Câu chuyện về hòa bình

*Đọc 3 phút*

Bài GIÁC LỘC TỲ KHEO

Thế giới đang có những cuộc chiến tranh gây ra những cảnh chết người, cảnh người di tản và nhiều hệ lụy cho cả thế giới trong hiện tại và tương lai. Nếu có một nhân vật đủ khả năng đem lại hòa bình cho toàn thế giới thì người đó sẽ tạo được phước lành lớn trong lịch sử nhân loại. Nhưng người như vậy phải có đức tính gì? Phải có đường lối gì?

Ví như có bậc cao nhân nào đó thần thông phi thường. Người này muốn đem lại hòa bình cho thế giới. Ai không muốn chấm dứt chiến tranh thì bậc cao nhân sẽ biến họ thành đá. Như vậy hòa bình sẽ đến rất nhanh. Nhưng không được lâu dài. Bởi vì cái gì làm người ta sợ mà không làm cho người ta hiểu biết, thông cảm lẫn nhau thì nó tụ nhanh mà cũng tan nhanh.

Một bậc chân tu Tây Tạng đạt đến thần thông lực có thể biến đá thành vàng và kim cương. Nhưng 100 năm sau vàng và kim cương đó sẽ trở thành đá như trước. Bậc chân tu này từ bỏ loại thần thông đó vì nghĩ rằng nếu đem lại hạnh phúc cho người hiện tại nhưng đem đau khổ cho người 100 năm sau, việc này không nên làm.

Trong dịp kỷ niệm lần thứ 40 của Liên Hiệp Quốc vào năm 1985, Jiddu Krishnamurti được mời đến nhận huy chương hòa bình của Liện Hiệp Quốc. Trong dịp này Krishnamurti có bài nói chuyện về hòa bình thế giới. Giữa lúc những người trong tổ chức Liên Hiệp Quốc này căng não để giải quyết nhiều cuộc chiến đang diễn ra thì đề tài đưa ra rất hấp dẫn. Krishnamurti nói như thế nào về hòa bình?

Krishnamurti cho biết: Nhân loại đang sống dựa vào tư tưởng, kiến thức mà tư tưởng, kiến thức thì bị giới hạn bên trong bộ não. Hoạt động của não thuộc về ký ức (trí nhớ) và ký ức tạo ra tư tưởng, kiến thức và cũng tạo ra thù hận, chiến tranh. Cho nên kiến thức của nhân loại mà dựa vào bộ não rất giới hạn. Dùng kiến thức giới hạn để đem lại hòa bình thế giới thì không thể được.

Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã không thể đem lại hòa bình thế giới sau 40 năm và tương lai cũng như vậy nếu không thay đổi từ bên trong. Bởi vì con người dù có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng đều ở trong vòng giới hạn của tư tưởng, kiến thức mà những thứ này luôn luôn đem lại xung đột. Đi giải quyết những xung đột mà vốn bắt nguồn từ bên trong thì không thể nào dập tắt được.

Phải có tình thương mới đem lại hòa bình, mà tình thương không phải là tư tưởng, kiến thức hạn hẹp thuộc về thời gian. Muốn có tình thương này, người ta phải vượt lên trên cái tư tưởng giới hạn trong thời gian và phải hiểu chính mình, hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng ý nghĩ mà không qua phân tích, phán xét. Khi hiểu chính mình đến mức độ không còn có sự phân chia giữa mình và người, không còn có sự ham muốn, xung đột bên trong, khi đó sẽ có tình thương và sẽ có hòa bình nơi chính mình. Đem tình thương này áp dụng ra bên ngoài thì mới hy vọng có hòa bình.

Buổi nói chuyện của Krishnamurti tại Liên Hiệp Quốc vào năm 1985, lúc đó ông đã 90 tuổi và năm sau 1986 ông mất tại Ojai, California. Nội dung sẽ khó hiểu đối với một số người. Nhưng có điểm quý vị nên đặc biệt lưu ý là ký ức thuộc thời gian cho nên không nhìn xa được. Hiểu rõ chính mình sẽ vượt lên trên ký ức và sẽ có tình thương thật sự. Ở đây niệm trong Tứ Niệm Xứ là cách để hiểu rõ chính mình. Một người có thực hành niệm đúng đắn sẽ mở ra con đường vượt lên cái nhìn của ký ức.

(Nguồn: Giác Lộc Tỳ Kheo/ Facebook)

(Photo: Min An/ Pexels)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *