Bài THÍCH TỪ LỰC và TÂM HUY HUỲNH KIM QUANG
I/ Dẫn Nhập
Năm 2025 đánh dấu 50 năm (1975-2025) người Việt tị nạn Cộng Sản đã từ bỏ quê hương Việt Nam để tìm đến vùng đất tự do của Hoa Kỳ. Trong số khoảng từ 125,000 đến 130,000 người Việt tị nạn đầu tiên đến Mỹ ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có nhiều tu sĩ Phật Giáo.(1)
Một trong những tiểu bang của Mỹ mà người Việt tị nạn đầu tiên đặt chân đến là California, hay nói chính xác là Căn Cứ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Pendleton (Marine Corps Base Camp Pendleton), nằm trong địa hạt Quận San Diego ở miền Nam California. Chính những người Việt tị nạn đầu tiên ở đây là những nhân tố hình thành cộng đồng người Việt tị nạn tại California sau này.
Tính tới năm 2023, có 2.4 triệu người Mỹ gốc Việt sống tại Hoa Kỳ, theo Văn Phòng Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ (2) cho biết. Trong số này, gần 60% người Việt tị nạn sinh ở Việt Nam và 40% sinh tại Mỹ. Khoảng 38% tổng số người Việt tị nạn ở Mỹ sống tại California. Tiếp theo là Texas, với 14%. Nơi tập trung người Việt tị nạn đông nhất là tại Quận Cam, Quận Santa Clara (Bắc California) và Quận Los Angeles trong tiểu bang California. Như vậy, tổng số người Việt sinh sống tại California là khoảng 912,000 (38% của 2.4 triệu người Mỹ gốc Việt).
Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (3) thì số người Việt tị nạn xác nhận là Phật tử chiếm 37% tổng số người Việt tị nạn tại Mỹ. Như thế, số Phật tử trong cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ là khoảng 888,000 và số Phật tử trong cộng đồng người Việt tại tiểu bang California là khoảng 337,440 người. Tuy nhiên, những con số vừa nêu ra ở trên không phải là hoàn toàn chính xác. Lý do là vì các thống kê ở trên được thực hiện vào năm 2023, nên các số lượng đó đã không còn đúng hoàn toàn với thời điểm hiện nay là gần giữa năm 2025. Mặc dù vậy những con số đó cũng cho chúng ta một cái nhìn khái quát về tổng dân số người Việt và người Việt theo Đạo Phật ở Mỹ cũng như ở California.
Theo thời gian, từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, số lượng Tăng, Ni đến định cư ở Mỹ ngày càng đông, theo diện vượt biển và vượt biên tị nạn Cộng Sản (từ 1975 đến 1989), theo Chương Trình Ra Đi Trật Tự (Orderly Departure Program – ODP) và Chiến Dịch Nhân Đạo (The Humanitarian Operation – HO) (từ 1980 đến 1997), hay theo diện hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo được các chùa, các tổ chức Phật Giáo ở Mỹ bảo lãnh kể từ đầu những năm đầu thiên niên kỷ thứ 3. Các vị Tăng, Ni này định cư ở Mỹ dù thuộc diện nào thì đều mang theo mình sứ mệnh hoằng dương Chánh Pháp của Đức Phật, duy trì và phát huy truyền thống văn hóa của Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam tại xứ người. Đây là động lực chính hình thành các cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở Mỹ trải dài nửa thế kỷ qua.
Nếu so với nền văn hiến hơn 4,000 năm của giống nòi Lạc Việt thì nửa thế kỷ chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng nếu so với gần hai trăm năm mươi năm lập quốc của Hoa Kỳ thì nửa thế kỷ đã chiếm 1/5 khoảng thời gian đó. Hay nói cách khác, nửa thế kỷ có mặt của cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở Mỹ nói chung và ở California nói riêng là khoảng thời gian dài đủ để chúng ta có thể nhìn lại những thành quả đã đạt được và từ đó dự phóng con đường tương lai.

II/ Kiến Lập Chùa và Các Tổ Chức
Muốn hoằng dương Chánh Pháp tại xứ người thì một trong những điều kiện cần thiết trước nhất là phải có cơ sở, hay chùa. Chùa theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam được gọi là ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng), tức là nơi để thờ Phật, để lưu hành Giáo Pháp của Phật, và để chư Tăng, Ni cư trú để diễn giảng và hướng dẫn Phật tử tu học Phật Pháp.
Khi vượt biển, vượt biên đi tìm tự do và được định cư tại Mỹ, chư Tăng, Ni cũng giống như mọi người Việt tị nạn khác không mang theo được gì ngoài hai bàn tay trắng. Vì thế, việc khởi sự xây dựng một ngôi chùa trong giai đoạn đầu mới định cư là điều vô cùng khó khăn. Sự khó khăn xây dựng ngôi chùa gồm nhiều mặt: trước hết là tài chánh và thứ đến là pháp lý hay giấy phép của chính quyền địa phương cho phép thành lập một cơ sở sinh hoạt tôn giáo. Đây chính là lý do tại sao hầu hết chư Tăng, Ni đều khởi đầu việc lập chùa bằng cách thuê mướn hay mua một căn nhà làm nơi cư trú rồi sau đó lần hồi mới tiến tới việc vận động tài chánh và xin giấy phép được lập chùa. Tuy nhiên, cả hai việc đó đều không phải diễn ra theo ước nguyện của quý Thầy, Cô mà thường xuyên bị trở ngại. Chướng duyên lớn nhất là có được giấy phép xây chùa hay biến cơ sở đã mua thành nơi sinh hoạt tôn giáo chính thức, mà thường được gọi là ‘cải gia vi tự’.
Chỉ đơn cử một vài điều như vậy để thấy rằng chư Tăng, Ni đến Mỹ trong giai đoạn đầu với tư cách là người tị nạn đã phải hy sinh rất nhiều, từ tâm lực, trí lực, sức lực đến tài lực để có thể tạo dựng một ngôi chùa tương đối vừa đủ để thực hiện chí nguyện hoằng dương Chánh Pháp ở Mỹ.
Theo Gary Laderman và Luis D. León (4), và Charles S. Prebish (5) thì tính tới năm 2003 ở Mỹ đã có khoảng 165 ngôi chùa Việt. Nhưng một tài liệu khác từ The Association of Religion Data Archives (ARDA),(6) thì ở Mỹ tính tới năm 2000 đã có khoảng 270 ngôi chùa Việt. Theo Thầy Thích Quang Minh trong luận án Tiến sĩ “Vietnamese Buddhist In America” trình tại Đại Học Florida State University năm 2007, tính tới năm 2005 có khoảng 279 trung tâm Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.(7) Theo danh sách chùa Việt Nam tại Mỹ được liệt kê trong Lịch Âm Dương Đối Chiếu do tổ đình Minh Đăng Quang tại thành phố Westminster, miền Nam California phát hành vào năm 2012 thì có khoảng 337 ngôi chùa Việt trên khắp nước Mỹ. Dĩ nhiên, cho đến nay, năm 2025, thì con số này ắt phải khác đi nhiều, vì trong mười mấy năm qua số lượng chùa được xây dựng ở Mỹ đã gia tăng đáng kể, mặc dù chúng tôi không có số liệu thống kê nào để đưa ra một con số chính xác.
Tại miền Bắc California, thăm dò sơ khởi cho thấy có khoảng 77 ngôi chùa tính tới năm 2025. Số lượng chùa ở miền Nam California chắc chắn phải nhiều hơn miền Bắc, vì dân số người Việt và Phật tử Việt sống tập trung ở đây đông hơn bất cứ nơi nào tại Mỹ. Theo tài liệu được đăng trên trang mạng Hoa Vô Ưu (www.hoavouu.com) của Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ thì tính tới năm 2010 ở Nam California có khoảng 80 ngôi chùa. Số liệu này phù hợp với số chùa Việt Nam tại miền Nam California được đăng trên trang mạng www.yelp.com mà trong đó tính tới năm 2025 có khoảng 80 ngôi chùa. Tuy nhiên, trên thực tế mà chúng tôi biết thì có ít nhất 20 ngôi chùa không thấy liệt kê trong số liệu của hai trang mạng trên. Như vậy, chúng ta có thể phỏng đoán tại miền Nam California có ít nhất 100 ngôi chùa. Nếu tính chung số chùa ở Nam và Bắc California thì chúng ta có thể dự đoán con số ít nhất 180 ngôi chùa Việt trên toàn tiểu bang California.
Trước khi người Việt tị nạn đến định cư ở Mỹ, một vị tu sĩ Phật Giáo người Việt Nam đã có mặt ở đây để dạy tại Đại Học University of California in Los Angeles (UCLA) và hoằng dương Phật Pháp là Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân (1925-1980). Ngài là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên lập chùa và xây dựng cơ sở Phật Giáo tại Hoa Kỳ. HT Thích Thiên Ân đã lập Chùa Việt Nam tại Los Angeles vào năm 1976. Ngài cũng đã lập Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế [Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế] (International Buddhist Meditation Center [IBMC]) vào năm 1970. Tháng 10 năm 1973, Hòa thượng Thích Thiên Ân mở Đại Học Đông Phương (University of Oriental Studies) để dạy triết học Đông Phương và Phật Học cho các sinh viên Mỹ, theo Giáo Sư Trần Quang Thuận trong “Phật Giáo Mỹ.” Theo Ni Sư Thích Nữ Như Ngọc cho biết rằng HT Thích Thiên Ân cũng đã lập Chùa A Di Đà vào năm 1976 tại thành phố Los Angeles và ngài cũng là vị trú trì của ngôi chùa Ni đầu tiên tại Mỹ này cho đến khi viên tịch vào năm 1980. HT Thích Mãn Giác đã kế vị trú trì Chùa A Di Đà cho đến năm 1992 thì cho dời chùa về thành phố Westminster và giao cho Ni Sư Thích Nữ Như Ngọc làm trú trì.
Trong số những người Việt tị nạn đầu tiên đến Mỹ ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có các vị Tăng Ni Phật Giáo Việt Nam, gồm Hòa Thượng Thích Thanh Cát, HT. Thích Thanh Đạm, Hòa Thượng Bồ Đề, Hòa Thượng Tường Vân, Ni sư Thích Nữ Như Chánh.
Tại miền Bắc California, trong năm 1976, HT Thích Thanh Cát đã lập Chùa Giác Minh tại thành phố Palo Alto. Đây có lẽ là ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên được tạo dựng tại miền Bắc California. Vào năm 1977, Chùa Kim Quang được một số Phật Tử thành lập tại thành phố Sacramento dưới sự lãnh đạo tinh thần của HT Thích Tịnh Từ. Những ngôi chùa được xây dựng vào đầu thập niên 1980s, gồm Chùa Đức Viên của Sư Bà Đàm Lựu tại thành phố San Jose được lập vào năm 1980, Pháp Duyên Tịnh Xá của HT Thích Giác Lượng tại thành phố San Jose được lập vào năm 1982, Chùa Diệu Quang của Sư Bà Thích Nữ Diệu Từ tại thành phố Sacramento được lập vào năm 1982, và Tu Viện Kim Sơn của HT Thích Tịnh Từ tại thành phố Watsonville được lập vào năm 1983.
Tại miền Nam California, Chùa Vĩnh Nghiêm được HT Thích Minh Thông thành lập vào năm 1976 tại thành phố Pomona. Tuy nhiên, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên được tạo dựng ngay giữa trung tâm cộng đồng người Việt tị nạn tại thành phố Santa Ana là Chùa Trúc Lâm Yên Tử vào đầu năm 1978. Theo HT Thích Minh Nguyện,(8) Chùa này cho đến nay đã trải qua 4 đời trú trì: HT Thích Lương Sơn, HT Thích Tường Vân, HT Thích Trí Viên, và HT Thích Minh Nguyện (từ năm 1986 đến nay 2025). Kế đến là Tổ Đình Tịnh Xá Minh Đăng Quang do HT Thích Giác Nhiên thành lập vào năm 1978 tại thành phố Westsminster. Nằm ở cực Nam của tiểu bang California là thành phố San Diego có Chùa Vạn Hạnh được HT Thích Trí Chơn thành lập vào năm 1978. Những ngôi chùa được thành lập vào năm 1982 gồm: Chùa Huệ Quang của HT Thích Minh Mẫn tại thành phố Santa Ana, Tu Viện Hoa Nghiêm của HT Thích Pháp Tánh tại thành phố Santa Ana, Chùa Dược Sư của Sư Bà Thích Nữ Như Hòa tại thành phố Garden Grove.
Ngoài ra, vào năm 2000, Thiền Sư Nhất Hạnh cùng Tăng thân Làng Mai thành lập Tu Viện Lộc Uyển (Deer Park Monastery) ở Thành Phố Escondido Nam California, nơi mà Thiền Sư Nhất Hạnh cùng Tăng thân Làng Mai ươm mầm cho sự thực tập chánh niệm trên đất Mỹ, tiếp nối dòng chảy của tuệ giác và từ bi trong đời sống hiện đại. Theo Wikipedia, “Tu Viện Lộc Uyển là một tu viện Phật giáo rộng 400 mẫu Anh (1,6 km²) tọa lạc tại Escondido, California. Tu viện được thành lập vào tháng 7 năm 2000 bởi Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, cùng với chư Tăng, Ni và các cư sĩ thuộc Truyền thống Làng Mai. Tu viện hoạt động dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Dòng Tu Tiếp Hiện, trong truyền thống Thiền tông Việt Nam.” (9)
Trên đây chúng tôi chỉ nêu ra một số chùa được thành lập trong những năm đầu định cư của cộng đồng PGVN tại hai miền Nam và Bắc California. Trong những năm sau này còn có rất nhiều chùa được thành lập mà chúng tôi không thể nêu ra hết trong bài viết ngắn này.
Ngoài việc xây dựng cơ sở và kiến tạo các ngôi chùa để làm nơi tu học và hành đạo, chư tôn đức Tăng, Ni thuộc thế hệ thứ nhất định cư tại Mỹ đã thành lập các tổ chức giáo hội để cùng nhau phối hợp trong công tác Phật sự hoằng dương Chánh Pháp, duy trì và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại xứ người.
Về tổ chức, thì Hội Ái Hữu Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ do HT Thích Thiên Ân thành lập vào năm 1976 tại thành phố Los Angeles là sớm nhất. Tổ chức này sau đó đã đổi thành Hội Liên Hữu Phật giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ (Vietnamese Buddhist Fellowship in the United States). Vào tháng 12 năm 1978, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (Vietnamese United Buddhist Church) ra đời mà HT Thích Thiên Ân là Chủ Tịch Hội Đồng Lãnh Đạo, HT. Thích Mãn Giác làm chủ tịch Hội Đồng Điều Hành, và GS Trần Quang Thuận làm Tổng Thư Ký, theo GS Trần Quang Thuận trong “Phật Giáo Mỹ.” Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới (International Sangha Bhikshu Buddhist Association) được thành lập vào năm 1978 do Hòa Thượng Thích Giác Nhiên làm Pháp Chủ. Trong thập niên 1980s, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Unified Buddhist Church of Vietnam) được thành lập, với sự lãnh đạo của quý HT Thích Đức Niệm, HT Thích Trí Chơn, v.v… Năm 1983 để điều hợp Phật sự tại hải ngoại, Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại (Leadership Council of the Unified Vietnamese Buddhist Church Overseas) ra đời, với chư vị Hòa Thượng là những vị Giáo Phẩm cao cấp của GHPGVNTN trong nước đi tị nạn như HT Thích Tâm Châu, HT Thích Tắc Phước, HT Thích Mãn Giác, HT Thích Thiền Định, HT Thích Hộ Giác, HT Thích Huyền Vi, v.v… Năm 1984, HT Thích Tâm Châu thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới (Vietnamese World Buddhist Order). Giáo Hội Phật Giáo Liên Tông Tại Hoa Kỳ (Inter-Sect Buddhist Church in the United States) ra đời vào năm 1991 với sự lãnh đạo của HT Thích Thanh Cát, HT Thích Chơn Thành, v.v…
Tháng 9 năm 1991, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN từ trong nước đã gửi Tâm Thư kêu gọi chư tôn đức Tăng, Ni tại hải ngoại hãy vì tiền đồ của GHPGVNTN trong và ngoài nước mà gác bỏ mọi dị biệt để cùng nhau ngồi lại trong tinh thần tương thuận, tương kính, tương giáo, tương sám như Luật dạy thành lập GHPGVNTN Hải Ngoại. Đáp lời kêu gọi của Tâm Thư của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, chư tôn đức Tăng, Ni tại Hoa Kỳ đã vận động và tổ chức Đại Hội Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 1992 tại thành phố San Jose, miền Bắc California. GHPGVNTNHN/Hoa Kỳ do HT Thích Hộ Giác lãnh đạo Hội Đồng Điều Hành, HT Thích Đức Niệm lãnh đạo Hội Đồng Đại Diện mà sau này đổi thành Hội Đồng Giáo Phẩm, HT Thích Thiện Trì lãnh đạo Hội Đồng Giám Luật, và HT Thích Phước Thuận lãnh đạo Hội Đồng Giám Sát.
Đến năm 2008 thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (Vietnamese American United Buddhist Congregation) ra đời do HT Thích Trí Chơn lãnh đạo Hội Đồng Điều Hành và HT Thích Thắng Hoan lãnh đạo Hội Đồng Giám Phẩm. Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại (The Overseas Vietnamese Unified Buddhist Sangha) được ra đời vào năm 2014 do HT Thích Viên Lý làm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành, v.v…
Ngoài ra còn có các Hội Phật Giáo tại các địa phương, các tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, các tổ chức Cư Sĩ Phật Tử, các đạo tràng từng Chùa trên toàn tiểu bang California. Chẳng hạn, Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ (The General Association Of Vietnamese Buddhist Laypersons) do cư sĩ Quảng Phước Huỳnh Tấn Lê thành lập vào đầu thập niên 1990s, Hội Cư Sĩ Orange County do cư sĩ Nguyên Lượng thành lập, Hội Phật Học Đuốc Tuệ do cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả thành lập vào năm 2003, v.v…

III/ Tu Học và Hoằng Pháp
Tu học và hoằng pháp là tâm nguyện chí cốt của mọi người con Phật, xuất gia và tại gia. Nếu không học và tu theo giới luật và giáo pháp mà Đức Phật đã dạy thì không phải là người Phật tử thật sự. Đã tự thân chứng nghiệm được sự mầu nhiệm của Phật Pháp trong việc chữa lành bệnh khổ cho thân tâm mình mà không đem diệu dược ấy lưu bố trong nhân gian để cứu khổ cho muôn loài thì cũng không xứng danh là đệ tử của đấng Lưỡng Túc Tôn.
Tu có thể thực hành ngay trong đời sống tại gia của người cư sĩ. Tất nhiên, để trở thành một người Phật tử tại gia đúng nghĩa thì điều thiết yếu là phải quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và thọ lãnh năm giới (ngũ giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu). Ngoài việc quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới, người Phật tử tại gia còn phải học giáo pháp mà Đức Phật đã dạy hiện được kết tập và phiên dịch trong Tam Tạng Giáo Điển Phật Giáo (Kinh, Luật và Luận). Quy y Tam Bảo để phát khởi chánh tín. Giữ gìn năm giới để kiểm thúc ba nghiệp (thân, khẩu, ý) không suy nghĩ, nói và làm điều bất thiện. Học Phật Pháp để phát huy trí tuệ hầu có thể xóa tan bóng tối vô minh trong tâm thức và giác ngộ nguồn cội của các pháp.
Tu cũng có thể thực hiện trong đời sống xuất gia của một tu sĩ. Đời sống xuất gia sẽ giúp cho người tu không vướng bận những việc gia đình thế gian và có thể tập trung toàn lực vào việc tu tập để đạt được giải thoát ngay trong đời này. Xuất gia không phải chỉ khoác lên mình y phục của nhà tu là đủ. Xuất gia đòi hỏi phải trải qua quá trình học tập và hướng dẫn bởi một vị thầy có đủ giới hạnh và trí tuệ. Từ vị thầy này mà người xuất gia ban đầu có thể được phép thọ trì giới luật để chính thức trở thành người xuất gia trong phẩm vị sa-di (lãnh thọ 10 giới) và sau đó là tỳ-kheo (lãnh thọ 250 giới với người nam và 348 giới với người nữ theo truyền thống Bắc truyền). Người chưa thọ trì Tỳ-kheo giới thì cho dù mặc y phục của tu sĩ vẫn chưa phải là thành viên của Tăng già theo truyền thống mà Đức Phật đã thiết lập. Ngoài thọ trì giới luật, người xuất gia còn phải học Kinh, Luật và Luận sâu rộng để tự mình ứng dụng vào việc tu tập hàng ngày và có thể giảng dạy và hướng dẫn cho người khác cùng tu học Phật Pháp.
Trong cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ nói chung và tại tiểu bang California nói riêng, số người phát tâm xuất gia vẫn còn rất ít ỏi, đặc biệt đối với giới trẻ được sinh ra và trưởng thành ở Mỹ mà có túc duyên xuất gia thì lại càng hiếm hoi hơn. Những vị Tăng, Ni có đệ tử thuộc giới trẻ xuất gia ở Mỹ thì không nhiều. Trước năm 2000 tình trạng ít người trẻ xuất gia để kế thừa sự nghiệp “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” của chư tôn đức Tăng, Ni thuộc thế hệ tị nạn thứ nhất là mối lo tâm huyết. Nhưng từ năm 2000 trở về sau này, phong trào bảo lãnh Tăng, Ni trẻ từ Việt Nam sang Mỹ định cư ngày càng phổ biến thì mối lo không có người kế thừa đã dần giảm nhẹ.
Dù là ít, nhưng một khi chư Tăng, Ni đã nhận đệ tử xuất gia thì việc hướng dẫn tu học và cho họ thọ lãnh giới luật, hay tổ chức các giới đàn truyền trao giới luật, là điều ắt phải có.
-Theo Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát kể lại trong chuyến thăm Chùa Việt Nam tại Los Angeles vào năm 2013 rằng vào năm 1974 Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã mở Giới Đàn truyền giới cho những vị đệ tử xuất gia và tại gia là người Mỹ của ngài. Trong Giới Đàn này có 6 giới tử thọ Cụ Túc Giới và 2 giới tử thọ Sa-di Giới, mà vị dẫn thỉnh là Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Đây là Giới Đàn truyền giới đầu tiên tại California mà cũng là tại Mỹ do một vị Hòa Thượng người Việt Nam (HT Thích Thiên Ân) truyền giới theo truyền thống Tăng Già Việt Nam.
– Tháng 8 năm 1976, nhân phái đoàn chư Ni của Phật Quang Sơn ở Đài Loan đến Los Angeles để tìm chỗ lập chùa, HT Thích Thiên Ân đã thỉnh họ truyền giới Tỳ-kheo-ni cho nữ tu Karuna Dharma (Thích Nữ Ân Từ). Vì vậy, Tỳ-kheo-ni Karuna Dharma là vị nữ tu người Mỹ được thọ Cụ Túc Giới theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ.(10)
-Theo tài liệu “Đại Giới Đàn Thiện Hòa (Hoa Kỳ)” của Kiêm Đạt,(11) từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 9 năm 1983, Đại Giới Đàn Thiện Hòa được tổ chức tại Phật Học Viện Quốc Tế, North Hills, California, Hoa Kỳ. Đây là Đại Giới Đàn quy mô được tổ chức lần đầu tiên kể từ khi người Việt tị nạn đến Mỹ năm 1975. Trong Đại Giới Đàn này có 3 vị thọ Cụ Túc Giới, 11 vị thọ Sa-di Giới, 1 vị thọ Thức-xoa-ma-na Giới, và 27 vị thọ Bồ Tát Giới. Thành phần Thập Sư gồm: HT Thích Huyền Vi (Đàn Đầu Hòa Thượng), HT Thích Thiền Định (Yết-ma A-xà-lê), TT Thích Đức Niệm (Giáo Thọ A-xà-lê), TT Thích Thiện Thanh (Đệ Nhất Tôn Chứng), TT Thích Thắng Hoan (Đệ Nhị Tôn Chứng), TT Thích Minh Tâm (Đệ Tam Tôn Chứng), TT Thích Trí Chơn (Đệ Tứ Tôn Chứng), TT Thích Nguyên Đạt (Đệ Ngũ Tôn Chứng), TT Thích Thiện Trì (Đệ Lục Tôn Chứng), và TT Thích Bảo Lạc (Đệ Thất Tôn Chứng). Chứng Minh Đại Giới Đàn là HT Thích Mãn Giác.
-Năm 1985, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức Giới Đàn Đại Nguyện tại Chùa Kim Quang, Sacramento, California. Trong Giới Đàn này có 6 giới tử thọ Cụ Túc Giới và 2 giới tử thọ Sa-di Giới.
– Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế (International Buddhist Meditation Center) do HT Thích Thiên Ân sáng lập 1970 đã tổ chức 2 giới đàn. Lần thứ nhất vào năm 1994, do Tỳ-kheo-ni Karuna Dharma, Trú Trì Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế tại Los Angeles tổ chức. Truyền giới Tỳ-kheo do HT Havanpola Ratanasara làm Đàn Đầu Hòa Thượng và truyền giới Tỳ-kheo-ni do Sư Bà Thích Nữ Ân Từ làm Đàn Đầu Hòa Thượng Ni, với nhiều vị Tăng, Ni người Á Châu được thỉnh vào hàng thập sư. Lần thứ hai vào năm 2004 do Sư Bà Thích Nữ Ân Từ tổ chức và cung thỉnh HT Thích Mãn Giác làm Đàn Đầu Hòa Thượng truyền Tỳ-kheo Giới và Sư Bà Thích Nữ Ân Từ làm Đàn Đầu Hòa Thượng Ni. Trong hàng thập sư gồm chư Tăng, Ni trong 3 truyền thống Phật Giáo: Nguyên Thủy, Đại Thừa và Kim Cang Thừa. Trong đó có chư Ni Việt Nam như Sư Bà Thích Nữ Diệu Từ, Ni Sư Thích Nữ Như Ngọc, Ni Sư Thích Nữ Tiến Liên.(12)
Khi Đức Phật còn tại thế Ngài đã dạy chư Tăng, Ni thường xuyên tụ họp trong thanh tịnh và hòa hợp để đọc tụng Giới Luật đã thọ lãnh và đồng thời cũng là dịp để tự phát lồ sám hối hoặc để nghe các vị tỳ-kheo chỉ cho những lỗi lầm mà mình đã phạm. Những thời tụng Giới này được gọi là Bố-tát (uposatha). Truyền thống này đã được chư Tăng, Ni duy trì từ thời Phật cho đến nay.
Chư Tăng, Ni tại miền Bắc California đã thực hiện lễ bố-tát hàng tháng từ hơn 30 năm nay và vẫn còn tiếp tục. Chư Tăng, Ni tại miền Nam California mà cụ thể là vùng San Diego cũng đã tổ chức lễ bố-tát hàng tháng từ nhiều năm nay.
Cũng trong mục đích duy trì truyền thống cao đẹp An Cư Kiết Hạ có từ thời Phật đến nay, chư Tăng, Ni ở miền Bắc California trong nhiều năm qua đã tổ chức Chương Trình An Cư Tập Trung trong 3 tháng hạ theo truyền thống quy tụ trên 120 Tăng, Ni và luân phiên qua các chùa trong vùng. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK) cũng đã tổ chức các khóa An Cư tập trung 10 ngày tại hai miền Nam Bắc California trong nhiều năm qua quy tụ trên dưới 200 Tăng, Ni.
Trong tinh thần hướng dẫn Phật tử tu học, hầu hết các chùa đều tổ chức các khóa tu Bát Quan Trai hàng tháng hay các khóa tu học vào các dịp lễ đặc biệt hàng năm. Ngoài ra còn có các thời khóa tụng và giảng Kinh hàng tuần tại các chùa để giúp Phật tử thâm nhập lời dạy của Đức Phật và làm tư lương cho hành trình tu tập.
Từ năm 2011 đến nay, GHPGVNTNHK đã tổ chức các Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ hàng năm tại California và các tiểu bang khác với số người tham dự có khi lên tới năm, bảy trăm Tăng, Ni và Phật tử. Khóa Tu Học này kéo dài trong 4 ngày với các chương trình thính Pháp, ngồi thiền, tụng Kinh, kinh hành, niệm Phật dành cho người lớn và trẻ em.
Ngoài các chương trình tu học dành cho Tăng, Ni và Phật tử nói trên, Cộng Đồng Phật Giáo Bắc California còn tổ chức các Đại Lễ Phật Đản chung, mà khởi đầu là Đại Lễ Phật Đản năm 1991 tại Independence High School ở thành phố San Jose. Tại Miền Nam California, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ từ năm 1993 và sau này từ năm 2009 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ đã tổ chức Đại Lễ Phật Đản chung hàng năm để tôn xưng ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ra đời trong đại nguyện cứu khổ chúng sinh và cũng để giới thiệu nền văn hóa Phật Giáo Việt Nam đến cộng đồng người Mỹ . Các buổi Lễ Phật Đản này thường quy tụ hàng ngàn người tham dự.
Một trong những điều kiện cần thiết để mở rộng công cuộc hoằng dương Chánh Pháp là xây dựng đội ngũ giảng sư đoàn gồm chư tôn đức Tăng, Ni có khả năng diễn giảng Phật Pháp và hướng dẫn quần chúng Phật tử tu học. Đây chính là lý do dẫn đến việc thành lập Giảng Sư Đoàn Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại trong cuộc họp vào tối ngày 2 tháng 9 năm 1983 nhân dịp chư Tăng, Ni từ các châu lục về dự Đại Giới Đàn Thiện Hòa. Cuộc họp được diễn ra tại Chùa Phật Tổ, thành phố Long Beach, miền Nam California, Hoa Kỳ, theo Kiêm Đạt (1983).
Cuộc họp nói trên đã thành lập Ban Điều Hành của Giảng Sư Đoàn Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại gồm: TT Thích Đức Niệm và TT Thích Thiện Thanh (Hoa Kỳ), TT Thích Minh Tâm (Âu Châu), TT Thích Bảo Lạc (Úc Châu), TT Thích Tịnh Hạnh (Á Châu), và TT Thích Thiện Nghị (Canada). Trụ sở tạm đặt tại Chùa Phật Tổ, Long Beach, California.
Nằm trong đường hướng hoằng pháp, tại Tu Viện Kim Sơn, sau khi Thiền sư Nhất Hạnh đến Mỹ để giảng dạy thiền quán cho Phật tử Việt nam bắt đầu từ năm 1986, mỗi năm đều có 2 khóa tu tập, cho Tăng Ni và cho Phật tử, mỗi khóa 5 ngày. Tinh thần rất cao, kết quả cũng rất lớn, từ đó, phong trào tu tập Chánh Niệm cho tứ chúng, đặc biệt là giới trẻ, khởi sắc qua gần 40 năm. Tu Viện Lộc Uyển được thành lập năm 2000, sau những kết quả này. Ngoài ra, chư Tăng, Ni tại miền Bắc California đã tổ chức Khóa Tu Học và Đào Tạo Nhân Sự Hoằng Pháp từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10 năm 1994 tại Tu Viện Kim Sơn, với sự tham dự của 53 Phật tử.
Để mở rộng công tác hoằng pháp tại hải ngoại trong thời đại văn minh tiến bộ vượt bậc của truyền thông xã hội mà đặc biệt là nhằm mục đích truyền bá giáo lý của Đức Phật đến giới trẻ, HT Thích Tuệ Sỹ đã khuyến tấn chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ xúc tiến việc thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp. Kết quả là Hội Đồng Hoằng Pháp của GHPGVNTN đã ra đời vào tháng 5 năm 2021 và được Viện Tăng Thống GHPGVNTN tán trợ. Thành phần nhân sự điều hành Hội Đồng Hoằng Pháp gồm: HT Thích Tuệ Sỹ làm Cố Vấn Chỉ Đạo, HT Thích Như Điển làm Chánh Thư Ký, HT Thích Nguyên Siêu và HT Thích Bổn Đạt làm Phó Thư Ký, với các Ban Phiên Dịch Trước Tác, Ban Truyền Bá Giáo Lý, Ban Báo Chí và Xuất Bản, và Ban Bảo Trợ. HT Thích Thái Siêu là Trưởng Ban Truyền Bá Giáo Lý của HĐHP kiêm Trưởng Ban Truyền Bá Giáo Lý tại Hoa Kỳ. Sau khi HT Thích Thái Siêu viên tịch vào tháng 3 năm 2022 thì HĐHP đã thỉnh cử HT Thích Nguyên Siêu làm Trưởng Ban Truyền Bá Giáo Lý tại Hoa Kỳ.
Từ ngày thành lập đến nay Hội Đồng Hoằng Pháp (Dharma Propagating Council) đã tổ chức 2 kỳ Đại Hội trên Zoom để công bố các Phật sự đã hoàn thành và đề ra các Phật sự sắp tới. Điều đáng chú ý nhất là trong hơn 3 năm qua, Hội Đồng Hoằng Pháp đã tổ chức hàng chục buổi thuyết giảng Phật Pháp trên internet cũng như các khóa tu học tại các chùa trên toàn cầu. Hội Đồng Hoằng Pháp cũng đã xuất bản hàng chục tác phẩm về Phật học, đặc biệt là bộ Thanh Văn Tạng đã ấn hành 2 đợt gồm 34 cuốn Kinh, Luật và Luận trong công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam của Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương (Central Translation Committee) do Viện Tăng Thống (Sangharaja Institute) GHPGVNTN chủ trương.

IV/ Văn Hóa và Giáo Dục
“Văn hóa là khái niệm bao gồm hành vi xã hội, các thể chế, và những chuẩn mực được phát kiến trong các xã hội loài người, cũng như nhận thức, niềm tin, nghệ thuật, luật pháp, tục lệ, khả năng, thái độ, và thói quen của những cá nhân trong các nhóm này,” theo giáo sư nhân chủng học người Anh Edward Burnett Tylor (1832-1917) định nghĩa trong tác phẩm “Primitive Culture” của ông.(13)
Nói chung, như Từ Điển Cambridge English Dictionary định nghĩa rằng, “Văn hóa là cách sống.”(14) Đó là cách sống mà con người biểu hiện qua các hình thái vật chất và tinh thần. Hay nói khác đi là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật chất như các kiến trúc, các cách ăn uống, các thời trang, v.v… Những thứ này thường không tồn tại lâu dài mà bị bào mòn hay bị hủy diệt theo thời gian. Văn hóa tinh thần như các niềm tin, các triết thuyết, ngôn ngữ, tư tưởng, văn chương, v.v… có thể tồn tại lâu dài với thời gian. Điều dễ thấy nhất là các giáo nghĩa mà Đức Phật đã dạy từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trong khi đó, các kiến trúc Phật Giáo như Tinh Xá Kỳ Hoàn vào thời Phật, hoặc Trung Tâm Luy Lâu tại Việt Nam thì đã bị sụp đổ chỉ còn lại những dấu vết hoang tàn.
Như vậy, duy trì và phát huy văn hóa là cách giữ gìn bản sắc đặc thù của một dân tộc, một tôn giáo, mà trong đó phát huy nền văn hóa tinh thần là điều trọng yếu. Nhìn lại quá trình lịch sử hơn hai ngàn năm của Phật Giáo tại Việt Nam chúng ta sẽ thấy các giáo nghĩa mà Phật dạy như vô thường, khổ, không, vô ngã, niết-bàn tịch diệt, giải thoát, giác ngộ, nhân quả, nghiệp báo đã tồn tại vượt thời gian. Hoặc cụ thể hơn, bài kệ trước khi viên tịch của Thiền Sư Vạn Hạnh (938–1018)(15) vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Chư Tăng, Ni khi định cư tại California đã kiến lập nhiều ngôi chùa để làm nơi hành đạo. Những ngôi chùa này hầu hết đều xây theo kiến trúc các ngôi chùa ở Việt Nam và vì vậy một cách mặc nhiên nó biểu thị bản sắc văn hóa của Phật Giáo Việt Nam qua nghệ thuật kiến trúc tại xứ người. Tương tự như thế, các lễ nghi, các kiểu ăn mặc, các loại thực phẩm mà Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam sử dụng tại Mỹ cũng là nét văn hóa của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam truyền thống.
Nói đến văn hóa thì ắt không thể không nói đến văn học. Sau khi định cư tại California vào cuối thập niên 1970s, nhiều chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử là những nhà thơ, nhà văn, nhà báo đã tiếp tục hoặc khởi sự sáng tác. Trong số những nhà văn và nhà thơ Phật Giáo đó có Thích Thiên Ân (1925-1980), Thích Mãn Giác (thi sĩ Huyền Không, 1929-2006), Thích Duy Lực (1923-2000), Thích Giác Nhiên (bút hiệu Toàn Chân, 1923-2015), Thích Trí Chơn (1933-2011), Thích Thắng Hoan (1928-2024), Thích Đức Niệm (bút hiệu Thiền Đức, 1937-2003), Thích Giác Đức, Thích Giác Lượng (thi sĩ Tuệ Đàm Tử, 1935-2020), Thích Minh Đạt, Thích Tịnh Từ, Thích Tín Nghĩa, Thích Nguyên Siêu, Thích Quảng Thanh (thi sĩ Thanh Trí Cao, 1951-2019), Thích Hạnh Tuấn (1956-2015), Thích Viên Lý, Thích Minh Dung, Thích Nguyên Tâm, Thích Từ Lực, Thích Thiện Long (nhà thơ Hàn Long Ẩn), Thích Chúc Hiền, Thích Nhuận Hùng, Thích Nữ Giới Hương, Thích Nữ Tịnh Quang, Thích Nữ Huệ Trân, v.v…
Các nhà văn, nhà thơ Phật tử tại California gồm Nghiêm Xuân Hồng (1920-2000), Trần Ngọc Ninh, Phạm Công Thiện (1941-2011), Nhã Ca, Đỗ Quý Toàn, Viên Linh (1938-2024), Lê Thái Ất (bút hiệu Duyên Hạc, 1928-2013), Nguyễn Văn Sâm, Trần Quang Thuận (1930-2017), Bùi Ngọc Đường, Hồng Quang, Châu Văn Thọ, Nguyên Trung Ngô Văn Bằng (1941-2023), Đặng Nguyên Phả (1932-2023), Huỳnh Trung Chánh, Đỗ Hữu Tài, Phan Tấn Hải, Thái Tú Hạp, Trần Kiêm Đoàn, Tuệ Nga, Lý Kiến Trúc, Lý Khôi Việt (1951-2008), Nguyễn Hữu Liêm, Vĩnh Hảo, Tâm Diệu, Thiện Phúc, Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021), Nguyễn Hiền Đức (1944-2022), Hoàng Mai Đạt, Như Hùng, Huỳnh Kim Quang, Tô Đăng Khoa, Bạch Xuân Phẻ, Uyên Nguyên, Tâm Nhuận Phúc Doãn Hưng, v.v…
Để cổ võ và tạo môi trường sáng tác trong lãnh vực văn học Phật Giáo, nhiều cuộc thi viết văn và làm thơ đã được tổ chức bởi các chùa hoặc các tổ chức Phật Giáo ở California. Chẳng hạn, Giải Văn Học Phật Giáo Ananda Việt Awards do Hội Phật Học Đuốc Tuệ, Thư Viện Hoa Sen, và Ananda Việt Foundation đồng tổ chức vào năm 2017; Hoặc Cuộc Thi Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp do Chùa Hương Sen tổ chức vào năm 2022 mà người làm Trưởng Ban Tổ Chức cuộc thi là Ni Sư Thích Nữ Giới Hương.

Về mặt báo chí Phật Giáo Việt Nam tại California thì hiện nay chúng tôi có các thông tin một phần dựa vào bộ Văn Học Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Sưu Khảo (16) và phần khác mới sưu tập được. Danh sách các báo được sắp theo mẫu tự a,b,c như sau:
- Bông Sen: Do Lý Khôi Việt chủ trương từ năm 1991 tại California, Hoa Kỳ. Đã đình bản.
- Chánh Đạo: Tuần báo phổ thông do cư sĩ Nguyên Trung chủ trương từ năm 1992 tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Đã đình bản.
- Chánh Pháp: Báo ra mỗi đầu tháng. Số ra mắt vào đầu tháng 5 năm 2009. Mục đích của báo là hoằng pháp, tin tức Phật sự và văn học Phật giáo. Chủ nhiệm: HT Thích Nguyên Trí và hiện nay là HT Thích Nguyên Siêu; Chủ bút: Vĩnh Hảo. Báo mạng internet ở địa chỉ: www.chanhphap.net.
- Chân Nguyên: Tạp chí ra không định kỳ. Số ra mắt vào tháng 10 năm 1985 tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Chủ trương là Thanh Niên Tăng Ni. Đến tháng 5 năm 1990 thì thay đổi với đường hướng là tạp chí văn nghệ và tư tưởng triết học Đông Tây. Chủ Nhiệm là Thích Viên Lý. Chủ bút là Phạm Công Thiện. Tổng Thư ký là Thích Minh Dung. Đã đình bản.
- Chấn Hưng: Tạp chí với chủ trương vận động chấn hưng Tổ chức Phật giáo Việt Nam, xuất bản 2 tháng một số, có mặt vào những năm 1985 đến 1989. Chủ trương là Uỷ ban Vận Động Chấn Hưng Tổ Chức Phật giáo Việt Nam. Người đại diện là Bùi Ngọc Đường. Tòa soạn phát hành tại Nam California, Hoa Kỳ.
- Đặc San Điều Ngự: Ra vào các dịp lễ như Tết, Phật Đản, Vu Lan do HT Thích Viên Lý làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút, tòa soạn đặt tại Chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, Nam California.
- Đất Lành: Tạp chí phát huy Phật Pháp và truyền thống văn hóa Việt Nam. Xuất bản hàng quý. Số ra mắt vào tháng 5 tháng 6 năm 2000. Ban Chủ Trương: Dat Lanh Buddhist Fellowship. Chủ Biên: Tâm Nguyên Khương Nguyễn Tấn Thọ. Địa chỉ tòa soạn đặt tại thành phố Bellflower, California.
- Đuốc Tuệ: Tạp chí bảo vệ và phát huy văn hóa Việt Nam và văn hóa Phật Giáo Việt Nam ra vào đầu mỗi tháng. Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Thích Giác Đức; Tổng Thư Ký: Viên Linh. Trụ sở đặt tại Chùa Việt Nam, Los Angeles, California. Số ra mắt vào dịp Lễ Phật Đản 2520, dương lịch 1976. Đã đình bản. Đây là tờ báo Phật Giáo Việt Nam có mặt sớm nhất tại California.
- Giao Điểm: Chủ trương: Văn hóa, tôn giáo và thời sự. Tạp chí ấn hành hàng quý. Số ra mắt vào cuối năm 1990 tại Miền Nam California. Chủ Nhiệm: Hồng Quang; các Chủ Bút gồm: Tôn Thất Khoát (Chủ Bút số báo đầu tiên), Phan Tấn Hải (Chủ Bút từ số 2 tới số 8), Phan Mạnh Lương (Chủ Bút bắt đầu từ số 9)…(17) Đã đình bản báo giấy.
- Hoa Sen: Do Thích Pháp Châu, Chùa Quan Thế Âm tại California, chủ trương, Hoa Kỳ. Đã đình bản.
- Hương Đạo: Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Thích Tịnh Từ. Số ra mắt vào năm 1977 tại thành phố San Francisco. Đã đình bản.
- Khai Phóng: Tạp chí Văn hóa, chính trị dân tộc, ấn hành vào những năm 1981 đến 1984 tại Nam California, Hoa Kỳ. Thành phần chủ trương và biên tập là những tri thức Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.
- Kim Sơn: Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Thích Tịnh Từ. Số ra mắt vào tháng 7 năm 1984 tại thành phố Morgan Hill, California. Đã đình bản.
- Liên Hoa: Nguyệt san do Ban Biên Tập của Trang nhà điện toán toàn cầu: www.thuvienhoasen.org thực hiện. Hiện ngưng ấn bản báo giấy.
- Long Hoa: Chủ Nhiệm: Thích Thiên Ân; Chủ Bút: Hồng Quang. Số ra mắt vào tháng 5 năm 1976 tại Los Angeles. Đã đình bản.
- Nguồn Sống: Do Thích Giác Lượng Tuệ Đàm Tử làm Chủ nhiệm và Chủ bút, ấn hành tại California, Hoa Kỳ, bắt đầu từ năm 1986. Đã đình bản.
- Pháp Duyên: Do Thích Giác Lượng Tuệ Đàm Tử chủ trương, ấn hành mỗi quý tại California, Hoa Kỳ, từ năm 1984. Đã đình bản.
- Phật Giáo Hải Ngoại: Tạp chí ấn hành vào các dịp lễ lớn của Phật giáo như Xuân, Phật Đản, Vu Lan do GHPGVNTNHN-HK chủ trương. Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm làm Chủ Nhiệm. Cư sĩ Quảng Thành làm Chủ Bút. Cư sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo làm Tổng Thư Ký. Ấn hành từ năm 1994 đến năm 2000, tại California, Hoa Kỳ.
- Phật Giáo Thống Nhứt: Tập san ấn hành theo những kỳ đại lễ của Phật giáo do tổ chức GHPGVNTN tại Hoa Kỳ thực hiện từ năm 1988 đến năm 1993.
- Phật Giáo Việt Nam: Tạp chí phát hành hàng tháng. Số ra mắt vào tháng 5 năm 1978. Theo Ban Chủ Trương đây là tiếng nói của Phật giáo Việt Nam tại Hải Ngoại. Cố Chủ nhiệm: Thích Thiên Ân. Chủ nhiệm: Thích Mãn Giác. Chủ bút: Châu Văn Thọ. Địa chỉ tòa soạn đặt tại Chùa Việt Nam, Los Angeles, California. Đã đình bản.
- Phật Học: Tập san ấn hành theo những kỳ đại lễ của Phật giáo do Hòa Thượng Thích Đức Niệm và Hòa Thượng Thích Trí Chơn chủ trương. Ấn hành từ năm 1985 đến 1988 tại California, Hoa Kỳ.
- Phật Học Viện Quốc Tế: Tập san ấn hành theo những kỳ đại lễ của Phật giáo do Hòa Thượng Thích Đức Niệm chủ trương. Ấn hành từ năm 1980 đến 1984 tại California, Hoa Kỳ.
- Phật Việt: Tập san nghiên cứu Phật Học do Trung Tâm Phát Huy Văn Hóa Phật giáo Hải Ngoại ấn hành. Thành phần Ban Biên Tập gồm: Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký: Thích Nguyên Siêu, Chủ bút (trong nước): Thích Tuệ Sỹ, Chủ bút (hải ngoại): Phạm Công Thiện. Số ra mắt vào tháng 2 năm 2004. Trụ sở đặt tại Chùa Phật Đà, San Diego, California, Hoa Kỳ. Sau một thời gian vắng mặt Phật Việt đã tái bản bộ mới Tập San Phật Việt, số ra mắt vào mùa Phật Đản 2021. Thành phần Chứng minh: Hòa Thượng Thích Thắng Hoan và Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ; Chủ nhiệm: Hòa Thượng Thích Như Điển; Chủ bút: Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu; Phụ tá chủ bút: HT. Thích Từ Lực, TT. Thích Nguyên Tạng, TT. Thích Hạnh Viên; Ban Biên Tập: Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Tâm Quang Vĩnh Hảo, Thị Nghĩa Trần Trung Đạo, Nguyên Đạo Văn Công Tuấn; Thư ký Tòa soạn: Tâm Thường Định và Nguyên Không; Kỹ thuật: Nhuận Pháp và Uyên Nguyên. Phát hành tại Hoa Kỳ cho đến này đã được 5 số.
- Phương Trời Cao Rộng: Tạp chí văn học Phật giáo, ấn hành hằng tháng do nhà văn Vĩnh Hảo làm Chủ nhiệm và Chủ bút. Số ra mắt vào tháng 6 năm 2006. Đã đình bản.
- Sen Trắng: Tiếng nói chung của Anh Chị Em Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Chủ Trương: “Đây là nơi chúng ta cùng nhau phản ánh nội dung Phật học, giữ gìn và phát huy truyền thống, cũng như lan tỏa tình Lam đến mọi nơi.” Tâm Quảng Nhuận làm trị sự. Hiện chỉ có online: https://sentrangusa.com.
- Tập San Nghiên Cứu Phật Học. Chủ nhiệm/chủ bút: Thích Như Minh. Số ra mắt vào mùa thu năm 2008 tại California. Đã đình bản.
- Thư Viện Phật Việt: Nơi lưu trữ, giới thiệu những tài liệu quý, các thể loại Kinh, Luật, Luận của Phật Giáo, cũng như những tài liệu nghiên cứu Phật học và kinh nghiệm dung hoá, thực hành chánh pháp đến với mọi người, nhất là giới trẻ. Huynh trưởng Tâm Thường Định chủ xướng và huynh trưởng Nhuận Pháp và Quảng Pháp đồng hành. Trang mạng xã hội (Facebook) https://www.facebook.com/thuvienphatviet đã ra đời vào ngày 06.02.2018 và trang nhà (website) https://thuvienphatviet.com chính thức ra mắt vào ngày 12.02.2021. Thành phần Ban Biên tập hiện nay gồm có: Cư sĩ Tâm Thường Định, Cư sĩ Nguyên Không, Cư sĩ Nguyên Túc. Ban Kỹ thuật: Lotus Media Group và Hoa Đàm Group.
- Tinh Tấn Magazine. Tạp chí độc lập do một nhóm cư sĩ thực hiện tại Nam California, in giấy màu, mỗi số một chủ đề, phát hành số đầu tiên năm 2018 và gởi đến quí Phật tử khắp nước Mỹ, đình bản báo giấy sau khi ra số thứ 6 năm 2021-22, vẫn tiếp tục trên online https://tinhtan.org.
- Tổng Hội Cư Sĩ PGVN Tại Hoa Kỳ: Tập san do Tổng Hội Cư Sĩ Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chủ trương, ấn hành vào những dịp lễ lớn của Phật giáo. Đã đình bản.
- Trúc Lâm: Tạp chí ấn hành vào những dịp lễ lớn của Phật giáo. Chủ trương kiêm Chủ Bút: Thích Quảng Thanh. Trụ sở đặt tại Chùa Bảo Quang, thành phố Santa Ana, California. Đã đình bản.
- Viên Thông: Phổ biến giáo lý Phật giáo và văn hóa Việt Nam. Chùa Viên Thông, thành phố Bellflower, California, ấn hành 2 tháng một số. Chủ trương: Thích Thông Niệm. Đã đình bản.

Việc xuất bản sách báo trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại California hiện nay không nhiều như trước đây. Bây giờ đa phần sách được phát hành trên mạng qua các nhà phát hành lớn như Amazon. Sau khi HT Thích Đức Niệm viên tịch vào năm 2003, nhà xuất bản kinh sách Phật Học Viện Quốc Tế cũng đã ngừng hoạt động. Trước đó PHV Quốc Tế là nơi phát hành kinh sách Phật Giáo khá phổ biến trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói chung và tại California nói riêng. Ngày nay trong cộng đồng PGVN tại California, ngoài việc ấn hành kinh sách và báo chí do các chùa thực hiện, còn có các nhà xuất bản như Lotus Media, Thư Viện Hoa Sen, Hội Đồng Hoằng Pháp, v.v…
Về giáo dục, các ngôi chùa của cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ ngoài vai trò là nơi bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại đây, còn có chức năng là những trung tâm giáo dục quần chúng và giới trẻ về Phật Pháp và tiếng Việt.
Dạy tiếng Việt cho giới trẻ trong cộng đồng người Việt là cách hữu hiệu nhất để truyền bá Phật Pháp và nền văn hóa đặc thù của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam cho thế hệ con em. Chính vì vậy, các ngôi chùa và tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Nam và Bắc California đã tổ chức các lớp học Việt ngữ hàng tuần trong suốt 50 năm qua, trong đó có đơn vị Gia đình Phật tử Kim Quang trong suốt 47 năm qua, hiện nay có 11 lớp Việt Ngữ. Có nhiều ngôi chùa mở trường dạy tiếng Việt như Trung Tâm Việt Ngữ Hùng Vương (18) tại Chùa Bảo Quang, Santa Ana; Trường Việt Ngữ An Lạc (19) tại Tu Viện An Lạc, Ventura, California; Trường Việt Ngữ An Lạc (20) tại Chùa An Lạc, San Jose, California; Trường Việt Ngữ Đức Viên tại Chùa Đức Viên, San Jose, California, là ngôi trường đầu tiên tại San Jose dạy tiếng Việt cho giới trẻ người Việt. Ngày nay, Trường này có tới 500 em học sinh, gồm 12 lớp, 60 giáo viên dạy tiếng Việt vào mỗi Chủ Nhật;(21) Pháp Vương Academy tại Tu Viện Pháp Vương, Escondido, San Diego là nơi không những dạy tiếng Việt cho các em mà còn giúp các em làm bài tập ở nhà và nhiều sinh hoạt bổ ích cho kiến thức và thể lực khác(22); v.v…
Thực hiện việc giáo dục ở cấp bậc cao hơn và chuyên môn hơn thì có HT Thích Thiên Ân, người đã mở Trung Tâm Thiền Phật Giáo Quốc Tế (International Buddhist Meditation Center – IBMC) vào năm 1970 tại thành phố Los Angeles và vào năm 1973 thì mở Trường Đại Học Đông Phương (University of Oriental Studies) cũng tại thành phố Los Angeles. Các cơ sở giáo dục Phật Giáo này đã dạy Thiền và triết học Đông Phương cho người Mỹ vì lúc đó chưa có người Việt tị nạn định cư ở Mỹ.
Trong lãnh vực giáo dục và đào tạo Tăng tài thì có HT Thích Đức Niệm, người đã thành lập Phật Học Viện Quốc Tế tại thành phố North Hills, California, Hoa Kỳ vào năm 1979. Tại đây HT Thích Đức Niệm đã đào tạo được nhiều vị đệ tử xuất gia Tăng và Ni mà hiện đang góp phần hoằng pháp tại Hoa Kỳ.

V/ Sinh Hoạt Của Tổ Chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam
Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) là tổ chức giáo dục tuổi trẻ theo tinh thần Phật Giáo do cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập vào thập niên 1940s tại Việt Nam. Trải qua hơn 80 năm tồn tại và phát triển, GĐPTVN hiện nay đã có mặt trên khắp thế giới theo bước chân của người Việt tị nạn từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Theo Huynh Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu (1938-2004),(23) GĐPTVN đã chính thức có mặt tại Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1976 với 2 đơn vị GĐPT tự phát. Đó là GĐPT Giác Hoàng do các Huynh Trưởng Phúc Thiện Ngũ Duy Thành và Thiện Thanh Ðặng Ðình Khiết thành lập tại Chùa Giác Hoàng, Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn; và GĐPT Cựu Kim Sơn do Huynh Trưởng Thuyền Vị Nguyễn Thị Ngà thành lập tại Chùa Từ Quang, thành phố San Francisco. Cũng theo Huynh Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu thì tính đến mùa hè năm 2000 tại Hoa Kỳ có hơn 60 đơn vị GĐPTVN sinh hoạt hàng tuần. Mỗi đơn vị có trung bình 100 đoàn sinh và một số đơn vị có số đoàn sinh lên tới 300, 400. Như vậy tổng số đoàn sinh GĐPTVN tại Mỹ lúc đó (năm 2000) là từ 6,000 tới 6,500. Đến năm 1983 Đại Hội Huynh Trưởng đầu tiên được thực hiện tại Chùa Pháp Quang, tiểu bang Texas để kết hợp sinh hoạt chung của GĐPTVN tại Hoa Kỳ, theo anh Thu cho biết.
Theo Huynh Trưởng Nguyên Túc Nguyễn Sung,(24) thì có sự sút giảm số lượng huynh trưởng và đoàn sinh GĐPTVN tại Hoa Kỳ trong vòng 22 năm, từ năm 1994 đến 2016. Cụ thể là vào năm 1994 tại Mỹ có tất cả gần 80 đơn vị với khoảng 6,500 huynh trưởng và đoàn sinh, nhưng đến năm 2016 thì chỉ còn 41 đơn vị và khoảng 3,113 huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT. Cũng theo Nguyên Túc, năm 2016, tại Hoa Kỳ có ít nhất 4 Ban Hướng Dẫn cấp quốc gia và thành phần lãnh đạo BHD ở độ tuổi trung bình 50 tuổi.
Về các sinh hoạt đáng chú ý của tổ chức GĐPTVN, theo Huynh Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu, tại miền Nam California tính đến năm 2000 có hơn 10 Trung Tâm Việt Ngữ của GĐPTVN để dạy tiếng Việt cho các đoàn sinh; các đội múa lân giúp vui trong các ngày lễ của Phật Giáo và các lễ hội trong cộng đồng người Việt tị nạn như Tết, Trung Thu; đoàn vũ của GĐPT Long Hoa tại Chùa Việt Nam ở Los Angeles dẫn đầu về loại vũ dân tộc; GĐPT Chánh Pháp tại Chùa Dược Sư ở thành phố Garden Grove đã sáng tác và trình diễn các tuồng cải lương như Phật Thành Đạo, Quan Âm Diệu Thiện, Lưu Bình Dương Lễ vào thập niên 1990s, trong lúc cộng đồng người Việt tị nạn còn chưa phục hồi bộ môn ca nhạc này; GĐPTVN cũng tham gia sinh hoạt cộng đồng với các đoàn thể trẻ khác. Trên thực tế, hầu như tất cả các đơn vị GĐPT tại Hoa Kỳ nói chung và tại California nói riêng đều có chương trình dạy tiếng Việt, có đoàn lân và các sinh hoạt giúp ích cộng đồng. Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng tháng của Ngành Thiếu của GĐPT có chương trình thăm viếng các cụ trong các Viện Dưỡng Lão hay phát cơm cho người vô gia cư ở các công viên trong tinh thần “đem Đạo vào Đời” để thể hiện lòng từ bi của người Phật tử và giúp các em hiểu thêm giáo lý nhà Phật trong khi làm việc.

VI/ Năm Mươi Năm Nhìn Lại Để Đi Tới…
Với hai bàn tay trắng khi mới đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ cách nay tròn 50 năm, cộng đồng Phật Giáo Việt Nam, gồm Tăng, Ni và Phật tử các giới, đã xây dựng được cơ đồ vững chắc cho Phật Giáo Việt Nam trên vùng đất hứa này. Khi nhìn lại những thành tựu trong nửa thế kỷ qua của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ, chúng ta có thể học được bài học kinh nghiệm trong quá khứ để có dự phóng cho tương lai.
1/Giữ Đạo và phát triển Đạo: Đất nước Hoa Kỳ xưa nay chịu ảnh hưởng sâu đậm tín điều và giáo điều của các tôn giáo hữu thần mà tiêu biểu là Thiên Chúa Giáo, gồm các giáo phái Tin Lành và Thiên Chúa Giáo La Mã. Trách nhiệm thiêng liêng của chư Tăng, Ni và giới cư sĩ tri thức Phật Giáo là làm sao bảo vệ niềm tin Tam Bảo đối với quần chúng người Việt tị nạn giữa một xã hội mà đi đâu cũng chỉ thấy nhà thờ và Thánh giá. Dù sứ mệnh này của cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở California không phải hoàn toàn thành công một trăm phần trăm, ít ra cũng đã có thể giữ vững và mở rộng niềm tin Phật Giáo trong cộng đồng người Việt tị nạn.
Làm được điều đó chính là nhờ vào nỗ lực phi thường của chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử các giới trong việc xây dựng chùa chiền, kiến lập đạo tràng ở khắp mọi nơi có người Việt tị nạn cư ngụ. Tại vùng Little Saigon, nơi thủ đô của người Việt tịn nạn Cộng Sản, hình ảnh ngôi chùa có mặt khắp nơi và những ông bà cụ già chỉ cần ra trạm xe buýt trước nhà là có thể đi đến chùa bất cứ ngày nào. Bởi vậy, đừng thấy chùa “mọc lên như nấm” rồi than phiền mà nên biết rằng nhờ chùa có mặt khắp nơi nên cộng đồng người Việt tị nạn mới giữ được Đạo và phát triển Đạo Phật Việt Nam trong lòng xã hội phương Tây.
Tuy nhiên, việc mỗi Tăng, Ni tự mình ra xây dựng một ngôi chùa và sinh hoạt theo cách riêng sẽ không tránh khỏi tình trạng rời rạc, mạnh ai nấy làm, và không có sự kết hợp trong các Phật sự chung để tạo sức mạnh cho cộng đồng Phật Giáo địa phương. Nếu tình hình rời rạc này kéo dài quá lâu sẽ dẫn tới tình trạng không nên có trong cộng đồng Tăng Già cũng như cộng đồng Phật Giáo nói chung: chia rẽ, phân hóa và làm mất tinh thần thanh tịnh và hòa hợp.
Để thoát khỏi tình trạng bất lợi nói trên, chúng tôi thiết nghĩ có 2 cách có thể áp dụng được. Xin mở ngoặc ở đây để nhấn mạnh rằng 2 cách này không phải là mới mẻ gì vì từ trước tới giờ đã và đang được thực hiện trên toàn quốc Hoa Kỳ hay tại các địa phương, nhưng vẫn còn chưa vận dụng được triệt để sức mạnh vốn có của cộng đồng Phật Giáo Việt Nam:
a/ Thực hiện đúng theo tinh thần giới luật mà Đức Phật đã thiết lập: Tổ chức bố-tát hàng tháng và an cư tập thể hàng năm. Đây là phương thức nền tảng nhất để xây dựng và phát huy tinh thần thanh tịnh và hòa hợp Tăng Già kể từ thời Đức Phật đến nay. Việc bố-tát và an cư sẽ tạo ra nhiều lợi lạc. Chẳng hạn, đó là cơ hội để tập thể Tăng Già ngồi lại với nhau trong tinh thần lục hòa và sách tấn, giúp đỡ lẫn nhau trên con đường tu tập và hành đạo; đây cũng là cơ hội để tập thể Tăng Già tạo sự hiểu biết và cảm thông nhau rồi đi đến sự bàn bạc và thống nhất các Phật sự cần thiết tại địa phương; đây thực sự là cơ hội để tập thể Tăng Già và qua đó là cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại địa phương tránh được tình trạng chia rẽ, phân hóa và chống đối nhau. Có thể lúc đầu không quy tụ hết được chư Tăng, Ni tại các chùa trong khu vực, nhưng lần hồi do ảnh hưởng thực sự của tinh thần thanh tịnh và hòa hợp Tăng Già sẽ lôi kéo được các Tăng, Ni chưa tham gia sẽ tham gia.
b/ Từ tinh thần thanh tịnh và hòa hợp Tăng Già qua việc tổ chức bố-tát và an cư như đã nói ở trên sẽ đưa tới việc chư Tăng, Ni và Phật tử tại một khu vực, có thể là trong một thành phố hay nhiều thành phố trong một quận, cùng nhau tổ chức các khóa tu học Phật Pháp hay các buổi lễ chung vào các dịp Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, v.v… Thực hiện những buổi lễ chung với sự tham dự của tất cả mọi thành phần công chúng như vậy không những là cách hữu hiệu để tạo sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng người Việt tị nạn mà còn có thể giới thiệu đến người Mỹ gồm tất cả các sắc dân biết được nét đặc thù của truyền thống văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.

2/Bảo tồn và phát huy văn hóa: Chùa là nơi không phải chỉ để hành trì Phật Pháp mà còn là nơi để duy trì và phát huy nền văn hóa đặc thù của người Việt qua nhiều lãnh vực. Chẳng hạn, chùa là nơi duy trì các lễ hội lớn của người Việt như Tết Nguyên Đán, Rằm Tháng Giêng, Rằm Tháng Bảy hay Lễ Vu Lan Báo Hiếu. Không có chùa thì những lễ hội truyền thống này sẽ bị mai một. Chùa còn là nơi giúp cộng đồng người Việt xa quê cảm nhận được sự ấm áp và thân yêu của tình đồng bào, đồng hương, đồng đạo để không cảm thấy bị cô đơn, lạc lõng giữa nền văn hóa phương Tây xa lạ! Còn nữa, khi một ngôi chùa được dựng lên trong một thành phố hay trong một thị trấn nhỏ nào đó ở Mỹ thì đó là cách để giới thiệu với người Mỹ vể Đạo Phật Việt Nam trên bình diện văn hóa qua kiến trúc để cho họ làm quen và lần hồi sẽ được cảm hóa.
Hình ảnh ngôi chùa và các lễ hội công cộng chỉ đóng góp phần nào đó vào công cuộc bảo tồn văn hóa đặc thù của Phật Giáo Việt Nam tại xứ người. Một phần đóng góp quan trọng khác để bảo tồn và vinh danh văn hóa Phật Giáo Việt Nam trong xã hội Mỹ là chúng ta phải mang văn hóa Phật Giáo Việt Nam vào lòng của nền văn hóa phương Tây, hay văn hóa Mỹ. Muốn làm được việc này thì chúng ta phải có đội ngũ Tăng, Ni và cư sĩ thông thạo tiếng Anh để thuyết giảng Phật Pháp và viết sách phổ biến trong thị trường sách báo ở Mỹ. Xin nhớ rằng ảnh hưởng to lớn của Thiền Sư Nhất Hạnh trong giới tri thức và người Mỹ chính yếu là nhờ các tác phẩm Anh ngữ mang nội hàm Phật Pháp của Thiền Sư được nằm trong danh sách best seller books. Ảnh hưởng khác của Thiền Sư Nhất Hạnh vào xã hội Tây phương là pháp môn chánh niệm, mà đã và đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới trong nhiều lãnh vực sinh hoạt để giúp giảm căng thẳng, sống an lạc.
Muốn cho người Mỹ cảm thấy thích thú đối với văn hóa Phật Giáo Việt Nam thì chúng ta phải có sản phẩm đặc biệt để giới thiệu cho họ. Người Mỹ là dân tộc thực dụng, bởi vậy khi làm điều gì đó họ đều nghĩ đến thành quả thấy được của nó. Thiền chánh niệm mang lại kết quả mà người Mỹ có thể thấy được liền: giảm căng thẳng, bớt khổ đau, sống hạnh phúc. Nhưng Phật Giáo Việt Nam có sản phẩm văn hóa gì đặc sắc để làm cho người Mỹ thích thú? Đây là vấn đề cần được chư Tăng, Ni và cư sĩ Phật Giáo Việt Nam nghiêm túc suy xét, nghiên cứu và giải đáp. Nơi đây, chúng tôi xin mạo muội nêu ra một suy nghĩ thô thiển của mình.
Pháp môn phổ biến nhất của Phật Giáo Việt Nam là tụng kinh. Hầu như mọi ngôi chùa đều có thời tụng kinh Tịnh Độ vào buổi tối, thời tụng Kinh Lăng Nghiêm và Thập Chú vào buổi khuya, các thời tụng Kinh cầu an, cầu siêu, v.v… Đây có thể nói là một trong những bản sắc văn hóa của Phật Giáo Việt Nam. Nhưng đã nửa thế kỷ qua tại sao người Mỹ vẫn chưa cảm thấy thích thú với phương pháp tụng kinh này, dù họ đã từng hơn một lần tham dự vào một thời tụng kinh nào đó? Câu trả lời không khó lắm: vì người Mỹ chưa thấy hiệu quả tức thì của việc tụng kinh.
Câu hỏi theo sau là liệu việc tụng kinh có mang lại lợi ích thấy được chăng? Câu trả lời là có. Tụng kinh bao hàm thiền chánh niệm, nếu thiền chánh niệm mang lại hiệu quả có thể thấy được thì tụng kinh đương nhiên mang lại lợi ích có thể thấy được. Hơn nữa, tụng kinh không những bao hàm thiền chánh niệm mà còn bao gồm pháp môn tu Giới, Định và Tuệ. Khi tụng kinh thân ngồi yên một chỗ, miệng tụng đọc lời kinh, ý suy tư ý nghĩa của kinh tức là kiểm thúc ba nghiệp thân, khẩu và ý thì đó chính là Giới. Khi tụng kinh tâm tập trung vào lời kinh không để tạp niệm khởi lên thì đó là Định. Khi tụng kinh để tâm tư duy ý nghĩa lời kinh sẽ thâm nhập vào lời Phật dạy để mở tâm và trí thì đó là Tuệ. Vấn đề là xưa nay Thầy Tổ trong Phật Giáo Việt Nam không để tâm vào việc quảng bá lợi ích của việc tụng kinh nên không giải thích kỹ cách tụng kinh thế nào. Trong nghi thức tụng kinh cũng cần để ý đến tư thế ngồi của thân thể, cách thở ra vào như thế nào, cách phát âm ra sao để giúp cho tâm được thanh tịnh, cách đánh chuông, mõ, khánh, đẩu như thế nào để tạo âm thanh hòa điệu làm cho người nghe dễ lắng tâm, cách suy nghiệm lời kinh làm sao để thâm nhập vào ý chỉ của Phật. Làm đúng được những cách này thì một thời tụng kinh nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ sẽ tức thì có hiệu quả cụ thể cho người trì tụng.
Còn một việc nữa, mỗi thời tụng kinh theo truyền thống thiền môn Việt Nam đều kéo dài cả tiếng đồng hồ hay lâu hơn nữa. Đối với người Mỹ và giới trẻ thì điều này sẽ là một trở ngại để họ có thể tham dự trọn vẹn một thời kinh trong tinh thần an lạc. Cho nên, chư tôn đức Tăng, Ni cần điều chỉnh thời lượng các khóa trì tụng kinh chú để cho người Mỹ và giới trẻ cảm thấy thoải mái tham dự.
Đến đây thì trách nhiệm của Phật Giáo Việt Nam là phải giảng giải và hướng dẫn cho Phật tử Việt cũng như người Mỹ hiểu và thực hành đúng cách tụng kinh như thế nào để họ cảm nhận được hiệu quả tức thì sau mỗi thời tụng kinh. Đó là một trong nhiều cách giới thiệu nền văn hóa đặc thù của Phật Giáo Việt Nam cho người Mỹ.

3/Dạy tiếng Việt: Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng của mình để diễn đạt qua lời nói hay viết xuống thành chữ. Ngôn ngữ là phương tiện hữu hiệu để phát huy và bảo tồn nền văn hóa của một dân tộc. Đánh mất ngôn ngữ của riêng mình thì dân tộc đó tự đánh mất nền văn hóa quý báu của họ. Chính vì vậy giữ gìn tiếng Việt là việc vô cùng hệ trọng đối với mọi người Việt tị nạn sống trong một đất nước không phải là quê cha đất mẹ của mình.
Đối với thế hệ tị nạn đầu tiên định cư ở Mỹ thì tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ cho nên không cần phải học. Nhưng đối với các thế hệ con em là những người đến Mỹ lúc còn thơ ấu và những người được sinh ra và lớn lên ở Mỹ thì việc học tiếng Việt là quan trọng trong mục đích bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam. Vì vậy, song song với việc đào tạo đội ngũ thông thạo tiếng Anh để truyền bá Phật Pháp tại Mỹ, cộng đồng Phật Giáo Việt Nam không thể lơ là với việc dạy tiếng Việt cho thế hệ con em.
Đây không phải là điều mới lạ, bởi vì trong nửa thế kỷ qua cộng đồng người Việt tị nạn nói chung và cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ nói riêng cũng đã nỗ lực không ngừng nghỉ việc dạy tiếng Việt cho thế hệ kế thừa. Công tác này đã mang lại các thành quả rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và nhiều nỗ lực phải thực hiện hơn nữa. Chúng tôi xin nêu ra vài điều như sau:
a/ Đừng sợ con em dở tiếng Anh: Các bậc cha mẹ người Việt hay lo lắng rằng nếu nói tiếng Việt với con em của mình nhiều quá sẽ làm cho chúng dở tiếng Anh. Thực tế là trẻ em dù có nói tiếng Việt toàn thời gian ở nhà vẫn giỏi tiếng Anh không thua kém bạn bè ở trường. Các nghiên cứu cho thấy các trẻ em biết nhiều ngôn ngữ thì sẽ làm cho chúng thông minh và học giỏi hơn. Trong tài liệu hướng dẫn các câu hỏi về việc trẻ em biết nhiều thứ tiếng có lợi hay hại “Young Children Learning Multiple Languages: Parent FAQs,”(25) cho biết rằng hơn 20% trẻ em tại Mỹ sử dụng một thứ tiếng khác với tiếng Anh tại nhà. Tài liệu cũng cho biết trẻ em biết nhiều thứ tiếng thì giữ được mối quan hệ chặt chẽ với gia đình, với nền văn hóa và cộng đồng hơn. Đồng thời các em biết nhiều thứ tiếng cũng cải thiện được sự giao tiếp, giỏi văn chương và toán.
b/ Vai trò của cha mẹ và gia đình: Muốn con em giỏi tiếng Việt thì cha mẹ và người thân trong gia đình phải đóng vai trò quan trọng trong việc luôn nói và dạy tiếng Việt cho chúng. Muốn làm được điều này thành công thì cần phải làm ngay từ khi con em của chúng ta vừa mới lọt lòng và bắt đầu tập nói. Đây chính là thời điểm rất tốt để tạo cho con em chúng ta cảm thấy nói và nghe tiếng Việt là tự nhiên. Tiếp theo, cha mẹ và người thân phải chủ động tạo môi trường nói, nghe, đọc và viết tiếng Việt cho con em của mình. Chẳng hạn, từ khi con cái mình còn nhỏ thì hãy tập cho chúng thói quen không những nghe và nói tiếng Việt mà còn đọc và viết tiếng Việt nữa. Bằng cách nào? Mỗi ngày cha mẹ đọc chuyện cổ tích thiếu nhi cho con cái mình nghe. Hướng dẫn cách đọc chữ Việt cho con cái và khuyến khích chúng đọc các chuyện cổ tích. Nếu cần khi chúng đọc được một chuyện, cha mẹ có thể thưởng tiền để chúng vui vẻ đọc tiếp. Khi con cái đã biết cách đọc và viết tiếng Việt, cha mẹ có thể nhờ con cái đánh máy một cuốn sánh mỏng nào đó, chẳng hạn cuốn truyện cổ Phật Giáo, và cho tiền thù lao đánh máy cho chúng.
Nói tóm lại, gia đình có thể biến thành trường học tiếng Việt đầu đời và cơ bản cho con cái của mình rồi sau đó mới tới trường học. Ở California nhiều trường học bậc tiểu học và trung học trong các khu vực có đông người Việt cư ngụ đã có chương trình dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai tùy chọn để giúp học sinh Việt Nam có cơ hội chính thức học tiếng Việt. Hơn nữa, từ lâu trong cộng đồng người Việt tị nạn tại California và nhiều tiểu bang khác đã có các lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho con em.

4/ Đọc sách và sáng tác: Đọc sách và sáng tác là nhu cầu để duy trì và phát triển nền văn hóa mà chủ yếu là lãnh vực văn học. Không đọc thì sẽ không có chất liệu và động cơ để sáng tác. Nhưng một hiện tượng đáng lo ngại về tình hình đọc sách tại Hoa Kỳ mà đã được nữ ký giả người Mỹ Natalia Mesa ghi nhận vào đầu năm 2025 rằng do ảnh hưởng bởi thời đại kỹ thuật số, bởi khối lượng thông tin khổng lồ đã làm cho người Mỹ ngày nay đọc ít sách hơn 30 năm trước.(26) Ký giả này còn cho biết thêm rằng trung bình một người Mỹ chỉ dành khoảng 26 phút để đọc sách mỗi ngày, trong khi họ lên internet và xem truyền hình tới 3 giờ mỗi ngày. Điều đáng chú ý khác là họ chỉ dành 55 giây để đọc một bài viết.
Với khuynh hướng đọc ít và nhanh như vậy sẽ làm cho người đọc không thể lặn sâu vào nội dung của bài viết và do đó cũng làm cạn dần nguồn tư duy và sáng tạo. Chắc chắn điều này sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao trong lãnh vực văn hóa, tư tưởng và văn học. Chẳng hạn, khi có ít người đọc thì sẽ có ít người viết. Tương tự như vậy, khi chỉ thích đọc nhanh thì sẽ làm cho con người chỉ muốn viết thật ngắn như viết email vài hàng hay viết text vài chữ, v.v… Kết quả là những truyện dài, những cuốn tiểu thuyết dài, những bài khảo luận dài sẽ có ít người đọc. Khi độc giả càng ít thì sẽ làm cho người viết mất dần cảm hứng sáng tác. Cuối cùng là nguy cơ bế tắc của một nền văn học mà trong đó có nền văn học Việt Nam và văn học Phật Giáo Việt Nam.
Chính vì vậy, chư tôn đức Tăng, Ni và các nhà tri thức Phật Giáo, đặc biệt chư vị trú trì các ngôi chùa cần đặc biệt quan tâm đến việc tạo điều kiện và khuyến khích giới trẻ đọc sách và sáng tác. Lập thư viện tại các chùa và khuyến khích mọi người đọc sách, tổ chức các buổi đọc sách và giới thiệu sách, thi viết văn và làm thơ, v.v… là những cách có thể thực hiện được trong khả năng của một ngôi chùa. Ngoài ra, để giải quyết nan đề đọc ít và nhanh, chúng ta có thể thực hiện các video clips có hình ảnh sống động bao gồm nội dung Phật Pháp hay các chuyện tích Phật Giáo ngắn gọn chừng năm bảy phút để đưa lên internet để mọi người có thể xem nhanh mà không cần phải đọc.
5/ Nuôi Dưỡng Gia Đình Phật Tử Việt Nam: Tương lai của một dân tộc hay của bất cứ một tổ chức nào đều trông cậy vào giới trẻ. Phật Giáo cũng không ngoại lệ. Tương lai của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ nói chung và tại California nói riêng nằm trong tay giới trẻ mà đại biểu là Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Đây là tổ chức chính thống mang sứ mệnh giáo dục thanh, thiếu, đồng niên trở thành những người Phật tử có tín tâm kiên cố đối với Tam Bảo và là những viên gạch bền chắc góp phần đưa Phật Pháp vào từng gia đình và toàn xã hội.
Điều đáng quan tâm là khi du nhập vào thế giới Tây phương với nền văn hóa và ngôn ngữ khác biệt, tổ chức GĐPTVN không thể tránh khỏi những chướng duyên trong việc duy trì và phát triển. Chúng tôi biết rằng công tác giáo dục tuổi trẻ của GĐPTVN tại Mỹ không dễ dàng chút nào cả, mà những khó khăn dễ thấy là hoàn cảnh sống của các bậc cha mẹ, các huynh trưởng GĐPT phải làm việc vất vả suốt tuần để nuôi con hoặc phụ giúp gia đình, việc ngôn ngữ bất đồng, việc các em bận rộn học hành hay bị lôi cuốn vào các trò chơi giải trí, các nhóm bạn bè không sinh hoạt GĐPT, v.v…
Khi nhìn thấy giới trẻ, mà cụ thể là GĐPTVN là chiếc chìa khóa để mở cửa vào ngôi nhà tương lai của Phật Giáo Việt Nam, chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử các giới cần hết lòng hỗ trợ và tạo thuận duyên để hình thành và phát triển các đơn vị GĐPTVN tại địa phương. Để nuôi dạy giới trẻ, nhất là trẻ vị thành niên, chúng ta nên hiểu biết về sự phát triển tâm sinh lý của tuổi trẻ để có thể hỗ trợ một cách hữu hiệu thay vì tạo ra những điểu phản tác dụng. Chẳng hạn, trẻ em thì thường đùa giỡn, phá phách, nghịch ngợm, cho nên người lớn phải biết khoan dung và nhẫn nại để tìm cách giáo dục làm cho chúng được cảm hóa bởi lòng từ bi và yêu thương hơn là trừng phạt và xua đuổi.
Từ đó chúng ta thấy rằng để có thể dạy dỗ và hướng dẫn cho các đoàn sinh trẻ tuổi, các huynh trưởng GĐPT cần phải được huấn luyện đầy đủ hoặc ít nhất cũng phải đáp ứng một số nhu cần tối thiểu về khả năng đối với giáo lý, kỹ năng, tâm lý và đạo đức. Đây không những là điều kiện để có thể thành toàn trách nhiệm giáo dục tuổi trẻ mà còn là yếu tố then chốt để tạo uy tín cho tổ chức GĐPTVN trong mục đích chiêu cảm và mở rộng nhiều hơn nữa số lượng tuổi trẻ tham gia sinh hoạt. Để làm điều đó, GĐPTVN cần quan tâm và nỗ lực nhiểu hơn nữa vào việc tăng cường chất lượng và hiệu năng đào tạo các cấp huynh trưởng qua những khóa huấn luyện từ dưới lên trên.
Một yếu tố không kém phần quan trọng để giúp việc giáo dục tuổi trẻ của GĐPTVN tại Mỹ thành công là phần đóng góp của các phụ huynh. Sinh hoạt trong đoàn đội của GĐPT chỉ diễn ra trong vài ba giờ mỗi cuối tuần tại chùa, trong khi thời gian rất dài còn lại các em sống ở nhà và gần gũi suốt ngày với cha mẹ. Nếu các bậc phụ huynh tận tâm tận lực tiếp tay cho GĐPT trong việc giáo dục con em thì kết quả sẽ khả quan hơn rất nhiều. Vậy thì cha mẹ có thể giúp được gì? Trước hết, cha mẹ hãy làm gương cho con cái về việc làm tròn tư cách của một người Phật tử bằng cách giữ gìn đúng 5 giới mà mình đã thọ lãnh: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu. Thứ đến, cha mẹ thường xuyên thăm hỏi con em về việc học hành và sinh hoạt trong GĐPT ra sao. Thứ nữa, cha mẹ đừng bao giờ quên đưa con đến chùa vào mỗi cuối tuần để sinh hoạt GĐPT. Sau cùng, cha mẹ cần trao đổi thường xuyên với các huynh trưởng GĐPT có trách nhiệm hướng dẫn cho con cái của mình để tìm hiểu việc sinh hoạt của con cái và đồng thời để tham khảo cách giúp con em cải thiện khả năng học tập và cá tình tốt hơn.
VII/ Kết Luận
Sau nửa thế kỷ nhìn lại Phật Giáo Việt Nam tại tiểu bang California chúng ta không khỏi hoan hỷ và khích lệ trước những thành tựu quý báu mà chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử các giới đã nỗ lực không ngừng để thực hiện trong giai đoạn đầu của cuộc sống lưu cư trên xứ người. Ngày nay ở những nơi có cộng đồng người Việt tị nạn cư ngụ trên khắp tiểu bang California, chúng ta đều thấy hình bóng những ngôi chùa, thiền viện, tu viện, tịnh xá trang nghiêm hiện hữu. Những chốn Già-lam phạm vũ ấy là thành trì giữ Đạo, là nơi quay về nương tựa của bà con đồng hương người Việt có niềm tin Tam Bảo sống kiếp tha hương, là nơi bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.
Tất cả đó đều là công lao khó nhọc của chư tôn đức Tăng, Ni và đồng bào Phật tử thuộc thế hệ tị nạn đầu tiên đến Tiểu Bang Vàng này. Họ đã hoàn thành xuất sắc việc xây dựng nền tảng cơ bản cho Phật Giáo Việt Nam tồn tại và phát triển lâu dài về sau.
Nhìn về tương lai, chúng ta thấy có ba việc quan trọng cần làm để Phật Giáo Việt Nam được tiếp tục phát triển: Một là tiếp tục công cuộc giữ gìn Đạo Pháp trong cộng đồng người Việt như đã làm từ trước tới nay. Hai là hướng mục tiêu truyền bá Phật Pháp cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ nói chung và tại California nói riêng. Ba là hướng đến đối tượng là người Mỹ để quảng bá Chánh Pháp.
Với mục đích thứ nhất, chúng ta cần nhận thức rằng cộng đồng người Việt định cư tại California là lực lượng quần chúng căn bản mà Phật Giáo Việt Nam phải nhắm tới để giữ Đạo. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục các công tác Phật sự như xây dựng tín tâm, hướng dẫn tu học Phật Pháp, duy trì các truyền thống giá trị về đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng và tự do dân chủ, và góp phần trong việc phát triển cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Với mục đích thứ hai, chúng ta cần tập trung hơn nữa việc giáo dục tuổi trẻ người Việt bằng tiếng Việt và tiếng Anh thông qua các phương tiện khoa học hiện đại hầu đáp ứng đúng nhu cầu và sở thích của giới trẻ để thế hệ con em của chúng ta hiểu và giữ được nguồn cội giống nòi và truyền thống văn hóa của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.
Với mục đích thứ ba, chúng ta cần ý thức rằng công tác truyền bá Phật Pháp trong nửa thế kỷ qua của Phật Giáo Việt Nam vẫn chưa thực sự nhắm đến các cộng đồng người Mỹ, ngoại trừ sự cố gắng rất đáng tán dương của một số Tăng, Ni Việt Nam tại một số chùa và đặc biệt là nỗ lực phi thường của Thiền Sư Nhất Hạnh đã thu hút được đông đảo giới trí thức Mỹ và phương Tây theo Đạo Phật. Nhưng để Phật Giáo Việt Nam tồn tại lâu dài trong xã hội Mỹ, chúng ta cần có những phương thức truyền bá Phật Pháp thích hợp với tư duy và nếp sống của người Mỹ. Để làm được điều này chúng ta cần có một kế hoạch được điều nghiên kỹ lưỡng và một đội ngũ nhân sự thông thạo tiếng Anh để đảm nhận vai trò của những sứ giả Như Lai.
Thành tâm cầu nguyện cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn tại Hoa Kỳ và tiểu bang California.

Ghi chú:
(1) Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_Americans
(2) Jeanne Batalova, “Vietnamese Immigrants in the United States,” ngày 10 tháng 10 năm 2023, www.migrationpolicy.org: “Người Việt Nam ly hương sống tại Hoa Kỳ có tổng cộng gần 2.4 triệu người gồm những người sinh tại Việt Nam hay có tổ tiên hay chủng tộc là người Việt Nam, theo thống kê năm 2021 của American Community Survey (ACS).”
(3) Besheer Mohamed and Michael Rotolo, “Religion Among Asian Americans,” Ngày 11 tháng 10 năm 2023, Pew Research Center.
(4) Gary Laderman và Luis D. León, “Religion and American cultures,” 2003.
(5) Charles S. Prebish, “Buddhism—the American Experience,” 2003.
(6) “Vietnamese Buddhists Come to United States – Timeline Event,” The Association of Religion Data Archives (ARDA), https://sandbox.thearda.com.
(7) Trần Quang Thuận, “Phật Giáo Mỹ,” Tập I, Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo, California, Hoa Kỳ, 2000.
(8) Bình Sa, “Chùa Trúc Lâm Yên Tử, Ngôi Chùa Đầu Tiên Của Người Việt Tỵ Nạn Tại Quận Cam,” www.vietbao.com.
(9) Xem Deer Park Monastery https://en.wikipedia.org/wiki/Deer_Park_Monastery.
(10) Xem “The I.B.M.C. Grand Ordination was held on December 11, 2004 in the Korea town section of Los Angeles California,” www.urbandharma.org.
(11) Kiêm Đạt, “Đại Giới Đàn Thiện Hòa (Hoa Kỳ),” 1983, www.quangduc.com.
(12) Xem chú thích 9.
(13) Edward Tylor, “Primitive Culture,” Vol 1, New York, 1871.
(14) Mời xem: https://dictionary.cambridge.org/us/dictionary/english/culture.
(15) Lê Mạnh Thát, “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” tập 2. Bài kệ như sau:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Giáo Sư Lê Mạnh Thát dịch:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu não nùng
Theo vận thịnh suy không hãi sợ
Thịnh suy đầu cỏ tợ phơi sương.
(16) Văn Học Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại Sưu Khảo, California, Hoa Kỳ, 2010 – https://www.vinhhao.info.
(17) Hạ Long, “Những Bức Phá Của Một Chặng Đường Mười Năm,” www.giaodiemonline.com.
(18) Nguyễn Ngân, “Trung Tâm Hùng Vương Bế Giảng Khóa Học Việt Ngữ,” www.vietbao.com.
(19) Xem: https://www.venturabuddhistcenter.org/vi/truongvietnguanlac
(20) Xem: https://www.chuaanlacsj.org/school
(21) Trường Việt Ngữ Đức Viên — https://www.chuaducvien.com/gioi-thieu-vndv
(22) Xem: https://hoavouu.com/p50a49101/mot-ngay-thu-bay-voi-pva
(23) Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu [2000], “Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ,” https://sentrangusa.com.
(24) Nguyên Túc Nguyễn Sung, “GĐPTVN Tại Hoa Kỳ Nên Có Một Định Hướng Và Hành Hoạt Như Thế Nào…,” www.hoangphap.org.
(25) “Young Children Learning Multiple Languages: Parent FAQs,” https://www.healthychildren.org.
(26) Natalia Mesa, “Is there a ‘right’ way to read?” www.nationalgeographic.com.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.