
Nhà thơ Phan Nhiên Hạo viết:
Đọc tạp ghi chuyến về Việt Nam của anh vừa rồi liên tiếp trên ba số Văn Học rất thích. Không giống như những người về Việt Nam và viết với giọng cay đắng, anh viết về những chuyện gia đình dung dị nhưng rất tình cảm. Tôi rất thích giọng văn ấm áp, dí dỏm của anh trong mấy bài viết đó. Cheers.
Đăng trên trang LitViet.com ngày 11 tháng 7, 2009
Hoàng Mai Đạt là tạng nhà văn có tài nhưng không múa may, viết hay nhưng không làm dáng. Hoàng Mai Đạt cũng là nhà văn tôi cảm thấy gần gũi ở hai khía cạnh: tuổi thơ tan vỡ vì chiến tranh, và những vấn nạn của người nhập cư giữa hai nền văn hoá.
Hoàng Mai Đạt đến Mỹ năm 1975, lúc mười bốn tuổi. Không như phần lớn những người đến Mỹ cùng cỡ tuổi, những người có xu hướng sống nhập vào xã hội dòng chính, Hoàng Mai Đạt đi hướng ngược lại. Vừa học xong cử nhân, Hoàng Mai Đạt lái chiếc xe cà tàng vượt hàng ngàn dặm từ miền Đông về vùng có nhiều người Việt ở California. Từ đó đến nay đã hơn hai mươi năm, Hoàng Mai Đạt làm nghề truyền thông ở Little Saigon, một công việc dễ đụng chạm, phiền toái. Qua văn chương Hoàng Mai Đạt, thấy anh là người kiên nhẫn và có óc hài hước. Trong sâu xa, tôi nghĩ Hoàng Mai Đạt là người yêu mến cộng đồng, với tình yêu của một người bị đẩy ra đời sớm để rồi nhận ra không đâu bằng nhà mình, dù ngôi nhà nhỏ hẹp và nhiều lời qua tiếng lại. Trong khi vài người viết ra nước ngoài ở tuổi trưởng thành cứ cố tỏ ra mình là người thấm đẫm văn hoá Âu Mỹ, là “công dân toàn cầu”, một người đã sống qua thời niên thiếu ở Mỹ như Hoàng Mai Đạt lại không có nhu cầu chứng minh chuyện này. “Tính cách Mỹ” tự thể hiện trong văn chương Hoàng Mai Đạt qua kinh nghiệm của một người nhập cư lăn lưng vào đời sống, qua thái độ nhân ái, dí dỏm, và qua văn phong trực tiếp, rõ ràng của tác giả.
Cha tử trận khi Hoàng Mai Đạt mới lên bốn. Cảm giác bơ vơ, buồn rầu bàng bạc trong những trang viết về tuổi thơ của Hoàng Mai Đạt. Không gay gắt, nhưng cũng không ỡm ờ nhờm đờm, những bài viết về người cha, về chiến tranh của Hoàng Mai Đạt cho thấy tác giả là loại nhà văn với ý thức lịch sử và lương tri sáng rõ về thiện-ác.
Hoàng Mai Đạt viết không nhiều, không tham gia những tranh luận chữ nghĩa trong giới văn nghệ. Đọc giả ở Việt Nam có lẽ ít biết Hoàng Mai Đạt. Nhưng tôi nghĩ Hoàng Mai Đạt có vị trí quan trọng trong văn học hải ngoại: Hoàng Mai Đạt là nhà văn viết tiếng Việt có khả năng trình bày chân thành và tinh tế cái kinh nghiệm đa văn hoá của người Việt nhập cư thế hệ 1.5, những người không hẳn Mỹ, nhưng cũng không hoàn toàn Việt về mặt văn hoá. Muốn tìm hiểu đời sống tinh thần của những người Việt thế hệ 1.5 ở Mỹ, không gì hay hơn đọc Hoàng Mai Đạt:
“Quê hương tôi không ở bên kia, cũng không phải ở đây, mà ở đâu đó giữa hai nơi. Tôi rời Việt Nam quá sớm để có những kỷ niệm êm đềm với Việt Nam. Tôi không có những cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn, không có dấu chân trên cát trắng ở Nha Trang, và chắc chắn không có gì ở miền Bắc như cha mẹ tôi đã có. Tôi chỉ có không khí chiến tranh, có xóm chợ dơ bẩn, và có đôi chân trần dẫm lên đá trên đường tản cư.
“Những kỷ niệm êm đềm nhất của tôi có lẽ là ở đây, ở Hoa Kỳ, nơi mà giờ đây tôi đã sống trên nửa đời người. Vậy mà quê hương của tôi cũng không chắc là ở nơi đây. Quê hương của tôi có lẽ chỉ có trong những kỷ niệm bên người thân, bên vợ, bên con, bên những người cũng không có một mảnh đất mà họ có thể bước chân lên và ứa nước mắt, như một đứa con lưu lạc lâu năm nay trở về lại gốc nguồn.”
Giữa Hai Miền Mưa Nắng (2000) tập hợp những bài tạp ghi của Hoàng Mai Đạt về đời sống Mỹ và chuyến trở lại Việt Nam lần đầu của tác giả sau hai mươi ba năm. Lối hành văn của Hoàng Mai Đạt mới đọc qua có vẻ đơn giản, nhưng đối với những người có chút ít kinh nghiệm viết lách, có thể nhận ra đây là loại đơn giản của lao tác chữ nghĩa: không thừa, không thiếu, không hoa hoè hoa sói, chỉ rõ ràng, hiệu quả.
Sự thú vị của văn chương Hoàng Mai Đạt phần lớn nằm ở cái nhìn đặc sắc của một người đứng giữa hai nền văn hoá, một người “đa văn hoá” thứ thiệt, nhưng cũng chính vì vậy mà rất ý thức và trân trọng phần Việt trong mình.
Đọc tác phẩm ‘Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của Hoàng Mai Đạt
Nhà thơ Huy Trâm
Một triệu rưỡi người Việt mình đã đặt chân xuống đất Mỹ và định cư ở xứ sở tự do này, tính từ tháng 4 năm 75. Tuy nhiên, thật khó lòng tìm ra được mẫu số chung cho lớp người ly hương đông đảo. Từ thời điểm ra đi, đến động cơ thúc đẩy, đến cuộc hành trình họ đã rất khác nhau.
Người này đi qua ngả vượt biên, người kia đi theo chương trình đoàn tụ. Kẻ đến Mỹ lúc còn xanh đầu, người xuống đến sân bay thì đầu đã trắng như tuyết. Và như thế, mỗi một cuộc đời lưu vong mang một ý hướng, một tâm thức khác nhau. Có những cảnh đời vui và cũng có những nếp sống u sầu. Do đó khi về thăm quê nhà, các tâm thức riêng kia đã ảnh hưởng rất nhiều cái nhìn và nhịp đập con tim trước mầu sắc và những gì đang diễn ra trên quê hương. Đó cũng là lý do, giải thích vì sao có những nam, nữ thiếu niên, mới về thăm quê, chưa được một tuần đã vội hối thúc cha mẹ cho sớm về lại Mỹ. Đồng thời, có những người nấn ná ở lại thêm mươi ngày hay nửa tháng vì luyến cảnh sinh tình, bịn rịn chưa muốn rời xa.
Tùy theo hoàn cảnh và tâm thức, những người về thăm đất nước, họ hàng, vui hay buồn là do ở nơi mình, song cái mấu chốt của vấn đề là họ có thấy, có cảm nhận và nói ra được một cách khách quan hay không?
Tác phẩm thứ hai của nhà văn trẻ Hoàng Mai Đạt “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” (Nhà xuất bản Văn Nghệ – 2000) là cuốn truyện đáng lưu ý, bởi lẽ đã phản ánh được một cách khá trung thực và có chiều sâu về tâm trạng của một người ly hương, trở về sau 23 năm. Cuốn tự truyện của Hoàng Mai Đạt gồm bốn truyện kể, trong đó “Những Ngày Về Biên Hòa” đã chiếm đến quá ba phần tư số trang (từ trang 87 đến trang 264) nên chúng tôi xin phép chỉ nói về tự truyện này mà thôi.
Hoàng Mai Đạt theo bà mẹ di tản sang Mỹ từ lúc thiếu thời, lúc ông mới 15 tuổi. Ông trưởng thành và hội nhập vào xã hội người bản xứ rất sớm. Sau khi học xong ở ngành truyền thông, với căn bản Anh ngữ vững chãi, ông đi vào nghề biên tập báo chí và đài phát thanh. Và chỉ mới đây, sau 23 năm lưu lạc quê người, ông mới có dịp về thăm quê nhà.
Xem như thế, rõ ràng là trong quá trình của đời sống, phần lớn ông đã trải qua tại Mỹ. Ông vừa mới lớn lên, chưa kịp quan sát và cảm nhận về cảnh đời Việt Nam, ông đã phải lên đường đi tỵ nạn. Ông bị giằng co, day dứt vì tình cảnh nửa vời, không biết mình có bị phai chất hay không?
“Chắc cũng như tôi, quê hương của ông nằm đâu đó ở giữa hai nơi… Tôi không có nơi để trở về. Tôi không có nhiều gốc rễ ở bên kia, tôi cũng không có gì ở bên đây. Những người bị rời xa quê hương quá sớm đều không có nơi để trở về… Một thế hệ số không…” (Giữa Hai Miền Mưa Nắng, trang 25).
Những dòng viết trên đã nói lên đầy đủ lòng trung thực của ông, đồng thời cũng là yếu tố làm tác phẩm có giá trị. Bởi suốt tự truyện dài 177 trang này, Hoàng Mai Đạt đã kể lại một cách chân phương và khá dí dỏm về những điều mắt thấy tai nghe, những cảm xúc và tư duy của ông về một chuyến về thăm quê hương, từ Biên Hòa đến Đà Lạt, Sài Gòn. Những nơi ông dừng chân, tạm trú hay ghé thăm, cho dù ở đâu thì Hoàng Mai Đạt cũng hòa nhập và đặt tấm lòng của mình vào, cho nên ngòi bút của ông vừa sinh động vừa dễ thương. Ông chú trọng nhiều đến những cảnh đời nghèo khó và ghi chép lại một cách chính xác:
“Những lúc má Sáu ngồi bên cạnh lu nước và rửa mấy cái chén, ba con chó thường quanh quẩn bên cạnh và cắn mõm nhau, y như ba đứa trẻ con đang đùa giỡn bên cạnh người mẹ thân thuộc của chúng… Thỉnh thoảng có con ngẩng đầu lên với một miếng xương trong miệng và bị con bên cạnh cắn giành khúc xương. Nghe chó kêu ăng ẳng, má Sáu phải quay đầu và rầy la chúng. Má chỉ mắng yêu lấy lệ như rầy trẻ con…
“Nhìn bà cụ gầy ốm và còng lưng này bên cạnh ba con chó, chung quanh một góc bếp, tôi đã cảm thấy yên bình…”
Và đây, những điều mà nhà văn tư duy trước cảnh này:
“Trên thế giới rộng lớn mà tôi đã từng đi qua và sẽ đến trong cuộc đời, nhiều người đang thiếu tình thương và mang đến cho nhau những hận thù, khổ đau… Khổ đau cho những đứa trẻ không cha, khổ đau cho những quả phụ trẻ không bao giờ được sống hết tuổi thanh xuân bên cạnh người yêu, khổ đau cho những người có thân nhân nằm dưới biển sâu tối thẳm, khổ đau cho những kẻ lạc loài trên đất lạ và suốt đời không còn nghe tiếng mẹ đẻ trong câu nói thường ngày của các con…” (Giữa Hai Miền Mưa Nắng, trang 157)
Hoàng Mai Đạt trở về thăm quê như hàng trăm nghìn người đã về, nhưng ông đã cảm và viết ra rất đúng, do trí tuệ và từ tâm. Ông tránh được cái nhìn lệch lạc và thiên kiến. Với một người rời quê hương từ thuở niên thiếu mà viết được như thế là một điều đáng quý.
Về bút pháp, cuốn tự truyện có những đoạn tả cảnh rất khéo và văn chương:
“Qua vùng Cà Ná, Quốc Lộ 1 chạy sát theo bờ biển, cho tôi được xem một dải cát trắng mượt như một vành khăn, uốn theo vịnh nước đang mấp mô nhè nhẹ với những làn sóng đang miên man vỗ vào bờ. Ở ngoài khơi, dăm ba chiếc thuyền đang trôi từ từ theo gió…” (Giữa Hai Miền Mưa Nắng, trang 262)
Nhìn chung, cuốn tự truyện của Hoàng Mai Đạt là một tác phẩm giá trị bởi nhiều yếu tố mà trong đó nổi bật lên tấm lòng thiết tha của một người muốn về nguồn.
Tháng 2, 2000