Ngài Thiền Tâm, một cao tăng xiển dương Tịnh Độ tại Việt Nam

*Đọc 26 phút*
Chân dung và thủ bút Hòa Thượng Thích Thiền Tâm được Ưu Bà Di Bồ Tát Giới Bảo Đăng từ Chùa Pháp Hoa, Tucson, Arizona tặng Tinh Tấn Magazine.

Bài ĐỒNG PHÚC

Bên đường xe tang buồn đi qua
Chiều hôm mồ hoang sương trăng tà
Vô thường đời trần thương ôi mau!
Người đi rồi lần sang phiên ta.
Nghìn xưa xa vời trong mông lung
Tài hoa tan về nơi vô cùng!
Hoàng hôn mây hồng in non xa
Dung hoa thầm khô theo suy già
Di Đà chuyên tu phòng lâm chung
Tương tư mơ về trời Liên Hoa.
(Nguồn: Niệm Phật Thập Yếu)

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm đã viết những dòng thơ trên khi mới 12 tuổi, dựa theo những tài liệu ghi lại về cuộc đời của Hòa Thượng căn cứ trên những gì Ngài để lại và lời kể của những thân nhân. Vào độ tuổi đó thì tôi sống ở Nha Trang, giữa bối cảnh nội chiến trên quê hương Việt Nam đầu thập niên 1970, mà một trong vô số nạn nhân của cuộc xung đột tương tàn đó chính là cha tôi. Vậy mà khi thấy những quan tài được chở từ những trận đánh ở xa xôi trong núi rừng về thành phố, tôi chỉ biết trong thâm tâm mình sợ chiến tranh, sợ cái chết sẽ đến với mình, nào thấy được sự vô nghĩa của kiếp sống vô thường ở cõi ta bà này như Hòa Thượng. Ở tuổi măng tơ mà Hòa Thượng Thiền Tâm đã sớm nhìn ra kiếp phù du của con người và mau thức tỉnh để “tương tư” hướng tâm về “trời Liên Hoa” nơi có Phật A Di Đà đưa tay cứu độ những ai ước nguyện được về cõi đó. Có lẽ chỉ một chi tiết nhỏ này thôi đã đủ cho tôi ngưỡng vọng Ngài như một cao tăng mà tôi may mắn được sống trong cùng thời đại và viết lên bài này.

Ôn lại mối “duyên kỳ ngộ” giữa Hòa Thượng và tôi, có thể nói nhịp cầu đưa tôi gặp ngài là sách vở. Thật vậy, trong những năm tháng sống ở quê hương thứ hai này, qua những dịp lễ Phật Giáo cũng như từ những cuốn sách thỉnh từ chùa về, tôi được biết Ngài Thiền Tâm đã có công rất lớn trong việc viết sách và dịch sách Phật Giáo. Là người nuôi thân bằng nghề viết ở chốn Bolsa suốt mấy mươi năm nay, tôi rất ngưỡng phục kiến thức, khả năng và sức viết của Ngài. Mà nhất là đạo tâm của Ngài. Đạo tâm ấy là nguồn năng lực đẩy Ngài tiến tới trên con đường phụng sự chúng sanh. Và trong điều kiện hạn hẹp về thời gian cũng như kiến thức, tôi đã cố gắng tìm những tài liệu về Hòa Thượng Thiền Tâm, như một cách tìm hiểu sâu hơn về một người mà tôi rất ngưỡng mộ, cũng như về Tịnh Độ Tông tại Việt Nam.

Biết rằng sự tìm tòi của mình còn nhiều thiếu sót, không thể nói hết và đầy đủ về Hòa Thượng Thiền Tâm, người có bút hiệu Liên Du, tôi cũng mạn phép được chép xuống đây đôi điều sưu tập được trong mấy tháng qua. Đó là trích đoạn từ một bài viết của Hòa Thượng Thích Như Điển ở bên Đức về Tịnh Độ có nhắc đến Ngài Thiền Tâm mà tôi tìm thấy trên mạng, và từ những mẩu chuyện huyền thoại có sức thu hút lạ kỳ đối với tôi, về Ngài Thiền Tâm lấy từ trong những cuốn sách mà tôi may mắn được gởi tặng bởi thiện tri thức thọ Bồ Tát giới Bảo Đăng, một Ưu Bà Di đang hành trì Mật Tịnh tại Pháp Hoa Tự ở thành phố Tucson, Arizona.

Thầy Thiền Tâm và Tịnh Độ VN

Trong một bài viết vào năm 2011, Hòa Thượng Thích Như Điển đã viết về cơ duyên được biết về ngài Thiền Tâm và người cháu của ngài qua báo Viên Giác, một tờ báo Phật Giáo mà Thầy thực hiện từ năm 1979 tại nước Đức, như sau:

[…] độ năm 1981, 82, 83, 84 tôi đã trích đăng Lá Thư Tịnh Độ của Liên Du và nhiều độc giả rất thích về mục nầy. Trong thời gian ấy báo Viên Giác cũng gởi đến cho các trại tỵ nạn tại Đông Nam Á Châu để cho đồng bào Việt Nam chờ đi định cư tại các nước thứ ba có cơ hội đọc.

Một hôm tôi nhận được một lá thư từ đảo gởi qua, cho biết là có dịp đọc được báo Viên Giác và có xem qua mục Lá Thư Tịnh Độ của Liên Du và Thầy Hải Quang xưng là cháu của Hòa Thượng Thiền Tâm. Còn sách ấy nhan đề là Long Thơ Tịnh Độ chứ không phải là Lá Thư Tịnh Độ. Tôi đọc vậy thì biết vậy, chứ thật ra trước khi tôi đi du học Nhật Bản vào năm 1972 cũng chưa có dịp gặp Ngài Thiền Tâm ở Việt Nam; nên đã chẳng rõ biết bút hiệu của Ngài. Từ đó về sau Viên Giác đã cho đăng hết tập sách nầy. Đây là cái duyên ban đầu để chúng tôi biết về Hòa Thượng Thích Thiền Tâm.

Sau nầy có đọc những sách dịch của Ngài như: Tịnh Độ Thập Nghi Luận; Niệm Phật Thập Yếu; Kinh Niệm Phật Ba La Mật, v.v. và nhất là sau nầy Thượng Tọa Hải Quang đã đến Hoa Kỳ, trú tại chùa Pháp Hoa ở Arizona thì có liên lạc nhiều hơn và đã nhận được nhiều sách vở in lại của Cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm cho Thư Viện chùa Viên Giác Hannover. Thuở ấy và ngay cả bây giờ, đây là những tài liệu rất quý giá bằng Việt ngữ để cho những ai tu theo pháp môn Tịnh Độ có tài liệu để nghiên cứu.

Bìa báo Viên Giác số tháng 6, 2014.

Theo dõi tiểu sử của Ngài Thiền Tâm, Hòa Thượng Như Điển đã nêu ra một cách giản lược nhưng đầy đủ những điểm chính yếu về Ngài như sau:

Điểm thứ nhất là trong 48 năm xuất gia hành đạo của Ngài, Ngài đã dành ra ba lần tịnh tu nhập thất, tất cả là 20 năm. Lần thứ nhất 10 năm; kể từ năm 1955 đến 1964. Lần thứ hai ba năm từ năm 1968 đến 1970 và lần thứ ba Ngài đã quyết bế quan vô thời hạn trong bảy năm kể từ 1975 đến năm 1992.

Gần phân nửa đời tu, Ngài đã ở trong thất. Chắc chắn đây là thời gian Ngài tịnh tu, dịch kinh, viết sách, hạ thủ công phu, cho đến ngày viên mãn. Nếu Ngài không có 20 năm trong thất ấy, chúng ta ngày nay chắc không được lợi lạc gì nhiều. Vì chính công hạnh tu hành của Ngài cũng như những sáng tác của Ngài là một giá trị tâm linh cao cả, khó gì có thể sánh được.

Thứ hai là Ngài đã chuyên tu về pháp môn Tịnh Độ; cho nên những kinh điển Ngài phiên dịch từ chữ Hán đều có liên quan đến Pháp nầy. Ngay cả những sáng tác, soạn thuật, Ngài cũng đã chọn những danh từ đều có liên hệ với hoa sen, cũng như cảnh giới Tây Phương Cực Lạc.

Thứ ba là Ngài không từ nan trọng trách Giáo Hội đã giao phó để dạy dỗ Tăng Ni, Phật Tử và tạo lập đạo tràng để cho Tăng Ni có nơi tu học.

Đây có thể gọi là ba trách vụ chánh, khi hành hạnh Bồ Tát ở thế giới khó độ nầy, Ngài đã ra tay tế độ quần sanh để đến ngày viên mãn, Ngài đã biết trước được giờ ra đi cả sáu tháng và còn lưu lại xỉ nha xá lợi nữa. Sau khi Ngài viên tịch có người đệ tử hiệu là Bảo Đăng ở Hoa Kỳ có ghi lại những điều cảm ứng và hành trạng của Ngài trong sách Vô Nhất Đại Sư.

Một trong vô số ấn bản Niệm Phật Thập Yếu của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm.

Về tác phẩm Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Như Điển cho biết đây “được xem là sách gối đầu giường cho những người tu Tịnh Độ” mà theo Thầy được viết và in xong vào năm 1971, nghĩa là sau 13 năm nhập thất tất cả (lần đầu 10 năm và lần thứ hai 3 năm) của cố Hòa Thượng Thiền Tâm.

 Thầy đưa ra những nhận xét về cuốn sách này cũng như về Ngài Thiền Tâm như sau:

Đây là một quyển sách tương đối được Cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm hướng dẫn cho hành giả tu theo Pháp môn niệm Phật người Việt Nam một cách rõ ràng, khúc chiết và hầu như được tổng hợp các tư tưởng của các vị Tổ Tịnh Độ Trung Hoa. Dĩ nhiên trong 10 điều cần yếu Niệm Phật để vãng sanh nầy nó không ra ngoài những gì chư Phật và chư Tổ đã dạy. Vì Cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm rất giỏi chữ Hán; cho nên nhờ những sách dịch ấy mà Ngài đã tạo thành tư tưởng của mình. Vả lại trong 20 năm tịnh tu, nhập thất, hành trì ấy; nhất là thời gian từ năm 1975 đến 1992, thời gian bảy năm sau cùng của đời Ngài ở Đại Ninh rất quan trọng. Thời gian ấy là thời điểm khó khăn nhất về mọi mặt, đã xảy ra trên quê hương Việt Nam của chúng ta; nhứt là về phương diện Tôn Giáo. Do vậy sự nhập thất, bế môn “vô thời hạn” ấy rất có giá trị cho việc vãng sanh biết trước giờ ra đi của Ngài.

Tuy HT Như Điển tỏ ý dè dặt trong việc tôn Ngài Thiền Tâm là Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông Việt Nam vì theo Thầy,“kể từ  Ngài Đàm Hoằng (455) đến Ngài Thiền Tâm (1992), giữa hai Ngài cách xa nhau là 1,537 năm lịch sử.Dĩ nhiên giữa thời gian ấy, nay mai những người tu theo pháp môn Tịnh Độ Việt Nam sẽ tìm ra được những vị khác đã kế thừa và có khai tông lập giáo rõ ràng trong khoảng hơn 1,500 năm lịch sử ấy thì lúc bấy giờ việc tôn phong các vị Tổ như Ngài Thiền Tâm cũng không muộn.”

Và tuy HT Như Điển viết “Ở đâyhậu học muốn cần biết một tư tưởng Tịnh Độ của Tịnh Độ Tông Việt Nam khác với Tịnh Độ Tông Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng như thế nào; nhưng vẫn chưa tìm ra tư tưởng lớn ấy như Ngài Thân Loan, Pháp Nhiên (Nhật), Đàm Loan, Đạo Xước (Trung Hoa); Thầy của Ngài Tulku Thondrup (Tây Tạng) v.v…,”

Thầy đã nghiễm nhiên nhìn nhận:

“Dẫu sao đi nữa trong thế kỷ thứ 20, riêng nước Việt Nam chỉ có Cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm là người xiển dương Tịnh Độ theo khuôn mẫu của người Trung Quốc ở Việt Nam rất là rõ ràng và thành công hết mực. Nhờ vậy mà hậu thế mới có cơ hội tìm hiểu, tra cứu v.v.”

Chuyện từ ‘Vô Nhất Đại Sư Thích Thiền Tâm’

Cuộc đời và hành trạng của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm được ghi lại khá tỉ mỉ công phu với nhiều chi tiết ly kỳ huyền nhiệm bởi Ưu Bà Di Bồ Tát Giới Bảo Đăng trong cuốn “Vô Nhất Đại Sư Thích Thiền Tâm, Một Cao Tăng Cận Đại”.(1994)

Vô cùng xúc động trước sự viên tịch (cuối năm 1992) của một bậc đại tăng đầy đủ tài đức và cũng là sư phụ của bổn sư cư sĩ là cố HT Thích Hải Quang (lúc đó còn là Đại Đức), cư sĩ Bảo Đăng đã không quản ngại gian lao, hai lần về Việt Nam xuôi ngược các địa điểm cần thiết và gặp gỡ các nhân sự liên quan để thu thập tài liệu và biên soạn nên quyển tiểu sử của Ngài Thiền Tâm nhằm “trước là để hiển dương đức hạnh của một bậc vãng sanh cao tăng, sau là để lưu truyền lại cho các hàng hậu học cùng chư thiện tín lấy đó làm gương sáng cho cuộc đời tu học Phật Pháp và cầu giải thoát của mình.”

Tài liệu thứ nhất cho cuốn “Vô Nhất Đại Sư” là quyển “Tây Liên Tùy Bút Lục”. Đây là một quyển nhật ký viết trên cuốn vở 100 trang rất cũ của thân phụ thầy Hải Quang, tức Phật tử Tây Liên và cũng là bào huynh của cố Hòa Thượng. Quyển nhật ký này ghi chép lại một số sự việc có liên quan đến thời thơ ấu của cố Hòa Thượng, bắt đầu vào ngày 12 tháng 5, 1932.

Tài liệu thứ hai là quyển “Nhựt Thăng Tu Sĩ Di Cảo” (Nhựt Thăng là thế danh của cố Hòa Thượng). Đây cũng là một quyển nhật ký mỏng chép trên quyển vở 50 trang rất xưa cũ, mở đầu ghi vào ngày 1 tháng 9, 1935 trong đó là nét chữ của chính tay cố Hòa Thượng viết nên gồm cả chữ quốc ngữ lẫn chữ Nho, ghi lại một vài bài thơ do Ngài sáng tác lúc chưa xuất gia và một số kỷ niệm của thuở ấu thời.

Theo Cư sĩ Bảo Đăng viết trong phần Thay Lời Tựa của cuốn “Vô Nhất Đại Sư”, khi trao tài liệu ấy Đại Đức bổn sư của cô có nói rằng “hai tập nhật ký này là của Hòa Thượng ban cho để làm kỷ niệm khi thầy tuân lịnh ngài lên đường xuất ngoại 15 năm về trước. (…) Thầy giữ hai quyển nhật ký này bên mình không rời dù đi bất cứ nơi đâu vì đây là kỷ niệm của cha và chú. Nhưng nay thầy thấy đã đến lúc cần phải xử dụng đến nên mới trao ra để cho tôi hoàn thành tâm nguyện.”

Đây cũng là một phước duyên cho hậu thế, vì với bản chất bình dị khiêm cung và một đời chỉ mong cầu giải thoát, thuở sinh thời Hòa Thượng từng cương quyết chối từ những thỉnh cầu của các đệ tử thân cận xin ngài cho phép được ghi lại tiểu sử. Nhưng qua hai cuốn nhật ký kể trên, có thể nói những biến cố trọng đại trong đời ngài đều được ghi dấu ít nhiều mà cụ thể là những vần thơ cảm tác chân thành của ngài bằng một ngòi bút vừa tài hoa vừa thoát tục không những về dịch thuật mà cả trong sáng tác thơ văn.

Theo sách “Vô Nhất Đại Sư”, cố Hòa Thượng sanh năm 1925 tại làng Bình Xuân, quận Hòa Đồng, tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình Nho giáo có khuynh hướng sùng bái đạo Phật và đứng thứ 10 trong 13 người con của gia đình.

Khi hoài thai cũng như khi sanh nở ngài, cụ bà thân sinh ngài đã trải nghiệm nhiều sự kiện lạ lùng, chẳng hạn như chiêm bao thấy bà lão từ trời giáng hạ trao tặng hài nhi, như không chịu được mùi thịt cá và hăng hái làm công quả chùa chiền khi mang thai. Lúc cụ bà khai hoa, cụ ông chiếu theo ngày giờ và các hiện tượng xảy ra, tra cứu theo sách toán mệnh chữ nho đoán biết “đứa con nầy nguyên là căn tiên cốt Phật đầu thai chớ không phải là con thường như mấy đứa trước”. Có lẽ cũng vì lẽ đó mà ngài được đặt tên là Nguyễn Nhựt Thăng trong khi các anh em khác đều lót bằng chữ “văn” kể cả người em của ngài.

Tánh tình của ngài cũng đặc biệt, không ưa chạy giỡn chơi đùa mà thường hay ở trong nhà, ra trước bàn thờ đốt nhang, bái xá và theo thân phụ học tập chữ Nho. Ngài rất mực thông minh, lại chăm chỉ hiếu học nên bên cạnh chữ quốc ngữ, chữ Pháp, năm lên 9 tuổi trình độ chữ Nho của ngài đã giỏi, có thể đọc và viết chữ Hán thành thục thông thạo tựa như một người đã từng có học, viết qua Hán tự mười mấy năm trường.

‘Rồi ai cũng sẽ chết hết chăng?’

Qua hai tập tài liệu, người đọc nhận ra cuộc đời của cố Hòa Thượng đã ẩn hiện nhiều nét siêu phàm kỳ bí ngay từ thời thơ ấu với những mẩu chuyện lạ lùng khởi sự từ chuyện thực kế lẫn vào trong mộng rồi lại trổ ra thành những bài thơ trên giấy trắng mực đen mà câu chuyện sau đây là một điển  hình.  

“Vào năm 1932 tức là năm cố Hòa Thượng được bảy tuổi, nhân mục kích sự tử vong (chết) của một người thanh niên chòm xóm, thông thấu cảnh khóc than, sầu khổ của gia đình người chết cùng với các việc khác như là khiêng quan tài ra ngoài đồng chôn cất v.v. Ngài có vẻ suy tư và bồn chồn lo lắng lắm. Một hôm Ngài hỏi cụ ông rằng, ‘Thưa cậu, có phải rồi ai cũng sẽ chết hết chăng?’

“(Ở trong miền Nam, có vài ba địa phương con cái gọi cha bằng cậu, bằng ba hoặc bằng tía, gọi mẹ bằng mợ, bằng má… đó là chuyện thường).

“Lấy làm lạ khi thấy con mình mới có bảy, tám tuổi mà biết hỏi chuyện người lớn như vậy, nhưng thân phụ của ngài cũng vẫn đáp, ‘Phải, mọi người ai rồi cũng sẽ phải chết hết. Hoặc chết trẻ, chết già, hoặc chết sớm, chết muộn mà thôi. Như thằng sáu Các mà con thấy đám ma đó, nó chết rất trẻ vì mới có 16 tuổi đầu!’

“Ngài hỏi tiếp, ‘Như vậy thì có cách nào làm cho khỏi bị chết hay không?’

“Thân phụ Ngài đáp, ‘Không có cách nào hết, đời vô thường mà, như con với cậu đây có ngày rồi cũng phải chết như những người đi trước mà thôi.’

“[…] Từ đó trở đi, gia đình thường thấy Ngài trầm lặng và có vẻ suy tư nhiều hơn dạo trước.

“Vào một ngày khác, Ngài cũng đem câu hỏi trên mà hỏi nơi thân mẫu của mình.

“Cụ bà đáp rằng, ‘Xưa nay đâu có người nào khỏi chết bao giờ!’

“Ngài hỏi, ‘Vậy thì làm sao mà được khỏi chết?’

“Cũng như cụ ông, cụ bà rất lấy làm lạ lùng trước câu hỏi có vẻ người lớn của con mình. Tuy nhiên cụ bà cũng vẫn đáp rằng, ‘Má đâu có biết được, nếu như mầy muốn khỏi chết thì mầy nên Niệm Trời, Niệm Phật thì may mới khỏi mà thôi.’

“(Đây là cụ bà trả lời chiếu lệ, lấy có để qua vấn đề cho rồi, chớ cụ đâu có bao giờ ngờ rằng câu trả lời của cụ sẽ trở thành bất tử trong tương lai, và hiện tại là gieo vào nơi tâm thức của con mình một sự phấn khởi, hy vọng, cùng với một niềm tin tưởng vững chắc hơn về phương cách giải quyết việc sanh tử trong suốt cả cuộc đời của nó).

“Ngài nghe thân mẫu mình dạy như thế thời mừng vui lắm, bởi vì từ bây giờ trở đi, Ngài đã biết làm cách nào để khỏi bị chết rồi. Cho nên bắt đầu từ dạo đó, mỗi ngày khi đi đâu, làm gì và chí đến những lúc đi, đứng, nằm, ngồi, người ấu nhi 7 tuổi mà đã có một Đức Tin kiên quyết này lúc nào cũng lâm râm trì niệm câu: ‘Niệm Trời, Niệm Phật, cho con khỏi chết.’

“Cậu bé cứ niệm mãi và niệm mãi như thế với lòng tin tưởng tuyệt đối là mình sẽ không bao giờ bị chết như những người khác hết!

“Và cứ như thế, thời gian tuần tự trôi qua… cho đến hai năm sau, lúc đó ngài đã được 9 tuổi, thì có một điều phi thường, lạ lùng xuất hiện. Sự việc ấy như sau:

“Trong một đêm khuya vắng nọ, lúc đó cả nhà đều yên giấc hết, chỉ có một mình cậu bé Nguyễn Nhựt Thăng mới lên 9 tuổi này là còn đang thao thức. Và như thường lệ mỗi đêm của suốt hai năm qua, cậu nằm im trên bộ ván gõ kê gần cửa sổ ở bên hông nhà trên (gọi là nhà trên vì còn có nhà dưới nữa, thông thường ở miền quê trong Nam thì người ta dùng nhà trên làm phòng ngủ, phòng khách, nhà dưới thì làm nhà chứa lúa, nhà bếp, nhà ăn v.v.), miệng lâm râm đọc câu, ‘Niệm Trời, niệm Phật, cho con khỏi chết. Niệm Trời, niệm Phật, cho con khỏi chết.’

“Trước khi thiếp đi vào trong giấc ngủ êm ấm của mỗi đêm dài. Bỗng nhiên cậu thấy ngoài sân, qua khung cửa sổ phát ra ánh sáng chói lòa, rực rỡ như ban ngày.

“Lấy làm lạ, Nhựt Thăng đồng tử vội lồm cồm ngồi dậy và đi đến bên cửa sổ đứng nhìn ra tìm duyên cớ, thì cậu thấy bên ngoài, giữa không trung từ phía trên trời, có bốn người cao lớn, dung mạo hơi khác thường, chung quanh mình họ có ánh sáng phát ra như trái châu lửa. Bốn người này khiêng bốn góc của một cái kiệu xưa rất đẹp đang từ từ giáng hạ xuống phía trước sân nhà. Ánh sáng chói lòa, rực rỡ mà cậu thấy ban nãy chính là ánh sáng từ nơi thân của bốn người này phát ra vậy.

“Trong khi cậu còn đang ngạc nhiên, sửng sốt và ngây người ra nhìn thì thấy bốn vị này để cái kiệu ở ngoài sân, bay xuyên qua cửa sổ đáp xuống bên cậu làm cho cậu giựt mình, thối lui ra sau, trong lòng có ý lo sợ, thì một vị nói:

“‘Nhỏ kia, chớ có sợ. Chúng ta là người ở trên trời, hôm nay vì ngươi mà xuống đây. Bởi vì đã hai năm qua rồi, ngày nào ngươi cũng Niệm Trời cầu cho khỏi chết, nên cảm động đến bề trên sai chúng ta xuống đây rước ngươi về trời để cho ngươi được trường sanh bất lão. Vậy xin hãy yên tâm và theo chúng ta lên kiệu mà đi cho kịp thời giờ.’

“Ngài nghe nói vậy thì trong lòng mừng lắm, liền bước chân theo bốn vị ‘thiên nhơn’ kia ra sân.

“Lúc bốn vị ấy đưa tay ra định tiếp Ngài lên kiệu, bỗng nhiên Ngài sực nhớ lại là mình chưa chào giã biệt cha mẹ và anh năm, nên Ngài mới nói cùng với bốn vị ‘thiên nhơn’ kia rằng, ‘Khoan đã, hãy chờ một chút vì tôi còn phải vào nhà tự biệt phụ mẫu cùng với huynh trưởng rồi mới đi theo quý vị lên trời được.’

“Nói xong ngài quay người lại định bước vào nhà từ giã cha mẹ, bỗng nhiên nghe bên tai có mấy tiếng chuông ‘boong boong’ ngân lên rất thanh kèm theo mấy câu ‘Niệm Phật, Niệm Phật,’ âm hưởng của giọng niệm Phật này cực kỳ thanh tao và êm dịu làm cho trong tâm Ngài cảm thấy tự nhiên dâng lên một sự ấm áp và khỏe khoắn lạ thường.

“Vì bình nhật ngài chuyên trì một câu niệm, mà trong đó có hai chữ ‘Niệm Phật’ đã nhập tâm rồi, nên bây giờ khi nghe tiếng ‘Niệm Phật’ tuyệt vời kia khiến cho lòng Ngài bỗng dưng cảm động, vội vàng cất tiếng niệm Phật hòa theo và quay đầu ngó khắp các nơi tìm kiếm. Thì ngài thấy từ nơi hướng mặt trời lặn (phương Tây) phía trên không trung có một vị đại tăng vóc người cao lớn, mình mặc áo vàng, tay cầm chuỗi hột, dung mạo và thần thái cực kỳ thanh nhã, đang nhìn ngài mỉm cười và từ từ giáng hạ xuống đất, chung quanh mình của vị đại sư này, có một thứ ánh sáng màu vàng tỏa ra vô cùng tươi đẹp.

“Lúc ấy Ngài bỗng cảm thấy thân tâm mình được cực kỳ an lạc, một sự an lạc phi thường, tuyệt diệu không sao tả xiết. Thoạt tiên, khi mơi nhìn thấy vị đại sư đó, ngài có cảm tưởng là hình như mình đã được gặp một vài lần ở đâu rồi và ngài sực nhớ ra liền là mấy lúc trước đây khi theo thân mẫu đến chùa lạy Phật, thì ông Phật trên bàn thờ mà mình cùng với mẹ quỳ lạy đó chính là vị đại sư này chớ không phải ai khác hết.

“Ngài mừng lắm, liền bỏ bốn vị ‘thiên nhơn’ kia, chạy đến bên Phật Hòa Thượng quỳ lạy và ôm lấy chân Ngài. Phật Hòa Thượng lấy tay vuốt đầu ngài và cất giọng thanh tao nói rằng, ‘Này con, nay con nên niệm Phật, đừng nên niệm Trời nữa vì niệm  mới sống hoài, chớ niệm Trời thì còn có ngày phải chết.’

“Ngài nghe Phật Hòa Thượng bảo vậy, liền cất to giọng xướng câu, ‘Niệm Phật, Niệm Phật, Niệm Phật.’ Phật Hòa Thượng lấy tay bồng ngài lên, nhìn vào mặt ngài và tươi cười nói: – Con rất ngoan ngoãn, biết nghe theo lời dạy của ta.

“Đoạn đặt ngài xuống, kế đó Hòa Thượng lấy trong mình ra một con dấu (ấn) màu vàng chói rực, vuông góc bốn cạnh, in lên trán Ngài một ấn rồi nói, ‘Nay ta đóng cái Phật Ấn này lên trán con để làm tin chứng…’

“[…] Nhựt Thăng đồng tử đứng ngơ ngẩn một hồi rồi đi trở vào nhà, kế đó giựt mình tỉnh giấc, trong lòng lấy làm lạ lắm. Sau nầy khi kể lại cho người anh nghe câu chuyện nầy, ngài vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết và thắc mắc hoài một việc, ấy là:

– Rõ ràng khi sự việc xảy ra như vậy, lúc đó mình còn thức chớ đâu có ngủ, thế mà khi đi trở vào nhà lại thấy mình ngủ dậy nghĩa là làm sao?

“Hơn nữa khi lấy tay sờ lên trán ngay chỗ được ‘đóng ấn’ vẫn còn thấy nổi lên một cục thịt u to bằng đồng điếu (mấy tháng sau mới lặn)?

“Vì hai anh em cùng trong tuổi ấu niên nên không một ai hiểu và giải đáp được cái thắc mắc ‘bí mật’ này được cả…

“[…] Từ đó trở đi, tự nhiên ngài phát trí huệ một cách lạ lùng, mới có 9, 10 tuổi đầu mà đã có thể đọc và hiểu chữ nho một cách rõ ràng như một người đã từng học hán văn mười mấy năm dài…

“[…] Một ngày nọ, bỗng nhiên ngài hỏi anh ngài rằng:

– Anh Năm còn nhớ giấc chiêm bao mà tôi kể cho anh nghe lúc trước chăng?

– Có, tôi còn nhớ rõ lắm, với lại những gì chú kể cho tôi nghe, tôi đều có viết vào trong quyển vở riêng của tôi để sau nầy làm kỷ niệm.

Ngài cười nói:

– Vậy cũng tốt, nay tôi có bài thơ nầy trao cho anh để anh giữ luôn cho trọn bộ.

Hòa Thượng Thích Hải Quang, cháu của HT Thiền Tâm. viên tịch tại Tucson, Arizona năm 2011, hưởng thọ 67 tuổi. (Hình Bảo Đăng cung cấp)

“Trong lúc anh Năm của ngài còn đang ngạc nhiên thì ngài trao cho anh tờ giấy tập trong đó có ghi một bài thơ (tuyệt diệu, bất hủ) như sau:

Niệm Phật niệm Trời công đức huân,
Mẫu từ lời dạy trẻ liền tuân.
Mưa nắng hai mùa chuyên gắng niệm,
Tứ thánh, kiệu vàng giáng hạ ‘Khuân’.
Thương trẻ bị lầm, chơn Phật hiện,
Ấn vàng in trán, khiến ‘Đình Khuân’.
Từ nay thôi niệm Trời con nhé,
Niệm Phật sống hoài bất biến xuân.
Nhựt Thăng
(Những ngày thơ ấu)

“Sự kiện trên xảy ra không bao lâu thì cuối năm 1935, lúc ngài được 10 tuổi, thì có thêm một việc lạ lùng nữa. Đó là buổi kỳ ngộ giữa đồng ruộng giữa ngài và Hòa Thượng Phật Ấn, trụ trì chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho, vị chân tu mà ngài chưa hề biết mặt biết tên nhưng quyết chạy theo đảnh lễ ba lần trên bờ đê chỉ vì bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh vị Phật Hòa Thượng trong giấc mơ thuở trước.

“Không ai khác, chính Hòa Thượng Phật Ấn là vị thầy bổn sư đã đóng một vai trò quan trọng trên bước đường xuất gia tu hành sau này của ngài bên cạnh HT Thích Thành Đạo ở Sắc Tứ Linh Thứu Tự – Xoài Hột (y chỉ và thế độ sư), HT Thích Thiện Hòa ở Ấn Quang Tự – Sài Gòn (y chỉ và cầu pháp sư).

Thơ báo trước ngày vãng sanh

“Có thể nói, những chuyện mầu nhiệm như huyền thoại ấy đã nhiều lần xảy ra trong suốt cuộc đời Hòa Thượng Thiền Tâm, từ việc dùng bút hiệu ‘Nhựt Thăng Tu Sĩ’ lúc mới 11 tuổi đầu (bài Nỗi Lòng Tu Sĩ) cho đến việc tìm nơi trọ học trên tỉnh, việc tìm nơi chốn để lui về ẩn tu, biết trước ngày giờ vãng sanh, vân vân, tất cả đều được trình bày trong quyển ‘Vô Nhất Đại Sư’ với các bài thơ minh chứng hẳn hoi mà chúng tôi không thể kể hết ra đầy đủ nơi đây.

“Sau lễ Phật Đản năm Nhâm Thân 1992, tức trước ngày viên tịch bảy tháng, ngài có làm bài kệ Quy Kỳ Vịnh như sau nêu rõ ngày giờ vãng sanh của mình nhưng chỉ âm thầm cất trong nhật ký:

Tam thử, mão thời quy,
Lai khứ thiểu nhơn tri,
Lục bát trần duyên mãn,
Thân xuất đáo Tây kỳ.

Tạm dịch:

Ba chuột, giờ mẹo về,
Đến đi, ít kẻ hay.
Sáu tám duyên đời dứt,
Thân bỏ trở về Tây.

Và một ngày trước khi phủi áo về Tây, ngài để lại bài thơ cuối cùng trong di cảo:

Bài Tự Cảm Cuối Cùng

Sáu tám năm qua việc đáng kinh,
Thăng trầm vùi dập, lắm tai tinh.
Chẳng qua một giấc mơ dài ấy,
Mà kiếp phù sinh tạm múa hình.
Hai bốn năm ròng chuyên Nhứt Niệm,
Di Đà sáu chữ phóng quang minh.
Hôm qua tin tức trời Tây báo,
Giờ Mẹo mai đây tạ thế tình.
Vô Nhất tăng
Liên Du – Thích Thiền Tâm

(Bài lưu hậu cuối cùng – Năm Nhâm Thân,
ngày Quý Hợi 20-11 Âl – 13-12 Dl 1992)

Trong ‘Vô Nhất Đại Sư’ của cư sĩ Bảo Đăng có đoạn tả lại việc vãng sanh ấy như sau:

“Đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 11 năm Nhâm Thân, ngài ngồi trước bàn Phật trì niệm suốt buổi. Đến 3 giờ sáng ngài cho gọi các hàng học chúng và pháp quyến vào trong tịnh thất hộ niệm. Kế đến ngài bước xuống lầu, nghiêm chỉnh pháp y, an tọa vào chiếc ghế mà ngài vẫn ngồi tịnh niệm thường nhật, tay trái kết ấn Di Đà, tay mặt lần chuỗi niệm Phật theo tiếng hộ niệm của đại chúng.

“Trước vẻ bi ai của hàng môn đồ pháp quyến, ngài mỉm cười an ủi:

– Hãy bình tâm lại, đừng có khóc nữa. Ta được về Tây là điều hân hạnh, các con hãy theo đó mà cố gắng niệm Phật chuyên cần. Nếu được như vậy, ắt một ngày kia sẽ cùng hội ngộ nhau nơi miền An Dưỡng. Còn cácviệc thành bại, vinh hư trên cõi đời này, chẳng phải là chỗ quan tâm đến của ta.

Đoạn ngài đọc bài kệ rằng:

Đời ta chí gởi chốn Liên trì,
Trần thế vinh hư sá kể gì.
Bốn tám năm dài chuyên lễ niệm,
Mừng nay được thấy đức A Di.

“Tuyên xong lời kệ sau cùng nầy, ngài ngồi yên trên ghế, nhắm mắt như vào trong định. Đại chúng biết chắc Đại Sư sắp sửa quy Tây, nên đồng cất cao tiếng hộ niệm, mỗi lúc càng thêm khẩn thiết.

“Đến 6 giờ 15 phút (giờ Mẹo), Đại Sư bỗng mở mắt ra, chấp tay nói: ‘Ta đi đây. Đại chúng nên bảo trọng’. Đoạn nhắm mắt lại, tay trái vẫn kết ấn Di Đà, tay mặt buông xuôi xuống, xâu chuỗi từ trên tay ngài rơi xuống chiếu và ngài lặng im, an nhiên thoát hóa ngay trên bản tọa.”

Đạo tâm, đạo lực cảm hóa được rắn dữ

‘Kim xà thánh giả’ là tên một chương trong ‘Vô Nhất Đại Sư’ mà cư sĩ tác giả Bảo Đăng đánh giá là ‘tiết mục ‘đặc biệt’ nhất trong quyển sách này’. Sau khi rào đón cùng độc giả rằng ‘người đọc cần phải hội đủ lòng tin và dùng tâm trân trọng, chớ nên nói rằng: thời buổi khoa học này thì làm gì mà có các sự việc như vậy, hoặc là chừng nào tôi thấy thì tôi mới tin v.v.’, cư sĩ đã kể lại một vài việc trong số rất nhiều việc huyền bí của miền sơn cước linh thiêng mà cố Hòa Thượng đã trực tiếp trải nghiệm trên 20 năm ẩn cư tu tập.

“Khoảng giữa năm 1968, việc xây cất Hương Quang tịnh thất ở phú An đã xong, ngài chánh thức dâng đơn từ chức lên Viện Hóa Đạo. Nơi thôn Phú An vào năm 1968 và đặc biệt là tại chỗ ẩn tu của cố Hòa Thượng, có rất nhiều loại rắn độc khác nhau, đã từng gây sợ hãi cho các cư dân người Thượng trong vùng, và cũng đã từng làm cho cố Hòa Thượng phải bị giật mình vào những ngày tháng đầu tiên khi mới về ‘ghi danh’ làm thường trú nhân tại đây.

“Kể từ khi cố Hòa thượng về đây ẩn cư tu tập, nhờ ở nơi đạo hạnh và sự tinh cần lễ niệm, trì tụng của ngài nên dần dần cảm hóa được các loài rắn dữ, chúng nó cũng nương theo đại sư tu tập lâu ngày nên cũng được linh thông (thành rắn thần).

“[…] Do vì thầm cảm được cái ơn trọng đại đó, cho nên các ‘y ta’ kính nể cố Hòa Thượng như một bậc cha, thầy, còn các ‘y ta’ thì giữ bổn phận của con cháu hay đệ tử. Vì thế nên từ đó về sau các loài rắn này trở nên hiền hòa, chẳng những nó không làm cho ngài bực bội hay thương tổn chi mà trái lại còn âm thầm theo bảo vệ cho ‘Sư phụ’ nữa.

“[…] Hỏi: Có chứng cớ gì cho thấy là các lời vừa nói ở trên đúng sự thật như vậy hay chăng?

“Đương nhiên là phải có chứng cớ đầy đủ, nên cố Hòa thượng mới biết đích xác như vậy, chớ nếu không thì ngài cũng chẳng thể làm sao rõ thấu mấy cái cảnh giới bí ẩn nầy được cả.

“Sau đây là một chuyện liên hệ mà khi còn sanh tiền, cố hòa thượng đã tự thân kể lại cho ni sư Thanh Nguyệt và cháu là Đại Đức Thích Hảỉ Quang nghe:

“Có lần đó, cố Hòa Thượng đang ngồi làm cỏ tranh và xới đất bên cạnh một gò mối lớn ở phía sau thất (Phương Liên) của ngài, lúc ngài quơ tay ra sau lưng để cầm cuốc thì ngài lấy làm lạ mà nói trong bụng rằng, ‘Ủa, sao bữa nay cái cán cuốc có vẻ là lạ và bự quá vậy?’

“Ngài mới quay đầu ngó lại thì té ra là mình đang nắm nhằm cần cổ của một con rắn to bằng bắp chân người lớn, màu đen có sọc vàng, rắn ta vì bị nắm cổ nên hả miệng, le lưỡi ra khè khè năm sáu tiếng (chắc là bị nghẹt cổ) làm cho ngài hết hồn vội vã buông tay ra và bước lùi lại phía sau, niệm Phật cả mấy chục câu mới định thần được.

“Xong rồi ngài đứng ngó y ta một lúc và nói rằng, ‘Nhà ngươi ở đâu mà ra đây, nằm sau lưng ta hồi nào vậy? Thôi hãy đi đi.’ (Ngài lấy tay xua, khởi ý đuổi đi).

“Rắn ta cũng ngó ngài một hồi, gật đầu mấy cái (giống như xin lỗi) rồi bò ra phía sau gò mối, ngài đứng ngó theo xem nó bò đi đâu cho biết nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy tăm hơi gì hết, ngài mới nghĩ, ‘Ủa, bộ nó còn nằm gần đây sao mà không thấy bò đi đâu hết vậy kìa?’

“Đoạn ngài mới đi vòng quanh gò mối, tìm kiếm mấy lần mà cũng không thấy y ta đâu hết, bỗng dưng mà nó biến dạng mất tiêu như là khói vậy. Tìm hoài mà cũng không thấy có cái miệng hang (rắn) nào hết. Khuya lại, sau thời khóa trì niệm (gần 4 giờ sáng) ngài đang ngồi trên ghế bên cạnh bàn viết nghỉ mệt, định bụng chút nữa sẽ pha cà phê uống thì nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa. Ngài lấy làm lạ, trong bụng nghĩ rằng, ‘Giờ nầy còn sớm quá mà sao Thượng lại tới gõ cửa vậy kìa?’

“(Bởi vì mỗi buổi sáng mấy người Thượng ưa tới gõ cửa thất của cố Hòa Thượng để hỏi việc làm như là cuốc đất phát cỏ hoang và lên giồng trồng khoai, sắn v.v.) […] Bữa nay nghe gõ cửa (còn khuya quá) nữa nên ngài cũng nghĩ chắc là người Thượng đến xin việc làm như mọi hôm vậy. Ngài mới đứng lên, đi ra mở cửa thì thấy: Bên ngoài, trước thất của ngài là hai người Thượng một nam, một nữ, tuổi chừng 50, dung mạo rất đơn sơ, mặt mũi sần sùi, da dẻ đen đúa, cả hai đều mặc quần áo màu chàm trông cũng rất sơ sài, đầu hơi nhọn, đi chân đất (không có dép, giày gì hết), bàn tay nhám nhúa giống như có vảy, đang chắp tay, cúi đầu chào ngài, miệng niệm ‘Nam mô A Di Đà Phật.’

“Ngài nghĩ bụng, ‘Hai người Thượng nầy ở đâu đến mà thấy lạ mặt, mình ở đây cũng đã lâu rồi mà chưa quen với hai vợ chồng nầy. Coi họ có vẻ nghèo và giống như bị bịnh mới hết! Thôi để ta giúp cho họ việc làm. Ủa, mà sao hai người Thượng nầy lại lễ phép quá, biết chắp tay chào và niệm Phật nữa?’

Ngài hỏi, ‘Phải hai vị đến xin việc làm không?’

Hai người ấy đáp, ‘Mô Phật, Kính bạch Hòa Thượng không.’

‘Ủa, vậy chớ có chuyện gì cần không mà gọi cửa tôi sớm quá vậy?’

“Người đàn ông đáp, ‘Bạch Hòa Thượng, hai vợ chồng con đến đây để xin lỗi Hòa Thượng về chuyện đáng tiếc ban trưa, có đứa cháu nội đã làm cho ngài giật mình. Xin Hòa thượng từ bi tha lỗi và cho vợ chồng con sám hối.’

“Cố Hòa thượng lấy làm kỳ, trong bụng nghĩ rằng, ‘Ủa, chuyện gì mà họ xin lỗi và sám hối kìa, lạ không, từ hôm qua đến nay mình có gặp hay thấy đứa nhỏ nào đâu mà họ lại nói như vậy.’ Nghĩ thế nên ngài mới hỏi, ‘Cháu nội của hai vị hả, hồi nào, nó bao nhiêu tuổi? Tôi nhớ suốt cả ngày hôm qua có gặp đứa cháu nào đâu!’

“Người đàn bà đáp, ‘Kính bạch Hòa thượng, cháu trai của con là đứa bé hôm qua mặc áo quần đen có sọc vàng nằm hầu phía sau lưng của ngài lúc ngài làm vườn đó.’

“Ngài mới hỏi (mà trong bụng cũng chưa nhớ rõ ra là ai, bởi vì đâu có đứa nhỏ nào mặc áo quần đen, sọc vàng theo hầu sau lưng mình suốt ngày hôm qua đâu), ‘Vậy hả, cháu bé bao nhiêu tuổi?’

“Người đàn bà đáp, ‘Kính bạch Hòa thượng, cháu được 95 tuổi!’

“Hòa Thượng giật mình, sảng sốt hỏi tiếp, ‘Ủa, cháu nội mà được 95 tuổi thì hai vị đây bao nhiêu tuổi?’

“Người đàn ông đáp, ‘Dạ con được 842 tuổi và vợ của con 760 tuổi !’

“Đến đây thì Hòa thượng đã rõ biết họ là ai rồi, nên ngài mới hỏi tiếp, ‘Hai vị ở đâu tới đây?’

“Người đàn ông thưa, ‘Bạch Hòa thượng, chúng con ở Huỳnh Xà thôn nằm về phía Đông của thôn Phú An nầy cách nơi đây khoảng 9 cây số, gia đình con có khoảng một ngàn người.’

“Vừa nói tới đây thì người đàn bà nắm lấy tay của ông chồng giật giật mấy cái như ra hiệu đừng nên nói nữa (chắc sợ bị lộ tông tích) làm cho người chồng mới nói đến câu ‘khoảng một ngàn người’ thì làm thinh luôn.

“Hòa Thượng gật đầu nói, ‘Thôi hai vị yên lòng về đi, không sao đâu.’

“Nghe ngài bảo như vậy thi hai vợ chồng người nầy đồng chắp tay cúi chào rồi quay lưng đi vòng ra sau thất của ngài. Hòa thượng mới nom theo xem họ đi đâu và làm thế nào cho biết, thì ngài thấy khi họ ra đến phía sau rồi, cả hai người đồng hóa ra hai luồng ánh sáng màu vàng nhạt lớn bằng cườm tay, bay bỗng lên không về hướng Đông đi mất (giống như ông đi, bà xẹt vậy).

“Do đó nên ngài biết rằng, ‘Đứa bé 95 tuổi mặc áo đen, sọc vàng là con rắn đen có vằn vàng ngày hôm qua đã làm cho mình hết hồn! Hai vợ chồng nầy là rắn chúa (chúa động). Hang ổ chánh của họ nằm về hướng Đông của ấp Phú An, cách đây 9 cây số có tên là Huỳnh Xà Động (động rắn vàng).  Chắc có lẽ họ mới biết biến hình nên dung mạo còn thô sơ chớ chưa được đẹp người. Và hơn nữa chắc mỗi đêm họ ít nhiều gí đó cũng có đến đây nghe kinh và tu nên mới có vẻ kính trọng mình và biết chắp tay niệm Phật như vậy.’

“Điều lạ lùng là sau khi ngài viên tịch, trong ngày lễ khai mộ, tất cả mọi người hiện diện đều mục kích một cặp rắn màu vàng dài khoảng hai thước bò tới đầu mộ ngài. Điểm đáng nói là khi sinh tiền chính ngài đã dự biết điều này và từng dặn dò lưu ý đệ tử nhằm mục đích bảo vệ chúng.”

Cư sĩ Bồ Tát Giới Bảo Đăng trước cổng Chùa Pháp Hoa tại Tucson, Arizona. (hình cung cấp)

*

Câu chuyện về ngài Thiền Tâm đến đây xin tạm ngưng, mặc dù cuộc đời và sự nghiệp tu hành của ngài còn có thể trải dài thêm hàng trăm trang giấy mà cũng chưa chắc nói được hết. Tuy vậy, bài phân tích của Thầy Như Điển về sự đóng góp cho Tịnh Độ của Hòa Thượng Thiền Tâm, cũng như những mẩu chuyện huyền bí do cư sĩ Bảo Đăng thuật lại, đã cho tôi những bóng mát để dừng chân tạm nghỉ trên con đường tìm về nguồn đạo pháp. Tạm nghỉ để hưởng một chút công đức vô biên mát rượi do quý Tổ để lại, dành cho những hành giả đã đặt hết niềm tin ở Phật như quý Ngài đã đặt.


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *