảm nhận được, thấy nó an lạc, nó mát mẻ cho dù trời đang giữa mùa hè.

“Ngay từ lúc đó, tôi đã ứng dụng cái cách như bây giờ, là niệm Phật thập niệm ký số. Hồi xưa tôi chưa biết những gì pháp sư Tịnh Không giảng, nhưng tôi đọc sách của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, ngài dịch những tác phẩm của Ấn Quang Đại Sư, tôi đọc trong 10 phương pháp trì danh, tôi chọn phương thức ký thập trì danh, tức niệm Phật 10 câu nhớ số, trong quyển Niệm Phật Thập Yếu, là tôi biết từ lúc đó.

“Trải qua hơn 17 năm tôi mới làm được cái ước nguyện thành lập đạo tràng. Bây giờ, tôi ngồi nơi đây, nơi cái đạo tràng mà tất cả liên hữu tới đây đồng tu đều niệm Phật 10 câu nhớ số rành rẽ rõ ràng, là cũng đã phải trải qua một thời gian là gần 24 năm từ khi xuất gia học đạo.

“Trong thời gian tôi nhập thất tịnh tu một tuần lễ, tôi ứng dụng cách thập niệm ký số đó, lễ Phật, đi kinh hành, ngồi kiết già, nằm võng, ở mọi động tác tôi đều niệm 10 câu. Tức là tôi thay đổi tư thế, đi đứng nằm ngồi, trong suốt ngày tôi chỉ dùng một cách niệm Phật là 10 câu nhớ số thôi, không cách gì khác. Tôi không coi quan trọng chuyện ngồi lâu hay mau, niệm Phật nhiều hay ít, tôi cảm thấy muốn đi thì tôi đi, muốn nằm hay muốn ngồi hay lễ Phật cũng vậy. Quan trọng là giữ câu A Di Đà Phật trong tâm mình không cho nó ngưng, mà niệm phải rõ ràng chớ không có lờ mờ. Thành ra từ chỗ đó tôi thấy vọng tưởng không chen vô.

“Hồi xưa tôi chỉ là chú tiểu mới xuất gia thôi, không có đạo tràng. May mắn có được một sư cô, bây giờ là ni sư, hộ thất, tới giờ ăn thì bố thí cho một mâm đồ ăn, mình ra thọ thực xong rồi mình tu tiếp. Tôi thật sự không lo nghĩ bất cứ chuyện gì khác ngoài câu A Di Đà Phật, quyết chí hành trì trải qua thời gian… Đúng ra tôi phải hoằng pháp cái pháp tu đó nhưng vì mình chưa đủ duyên, mình phải đi học Phật học, phải ở chùa nhập chúng, tụng niệm theo chúng hết chùa này tới chùa kia, hết tổ đình này tới tổ đình kia, hết trường Phật học này tới trường Phật học kia. Chính vì vậy nên trải qua một thời gian tôi không có duyên chuyên nhất một thứ.

“Nhưng bù vào đó thì nó cũng không mất. Bây giờ mà tôi làm được đạo tràng này đây cũng nhờ mình từng sống trong chúng, từng trải qua các trường Phật học, có nền tảng tu học từ thấp lên cao. Mở một đạo tràng là mình nắm được đời sống của tăng ni rồi mình chuyên sâu vào vấn đề niệm Phật, hướng dẫn cho Phật tử tu, không còn một cái gì gọi là nghi ngờ, do dự và sợ sệt.

“Nếu mình tự nhiên ra lập đạo tràng, phát hiện một cái gì vĩ đại, mới nhất, cái đó khác. Đằng này mình chỉ thừa hưởng các ngài để lại, mình học rồi tu theo. Bây giờ tôi lên nói chuyện, chia sẻ với đại chúng ở đây, tôi hoàn toàn tự tin. Dù có hòa thượng, cao tăng nào ngồi ở đó tôi vẫn nói bình thường bởi vì đó là lời của các vị Tổ, mà các ngài sở dĩ làm Tổ là vì các ngài đã ứng dụng cái pháp tu, các ngài đã tự tại ra đi, sống mà ra đi, an nhiên tự tại biết ngày, biết giờ ra đi.

“Các pháp mà các ngài nói là hoàn toàn như lý như pháp. Các ngài đã tu và đã chứng đắc được các lời đó cho nên an nhiên tự tại ra đi, để lại cho mình một cái giá trị. Và khi hành giả tới đây tu tập -thật sự tu đó – thì mọi người cũng cảm nhận được là vô đây tu nó khác với tu ở nhà. Một ngày miên mật tu tập thì trong tâm lắng đọng, thanh tịnh, an lạc trong hiện tại. Nếu nói về vãng sanh Tây Phương Cực Lạc trong tương lai thì chuyện đó là tùy cái duyên, cái phước của mỗi người. Có đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên để mà vãng sanh Cực Lạc hay không là tùy mỗi người, nhưng trên cuộc sống thực tế hiện tại bình thường thì nó đạt được sự an lạc. Và chính một hành giả chuyên tu ở đây, như hồi nãy tôi đã nói, bị bịnh ung thư mà hết được thì quý vị đủ biết.”

Hoa sen tại Echo Lake, Los Angeles do nhiếp ảnh gia Bùi Đức Nhượng chụp ngày 29 tháng 6, 2019.

Về chuyện niệm Phật hết bệnh ung thư…

Nhân câu chuyện này, thầy miên man phát biểu: “Có một Phật tử bảo chuyện vãng sanh mới là chuyện lớn còn chuyện ung thư chỉ là chuyện nhỏ, đâu đáng để nói. Xin thưa là, cái này là bước đầu và có bằng chứng rõ ràng để cho người ta thấy. Mà nếu chuyện nhỏ không làm được thì làm sao làm được chuyện lớn. Hơn nữa, trên thế giới này việc chữa trị được bịnh ung thư là mối quan tâm hàng đầu, là một việc cần thiết vô cùng. Bao nhiêu người đã ra đi cũng vì bịnh nan y này. Mà bây giờ đã có người ứng dụng pháp này để tu và chặn đứng được, chuyển được thành hết bịnh thì đây là cái kết quả rất xứng đáng để phổ biến ra cho mọi người biết về cái pháp tu như vậy.

“Chuyện vãng sanh để giải thoát sinh tử luân hồi vô lượng kiếp, cái đó người chuyên tu mới tin được và mới quyết chí đeo đuổi. Đó là những người có ý chí. Còn đối với những chuyện bình thường trong cuộc sống, như chuyện bịnh hoạn, bịnh nan y mà người ta cần giải quyết thì bây giờ cho thấy đã có thể giải quyết được.

“Theo tôi, một người không cần phải quy y với Đức Phật, nhưng thấy được cái pháp này rồi tu có thể chuyển hóa được tế bào ung thư, làm sạch được tế bào ung thư, trở lại khỏe mạnh bình thường, họ tin được, cứ nương theo đó mà tu, theo đó để trị bịnh, thì nó cũng lợi ích.

“Còn vấn đề đi chuyên sâu vào để đạt tới đỉnh cao của pháp tu thì tùy ở mỗi người, nhưng trên căn bản là trong cuộc sống bình thường thì không kể là tu sĩ hay cư sĩ Phật giáo, ai cũng có thể ứng dụng pháp tu này. Ngay cả lời phát nguyện của Đức Phật A Di Đà, trong nguyện thứ 18, Đức Phật nói ‘Nếu chúng sanh nào muốn về nước Ta, hết lòng tin ưa, xưng danh hiệu Ta cho tới 10 niệm như không được sanh, Ta không thành Phật.’ Ngài nói ‘chúng sanh nào’ chứ ngài không nói ‘người Phật tử nào’. Chúng sanh là gồm từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, Trời, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Bất cứ chúng sanh nào hễ có phát nguyện niệm Phật đúng như vậy thì sẽ được Phật tiếp dẫn. Cái đó là cái điều đặc biệt, cái nguyện của Đức Phật như vậy. Phổ độ chúng sanh. Những người chuyên sâu vào, có niềm tin, rồi quyết chí đeo đuổi, tu tập theo, thực hành đúng như vậy sẽ đạt được kết quả.

“Vấn đề bệnh nan y tuy đối với đạo Phật rất nhỏ, nhỏ như hạt cát trong sa mạc, nhưng trong cuộc sống thực tế bây giờ, người ta đang tìm cầu phương thức để trị được những thứ bịnh đó, cả thế giới người ta đang hướng về và dành biết bao nghiên cứu nghiêm túc để đối phó. Mà đối với mình, mình đã làm được, mà rất nhẹ nhàng, chỉ cần có niềm tin, hành cho đúng và không phải là một sự mê tín.

“Như tôi đã giải thích, bệnh cũng là do túc nghiệp. Đó là do cái nhân mà mình đã làm từ quá khứ, cho tới giai đoạn này là phải chịu thọ cái quả báo, tuy nhiên khi thọ quả báo mà mình biết cách chuyển thì có nhân mà sẽ không có quả vì chưa có đủ duyên. Mình chuyển luôn túc nghiệp tức nghiệp đời trước bằng cách mình niệm Phật. Thứ hai nữa là vấn đề tâm thức: sống vui vẻ lạc quan. Thứ ba nữa là vấn đề ăn uống kỹ lưỡng, môi trường tốt, và vận động. Nghĩa là cả tâm lý và sinh lý bổ túc cho nhau, nó làm cho chất đề kháng trong cơ thể mình sẽ mạnh, những tế bào nó sẽ chuyển đi. Thành ra bây giờ xét nghiệm thì nó hết hoàn toàn thì chuyện đó cũng bình thường thôi.

“Đối với một pháp tu đã từng được truyền dạy từ lâu đời từ các bậc tiền bối thì đây cũng không phải là điều lạ, bây giờ tới phiên mình tu thì mình thấy và nói ra thôi, mình tu mà thấy được cái gì kết quả thì đem ra chia sẻ để mọi người cùng biết, để ai chưa hiểu thì sẽ hiểu thêm rồi tìm tòi thêm chứ còn cái này thì đã nói từ nhiều năm rồi.

“Còn về việc Phật tử hỏi tu mà vọng tưởng còn nổi lên thì tôi nói dễ, không khó, niệm 10 câu đi, nếu còn vọng tưởng nổi lên thì ai cũng biết hết hà, vô đây ngồi niệm chung với đại chúng, ai cũng niệm 10 câu mà tự nhiên mình mất chánh niệm, mình niệm 9 câu hay 11 câu là tự nhiên mình không giống ai hết trơn… Người nào tự ái là không tiếp tục tu nữa thì mất cái duyên, đoạn cái duyên. Còn người nào kiên trì, vượt qua được thì sẽ thật… ngon lành.

“[…] Bởi vậy tôi mới nói, (niệm Phật như vậy) hỏi vọng tưởng ở đâu? Hổng còn thấy vọng tưởng ở đâu hết, không có vọng tưởng để chen vô được, không muốn suy nghĩ một chuyện gì khác.

“Thành ra cái pháp tu này nó đặc biệt nó dễ, không khó. Điều quan trọng là ở chỗ này. Cách niệm Phật 10 câu nhớ số, Ấn Quang Đại Sư dạy là (niệm) bất cứ lúc nào cũng được, tuy nhiên, quý vị mà cuộc sống cần phải tính toán cái này cái nọ thì trong thời gian đầu óc mình khởi lên suy nghĩ gì đó thì mình niệm suông. Cứ niệm thôi. Xong việc mọi thứ, không còn phải tính toán gì nữa hết, thì trở lại 10 câu nhớ số.”

– Có một bác vừa lái xe vừa niệm Phật thành tiếng. Theo thầy, mình có nên niệm Phật như vậy không, hay là mình chỉ nên niệm thầm?

“Nếu niệm ra tiếng được thì tốt. Mình niệm mà người khác cũng nghe được thì cũng gieo được cái chủng tử A Di Đà Phật, nếu thấy ‘vô quái ngại’.”

– Một người niệm ra tiếng như vậy giữa sinh hoạt thường ngày có thể bị xem là bất thường, nếu không dám nói là hơi… tâm thần, kính bạch thầy, thầy thấy sao?

“Cái chuyện mình niệm Phật đã là bất thường đối với người đời rồi. Tại vì người đời cảm thấy cần có nhiều kiến thức, cần phải thế này thế kia, còn mình thì chỉ niệm Phật, vậy là đã bất thường đối với người ta rồi. Ở ngoài đời, người ta khuyến khích mình phải học, phải biết mọi thứ. Còn vô chùa tôi chỉ có một câu A Di Đà Phật. Có bác kia có người con có tới hai cái bằng bác sĩ, nói với bác, ‘Mẹ, mẹ niệm Phật coi chừng mẹ bị khùng’ khi thấy bác niệm Phật. Có nghĩa là dưới mắt họ, nó bất thường.

“Nhưng mà người ta không hiểu. Khi mà người ta hiểu được cái pháp tu, cái oai lực của câu A Di Đà Phật, người ta không bỏ câu A Di Đà Phật đó. Thành ra, khi mình niệm Phật rồi, mình không cần phải sợ ai. Người ta có nói, bộ ông này ổng khùng khùng, tửng tửng, cũng hổng sao.

“Mình cứ niệm Phật. Mình biết mà. Ngay cái lúc niệm Phật từng chữ từng câu rõ ràng mình đã giác rồi, đã chánh, đã tịnh rồi. Ngay ở một câu A Di Đà Phật là mình sáng suốt, mình đâu có mê đâu; mình đâu có tà, suy nghĩ chuyện gì khác đâu; mình thanh tịnh, không bị nhiễm ô, không có gì chen vô.”

Trở lại phương pháp niệm Phật mà Trang Nghiêm Tịnh Độ Đạo Tràng đang theo, thầy Thường Tín cho biết: “Tôi đi các chùa ở Việt Nam, tôi thấy không có ai hướng dẫn theo cách thập niệm ký số này hết. Sở dĩ tôi dám mạnh dạn làm ra cách này là vì tôi thấy có kết quả. Ngay cả các vị chuyên giảng Tịnh Độ, các ngài cũng giảng qua, nhưng trong các pháp hội niệm Phật thì các ngài không hướng dẫn cách đó, có nghĩa là các ngài có giảng qua nhưng không đưa ra một pháp hành thập niệm ký số khi tu. Không có một đạo tràng nào ứng dụng.

“Việc tôi làm thực ra cũng làm theo các ngài dạy, nhưng mình lấy một cái phần nhỏ trong đó mình đem ra phổ biến, người thực hành mà hợp thì họ thấy cái cách này có kết quả. Có người thì không thích, người ta thích niệm cái cách khác, thì cũng không có chướng ngại gì hết. Trong 13 vị Tổ thì mỗi vị cũng dạy khác nhau, đâu có giống nhau (cười).”

– Kính bạch thầy, hồi nãy thầy nói niệm Phật có thể chuyển được túc nghiệp và nói về nhân duyên và quả. Vậy làm sao mình chuyển được nghiệp? Trường hợp mình có một món nợ là 500 đồng, trước sau mình cũng phải trả 500 đồng. Nếu mình niệm Phật thì mình tạo được một sự tốt lành nào đó cho tương lai nhưng cái món nợ kia thì mình vẫn phải trả chứ?

“Vẫn phải trả. Nếu không trả thì không đúng nhân quả. Nhưng mà cái trả nó khác. Thí dụ như một ông ở Việt Nam đi làm hồ vất vả một ngày trời mới kiếm được năm đô, trong khi ở Mỹ này, một bác Phật tử làm mấy món mắm, làm chơi chơi, nhẹ nhàng, bán một hộp mắm nhỏ thôi cũng được năm đô, một ngày làm được cả chục, cả trăm hộp dễ dàng, so với Việt Nam thì công việc quá nhẹ nhàng. Mình so sánh thì mình biết liền.

“Còn cái thứ hai nữa, một nắm muối này, nếu bỏ trong một chén nước thì uống mặn không? Cũng nắm muối này mà mình bỏ vô một cái lu bự, thì nó như thế nào. Còn một nắm muối này mà để vô một cái dòng sông thì chú nghĩ sao? Tức là mình vẫn trả nghiệp, nhưng khi trả, cái cách trả đã chuyển, không còn nặng nề.”

Sau vài thí dụ khác nữa (như chuyện ăn trộm gà, chuyện bị mất tiền, chuyện bị tung xe), thầy kết luận, “Cũng một cái nhân đó, mà cái quả nó lại khác nhau. Khi mình tu tập, mình chuyển từ cái tâm của mình. Chuyển được cái tâm rồi thì rất là nhẹ  nhàng. Tự động chuyển đổi giữa nhận thức của mình, nhìn theo chiều hướng tích cực hơn, là tự nhiên không còn khổ đau nữa.

“Với lại, khổ là từ đâu, là từ cái tâm chớ gì. Bây giờ cái tâm mình nó lo niệm Phật thì đâu còn thấy khổ nữa, nó vi diệu là ở chỗ đó…”

– Có một vị thầy đã khuyên Phật tử phải cẩn thận vì mình tưởng mình niệm Phật nhưng thật ra là kêu tên Phật. Kính bạch thầy, thầy nghĩ sao về câu nói đó?

“Có nhiều vị thầy, trong đó có các vị tu Thiền, khi giảng Tịnh Độ thì các ngài cũng không giảng đúng với tông chỉ của Tịnh Độ. Tại vì mỗi vị có pháp tu riêng, dùng cái tu của mình để giải thích kinh đó theo cái pháp môn của mình, cho nên điều chú thắc mắc không có gì lạ hết trơn. Các ngài giải thích theo các ngài, các ngài không có lỗi, bởi vì nhìn theo pháp tu của các ngài. Nhưng mà đối với người chuyên Tịnh Độ, mình phải nắm đúng tông chỉ của nó là Tín, Nguyện và Hạnh.

“Cũng không lạ vì bao nhiêu ngàn năm nay đã có những cuộc tranh luận với nhau. Mình là đàn hậu học, kiến thức mình đâu có đủ. Muốn tranh luận phải duyệt Đại Tạng Kinh thông suốt cả hai hệ phái. Mà khi hiểu được hai cái đó rồi thì cũng không có gì để mà nói nữa.”

– Kính bạch thầy, có phải do tình cờ mà pháp danh của thầy mang chữ Tín, một điều tối cần thiết cho người tu Tịnh Độ?  

“Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi có hai vị thầy. Năm 1994 bà nội tôi với cha tôi mất, mùa hè, lúc đó tôi cảm được đời vô thường giả tạm không có gì thật, thành ra tôi không muốn học thêm nữa, muốn đi xuất gia. Tôi vô chùa, đọc được kinh sách nên phát nguyện xuất gia.

“Lên chùa, thì hai vị thầy, một vị trụ trì, một vị phó trụ trì, hiện giờ là Hòa Thượng Thích Thiện Long và Hòa Thượng Thích Thiện Quảng. Sư phụ Thiện Long trụ trì ở đó nhưng ngày thường thầy ở trên chùa Giác Ngộ trên Sài Gòn, rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười thầy mới về. Rằm tháng Bảy đó tôi vô chùa xin xuất gia thì sư phụ Thiện Long khuyên tôi lo học cho xong lớp 12 đi rồi xuất gia (tôi đang học lớp 11). Tôi nghe lời thầy, năm 1995 tôi vô chùa, thì hai thầy, trụ trì và phó trụ trì, cạo đầu xuất gia cho tôi. Hai thầy chứng minh cho lễ xuất gia đó và sư phụ Thiện Quảng thì đặt tên cho tôi là Thường Tín và mấy huynh đệ khác là Thường Giới, Thường Định, Thường Tấn, Thường Nhẫn…

“Tôi gốc là Phật Giáo Hòa Hảo mà. Trước đó, năm 1992, 1993 tôi vô chùa là chỉ dựa gốc cột thôi, không lạy Phật. Phật bằng đất bằng xi măng tôi không lạy. Trong Phật Giáo Hòa Hảo, lạy là lạy tấm trần điều có hình hoa sen, không có hình Phật, người ta nói Phật trong tâm mà. Nhưng mà sau này mình tu, mình tìm hiểu, mình học.

“Phật Giáo Hòa Hảo do đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng, cũng dạy ăn chay niệm Phật làm lành lánh dữ, thì nói chung làm như mình có cái duyên, cái chủng tử. Ngày xưa anh em tôi ăn chay trường, hồi nhỏ không ai dạy, ở trong xóm Hòa Hảo, anh em tôi sáng chiều cúng lạy.

“Hồi đó người ta ăn chay kỳ, mười bốn, rằm, hăm chín, ba mươi. Nhưng mà anh em tôi, từ anh Hai, chị Ba, tôi thứ Tư, tự nhiên muốn ăn chay trường. Chắc mình cũng có cái chủng tử từ nhiều đời nhiều kiếp rồi, thành ra khi sống trong một môi trường như vậy thì theo cái hướng đó. Ở vùng nhà quê, ở làng ở xóm tôi không ai chịu học hành, họ ăn chơi, cờ bạc hay đá gà. Lúc đó tôi khoảng chừng 10 tuổi, tôi nghĩ tại sao cái thế giới này nó tối tăm, tại sao mà người ta không chịu tu, không chịu niệm Phật.

“Tôi nói lại chuyện này với cả tấm lòng của tôi. (Lúc đó) tôi tự nhiên nghĩ như vậy đó, mà lại ăn chay trường nữa. Có những mùa hè, thay vì nghỉ  hè đi chơi, tôi đi qua chùa Bửu Lâm của Phật Giáo Hòa Hảo, chặt thuốc Nam để giúp cho người ta. Tôi cùng đi với người cậu, mấy anh em nữa, xúm nhau qua chùa tìm chặt thuốc để giúp người bịnh.

“Thành ra thật sự con người của tôi, tôi nhìn lại tôi biết là đời trước tôi chắc có tu rồi nhưng có lẽ chỉ là một cư sĩ Phật tử thọ bát quan trai thôi (cười), cho nên đời này trở lại xuất gia. Mà (đời trước) đã có niệm Phật rồi, nhưng chưa đủ điểm…(cười).”

Con được nghe kể rằng hồi thầy tu ở Việt Nam thầy có để chữ “Tử” ở bên ngoài cửa phòng, có đúng vậy không?

“Có, thật ra cái đó là Ấn Quang Đại Sư dạy, lúc nào mình cũng đặt chữ Tử trên trán. Có bài kệ của Ấn Quang Đại Sư, tôi không chế ra đâu. Đó là Ấn Quang Đại Sư dạy chớ không phải tôi. Tôi chỉ học theo, bắt chước theo thôi. Bắt chước theo nhưng mình có niềm tin và thấy rõ cái lợi ích.”

Câu chuyện từ đó chuyển hướng về những lời vàng ngọc của Ấn Quang Đại Sư và nhất là quyển “Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục” mà vị hành giả vừa thoát bệnh ung thư đang nghiền ngẫm và quyết tâm hành trì dưới sự khuyến tấn của thầy Thường Tín.

Thầy nói trong số 13 vị Tổ của Tịnh Độ tông, Ấn Quang Đại Sư là vị có công đưa ra quy tắc, đường hướng rõ ràng cho đại chúng noi theo, để lại một gia tài quý báu cho chúng sanh. Như để kết thúc buổi pháp đàm, thầy khuyên người tu cần phải có tâm lực mạnh, phải hết lòng tin ưa, thì mới xuyên qua được nghiệp lực, mới tiếp nhận được Phật lực. Pháp tu Tịnh Độ không phải là lâu hay mau, điều quan trọng là nhân duyên của mình và đủ thiện căn phước đức, có thể chỉ trong giây phút mình chuyển tâm thì cũng sẽ thành tựu, theo đúng nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà.

Có lẽ vợ chồng tôi cũng có nhân duyên với Tịnh Độ nên chi chiều hôm ấy chúng tôi được vị pháp lữ ấy hoan hỷ tặng cho cuốn “Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục” duy nhất mà vị ấy còn giữ, dưới sự chứng minh của thầy.

Còn thầy, chia tay chiều hôm ấy, thầy tặng chúng tôi một câu nói dung dị mà giá trị tuyệt vời, “Những lời nói của tôi hôm nay rất là chân thành, đối với chú có cái duyên để mà nói chuyện như thế này, tôi cũng cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho cô chú luôn luôn có được một đường tu tập như lý như pháp để mà đi trọn mục đích của mình, thành tựu được một đời giải thoát sanh tử. A Di Đà Phật.”

One thought on “Thầy Thường Tín, một hành giả tu và hoằng pháp Tịnh Độ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *