Bài HOÀNG MAI ĐẠT
Nắng tỏa hơi ấm xuống bãi cát, một buổi sáng trễ chớm xuân. Âm ấm, nhưng cũng có lúc chúng tôi phải rùng mình vì gió biển còn khí lạnh của ngày cuối đông, cảm thấy lành lạnh dù mặc tới ba lớp áo. Tuổi tác chăng? Ngồi trên dải cát cao, chúng tôi yên lặng theo dõi những đợt sóng. Dưới bãi, ba đứa trẻ đang chơi trò rượt bắt với sóng, chúng chỉ mặc quần ngắn, phô bày làn da trắng nỏn tươi hồng của người tây phương, nô đùa vang một góc biển dưới nắng ấm. Dăm ba người lớn đứng cười nói, làm dáng chụp hình cạnh đám trẻ con.
Một buổi sáng trễ giữa tuần, chúng tôi quyết định xuống bãi Sunset Beach chỉ cách phố Bolsa chừng hai-mươi phút lái xe. Có lẽ cũng đã một năm nay chúng tôi mới trở lại đây, bãi biển gần nhất mà vợ chồng có thể xuống để có chừng một giờ rời xa những sầu não của đời thường, của kiếp người. Ngày trước tôi luôn bận ưu tư chuyện thế sự vì công việc trong khu phố vốn thường náo động, mải lo lắng chuyện gia đình bởi bổn phận với người thân. Đôi lúc được ngồi trên bãi cát cao nhìn ra khơi là một hạnh phúc hiếm quý cho vợ chồng, dù trong yên lặng, và phút chốc rồi tan nhanh như bọt trắng ở cuối đợt sóng.
Cách nơi vợ chồng ngồi chừng mười thước là một phụ nữ trẻ, cỡ tuổi con gái chúng tôi, đang chăm sóc một em bé mới biết đi. Hai mẹ con ngồi trên tấm trải màu cát, tương hợp với màu xám quần áo và vài món đồ của hai người. Có lúc hai mẹ con rời tấm trải, em bé chạy lẫm đẫm phía trước hướng xuống sóng biển, mẹ rảo bước theo sau chờ dịp bắt con về. Tôi nhớ đến mẹ tôi. Bà mới mất cách đây bốn tháng.
Ngày cha tôi chết trận ở Tuy Hòa, mẹ từng buồn bã nhìn thằng con bốn tuổi trong lúc bế đứa bé hai tuổi. Bà than khổ, “Tao làm sao nuôi hai đứa bây đây?”
Tôi ái ngại nhìn mẹ, nói an ủi, “Con sẽ đi học, con sẽ đi làm, con sẽ giúp má, con sẽ nuôi em, má đừng lo.”
Bà nhìn tôi như không tin lời hứa của đứa bé gầy yếu, thường mang bệnh tật, lại không lanh lợi như mấy đứa trẻ khác. Nhưng tôi đã giữ lời, trải qua những năm dài tăm tối sống ở chợ, bươn chải ở xứ người, lo cho em cho đến ngày em lìa đời, khi đó đã là một người đàn ông đang quá tuổi trung niên mà lại nặng chứng bệnh tâm thần, thường rời xóm mobile home và lang thang hết ngày ngoài đường phố. Em mất, tôi đưa mẹ về nhà sống với vợ chồng dù biết sẽ gặp nhiều phiền não vì tính khí thiếu hòa thuận của mẹ. Nhưng sóng gió rồi cũng qua đi sau những lần nhẫn nhịn, nương tựa vào lời dạy của Đức Thế Tôn.
“Nam mô A Di Đà Phật, má niệm Phật đi!” tôi nhắc mỗi lần bước vào phòng để chăm sóc mẹ trong những tháng cuối đời của bà. Có lúc nghe bà niệm theo, “Nam mô A Di Đà Phật,” tôi liền khen “Giỏi quá nha” như khen một đứa trẻ.
“Nhớ niệm Phật,” tôi nhắc mỗi khi cho mẹ uống sữa, cho bà dùng thuốc hay ngậm kẹo ho, thay đồ cho bà, hoặc lau chùi phòng bị ô uế bởi chất bài tiết từ thân người. Biết mẹ không còn trí nhớ, bị bệnh lẫn đã đến lúc trầm trọng, tôi cố gắng khuyên bà chỉ nhập tâm một câu “Nam mô A Di Đà Phật” để về với Phật khi rời bỏ thân người. Trước khi bà trút hơi thở cuối cùng trong phòng chăm sóc đặc biệt ICU ở bệnh viện UCI Health – Fountain Valley, vợ chồng tôi đã niệm liên tục “Nam mô A Di Đà Phật” cho mẹ. Ban đầu còn có các sư cô trợ niệm, đến ba giờ cuối cùng thì chỉ còn tiếng niệm Phật không ngưng nghỉ của hai vợ chồng.
Tôi đã niệm “Nam mô A Di Đà Phật” khi nhân viên của nhà quàn đẩy chiếc xe chở một túi đen đựng xác rời căn phòng mà trước đó mẹ tôi đã nằm. Tôi niệm trong buổi lễ an táng thanh tịnh của mẹ, niệm khi bấm nút đốt quan tài tại lò hỏa thiêu – cũng với bàn tay từng cầm ly sữa nuôi mẹ, niệm khi ôm hũ tro cốt về chùa nơi bà từng sinh hoạt lúc còn minh mẫn. Và niệm mỗi lần bước qua phòng cũ với cảm xúc còn mạnh mẽ trong mấy tuần đầu.
Người mẹ trẻ bế em bé về lại tấm trải màu cát gần vợ chồng. Tôi gượng đứng dậy, nắm tay vợ cho nàng vịn vào và đứng lên theo. Vợ chồng bước chầm chậm trên cát ẩm hướng về phía mặt trời. Sương mù còn che mờ những ngôi nhà xa xa ở thành phố Huntington Beach. Từng bước chân in nhẹ trên cát còn ướt từ đợt thủy triều đêm. Sóng rút ra khơi, để lại những bãi vỏ sò nối tiếp nhau, uốn cong theo lằn nước. Cả ngàn, cả vạn, mà cũng có thể cả triệu vỏ sò nhiều cỡ khác nhau, bé như móng tay út, lớn như lòng bàn tay, li ti vô số những mảng vụn. Trùng trùng, điệp điệp. Vỏ sò – những cái xác để lại của muôn vạn chúng sanh từng sống ở đại dương – có cái lấp lánh phản chiếu ánh sáng, có cái mòn lẵng trơn láng.
Tôi đây, một ngày kia, cũng để lại cái xác mà người thân (hay người ta) sẽ đẩy vào lò thiêu. Rồi cái “tôi” ấy sẽ đi về đâu? Nam mô A Di Đà Phật.
Ở tuổi này chúng tôi không còn lạ lẫm, hay sửng sốt, khi hay tin một người bạn mới rời thế gian – từng người lần lượt lên đường, kịp hay không kịp chia tay cũng phải đi thôi. Hết thảy. Trước khi tôi rẽ bước hướng tới cõi tâm linh, nghề (và nghiệp) viết đã đưa tôi vào giới viết lách, văn nghệ; khi ấy được nhiều dịp để gặp bạn, chỉ cần hú lên một tiếng là có nơi để hội tụ, phiếm luận chuyện thế gian. Dạo sau này tôi tìm cớ tránh xa mọi người, làm ngơ với thế gian của vật chất, danh lợi, vì nơi đó không còn đáng thu hút cho tôi quay lại. Ngay cả bạn bè thân quen cũng quên bẳng. Vậy mà tôi đã bồi hồi, dao động khi hay tin một người bạn họa sĩ mới từ trần. Anh Nguyễn Đồng.
Lần cuối vợ chồng tôi được gặp anh chị Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp là năm 2018, khi tôi chuẩn bị thực hiện tạp chí Tinh Tấn Magazine. Đôi vợ chồng họa sĩ Đồng-Hợp có “tay nghề cao” trong lãnh vực trình bày báo giấy tại Nhật Báo Người Việt, nơi tôi từng làm việc và thân quen với anh chị. Buổi trưa hội ngộ kéo dài mấy tiếng hôm đó, không chỉ được bậc thầy hướng dẫn cách trình bày mỹ thuật, chúng tôi còn được anh chị thết đãi một bữa tiệc chay ngon tuyệt vời. Mới đó mà đã mấy năm, sức khỏe của chúng tôi đã sa sút, còn anh thì đã lên đường cho một hành trình mới.
Anh mất ở bệnh viện UCI Health – Fountain Valley, cùng nơi mẹ tôi đã vĩnh viễn từ giã cõi đời vào mùa thu năm ngoái. Như vậy, mới mấy tháng mà đã có ba họa sĩ Việt cùng thế hệ lưu vong rời dương gian. Đầu năm, tôi đã lặng lẽ đến nhà quàn tiễn đưa họa sĩ Khánh Trường – anh mất trong một phòng ICU nào đó tại nhà thương UCI Health – Fountain Valley. Hồi đầu tuần này hay tin anh Hồ Thành Đức mất ở một bệnh viện khác, cũng trong phòng ICU.
Vậy phòng chăm sóc đặc biệt là chặng cuối cùng của biết bao chúng sanh mang thân người. Có người ra đi trong giấc ngủ, có người bị tai nạn, bệnh tật, chiến tranh, thiên tai. Riêng anh, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, anh chọn tự kết liễu đời mình.
Mấy bữa nay tôi dành thời giờ để soạn toàn bộ tập thơ-văn của Nguyễn Tất Nhiên, cố gắng tìm hết những tác phẩm để lưu lại cho các con của anh. Một ngày kia chúng có thể sẽ cần đến quyển sách toàn tập này, để hiểu hơn về cha của mình. Đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên, tôi chiêm nghiệm nhận xét của vợ, là những thi sĩ sầu thế lại chính là những người đã có căn tu từ kiếp trước, họ đã thấy ra cuộc đời là vô thường, là khổ đau mà vì tập khí nên chúng sanh muôn đời lại cứ muốn lao vào để tìm kiếm những hạnh phúc phù phiếm.
Chuyến Đò Cửu Long
thơ Nguyễn Tất Nhiên
Đò qua sông, chuyến đầu ngày
người qua sông, mặc áo dài suông eo
sông hiền sóng lạ lùng reo
trời bao la cũng nhìn theo… ái tình
người qua sông, qua một mình
nắng trên sông, nắng vàng hanh mái đầu
xin em vài sợi tóc nhầu
trói thân ta với nghìn sầu chung nơi
mong em gìn lấy ơn trời
thấy quanh năm, thấy ta đời tai ương!
*
người qua sông, mặc áo hường
nắng dương gian, nắng buồn hơn trước nhiều…
(Biên Hòa, 1972; trích tập Chuông Mơ, 1987)

Chúng tôi quay trở lại trên bãi cát, tay vẫn nắm tay, nghe những hạt nắng sưởi ấm trên lưng. Những tòa nhà của phố cảng Long Beach đang hiện rõ ở xa trong ánh sáng mặt trời. Này nắng dương gian, nắng có buồn hơn trước? Nam mô A Di Đà Phật.
Hai mẹ con ban nãy đang đi về hướng chúng tôi, gần mép sóng. Đứa bé chạy tung tăng phía trước, những lọn tóc vàng bay nhảy trên đôi vai mũm mĩm, người mẹ chậm rãi bước theo sau. Bé dừng lại khi thấy tôi vẫy tay chào, đứng yên tròn mắt nhìn như dò xét hai người lạ. Vợ tôi nói khẽ, “Bé này là gái.”
“Sao cưng biết?” tôi hỏi nhỏ.
“Nó đeo vòng hạt, anh không thấy sao?”
Ờ ha. Lúc này tôi mới thấy một vòng hạt màu nâu lắc lay trên áo bé. Thấy tôi cười, nó cười lại, xong chạy tiếp. Mẹ nó vẫy tay chào chúng tôi, sải bước dài đuổi theo con.
Chúng tôi bước lên dải cát cao trở về nơi đậu xe, một lần nữa nhìn lại những lớp sóng biển đang tiếp tục vỗ ập vào bờ dưới ánh nắng sắp sang trưa. Không khí đã ấm hơn, nhưng tôi vẫn nghe se lạnh. Có lẽ do tuổi tác, hay có lẽ buồn cho kiếp người ở dương gian? Nam mô A Di Đà Phật.
(Westminster, ngày 20 tháng 3, 2025)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Mến chúc Đạt và Thủy mùa xuân tươi vui, an bình. Người thân, bạn bè đã ra đi được sống mãi nơi xuân bất tận