Tháng Năm mưa Brisbane

*Đọc 12 phút*

Bài PHAN BÊ CA

Tôi ngồi dưới hiên nhà nhìn mưa.

Ban đầu những hạt mưa mịn màng như không muốn rơi phủ mờ một khoảng trời. Từ từ khoảng đó mở rộng thành những màn sương bay ngược. Sương mưa như lẳng lặng và rơi xuống hững hờ. Đó là một màn sương bay ngược. Nó không từ mặt đất lững lờ bốc lên bao phủ không gian. Mà nó từ trên không im lặng thản nhiên buông lơi. Rồi những hạt mưa mịn như tơ lớn dần nặng hạt dần bỗng thành một màn mưa li ti ẩm ướt mờ kín không gian.

Tôi ngồi dưới hiên nhà nhìn mưa. Bây giờ là giữa tháng Năm. Bình thường không có những cơn mưa thất thường như vầy. Brisbane năm nay lần này là đã hai lần ngập lụt. Trận lụt lịch sử mà theo lời các con tôi nói trăm năm mới có một lần. Thật ra đó là cách nói chủ quan thôi chớ lần ngập lụt gần nhứt ở thành phố này là năm 2010. Lần này tôi trở lại Brisbane ngay đợt mưa lụt thứ hai. Bỗng dưng cả một tuần lễ mưa dai dẳng trở thành duyên cho tôi được ngắm, được ngẫm được suy tư và thưởng thức đất trời tháng Năm Brisbane.

Ở đây và sáng nay mưa nhẹ nhàng như không. Không gian rất tĩnh lặng. Thỉnh thoảng có tiếng lũ chim quen thuộc rộ lên lao nhao rồi bay đi mất để lại những hạt mưa giờ đã như những giọt sương tí tách nhè nhẹ điểm xuyết thinh không. Mấy con quạ thường quang quác đánh thức mặt trời từ trên những ngọn bạch đàn cao vút dễ chừng vài ba chục mét. Mấy con vẹt (cockatoo) kêu inh ỏi the thé từ những cành tùng bách cổ thụ xanh mướt sừng sững ở sân vườn nhà kế bên. Từ hiên nhà, tôi nhìn ra trước mặt có đôi chim lưng xám, bụng trắng, mỏ màu vàng chanh loanh quanh nhảy nhót trên những cành cây rậm thấp. Chúng liếng thoắng chuyền qua cây bạch đàn rồi đậu trên cái thân cây trụi lá. Bữa trước hai lão niên chúng tôi tranh thủ lúc trời ráo một chút đã cắt tỉa trụi trước hết cành nhánh mà chưa có cưa để bật gốc. Mưa rỉ rả chỉ mới vài ngày mà giờ trên thân cây trơ trọi đó đã mọc lên mấy chiếc lá mới trinh nguyên xanh mướt.

Nhìn ngắm mấy ngày mới phát hiện ra nhà của anh con trai út như nằm lọt thỏm giữa rừng. Ngồi hiên sau hay ngay cả trong nhà nhìn qua khung kính đều thấy ba bề chung quanh là những thân cây cổ thụ sầm sầm tỏa cành nhánh vạm vỡ phủ màu xanh giăng kín khoảng trời. Từ hiên sau, cũng bao quanh từ cả ba phía là những mái nhà ẩn hiện sau đám cây lá sum suê bằng những khoảng vườn xanh tự nhiên mà ở đây gọi là hành lang xanh (green corridor). Ban ngày mấy mái nhà ẩn sau đám cây cối chằng chịt rậm rì nhìn không rõ lắm nhưng ban đêm ánh đèn hắt sáng làm màn đêm trở nên ấm áp thay vì cái cảm giác bơ vơ nếu như ở giữa rừng xa cách với con người. Bởi thật ra nó đâu phải là rừng, mà là xóm làng, là khu dân cư đông đúc quây quần. Gọi là nhà có sân vườn, nhưng vườn chỉ có chức năng duy nhứt là để duy trì, bảo vệ thiên nhiên. Giữa các nhà là những khoảnh vườn rộng vài trăm mét vuông đất có hàng rào bao bọc. Hàng rào nào cũng khoét một lỗ thông bề ngang chừng mét rưỡi, bề cao năm sáu tấc để thú hoang có thể qua lại sinh sống tự nhiên. Cho nên có thể sẽ không ngạc nhiên khi một buổi sáng đẹp trời nào đó bỗng dưng mở cửa sau nhìn thấy chú walabi nhỏ xíu ngơ ngác vì lạc đường quên lối về. [Walabi là chuột túi giống con kangaroo nhưng nhỏ hơn.] Hoặc căng hơn nữa là một con rắn khoanh tròn đang ngúc ngắc cái đầu!

Tôi ngồi ngắm mưa cả những sáng trưa hoặc chiều. Cả những ngày mưa lớn, mưa tỉ tê hay mưa sương như sáng nay. Mưa thì mưa chớ mấy con chim hình như không e ngại gì. Hai con chim nhỏ có mỏ màu vàng chanh này rất hay ghé đây. Tụi nó í ới gọi nhau, lăng xăng nhảy nhót thoắt đến thoắt đi, bay vút từ vườn này sang vườn khác. Mấy con quạ đen thui mập tròn lớn xác to tiếng một cách thô thiển. Có con chim bói cá mà ở đây gọi là kookaburra lâu lâu đậu lên cánh cổng nghiêng đầu ngó quanh ngó quất rồi chớp cánh bay cái vù. Loài chim kookaburra này có tiếng hót hết sức đặc biệt giống y như tiếng người cười hàng tràng. Có điều con bói cá khi đậu trên cánh cửa sân sau này thì nó không kêu. Tôi chỉ nghe tiếng kêu lanh lảnh của nó (hay của bạn nó chăng) đâu đó ở ngoài kia. Còn trên nền đất ẩm ướt thì ngày nào con gà tây cũng ghé lại, lửng thững một cách trầm mặc không ngừng mổ mổ gục gặc cái đầu có cái cổ đỏ lựng. Nhìn kỹ lại không phải chỉ có một mà tới hai con gà tây. Hai con này không đi chung nhau mà lúc con này lúc thì con kia. Tôi để ý một con thì có cái màu vàng rõ ràng dưới cái cổ. Còn con kia thì nhỏ, ốm hơn và không có cái mào vàng. Ngoài mấy con hoang dã trong tự nhiên, khu vườn này còn đón con mèo nhà mập mạp có bộ lông trắng tươi thỉnh thoảng xuất hiện, nhẹ nhàng dạo bước, rón rén bốn chân uyển chuyển trên đám cỏ xanh như sợ bị bùn ướt làm lấm chân.

Không nghi ngờ gì nữa tôi hoàn toàn đang ở giữa một khu vườn hết sức thiên nhiên. Trời cứ mưa cứ nắng. Nắng rồi lại mưa. Chúng sanh, hay nói cách khác các loài trong tự nhiên trong đó có mình, cứ sống dường như không liên quan nhau nhưng thực sự lại tồn tại gắn bó mật thiết với nhau. Con trùn con dế dưới đất, con sâu trên lá trên cành, con chim bay trên trời, con gà mải miết vòng qua đảo lại giữa các khu vườn như chỗ không người. Con chim mỏ vàng chanh vừa bay trở lại một mình đậu trên cành cây chúng tôi mới cắt tỉa bỏ trên mặt đất hôm trước. Nó lại bay vèo nhảy qua một cành bạch đàn nhỏ xíu gần đó. Cây bạch đàn còn nhỏ thấp lè tè, ốm tong teo nên cành nhánh và lá thưa thớt. Chắc là vậy nên nó lại vèo qua đám cây bụi gần đó. Ngập ngừng một chút nó lại bay vèo sang cành khác xa hơn nữa.

Động tác của nó làm tôi tự hỏi hình như nó đang không tìm kiếm bữa sáng. Mà có vẻ nó bối rối vì chưa tìm được chỗ trú mưa. Tôi chợt giật mình. Tai hại quá, hay là do chúng tôi dọn vườn, cắt tỉa cây cối quá đột ngột làm mất đi chỗ trú ẩn của nó? Có thể lắm chứ! Chúng nó đã ở đây trước chúng tôi. Chúng tôi vừa mới đến đây tuần trước. Căn nhà này anh con út mới mua dọn vào chưa bao lâu. Khu vườn phía sau um tùm vì có vẻ đã lâu chưa được dọn dẹp. Anh con út lại quá bận bịu không làm quang được. Con nói mới thuê người cắt cỏ hai tháng trước, mà giờ sau mấy cơn mưa màu xanh vừa cỏ vừa cây đã um tùm trở lại. Hai lão chúng tôi vốn thích làm vườn. Vừa đến đã muốn dọn ngay mà bị thời tiết cản trở, hôm trước vừa có một buổi sáng ráo một chút đã tranh thủ cắt tỉa nên còn lở dở.

Mặc dù vậy cứ làm quang được một chút là chúng tôi thấy thích hơn một chút, bởi cái tính thích ngồi dưới hiên ngắm vườn ngắm mưa. Cảm giác càng thú vị, càng ‘sướng’ hơn nữa khi được ‘thưởng thức công trình’ mà mình mới bỏ công sức vô. Tôi tự phân tích cái cảm giác đó nếu không phải là biểu hiện của cái bản ngã thì là gì nữa chứ. Cái ‘tôi’ nó thể hiện ở bất cứ khi nào, ở đâu và bất cứ cái gì. Một chút cảm giác tâm lý thỏa mãn đó cũng là xuất phát từ cái tôi. Cái tôi nó rất vi tế. Sự khống chế của bản ngã rất tinh vi khó phát hiện. Nó không ngừng bao bọc ta trong niềm tin chắc chắc rằng mình là một thực thể độc lập, người khác cũng cùng tồn tại độc lập như mình. Tin chúng ta là một nhân loại mạnh mẽ, siêu đẳng và có quyền quyết định mọi thứ trong cuộc sống. Tin một cách quá hiển nhiên nên cũng luôn quên các điều ngược lại. Quên là mình vẫn bị đau bịnh, cơ thể vẫn đang lão hóa từng giờ từng ngày dù mình không muốn. Quên là mình luôn sẵn sàng nổi nóng, nổi giận mà không tự kiểm soát được. Quên là dù mình có giàu sang, có quyền thế, có được trọng vọng cách mấy, có là nhân vật số một thế giới đi nữa; hay trí tuệ hơn, mình là một nhà văn nhà thơ, nhà bác học, triết học, tôn giáo gì gì đi nữa thì cái chết cũng là chung cuộc, giống y như nhau cho tất cả, không ai có thể khác được. Rồi thì thành tựu cả một đời của mình rốt cuộc nó có còn hoài còn mãi và mình có mang theo được chút gì?

Quá tin vào cái ‘ta’ nên ta vẫn quen cho rằng mình có mặt trên thế giới này với hình hài con người, với những khả năng vốn sẵn của con người thì có quyền hành động ứng xử như con người – một loài động vật cao cấp hơn hết thảy trên hành tinh này. Ta vẫn quen cho rằng mình làm thì mình hưởng. Đó là cái quyền đương nhiên của ta. Ta vẫn quen cho rằng ta này ta nọ mà lại quên chuyện chánh yếu là các loài khác cũng có nhu cầu như mình, chúng cũng có quyền sống như mình. Chỉ có điều chúng hiện diện trên cõi ta bà này không đầy đủ năm uẩn. Ta quên rằng chúng yếu thế hơn mình vì chúng đang ở cõi đọa. Cái sắc, thọ, tưởng, hành, thức (năm uẩn) của chúng bị thiếu kém nên chúng không thể cạnh tranh với ta. Chúng sống chỉ để đáp ứng các nhu cầu bản năng. Chúng chỉ lo kiếm ăn kiếm chỗ ở, biết duy trì nòi giống và các phản ứng tự vệ. Con người mình ngoài những nhu cầu cơ bản đó ra còn biết lo cho người khác, biết vị tha, biết từ, bi, hỷ, xả, biết hướng thiện, hướng về đời sống tinh thần, tâm hồn, tâm linh. Mình khác loài vật ở chỗ có tâm, có tầm, có tứ. Cho nên nếu mình quên, cứ suốt đời lãng quên mà chỉ chăm chăm sống đời vật chất, chỉ lo cho phần xác không thôi thì có phải cũng giống các loài cõi đọa lắm sao? Thì có phải cũng sẽ nghiêng về cõi đọa ở một kiếp mai hậu nào đó sao?

Kinh Phật dạy, giống như một cái cây nghiêng về phía nào thì khi bị đổ nó sẽ đổ theo chiều nghiêng đó. Con người mình trong đời nếu sống thiện nhiều hơn hay ác nhiều hơn thì khi mệnh chung tất sẽ theo đường thiện hoặc đường ác đó mà đi. Trong đời sống hàng ngày, hàng tháng, hàng năm mình thích vui chơi hưởng thụ nhiều hay thích làm việc, cống hiến nhiều; thích đời sống vật chất hay nghiêng về tinh thần tâm linh; thì đời sau kiếp sau sẽ theo đó mà tái sinh làm người hay làm loài tương ứng. Mình sống có nhiều hoạt động hay tập tính giống cõi trên hay cõi đọa thì khi chết sẽ theo đó mà sanh thiên hay sa đọa là vậy. Đó là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Phật chỉ bày cho mình thấy như vậy để mình biết đường hướng mà sống. Phật ra đời để nhắc nhở con người hiểu biết bản chất của hạnh phúc là gì, bản chất của nỗi khổ niềm đau là gì, cái gì trói buộc và làm chúng sanh luân hồi và làm sao để giải thoát khỏi dòng sanh tử tử sanh.

Lúc này mưa nặng hạt làm tiếng nước chảy qua hố ga rào rào róc rách nghe như tiếng suối. Không biết vì địa thế đất hay lý do gì mà họ đặt cống nước rất sâu, chừng hơn một mét phía dưới. Đó là lý do làm nước mưa đổ từ mái nhà xuống nghe giống như tiếng thác đổ suối reo. Tôi lại liên tưởng tới con thác Đrây-nu, Đrây-sáp ở Ban Mê Thuộc lần đầu ghé qua với con trai dạo đó chỉ mới học xong lớp sáu; tức là cách nay hơn hai mươi năm rồi. Dòng thác đổ đều đều từ một vách đá cao rộng bung một màn nước trắng xóa lừng lững một vùng trời như khói như sương nên mọi người hay gọi thân thương là Thác Khói. Sau này vài lần tôi ghé lại thì cái cảnh thần tiên đó đã không còn nữa. Ngay cả đi vào mùa mưa thì thác cũng không đầy nước như trước. Con thác hùng vĩ ngày nào nay chỉ còn trơ những vách đá nâu xám buồn bã ngóng trông!

(Photo: W.carter/ Wikimedia Commons)

Nhưng tôi cũng kịp thời thấy mình đang tưởng tiếc quá khứ. Mắt thấy cảnh, tai nghe tiếng thì tức khắc tâm đã lại đảo về những hồi ức, ký ức. Đó là những ấn tượng quá khứ đã hiển hiện vô cùng chớp nhoáng theo cách vận hành của tâm. Cái tâm đó là cái tâm đã qua rất lâu rồi. Còn cái tâm nhận biết tiếng mưa chảy qua hố ga vừa đây là cái tâm tuy vừa mới xuất hiện nhưng cũng đã lại là tâm quá khứ. Tâm ta sanh sanh diệt diệt không ngừng như vậy. Nên khi ta nghĩ gì thấy gì là hay bị chôn chặt dính chặt vào cảnh trần ấy. Cái dính mắc ấy chính là cái ta cần phải buông. Phật Pháp nói ‘buông’ không chỉ là buông tài sản vật chất, mà quan trọng là buông những nắm níu trong dòng tư tưởng trong tâm mình. Tu Phật có nghĩa là tu tâm tu trí chính là chỗ đó. Nên Thiền Tông Việt Nam nói tu là xoay lại nhìn vào tâm mình, là quan sát mình đang nghĩ gì, làm gì: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc”.

Tuy mưa đã lớn hơn nhưng trời không gió và mấy con chim con gà vừa ghé sân vườn đã đi đâu mất. Tôi lại thấy mình vẫn chưa muốn rời chỗ ngồi mặc dù không gian ẩm ướt và lạnh. Tôi nghĩ chúng đã đi đâu mà tâm tưởng mình vẫn còn hướng về chúng và từ nãy giờ hầu như tất cả các giác quan, nói theo từ ngữ nhà Phật là sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đã thích mải miết đuổi theo sáu trần. Các cảnh trần đó là cây cối, là hai con chim mỏ vàng chanh, con gà tây cổ đỏ lựng (cảnh sắc). Cảnh trần đó là tiếng chim chóc, tiếng lào xào, tiếng nước mưa róc rách qua hố ga hệt như tiếng suối (cảnh thinh). Là mùi ngai ngái cây cỏ và sân vườn ẩm ướt (cảnh khí). Là làn khí mát lạnh da mặt (cảnh xúc). Là những suy tư suy tưởng về mấy con vật đã đi khỏi tầm mắt tự lúc nào (cảnh pháp). Dùng từ ngữ diễn tả thì nó dài dòng nhưng những cảm giác thoáng qua đó mà khi mình ghi nhận được thì nó đã trở thành quá khứ. Sự ghi nhận đó mới chỉ là niệm. Niệm là sự nhận biết sáu căn sáu trần. Niệm là cái tâm suy tư, ghi nhớ cảnh trần. Còn cái tâm mà biết cái tâm ghi nhận (cái niệm) đó mới chính là chánh niệm. Mình là con người, mình có khả năng niệm và chánh niệm. Chớ mấy con vật quanh đây thì không được như vậy. Chúng nó chỉ có đời sống sinh học. Đời sống tâm linh của chúng quá mờ nhạt hầu như là không có vì đó là những chúng sanh đang ở trong cõi đọa. Phật pháp chỉ ra rằng chúng sanh luân hồi trồi lên sụt xuống loanh quanh luẩn quẩn trong ba cõi sáu đường. “Thân người khó được, chánh pháp khó nghe”.

Tôi nghĩ nếu lỡ mai này mình chết rồi sanh làm trùn làm dế làm chim làm gà như vậy thì biết đời nào mới trồi lên được làm người? Mà cái chuyện đó đa phần người ta trong đời sống hôm nay ít khi nghĩ tới. Mình cũng đã gần hết một đời mới được phước duyên tiếp cận chút ít giáo lý thâm sâu đó. Đời sống thời nay quá nhiều bận rộn làm người ta quên đi nhu cầu tâm linh. Đa số người ta khi được thân người rồi thì cứ lo hưởng thụ, lo tích góp và nắm giữ. Người ta luôn nắm níu mọi thứ từ cái ‘ta’ cho đến cái ‘của ta’, từ thể xác cho đến tinh thần.

Con người mình cứ ảo tưởng, tin những cái vô thường là thường còn, tin là nó còn hoài còn mãi. Mình đã tin rằng kiếp này mình được làm người thì kiếp sau ít nhứt cũng sẽ được làm người. Đâu ai đã từng nghĩ tới nơi tới chốn rằng, đằng sau vô số kiếp quá khứ trong dòng luân hồi thăm thẳm của mình là cả từng núi từng thác nghiệp xấu nghiệp ác chỉ chực chờ để trổ quả? Đời này kiếp này mà không tu tập thì các thiện nghiệp làm sao có cơ hội trổ quả trước sức mạnh to lớn của hàng núi ác nghiệp bao đời quá khứ đó? Cho nên đâu ai nhớ nhiệm vụ của phàm nhân mình là sống chính về tinh thần, sống cho tâm hồn, cho tâm linh. Sống là để tu tập. Chớ không phải mang thân người là chỉ biết lo cho phần xác hay cho đời này kiếp này mà thôi!

Những dòng suy tưởng của tôi nó cứ miên man như màn mưa ngoài kia vẫn không ngừng tỉ tê tí tách. Mưa hoài rồi cũng có lúc thôi. Đám sinh vật ngoài sân kia lăng xăng chộn rộn rồi đến tuổi đến thời chúng cũng biến mất như các thế hệ cha mẹ ông bà chúng. Con người mình rồi cũng vậy thôi. Đó là luật vô thường của vũ trụ. Mình cần phải quán thường xuyên như vậy. Quán đến lúc nào đó sẽ hiểu ra cái lý chân đế, cái Chánh Pháp diệu kỳ như như bất biến mà Đức Phật đã chỉ ra. Phải cần đến nhiều đời nhiều kiếp để Quán mà không biết là bao lâu. Bao lâu là tùy thuộc ở mỗi chúng sanh. Chỉ có một điều chắn chắn là đời này kiếp này mà không Quán, không sống chánh niệm thì đời sau kiếp sau đứt gánh giữa đường, ba cõi sáu đường cứ loanh quanh trồi lên sụp xuống như các loài chúng sanh cõi đọa thì biết bao giờ mới được trở lại làm người? Phàm nhân ta ơi, hãy tinh tấn lên!

Brisbane, Úc 20/5/2022

(Photo: Jaana Siitonen/ Wikimedia Commons)

(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả Bùi Thị Bửu Kim lấy bút hiệu Phan Bê Ca, quê Cà Mau (An Xuyên cũ), sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng qua thăm con bên Úc.)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *