Vài khái niệm về Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

*Đọc 8 phút*

Thầy PASANNO PHỔ KIÊN

Phật Tử Việt Nam không ai là không nghe đến Danh Hiệu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Các chùa Phật Giáo Phát Triển của Việt Nam đều có thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và có dựng tượng Đức Bồ Tát trước sân chùa.

Phật Tử Việt Nam ai ai cũng Tâm Niệm rằng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị Bồ Tát hết sức Từ Bi và sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh để Cứu Khổ Cứu Nạn.      

Bài viết nầy sẽ nghiên cứu đến vài khái niệm căn bản của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

  • Nguồn gốc của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
  • Hồng Danh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
  • Công Hạnh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
  • Bồ Tát Quán Thế Âm là thân Nam hay thân Nữ.
  • Nguồn gốc của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Trong Kinh Bi Hoa, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng:

“Về thời quá khứ lâu xa về trước, đức Quán Thế Âm là thái tử Bất Huyến con của vua Vô Tránh Niệm. Thời bấy giờ có đức Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Hiểu được đạo lý vô thượng, Vua và Thái tử phát tâm Bồ Đề rộng lớn, nguyện tu các hạnh Bồ Tát, mong thành Phật quả để phổ độ chúng sanh.”

Nhờ tu hành tinh tấn Vua Vô Tránh Niệm thành Phật hiệu là A Di Đà, làm Giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc. Thái Tử Bất Huyến cũng thành bậc Đại Bồ Tát hiệu là Quán Thế Âm.

Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni còn nói nguồn gốc sâu xa hơn. Kinh chép rằng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm trong vô lượng kiếp về trước đã là một vị Cổ Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Ngài muốn cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh nên thị hiện làm Bồ Tát Quán Thế Âm. Danh hiệu Quán Thế Âm là Quán xét Âm thanh kêu cứu của tất cả chúng sanh để cứu độ.

Hồng Danh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phổ Môn thứ 25 giải thích nhân duyên vì sao Ngài có danh hiệu là Quán Thế Âm:

Lúc bấy giờ, ngài Vô Tận Ý Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu, chấp tay hướng Phật mà bạch rằng: “Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?”

Phật bảo ngài Vô Tận Ý Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát.”

Danh Hiệu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong kinh điển tiếng Phạn (Sanskrit) là Avalokitesvara.

Danh Hiệu nầy được các Tổ dịch sang tiếng Hán thành hai cách: Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Quán Tự Tại Bồ Tát.

Ngài Cưu Ma La Thập dịch là Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài Cưu Ma La Thập có cha là người Ấn, mẹ là người Hán nên Ngài tinh thông cả tiếng Phạn và tiếng Hán. Ngài dịch danh hiệu Avalokitesvara sang tiếng Hán là Quán Thế Âm Bồ Tát.

QUÁN: Quán là dùng Tâm để quán xét, lắng nghe. Nghe bằng Tâm. Về phương diện từ nguyên khi viết bằng chữ Hán thì viết một mặt chữ với chữ QUAN 觀 nhưng khi phát âm thì có hai cách khác nhau nên nghĩa cũng khác nhau.

Hán Việt Từ Điển của cụ Thiều Chửu giải thích như sau:

Chữ 觀 được đọc bằng hai âm QUAN và QUÁN

QUAN: dùng mắt mà xem.

QUÁN: dùng tâm mà xét cho thấu đáo. Danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm hoặc Quán Tự Tại Bồ Tát là chữ Quán nầy.

THẾ: thế là Thế Gian.

ÂM: Âm là âm thanh tiếng kêu cứu của chúng sanh.

Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, dịch danh hiệu Avalokitesvara là Quán Tự Tại Bồ Tát.

QUÁN: (như định nghĩa trên)

TỰ TẠI: thư thái, không có điều gì phải lo nghĩ phiền muộn, an nhiên, ung dung, không vướng mắc vào bất cứ việc gì.

Lòng Từ Bi của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm thật sự Tự Tại Vô Ngại. Ngài cứu độ tất cả chúng sanh đang bị khổ nạn mà không bị một chướng ngại nào. Vì thế nên trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Ngài Đường Huyền Trang dịch Danh Hiệu Ngài là Quán Tự Tại Bồ Tát.

“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách.”

Công hạnh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Làm sao Ngài có thể độ được khổ nạn của tất cả chúng sanh? Trước khi Ngài muốn độ ai Ngài có thể dùng Pháp “Hiện nhất thiết sắc thân tam muội” biến mình giống như người đó để độ họ. Sau khi độ xong Ngài còn nói Pháp để đưa chúng sanh đó vào Đạo.

Từ Điển Phật Quang định nghĩa “Hiện nhất thiết sắc thân tam muội” như sau:

(普 現色身三昧) Phổ Hiện Sắc Thân Tam Muội. Cũng gọi Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam Muội, Phổ Hiện Tam Muội. Tam muội mà chư Phật, Bồ tát thể nhập khi cần thị hiện các sắc thân.

Tam Muội tiếng Phạn là Samadhi là một phép Thiền Định. Nhất thiết sắc thân là tất cả các sắc thân. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng phép thiền định nầy hiện ra các thân tướng để độ chúng sanh. Bồ Tát muốn độ ai thì hiện ra thân tướng giống như chúng sinh đó thì sẽ dễ độ họ.

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phổ Môn, Phật dạy rằng:

Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát dạo đi trong cõi Ta bà như thế nào? Sức phương tiện đó như thế nào?”

Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát thời Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật vì đó nói pháp.

 Người đáng dùng thân Duyên giác được độ thoát, liền hiện thân Duyên giác mà vì đó nói pháp.

 Người đáng dùng thân Thanh văn được độ thoát, liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp.

 Người đáng dùng thân Phạm vương được độ thoát, liền hiện thân Phạm vương mà vì đó nói pháp.

[…]

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát đó thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sanh, cho nên các ông phải một lòng cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát.

Đặc biệt Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có một hóa thân mà không ai có thể nghĩ đến, đó là Tiêu Diện Đại Sĩ, Phật tử Việt Nam thường gọi là Ông Tiêu.

Thường thường ở các chùa Việt Nam ngày xưa, cửa sau có thờ hai vị Bồ Tát. Một người diện mạo phương phi hiền từ nhưng cũng rất oai phong bà con Phật Tử thường gọi là Ông Thiện, đứng bên kia là một người mặt mày dữ tợn thường được gọi là Ông Ác. Thật ra hai vị đó là hai vị Bồ Tát. Ông Hộ là Ông Hộ Pháp đứng để Hộ Trì những chư Thiên và Phật Tử muốn đến viếng chùa. Ông Tiêu là Tiêu Diện Đại sĩ, là một hóa thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân như vậy để trừ ma phá quỹ muốn đến phá chùa.

Nguyên tắc để được Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ

Chúng sanh thường hay khổ não vì có Bảy nạn, Tam độc và Nhị cầu (hai điều mong cầu):

Bảy nạn: 1. Nạn lửa; 2. Nạn nước; 3. Nạn quỷ La sát; 4. Nạn dao gậy; 5. Nạn quỷ Dạ Xoa; 6. Nạn gông cùm xiềng xích; 7. Nạn oán tặc.

Tam độc: 1. Nạn Tham Dục. 2. Nạn Sân Hận. 3. Nạn Si Mê.

Nhị cầu: 1. Cầu con trai; 2. Cầu con gái.

Muốn được Bồ Tát Cứu Khổ không phải dùng lễ vật tới cầu nguyện mà phải XƯNG DANH, tức niệm Danh Hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phổ Môn có dạy rằng:

Phật bảo ngài Vô Tận Ý Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ Tát tức thì xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát”.

Một lòng xưng danh tức nhất Tâm niệm danh hiệu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhất tâm là một lòng niệm bằng Tâm chứ không phải chỉ niệm bằng miệng: “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát.”

Bồ Tát Quán Thế Âm là Nam hay Nữ

Có một câu hỏi mà nhiều Phật tử thường hay quan tâm là Bồ Tát Quán Thế Âm là thân Nam hay thân Nữ. Thường thường ở các chùa tại Việt Nam và kể cả tại Trung Quốc đều thờ hình tượng Đức Quán Thế Âm là một người nữ đoan nghiêm dịu dàng, nhưng trong kinh điển đôi khi nói Ngài là thân Nam.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm Phổ Môn trong đoạn Kinh kể lại Bồ Tát Vô Tận Ý dâng chuỗi ngọc cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm thì Bồ Tát không nhận. Đức Phật bảo: “Ông hãy nhận đi.”

Như vậy rõ ràng Bồ Tát Quán Thế Âm là thân Nam.

Thật ra xét theo Hình Tượng thì tất cả các vị Phật và Bồ Tát đều là hình tượng một người Nam. Do vậy Đức Bồ Tát Avalokitesvara là một người Nam. Khi Các Tổ mang Kinh Điển về Trung Quốc dịch ra tiếng Hán thì chỉ dịch Avalokitesvara là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Quán Tự Tại Bồ Tát mà thôi không hề nói là Nam hay Nữ.

Theo Tiến sĩ Phật Học Hoàng Ngọc Dũng, tức Thầy Thích Viên Trí, thì hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm trở thành thân nữ vào đời Thái Hậu Võ Tắc Thiên. Ông viết trong quyển Khái Niệm Về Bồ Tát Quán Thế Âm (trang 195) như sau:

“Hơn thế nữa chúng ta có thể phát biểu một cách tự tin rằng chính cuộc cách mạng của phụ nữ đã thực sự mở đường cho việc thờ phụng và tiến trình nữ tính hóa mạnh mẽ về Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara) trở nên rõ ràng, cụ thể và phổ cập hơn: đặc biệt vào thời điểm khi nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên được đồn là hiện thân của Bồ Tát Di Lặc thị hiện vào thế giới nầy, thực sự kế tục chính quyền của triều đại nhà Đường trong năm 638 sau Công Nguyên.”           

Như vậy hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là thân nữ bắt đầu tại Trung Hoa từ thời Thái Hậu Võ Tắc Thiên lên cầm quyền. Hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là hình tượng người nữ ngự trị ở Trung Hoa từ thời đó cho đến nay. Khi các tổ Trung Hoa mang Đạo Phật sang Việt Nam thì mang luôn hình ảnh Đức Quán Thế Âm là người nữ sang Việt Nam.

Dù sao thì hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là người nữ cũng là một biểu tượng hay của lòng Từ Bi và Cứu Độ. Hình ảnh đó như một bà mẹ hiền bảo bọc đàn con thơ dại.

Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn

Ngoài ra các chùa còn thờ Đức Quán Thế Âm “Thiên Thủ Thiên Nhãn” tức Quán Âm “ Ngàn Tay Ngàn Mắt. Đây cũng là một hình ảnh biểu tượng. Đức Quán Thế Âm có Ngàn Mắt để có thể Quán xét hết tất cả những khổ nạn của chúng sanh ở thế gian. Quán xét xong thì phải có Ngàn Tay để cứu giúp không sót một ai.

Thiên Thủ Thiên Nhãn là một Biểu Tượng thật hay để nhắc nhở Phật Tử rằng muốn cứu độ chúng sanh phải có Ngàn Mắt để thấy biết hết những khổ đau ách nạn của chúng sanh. Sau khi đã thấy rồi phải cứu độ tất cả chúng sanh. Muốn cứu độ tất cả chúng sanh phải có Ngàn Tay mới thực hiện được.

Hình ảnh nầy còn nhắc nhở mỗi người Phật Tử hãy học Hạnh Đại Từ Đại Bi của Đức Quán Thế Âm. Mỗi người hãy đóng góp cho Đức Quán Thế Âm một đôi mắt, một đôi tay, hay nói cách khác là mỗi người hãy là một Đức Quán Thế Âm Bồ Tát để cứu độ chúng sanh đang đau khổ.

Thầy Pasanno Phổ Kiên và các đạo hữu lớp Phật Học Căn Bản tại Chùa Liên Hoa, Garden Grove tháng Giêng 2014. (Hình HMĐ)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *