Về một mái tóc không còn

*Đọc 5 phút*

Bài PHÚC VIÊN

Cho dù từng biết bệnh tình của Phương, em gái của bạn tôi, đã bước vào thời kỳ cuối từ mấy tháng nay, thế mà khi mở e-mail, đọc được dòng tin cho hay em vừa từ giã cõi đời, tôi không khỏi lặng người thương cảm.

Em học cùng trường trung học với chúng tôi, nên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh có loan tin đầy đủ về sự ra đi của em trong phần Cáo Phó lẫn Phân Ưu với một bức di ảnh khá lớn. Tấm hình làm tôi không cầm được nước mắt khi thấy lại khuôn mặt tươi tắn dịu dàng của Phương với làn tóc mây xõa mềm phất bay theo gió.

Tôi để ý đến mái tóc của em không phải chỉ vì đó là một thành phần ngoại hình làm tôn lên nét đẹp của người phụ nữ. Ở Phương, nét đẹp của mái tóc cũng phản ảnh cả một tấm lòng. Có mấy ai hiện diện trong buổi họp mặt “55 Năm Ngày Thành Lập Trường,” hoặc có bao nhiêu người xem video về buổi văn nghệ ấy, biết được rằng người nữ ca sĩ (cựu) học trò đó đã trình diễn một hoạt cảnh trong bộ tóc giả vì tóc thật của nàng đã rụng rơi thê thảm bởi hóa trị lẫn xạ trị. Có mấy ai biết được rằng Phương, với tình thương và sự trợ lực của gia đình, đã trải nhiều khó khăn mới có thể từ Utah qua California, bước lên góp tiếng để rồi phải vội vã về sớm hơn dự định vì bệnh tình trở nặng và trên đường về nhà, Phương đã gần như kiệt sức hoàn toàn đến nỗi phải dùng đến bình dưỡng khí để tiếp hơi.

Tôi từng biết Phương đã chống chỏi với bệnh ung thư từ nhiều năm nay. Tôi từng nghe Phương, qua điện thoại, đã tự hào một cách dễ thương về đức tính chịu đựng gan lì và bền bỉ của mình. Vì thế tôi tin (hay thầm mong thì đúng hơn) là Phương rồi sẽ vượt qua, như bao nhiêu lần trước đã vượt qua. Tôi làm sao ngờ được em đã say sưa cất cao tiếng hát như một niềm hạnh phúc khó tả, bất kể bệnh hoạn, bất kể mệt nhọc, vì em đã sớm có linh cảm rằng đây là lần cuối trong đời được đứng hát trên sân khấu trường nhà!

Hôm ấy, tha thướt trong tấm áo dài trắng nữ sinh, Phương vẫn xinh đẹp tuy hơi xanh. Nhớ ngày nào còn học dưới mái trường trung học, giọng hát ngọt ngào cùng vóc dáng cân đối và khuôn mặt dễ nhìn của em đã từng làm rung động bao chàng. Tôi học chung với Vân, chị của Phương, còn Phương học sau tụi tôi một lớp. Hồi xưa, mỗi lần tới nhà Vân chơi, gặp Phương tôi chỉ nói chuyện qua loa thôi vì nghĩ “dân văn nghệ” như Phương chắc không ưa tuýp cù lần như tôi. Mãi về sau Vân mới “bật mí” cho tôi biết “Phương nó ‘thần tượng’ tụi mình lắm vì ‘chỉ’ cũng khoái viết lách nữa.” Hèn chi lúc tôi từ Mỹ trở về Việt Nam thăm nhà lần đầu tiên sau 12 năm xa xứ, tôi được Phương tới thăm và đối xử thật thân tình. Chính Phương đã may và thêu tặng cho tôi một cái quần trắng để mặc với áo dài.

Lần đó em tâm sự, “Cả nhà đi Mỹ hết rồi, còn có một mình em ở lại, tuy là có chồng con bên cạnh nhưng em cũng buồn, cũng tủi thân lắm chứ chị…” Lúc đó là năm 1990. Nhiều năm sau, nghe tin tiểu gia đình của Phương được đoàn viên với đại gia đình đầy đủ ba má anh chị em ở Mỹ, tôi mừng em đã có “happy ending.” Nhưng định mệnh không ngưng thử thách người thiếu phụ năng động và đa cảm ấy: Phương bị bệnh nan y khó thoát.

Trong buổi tiệc họp mặt trường xưa, vì bàn ghế chật chội khó đi lại, tôi chỉ vẫy tay chào khi thấy Phương từ xa. Chưa kịp tới hỏi thăm thì Phương đã tìm tới bàn tôi sau khi em hát xong. Câu chuyện hàn huyên chưa được bao lăm lại bị cắt đứt nửa chừng vì tôi bận tiếp chuyện một người quen cũ vừa nhận ra nhau. Phương đứng dậy chào từ biệt. Tôi định bụng sẽ tới bàn Phương, hay ít nhất cũng sẽ điện thoại để han hỏi nhiều hơn. Ai ngờ Phương lên đường trở lại Utah quá sớm và phải nhập viện ngay sau đó. Từ ấy, má của Phương luôn túc trực bên con để chăm sóc. Nóng ruột con, bà muốn hạn chế những cú điện thoại thăm hỏi của những người không phải cật ruột để bảo vệ sức khỏe của Phương (vì theo lời Vân kể, Phương rất thích tiếp chuyện với tất cả mọi người dù không đủ sức để nói nhiều nữa). Nghe vậy tôi cũng ngại gọi và chỉ gửi lời thăm hỏi qua gia đình, hy vọng khi nào em khỏe hơn thì sẽ nói chuyện trực tiếp.

Ngày đi đêm tới, lật bật một năm trôi qua nhanh như cơn gió, tôi vẫn chưa có dịp nói chuyện lại với em. Ai có ngờ đúng ngày Họp Mặt Truyền Thống trường xưa một năm sau đó, lại là ngày Phương được đặt trong áo quan để từ giã mọi người. Tiệc hội ngộ vẫn diễn ra ở California như thường lệ, nhưng năm nay vì bận việc, tôi không tham dự được. Thế nhưng tôi bỗng mường tượng ra nếu tôi đang ngồi đâu đó trong bữa tiệc ấy, biết đâu sẽ có dáng Phương khẽ khàng ngồi xuống chào tôi. Sự quý mến của Phương dành cho tôi qua câu chuyện hàn huyên năm ngoái vẫn còn làm lâng lâng trái tim tôi mỗi lần nhớ lại. Bữa đó, vừa ngồi vào bàn, Phương đã ngắm tôi và nói thật hồn nhiên: “Chị mới cắt tóc hả? Em có một bộ tóc giả demi-garcon y như kiểu tóc của chị vậy đó. Tiếc ghê, phải em biết trước, em cũng đội bộ tóc đó bữa nay cho giống chị.” Chỉ lên đầu, em nói tiếp, “Tóc này cũng là tóc giả đó. Bây giờ em toàn là đội tóc giả chị ơi, tóc thiệt rụng hết rồi còn đâu…” Câu nói thật lòng của em đã làm tôi bồi hồi buồn vui lẫn lộn.

Hình như tôi vừa thương cảm cho tình cảnh của Phương mà vừa mừng vì có người đồng điệu. Thú thật, từ lúc quyết định cắt tóc thật ngắn, xem đó như một dấu mốc cho sự chuyển hướng đời mình, hầu như tôi chỉ nhận được những nhận xét tiêu cực. Dù không bận tâm lắm về mấy lời bình phẩm, có lẽ tôi cũng chưa đủ “đạo lực” để dứt bỏ lục dục thất tình, cho nên khi gặp Phương, người đầu tiên và duy nhất không những không “chê” mà còn bảo muốn để tóc giống tôi, làm sao tôi không ấm lòng.

Tôi nhớ có lần đã đọc được ở đâu đó: “Bắt chước ai chính là lời khen lớn lao và thành thật nhất.” Nhưng ngẫm lại, câu nói của Phương cũng không hẳn nằm trong phạm trù khen/chê. Dường như nó đã vượt lên trên để từ trái tim đi thẳng đến trái tim, để chỉ gửi đi một niềm thông cảm và nhận lại một sự cảm thông. Một biểu tỏ tự nhiên mà chan chứa chân tình, một hé lộ nhỏ bé mà đầy ắp lòng thương quý. Giờ đây, em mất rồi, tôi mới thấy rõ phong cách sống của em cũng là một bài học cho tôi: sống thật lòng, sống hết mình; một cách hồn nhiên, làm tất cả những gì mình thấy cần làm, nói ra những gì mình thấy cần nói, để đem lại cho người, cho đời chút niềm ủi an, vui sống.

(Vì lý do riêng, tên những nhân vật có thật trong bài đã được thay đổi).

(Photo: Anna Nekrashevich / Pexels)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *