Một chiếc lá nhỏ

*Đọc 12 phút*

Bài NGUYỄN THỊ ANH CHI

Cửa sổ nhà con nhìn ra một bầu trời có lá. Đây là lá của cây sanh [cây weeping fig], có lúc con tưởng nó là cây si nhưng cụ ông gần nhà con bảo rằng, “Nó là cây sanh.”

Cây này có rất nhiều lá và con nghĩ con cũng giống như một chiếc lá ở trong số rất nhiều những chiếc lá ấy… một chiếc lá nhỏ.

Chuyện là, khi bố mới mang con về nhà, con được gia đình đặt tên. Mọi người, cô dì, chú, bà, … nghĩ ra các loại tên. Nhưng bố con không chịu, bảo, “Đặt cho nó cái tên gì xấu nhất ấy.” Thế là mọi người nghĩ ra đủ thứ tên xấu trên đời. Kể ra thì cũng mắc cười, nào “phân, cứt, gà, bò, lợn, chim,” v.v.. Chú con nghĩ một hồi rồi bảo, “Hay là gọi là con chi chi, trong tú lơ khơ người ta ghét nhất ấy.” [Tú lơ khơ là trò chơi Poker với bộ bài Tây.] Trong số có người tán thành, “bài cậu Ất.” Thì người ta hay ghét con chi chi trong bài tú lơ khơ mà. Thế là con có tên Chi. Mẹ con thương con nên bảo, “Thôi, Anh Chi đi.” Vì mẹ con tên Anh. Thế là cái tên Anh Chi ra đời, mà con cũng chẳng biết tên con nghĩa là gì. Hay là “một nhánh cây” nhỉ?

Kể ra thì cái nhánh cây này cũng có vài ba cái lá. Lá thứ nhất là kiếp đầu của con. Mọi người đừng ngạc nhiên khi con gọi là kiếp đầu. Ráng đọc nốt truyện con viết đã. Dù nó hơi dài, hì. Con đi học, rồi đạt Bé Khỏe Bé Ngoan cấp trường. Sau đó lớp một đã vác cái cặp to bự đi học một mình. Có chú kia nhìn thấy bảo, “Cháu có đi về không chú chở về?” Thấy mặt chú nghi nghi. Lắc đầu, quay lưng bỏ đi.

Mới lớp 1 mà con đã biết nói dối như thế này, lời nói dối đầu đời! Chuyện là.

Con đi học về muộn, bố con cầm cái roi đứng trước cửa quát, “Sao giờ này mới về?” Bố quát to quá, thế là con nấc, nấc, rồi khóc như mưa. Mưa chưa kịp ngớt để trình bày câu chuyện, rằng bạn con rủ con cho đọc sách truyện gì hay lắm. Nghe lời nó rủ, nó bảo, “Nhưng tớ lại để ở nhà.” Thế là mong đọc được sách hay, theo nó về nhà, rồi vừa đi vừa đọc truyện trên đường, truyện, “Cây Táo.” Chuyện kể rằng có người mẹ có một đứa con. Khi nó còn nhỏ người mẹ là cây táo cứ cho ăn, cho cành lá để quạt để chơi. Rồi khi con lớn lên cây táo lại cho gỗ cho củi làm nhà. Nhưng cậu bé mải chơi với bạn rồi lại lo cho gia đình nhỏ nên quên mất cây táo. Đến khi cậu già thì cây táo héo chết vì mong nhớ cậu. Cậu bé chỉ còn biết khóc ròng. Cây táo cũng như người mẹ luôn chăm lo nuôi dưỡng các con. Nhưng con thì chỉ biết vòi vĩnh mẹ mà không chăm nuôi mẹ.

Đấy, chuyện dài thế mà bố cứ quát to thì làm sao kể hết được. Bố bắt nằm lên phản, giơ roi lên, định quất, hỏi, “Đi chơi sao giờ này mới về?”

“Không chơi ạ.”
“Thế sao giờ này mới về? Nói dối hả?”
“Không ạ.”
“Không cái gì? Hả? Chi!”
“Dạ!”
“Thế bố mày không dạy mày được nữa hả Chi?”
“Dạ có!”
“Thế có đi chơi không?”
“Dạ có.”

Trời ơi, công trình con bé tu tập từ bao đời bao kiếp không nói dối, đến đây là đổ sập. Nghĩ, mình mà nói dối là đất trời lật úp, lộn ngược… Tại bố!!!

Thế là từ đấy con bé cứ nói dối. Nó nghĩ, nói dối tốt thì không sao, nói dối xấu thì mới không nên nói. Nói dối mà tốt, không hại ai, không hại mình không hại người thì thỉnh thoảng vẫn phải nói. Còn nói dối mà xấu, hại ta hại người thì không nên nói.

Con bé nghĩ như vậy. Chắc bố nó cũng muốn dạy như vậy…

“Dạy con từ thuở còn thơ
Dạy con nói dối, con ngơ cả đời.”

Và cái sự ngơ bắt đầu.

Trước khi kết thúc chiếc lá đầu tiên này thì cũng nên kể sơ qua một vài câu chuyện.

Đạt giải Nhì Văn cấp thành phố, giải 3 Cờ Vua và giải nhất cuộc thi “Kể Chuyện Theo Sách Hè.” Con bé cũng từng làm liên đội trưởng hồi lớp 5 và đến lớp 7 thì bị dính chuyện “tình yêu cơ đày.”

Bây giờ là bắt đầu câu chuyện của chiếc lá thứ hai. Chiếc lá “địa ngục”– con bé gọi vắn tắt là thế. Đó là hồi cuối năm con bé 20 tuổi. Thằng bạn cùng lớp cấp 2 đã xin cha xứ một thứ bùa yêu làm bằng nước Thánh. Nó làm như tình cờ con bé gặp được một chai nước lạ trong ngăn bàn của mình. Đang lúc đi học khát, con bé mở ra uống. Uống xong cứ nhớ về thằng kia da diết. Yêu là khổ, đời nói thế đấy. Còn Đức Phật dạy, yêu là tập khởi của khổ.

Nó yêu thằng kia đến mức bệnh hoạn, bị tâm thần phân liệt luôn, lại học hành sa sút. Cũng tốt nghiệp cấp 3, nhưng điểm thấp nhất trường. Nó phát hiện trong đầu mình có ai đó đang nói, “Mày là con dở hơi, ngu si, điên loạn nhất đấy mày có biết không?” “Tao là người yêu của mày đây, chính là tao đây.” “Xem nó xử lý kìa, nó không biết lao động. Phải lao động.” “Nó không biết quyết định. Mày phải biết quyết định.” “Con điên ấy ngu nhỉ…”

Nó nghe bọn nó nói chuyện với nhau về nó, bàn tán về nó.

Mới đầu nó nghĩ bọn này là người biết tàng hình. Hoặc là trong người nó trong tâm nó có nhiều con người, hoặc ma quỷ gì đây. Xong nó lại nghe thấy giọng nói của cái thằng bỏ bùa cho nó vang lên, “Anh yêu em nhất trên đời.” Xong rồi cả bọn, gần 500 đứa, 500 tiếng nói, 500 giọng nói hùa vào với nhau quyết giết nó.

Bọn nó chửi con bé ở mọi lúc mọi nơi. Con bé đã phải vắt óc ra nghĩ ra một chuyện cười để làm cho bọn kia không còn thích giết nó nữa, mà mắc cười vì chuyện cười của nó. “Anh yêu em mà sao anh không dám gặp em vậy? Anh là gió hay anh là không khí mà không dám chìa mặt ra nhìn em. Sao em chẳng thấy anh đâu vậy? Anh bước ra đi. Hay là anh không dám bước mà chỉ nằm bẹp trên giường ở một chỗ. Anh có nói gì đi nữa thì em vẫn ngồi gõ tay lên bàn thôi.”

Con bé bảo như thế với bọn nó bằng suy nghĩ, tay gõ bàn nhịp nhịp. Vì bọn này đọc được hết mọi suy nghĩ, tâm tư của con bé.

Sau này con bé mới biết là mình đã bị bọn lưu manh cài chip điện từ vào não để đọc suy nghĩ cũng như phát âm thanh, tiếng nói vào đầu mình. Vậy mà mới đầu con bé tưởng mình có đến hai cái tâm, hai con người, hoặc vài chục cái tâm, vài trăm cái tâm ở trong một thân thể này. Lần đầu tiên con bé uống thuốc tâm thần phân liệt schizophrenia. Con bé đã thấy Phật.

Con bé thấy mình chết, hồn vẫn nằm trong xác, nhưng không mở miệng nói được. Họ hàng, thân quyến, bạn bè, cô bác đến đưa tang. Đám tang rất to, con bé nằm trong quan tài nhưng vẫn biết được mọi thứ xung quanh. Quan tài được dẫn rước đi khắp thành phố, quanh những nẻo đường mà con bé từng chạy xe máy đi học qua, qua cả tượng đài, rồi chợ Bến Thành… Mẹ thì khóc than nức nở. Bố thì cầm nhang đứng đấy, im lặng sững sờ. Giây phút ấy, con bé cảm nhận mình thật hạnh phúc vì đã chết còn cha mẹ và mọi người thì đang đau khổ khóc than vì họ còn sống. Lẽ nào, sống thì phải đau khổ vậy ư? Ở trên cao, Đức Phật và Thánh chúng đi đến rước con bé.

“Con có muốn sang Tây Phương Cực Lạc không, ta đưa đi?.”

Con bé quỳ dưới chân Phật, nói, “Con xin Phật cho con một điều ước. Con không đành lòng sống sung sướng trong khi mọi người trên thế gian phải khổ đau thế này. Phật ơi, nếu Phật đã tìm được pháp hết khổ, thì con xin nguyện tự tìm ra được pháp hết đau, để giúp cho cuộc đời và mọi người được hết khổ đau ạ…”

Đức Phật mỉm cười. Ngài truyền cho con bé một làn hơi vào mũi. Con bé tỉnh lại. Con bé sống lại.

Nếu để nói về chuyện tu hành thì cũng khá khó nói. Nhưng nói chung thì cũng phải thiền và giữ giới. Giới giống như chiếc bình cam lồ, có giữ được giới thì mới mong mình an ổn. Giữ giới thì để giữ tròn các giới cấm cũng cần hành giả phải xuất gia. Và giữ giới cũng không phải là dễ dàng. Cuộc sống tại gia thì nhiều ô trược, nhiều phiền toái, khó tu khó sống. Nhiều lần con cũng đi xuất gia. Nhưng đi đây là đi khất thực, cứ đi vài dăm ngày lại về. Con không phải đi tu hẳn như quý cô quý thầy. Đi khất thực ngoài đường cha mẹ con cũng không cho đi. Ngày trước thì con tự ý đi. Bây giờ thì con đã có am thất và chấp nhận việc tu ở am thất.

Khi xưa con từng đi khất thực ở trong miền Nam, con vẫn được người ta bố thí. Đi lang thang nhưng vẫn hay vào các chùa. Con từng ở một ngôi chùa trong Nam khoảng một năm rưỡi. Ở chùa thì con phụ giúp các sư và các thầy. Cũng có khi con mệt nhưng việc vẫn phải làm. Bây giờ con đã ra ngoài Bắc, cảm thấy sống cũng vui. Con tập ngồi thiền nhờ đọc kinh Phật. Trước thì con thiền theo kinh điển Nikaya. Nhưng có một bạn khuyên con nên thiền bài Đại Niệm Xứ. Con tập thiền bài Đại Niệm Xứ cũng khoảng ba năm rồi. Có người bảo qua sông thì bỏ bè nhưng con vẫn giữ thiền định bài này mặc dù mỗi lần ngồi thiền gần 40 phút. Con tìm ra bước thiền thứ hai, mà thầy Thích Minh Châu dịch là “diệt tầm và tứ” hoặc trong kinh Hán tạng dịch là “diệt giác và quán.” Nhưng con thì thấy ra là diệt tìm cầu và xuất tán. Nghĩa là mình đóng hai cửa để cho tâm được chuyên nhất, dễ vào định. Khi vào được định rồi thì mới có làm được các bước thiền tiếp theo như túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh.

Công việc hàng ngày con làm là đi nằm giường Happy Plus, một công ty của Hàn Quốc chuyên chăm sóc sức khỏe bằng cách tăng thân nhiệt với các thiết bị hiện đại. Nằm giường Happy Plus vừa miễn phí vừa vui lại đào thải được độc tố trong người. Mồ hôi thì đầm đìa nhưng các ba mẹ đi nằm giường vẫn rất đều và chăm chỉ. Các ba mẹ bảo đến công ty vừa nằm thảm ấm, thân nhiệt tăng, ăn được ngủ được lại giúp ba mẹ điều trị bệnh và phòng bệnh.

Việc thứ hai của con là tụng kinh, niệm Phật, tập thể dục vô thức rồi âm dương khí công. Âm dương khí công là phương pháp thuộc diện chẩn. Ngày trước con từng đi học thầy Bùi Quốc Châu hai khóa liền. Còn thể dục vô thức con học trên website sucmanhvothuc.com của thầy Đoàn Thanh Hương. Tập vô thức chữa được cả bệnh âm và nghiệp chướng. Khi đã mở được Hà Đào Thành rồi thì các nghiệp chướng cũng chóng tan nhờ phương pháp giải trược ngón tay, ngón chân. Ban đầu con tập thể dục vô thức khoảng một năm đầu con chưa biết cách giải trược. Sau này khi ngồi thiền có tiến triển con mới mở được Hà Đào Thành. Hà Đào Thành không phải là vị trí huyệt Bách Hội hay luân xa 7 hay đỉnh đầu. Hà Đào Thành là một điểm tâm linh đặc biệt nằm trên vỏ não người. Ai cũng có sẵn rồi nhưng bị một cái nắp đậy lại. Việc đặt tay đặt chân giải trược đúng cách sẽ khai mở Hà Đào Thành, tương ưng với mở não và thông thiên. Ai mở được điểm này thì khi chết lên thẳng cõi Trời hoặc Nirvana, tâm sẽ không đi qua chín lỗ trên cơ thể gồm hai lỗ mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, miệng, rốn và hậu môn. Nhờ con tập thiền Hà Đào Thành và thở âm dương khí công hàng ngày mà trí tuệ rất sáng suốt.

Nhân đây con cũng nói thêm về giới, định và tuệ. Giới là giới luật. Ngoài năm giới chính, không sát sanh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu mà Phật tử phải làm. Ta còn phải giữ thêm các giới không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi, không tà kiến. Nhớ không tà kiến với Phật, bồ tát hoặc thánh chúng.

Trong kinh Phật dạy:

“Phàm người sinh ra
Búa ở trong miệng
Sở dĩ chém thân
Do lời ác kia
Người dứt ta dứt
Cả hai đều thiện
Đã tạo hành ác
Ắt đọa đường ác
Đó là cực ác
Có hết không hết
Ác đối Như Lai
Tội này rất nặng
Một vạn ba nghìn
Sáu mốt ngục tro
Chê thánh rơi vào
Do thân khẩu tạo.”

(Kinh tạp a hàm, Hán tạng kinh)

Thực sự nhất quyết không nên khởi tà kiến. Nếu có thể giữ tâm mình trong sạch thánh thiện là tốt nhất.

Trong các kinh Phật con thích nhất là kinh Pháp Cú. Đó là những bài thơ Đức Phật thuyết theo thể kệ năm chữ. Con thường hay tụng kinh Pháp Cú, kinh Đại Niệm Xứ, kinh sám hối, kinh A Di Đà, kinh Phổ Môn, nói chung các kinh điển ở Việt Nam là con đọc ráo, bao gồm tam tạng kinh điển Nikaya và Hán tạng. Nhưng con khoe thì khoe thế thôi chứ con vẫn nhận con là dốt. Có thể vì con quá hiền. Cả đời con không bao giờ chửi ai, đánh ai hay nói chia rẽ, hay tức giận ai. Con thực hành tâm từ tuyệt đối. Có một phương pháp hay để đối trị cơn giận sân hận. Trước hết là pause, dừng lại mọi lời nói, suy nghĩ, hành động. Bước hai là hít thở sâu ba lần. Bước ba là chấp nhận cảm xúc hiện có. Bước 4 là chọn lựa giữa vô vàn buồn vui thương yêu ghét muốn. Chọn lấy tha thứ, bao dung, cảm thông, từ bi hỷ xả. Bước thứ 5 là áp dụng từ bi tha thứ vào hành động và thực tiễn.

Con thì khi xưa rất hiền và không bao giờ mắng ai hay nói xấu ai. Ai con cũng coi như mình với lòng tôn trọng và trân quý sâu sắc. Con mong mọi người cũng phát tâm bồ đề. Tâm Bồ Đề là tâm biết cứu giúp người thoát khỏi khổ đau. Nay con cũng xin trình bày luôn pháp mà con đạt được để thoát khỏi khổ đau.

Thứ nhất là pháp để hết đau.

Đau là sự đau đớn, cảm giác khó chịu khốc liệt. Tập khởi của đau là bệnh tật và bị thương. Hết đau là hết bệnh tật và bị thương. Con đường để hết đau là thành tựu tám pháp này.

– Phòng hộ các căn. Phòng hộ mắt tai mũi lưỡi thân khẩu ý, để tránh khỏi dục ô nhiễm, hữu vô nhiễm và vô minh ô nhiễm. Tránh khỏi sự lừa đảo.
– Làm nhiều việc lành, từ bi hỷ xả, chân thiện mỹ, giới định tuệ. Không tham không sân si mạn nghi tà kiến. Đạo đức viên mãn đầy đủ ba la mật. Trí tuệ ba la mật, bố thí ba la mật, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định ba la mật.
– Làm theo con đường trung đạo mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy. Không buông lung phóng dật cũng không ép xác khổ hạnh, không cực đoan tuyệt đối.
– Nhớ luôn ăn chay, ăn dương và uống ấm.
– Sám hối, thuyết pháp, học đạo, tụng kinh niệm Phật, ấn tống kinh sách, xây chùa đúc tượng, tu hành xuất gia.
– Tập thể dục
– Giúp đỡ mọi người hết khổ đau và giảng dạy phương pháp hết khổ đau.
– Biết tự chữa bệnh và chữa bệnh cho người khác

Đó là tám pháp con đường dẫn đến hết đau. Đó là tám pháp từ bi và nhiệm màu.

Khổ là sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ ưu, não. Tập khởi của khổ là sự tham ái đưa đến tái ân, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Hết khổ là hết sự tham ái đưa đến tái sanh, hết câu hữu với hỷ và tham, hết tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Con đường để hết khổ là bát chánh đạo, chánh tri kiến (tri kiến về khổ, khổ tập, khổ diệt, khổ diệt đạo thánh đế), chánh tư duy (tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại) chánh ngữ (không nói dối, không nói láo, không nói bậy, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không nói lời thêu dệt), chánh nghiệp (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm), chánh mạng (ý nghĩ chân chánh, lời nói chân chánh, việc làm chân chánh), chánh tinh tấn (đối với các ác bất thiện pháp chưa sanh khiến cho không sanh khởi, đối với các ác bất thiện pháp đã sanh khiến cho trừ diệt, đối với các thiện pháp chưa sanh khiến cho sanh khởi, với các thiện pháp đã sanh khiến cho an trú, tăng trưởng, phát triển, viên mãn).

Chánh niệm (quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp), chánh định (ly dục, ly bất thiện pháp, một cảm giác hỷ lạc do ly dục sanh, với tìm cầu với xuất tán. Diệt tìm cầu diệt xuất tán, một cảm giác hỷ lạc do định sanh, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ yêu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm, thanh tịnh). Và con đường để hết khổ là làm cho mọi người được vui vẻ, hạnh phúc, an lạc, khỏe mạnh, đạo đức, trí tuệ, giác ngộ, giải thoát; tiếp dẫn mọi người sang Tây phương cực lạc, đi đến khắp mọi nơi để giảng dạy phương pháp hết khổ đau.

Đó là pháp mà con đã dày công tu tập và mong muốn mọi người cũng thực hành được.

Con không biết có người nào cảm nhận về pháp này.

Thôi thì cứ để tùy duyên. Con sống làm chiếc lá, giống như một chiếc lá.

“Nếu làm con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào sanh mà không có diệt
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình…”

(đặt thêm cho thơ Tố Hữu)

Và chiếc lá đó đến giờ vẫn sống, như hòa cùng muôn ngàn lá đang xanh thầm trên cây.

Cây sanh-weeping fig (Photo: Vijayanrajapuram/ Wikimedia Commons)

(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả Nguyễn Thị Anh Chi có pháp danh Thanh Duyên Tú, gởi bài tháng Tư 2022 khi sống tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *