*Đọc 9 phút*

HT THÍCH PHƯỚC TỊNH

Người Phật tử Việt Nam chúng ta đều biết, nơi nào có tôn tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm thì nơi đó có năng lượng lành của ngài gia hộ, chở che. […] Nơi nào có Bồ Tát Quán Thế Âm được tôn trí thì nơi đó cả một vùng dân cư được thấm nhuần hương vị Từ Bi cùng đức lành của ngài phù trì gia hộ. Cho nên không một Phật tử nào không khởi phát niềm tin đối với đức Bồ Tát Quán Thế Âm.

Chùa tôi có duyên mang tên là chùa Quán Thế Âm. Những ngày đầu chùa Quán Thế Âm dựng lên ở thành phố Đà Lạt rất là cực, và khi quý Ni Sư dựng chùa, quan niệm đầu tiên của những người tu là nếu thỉnh được tượng Quán Thế Âm về tôn trí thì chắc chắn là chùa sẽ đứng vững. Và điều này quý Ni Sư đã làm được. Khi dựng được tượng Quán Thế Âm lộ thiên trước chùa, thì qua bao lần sóng gió, kể cả sau 1975, chùa vẫn sừng sững hiên ngang.

[…] Khi đến đây hôm nay, được thấy ngài đứng sừng sững hiên ngang giữa bầu trời trong rất đẹp của miền Nam Cali, tôi có một niềm vui mừng lớn lao. Chúng ta có thể tự hào mình là những người con Phật, đến đất nào cũng đem được hình ảnh giáo lý của đạo Phật, đem được cái năng lượng từ bi của đức Bồ Tát đến cho người Việt mà cũng mang được điều lành đến cho cộng đồng dân cư ở vùng đó. Đó là điều thứ nhất tôi muốn chia sẻ cho các Phật tử thấy, đó là hình tượng Quán Âm Bồ Tát trấn ngự nơi đây là một biểu tượng rất lành để chúng ta quy kính, hướng về và tu tập.

Hòa Thượng Thích Phước Tịnh (Hình: Mắt Thương Nhìn Đời)

Điều thứ hai là đi vào giáo lý rất sâu sắc là bên trong của chúng ta, mỗi người đều có năng lượng lành của Bồ Tát Quán Thế Âm. Các vị nếu có thể quay lại nhìn tự tâm của mình thì nhận ra một điều rất rõ ràng rằng trong tự tâm của các vị có cái chất yêu thương ngọt ngào từ ái của một bà mẹ, của một ông cha, của một người ông hay của một người bà. Và khi trong tự tâm của chúng ta có được cái phẩm chất này, điều đầu tiên nói lên đó là ta tự có năng lượng rất lành của Bồ Tát Quán Thế Âm bên trong của chúng ta. Và sở dĩ người Phật tử Việt Nam có những người niệm Quán Âm và được linh ứng là do vì người ta biết phát huy cái phẩm chất Quán Âm từ bên trong nên chiêu cảm được cái năng lượng lành của Quán Âm từ bên ngoài đến với ta. Cho nên đã là người Phật tử, ta niệm Quán Âm Bồ Tát bên ngoài, ta cũng làm cho trái tim Quán Âm Bồ Tát bên trong của ta được tỏa sáng, được biểu hiện. Đó là cách thứ hai chúng ta có thể tu tập để làm cho tự thân mình thấm nhuần giáo lý đạo Phật, tiếp nhận được năng lượng lành của Bồ Tát Quán Âm gia hộ.

Và nếu một người Phật tử có nhiệt tình tu tập biết quán chiếu, biết quay về nhận ra được năng lượng lành đang có mặt trong trái tim mình thì ở mức độ cạn nhất là làm cho đời sống tự thân của mình có được niềm vui, có được hạnh phúc đồng thời cũng ban được niềm vui và hạnh phúc đến với mọi người chung quanh. Và nếu chưa làm được điều này, chưa khởi phát được trong trái tim mình một niềm tin đối với Bồ Tát Quán Âm, đối với năng lượng lành của Bồ Tát đang hiện diện quanh ta, thì mình chưa phải là một người Phật tử phát Bồ Đề Tâm nương theo giáo lý Phật Đà để tu tập.

Tôi kể cho các vị nghe một câu chuyện rất dễ thương. Có một vùng đất kia hạn hán đã lâu. Người ta tổ chức đàn tràng cầu nguyện để có được mưa. Và trong ngày mà đàn tràng được tổ chức rất long trọng đó, bao nhiêu người quây quần về để tụng kinh, niệm Phật. Nhưng khi các Thầy lên khai đàn để cầu mưa, nhìn xuống hàng ngàn Phật tử, thì thấy những người lớn đều đi đến bằng tay không, chỉ có vài em bé cầm theo dù thôi. Sau khi làm lễ xong, may mắn làm sao, tự nhiên trời đổ mưa thật lớn. Và điều gì xảy ra? Những người lớn không biết làm sao để đi về trong khi mấy em bé ấy giương dù ra và thảnh thơi về nhà. Câu chuyện vui trên cho ta một bài học, đó là càng lớn, niềm tin của chúng ta đối với năng lực Bồ Tát Quán Thế Âm bị nghi ngờ lo âu phiền muộn bất an che chắn, chỉ có những tâm thức bé thơ, bằng trái tim trong sáng, đã có niềm tin rất vững chắc rằng nó cầu nguyện là Bồ Tát ứng nghiệm ngay cho nên trước khi đi nó đem theo cây dù. Còn chúng ta thì cầu nguyện nhưng không tin là có mưa hay không nên không đem dù theo…

[…] Điều này cũng cho ta thấy một điều là thuở bé thơ trái tim ta rất là thơ ngây, niềm tin ta đặt vào đâu thì sắt son, không suy tư, không nghĩ ngợi gì cả. Càng lớn trái tim mình càng chật chội bao nỗi. Này tính toán, này phiền muộn, này bất an,… che lấp hết trái tim Bồ Tát Quán Âm trong tự thân ta. Cho nên tu, ở mức độ cạn nhất, là xin quay về nhận diện được cái gì trong tự thân mình là Bồ Tát Quán Âm, và khi nhận được điều này rồi thì hãy mở cánh cửa cho năng lượng Quán Âm bên trong mình tỏa sáng. Và các vị làm được điều này thì chiêu cảm được năng lượng lành của Quán Âm luôn gia hộ cho các vị ở bên ngoài.

Làm thế nào mở cánh cửa lòng để cho năng lượng Quán Âm có mặt và tỏa sáng? Quay nhìn lại bên trong tâm thức của các vị. Lòng vị tha, lòng yêu thương, sự cảm thông, và muốn mang niềm vui hạnh phúc đến tặng cho người… đó là năng lượng lành Quán Âm đang có trong trái tim các vị. Còn nếu nhìn lại lòng mình các vị thấy buồn, giận, lo âu, bất an, nhìn ai cũng thấy ghét và ganh tị, tức là các vị đang mở cánh cửa cho năng lượng của dạ xoa, của quỷ dữ, của hung thần trong trái tim của các vị. […]  Nên nhớ là mỗi một ngày ta có vô vàn điều kiện để mở cánh cửa cho dạ xoa, quỷ dữ bay ra. Chúng ta cũng có vô vàn thì giờ và điều kiện để mở cánh cửa cho Bồ Tát Quán Âm có mặt trong đời sống chúng ta. Tùy các vị. Ưng có quỷ dữ trong nhà, hay ưng có Bồ Tát Quán Âm trong trái tim các vị, do chính các vi làm nên mà thôi.

Cho nên điều thứ nhất những người Phật tử chúng ta phải thực tập đó là gì? Xin thưa: Hãy đóng cửa, nhốt hết loài quỷ dữ lại đừng mở cửa cho nó đi ra. Và thế nào là đóng cửa nhốt hết loài quỷ dữ? Khi các vị nhìn người thân mà trong tâm thức khởi lên cái giận cái buồn, nhớ về quá khứ vụng về sai lầm của người kia, muốn trách cứ, muốn trừng trị,… thì mình biết là mình đang sửa soạn mở cánh cửa cho loài quỷ dữ tuôn ra rồi đó. Mình trách cứ, mình hành hạ, mình trừng trị người ta bằng ngôn ngữ chua cay đắng chát của mình, điều đầu tiên là mình tự làm cho trái tim mình co thắt lại. Thứ hai là làm cho năng lượng đời sống gia đình tự nhiên u ám xuống. Thứ ba là gây một hạt nhân rất xấu xa, đen tối, đó là truyền đạt cái đặc tính rất là tiêu cực vào thế hệ con, thế hệ cháu của các vị.

Chúng ta từng biết là thuở ấu thơ ta sống trong gia đình bố mẹ cắn đắng nhau, ta rất ghét, rất khó chịu, nghĩ rằng mình lớn lên sẽ không lập lại những điều như thế. Ấy vậy mà những điều giận hờn, gây gổ của bố mẹ đi vào tiềm thức của ta rất sâu, cho nên tới chừng lớn ta lại hành xử giống y như bố mẹ mình đã từng làm. Thế thì bậc cha mẹ phụ huynh hiện tại, hãy nhớ một điều là những cái buồn, phiền, giận, tức, cấu ó, gây gổ lẫn nhau của các vị, cái họa hại của nó là gieo hạt mầm rất tiêu cực trong tâm thức của thế hệ con ta, cháu ta, rồi nó lớn lên nó đi vào đời, nó mang cái hạt mầm mà mình đã trao truyền, nó vung vãi vào người thân của nó, rất là tội nghiệp. Cho nên xin các vị, ở cái bước thực tập cạn nhất mà ta tu hành, đó là đóng hết các cánh cửa của buồn, giận, bất an, gây gổ, cau có, vị kỷ,… nhốt nó lại.

Thứ hai là mở cánh cửa yêu thương, vị tha, từ ái đến với mọi người. Làm được điều này các vị đang thực tập từng bước một làm cho năng lượng lành trong trái tim của quý vị tỏa sáng. Làm được, cũng có nghĩa là các vị mời được sự gia bị của Bồ Tát Quán Thế Âm đến với các vị một cách rất cụ thể. Và làm thế nào mở cánh cửa để cho lòng vị tha, yêu thương có mặt? Các vị khi nhìn bất cứ ai các vị tiếp xúc trong ngày, nhớ đừng để cho cái tiếng nói thầm thì trong tâm thức mình khởi nên một ý niệm thù ghét ai cả. Giận ai, mình hứa với lòng rằng giận cả đời không quên. Nhưng nếu ai nói giận cả đời không quên, người đó là người trí tuệ hay là người vô minh? Quá là vô minh phải không ạ? Tại sao? Thử hình dung mình từ nhà quảy một ba lô trong đó có 5 ký lô đá tới đây, ngồi đây cũng quảy nó trên vai, giờ ăn cũng quảy nó trên vai, lạy Phật cũng quảy nó trên vai, đi vào giấc ngủ cũng quảy nó trên vai, có tội cho mình không ạ? Tội. Thế mà mình mang cái giận cái hờn trong lòng 20 năm, 30 năm không chịu bỏ xuống thì ngôn ngữ đạo Phật gọi là quá vô minh không sai, phải không?

Cho nên điều thứ hai ta thử thực tập đó là nhìn mọi người, dù người đó là người thân, không thân, người ta thương, người ta ghét, đừng bao giờ để cho tâm thức ta khởi cái ý niệm chê trách, buồn phiền, giận hờn, đừng thấy quá khứ vụng về của người kia. Có những bà vợ, lỗi lầm của ông chồng 30 năm trước mà vẫn còn nhớ cho tới bây giờ, rồi lâu lâu đem ra chì chiết. Tội phải không ạ? Chì chiết ổng tội cho ai? Tội cho mình trước nhất. Tội cho ổng là người thứ hai. Tội cho con cháu trong nhà là người thứ ba. Cho nên xin nhớ cho là tất cả những cái vụng về sai lầm của người, dù thân hay không thân, ta hãy bỏ, đừng bao giờ nhớ, để làm cho trái tim mình nhẹ, lòng mình thảnh thơi.

Bước thứ hai, là luôn hướng về sự vị tha. Hãy mở trái tim ra. Lòng mình yêu thương lớn bao nhiêu thì niềm vui và hạnh phúc lớn theo bấy nhiêu. Lòng mình mà chật chội tù túng bao nhiêu thì buồn phiền, giận tức, bất an, bất hạnh đến với mình bấy nhiêu. Cho nên cái phương pháp thứ hai, các vị thử thực tập để làm cho năng lượng yêu thương Bồ Tát có mặt. Đó là luôn mở trái tim vì người. Đừng có cái nhìn hằn học, nói lời làm tổn thương nhau, đừng làm một cử chỉ khiến người khác buồn phiền. Nhân quả rất là rõ ràng: Tặng cho người nụ cười thì người tặng lại niềm vui. Tặng cho người sự cau có, thì người cũng kiếm cách gây khó chịu lại cho anh. Cho nên hãy cư xử với đời bằng tất cả tấm lòng yêu thương, hiến tặng niềm vui hạnh phúc cho người, hứa với lòng mỗi sáng là không mang được cho người niềm vui thì thôi chứ không làm cho người khác tổn thương và bất an.

Làm được điều này là ta mời được năng lượng lành của Bồ Tát Quán Âm có mặt trong trái tim ta, cũng có nghĩa là ta làm cho đức Bồ Tát luôn hiện diện trong ta. Cho nên an vị tượng Quán Âm bên ngoài cũng có nghĩa là hôm nay các vị nên an vị thánh tượng Quán Âm nơi trái tim mình. Tôn kính đức Quán Âm bên ngoài do vì ngài có năng lượng từ bi vĩ đại. Ta lạy ngài không chán do vì lòng yêu thương của ngài mênh mông như hư không. Thì ta cũng biết quay về nhận ra cái năng lượng yêu thương từ ái bên trong của chính ta cũng mênh mông giống như Bồ Tát Quán Âm bên ngoài không khác. Và an vị được thánh tượng Quán Âm bên trong trái tim các vị thì các vị làm cho đời sống các vị mỗi một ngày không gian hạnh phúc yêu thương mở ra lồng lộng, Nếu ta không làm được điều này, thưa đại chúng, ta tu Phật 10 năm, 20 năm, hay nhiều nữa, ta vẫn không thể nào nếm hương vị pháp của đức Thế Tôn đã dạy cho chúng ta.

Và hôm nay nhân ngày an vị thánh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tôi mong rằng đại chúng hướng về Bồ Tát Quán Thế Âm, cảm niệm công ơn của ngài đã vì chúng sanh trong cõi Ta Bà này mà thị hiện bao nhiêu hóa thân, bao nhiêu ứng thân. Và các vị cũng biết quay về bên trong trái tim các vị, mời cái năng lượng an lành, yêu thương từ ái của Quán Âm có mặt trong trái tim, để làm cho đời sống các vị giàu có, hạnh phúc hơn bằng trái tim yêu thương rộng mở.

(Lược trích đạo từ của HT Thích Phước Tịnh trong buổi lễ An Vị thánh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm (28-10-2007) tại chùa Văn Thù, Riverside, California.)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *