Đại Lão Hòa Thượng Thượng Trí Hạ Tịnh là một dịch giả uyên bác của Phật Giáo Việt Nam. Tuy thông suốt các giáo lý Phật Giáo và pháp môn Thiền, nhưng chính bản thân Ngài một đời chuyên tâm hành trì pháp môn Tịnh Độ, luôn luôn khuyến tấn Phật tử ăn chay, giữ giới, niệm Phật.
Hòa Thượng sinh năm 1917 trong một gia đình nông dân tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, thế danh là Nguyễn Văn Bình, con út trong một gia đình có sáu anh chị em. Thân phụ Ngài là ông Nguyễn Văn Cân, ôn qua đời lúc Hòa Thượng mới lên ba tuổi. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Truyện, mất lúc Hòa Thượng vừa được bảy tuổi. Vì mồ côi cả cha lẫn mẹ quá sớm, nên Hòa thượng ở với người anh thứ ba. Đến năm hơn 10 tuổi, Ngài nếm vị đạo.
Hòa Thượng kể với báo Giác Ngộ năm 2013, “Lúc tôi biết mến đạo là vào khoảng năm 1928, thời điểm người ta bắt đầu xây dựng Thánh Thất Cao Đài ở Tây Ninh. Một số người bà con của tôi cũng ở gần đó, theo Cao Đài, để tóc bới và ăn chay trường. Tôi cũng ăn chay trường một mình ở nhà, thường ăn với nước cơm, nước muối. Bởi hễ thấy thịt cá là tôi nhớ ngay đến cảnh người ta đánh vảy, cắt cổ, làm thịt nên không ăn được.”
Năm khoảng 16 tuổi, Hòa Thượng hết tuổi học trường Pháp Việt, qua cấp khác thì không đủ điều kiện, nên quyết định học nghề, từ học sửa xe đạp đến học sửa đồng hồ rồi theo người anh làm công để học nghề thuốc. Nhờ đọc sách thuốc mà Hòa Thượng dần dần thông chữ Hán. Trong khi đó, gia đình người anh thường xảy ra cảnh lục đục nên Hòa Thượng có ý xuất gia.
“Tôi muốn đi lắm, nhưng cha mẹ không có, tôi đang ở với anh chị nên cũng khó. Tôi lại còn người chị thứ sáu, hai chị em hủ hỉ có nhau, vui buồn chia sớt, nếu đi thì bỏ chị lại. Tôi học nghề, nghĩ rằng nếu chị ở vậy thì hai chị em có thể nuôi nhau,” Hòa Thượng nói với báo Giác Ngộ.
“Đến năm tôi 20 tuổi, chị lập gia đình. Tôi bắt đầu tính chuyện giải thoát thế gian. Nghe người ta nói ở Thất Sơn, Tà Lơn có nhiều người tu theo đạo Phật, có chùa, am, cốc, nên tôi bèn dò la, biết được chùa am chủ yếu tập trung ở Núi Cấm. Đầu năm 21 tuổi, tôi bỏ nhà lên núi, để lại lá thơ chớ không cho ai biết. Lúc đó nhằm ngày 14 tháng Hai Đinh Sửu. Khoảng hơn 2 giờ chiều thì tới chân núi, tôi quăng guốc chạy chân không, cảm thấy lòng nhẹ nhõm như không còn gì dính líu. Chạy rát chân thì đứng lại, leo lên gộp đá bên đường ngó bốn phía, tôi khấn vái rằng mình là người phàm mắt thịt, không biết đâu thánh phàm, nguyện ơn trên chỉ dẫn, cứ một mặt phía trước mà bước đi, gặp chỗ nào thì ở đó chớ không chọn lựa.
“Khoảng hơn 5 giờ chiều thì tôi tới Vạn Linh, nghe nói thầy đang ở ngoài cốc, đến tối mới gặp được. Sau thời Tịnh Độ, thầy vào ngồi bên bàn, bóng đèn leo lét. Tôi đứng một bên; năm, bảy huynh đệ đứng bên kia thưa chuyện. Thầy chỉ tôi mà mắt nhìn mấy huynh đệ, nói, Mấy đứa bây đừng coi thường cái thằng nay nghe. Đời trước nó là hòa thượng, bây giờ nó cũng sẽ là hòa thượng đó! Thầy nói thêm một mình, Làm hòa thượng nhưng nó cũng thích nhìn con gái lắm, nên sẽ bị tật con mắt suốt đời không hết. Mấy tiếng này thầy nói chậm lắm. Này, coi sửa soạn mai rằm cho nó tu! Tôi nghe vậy thì mừng lắm, không nghĩ đến việc bịnh tật hay hòa thượng gì cả, mà cũng không biết hòa thượng là gì, được chấp nhận cho ở chùa tu là mừng lắm rồi!”
Hòa Thượng được ban cho pháp danh là Thiện Chánh, pháp hiệu Hân Tịnh, húy Nhựt Bình, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Là đệ tử của Hòa Thượng Thích Thiện Quang, khai sơn chùa Vạn Linh ở núi Cấm, Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Ngài kể về thời gian mới tu tại chùa Vạn Linh, “Chỉ trong vòng hai tháng, mấy thời công phu trong chùa tôi thuộc không thua ai khác, trong đó phẩm Phổ Môn tôi thuộc đầu tiên. Nguyên do là tôi không có áo dài mặc lễ Phật. Chùa có mấy cái dành cho Phật tử, tôi mượn để tụng kinh. Sau có một Phật tử phát tâm cúng bốn thước vải đà, yêu cầu tụng 60 biến Phổ Môn. Mấy huynh đệ thấy tôi không có áo dài mặc nên bảo tôi tụng. Do đó mà tôi thuộc lòng phẩm Phổ Môn, rồi mến luôn kinh Pháp Hoa.”
Hòa Thượng được phân công viết sớ, được cho ở trong một cái cốc nhỏ nơi vườn chùa. Nghe mấy huynh đệ nói đến việc tu khổ hạnh, Hòa Thượng cũng quyết thực hiện.
“Tôi bỏ ngủ, không nằm nữa, đến độ lên quá đường cầm chén cơm ngồi sững mà ngủ, rớt hồi nào cũng không hay, vậy mà cũng không thành gì, nên thôi. Rồi tôi lại tuyệt cốc, chỉ ăn rau, ăn riết rồi đi lên dốc cũng không nổi, yếu quá mà cũng không thành ông gì, lại bỏ!”
Được đọc tạp chí Từ Bi Âm, Hòa Thượng phát khởi ý nguyện cầu học Phật pháp, vì ngoài các thời kinh kệ, Ngài không được học gì thêm. Cuối năm 1939, Hòa Thượng xin phép Bổn sư xuống núi về Sài Gòn rồi ra miền Trung cầu học đạo. Đoạn đường hết sức gian nan, không ai giúp đỡ, không có phương tiện, Ngài chỉ ôm gói quần áo mà đi, từ Sài Gòn ra Phan Thiết, tới Bình Định rồi đến Huế. Ban đầu Hòa Thượng ở chùa Tây Thiên, sau nhờ thầy Giác Tâm (người Bến Tre) giới thiệu đến chùa Báo Quốc theo học Phật học.
Bấy giờ là năm 1940, trường chỉ có duy nhất một lớp, đang học đến năm thứ sáu Sơ Đẳng, còn vài tháng nữa thì lên Trung Đẳng, song Hòa Thượng cũng được nhận vào học, lại được cấp học bổng và cho nội trú.
Năm 1941, Ngài thọ Sa Di giới tại Huế với tại chùa Quốc Ân và được Sư Cụ Trí Độ cho pháp tự là Trí Tịnh. Ngài rồi tiếp tục học lên Trung Đẳng và tốt nghiệp vào năm 1942, đến năm 1945 thì tốt nghiệp Cao Đẳng. Tiếp theo là thời kỳ Hòa Thượng ra làm việc, phụng sự Đạo Pháp.
Năm 1955, Hòa Thượng thành lập Cực Lạc Liên Hữu tại chùa Vạn Đức, Thủ Đức, khuyến tấn mọi người niệm Phật, cầu vãng sanh Tịnh độ. Tịnh Độ Liên Hữu do Ngài sáng lập được duy trì trong suốt mười năm. Năm 1964, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, Ngài được trao chức Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự. Từ năm 1968, Hòa Thượng làm trong Ban Giảng Huấn Phật Học Viện Huệ Nghiêm, khoa trưởng Phân Khoa Phật Học, thuộc Đại Học Vạn Hạnh, Viện Trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học Huệ Nghiêm. Ngài đã giữ những chức vụ quan trọng trong hàng lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Về vai trò của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh trong sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam kể từ 1981, là thời điểm ra đời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do chế độ cộng sản đưa ra để chính thức thay thế cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa Thượng Thích Quảng Ba, Viện Trưởng Tu Viện Vạn Hạnh tại Canberra, Úc nói với đài BBC sau khi hay tin Ngài Trí Tịnh đã viên tịch, “Vì nhiều lý do áp lực khác nhau [Ngài cùng các tăng lữ cao cấp khác] đã phải thuận theo lời yêu sách, áp lực, đòi hỏi của chính quyền mới, chính quyền xã hội chủ nghĩa, để tự hủy thể giáo hội của mình.
“Tôi nghĩ các ngài có dụng ý muốn cứu các thành phần còn lại. Các bậc thầy của chúng tôi đành phải đi con đường thỏa hiệp để cứu sống, để bảo tồn được bao nhiêu hay bấy nhiêu, chứ không phải ham muốn quyền lợi hay bị mê hoặc bởi chủ thuyết cộng sản.”
Sau khi Đảng Cộng Sản chiếm niền Nam, Ngài chấp nhận làm Ủy Viên Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam năm 1976. Năm 1980, Ngài giữ cương vị Phó Trưởng Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam.
Từ 1984 đến khi mất, Ngài đảm nhiệm cương vị Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự, Trưởng Ban Tăng Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Tuy mang những chức vụ cao nhưng Ngài rất ít khi tham dự những sinh hoạt của giáo hội này, một phần vì lớn tuổi, một phần vì muốn niệm Phật miên mật.
Về số lượng dịch phẩm lớn để lại, Hòa Thượng chú trọng điều căn bản là dịch đúng nghĩa, chính xác, rõ ràng chân thật, không bóng bẩy, âm vận êm xuôi, để người đọc tụng dễ thông suốt, hiểu nghĩa rõ ràng, dễ nắm bắt được ý chính của kinh.
Năm 1947, Hòa Thượng dịch kinh Pháp Hoa ở Phật Học Đường Liên Hải. Từ đó cho đến sau năm 1975, Ngài đã phiên thêm 18 bộ kinh gồm trọn bộ 8 cuốn Kinh Hoa Nghiêm, trọn bộ 9 cuốn Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Đại Bảo Tích (trọn bộ 9 tập), Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Kinh Địa Tạng, Kinh Tam Bảo, Kinh Pháp Hoa – Cương Yếu Tóm Tắt, Kinh Pháp Hoa -Thông Nghĩa Tóm Tắt, Luật Tỳ Kheo Giới Bổn, Luật Bồ Tát Giới Bổn, Đường Về Cực Lạc, Cực Lạc Liên Huân Tập, Ngộ Tánh Luận, Pháp Hoa Cương Yếu, Kinh A Di Đà, Kinh Quán Phật Vô Lượng Thọ, và Kinh Vô Lượng Thọ Phật
Trong các đệ tử của Ngài tại Việt Nam có các vị tăng được biết đến rất nhiều hiện nay như Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Thượng Tọa Thích Nhật Từ. Khi Ngài viên tịch năm 2014, trong bài điếu văn, Hòa Thượng Trí Quảng có nói như sau về Ngài Trí Tịnh:
“Suốt 30 năm lãnh đạo Giáo Hội [Phật Giáo Việt Nam], với tính cách đặc biệt, dường như ít quan tâm đến các hoạt động Phật sự, nhưng phải nói rằng trong giai đoạn Hòa Thượng lãnh đạo, Giáo Hội luôn bình yên, mọi Phật sự được tiến triển và vận hành nhẹ nhàng.
“Tính cách lãnh đạo đặc biệt của Đại Lão Hòa Thượng có thể nói ảnh hưởng từ con đường tâm linh mà Người miệt mài, chuyên tâm theo đuổi và tinh tấn thực hành. Đó là pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
“Tôi được biết Đại Lão Hòa Thượng từ giữa thập niên 1950, lúc Người thành lập Cực Lạc Liên Hữu và chủ trương Tập San Đường Về Cực Lạc mà tôi là người say mê theo dõi để đọc. Tôi thấy ngoài việc dịch kinh điển Đại Thừa, thuyết pháp, đảm trách các sinh hoạt Tăng Già, Người đã dồn hết thời gian cho việc hành trì niệm Phật, rất ít tiếp xúc với quần chúng Phật tử.
“Nhiều lần tham vấn Đại Lão Hòa Thượng, lúc nào Người cũng luôn khuyên tôi bớt công việc để chuyên tâm niệm Phật. Người quan niệm, nếu làm việc nhiều cũng có thể sanh phước đức nhưng chắc chắn phiền não, trần lao và nghiệp chướng cũng theo đó mà phát sanh. Với Người, tất cả những gì cản trở cho sự tiến bước trên lộ trình đạt đến sự thanh tịnh của tâm đều cần phải được dứt bỏ.
“Cho nên, chúng ta thấy trong nhiều năm qua, là giáo phẩm lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, nhưng trong nhiều hội nghị, các sinh hoạt của Giáo Hội, Người vẫn không đến dự. Tôi cảm giác dường như, tất cả tâm ý của Người đều trọn vẹn dành tưởng nghĩ, hình dung, quán niệm về Đức Phật Di Đà và thế giới Cực Lạc thanh tịnh tuyệt đối. Đó là tất cả đời sống của Người. Những gì diễn ra trong đời sống xã hội thường ngày không đáng để bận tâm. Do đó, chúng ta luôn thấy ở Người luôn có sự ung dung, tĩnh tại cho đến ngày mãn duyên, xả báo thân cũng nhẹ nhàng hiếm thấy.
“Tôi nhớ trong một lần đi công tác Phật sự với Đại Lão Hòa Thượng, cũng như những lần khác, Người luôn khuyến tấn tôi chuyên tâm trì niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà. Người còn nói thêm, là người xuất gia tu hành, chúng ta phải tinh tấn làm sao để đạt được sự an tịnh thân tâm, trước hết là tự lợi cho bản thân không uổng công tu tập, kế nữa là tạo được tín tâm cho người khác.
“Với cuộc đời gần 100 tuổi, 69 tuổi hạ, Người một đời chuyên tâm niệm Phật, có vai trò rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Tịnh Độ Tông tại Việt Nam thời hiện đại, dù tuổi cao nhưng thân ít bệnh, tâm tự tại giữa mọi biến thiên của thời cuộc, phải nói rằng Đại Lão Hòa Thượng đã làm được những điều đã nghĩ và đã nói, tri hành hợp nhất, Người xứng đáng là một bậc hành giả Tịnh Độ mẫu mực, tạo tín tâm cho vô số Phật tử trong nhiều năm qua, ở hiện tại và mai sau.”·
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.