Cuốn sách sau 50 năm: ‘Cuốn Lên Bức Mành’ của Phạm Quốc Bảo

*Đọc 12 phút*

Bài PHAN TẤN HẢI

Nhà văn Phạm Quốc Bảo trong tuần qua vừa ấn hành tuyển tập Cuốn Lên Bức Mành. Một tác phẩm ghi lại những suy nghĩ của một người đang giữa lứa tuổi 80s từ hải ngoại về những gì còn lưu giữ sau một đời làm báo và viết truyện. Từng trang chữ của ông là cô đọng những cảm xúc của một người không tự cho mình sống một ngày nào mà không nghĩ tới quê nhà.

Tuyển tập nhiều bài viết Cuốn Lên Bức Mành gồm ba phần: hồi ức, tản mạn, thơ. Nơi đây, chúng ta gọi ấn phẩm này là cuốn sách sau 50 năm, vì Phần 2 còn được tác giả ghi là: Nửa Thế Kỷ Ngoái Lại. Thực tế, chiều dài của sách là hơn một thế kỷ rưỡi, vì có kể về ông ngoại tác giả là cụ Bùi Văn Giảng (1871-1934). Với chiều dài thời gian như thế, và với cảm xúc của thời điểm 50 năm, tác phẩm của Phạm Quốc Bảo có những trầm lắng rất là tịch mịch của lịch sử. Nơi đây chúng ta sẽ giới thiệu một số điểm trong tuyển tập.

Thật sự khó để nói về một tuyển tập rất đa dạng, cho dù độ dày cuốn sách chỉ 204 trang, nghĩa là không dài so với nhiều tuyển tập văn học hiện nay. Nhan đề sách là Cuốn Lên Bức Mành, theo giải thích chúng ta sẽ thấy bức mành là một trọng tâm của phần đầu hồi ức. Nói hồi ức, vì kể về cụ Bùi Văn Giảng (1871-1934), ông ngoại của tác giả. Bức mành là những thanh tre, hoặc nứa, chẻ ra buộc vào dây, có thể cuộn lại, hay thả xuống. Cụ Bùi Văn Giảng do cơ duyên học được nghề chữa bệnh cho chó, mèo. Cụ chuyên chữa bệnh chó, mèo của các quan người Pháp, và cả các quan chức trong triều đình, và cũng không từ chối khi dân thường mang chó, mèo tới nhờ cụ chữa bệnh. Cụ được triều nhà Nguyễn phong chức Hồng Lô Tự Khanh, tòng tam phẩm thuộc Hàn Lâm Viện, nên còn được dân chúng gọi là cụ Hàn Giảng.

Cụ trải qua ba mươi năm làm thú y mới về hưu, lui về quê ở Thanh Hóa. Cụ Giảng khi mới về quê, đã tới thăm Hội đồng Hương chức, những người như Lý trưởng với Trương tuần đều ra trình diện. Chỉ vắng mặt cụ Tiên chỉ, người có chức vụ cao nhất trong làng. Cụ Tiên chỉ cho biết đang đi thăm mấy làng bên, và sẽ vắng mặt vài tuần. Nghe vậy là biết là vắng mặt thôi, không ai rõ tâm ý cụ Tiên chỉ thế nào.

Trong chương được tác giả đặt là Tự Thanh Tẩy, nghĩa là tự làm trong sạch thân và tâm, cụ Hàn trong tuần lễ thứ ba mặc áo nâu sòng, khoác ngoài là áo trấn thủ màu mạ non, thường ngồi trầm ngâm cả ngày. Một hôm cụ Hàn tới thắp nhang, khấn vái trước bàn thờ Phật rồi bàn thờ tổ tiên ông bà, rồi đi bộ trong làng, không cho ai đi theo, tới thắp nhang trước miếu thờ Thành Hoàng làng, rồi tới nghỉ ở Văn Miếu, tới xế chiều mới về nhà. Hôm sau, cụ bảo xe tay đưa cụ đi thăm Phủ Giầy, tới chiêm bái quần thể kiến trúc tín ngưỡng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một hình ảnh tín ngưỡng cổ của dân tộc.

Sáng hôm sau, cụ đi bộ tới ngôi chùa cuối làng, nơi Sư trụ trì trước khi xuất gia là một ông đồ dạy học cho giới trẻ trong các làng trong vùng. Sư cụ nổi tiếng về đức hạnh, tới mức, trích nơi trang 21, “ban quản trị làng xã – huyện – tỉnh nhà cùng nhau đồng lòng chính thức xin triều đình ban cho chức tòng cửu phẩm như một cách chính thức tri ân.”

Tới đây, chúng ta thấy một phần xã hội Miền Bắc đầu thế kỷ 20, nơi ông ngoại của nhà văn Phạm Quốc Bảo về hưu. Lúc đó là thời Pháp thuộc, triều Nguyễn vẫn còn giữ một phần quyền lực. Khi cụ Hàn rời chức vụ thú y của người Pháp, đồng thời cũng là chức quan Tam phẩm của triều Nguyễn, cụ lui về quê, tự làm trong sạch thân tâm bằng cách ghé thăm các nơi mang dấu ấn tín ngưỡng của dân tộc Việt, tới Phủ Giầy của Đạo Mẫu, rồi tới Thành Hoàng làng, rồi tới Văn Miếu, và sau cùng là ngôi chùa.

Nơi ngôi chùa này, Sư trụ trì trước khi xuất gia là một ông đồ dạy học. Và Sư trụ trì cũng có một phẩm quan (một cách tượng trưng) của triều đình. Như dường, vua quan xem nhà chùa như một phần của cấu trúc triều đình, dù là tượng trưng, có thể.

Dân tộc Việt một cách tự nhiên đã bao dung, đã hòa hài trong tương tác xã hội, trong bầu không khí này: Đạo Phật (Sư trụ trì), Đạo Nho (ông đồ dạy học), Đạo Mẫu (cụ Hàn tới thăm đầu tiên)… mà không gì vướng mắc. Hiển nhiên, nhà sư vì có trình độ cả Nho và Phật nên thấy ngay rằng Đạo Nho là trật tự, phép tắc của xã hội, nơi có vua, có quan… của thế giới hữu vi, trong khi Đạo Phật là con đường giải thoát của pháp vô vi. Trong khi đó, cụ Hàn là người của thế giới hữu vi, sống với hồn dân tộc, tự thanh tẩy mình theo cách riêng sau 30 năm làm nghề thú y cho các quan chức Pháp: tới Phủ Giầy (Đạo Mẫu), tới Thành Hoàng làng (văn minh làng xã), tới Văn Miếu (Đạo Nho) và rồi tới thăm chùa (Đạo Phật). Đây là một lộ trình tự nhiên của rất nhiều thế hệ ông bà chúng ta.

Sau cuộc hàn huyên, Sư cụ hỏi cụ Hàn, “Quan ngài đã cất công tới viếng cảnh chùa, hẳn cần ngỏ điều chi?” Cụ Hàn thưa với Sư trụ trì, “…hôm nay mạo muội tự mình tới quấy rầy nơi thanh tịnh, trước là được lạy Phật, sau là mong vấn an Thầy. Rồi nếu không trở ngại gì thì xin được hai ngày cuối tuần này có thể đến chùa để làm công quả, mong sao có được hưởng chút ít gì từ công đức của ngài và Đức Phật cho chăng.”

Thế rồi, hôm sau cụ Hàn mặc bộ áo nâu sòng, khoác áo trấn thủ, vào chánh điện lễ Phật rồi ra cầm chổi quét sân chùa, tưới cây, gom lá rơi, bày bàn ghế, bưng nước và thức ăn cho khách thập phương lễ chùa. Rồi cụ vào ăn trưa với những người công quả, rồi làm tới tối mịt mới về nhà. Hôm sau Chủ Nhật, cụ Hàn cũng làm tương tự. Tới tối mịt, Sư cụ mời cụ Hàn vào uống trà. Sư cụ nói rằng Sư cụ và cụ Tiên chỉ đều là gốc nhà Nho, mang tâm sự lễ nghĩa Nho gia giữa một xã hội đang Tây hóa của thời Pháp thuộc, gặp những “trường hợp bất đắc dĩ lắm, bị bó buộc một cách quyết liệt” câu chuyện giữa nhà sư và cụ Hàn vẫn dè dặt, như dường nói về quốc sự nhưng rất kiệm lời, ít nhất là theo dòng văn của Phạm Quốc Bảo.

Như thế, chúng ta có thể hiểu ngầm rằng, cụ Tiên chỉ đi vắng mấy tuần lễ, khi nghe cụ Hàn về quê ở luôn, hẳn là trong lòng có gợn sóng gì chăng, khi một quan thú y làm việc 30 năm cho người Pháp về hưu. Câu hỏi khởi dậy ngay trong lòng người đọc: cụ Tiên chỉ không ưa người làm việc cho các quan chức Pháp, dù là hành nghề thú y, chuyên chữa bệnh cho chó và mèo?

Thế rồi, một hôm, anh Mõ làng báo tin cho cụ Hàn rằng cụ Tiên chỉ đi chơi mấy làng quanh bây giờ đã về. Cụ Hàn chờ thêm một ngày cho thư thả, rồi đi tới thăm cụ Tiên chỉ. Cụ Hàn có anh quản gia theo hầu, mang theo tráp và chiếc chiếu cói nhỏ, trong khi anh Mõ làng theo sát đưa đi. Tới nhà cụ Tiên chỉ, anh Mõ làng mở cổng, mời cụ Hàn tới ngồi nơi hiên nhà cụ Tiên chỉ, trên chiếc chiếu cói nhỏ anh quản gia trải ra, trong khi anh Mõ làng hô lớn về hướng trong nhà cụ Tiên chỉ rằng có quan Hàn tới thăm.

Lúc đó, tấm mành mành đan bằng các cọng trúc đang cuộn lại, đột ngột được giựt dây từ bên trong, buông xuống cái xoạch, che kín cả mái hiên. Rồi tiếng cụ Tiên chỉ từ bên trong ngâm thơ lớn, như dường đang giảng bài cho học trò. Cả Mõ làng và anh quản gia đều sững sờ, lùi lại gốc sim chờ. Cụ Hàn vẫn ngồi nghiêm trang nơi hiên ngoài, lặng thinh, bất động. Tiếng cụ Tiên chỉ bên trong hết ngâm bài thơ này, lại tới bài thơ khác.

Cụ Hàn ngồi lặng lẽ ngoài tấm mành như thế, bất động, mắt lim dim. Cụ Tiên chỉ vẫn ngâm thơ như không biết thế giới chung quanh, tấm mành vẫn che giữa trong và ngoài mái hiên. Tới trưa, cụ bà Tiên chỉ từ dưới bếp nhìn qua sàn nước, thấy cụ Hàn vẫn ngồi bất động, như dường vẫn lắng nghe cụ Tiên chỉ đọc thơ xuyên qua bức mành. Cụ bà Tiên chỉ mang bình nước sôi tới rót vào ấm nước trong tráp cụ Hàn, vẫn thấy cụ Hàn ngồi bất động.

Tới xế chiều, cụ Hàn vẫn ngồi bất động bên ngoài tấm mành. Bên trong tấm mành, tiếng cụ Tiên chỉ vẫn đọc thơ. Cụ bà Tiên chỉ rón rén tới thưa với chồng, cụ bà muốn dẫn con về bên ngoại. Cụ Tiên chỉ ngẩn người, đây là lần đầu tiên trong nửa thế kỷ vợ chồng, cụ bà Tiên chỉ đòi dẫn con về ngoại. Cụ Tiên chỉ hỏi vì sao bà làm như thế, được cụ bà Tiên chỉ nói rằng cụ Tiên chỉ không vén bức mành lên để đón tiếp cụ Hàn, thì nhỡ cụ Hàn chết ngồi sững sờ như thế, nghĩa là chẳng còn phúc đức nào giữ cho các con nữa. Nhà văn Phạm Quốc Bảo ghi rằng, nơi trang 28, “Cứ thế, mỗi một âm vọng lời nói gằn giọng của cụ bà là mỗi dìm cụ Tiên chỉ vào niềm trăn trở – dày vò – quặn thắt không nguôi tâm can của cụ…” Cụ Tiên chỉ đứng dậy, tự tay cuộn bức mành lên, và nói với vào trong cho cụ bà, dặn lấy thau nước cho quan ngài rửa mặt. Khi cụ bà mang thau nước lên, cụ Tiên chỉ dặn cụ bà “làm tạm món gì đấy để tôi hầu tiếp quan ngài nhá.” (trang 29)

Cuộc hôn nhân của cụ Tiên chỉ và cụ bà tới nửa thế kỷ mới lần đầu gây sự, và là lần đầu cụ bà đòi dẫn con về ngoại. Cụ Hàn và cụ Tiên chỉ ngồi, ngăn cách nhau chỉ một bức mành mành. Trong khi cụ Hàn ngồi bất động, cụ Tiên chỉ liên tục đọc hết bài thơ này tới bài thơ kia, từ sáng cho tới xế chiều. Tới lúc chúng ta có thể tự hỏi, có bức mành mành nào đang ngăn cách dân tộc thành hai miền, hệt như chuyện hai cụ ngồi cách nhau bức mành trúc như ở hai thế giới khác nhau như thế?

Thế rồi cụ Tiên chỉ và cụ Hàn ngồi đối ẩm, nói chuyện lễ, nghĩa, chuyện làng. Qua câu chuyện, độc giả thấy rằng cụ Hàn kể, cụ Hàn luôn luôn về dự các lễ lạc trong làng và lần nào cũng thấy mâm cỗ cụ Hàn để dưới cùng, chỉ trên duy nhất mâm cỗ anh Mõ làng. Chỗ này chúng ta thấy rằng, làm quan Tam phẩm triều đình, làm quan thú y cho người Pháp, nhưng về làng chỉ là người áp chót. Thế rồi cụ Hàn kể cho cụ Tiên chỉ về cơ duyên học nghề thú y để chuyên chữa bệnh chó, mèo cho người Pháp, mà cụ vẫn không từ chối chữa bệnh chó, mèo cho bất kỳ ai mang tới, dù là dân nghèo thế nào. Rồi hai cụ nói chuyện về các phong trào Cần Vương, Văn Thân, rồi cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, và nhiều nữa. Hai cụ nói ra lời như chung một tấm lòng. Không còn gì ngăn cách hai cụ nữa.

Thế rồi cụ Hàn nói, dòng họ Phạm của cụ Tiên chỉ và dòng họ Bùi của cụ Hàn trước kia nhiều thời theo nghiệp thư hương, cùng nổi tiếng về văn học, nhưng mọi chuyện tan tác từ khi người Pháp vào. Phía dòng họ Phạm của cụ Tiên chỉ liên tục có người hy sinh cho phong trào Cần Vương, rồi Văn Thân, trong khi phía họ Bùi chìm lỉm vào bóng tối, có lúc ngộ nhận nhau. Nhà văn Phạm Quốc Bảo ghi lời cụ Hàn, “Hiện tượng này gây sự chia cắt đến độ có lúc thành chống đối lẫn nhau. Gần nửa thế kỷ qua, làng ta quay quắt trong ngậm ngùi…”

Tới đây, chúng ta có thể hiểu rằng trước khi cụ Tiên chỉ buông tấm mành xuống để cản bước vị khách quan chức họ Bùi, hai dòng họ đã có nửa thế kỷ “chia cắt đến độ có lúc thành chống đối lẫn nhau.”

Bây giờ cả cụ Tiên chỉ và cụ Hàn đều tới tuổi sắp ra đi, than ôi. Thế rồi, cụ Hàn nói rằng cụ Hàn có đứa con duy nhất với bà chính thất: cô gái này mới 16 tuổi, năm ngoái mới đậu bằng Thành Chung. Trong thời Pháp thuộc, văn bằng này giành cho học sinh học hết 5 năm bậc tiểu học và 4 năm bậc trung học thì phải thi lấy bằng này. Trong đầu thế kỷ 20, hiếm người học tới như thế tại Việt Nam. Thế rồi cụ Hàn nói rằng cụ muốn gả cô con gái cho một cậu nào con cụ Tiên chỉ. Cụ Hàn nói, nơi trang 62, “Nếu cụ Tiên chỉ không chê, tôi mong cháu nó được kết thân với cậu nào bên cụ.” Cụ Tiên chỉ trả lời rằng cụ bối rối khi nghe như thế. Cụ Hàn nói,“Tôi trộm biết, nhờ Trời – Phật – Tổ Tiên – Ông Bà phù hộ, bên cụ quả có đông các anh. Như anh Đội Phùng vừa phải phát vãng tù ngoài Côn Sơn nhân vụ Khởi Nghĩa Yên Báy. Anh Soạn thì đang phục vụ phong trào Kháng Chiến ở đâu đấy…” (trang 62). Thế rồi, cụ Tiên chỉ nói, “Đến anh Định nhà tôi thì… nghe đâu đang làm biên tập cho tờ Gia Định Thời Báo ở trong Nam.” (trang 62)

Nhà văn Phạm Quốc Bảo ghi chú rằng tên thật của ba người con của cụ Tiên chỉ là Phạm Hữu Phùng, Phạm Hữu Soạn, Phạm Hữu Định.

Rồi cụ Tiên chỉ kể về anh Định, một người mê văn học và rộng rãi với bằng hữu. Anh Phạm Hữu Định một hôm cho bạn mượn bộ sách hiếm quí bằng chữ Nôm là Chinh Phụ Ngâm Khúc. Khi cụ Tiên chỉ bảo cậu Định lấy cuốn này ra đọc lớn cho cụ nghe, thì anh Định lấy cuốn Kim Vân kiều truyện ra ấp úng đọc. Thế là chỉ đọc được vài câu đầu Chinh Phụ Ngâm còn thuộc lòng, tới mấy câu sau thì đọc sai, cụ Tiên chỉ liền “giựt lấy cuốn sách, tôi mới phát giác ra sự thể. Anh ấy phải thú thật là vừa cho bạn mượn rồi. Thế là tôi nổi nóng, cầm gậy đuổi đánh. Anh ấy cứ thế mà chạy khỏi nhà rồi sẵn trớn lên Hà Nội trốn luôn… Mới đây nghe báo lại rằng anh ấy đã được bạn giới thiệu vào trong Nam làm báo kiếm sống ở Sài Gòn rồi.” (trang 63)

Nghe chuyện, cụ Hàn nói, “Ô… Hay quá đấy.”

Cuộc hôn nhân của cô thiếu nữ con cụ Hàn có xảy ra hay không? Và nếu có cuộc hôn nhân, thì với cậu nào, và như thế nào? Độc giả có thể tìm đọc thêm từ tuyển tập Cuốn Lên Bức Mành.

Trong phần 2, tức là “Nửa Thế Kỷ Ngoái Lại,” nhà văn Phạm Quốc Bảo kể về những chuyện gọi là những gì xảy ra đến nát nhàu tâm can, những gì xảy đến nôn nao cõi lòng… và rồi từ năm 1997, hai vợ chồng Phạm Quốc Bảo thực hiện chương trình “Nhóm Tình Thương,” để bảo trợ các sinh viên nghèo đi học. Trong phần 2, tác giả cũng kể về những kỷ niệm với bạn hữu, và những suy nghĩ về bản sắc Việt.

Trong phần 3, là 23 bài thơ của Phạm Quốc Bảo.

Cuối sách là phần Bạt, do Tô Đăng Khoa viết, nhan đề “Cuốn Lên Bức Mành Quá Khứ: Hồi Ký, Ngôn Ngữ và Cầu Vượt Qua Những Giao Lộ Lịch Sử.”

Sách dàn trang, thiết kế bởi Lê Giang Trần, xuất bản bởi SỐNG Publishing. Sách đang lưu hành trên Amazon: https://www.amzn.com/B0F2KSC629/

Nhìn chung, trong những ngày tròn 50 năm sau tháng 4 năm 1975, tác phẩm Cuốn Lên Bức Mành nhắc lại cho chúng ta về một quê nhà xuyên suốt hơn một thế kỷ, về câu chuyện xung khắc nửa thế kỷ giữa họ Phạm và họ Bùi. Và rồi cụ Hàn bên nhà họ Bùi tới gặp cụ Tiên chỉ họ Phạm để nói rằng muốn gả cô con gái 16 tuổi học giỏi, đảm đang cho cậu nào bên nhà họ Phạm, dù biết rằng các cậu nhà họ Phạm, người thì đang ở tù, người thì đang theo một cuộc khởi nghĩa chống Pháp, và một người thì lưu lạc chưa rõ nơi nào trong văn giới.

Hãy đọc để biết rằng có một bức mành tre ngăn cách giữa hai cụ già nơi hiên nhà, giữa một cụ ngồi tịch lặng như núi đá và một cụ đọc thơ sang sảng như để ngăn những xúc động khi nghĩ tới quê nhà. Hãy đọc tác phẩm này để biết rằng có một sự hòa hài tự nhiên trong xã hội Việt Nam của Đạo Mẫu, Đạo Nho, và Đạo Phật. Hãy đọc để biết rằng các cụ xưa tự thanh tẩy bằng cách đi quét lá chùa như thế nào. Đọc về chuyện của các cụ thời xưa, cũng là lúc để suy ngẫm về chuyện của chúng ta thời nay. Trân trọng cảm ơn tác giả Phạm Quốc Bảo về những dòng chữ làm tôi xúc động.

Cuốn Lên Bức Mành do Amazon bán giá $20; Bấm vào hình bìa để vào trang Amazon.

(Bài do nhà văn Phạm Quốc Bảo gởi cho Tinh Tấn Magazine sau khi đăng trên Việt Báo.)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *