Đầu mùa Xuân/ Cùng… bà con đi lễ…

*Đọc 5 phút*

Photo: Dàn cảnh Tết tại Phật Quan Âm Thiền Tự, Stanton, California ngày 29 tháng 1, 2025. (hmđ)

Bài PHÚC VIÊN

“Cháu à, chiều chủ nhật ngày rằm này vợ chồng cháu có lên chùa thầy T.Th. thì cho hai bác có giang với nghe. Bị ông tài xế riêng của bác, bác trai đó mà, bây giờ mắt mũi ổng dở quá, hổng dám lái xe ban đêm nên bác muốn đi chùa buổi chiều mà có đi được đâu…”

“Dạ dạ, vậy khoảng 5 giờ tụi cháu sẽ qua nhà đón hai bác đón rồi mình đi luôn nha.”

Hứa với bác Nga xong, tôi bèn “thông báo” giờ giấc đi đứng cho “tài xế riêng” của tôi và ghi note . Vậy mà chưa đến 5 giờ chiều chủ nhật ấy bác Nga đã gọi tới, không phải để nhắc, mà để… cầu cứu. Số là hai bác vừa rời chùa Huệ Quang, trên đường về nhà thì bể bánh, đang nằm dọc đường mà bác trai không còn đủ sức để thay bánh phòng bị nữa.

Thế là vợ chồng tụi tôi phải tức tốc chạy đến quãng đường có chiếc xe đang “đình công” để giúp thay bánh xe, cho họ lái về nhà, rồi cặp vợ chồng cao niên ấy mới có thể tháp tùng với chúng tôi đi chùa như dự tính. Trên xe, bác gái nói như phân trần, “Cháu nghĩ coi, ban đầu thì bác tính có giang với tụi cháu đi một chùa đó thôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dầu gì cũng là rằm tháng Giêng. Người ta nói ‘Đi chùa quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng’ mà cháu. Thấy bác trai ổng bữa nay đã khỏe khỏe nên bác mới nài ổng đi thêm chùa Huệ Quang rồi tối về đi với tụi cháu nữa cho được hai chùa. Hai bác già rồi đi theo không nổi với phái đoàn hành hương như mấy năm về trước, chớ phái đoàn người ta còn đi tới mười cảnh chùa lận. Để lạy cho đủ thập phương chư Phật mà… Ai dè mới đi thêm một chùa mà gặp xui nên làm rộn tụi cháu quá!”

Khi chúng tôi đến chùa thì khóa lễ đã bắt đầu. Sợ tụi tôi bất bình vì bị trễ, bác Nga lại phân bua nữa, “Cũng bị ba cái vụ bể bánh xe thành ra trễ nãi chớ bác đã tính toán giờ giấc kỹ lưỡng rồi. Cái chồng sớ cầu an của thầy dài lắm, đợi thầy đọc hết biết tới bao giờ mới xong. Bác canh vừa nghe được phần tên của gia đình bác là bác lo rút lui liền, sợ trễ hẹn với tụi cháu đó chớ…”

Những lời bộc bạch thực thà của bác Nga đã tình cờ giúp tôi có dịp hiểu thêm về chuyện chùa chiền lễ bái ở hải ngoại này. Hèn gì mà cứ vào dịp Tết, các chùa thường tổ chức hành hương và chùa nào cũng được Phật tử ủng hộ đông đảo. Tôi thì chưa tham dự phái đoàn hành hương do nhà chùa tổ chức lần nào nhưng đã từng chứng kiến cảnh những Phật tử già trẻ lớn bé nườm nượp tuôn xuống từ những chiếc xe buýt thật to, ào ào tiến vào chánh điện, vội vội vàng vàng thắp nhang, xì xụp lễ lạy, hối hả xin xâm, lật bật chụp ảnh rồi… leo lên xe đi tiếp. Vài người không may, vì “nhu cầu sinh lý” tới không đúng lúc (nhất là mấy người già cả) nên đành phải đứng xếp hàng trước phòng vệ sinh. Vừa “trút bầu tâm sự” xong, chưa biết chánh điện chùa rộng hẹp bao nhiêu, bài trí thiết kế ra sao thì đã nghe tiếng những người phụ trách chuyến đi giục giã lên đường.

Thực ra đi hành hương đầu năm là một truyền thống rất dễ thương của giới Phật tử. Nói một cách vắn tắt, nó giúp Phật tử (nhất là các bác cao niên như vợ chồng bác Nga của những năm về trước, ít có dịp được con cháu đưa đi vãng cảnh chùa chiền) viếng được nhiều chùa và các chùa (nhất là các ngôi danh lam xa xôi, hẻo lánh hoặc các tự viện mới xây) được đông đảo khách thập phương đến viếng hoặc biết tới.

Chia sẻ với những người thương yêu như vợ, chồng, cha mẹ, con cháu hoặc bạn bè hay đạo hữu thân quen để qui hướng thân tâm về nẻo thiện, tôi nghĩ đó là một hạnh phúc đối với tín đồ thuộc bất cứ tôn giáo nào trên đường hành hương, từ những cuộc hành hương nho nhỏ viếng chùa đầu năm cho đến những chuyến hành hương về các miền các đất Thánh. Vì vậy tôi rất cảm kích, biết ơn những vị thầy và những tín hữu nhiệt tâm đã bỏ công bỏ sức để thực hiện công việc tốt lành này.

Hơn nữa phong tục đầu năm đi chùa để cầu cho suốt năm được gia đạo an vui, tình duyên vừa ý, con cái đỗ đạt, vân vân… không phải là điều xấu vì nó xuất phát từ bản năng ham sướng sợ khổ của con người bên cạnh một tình thương mãnh liệt dành cho những người thân yêu trong gia đình. Thế nhưng loại tâm lý quá thực tế này dễ khiến người ta đi vào con đường vị lợi hơn là nhắc nhở mình tự tu tự sửa, tự gieo trồng nhân thiện hảo để được hưởng quả tốt lành theo đúng tinh thần của con nhà Phật. Nói không ngoa, có lần tôi được nghe từ miệng một khách đi chùa nói với người bên cạnh, “Mặt ông Phật chùa này tươi vui quá, đi chùa này chắc gặp hên, chắc năm nay mình làm ăn lên hương rồi!” Thiên địa quỷ thần ôi, thật là… hết ý kiến!

Thêm vào đó, việc gửi sớ cầu an đến chùa để được quý thầy đọc tên từng người sau phần tụng niệm kinh tạng cũng biểu hiện tâm lý… cầu an ấy. Ai nấy lo biên sớ, liệt kê tên họ hết thảy những người già cả lớn bé trong nhà để gửi về chùa kèm với một món tiền cúng dường nào đó. Biết chùa có làm lễ tụng kinh cầu an từ ngày này đến ngày này, họ sẽ thỉnh thoảng lên chùa trong thời gian ấy, lắng nghe thầy đọc sớ, coi có xướng tên mình không rồi mới an tâm ra về. Tinh thần… thực dụng và sòng phẳng đó kể ra hơi đi xa những gì Phật dạy rồi.

Nhưng biết là biết vậy nhưng làm sao bây giờ, có thầy đã từng nói vậy. Bởi vì, theo thầy, cái hay của đạo Phật cũng còn là tinh thần dung nạp, uyển chuyển để thích hợp với phong tục tập quán của từng xứ sở mà đạo được truyền bá tới. (Nên chi đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang xứ mình mà đã nghiễm nhiên trở thành… Việt Nam chính hiệu qua một câu thơ bất hủ trong văn hóa Phật giáo “Mái chùa che chở hồn dân tộc”).

“Buông xả” và “tùy duyên” là những châm ngôn mà người Phật tử thường tâm niệm để có được an lạc cho chính mình và tha nhân. Đồng ý là “Chín bỏ làm mười” hay “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài” bao giờ cũng tốt, nhưng xin đừng quên “Trí” và “Dũng” cũng là một đức tính mà nhà Phật thường cổ xúy. Xin hãy vận dụng “Trí” và “Dũng” để tránh cho đạo Phật không bị mang tiếng là tôn giáo van vái cầu xin và tín đồ Phật giáo không bị chê là mê tín dị đoan. Mong thay!

Westminster, ngày 27 tháng 2, 2013

Chùa Phổ Đà, Santa Ana, California ngày 30 tháng 1, 2025. (hmđ)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *