Mưa Xuân lấp lánh

*Đọc 6 phút*

Bài NHUẬN HÙNG

Thật dí dỏm thay, ai đó dõi mắt trông theo những giọt mưa đầu mùa, mưa rơi tí tách… mưa rơi lắt nhắt… mưa rơi lất phất! Mưa xuyên khẻ lá, mưa chen cành cây, mưa bay đường phố hay mưa tê lòng người. Mưa trông, mưa đợi, mưa chờ. Mưa ơi! Mưa hỡi là mưa! Mưa từng đàn, mưa nhỏ xuống, mưa tung tăng trên mặt đất bao la, mưa tha ma như bóng người ta, mưa từ đâu mưa đến! Mưa trong ngày Tết của ta, mưa tha phương, mưa viễn xứ, mưa xa xôi. Ôi! Vọng lại. Tình ta như nước trời mưa! Hình như những giọt nước mưa đầu mùa lấp lánh, long lanh giọt nước bồng bềnh như mưa, mưa trong núi mưa ra, mưa như thác đổ bạc ngàn mưa sa.

Đã lâu lắm rồi, bầu trời Quận Cam vùng nắng ấm Cali nổi tiếng hạn hán quanh năm mới có mưa. Mưa là chuyện hiếm hoi lắm, nếu có chăng đi nữa cũng chỉ là lác đác mà thôi, ít khi được mưa Xuân nhiều ngày. Mưa đủ lớn làm tái tê lòng người viễn xứ.

Sống trong xã hội có quá nhiều nhu cầu để chi tiêu, nên người ta mãi chạy theo chuyện cơm  áo, gạo tiền, còn có thời giờ đâu để nghĩ đến chuyện khác, thậm chí quên đi cả tháng ngày, tuổi tác của mình nữa. Khi có việc gì đó mới chợt nhận ra rằng mình không còn trẻ trung nữa, tuổi đời ngày càng chồng chất lên cao. À thì ra như thế!

Dòng tư tưởng đã đi miên man quá xa. Chợt nhớ cố Hòa Thượng Quảng Thanh, tức thi sĩ Thanh Trí Cao, có viết dòng thơ dưới đây trích từ ‘Giấc Mơ Của Mẹ’ trong thi phẩm Trăng Ngủ Trong Mây:

“Còn lại đó sau chiều tắt nắng
Từng giọt buồn man mác không tên
Đường vạn dặm chỉ là khởi điểm
Rồi sau lưng ngày tháng lãng quên
Ngôi sao nhỏ vùng trời hương sắc?
Ngôn ngữ Đông ngự trị trời Tây
Em vẫn nhớ cội nguồn đất Mẹ
Tâm tình riêng gởi gió theo mây
Chuỗi quá khứ sương mờ phủ kín
Một hướng đi tia sáng đổ dài
Mẹ ấp ủ nhớ thương kỳ vọng
Đứa con mình cả một tương lai
Mẹ tưởng tượng không gian cách biệt?
Quả đất tròn chuyển hướng nguy cơ
Nỗi sung sướng làm sao mô tả
Khi nhìn con như một giấc mơ
Giấc mơ đẹp nối dài sức sống
Đếm thời gian cái tuổi già nua
Mẹ thầm nhủ sức người có hạn
Mong con về Mai nở giao mùa”.

Đúng vậy, trong thơ có nhạc đậm chất liệu bao dung của tình mẫu tử thiêng liêng, đậm đà bao la, gói trọn hòa quyện lại cùng nhau giữa tình quê, tình mẹ tha thiết không thể nào diễn tả cho hết được, giữa hai khung trời cách biệt. Giao thoa đất trời, mà mùa Xuân làm khởi điểm, người Mẹ mơ về đứa con mình, nơi xa xứ sau này sẽ không quên cội nguồn. Dù mẹ phải đếm thời gian bằng cái tuổi già nua, hằng mong con sẽ thành danh, giúp đời.

Riêng tôi, thấu hiểu từng giọt mưa hôm nay cũng như những giọt mưa năm xưa khi còn ở quê nhà. Dù năm tháng có khác biệt đi chăng, mưa vẫn là mưa, nước vẫn là nước. Nước có thể chảy đi khắp mọi nơi, dù cho nơi ấy vuông hay tròn, dơ hay sạch, nước vẫn hiện hữu nơi ấy, nước mưa hay nước biển, nước hồ, nước ao, nước giếng đều là nước cả. Cũng có lúc nước đến trong phong ba bão táp, hoặc là sóng thần.

Thử tìm hiểu mưa Xuân là điềm gì, vui hay không vui? Tôi theo nghĩ, năm Giáp Thìn đã qua năm Ất Tỵ lại đến. Đặc biệt, năm nay theo như các nhà chiêm tinh cho biết năm Ất Tỵ 2025 là năm Rắn hai đầu. Vậy thì tốt hay xấu, rắn hai đầu trong truyền thuyết thì như thế nào? Rắn một đầu chẳng hạn như hổ mang thì quá dữ rồi. Vả lại rắn hai đầu chúng có hiền hay không? Theo như những tài liệu đã ghi lại của các nhà chiêm tinh, tử vi tướng số có ghi rằng:

-Theo lịch âm, năm 2025 là năm Ất Tỵ nhuận tháng 6 âm lịch, khiến năm Ất Tỵ dài hơn bình thường. Hơn nữa, năm Ất Tỵ 2025 cũng hai lần đón tiết Lập xuân: Lần thứ nhất vào đầu năm ngày 3/2/2025 dương lịch, tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ; lần thứ hai vào cuối năm ngày 4/2/2026 dương lịch, tức ngày 17 tháng Chạp năm Ất Tỵ.

Quan niệm người xưa, “một năm bắt đầu từ tiết Lập xuân,” việc 2 lần đón tiết Lập Xuân trong cùng một năm giống như năm Ất Tỵ 2025 có hai mùa xuân, hay năm nay rắn có hai đầu là vậy. Ý nghĩa hình tượng rắn hai đầu trong truyền thuyết dân gian

Những câu chuyện cổ xưa về rắn hai đầu bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian. Từ thời trời đất chưa phân chia, thế gian còn nhiều hỗn loạn, các thế lực tà ác đang hoành hành. Để ngăn chặn sự xâm phạm này, các vị thần đã quyết định tạo ra một sinh vật sử dụng trí tuệ và sức mạnh để duy trì sự hài hòa và cân bằng của trời và đất.

Thế là con rắn hai đầu ra đời. Hai đầu của nó tượng trưng cho sự hòa hợp giữa âm và dương: một đầu tượng trưng cho ánh sáng, mang theo niềm hy vọng và lòng dũng cảm; còn đầu kia tượng trưng cho bóng tối, chứa đựng những thử thách, khó khăn, cám dỗ cần phải vượt qua.

Mỗi khi rắn hai đầu chuyển động, màu sắc của gió và mây giữa trời và đất cũng thay đổi, báo hiệu những biến chuyển huyền bí của thế giới.

Vì vậy, con rắn hai đầu đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và trí tuệ. Mỗi khi loài thần thú này xuất hiện, nó báo trước sự xuất hiện của một thời đại mới, mang theo cả những thách thức lớn và cơ hội.

Năm con rắn hai đầu là biểu tượng cho sự chung sống của hy vọng và thử thách, nhắc nhở chúng ta rằng dù gặp phải khó khăn nào trong cuộc sống, chỉ cần trong tim có ánh sáng thì bóng tối đều có thể bị xua tan. Cũng giống như cây tre huyền thoại, mỗi người đều có thể hóa thân thành rắn hai đầu trên sân khấu của chính cuộc đời mình, dũng cảm đối mặt với giông bão trong tương lai và theo đuổi ánh sáng nơi ước mơ của mình.

Nhìn theo nhân sinh quan thì trong họa có phúc, trong phúc có họa. Trên đời này đều có hai mặt cả, ưu và khuyết điểm, luôn luôn đối nghịch nhau. Vậy năm 2025 nhìn theo chiều hướng xấu thì, chúng ta thấy ngay, đảo ngược Càn – Khôn vũ trụ sẽ gây mất công bằng theo luật âm dương. Cho nên, được coi là một năm đặc biệt cần phải thận trọng về mọi mặt. Nhất là tình hình thế giới chiến tranh đảo lộn, dịch bệnh tràn lan, nạn thiên tai, hỏa hoạn sẽ xảy ra khắp nơi nơi. Kéo tu thì sống vụng tu thì chìm, phải nên tu thân tích đức thì tốt, hơn là bám theo lợi danh, đấu đá lẫn nhau, hơn thua, để rồi cũng phải phủi tay lên đường. Thời gian không thể đợi chờ cùng ai. Thiện – ác đáo đầu chung hữu báo.

Tóm lại, nhìn chung trên bàn cờ thế giới nhất là trời Âu giữa Nga và Ukraine thế trận còn đang sôi sục; các nước khác thì ra sao? Thiên tai, động đất, bão lụt, dịch bệnh chiến tranh ê hề. Kể ra thì rất là buồn cho năm Ất Tỵ này. Cho nên, các bạn trẻ phải cố gắng rèn luyện trong con người mình phải có lòng từ tâm, hãy hoan hỷ mở rộng lòng ra, giúp đỡ những người khác khi gặp hoạn nạn. Luôn luôn mở lòng bác ái, vị tha, thương người như thể thương ta. Các bạn trẻ ạ! Mình có phước được làm người trong xã hội an lành. Hoa Kỳ là đất nước văn minh, thứ gì cũng có, mình phải nghĩ đến kẻ khác sống ở những nơi chiến loạn, thiếu thức ăn, thiếu nước uống, áo quần không có. Rồi đây dịch bệnh cũng sẽ lan tràn, khi những chất độc của vũ khí thải ra. Bởi vì sự tranh giành lãnh thổ, chém giết lẫn nhau, không biết ngừng lại thì uổng cho một kiếp sống làm người.

Tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu “Thương người như thể thương thân” hay là “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”

Mong lắm thay! Chiến tranh sớm chấm dứt, chúng ta hãy chắp tay lên cầu nguyện trong ngày đầu Xuân cho mọi người ở nơi chiến địa được an lành.  Ý còn dài nhưng xin tạm ngừng lại nơi đây.

Chợt nhớ đến người bạn trẻ đồng tu tặng bài thơ cuối năm, nên tôi chia sẻ cùng các bạn đọc trong mùa Xuân này bài thơ Đêm Đông Gói Chữ:

“Đêm Đông giá lạnh ngoài vườn trúc
Mưa xuống làm cho cảnh nhạt nhòa
Tịch lặng trăng mờ xa phố thị
Êm đềm chùa vắng nhớ quê cha
Ngày qua đêm đến sương phơi cỏ
Năm lụn tháng tàn đất đợi hoa
Chẳng biết khi mô về chốn tổ
Thôi đành gói chữ gởi lòng qua.”
California, 2:30 am ngày 30/12/2021; tác giả Trúc Nguyên Thích Chúc Hiền

Lại một lần nữa, kính chúc quý độc giả xa gần một mùa Xuân Ất Tỵ 2025 vạn sự như ý, vạn sự an lành, vạn sự bình an, thân tâm an lạc, kiết tường như ý.

Bảo Quang Tự, Santa Ana ngày 10/2/2025
T. Nhuận Hùng

(Photo: Bibhukalyan Acharya / Pexels)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *