Ni Sư ‘bún mắm’ ở Chùa Phổ Linh

*Đọc 14 phút*

Bài PHÚC QUỲNH

Mùa hè vừa qua, năm 2018, đọc những bản tin về Đại Lễ Phật Đản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ được tổ chức ở công viên Mile Square Park thuộc thành phố Fountain Valley, Quận Cam hồi đầu tháng Năm, tôi chú ý đến đoạn gần cuối của các bản tin. Đó là đoạn nói về quý đạo hữu ở Chùa Phổ Linh cùng Ni Sư Thích Nữ Thiền Tuệ đã cúng dường phần thức ăn chay trong hai ngày đại lễ. Chú ý vì tôi biết ngôi chùa ở thành phố Garden Grove này nhỏ, còn mới, mà sao ni sư có thể nấu ăn cho hàng ngàn người.


Thắc mắc vậy thôi rồi cũng mau quên. Thế rồi đến giữa tháng Tám, gặp chị bạn của vợ tôi mới trở về từ khóa tu học mùa hè vào đầu tháng Tám ở Tu Viện Tây Thiên, thị trấn Westlock, tỉnh bang Alberta, Canada. Chưa kịp hỏi về chuyến tu học diễn ra ra sao thì chị Chung pháp danh Diệu Hiền đã kể huyên thuyên về Thầy Pháp Hòa, một vị danh tăng gốc Việt có thể nói là đã đi giảng pháp nhiều nhất ở hải ngoại trong một thập niên qua. Hầu như tuần nào Thầy Pháp Hòa cũng “vân du” đến một ngôi chùa hay đạo tràng nào đó ở Bắc Mỹ, Âu Châu hay tận bên Úc, thậm chí về cả Á Châu. Thầy đã thành lập Tu Viện Tây Thiên khá vĩ đại và thu hút được hàng ngàn tăng ni cũng như Phật tử đến tu học ở tuốt miền bắc Canada trong mấy năm gần đây.
Hỏi thêm nữa thì tôi được biết chị Diệu Hiền đã bay đến Tây Thiên cùng với phái đoàn Chùa Phổ Linh. Thì ra ni sư Thiền Tuệ và các đạo hữu ở chùa này đã phát tâm nấu ăn cho khóa tu học trong vài ba ngày. Chị Diệu Hiền là một tay nấu ăn cho ít nhất ba ngôi chùa ở Quận Cam này. Hai nơi kia là Chùa Diệu Quang ở Santa Ana và Giác Tâm Thiền Tự ở Bellflower. Chị cười khúc khích khi kể cho tôi biết Sư Thiền Tuệ còn có biệt danh là “Ni Sư Bún Mắm” ở Tu Viện Tây Thiên.
Sao có cái tên lạ vậy?
“Thì em tới cô mà hỏi,” chị nói vậy, nhưng rồi cũng cho biết thêm. “Có thằng bé không ăn được gì suốt mấy bữa ở Tây Thiên. Vậy mà khi nếm thử món bún mắm của cô, nó đã ăn liền mấy tô.”
Thế nên vào một sáng thứ Tư gần cuối tháng Tám, tôi đến Chùa Phổ Linh để hỏi thêm về món bún mắm chay của cô, và cũng nhân đó được biết về tâm nguyện nấu ăn phục vụ đại chúng ở những buổi lễ lớn của vị ni sư này.

Xuất gia, tu học, du học, dạy học…

Sáng hôm đó tôi đến chùa gặp Ni Sư Thích Nữ Thiền Tuệ. Thoạt nhìn, cô có nét nghiêm trang cương nghị pha một chút mệt mỏi khép kín, nhưng khi cười lên thì khuôn mặt lại sáng tươi như buổi bình minh khi mặt trời vừa ló dạng. Qua buổi trò chuyện ở sân sau chùa, nơi có một mái hiên rợp mát treo hàng mấy chục chậu lan, tôi cũng hiểu được một phần nào về cuộc sống tu hành khiến cô thường thiếu ngủ.
Ni Sư Thích Nữ Thiền Tuệ đi tu từ năm 1980 khoảng 8, 9 tuổi, xuất thân từ thiền viện Phổ Chiếu chi nhánh Vũng Tàu của Đại Lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ ở Long Thành.
Ni sư kể, “Quê cô ở Quảng Nam. Thật sự cô có cái duyên may là có phước báu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc đạo Phật. Cô có hai người dì ruột đi tu. Một người là Ni Sư Hạnh Minh trụ trì chùa Đạo Kiểu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lúc Ni Sư mới vừa 28 tuổi. Ni Sư trụ trì ngôi chùa mà ngày xưa người Chàm xây lên. Còn một vị là Ni Sư Hạnh Mãn thì trú xứ tại chùa Sư Nữ Bảo Thắng ở Hội An, Quảng Nam.
Cô ở Phổ Chiếu được 10 năm. Năm 90 vô Sài Gòn, trú xứ tại chùa Kim Liên, Quận Tư, ở đó cũng 10 năm, học qua Cơ Bản Phật Học rồi lên Đại Học Phật Giáo. Năm 2001 cô đi du học ở Trung Quốc sáu năm. Xong cô về làm Phật sự được một năm. Năm 2008 thì cô qua Mỹ với sự bảo lãnh giấy tờ của Hòa Thượng chùa Bát Nhã (HT Thích Nguyên Trí).

Suýt trở về Việt Nam vì bệnh

“Qua Mỹ cô có ghi danh học ở Santa Ana College, nhưng tới năm 2013 cô bịnh quá trời, tưởng phải bỏ cuộc trở về Việt Nam để dưỡng bịnh. Nhưng sao dần dà nó cũng qua đi. Rồi cái duyên nó đến, cô ra cái chùa này, việc học còn hai mùa nữa nhưng cô bỏ dở dang. Đôi lúc cũng muốn quay trở lại trường, nhưng mà thôi, việc Phật sự với sức khỏe cũng không cho phép.
“Nói thật sự chú biết, chùa này cô đang mướn nhưng cô thấy rất là vui bởi vì cô có cái hạnh nguyện là chỗ nào có Pháp Hội tu hành thì cô cũng đều phát tâm cúng dường. Cô ra chùa này từ cuối năm 2014. Mấy năm trước, khi chưa ra trú xứ này, cô hay nấu cúng dường cho các Khóa Tu Bắc Mỹ mà Hòa Thượng Nguyên Siêu làm trưởng ban tổ chức mấy năm liền đó. Cô nấu rồi chở xuống San Diego. Rồi cô cũng nấu cúng dường cho những lễ trai tăng cho tăng ni Nhập Hạ ở Phật Học Viện Quốc Tế cũng như Khóa Nhập Hạ ở chùa Huệ Quang.
“Cái đáng ghi nhớ nhất là năm kia, năm 2016, năm HT Thích Nguyên Siêu làm trưởng ban tổ chức Đại Lễ Phật Đản ở Mile Square Park thì cô cũng phát tâm, với sự đóng góp tùy hỷ của những Phật tử ở chùa, lần đầu tiên cô đứng ra nhận lãnh trách nhiệm phục vụ cho đại chúng tới trên dưới 10 ngàn phần. Mới đây nhất là Phật Đản vừa rồi.
“Chắc cũng nhờ Tam Bảo gia hộ thành chi mọi việc rồi cũng thành tựu viên mãn. Về thầy Pháp Hòa thì cô nghe tiếng của thầy nhưng chưa từng gặp, chưa từng tiếp xúc với thầy một lần nào hết. Nhưng cô nghe thầy tổ chức khóa tu học mỗi năm từ ngày 1 đến ngày 10 tháng Tám nên cũng muốn đi gieo duyên ở những nơi xa xôi một lần.
“Cho nên tuy cô mới trở lại Mỹ sau khi về Việt Nam làm lễ cúng dường Thiên Tăng và làm mấy công trình từ thiện, ngày giờ xít xao quá nhưng cô cũng cố gắng thực hiện hạnh nguyện của mình. Do đó mà cô với tám người Phật tử nữa cùng qua bên đó phục vụ. Khóa tu học của thầy 10 ngày nhưng cô phát tâm cúng dường hai ngày cuối, tổng cộng khoảng trên dưới 700 người tính cả tăng ni, cô ước lượng như vậy.
Hàng mấy trăm người như vậy, làm sao cô sắp xếp được?
“Thật sự, như vừa rồi Đại Lễ Phật Đản đó, ai vô đây cũng nói cái chùa thấy như vậy mà sao cô phục vụ được. Nói thật với chú là cô làm từ từ, rồi có mấy cái tủ lạnh, mấy cái tủ đông lạnh đó. Ví dụ như vừa rồi có lễ Phật Đản ở Mile Square Park, cô phải đi chợ cả một tháng. Cô đi từ từ, rồi cô làm từ từ. Trước ngày chính thức đó một tuần là phải vào việc. Thí dụ như thứ Năm là bắt đầu gấp rút.
“Như vừa rồi ở khóa tu của thầy Pháp Hòa ở Canada đó, cô đi mua tổng cộng là 19 thùng hàng. Cô nhờ mỗi Phật tử chở giúp cô hai kiện. Chín người là 18, với lại dư một kiện thì cô lãnh, tức là cô đem ba kiện. Mỗi thùng là 50 pounds. Hai kiện là $46 đồng mấy chục cents, đi qua Canada. Đây là những đồ khô… Năm 2015 hay 2016 gì đó cô cũng có đi Úc nấu cúng dường ở khóa tu học ở Úc một lần.”

Tự nhiên qua Mỹ rồi thích nấu

“Sư phụ của cô là Ni Trưởng Thượng Như Hạ Ánh, đệ tử của Sư Bà Giám Viện chùa Từ Nghiêm trước 75. Hồi xưa cô ở trong chùa, nhất là thiền viện Phổ Chiếu cũng như chùa Kim Liên, cô không phải là người nấu chính. Cô thường đi chung với một sư cô lớn, cô chỉ phụ rửa rau, xắt gọt vậy thôi…
“Ở Việt Nam, sau khi học và tốt nghiệp xong, cô về cô chỉ đi dạy thôi, chứ về vấn đề nấu nướng thì cô không rành lắm. Tự nhiên qua Mỹ rồi thích nấu (cười). Với lại tự nhiên mình thấy trong việc phục vụ đại chúng cũng có nhiều cái hay. Không phải lúc nào mình nấu cũng ngon, nhưng mà mình nấu bằng cả cái tâm, thành chi Phật tử họ cũng thương, rồi (từ thương) ăn cái gì họ cũng nói ngon hết, không biết có ngon thiệt hay không (cười).”

“Như vừa rồi cô đi qua Canada nấu đó, chừ cô có biệt hiệu Ni Sư Bún Mắm. Bún mắm chay đó. Buổi chiều hôm trước cô nấu bún cá chay. Qua sáng hôm sau thì nấu bún mắm chay. Cô cũng sợ hai bữa bún liên tục như vậy không biết đại chúng tu học có dùng được không. Nhưng mà chú biết không, rất là vui. Cái ngày hôm đó có nhiều chú làm công quả trong bếp, ăn tới ăn lui. Có chú còn nói Ni Sư nấu bún mắm ngon quá đi, con ăn từ sáng tới giờ năm tô, không ăn cơm, không ăn món gì hết. Ai cũng khen món bún mắm chay.
“Thật sự vì nấu món đó lần đầu tiên, lại nữa bên đó cũng hạn chế chứ không dễ như Cali này, ở đây mình mua cái gì cũng gần. Từ chỗ chùa Tây Thiên của thầy ra chợ thì rất là xa, hình như cũng hơn một tiếng đồng hồ nên vấn đề di chuyển cũng rất khó khăn. Thành chi mình cũng phải lo gói ghém cho gọn gàng để không gây khó khăn nhiều cho các Phật tử vận chuyển. Bây giờ cô có kinh nghiệm rồi, lần sau nếu có duyên nữa thì mình sẽ thực hiện tốt hơn.”

Bí quyết nấu ngon – cách làm bún mắm

“Chủ yếu cô nấu, như chú biết, ở Mỹ ai cũng sợ dầu, đường, sợ đồ béo, thành chi mình phải hạn chế vấn đề đó, nhất là với mấy cụ lớn.
“Nấu nhiều rồi thì nó cũng thành cái thói quen. Cô nêm nếm theo thói quen chứ không có một công thức nào hết. Thí dụ như có Phật tử muốn đến nhờ cô chỉ, nhờ cô hướng dẫn để nấu đồ chay, cô nấu rồi nêm nếm theo kinh nghiệm, chứ không có theo công thức nào hết, cô không thể nói rõ ràng bỏ vô bao nhiêu muỗng đường…
“Nói chung bún mắm ở các nhà hàng hay các chùa được mỗi người nấu theo mỗi ý khác nhau. Cô thì cô không có công thức gì hết. Cô nấu ăn hoàn toàn không có sách vở. Cô chỉ theo quan niệm riêng của cô. Thí dụ như cô thấy để cái đó vô ngon thì cô để thôi. Cô chỉ kể lại cái cách cô làm theo kinh nghiệm bản thân cô, chứ thật sự đây không phải là một bài hướng dẫn Phật tử đâu.
“Thì trước hết mình muốn nấu nước thì phải nấu súp bằng đồ lê ghim cho nó ngon. Sau đó thì mình xay thơm, liều lượng thì gia giảm tùy theo ít hay nhiều, đổ từ từ đừng để nước súp thành quá chua vừa có hại vừa làm át đi các vị khác cho dù mình cố sửa cho nó bớt chua. Nước khóm xay nhuyễn vừa có cái ngọn thanh và hương vị chua chua và vừa làm cho nước trong.
“Rồi tới sả. Cô không đổ tự nhiên mà phải tao qua (xào) cho nó vàng vàng, cho mùi sả bắt lên thì nó mới thơm. Kế đó là mắm đậu, tương Cự Đà, chao. Tất cả những thứ đó xay nhuyễn hết rồi đổ vô. Thật sự bún mắm mà thơm ngon là nhờ sả. Đây là sả bằm đó chớ cô không nấu sả cây. Và ăn thua ở cái nêm nếm. Cô không bỏ đường cát mà bỏ đường phèn cho nó thanh, cộng thêm với gia vị nấu đồ chay.
“Cà tím thì chiên lên, theo như kinh nghiệm của cô thì nên để ở ngoài, múc tô nào thì mới để lên trên mặt bún. Trước khi chiên phải rửa qua nước muối cho nó đi cái chỗ mủ và miếng cà được măn mặn. Đậu hũ cũng vậy, cũng để vô sau. Đậu hũ nếu mua ở chợ về chiên không thì nó rất lạt lẽo, cho nên khi chiên xong và xắt lát lát thì phải ướp một xí muối, một xí bột nêm cho nó thấm vô miếng đậu hũ. Như vậy thì cái với nước mới hòa quyện lẫn nhau, khi ăn không bị lợt lạt.
“Rồi có người thì chiên đậu bắp bỏ vô. Đập bắp chiên cũng ngon. Ở Việt Nam có người bỏ bông điên điển Thì tùy theo mỗi người, ai thích ăn cái gì thì bỏ cái nấy. Nhưng tóm lại cô thấy không thể thiếu hai cái món quan trọng nhất cho bún mắm là cà và đậu hũ. Thì đó, cô nấu cho khóa tu học của thầy Pháp Hòa là như vậy.”

Ni Sư Thích Nữ Thiền Tuệ (giữa) cùng chư ni và Phật tử chùa Phổ Linh tại đại lễ Phật Đản được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tổ chức ngày 6 tháng 5, 2018 tại Mile Square Park , Fountain Valley, Quận Cam. (Hình: Thanh Huy)

Trồng lan, làm thơ, đọc sách… và đời tu hành

Cô có rất nhiều lan. Cô bán hay trồng cho vui?
“Cô trồng để thưởng thức. Phật tử đi vào, thấy cái vườn lan, tâm họ cũng thấy dễ chịu. Nói thiệt với chú, trồng lan, cũng như cây kiểng, giống như chăm một đứa bé vậy. Trồng lan cũng tạo cho mình cái tính nhẫn nại, chịu khó. Mình trồng rồi mình mới thấy bên cạnh cái vui cũng có cái nhọc nhằn. Hồi mới đầu cô chưa có kinh nghiệm, cô trồng nó chết hết hà. Sau từ từ… Những cái lan này là lan cúng trong bàn Phật xong rồi cô đem ra cô dưỡng lại. Có một cây hoa lan nở liên tục đúng 12 tháng đó chú, từ mùa Vu Lan năm ngoái cho tới mùa Vu Lan năm nay mà cây hoa lan vẫn còn đẹp. Coi như trổ hoa liên tục 12 tháng.”
Ngoài việc nấu ăn, thỉnh thoảng cô cũng thích làm thơ?
“(Cười) Thật sự thì làm thơ cho vui vui vậy thôi chứ cũng chẳng có bài bản. Cô cũng chẳng học nữa. Tự dưng có cảm hứng thì làm chứ cô cũng không có chuyên về cái đó. Thì cái gì cũng mỗi xíu, mỗi xíu vậy đó (cười).
Những khi có điều gì trong cuộc sống cần phải giải quyết thì cô nghĩ tới ai như một người hướng dẫn tinh thần (ngoài Phật)?
“Cô có sở thích đọc sách ngay từ nhỏ. Những khi cảm thấy có điều gì băn khoăn hay khó vượt qua hay cái gì đó thì cô hay đọc sách. Tác phẩm nào có ý nghĩa đều có thể mang lại một bài học, cho dù tác giả đó là người đời hay người tu. Thành chi sách là bạn và cũng là người thầy của cô, phần nhiều là như vậy.”
Thỉnh thoảng cô có về Quảng Nam thăm gia đình không?
“Có. Những năm trong thập niên 80, từ 80 tới 90, vấn đề di chuyển cũng khó khăn, thành chi cô đi tu được ba năm ở chùa mới cho cô về thăm nhà một lần. Sau này thì lớn rồi, với lại cô cũng còn có một bà mẹ già hiện được người em trai săn sóc, thành chi thỉnh thoảng cũng về.”


*


Nhắc lại kỷ niệm thời mới vô chùa tu, cô bật cười thật vui, “Thật sự, chú biết không, cái câu nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò phải là thứ ba tiểu chùa mới đúng. Nói chung lớp của cô thì có mấy chú tiểu, làm thì rất là hăng say, nhưng mà cũng phá dữ lắm, với lại tại vì hồi đó cực quá đi, nên mấy chú thích đi ra tiệm mua chè, mua trái cóc, trái ổi ăn.
“Chú biết, thời điểm đó rất là cực, thời điểm còn ăn bo bo đó, rồi mình thèm, con nít mà, dĩ nhiên là thèm vòng tay âu yếm của bố mẹ, thích được vòi vĩnh nũng nịu để đòi ăn cái này cái kia. Vô trong một môi trường rèn luyện theo một hướng đi khác. Thành chi chú tiểu nào được gia đình thường xuyên tới thăm thì chú hay có tiền, cái rồi lén lén sư phụ ra ngoài đường mua…(cười khúc khích).
“Thật sự cô rất cảm ơn cái duyên may, nếu cô không ở trong cái môi trường rèn luyện khó khăn nghiêm túc như vậy thì mình cũng không biết là mình như thế nào. Nên cô rất cảm ơn tất cả những cái gì cô có được, cho dù trong cuộc sống có lúc gặp thuận duyên có lúc gặp nghịch duyên. Nhưng thuận duyên hay nghịch duyên gì thì cũng là một bài học trải nghiệm để cho cô tiến lên trên con đường đạo.”
Về thời khóa biểu mỗi ngày của cô, cô cho biết, “Thật sự người cô cũng bịnh dữ lắm, bịnh nhiều lắm. Cô nói thì có lẽ nhiều người không tin nhưng giờ chú hỏi thì cô cũng nói. Cô ngủ, nếu hôm nào mà ngủ được thì dài nhất là ba tiếng, còn không thì cô chỉ ngủ được hai tiếng thôi. Lúc nào cô sớm nhất cũng phải qua 1 giờ mới ngủ được, rồi 4 giờ hay 4 giờ rưỡi là bắt đầu dậy. Đúng 5 giờ là có thời Công Phu Khuya, trong Công Phu Khuya đó thì tụng 21 biến chú Đại Bi. Cái đó là thường xuyên. Buổi tối thì 7 giờ rưỡi. Tuy nhiên, buổi tối thì hơi hạn chế vì đôi khi có Phật sự bất ngờ, phải đi ra ngoài. Còn buổi khuya thì hầu như ngày nào cũng như vậy.”

Một lòng một dạ mà hướng về đạo pháp

Trả lời câu hỏi “Ngoài việc giữ cho ngôi chùa tồn tại, cô có ước nguyện gì không?, Ni Sư Thiền Tuệ nói một cách mạnh mẽ, “Theo quan niệm của cô, đời vô thường, cô không biết ngày mai như thế nào thành chi hôm nay làm được việc gì thì nên làm, vậy thôi. Dĩ nhiên là một hành giả khi đi trên con đường giác ngộ giải thoát thì bản thân cô cũng như mọi người, đều phải tinh tấn để mỗi ngày mỗi thăng hoa hơn trên bước đường tâm linh. Thì cái điều đó chắc chắn một hành giả tu hành theo giáo lý của đạo Phật thì không thể nào không nuôi cái hoài bão như vậy.
“Còn những công việc từ thiện cũng như những công việc giúp ích cho đạo cũng như đời thì tùy theo khả năng của mỗi cá nhân, miễn sao mà mình thấy ngày hôm nay mình tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai mình tốt hơn ngày hôm nay là đủ.”
“Khi mà mình đã bước chân vào đạo, hồi nhỏ thì cái cuộc sống cũng như cái hướng đi của mình nó khác. Còn bây giờ, trải qua năm tháng, thì vấn đề tu hành cũng như cái đường hướng mình hướng tới thì nó lại khác. Nhưng mà theo bản thân của cô thì cứ một lòng một dạ mà hướng về đạo pháp thì cô nghĩ rất là nhiệm mầu.
“Cô không dám chia sẻ kinh nghiệm tâm linh của riêng mình, bởi vì ai uống nước nóng lạnh thì nấy biết. Nhưng riêng bản thân cô thì cô thấy rất là nhiệm mầu nếu mình đi đúng đường hướng theo những lời Phật dạy. Và có một điều mà cô muốn bộc bạch với chú là bản thân cô, có đôi lúc cô thấy cái việc phước đó nó nhỏ quá cô không muốn làm nhưng mà thật sự những phước nhỏ đó nó mới tích tụ lại thành những phước lớn. Do đó trên cuộc đời trải qua con đường tu hành của cô đến hôm nay là mấy chục năm rồi thì cô thấy cái phước thật sự rất hay, thành chi ông bà ta xưa thường nói là Đức năng thắng số cô thấy rất là đúng.
“Cái phước báu tuy không có hình chung nhưng rất là nhiệm màu. Chính điều đó luôn thôi thúc cô lúc nào cũng mang tâm nguyện là nên làm phước. Dĩ nhiên là Phước trí lưỡng toàn phương tắc Phật, mình làm phước mà mình cũng phải tu nữa, hai cái đó nó phải song song với nhau thì mới thành Phật.
“Với cuộc sống hiện tại chú thấy đó, xã hội càng ngày càng có những cái chuyện mà mình thấy không thể nào lý giải được, thành chi tâm niệm của cô là lúc nào cũng phải tạo điều phước lành. Đó thật sự là cái căn bản cho người tu đi trên đường đạo. Cái phước báu, với bản thân cô đó là điều rất nhiệm màu, là cái mà một người tu không thể không làm.”


*

Rời Chùa Phổ Linh sáng hôm đó, tôi nghĩ về tâm niệm tạo phước lành, về những tô bún mắm mà Ni Sư Thiền Tuệ đã mang đến cho đại chúng ở Tu Viện Tây Thiện, những món được cô cúng dường cho mọi người ở mọi nơi. Tuy chưa được thưởng thức món cô nấu, chỉ nghe qua cô và những người khác, nhưng tôi dường như cũng nếm được đạo vị trong những món mà tôi biết thật sự ngon, vì các món ấy được cô thật sự “nấu bằng cả cái tâm” của một người tu hành.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *