Chuyện hai sư cô ‘dốc lòng vì đạo hy sinh’

*Đọc 15 phút*

Bài ĐỒNG PHÚC

Buổi nói chuyện với sư cô Thích Nữ Như Quang đã đến bất ngờ ngoài dự tính của tôi.
Số là tôi có đọc báo Viễn Đông về vụ một phụ nữ bị cảnh sát bắt vì bị nghi là đã đi đập phá các tôn tượng đặt trong sân Chùa Hương Tích và Chùa Phước Quang, thấy có bức hình chụp sư cô Như Quang viện chủ Chùa Phước Quang với ba sư cô khác, một sư cô từ Quận Cam đây, một từ Arizona và một từ Minnesota, nên tôi tính tới Chùa Phước Quang ngày hôm sau, để thăm ngôi chùa tôi chưa hề biết, và sẵn dịp gặp hai sư cô từ tiểu bang xa để biếu báo Tinh Tấn.
Lúc bấy giờ tôi có nhiệm vụ gởi tặng Tinh Tấn Magazine đến các chùa viện ở xa, ít nhất là một ngôi chùa ở mỗi tiểu bang. Thế nên biết có hai sư cô từ Arizona và Minnesota có mặt ở Chùa Phước Quang, tôi tính ghé để tặng cho đúng chỉ tiêu và tiết kiệm được phí tổn bưu điện. Thế nhưng bữa sau tới thì không thấy ai khác ngoài một phụ nữ đứng tuổi và một cụ già, cả hai đều đội nón len, ăn mặc xuề xòa và đang lặt rau trong garage. Hỏi ra mới biết các sư cô từ nơi xa đã theo mây bay đi nơi khác, và té ra người phụ nữ đứng tuổi kia chính là sư cô viện chủ, và bà cụ là thân mẫu của cô.
Hôm đó là một ngày trong tuần vào cuối tháng Tám 2018. Giữa lúc đang có vài người thợ Mễ làm việc ở một góc sân, dùng máy để cưa cắt gì đó, tôi kính tặng sư cô Như Quang tờ báo Tinh Tấn và hỏi thăm về ngôi chùa mới được tạo dựng chừng một năm nay ở góc đường Euclid và Lampson. May sao sư cô thích nói chuyện, và nói rất nhanh, nên tôi được biết ngôi chùa này đã được gầy dựng từ những ngày tháng sống rất vất vả của cô và của người em ruột – sư cô Như Minh, ở xứ Mỹ này.
Câu chuyện của hai cô, lẽ ra tôi chỉ nghe qua rồi thôi, như bao câu chuyện của các hành giả khác trên đường tu mà tôi từng biết, nghe để xách tấn cho chính mình. Nhưng khi biết một phần của nỗ lực tạo chùa đó có liên quan đến việc nấu các món chay, tôi mới mạn phép xin cô cho tôi được ghi lại câu chuyện đời cô, một phần đời thôi, để cống hiến đến bạn đọc của báo Tinh Tấn nhân dịp báo kỳ này nói về chủ đề thức ăn chay.
Thế rồi giữa tiếng cưa cây cắt gỗ ầm ĩ ngoài sân, tiếng xe chạy liên tục ào ào trên đường Euclid, một trong các đại lộ nhộn nhịp xe cộ nhất trong thành phố, tôi được nghe những lời tâm sự mà có lúc cô phải dừng lại để nén cơn xúc động khi nhớ lại một giai đoạn sống khá nhiều thử thách gay go cho một kẻ tu hành.

Tu học ở Việt Nam

Sư cô Như Quang năm nay đã trên năm-mươi-lăm tuổi, đi tu từ năm 1981 ở Đồng Tháp, Sa Đéc tại chùa Phước Huệ. Cô kể, “Chùa ni Phước Huệ và chùa Hải Huệ là từ cùng một chùa tổ Kim Huê, nên cô và Hòa Thượng Thiện Long [Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Phật Tổ, Long Beach] coi như huynh đệ.
“Cô ham tu từ hồi nhỏ. Bảy, tám tuổi cô đã ăn chay. Nhà có năm chị em, cô đứng thứ hai. Cô và người em gái (sư cô Như Minh) đi tu một lượt. Cách đây bảy năm thì mẹ cô cũng đi tu luôn.
“Năm 86 cô lên Sài Gòn tu. Trước hết cô ở chùa Quan Âm thuộc Quận 11 của Sư Bà Tịnh Quang em của Hòa Thượng Thiện Tường. Năm 89 cô đi học khóa Cơ Bản Phật Học, khóa đầu tiên, ở Thủ Đức. (Vì cô là người có hộ khẩu ở dưới quê nên không được học ở Vĩnh Nghiêm mà phải học ở ngoại thành.)
“Rồi sau đó cô học khóa Giảng Sư, cũng là khóa đầu tiên (khóa Thiện Hoa) của Hòa Thượng Thích Trí Quảng, học cùng với thầy Thiện Long. Học xong khóa đó thì thầy Thiện Long đi Mỹ luôn tới bây giờ.
“Lên thành phố, học xong cô ở Quận 10, rồi Quận 11, rồi qua Quận 4, rồi mới trở về cất một cái tịnh thất ở Quận 7, hiện giờ cũng còn. Tịnh thất nhỏ nhỏ này cũng tên Phước Quang nữa, Phước Quang Ni Viện.
“Năm 2007 cô qua Mỹ nhờ có nhân duyên là được mời đi du lịch gieo duyên để dự lễ Vu Lan, nói nôm na là đi theo chương trình Phật Giáo. Năm đó tình hình cũng dễ, nên qua đây rồi chính phủ cho làm thẻ xanh định cư. Nói chung là lúc đó cô đi du lịch, rồi đủ duyên nên được làm thẻ xanh ở lại định cư rồi vô quốc tịch luôn.

Những ngày may đồ, nấu ăn để sống

Hai chị em sư cô Thích Nữ Như Quang và Thích Nữ Như Minh đã được Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ Chùa Bát Nhã bảo trợ qua Mỹ trên giấy tờ. Ngày ấy Chùa Bát Nhã còn tọa lạc ở đường South Sullivan, chưa rộng lớn như ngày nay ở đường West First, tại cùng thành phố Santa Ana.
Kể về Hòa Thượng, sư cô nhận xét, “Ngài rất là tốt, chưa biết mặt hai chị em cô là ai nhưng nghe cô xin thì ngài ừ và hoan hỷ làm giấy tờ giúp cho. Tâm ngài rất là từ bi, ai ngài cũng giúp, miễn tu là được thôi. Ngài muốn phát triển Phật Giáo ở xứ người đó mà. Rất nhiều cô kêu ngài là sư phụ. Người ta nói rằng cái chùa của ngài bằng có cái chén hà, mà chứa rất nhiều. Biết cái tâm của ngài như vậy thì mình cũng phải cố gắng.”
Qua được California thì đời tu của hai cô khởi đầu với nhiều khó khăn.
Sư cô Như Quang kể, “Nói nào ngay chùa của sư phụ Bát Nhã không có chỗ cho ni. Ni cuối tuần chỉ về sinh hoạt thôi. Sau này thầy mua được bên kia mới có phòng cho ni chớ hồi đó không có. Sư Cô Huệ Chiếu phải ở sau cái nhà linh đó. Thành ra Sư Ông Bát Nhã bảo trợ, còn cô thì mướn phòng bên ngoài để ở…”
Theo lời cô, việc người tu mướn phòng ở chung với “người đời”, cho dù họ được tiếng là cư sĩ đi nữa, cũng gặp nhiều phức tạp lắm, nội cái chuyện sáng sáng cô ra bếp, “thấy cái sink máu me mà rợn người, làm cô khủng hoảng luôn”. Chưa kể tới chuyện vì cho cô mướn trái phép (trong khi họ được hưởng chương trình housing), tới ngày khám xét nhà để tái ký hợp đồng, người chủ nhà bắt buộc hai cô phải đi vòng vòng ngoài đường cả ngày để… chờ xét xong. Cô kể, “Bữa đó trời mưa, lấy cây dù che, hổng biết đi đâu, cứ đi vòng vòng, đi như vậy từ sáng cho tới chiều… Lúc đó cô đâu có biết housing là gì. Khi mướn phòng, người ta (chủ) hỏi cô có gởi thư từ về đây không thì cô nói thư từ gởi về chùa Bát Nhã vì theo giấy tờ cô ở đó…”
Miên man trong dòng hồi ức, cô tiếp, “Cuối tuần thì mình về chùa Bát Nhã sinh hoạt cho ấm cúng, còn ngày thường thì đi may. Đi bộ tới chỗ may, may 14 tiếng đồng hồ, từ sáng tới 9 giờ tối mới về. Hãng may ở đường Euclid.
“Người đời đó, người ta nói người ta là Phật tử, nhưng khi vô rồi thì không phải đâu. Người ta nói người ta là Phật tử, cưới vợ ở chùa, có người thân đi tu,… nhưng người ta sẵn sàng đối xử tàn nhẫn vì muốn lợi cho họ. Mang danh cư sĩ nhưng không phải ai cũng thật sự có cái tâm.”
Nói đến đó cô dừng lại vài giây, như thể đang trở về quá khứ sống lại một quãng đời từ mấy năm trước. Lúc ấy tiếng máy của thợ làm việc và tiếng xe chạy vẫn dội tới ầm ầm không ngớt, có lúc át đi giọng nói khàn khàn của cô.
Rồi cô nói trong sự xúc động, “Xin lỗi chú (khóc)… Được như bây giờ là mình có phước lắm rồi. Lúc đó đi may, một trái chuối già cũng không dám ăn. Người ta cho mình trái đào, ăn thấy ngon ngọt, mà cũng hổng dám mua ăn nữa. Tại ở Việt Nam mới qua mình nghĩ một đồng tới 21 ngàn lận, lớn quá.
“May đồ cũng khổ lắm. Có khi đi may phải thức suốt đêm. Như có lần cậu (chủ) đó chở năm bảy bà khác nữa tới shop may rồi nhốt lại bỏ đó không rước về, đâu có ai có xe mà về, báo hại cô sợ muốn chết. Vậy mà khi trả tiền thì thiếu lên thiếu xuống […] Bị vì chủ tiệm đó có cái (ngập ngừng) ưa đi đánh bài. Thành ra có khi may xong còn bị giựt nữa. Họ bỏ đi luôn, hổng trả tiền…”
Sau một năm đi may, hai chị em mới mua được xe. Từ đó họ cũng chuyển nghề từ may đồ sang nấu ăn, lấy công làm lời.
Cô nói, “Đi may khó khăn quá. Làm đồ ăn thì tự do hơn, nên cho dù tính ra thì một giờ cô làm chỉ có hai, ba đồng thôi, mà cũng đỡ hơn… Thành ra hai chị em cô nấu ăn. Bảy năm nay cô cũng có gian hàng bán Tết.”
Nói đến đây cô chỉ tay qua kệ chưng bày Phật cụ trong garage, như thể muốn cho khách biết những món bán ở gian hàng.
Trở lại chuyện chỗ ở, cô cho biết sau mấy tháng mướn phòng, chị em dời đến một địa điểm khác và rồi một chỗ khác nữa để có thể nấu ăn kiếm sống. Cô kể tiếp, “Mỗi ngày đều đầu tắt mặt tối, sáng đi giao xong về là làm tiếp thì sáng mơi mới có ra đồ đặng giao nữa, chớ đâu phải như hàng nằm, phát hành để đó ai vô mua thì bán. Cứ phải đi chợ mua rau củ rồi về gọt xắt, thành ra rất là vất vả, nhưng được cái là mình ở tại nhà. Cô em thì làm món kho, kho này kho kia kho nọ. Còn cô thì món canh, mì xào, mắm thái, bò bía, bì, dưa mắm…
“Cô từ Santa Ana dọn về Bolsa để giao hàng bán cho gần. Vì ở Santa Ana 3 giờ sáng thức dậy nấu, lái xe xuống dưới vùng này để giao cô bị buồn ngủ quá, phải vả mặt chát chát cho tỉnh ngủ (cô vừa nói vừa ra điệu bộ tát tay vào hai bên mặt trong khi mắt không quên theo dõi mấy người Mễ đang làm việc). Vừa vả mặt vừa niệm Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm hộ độ cho con đi đến nơi về đến chốn chớ con còn nhiều gánh nặng quá. 3 giờ khuya thức, 7 giờ đi giao. Cô ở chỗ mướn nhà đó được 10 tháng thì mua được căn mobile home và dọn về.
“Ở mobile home tuy cực khổ nhưng vẫn là cái nhà của mình, chỉ cần cuối tháng mình trả tiền thuê đất, không ai dòm ngó, không ai complain, miễn mình làm đúng luật thôi.”
Căn nhà mobile home nhỏ bé mà cô nhắc đến nằm ở đằng sau khu chợ Mỹ Thuận ở góc đường Magnolia và Westminster, là nơi mà cô cũng bắt đầu tổ chức những đại lễ trong năm cho hàng Phật tử.
Cô kể, “Quan niệm của cô là ở đâu cũng có Phật theo ở đó, cô đi cô xá Phật, cô về cô trình Phật. Mình là người tu, hồi nào giờ mình ở chùa, rồi bây giờ phải ở mobile home, nhưng mobile home dù sao cũng đỡ hơn cái phòng, cũng có chỗ cho mấy cô về, nó cũng rộng rãi hơn. Thành ra nếu đi mướn phòng thì rẻ hơn nhưng ra mướn mobile home thì được cái phòng đằng trước để thờ Phật. Lúc ở mobile home cô vẫn làm lễ. Còn như lễ Vu Lan, lễ Phật Đản, mình làm ở hội trường.
“Nấu ăn không thôi mà trang trải bao nhiêu đó cũng khó mà đủ. Có chỗ nào người ta mời mình đi xuyên bang, đi lễ, đi đám, mình cũng phải đi. Ở chùa thì người ta tới lễ Phật rồi cúng dường chứ ở mobile home không có Phật tử tới cúng.”
Từ căn nhà trong khu mobile home với các cư dân xô bồ, hai chị em cô nấu đồ chay bỏ bán ở các tiệm đậu hũ, tiệm bánh ngọt, tiệm chè, v.v.. Họ bỏ mối các món như canh, kho, bò bía, mì xào, mắm thái,vô hộp từng phần. Sau 10 năm, với sự trợ giúp của các đạo hữu, các huynh đệ sư cô Như Quang bắt đầu tạo dựng ngôi chùa Phước Quang ở Garden Grove, thuận tiện hơn cho việc sinh hoạt của các Phật tử, trong khi cô Như Minh vẫn ở lại căn mobile home, dùng nơi quen thuộc ấy để nấu nướng như một phương tiện vừa sinh tồn vừa trợ giúp ngôi chùa nhỏ mới lập kia.

Chuẩn bị cho buổi tụng kinh sáng Chủ Nhật trong chánh điện Chùa Phước Quang.

Vì đạo hy sinh

Sư cô Như Quang kể, “Nhìn lại đời mình, cô cũng tự biết trên con đường tu mình không có đủ phước báu như chư tôn đức tăng ni khác, nhưng Ơn Trên cũng thương tình, nên cô cũng phát nguyện cố gắng tu. Ở xứ người, mình làm được cái gì lợi ích nhứt thì mình làm, sao cho tốt đạo đẹp đời để cho người đời nhìn vào người ta thấy mình vì đạo hy sinh như câu trong bài sám hối Con dốc lòng vì đạo hy sinh đó.
“Cô chỉ biết như vậy thôi. Cho dù là cô rất cực khổ. Như mỗi ngày nè, nếu là ngày thường, thì 4 giờ cô dậy (tụng) Công Phu, 5 giờ làm việc. Thứ Bảy, Chủ Nhật cô không (tụng) Công Phu được vì phải làm cho kịp giờ đặng đi. Người ta nói giao trễ quá người ta không nhận. Mười năm trước chưa có ai giao đồ chay, nhưng bây giờ thì có nhiều, cũng có vài vị thầy, vài vị sư cô, vì nhu cầu đó mà. Thành ra mình phải giữ cái mối.”
Món tủ của sư cô?
“Cô dở lắm. Nhưng 11 năm nay món mà cô làm thường nhứt là món bò bía. Cô sẵn sàng kể lại công thức và cách nấu nhưng nó rất là cực. Những món sẵn sàng thì gồm đậu phọng, phải rang sẵn sàng từ sáng, tương chấm phải nấu sẵn. Tương thì phải nấu tương ớt, tương ăn phở, nếp, đậu, đường, bột nêm…
“Tàu hũ phải xắt sợi, cà rốt thì bào sợi, củ sắn cũng bào sợi, lá quế quấn đưa ra ngoài cho nó đẹp. Việc nấu ăn, bán đồ chay cũng cực lắm. Nhưng lập chùa ở Mỹ thì phải có tiền để trả chi phí chứ không như ở Việt Nam là chùa đã có sẵn. Mà đi làm ở hãng thì giờ giấc không được tự do, không theo được khóa tu, có lễ lộc (Phật Giáo) không được nghỉ, muốn đi hộ niệm cho ai cũng không được. Mình làm hãng mà mình nghỉ hoài thì người ta lay off mình. Còn cái nấu ăn này là nghề tự do. Hơn nữa mình làm thức ăn chay cho người ta ăn.
“Chiều, mình bắt đầu xào. Khuya làm thì nó còn nóng, cuốn liền sẽ bị thiu. Thành ra chiều tối mình làm, để nguội trong chỗ mát, khuya mới cuốn. Sáng sớm cô đi giao, khoảng 7 giờ. Người ta muốn sớm hơn nhưng hai chị em làm không kịp. Canh khổ qua cũng khuya dậy nấu. Mì xào cũng phải khuya làm. Chỉ trừ những món kho thì làm trước buổi chiều hay buổi trưa rồi để trong tủ mát được, mấy món như món canh, mì, bò bía, gỏi -ngó sen, thập cẩm hoặc mít- đều phải làm sáng sớm. Năm nay sức khỏe cô cũng yếu rồi, cô gần sáu chục, cô làm hết muốn nổi rồi, thành ra còn có ba món thôi, tức là bớt đi món gỏi.
“Có lần quá mệt sau mấy ngày lễ quá cực nhọc, cô lăn ra ngủ một hơi 17 tiếng đồng hồ luôn. Như bây giờ cô ngồi tiếp chuyện đây, chiều tối nay là cô phải làm việc tóe khói.”

Ước nguyện từ nay tới cuối cuộc đời

“Ở Việt Nam cô có một ngôi chùa nhỏ, qua đây cô muốn lập một ngôi chùa để chư ni về ở để mà tu. Cô nói với Phật tử hoài, tu để đi lên, tu để giải thoát, tu để cởi mở tấm lòng vị tha, đem tất cả trang trải cho mọi người đều nghe.
“Mình sống thế nào để xứng đáng là đệ tử của Phật, không hổ thẹn là đệ tử của Phật. Và mình đã hy sinh cuộc đời từ nhỏ tới lớn cạo đầu, từ bỏ tất cả để đi tu thì hổng có chuyện gì đối với mình quan trọng bằng chuyện sanh tử. Cũng như Phật nói sanh tử là sự đại thì đức Phật ra đời để chỉ con đường cho chúng sanh tỏ ngộ, để giác ngộ, để rời bỏ những cái đau khổ của thế gian, của con người mình. Mà con người mình ai có cái thân cũng phải có cái nghiệp như đức Phật đã chỉ dẫn cho mình. Là người tu thì cô cũng muốn học một chút xíu như hột cát so với đức Phật, cô cũng muốn đem cái tâm nguyện của mình để chia sẻ lại với tất cả quý Phật tử để cùng nhau tiến lên cùng tu, đời đời kiếp kiếp là bạn lữ, là đệ tử của Phật.
“Điều cần yếu nhất là (nghe) đức Phật nói mình (thấy) dễ dàng lắm nhưng mình không làm được. Tham, sân, si, ba cái đó con người ai mà không có là không còn ở thế gian này. Mình là đệ tử của Phật thì phải đem giáo pháp vào đời, nhứt là ở xứ Mỹ xa hoa nhưng quá bận rộn này, nhiều khi người ta nghĩ, thôi mệt mỏi quá, hưởng thụ cho nó khỏe. Nhưng đời vô thường không biết lúc nào, đi ra thì có mà về thì không.
“Cô nhớ lời Phật dạy, lúc nào cũng ghi sâu chữ Tử ở trong tâm mình, trong trán mình, lúc nào mình cũng nghĩ, mình sẽ chết. Vì sanh tử là sự đại, sự lớn của con người sống trên thế gian này. Sanh thì mình biết giờ biết giấc nhưng chết thì không ai biết được giờ giấc đâu.
“Thành ra mình muốn có cái chùa để Phật tử về, cùng nhau tu tập. Cô phát nguyện hy sinh. Phật tử về, cô sẵn sàng. Dù nhiều khi, nói thiệt, bao nhiêu người lại đây nói chuyện là cô vẫn chia sẻ dù cô phải nghỉ làm ngày đó. Cô nghỉ làm công việc, tức nhiên là không có sản phẩm. Làm đồ chay mà không làm, tay chân mình không xào nấu thì không ra sản phẩm thì ngày mơi không có tiền. Nhưng mà, như cô thường nói, trong mười câu nói của mình, Phật tử nghe được một câu, người ta nhớ được câu đó đem vào lòng thì sau này câu nói đó truyền thừa lại.
“Cô có được một cái là khi nói chuyện được rất nhiều người thích nghe. Nghe hăng say, nghe hổng buồn ngủ. Nghe hoài, cô không làm việc được, mà người ta về cũng không được luôn, nói nôm na là cô hơi nhiều chuyện (cười). Thành ra cô mà kể chuyện, như hôm qua kể chuyện cuộc đời tu của cô, chuyện gặp linh nghiệm của cô, hai vợ chồng chú đó ngồi nghe hoài.
“Cuộc đời của cô gặp nhiều cái nhiệm mầu lắm. Thành ra ngài này nè (chỉ tượng Bồ Tát Quán Thế Âm gần đó) cô nói quý vị cứ tưởng niệm ngài đi thì ngài sẽ giúp sở cầu như ý. Từ hồi cô chưa xuất gia, lúc cô chỉ 7, 8 tuổi bắt đầu ăn chay thôi cho đến bây giờ, đời cô trải nhiều gian truân khổ ải, mỗi lần gặp khổ, cô khóc rồi cầu nguyện Quan Âm là ngày mơi có liền.
“Cuộc sống cô nhiều khi vất vả, cực khổ nhưng mà cô cảm thấy cô vui. Quay trở lại quá khứ mấy chục năm về trước, cuộc đời cô đi tu có nhiều thăng trầm lắm. Cô tự tay xây dựng vì cô có tâm nguyện là xây chùa.
“Người đời để lại cho con cái, người tu không phân biệt vì con của ai vô xuất gia đều là đệ tử của Phật, đệ tử chung. Thành ra cô chỉ cầu nguyện sao cho mình gặp những vị tu hành chân chánh rồi mình được Phật pháp ủng hộ. Cư sĩ, Phật tử thấy được đường đi nước bước của mình rồi người ta noi theo, đó là trả một trong những ơn lớn của đức Phật. A Di Đà Phật.”
*
Vài tuần sau buổi sáng nghe chuyện của sư cô Như Quang, tôi có ghé Chùa Phước Quang xin chụp vài tấm hình, nhân dịp chùa có khóa lễ vào sáng Chủ Nhật. Hôm đó tôi được dịp gặp sư cô Như Minh ở trong garage dùng làm phòng ăn, đang chuẩn bị bữa trưa cho quý sư cô cùng các Phật tử sau buổi tụng kinh.
Như lời cảnh báo của sư cô Như Quang mà tôi được nghe hôm trước, sư cô Như Minh không muốn được (hay bị) chụp hình hay nói nhiều về mình hoặc về chuyện nấu ăn mặc dù cô cũng rất “nhiều chuyện” (như cô vui vẻ tự nhận) với khách. So với người chị cao và gầy, sư cô Như Minh có thân hình rắn rỏi tròn trịa và vóc dáng khỏe mạnh của một người quen lao động sớm khuya.
Sau những lời kể về sinh hoạt nấu ăn vất vả của mình ở căn mobile home, sư cô nói, “Đời người tu cũng khổ như người thường. Nhưng cái khổ của người tu là sự hy sinh cho đạo, không phải cho bản thân mình, không phải cho những lạc thú của người thường.”
Trong những mẩu chuyện về căn mobile home, sư cô Như Minh có nhắc tượng Quán Thế Âm đặt ở trước mái hiên. “Từ ngày đặt tượng Quán Thế Âm ở đó, cô thấy có những người lái xe chầm chậm qua rồi dừng lại để xá Ngài. Cô nghĩ Ngài rất linh thiêng.”
Tôi không dám thố lộ cho sư cô biết, rằng một trong những người lạy Quán Thế Âm đó chính là tôi. Mẹ và em tôi từng sống trong một căn nhà tôn trong cùng khu mobile home đó, không xa căn nhà tôn của sư cô Như Minh. Hầu như mỗi ngày trong hơn mười năm liền, tôi đều lái xe ghé thăm mẹ và người em bị bệnh tật trong khu xóm đó. Ở khúc quanh trước khi đến nhà mẹ, một ngày kia tôi thấy xuất hiện một bức tượng Quán Thế Âm và cờ Phật Giáo dưới một mái hiên.
Từ đó, mỗi khi lái xe gần đến tượng, tôi đều dùng một tay chắp trước ngực để xá Ngài Quán Thế Âm, mong Ngài phù hộ cho người mẹ đã yếu vì tuổi già và người em yếu vì bệnh tật, phù hộ cho họ được tai qua nạn khỏi giữa chốn thế gian đầy trắc trở này. Tôi không rõ Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát có linh thiêng hay không, nhưng tôi biết lời cầu nguyện của mình là chí thành.
Mà cũng có thể Ngài rất linh thiêng, đã dẫn dắt tôi đến Chùa Phước Quang đây để có một buổi nói chuyện với sư cô Như Quang, sư cô Như Minh, để nghe qua những mẩu chuyện sống của họ, và từ đó chắp nhặt được những điều cần thiết giúp cho chính mình được tinh tấn trên đường tu đạo.
Thì ra trên đời có những hạnh ngộ không phải tự dưng mà xảy đến như người ta đã tưởng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *