(Bài phân tích giản lược này được lưu trữ trong văn khố mạng của đài BBC dưới mục tôn giáo với tựa đề ‘Pure Land Buddhism’, được cập nhật lần cuối ngày 2 tháng 10, 2002, và Tinh Tấn Magazine đã chuyển ngữ, bổ túc thêm vài chi tiết. Tuy sự phân tích khá đơn giản và còn thiếu sót, chúng tôi cũng đăng bài, mong rằng nó sẽ giúp quí độc giả được hiểu rõ hơn quan điểm từ phương Tây về một pháp môn rất phổ biến trong Phật Giáo, và càng tinh tấn thêm nữa trên con đường tu hành của mình, nhất là đối với các hành giả chọn pháp môn Niệm Phật.)
Tịnh Độ Tông cung cấp một phương pháp đưa đến sự giác ngộ cho những người không kham nổi sự tinh tế của thiền hành, không thể chịu đựng các nghi lễ phức tạp, hoặc chỉ không thể sống một cuộc đời mà đa số mọi người cho là tốt đẹp.
Sự thực hành yếu chỉ trong Tịnh Độ là niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà với sự tập trung hoàn toàn, tin tưởng rằng mình sẽ được tái sanh ở Cõi Tịnh Độ, một nơi thuận tiện hơn cho chúng sanh tu hành hướng tới sự giác ngộ và giải thoát.
Tịnh Độ Tông gồm các giáo lý căn bản của Phật Giáo được bổ túc thêm với các yếu tố huyền bí, giúp cho việc thực hành giáo pháp được dễ dàng (và thoải mái hơn).
Những yếu tố này gồm có niềm tin, sự tin tưởng, và mối quan hệ cá nhân với Đức Phật A Di Đà, một vị Phật được coi như một vị cứu tinh; và niềm tin ở Cõi Tịnh Độ, nơi có bực thềm để bước đến sự giác ngộ và giải thoát tối hậu.
Pháp môn Tịnh Độ đặc biệt phổ biến ở Trung Hoa và Nhật Bản.
Lịch Sử
Tịnh Độ Tông là một trường phái tư tưởng Phật Giáo bắt đầu ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, được truyền sang Trung Hoa nơi giáo phái thờ Phật A Di Đà phát triển từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên [để đáp ứng trước sự tin tưởng rằng thời mạt pháp đã bắt đầu ở cõi Ta Bà. Pháp môn Niệm Phật được phổ biến mạnh mẽ với nỗ lực xiển dương và thực hành của Đại Sư Thiện Đạo (613-681), vị tổ thứ hai của Tịnh Độ Tông.]
[Sau mấy thế kỷ bị cản trở tại Trung Hoa, Tịnh Độ Tông được hồi phục] và trở nên phổ biến hơn rất nhiều vào thế kỷ 12 tại Nhật Bản, nhờ sự đơn giản hóa về lý thuyết cũng như sự thực hành của Đại Sư Honen (Pháp Nhiên Thượng Nhân) để đưa pháp môn này đến quần chúng, giúp bất cứ ai cũng có thể tu được. [Ngài Honen đã trích dẫn nhiều điểm chính yếu do Đại Sư Thiện Đạo đề ra, như khái niệm “chánh hạnh” và “tạp hạnh,” để dẫn dắt các tín hữu hoàn toàn nương vào tha lực của Phật A Di Đà.]
Đại Sư Honen (1133-1212) đã loại bỏ những khó khăn về mặt trí tuệ và các phương pháp thiền hành phức tạp mà các tông phái Phật Giáo khác áp dụng.
Ngài Honen dạy rằng bất cứ ai niệm danh hiệu Phật A Di Đà với lòng tin và sự chân thành hoàn toàn đều chắc chắn được vãng sanh ở Cõi Tịnh Độ. Ngài nói rằng tất cả những gì cần thiết cho việc vãng sanh được tóm gọn trong câu “Nam Mô A Di Đà Phật” với niềm tin rằng người niệm câu này chắc chắn sẽ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Kết quả của sự giảng dạy của ngài Honen là một hình thức Phật Giáo mà ai cũng có thể tiếp cận được, ngay cả người mù chữ hoặc khờ khạo.
Ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân không đơn giản hóa Phật Giáo với thái độ nhìn xuống những người thấp kém. Ngài tin rằng hầu hết mọi người, mà trong đó cũng có chính bản thân ngài, không thể đạt được sự giải thoát bằng bất cứ hoạt động nào của riêng mình (tự lực). Cách duy nhất để đạt được quả vị Phật là thông qua sự trợ giúp của Phật A Di Đà.
Giáo phái Chân Tông
Một thế kỷ sau, Shinran (Thân Loan), một đệ tử của ngài Honen, đã đưa vào một sự hiểu biết mới về các tư tưởng của Tịnh Độ, và sự cải tiến này đã trở thành nền tảng của giáo phái Shin (Chân Tông) ở Nhật Bản.
Ngài Thân Loan (1173-1262) dạy rằng điều thực sự quan trọng không phải là việc niệm danh hiệu mà là đức tin. Việc tụng niệm tự nó không có giá trị gì cả, niềm tin ở Phật A Di Đà mới là tất cả.
Những người theo trường phái Chân Tông cho rằng giải thoát là kết quả của việc một người đạt được đức tin chân chính ở Đức Phật A Di Đà và đại nguyện cứu độ tất cả những chúng sanh nào tin tưởng ở Ngài.
Phật A Di Đà
Tịnh Độ Tông nhấn mạnh vai trò quan trọng trong sự giải thoát của Đức Phật Amitabha (có nghĩa là Vô Lượng Quang) hay còn gọi là Amitayus (có nghĩa là Vô Lượng Thọ).
Những người chân thành cầu xin sự giúp đỡ của Đức Phật A Di Đà sẽ được vãng sanh ở Sukhavati – Cõi Tịnh Độ hay Tây Phương Cực Lạc – nơi không có sự xao lãng, và họ có thể tiếp tục nỗ lực hướng đến sự giải thoát trong những điều kiện thuận lợi nhất.
Về bản chất của Phật A Di Đà, các giải thích từ trước đến nay không hoàn toàn rõ ràng. Bách Khoa Toàn Thư Britannica (Anh Quốc) cho rằng Ngài là “vị thần cứu thế vĩ đại được tôn thờ chủ yếu bởi các thành viên của giáo phái Tịnh Độ tại Nhật Bản.” Một tác giả khác nói rằng “Phật A Di Đà không phải là một vị thần trừng phạt và ban thưởng, ban ơn hay áp đặt thử thách, cũng không phải là một vị thần mà chúng ta có thể cầu xin hoặc van xin những ân huệ đặc biệt.”
Theo quan điểm huyền bí về Phật A Di Đà, Ngài là một vị Phật bất tử và đã ứng thân trong lịch sử loài người dưới dạng Phật Gautama hay Phật Thích Ca Mâu Ni.
Amitabha tiếng Phạn dịch là “Amito-fo” trong tiếng Trung Hoa và “Amida” trong tiếng Nhật Bản.
Chuyện kể về Phật A Di Đà
Ngày xưa, có một vị vua (tên là Thế Nhiêu) vô cùng xúc động trước nỗi khổ đau của chúng sanh trên thế gian nên đã từ bỏ ngai vàng và trở thành một nhà sư tên là Pháp Tạng (Dharmakara).
Ngài Pháp Tạng nghe Đức Phật thứ 81 (Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai) thuyết pháp và sanh lòng hoan hỷ, phát nguyện sẽ trở thành một vị Phật với mục đích tạo ra một cõi Phật không có giới hạn nào.
Ngài đã thiền định rất lâu về các cõi Phật khác và ghi lại những gì Ngài đã học được trong 48 lời đại nguyện. Cuối cùng Ngài đã đạt được sự giác ngộ, thành Phật A Di Đà và lập cõi Cực Lạc Sukhavati.
Lời thệ nguyện quan trọng nhất của Ngài là đại nguyện thứ 18, trong đó có đoạn:
“Khi tôi thành Phật, nếu chúng sanh ở mười phương hết lòng tin ưa, mong muốn sanh về cõi nước của tôi, xưng danh hiệu tôi cho đến mười niệm, mà chẳng được sanh thời tôi không giữ ngôi Chánh Đẳng Chánh Giác.”
Vì Ngài đã đạt được giác ngộ nên những ai có đức tin, hoan hỷ và trì tụng danh hiệu Ngài sẽ được sanh về Cõi Tịnh Độ.
Những Điều Thiết Yếu Về Tịnh Độ
Niệm Phật
Điều này có nghĩa là tập trung vào Đức Phật và các đức tính của Ngài, hoặc trì tụng danh hiệu Đức Phật.
Không có cách đặc biệt nào để niệm Phật. Một người có thể niệm thầm hoặc niệm lớn, niệm một mình hoặc theo nhóm, và có hoặc không có nhạc đệm. Điều quan trọng là niệm danh hiệu một cách nhất tâm, trong khi thành tâm mong muốn được tái sanh về Cõi Tịnh Độ.
Kinh Điển
Tịnh Độ Tông có ba bộ kinh thiết yếu, gồm Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Tưởng và Kinh A Di Đà.
Tụng Như Hát
Tụng như hát (chanting) danh hiệu Đức Phật A Di Đà không có tác dụng gì trong việc giúp người ta về cõi Tịnh Độ. Tụng chỉ là sự biểu lộ lòng biết ơn Đức Phật A Di Đà và thể hiện đức tin của người tụng. Tuy vậy, không thể bỏ đi việc tụng: Ngài Thân Loan đã viết “Đức Tin Chân Chính nhất thiết phải đi kèm với việc thốt ra danh hiệu.” [Niệm là reciting, chú trọng vào chữ và ý nghĩa; còn tụng như hát là chanting, chú trọng vào nhịp điệu và giai điệu.]
Niềm Tin
Theo phái Chân Tông, niềm tin vào Phật A Di Đà không phải là công lao của tín hữu vì đó không phải là điều mà họ tự tạo cho mình. Đức tin của họ là món quà được Phật A Di Đà tặng cho họ.
Và cũng theo phong cách khiêm tốn này, tín hữu Chân Tông không chấp nhận ý tưởng rằng chúng sanh có thể tự tạo công đức bằng chính hành động của họ; ngay cả việc làm tốt hay thực hiện nghi lễ đều không giúp ích được gì cho sự vãng sanh về Cực Lạc.
Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nó ngụ ý (và ngài Thân Loan cũng đã nói khá rõ ràng) rằng một tội nhân có đức tin sẽ được chào đón ở Cõi Tịnh Độ – thậm chí còn được chào đón hơn một người tốt có đức tin nhưng tự hào mình là người tốt.
Sự Phổ Biến
Giáo lý của Chân Tông đã giúp pháp môn Tịnh Độ được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản, vì đây là một pháp môn không đòi hỏi tín hữu phải là người thông minh hay là tu sĩ, và mở rộng cho cả những người thuộc thành phần bị xã hội ruồng bỏ.
Đây là một pháp môn rất phổ biến trong Phật giáo – và lý do giúp Tịnh Độ trở nên phổ biến cách đây 700 năm cũng chính là lý do giúp pháp môn này được tiếp tục thịnh hành ngày nay.
Đây có phải là một sự hiểu biết mới về Phật giáo không?
Trên bề mặt, Tịnh Độ dường như đã đi một chặng đường rất xa so với những ý tưởng cơ bản của đạo Phật, và điều quan trọng là phải xem pháp môn này thực sự phù hợp như thế nào trong Phật Giáo. Cách để hiểu rõ là giải quyết từng vấn đề và xem điều gì thực sự đang diễn ra.
Đức Phật A Di Đà được tôn sùng như Thượng Đế
Trên bề mặt thì đúng vậy. Nhưng có lẽ việc tụng niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà không phải là cầu nguyện với một vị thần bên ngoài, mà thực sự là một cách nói ra Phật tánh của chính mình. Tuy nhiên, một số bài viết của ngài Thân Loan đã nhắc đến Đức Phật A Di Đà bằng ngôn ngữ mà người Tây Phương coi là mô tả về Thượng Đế.
Tịnh Độ dường như là một cõi siêu nhiên
Trên bề mặt thì đúng vậy. Nhưng có lẽ Tịnh Độ thực sự là một từ ngữ ẩn dụ để thi vị hóa một trạng thái ý thức cao hơn. Việc tụng niệm danh hiệu có thể được xem là một phương pháp thiền định giúp người niệm thay đổi trạng thái tâm trí của họ. (Lập luận này khó duy trì trong trường hợp niệm Phật vào thời điểm sắp lìa trần, khi một số hiện tượng siêu nhiên được mong đợi bởi các đạo hữu. Và hầu hết người tu theo pháp môn Tịnh Độ không xem niệm Phật là một phương pháp thiền định. Tuy vậy, sự việc có một khoảng cách giữa sự hiểu biết phổ biến và sự hiểu biết tinh vi về các khái niệm tôn giáo là thông thường trong tất cả các tín ngưỡng.)
Không có tự lực để đạt được sự giác ngộ
Trên bề mặt thì đúng vậy. Thực ra đây chỉ là một bước tiến xa hơn theo chiều hướng mà Phật Giáo Đại Thừa đã thực hiện để đưa tha lực vào hành trình giải thoát. Và chúng sanh vẫn còn nhiều việc phải làm khi họ đến được Cõi Tịnh Độ. (Tuy nhiên, ngài Thân Loan đã dạy rằng đến được Cõi Tịnh Độ thực ra là sự giải thoát cuối cùng – Cõi Tịnh Độ là niết bàn.)

Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.