Bài Diệu Liên LÝ THU LINH
Tôi đã kết thúc quyển tự truyện từ mười mấy năm về trước. Nhưng không biết làm gì với nó, cứ thỉnh thoảng lại giở ra đọc.
Chị tôi đã khóc khi đọc. Chắc chắn không phải vì cảm động, chị nói, “Quá khứ không tốt đẹp, em nhắc lại làm chi? Tự dưng vạch áo cho người xem lưng…”. Em tôi phản ứng bằng sự im lặng nặng nề. Cháu tôi nhắc nhở, “Không nên cho người khác biết quá nhiều về mình.” Hình như không có lời động viên nào cho tôi.
Tôi đành xếp bản thảo lại. Không phải vì vết thẹo trên lưng mình, không phải vì sợ những thóc mách của người đọc, mà vì sợ ảnh hưởng đến người thân của tôi. Nhưng tôi cũng không thể xếp xó quyển truyện, vì tôi không thể yên lòng, khi chưa được công khai nói lời xin lỗi với gia đình, bạn bè, xã hội.
Tôi vẫn còn nợ người xưa ngàn lời xin lỗi. Nhưng anh đã hoàn toàn biến mất khỏi cuộc đời tôi. Cuộc đời nhiều khi cũng lạ. Có những khoảng thời gian, một người nào đó là tất cả cuộc sống của mình, nhưng rồi cũng có lúc người đó như không hề có mặt, không hề dính dáng đến ta. Người ta có thể xóa sạch ký ức cuộc sống như thể xóa một dấu chân trên cát được sao? Tôi thì không làm được vậy, nên thỉnh thoảng tôi lại lôi bản thảo quyển tự truyện ra đọc, rồi lại bôi, rồi lại thêm. Có lẽ đến lúc quyển sách đến tay người đọc, nó đã khác xa với bản thể ban đầu. Nếu như cuối cùng nó cũng đến được tay người đọc. Hy vọng này thật mong manh làm sao!
Tôi đã ở tuổi trên 70. Năm nay tôi đã có một cuộc phẫu thuật thừa sống thiếu chết. Ngày ở bệnh viện, khi nằm trên băng ca để người ta đẩy vào phòng mổ, tôi có cảm tưởng mình là một con vật sắp vào lò mổ… Giá trị, nhân phẩm, đạo đức, tình yêu… mọi thứ đều là hảo huyền. Chỉ cần một mũi kim, một đường dao, một sơ sót… mọi thứ sẽ là hư không, mới thấy cuộc đời đúng là mộng, là vô thường. Bao cố gắng ganh đua để tìm kiếm hạnh phúc, tiền bạc, danh tiếng… có nghĩa gì nữa đâu.
Vậy mà vì những thứ hão huyền đó, tôi đã phạm đủ mọi thứ tội lỗi trên đời này: Làm chảy nước mắt mẹ. Làm đau lòng anh chị em. Làm tổn thương người khác. Không có lý trí, vô minh đến cùng tột…
Hy vọng kiếp sau, chắc chắn tôi phải là một sinh vật hữu ích hơn, dầu là người hay dầu sinh dưới bất cứ hình thức nào, xin hãy cho tôi biết Phật pháp sớm, hãy cho tôi được nương bóng từ bi của Đức Phật, được nghe, được hiểu những lời dạy đơn giản nhưng đầy trí tuệ của Ngài.
Giá mà tôi biết Phật pháp sớm hơn, cuộc đời tôi sẽ tốt hơn biết nhường nào.
Dầu gì thì cũng đã quá muộn để sửa đổi mọi thứ. Chỉ xin cho tôi được nói lời xin lỗi với mẹ, với cuộc đời. Chỉ xin cho tôi được sám hối tội lỗi của mình…
Tuổi già
Hôm nay tôi đi mổ túi mật. Cảm giác khó diễn tả. Không biết có phải vì lo sợ những bất trắc có thể xảy ra, hay không tin tưởng tay nghề của vị bác sĩ trẻ. Thật vậy, khi bạn nằm lên chiếc bàn mổ, thì tất cả may rủi, hay nói đúng hơn là số phận của bạn lại tùy thuộc vào kẻ sẽ cầm dao mổ bạn.
Bên cạnh vấn đề bác sĩ, trong tôi cũng có cảm giác buồn buồn, khó định tên, nhưng nếu suy gẫm thật kỹ thì có lẽ là tôi đã nhận ra mình đang già đi, đã thấy rõ cái dấu ấn tàn nhẫn của thời gian. Tóc bạc cũng chưa đủ, vì chúng còn ẩn nấp khá kín đáo. Da thịt nhăn nhão thì đã có áo tay dài, quần bó che kín, chỉ trừ khi lũ cháu tinh quái cứ lôi tay tôi ra, cầm đám thịt nhão mà lắc qua, lắc lại, mà kêu lên, sao thịt bà mềm quá vậy? Sao mắt bà thâm quầng? Sao bà đi chậm vậy? Vân vân và vân vân. Giống như những câu hỏi của cô bé quàng khăn đỏ trước kẻ giấu mặt là con chó sói của thời gian.
Đôi khi cũng phải cảm ơn mấy đứa trẻ này. Chúng không hề biết lịch sự như những người lớn. Những người thường nói dối một cách vụng về rằng, “Ôi! Dì còn khỏe mà, lo gì!” Những câu hỏi ngây thơ, không khoan nhượng của đám cháu, đôi khi bị mẹ chúng la vì sợ tôi buồn. Cô ấy đâu biết rằng mỗi ngày tôi cũng tự mình nghĩ đến những điều ấy. Đã xuống cấp quá rõ, che giấu hay tự dối mình để làm gì chứ. Mỗi ngày tôi vẫn dành dăm ba phút nghĩ đến nó như một ám ảnh khó dứt trừ. Mà ai không già chứ?
Còn nhớ, thuở còn trẻ, tôi thường thương hại những người già mà không chịu chấp nhận mình già. Họ làm đủ cách: Nhuộm lại tóc. Mặc áo màu, áo bông hoa sặc sỡ. Mặt thì tô phấn dày cộm.
Bây giờ thì tôi hiểu. Có ai mà chịu nổi khi mỗi ngày phải nhìn thấy một gương mặt với lớp da chảy xệ, đồi mồi loang lỗ. Thật ra tô điểm cũng là để cho mình mà thôi, không hẳn cho ai khác. Cho mình để không thấy cuộc đời quá phủ phàng vì vô thường biến đổi.
Năm nay tôi đã 76, 77 rồi. Khủng khiếp, chỉ còn thoáng cái là 80, 90. Rùng rợn thật. Tôi nghĩ đến ngày mình phải bò lết, vậy mà mỗi lần Tết ai cũng chúc, “Sống lâu trăm tuổi.” Giận gì đâu.
Những người khoảng tuổi tôi hoặc trẻ hơn, nhiều người đã vĩnh viễn ra đi. Nên tôi thấy mình cũng phải chuẩn bị tư lương cho chuyến đi dài sắp tới. Tôi sắp trả hết những nợ nần, ân oán trong kiếp sống này, để đến một kiếp sống khác, hy vọng không quá tồi tệ như kiếp hiện tiền.
Đã có rất nhiều thông điệp gửi đến cho tôi bằng nhiều cách, thường là âm thầm nhưng quyết liệt, như là đôi chân. Mới hôm trước còn bình thường, hôm sau đã quật quỵ tôi rồi. Đã có giây phút tôi không biết mình sẽ đứng lên bằng cách nào. Hai đầu gối ngày thường có bao giờ tôi để mắt tới, giờ chúng là sự sống còn của tôi.
Bác sĩ bảo đừng hy vọng trở lại bình thường. Có nghĩa là bắt đầu phải rất chánh niệm trong từng bước chân. Xuống cầu thang, chân phải trước, chân trái sau; lên cầu thang, chân trái trước, chân phải sau, vân vân và vân vân. Nhờ thế hình như tôi bắt buộc phải sống chậm lại. Thì ra trong mọi cái rủi, đều có cái may.
Hai tuần nay, cổ chân tôi lại sưng vù. Tôi ngán đi bác sĩ, nhưng vẫn không thể tránh khỏi. Mấy ngày nay tôi đi vật lý trị liệu để người ta chích điện, soi đèn. Phòng khám đúng là một địa ngục thu nhỏ. Trong mỗi phòng, người thì nằm co chân, kẻ bị kéo cổ, đè vai, giựt tay… Ngồi đợi đến phiên mình được khám, tôi bỗng không nhịn được cười khi trước mặt mình, người thì méo miệng, kẻ đi kéo lê chân phải, người giựt giựt chân trái… Chúng tôi giống như những con búp bê bằng gỗ đã bị gãy gọng, không còn nguyên vẹn nữa. Chúng tôi những con búp bê đáng thương, cố gắng đắp đổi, sửa chữa những bộ phận đã rã rời, trước khi vĩnh viễn nằm xuống.
Than ôi!

(Trích từ loạt bài ‘Lan Man Tâm Truyện’ dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Khi đó tác giả sống tại Biên Hòa, Việt Nam.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.