Nhật ký một Phật Tử

*Đọc 34 phút*

Bài THANH NGUYỄN

Ngày đầu tuần, tháng này, năm nay

Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa, “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ.” Mình tức chết đi được, phận sự của mình là cung cấp phụ tùng linh kiện, còn việc khâu kỹ thuật là của thằng James, sao việc gì nó cũng đổ hết cho mình? Mà đâu chỉ mỗi việc này, còn nhiều chuyện bị áp lực nặng khác nữa. Mình làm lâu năm, kinh nghiệm tốt, được khen “good job” vậy mà bị tay đốc công đì, đối xử bất công. Những người làm cùng việc ở các tổ khác đã được tăng lương hai lần rồi mà mình thì không, đã thế cứ nhè những việc khó thì giao cho mình. Mình xin đổi qua tổ khác nó cũng không cho chuyển… Giận lắm nhưng nhịn thì tức, nhiều lúc muốn chơi nó cho bỏ ghét!

Ở cái vị trí của mình thì rất dễ trả đũa, mình đã suy nghĩ rất nhiều, đã toan ra tay nhưng rồi lại thôi! Mình biết khi mình giận tức là nuôi rắn độc trong tâm, như cầm cục than hồng, tự mình đốt công đức của mình. Phật Giáo Tây Tạng có bức tranh nổi tiếng vẽ vòng luân hồi, trong ấy có con rắn, con gà và con heo ngậm đuôi nhau nối thành một vòng tròn; giận dữ hay sân hận lấy con rắn làm biểu tượng đây!

Dù biết vậy nhưng hàng ngày đụng việc như thế thì làm sao mà không giận? Có nhiều lúc cơn giận bùng lên và ý nghĩ phải trả thù cho hả giận. Mình chỉ cần vứt đi một nắm Bios là ông chủ mất cả khối tiền, hoặc mình chỉ cần lẩy móng tay hay chọt vật gì đó lên Motherboard thế là hư những components trên ấy, rồi những cục heatsink hay memory… chỉ cần phá một tí là tay đốc công lẫn ông chủ phải mất bao nhiêu là tiền. Trả thù rất dễ và cũng chẳng ai biết, nhưng…. Thật may! Mình đã biết Phật pháp, đã từng nghe pháp tụng kinh nên trong cái giây phút muốn trả thù ấy đã kịp dừng lại, chánh niệm được khôi phục. Mình dẹp bỏ cái ý nghĩ trả thù, trả đũa. Cái ý nghĩ trả thù, cố ý làm hư hại ấy là một sự thất niệm lớn, rất may mình kịp dừng!

Những món Bios, Motherboard, heatsink, memory… là những vật vô tri, chúng chẳng can hệ gì đến sự bất công hay bị xử ép của mình. Mình có làm hư hại chúng, làm thiệt cho công ty thì cũng tức là mình tự làm hại mình, làm tổn phước của mình, tạo nghiệp xấu cho mình!

Những lúc như thế này mình lại nhớ đến Tứ Chánh Cần: “Việc thiện chưa sanh thì làm cho phát sanh, việc thiện đã sanh thì làm cho tăng trưởng, việc ác chưa sanh thì đừng để phát sanh, việc ác đã sanh thì làm cho nó tiêu trừ.” Rất may, nhờ biết Phật pháp mà mình đã kịp dừng lại, cái ý niệm ác sanh khởi nhưng chưa phát tác thành hành động.

Mình làm việc chung trong một tập thể đa sắc tộc, nhiều màu da, khác biệt tôn giáo và văn hóa. Có thể nói mình là người Phật tử duy nhất trong nhóm này. Mình được khen là nice, thân thiện và làm việc tốt, hồi nào giờ mình vẫn che dấu gốc Việt và tôn giáo của mình nhưng rồi mình tự hỏi lòng: “Tại sao bọn họ tự hào về gốc gác của họ, tự hào về đức tin của họ, còn mình thì che dấu? Mình là Phật tử thì có gì phải tự hào mới phải?” Thế rồi sau đó mình thức tỉnh, lại một lần nữa khôi phục chánh niệm và tự hào là một Phật tử Việt.

Nhóm làm việc chung của mình hầu hết là tín đồ Thiên Chúa (có cả bảo thủ lẫn tân giáo). Có một chị làm chung sốt sắng đến độ thái quá, luôn dụ khị mình đi lễ, đem những tài liệu Tin Lành đến cho mình, kể cả dùng vật chất quyền lợi để dụ, có khi thì dọa, “Mầy không tin Chúa, không đi lễ cầu nguyện thì khi chết sẽ bị đày xuống hỏa ngục.”

Mình chỉ cười nhẹ, nhớ đến lời kinh suy niệm về nghiệp và bảo họ, “Chúng ta là chủ nhân của nghiệp và cũng là những kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng là quyến thuộc cho vạn loài, chính nghiệp phân chia sự di biệt trong đời. Chính mình làm việc ác nên mình bị uế trược, chính mình làm việc thiện nên mình thanh tịnh. Thanh tịnh hay uế trược do chính mình, không ai có thể làm cho người khác uế trược hay thanh tịnh.”

Từ đó chị ta bớt sốt sắng một cách thái quá. Mình làm việc trong nhóm rất vui, hòa đồng, duy cái việc bị xử ép, bị bất công ấy nhiều người cũng biết nhưng không giúp gì được, có lẽ là cái nghiệp ân oán của mình trong quá khứ, giờ thì oan gia trái chủ đụng mặt nhau. Mình cũng tự kiểm thảo, tại mình kém, nếu mình ngon lành thì đã bỏ việc để đi tìm việc khác rồi!

Từ khi chánh niệm khôi phục, mình không còn cái ý niệm trả đũa hay chơi cho bỏ ghét. Mình tự xem như một lần chiến thắng được bản thân. Mình nhớ rất rõ ràng, ba nghiệp thân – khẩu – ý nó quyết định số phận của mình, trong ấy thì ý nghiệp là chính, chính nó xui khiến thân hành động và miệng nói. Hôm nay trong lúc làm việc, mình hứng khởi thầm đọc bài kệ:

Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị

Xét cho cùng thì cái thiệt của mình chẳng có là bao so với những những khổ đau, bất hạnh khác trên cuộc đời này, chẳng qua là cái tôi nó lớn và nó phát tác nên mới sanh ra cái ý niệm trả thù.

Những người làm chung với mình cũng có đôi khi hỏi về đức Phật và Phật pháp. Họ lầm tưởng đức Phật như chủ tể hay thượng đế trong tôn giáo của họ, nghĩa là Phật cũng có quyền năng xử phạt, trừng phạt hay ban phước… Mình nhớ lời thầy nên không tranh cãi, tuy nhiên cũng vận dụng vốn tiếng Anh ba rọi để giải thích cho họ biết chút chút về đức Phật và Phật pháp. Họ ngạc nhiên lắm, họ bảo chưa từng nghe hay biết có tôn giáo nào mà lại tự do và dân chủ như thế! Quả thật đạo Phật rất tự do và dân chủ, ai tin thì theo không tin thì thôi, ai làm gì thì gặt nấy, số phận của mình tùy thuộc vào ba nghiệp tạo tác của chính mình. Trong số bạn làm chung ấy, có thằng William W, nó tỏ vẻ quan tâm nhất, và mình đã tặng nó quyển “ The Art of life” của thầy Nhất Hạnh, hy vọng nó đọc và sẽ bắt gặp những điều bổ ích. Sở dĩ mình tặng nó quyển này là vì người Âu- Mỹ dễ tiếp cận Phật giáo theo kiểu Làng Mai hơn là Phật giáo truyền thống. Pháp môn hiện pháp lạc trú của làng Mai đã thu hút rất nhiều người Âu-Mỹ đến với đạo Phật.

Ngày kế tiếp, tháng này, năm nay

Bốn giờ sáng, trời lạnh căm căm, sương mù dày đặc. Mình phải dậy sớm để đi cày kiếm cơm, đường vắng hoe không một bóng người, thỉnh thoảng vài chiếc xe vút qua, có lẽ cũng là những người đi làm sớm như mình. Thường thường mình lái xe ngang qua một nghĩa địa nhỏ giữa lòng thị trấn, mình nhiều khi sanh nghịch nhìn quanh quất thử xem có thấy ma chăng, chẳng hạn như một bóng áo choàng trắng hay áo choàng đen, một hình nhân nữ với tóc xõa che mặt, một em bé kiểu killing doll… mà đã từng đọc trong sách. Vừa lái xe và phì cười với chính bản thân, trong một lần lơ đễnh như thế, mình vượt qua bảng stop mà không kịp ngừng, đường vắng tanh, ấy vậy mà không biết từ đâu một chiếc xe cảnh sát xuất hiện phía sau cứ như ma vậy!

Lúc này trong bụng rối cả lên, vừa sợ giấy phạt vừa lo sẽ bị vợ càm ràm cả buổi cho mà nghe. Tự dưng ngước nhìn hình Bồ Tát treo ở trước mặt và thầm trách, “Con ăn ở hiền lành, sao Bồ Tát không phù hộ?” Chỉ trong vài phút là anh cảnh sát đến, anh ta yêu cầu xem bằng lái và bảo hiểm xe. Mình trình đủ và giở thói quen dân Mít nhà ta, “Tôi vượt bảng stop vì lờ đễnh, đây cũng là lần đầu tiên, ông có thể cảnh cáo chứ đừng viết giấy phạt?”

Người cảnh sát bảo, “Để tôi xem background của ông trước rồi tôi sẽ quyết định.”

Anh cảnh sát quay về xe của mình hí hoáy trên laptop và chừng mười phút sau thì quay lại, “Lý lịch lái xe của ông rất tốt, tôi chỉ cảnh cáo thôi nhưng ông nhớ lái xe cẩn thận!”

Mình mừng hết lớn, cảm ơn rối rít. Nhìn tướng anh cảnh sát cao to, cơ bắp cuồn cuộn trong bộ sắc phục cảnh sát rất đẹp, ngầu và oai ra phết. Mình thấy mến những anh cảnh sát vất vả cả ngày đêm để giữ trật tự, anh ninh và an toàn cho cộng đồng. Nghề cảnh sát ở xứ này rất nguy hiểm, luôn đối mặt với súng đạn, cảnh sát xứ này không có lối vòi vĩnh “bánh mì hay cà phê” như xứ mình.

Người cảnh sát đi rồi, mình cũng lái xe đi nhưng trong lòng thấy mắc cỡ với chính mình. Mình đã sai lại còn trách Bồ Tát không phù hộ. Mình thất niệm nên vượt bảng stop, nếu lúc ấy mà có xe chạy ngang qua thì đã xảy ra tai nạn rồi. Giờ mình thấy mình may mắn, không bị tai nạn, không bị phạt. Mình sanh tâm sám hối, sám hối với Bồ Tát và sám hối với chính mình.

Chánh niệm thật sự quan trọng, giúp mình kịp dừng lại trước những hành động sai quấy, kịp ngưng trước khi nói những lời thô ác và vi tế hơn là kịp nhận ra mình đang nghĩ bậy bạ. Chánh niệm trong lúc lái xe càng quan trọng hơn, chỉ cần thất niệm một giây là có thể gây tai nạn, có thể chết người như chơi!

Vào trong hãng, nhóm mình làm chung rất vui vẻ, ngày nào cũng tám đủ chuyện trên đời, chuyện bóng cà na, bóng bầu dục, chuyện tin tức thời sự và chuyện đàn bà thì hầu như là không thể thiếu. Những lời bình luận em này đẹp hay xấu, con nhỏ kia bự hay lép… và bao nhiêu chuyện linh tinh khác nữa. Mình cũng tám với cả bọn, những khi ấy mình biết mình đang thất niệm nhưng tự an ủi, “Mình chỉ là một Phật tử chứ không phải người xuất gia.” Tuy nhiên mình vẫn nhớ mình là Phật tử nên giảm bớt độ “mặn” của câu chuyện, hoặc là lái câu chuyện hướng khác khi nó đi quá đà, hoặc là chuyển đề tài, Tuy nhiên cũng không ít lần bị bắt bí, “Tại sao mầy giãn ra khi câu chuyện đang hấp dẫn?”

Quả thật từ lý thuyết đến thực hành có một khoảng cách khá xa, nói dễ làm khó. Mình cũng như tất cả những Phật tử khác, ai mà hổng biết cái lý thuyết thân này như cái đãy da hôi thối, toàn máu mủ đờm dãi, tai có ráy, mũi có cứt mũi, miệng có bợn, mắt có ghèn, lỗ chân lông có mồ hôi, tiền môn và hậu môn có phẩn niếu… Dẫu biết rằng cái thân này chỉ là giả hợp của bốn đại… Nhưng hễ thấy người đẹp là mê và mơ! Đôi khi chỉ một nụ cười của người đẹp cũng đủ làm xao xuyến cả tâm hồn, một cái xúc chạm hay một lời tình tứ thì có thể vui lâng lâng thậm chí sanh tơ tưởng nọ kia. Dẫu biết xác thân là bất tịnh nhưng thấy người đẹp vẫn cứ bập vào như thường. Mình cũng như mọi người vậy, cứ để cho lục căn chấp vào sáu trần nên khổ và không biết đến khi nào mới có thể buông được! Lý thuyết đầy đủ cả rồi, biết rồi, thuộc nằm lòng rồi… nhưng thực hành mới là quan trọng, mới có hiệu quả, chứ cứ lý thuyết suông thì cũng như không mà thôi!

 Mình đang chiến đấu với bản thân mình, một cuộc chiến giữa giữ giới hay sống theo cảm tính, rõ ràng đây là một cuộc chiến khó khăn mà phần thắng hay thua còn ngang ngửa nhau, điều này phụ thuộc vào bản lãnh của chính mình, tuy nhiên trợ duyên thầy lành bạn tốt cũng rất quan trọng và cần thiết biết bao.

Ngày giữa tuần, tháng này, năm nay

Mình vẫn niệm Phật theo lối Bắc truyền, nghĩa là niệm danh hiệu Phật A Di Đà (niệm Phật theo Nam Truyền có khác, nghĩa là niệm Phật, niệm pháp, tăng, thiên, thí… tử). So với các phương pháp khác thì niệm Phật là dễ và đơn giản, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi. Những lúc làm việc thì các phương pháp khác khó có thể thực hiện, duy chỉ có niệm Phật là chẳng ảnh hưởng gì đến công việc cũng như những người cùng làm chung.

Mình đã vài lần có sự sảng khoái hưng phấn rất kỳ lạ trong lúc niệm Phật, một làn sóng rần rần lan tỏa từ đầu đến chân, len lỏi vào từng tế bào. Lúc ấy mình ngồi niệm phật trước bàn thờ Phật mà tự dưng thấy như thể bay bổng, cơ thể nở to ngang trời đất, thấy mình vượt cả trùng trùng mây, rồi từ cái cơ thể to lớn ấy nhìn thấy cái thân mình bé tí teo đang ngồi niệm Phật. Cái cảm giác lạ lùng ấy xuất hiện đâu chừng hai hoặc ba lần, sau này nhiều năm rồi không còn gặp lại nữa.

Hôm nay nhân có bạn thân chuyển cho mình một cái link, trong ấy một vị cư sĩ thuyết pháp trên Youtube. Mình rất ngạc nhiên và nghe cho đến hết. Vị ấy bài xích Phật Giáo Bắc Truyền một cách rất cực đoan, phủ nhận toàn bộ Phật Giáo Bắc Truyền, mỉa mai các vị Phật, Bồ Tát và kinh điển Bắc Truyền. Vị ấy tự phụ và khẳng định chỉ có Nam Truyền mới đúng chánh pháp và những ai tu theo Nam Truyền mới tu đúng, còn lại là tu sai, lạc đường hết! Vị ấy bảo kinh điển Phật Giáo Bắc Truyền do người Tàu viết… Thật ra thì chuyện tranh luận giữa Phật Giáo Bắc Truyền và Nam Truyền đã xảy ra lâu nay, nhưng hiện giờ, thông qua các mạng xã hội một số vị cực đoan mạnh miệng bài xích một cách thái quá. Mình vốn không muốn tranh luận nhưng bạn mình yêu cầu mình cho biết ý kiến nên mình mới vạch ra một số điểm không đúng của vị cư sĩ kia.

Phật giáo đại thừa vốn hình thành từ Ấn Độ chứ không phải hình thành ở Trung Hoa, các vị bồ tát Long Thọ, Thế Thân đều là xuất thân ở Ấn Độ, một số bộ luận đại thừa do hai vị ấy viết chứ không phải tất cả do người Trung Hoa viết. Việc vị cư sĩ ấy cực lực bác bỏ việc cầu nguyện với lý do hồi đức Phật còn tại thế không có cầu nguyện, cầu nguyện sẽ làm tăng lòng tham, dính mắc và không có trong chánh pháp. Có lẽ vị ấy nghĩ cầu nguyện là van xin thần thánh, thượng đế ban ơn xá tội như các tôn giáo khác nên mới nói vậy. Thật ra cầu nguyện là một cách hướng tâm đến việc thiện lành, tỷ như cầu cho cha mẹ an lạc, cầu cho mọi người gặp thầy lành bạn tốt, cầu cho chúng sanh sống trong tình thương, tỉnh thức, trách nhiệm, cầu đời đời gặp phật pháp… thì làm sao có thể tăng tâm tham hay dính mắc được cơ chứ? Còn giả như cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức… thì việc cầu ấy mới đáng phê phán! Vị cư sĩ ấy nằng nặc xóa bỏ việc cầu nguyện trong Phật Giáo, trong khi cầu nguyện là một việc hành trì không thể thiếu. Cầu nguyện để tín tâm kiên cố, bồ đề tâm tăng trưởng.

Còn có một điều khó có thể tưởng tượnmg hơn nữa là vị ấy còn bảo không nên tổ chức lễ Phật Đản, tổ chức lễ Phật Đản bởi vì mục đích tư lợi của những tu sĩ và cư sĩ. Mình không tranh cãi, chỉ phản biện những điểm vô lý thái quá và vị cư sĩ ấy chụp mũ mình, “… Người này không biết gì, không có tu cũng không có nghiên cứu…” ừ thì là vậy, mình chỉ là một Phật tử bình thường, chẳng có công phu hay nghiên cứu chi cả, mình chỉ nói những gì mình biết mà thôi! Nghiệp ai tạo nấy thọ, phước ai làm nấy hưởng, đâu cần phải lên gân mạnh miệng làm gì.

Mình xưa nay vốn không thích việc thỉnh tượng sư tử Tàu, La Hán Tàu, pháp khí Đài Loan về chưng tùm lum, tuy nhiên nhưng việc bài xích Phật Giáo Bắc Truyền một cách cực đoan như thế thì khó có thể chấp nhận được! Mặc dù Phật Giáo Bắc Truyền mang đậm dấu ấn Trung Quốc, có nhiều sự thêm bớt châm chế của các tổ sư Trung Hoa, có sự pha trộn những yếu tố tín ngưỡng bản địa. Mình ví dụ như: Trong kinh Dược Sư có yếu tố thắp đèn diên thọ, treo phan tục mạng… đó là Lão giáo chứ trong Phật pháp không hề có. Tuy nhiên cái cốt lõi của Phật pháp vẫn là: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thất Bồ Đề Phần, Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo… là cốt lõi, là căn bản, còn những yếu tố “hoa lá cành” thêm vào cũng chẳng sao. Mình lại ví Phật giáo Bắc Truyền và Nam Truyền như một quả trứng gà, nếu cố chấp cứ phủ nhận Phật Giáo Bắc Truyền thì có khác gì đập vỡ cái trứng gà để lấy cái lòng đỏ tinh túy. Sự cực đoan ở ngoài đời vốn đã khó chấp nhận huống chi là trong đạo Phật. Đạo Phật là một tôn giáo hòa bình, từ bi, trí huệ đi theo con đường trung đạo. Nếu cứ khăng khăng Phật Giáo Bắc Truyền là tu sai, không phải chánh pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật thì hãy nhìn xem các ngài Thích Thiền Tâm, Thích Trí Tịnh, Sư Bà Hải Triều Âm… hay các ngài Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ… Không lẽ các ngài tu sai hết cả chăng?

Có đôi lúc việc phủ nhận Phật Giáo Bắc Truyền của một số sư cũng làm cho tâm mình lung lay, may mà mình vẫn quyết tâm niệm Phật, tưởng Phật, nhớ Phật. Câu Phật hiệu giống như cái neo giữ cho con thuyền tâm không bị trôi dạt. Câu Phật hiệu như sợi dây giúp con diều bay cao mà không bị rơi hay cuốn theo gió. Thay vì trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp thì trụ vào câu Phật hiệu để đỡ dính mắc. Câu Phật hiệu như cái áo giáp bảo vệ hữu hiệu tâm mình.

Mình vẫn làm việc, vẫn đùa giỡn với mọi người nhưng hễ rảnh ra thì thầm niệm Phật. Câu Phật hiệu giúp ích rất nhiều, tâm mình an tịnh hơn, bớt loạn động, kiềm chế sự thái quá của những cơn vui, mừng, hờn, giận… Niệm Phật trong những lúc lo lắng hay sợ sệt, hồi hộp giúp làm giảm căng thẳng rất nhiều. Mình chưa dám nói sâu xa đến chuyện nhất tâm bất loạn hay vãng sanh. Mình chỉ dám đề cập đến việc áp dụng niệm Phật như một liệu pháp tâm lý rất hiệu quả và hữu ích trong cuộc sống hàng ngày.

Ngày thứ năm, tháng này, năm nay

Cuộc sống không thể không làm việc, nhất là ở xứ này, không làm là thấy hậu quả ngay lập tức. Rất nhiều người chỉ vì mất việc và không trả tiền nhà vài lần là ra đường thôi, vì vậy mà xứ này giàu có hùng mạnh nhất thiên hạ nhưng lại có người không nhà cửa lang thang khắp nơi.

Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vùa hợp pháp vừa chánh mạng thì càng quý, Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: Mua bán rượu, cần sa, (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao và cũng không tìm được việc khác nên vẫn phải làm.

Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự, “Mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả.” Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn. Hãng LM sản xuất vũ khí từ thông thường cho đến hạng nặng hoặc loại thông minh kỹ thuật cao. Chiếu theo lời Phật dạy thì sản xuất và mua bán vũ khí là tà mạng, nhưng ở phương diện quốc gia, nếu không sản xuất vũ khí thì lấy gì tự vệ? Lấy gì bảo đảm an nình cho đất nước cũng như của người dân? Điều này quá lớn, vượt qua sự hiểu thấu đáo của mình, mình chỉ tình cờ lan man một chút nhân chuyện bạn mình thế thôi!

Mấy nay bạn bè làm chung với mình vẫn bàn tán xôn xao theo thế sự. Ai cũng chửi rủa Putin đã ra tay tàn độc dã man ở Ukraine. Y đã tiến hành xâm lược và hủy diệt Ukraine, nhiều thành phố, thị trấn, làng mạc bị san bằng thành bình địa. Y độc ác đến độ hạ lệnh tấn công cả trường học, nhà thờ, siêu thị, bệnh viện, nhà hát…Y ra lệnh tàn sát cả dân lành để trả thù sự kháng cự ngoan cường của họ. Những địa danh Kyiv, Mariupol, Bucha… giờ trở thành những địa điểm đẫm máu, đầy xác người. Những địa danh ghi dấu ấn tội ác diệt chủng của quân đội Nga. Cũng may cho Ukraine, Mỹ và Tây Âu đã viện trợ nhiều vũ khí tối tân để giúp Ukraine tự vệ và tồn tại. Ukraine đã kháng cự thành công, quân Nga không thể chiếm được Ukraine. Chúng ta có thể thấy, nếu không có vũ khí hiện đại tân tiến ấy thì Ukraine khó mà đứng vững với chỉ tinh thần và ý chí. Vũ khí vừa có thể tàn sát lại vừa có thể tự vệ để sống còn. Xét cho cùng thì vũ khí là vật chất vô tri, cái mục đích sử dụng mới là vấn đề quan trọng.

Chiến tranh thật tàn khốc và kinh khủng, xây dựng phải tốn hàng trăm năm, thậm chí vài trăm năm nhưng chiến tranh phá hủy chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày. Đất nước Ukraine tươi đẹp thanh bình,vậy mà qua những đợt tấn công dã man của quân Nga đã tan hoang. Ukraine tiêu điều dưới những trận mua bom và hỏa tiễn của lòng tham vô độ, sự sân hận vô lý, những tính toán sai lầm đầy hoang tưởng của Putin. Lịch sử loài người là lịch sử của những trận chiến, không đánh lớn thì đánh nhỏ, không nơi này thì nơi khác, không lúc này thì lúc khác, xưa nay những trận chiến liên miên không dứt, chiến tranh không thể dứt khi mà con người còn tạo ra nhân chiến tranh, con người còn sống trong sự thù hận, đố kỵ, tham lam và si mê. Phật dạy: “Lấy oán báo oán, oán ấy không dứt” nhưng ở thế gian này thì biết làm sao đây? Không phải ai cũng biết Phật pháp, không phải ai cũng chấp nhận Phật pháp và không phải ai cũng đem Phật pháp áp dụng vào đời. Nhất là những người nắm quyền lực cao, những người có quyền quyết định vận mệnh của dân tộc hay quốc gia, những tập đoàn chính trị, quân sự, kinh tế… A Dục là một ông vua tàn bạo thuở ban đầu, sau đó hồi tâm chuyển ý và trở thành một ông vua nhân từ, ủng hộ Phật pháp, áp dụng Phật pháp vào việc lãnh đạo quốc gia và đối xử với con người. Thế gian này tìm đâu ra người lãnh đạo như vua A Dục?

Bát Chánh Đạo là con đường trung đạo, nếu y cứ vào đó mà tu hành thì có thể chuyển phàm thành thánh. Bát Chánh Đạo tuyệt vời như thế, thánh thiện như thế nhưng áp dụng vào đời quả là không dễ. Địa vị càng cao càng khó có chánh ngữ nói riêng, Bát Chánh Đạo nói chung. Với người bình thường như chúng ta thì có áp dụng cũng chút chút chứ khó mà làm tròn (nếu làm trọn vẹn thì đã thành thánh cả rồi). Mỗi người chúng ta vì khác biệt ở nguồn gốc xuất thân, quan điểm chính trị, trình độ hiểu biết, quyền lợi… nên khó có được chánh kiến, vì thiếu chánh kiến nên tư duy cũng không chánh, hai mục trên không chánh thì không thể chánh ngữ (nói sai sự thật để được gì đấy hay để bảo vệ cái tà kiến của mình). Đã tà kiến, tà ngữ rồi thì tạo cái nghiệp không chánh đáng hay nói khác là tà nghiệp. Không có chánh kiến cũng khó vượt qua tà mạng, làm những việc không chánh mạng (mua bán rượu, thuốc gây nghiện, vũ khí, mại dâm…). Một khi đã không có chánh kiến thì mọi sự cố gắng cũng không thể nào chánh được, vì thế mà không thể có chánh tinh tấn và chánh niệm, chánh định. Chánh kiến đứng đầu trong Bát Chánh Đạo, chánh kiến vô cùng quan trọng như thế, bởi vậy mà trong pháp lục hòa của nhà chùa cũng để “Kiến hòa đồng giải” đứng đầu là vậy.

Ngày làm cuối, tháng này, năm nay

Hôm nay thứ sáu, ngày làm cuối của tuần, rất may tuần này họ không bắt buộc phải làm thêm giờ. Mình không thích làm thêm vào thứ bảy, một phần mệt mỏi, một phần thì cũng thấy “biết đủ.” Hãng khi cần thì họ mới buộc phải làm, còn không cần lắm thì tự chọn. Khi họ buộc phải làm mà không làm thì có thể bị đuổi việc. Khi mình ở trong một nhóm nào đó thì mình phải chịu cái luật chung của nhóm. Mình không thể đứng ngoài hay đứng trên được! Nói cách khác đó cũng là cộng nghiệp.

Việc mưu sinh chẳng dễ tí nào, nên khi có việc thì phải giữ việc, về mặt lý thuyết thì tiền bạc là vật ngoại thân, phù du nhưng ở đời không có tiền thì làm sao sống nổi? Tiền không thể mua được sức khỏe hay hạnh phúc nhưng không có tiền thì khó mà sống an ổn được giữa cuộc đời ngũ trược ác thế. Đừng nói là ở ngoài đời, ngay cả trong đạo mà không có tiền thì cũng không thể nào xây chùa, đúc chuông, tô tượng, in kinh hay tổ chức những hoạt động khác. Đành rằng việc tu học giải thoát không nệ ở cơ sở vật chất, nhưng để độ sanh thì cần có cơ sở vật chất và hình thức.

Thế gian này hầu hết mọi người đều mưu sinh vất vả, chỉ có một số ít, rất ít người không cần phải mưu sinh mà vẫn sống sung túc, tháng ngày sống trong hoan lạc, những người này có lẽ dư phước từ tiền kiếp rất lớn. Cuộc đời này mưu sinh khổ, xung đột khổ, tình yêu và gia đình cũng khổ (không khổ thì đã không cãi cọ, ly thân, ly hôn), thân khổ, tâm khổ, khổ vì sinh lão bệnh tử, khổ vì cầu không được, khổ vì ghét lại gần mà thương thì phải xa, khổ vì thấy khổ mà không thoát khỏi khổ, khổ chồng khổ, khổ đi đến khổ, khổ vì hoại khổ… Tóm lại đời là bể khổ! Bạn mình nhìn mình rồi cười cười, “Đạo Phật bi quan yếm thế quá! Đành rằng có khổ nhưng đời có bao nhiêu thứ vui thú, cứ hưởng thụ đi, cớ sao cứ nhìn cái khổ để rồi khổ?”

Mình cũng cười cười nhìn bạn mình, “Chính vì những thú vui hưởng thụ ấy mà khổ. Phật chỉ nói sự thật (diệu đế) mà mình không thấy, không biết. Phật chỉ ra nguyên nhân của khổ ( tập đế). Chẳng có gì bi quan, Phật chỉ ra sự thật và chỉ con đường đi đến thoát khổ (đạo đế, diệt đế). Mình chỉ nhìn một nửa rồi la lên bi quan, con đường và phương pháp thoát khổ đã có, còn đi hay không và đi đến được mức độ nào là ở bản thân chúng ta. Phật chỉ chỉ đường chứ không thể đi giúp, ai đi nấy đến, ai ăn nấy no. Phật, Bồ Tát, thầy lành bạn tốt… là trợ duyên.”

Đạo Phật là đạo giác ngộ, trong các tôn giáo khác có ban phước giáng họa, có cứu vớt có đày địa ngục… Đạo Phật thì dễ dàng và đơn giản hơn, ai uống thuốc thì hết bệnh, muốn hết khổ thì y cứ theo chánh pháp mà hành. Phật là người chỉ đường, pháp là cách thức thực hành, tăng chỉ là hướng đạo, trợ duyên… Đạo Phật có thiên kinh vạn quyển, nhiều tông môn pháp phái, nhiều dòng truyền thừa… ấy là vì tính khế cơ khế lý, vì phải phù hợp với tập quán văn hóa bản địa, phải tương ưng với trình độ căn cơ của người nơi ấy… Dù có nhiều khác biệt nhưng vẫn giữ cái cốt lõi căn bản: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thất Bồ Đề Phần, Lục Độ Ba La Mật, Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo… và người thực hành dù là tu sĩ hay cư sĩ tại gia vẫn không ngoài văn – tư – tu.

Ở xứ Cờ Hoa này có thể nói là giàu mạnh nhất thiên hạ, cuộc sống vật chất phủ phê sung túc, con người không bị nạn quan quyền nha môn hà hiếp, khoa học kỹ thuật tân tiến nên đời sống tương đối dễ dàng thuận tiện, nghĩa là có phước báo lớn hơn so với người dân ở các xứ độc tài, lạc hậu, nghèo đói. Tuy nhiên cái khổ của bệnh tật, già, chết thì vẫn không sao tránh khỏi. Vẫn phải bệnh, già, chết như mọi chúng sanh khác. Sự giàu có, tân tiến hiện đại chẳng giúp được gì trong vấn nạn khổ này. Rốt cuộc cũng chỉ có trung đạo mới có thể giải thoát con người ra khỏi sanh tử luân hồi. Mình cũng như những Phật tử khác, không dám cao vọng cuồng ngôn nói chuyện thoát ly sanh tử luân hồi. Mình học Phật chỉ là để tìm sự an lạc tạm trong cuộc đời này, chỉ để gieo cái nhân lành cho việc tái sanh, gieo cái duyên tốt cho những kiếp sau này còn gặp chánh pháp, gặp thầy lành bạn tốt. Điều căn bản nhất và có khả năng nhất ấy chính là giữ năm giới một cách tốt nhất mà mình có thể, để làm cơ sở cho sự tái sanh làm người.

Niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn quả là không dễ, niệm Phật để vãng sanh thì thế gian này có được bao nhiêu người? Nói đơn giản và thực tế nhất thì niệm Phật để tâm bớt dính mắc vào sáu trần. Câu Phật hiệu như sợi xích buộc cổ con khỉ ý thức lại, là dây cương để kềm chế con ngựa hoang. Niệm Phật để gieo duyên, luyện cái tâm mình. Chuyện vãng sanh rất khó dám nói đến, ngay cả những vị xuất gia cũng vậy, khi lâm chung phụ thuộc rất lớn ở cái nghiệp nào khởi phát mạnh và trước.

Niệm Phật là pháp môn phù hợp và dễ nhất cho những người Phật tử hàng ngày phải đi làm. Việc niệm Phật, nghĩ Phật, tưởng Phật trong lúc làm việc không ảnh hưởng gì đến công việc cũng như những người làm chung, tất nhiên cũng còn tùy thuộc vào loại công việc nữa. Với thiền thì đòi hỏi phải có một chỗ ngồi yên tịnh, một địa điểm cụ thể, một không gian thích hợp và đôi khi còn phải có thầy hoặc bạn trợ giúp, lễ lạy thì không thể áp dụng ở chỗ làm. Tóm lại trong các phương pháp thì niệm Phật là tối ưu hơn. Mình chỉ dụng tâm, trong làm việc vẫn niệm Phật được như thường, cho dù công việc có bận rộn nhưng chí ít trong một ngày làm việc vẫn có thể có những khoảng thời gian lặng để niệm Phật. Niệm Phật là một cách để luyện tâm, thanh lọc tâm, huân tập chủng tử Phật trong tâm, làm cho chủng tử Phật nhiều hơn, mạnh hơn những chủng tử của tài, sắc, danh, thực, thùy.

Mình đã đọc qua, đã nghe thấy những lời chê bai: “Niệm Phật là việc dành cho ông già bà cả, những người học vấn thấp, ít chữ nghĩa…” Nhưng mình cũng được biết có những khi chỉ với nồi nước xông, một lát gừng hay một viên thuốc cảm xoàng nhưng cứu được mạng người, thôi thì mượn tạm câu nói của các vị thiền sư: “Nước nóng lạnh ai uống nấy biết, thức ăn ngon dở ai ăn nấy hay.”

Ngày cuối tuần, tháng này, năm nay

Thế là mình được ngủ đủ giấc, bù lại những ngày thiếu ngủ, những ngày đi làm trong tuần có bao giờ được thấy ánh bình minh. Đi cày từ lúc mặt trời còn chìm sâu trong mộng mị vũ trụ, trong chỗ làm thì ánh đèn neon, led, không khí lạnh hoặc ấm cũng từ máy, âm thanh máy móc… tất cả đều là nhân tạo. Bởi vậy ngày nghỉ cuối tuần mới tuyệt làm sao, ra vườn đón ánh nắng ban mai, ngắm hoa khoe sắc nghe chim hót véo von, hít thở không khí trong lành tươi mát…

Ngày nghỉ cuối tuần cũng là ngày để tụng kinh, niệm Phật hay quán … Lịch trình của mình gần như cố định vậy, chỉ trừ khi có dịp đi chơi xa thì mới thay đổi. Làm gì thì làm, buổi sáng cuối tuần đều phải công phu. Mình là Phật tử tại gia thông thường thì tụng kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, trì danh hiệu Phật (theo truyền thống Bắc tông), hoặc tụng kinh Suy Niệm Về Nghiệp, Kinh Phước Đức, Kinh Thắng Hạnh, Kinh Châu Báu… quán Tứ Niệm Xứ (theo truyền thống Nam Tông). Theo cái hiểu biết thô thiển cạn cợt của mình thì nên dung hòa cả hai, vì hai trường phái bổ sung cho nhau, mỗi trường phái có điểm mạnh khác nhau (không biết mình có ba phải không?), mình chẳng thấy có gì đáng để xung khắc hay chống báng lẫn nhau. Nếu ở Bắc Tông thì nên gạn lọc bỏ đi những điều vốn không có trong Phật pháp như: Xin xăm, coi quẻ, coi đất, trục vong, mở ngải, hô thần nhập tượng hay những lễ nghi pha trộn Lão giáo của người Hoa, những chi tiết nặng màu sắc Trung Hoa. Còn Nam Tông cũng có những việc mê tín mang dấu ấn của văn hóa và tín ngưỡng bản địa như: Buộc chỉ chúc phúc, đeo bùa, kiêng kỵ hay cấm đoán một cách vô lý những gì có liên quan đến nữ giới…

Việc công phu cuối tuần của mình có tụng kinh, niệm Phật, quán bốn xứ… nhưng vẫn lấy niệm Phật làm căn bản, niệm ký số, niệm bằng ý niệm hoặc dùng chuỗi tràng. Trung bình một hơi thở được năm câu Phật hiệu, rồi mỗi mười hơi thở làm một số, rồi mười số ấy thực hiện mười lần nữa hoặc hơn. Tuy nhiên có một điều đáng nói ở đây là có đôi khi vừa ngồi xuống chừng hai phút là lập tức vật vờ, lừ đừ, mơ màng ngủ dù có cưỡng cách mấy cũng không thể, những lúc thế này thì mình đứng dậy lạy Phật chứ không thể ngồi, lạy cho đến khi tỉnh hẳn hoặc cho xong khóa lễ, có lẽ theo lời thầy tổ đây là hôn trầm. Cũng có lúc vừa ngồi xuống thì trong người máu huyết nhộn nhạo vô cùng khó chịu cảm giác giống như những nhân vật trong phim kiếm hiệp bị tẩu hỏa nhập ma, tinh thần bức rức bất an mà không biết bất an vì điều gì, mình nghiệm theo kinh sách thì đây là trạo cử.

Còn có trường hợp rất đáng xấu hổ là khi mới ngồi xuống thì thấy những hình ảnh nam nữ lõa thể hay hình ảnh liên quan sắc dục. Mình lập tức đứng dậy lạy Phật, chỉ có lạy Phật mới làm những hình ảnh ấy tan biến đi. Mình biết đây là hậu quả của những lần xem phim đen, phim bậy bạ, việc này quả là phiền phức và phiền não. Mình biết là xấu, là ác pháp nhưng cứ tái phạm nhiều lần, sau khi xem những phim xấu ấy thì những chủng tứ sắc dục sẽ lưu lại trong tạng thức. Việc xem phim đen dù chỉ một mình trong phòng riêng nhưng quỷ thần đều biết, trời đất biết. Việc này vừa làm phiền đến chư thiên quỷ thần và khiến họ chán ghét, vừa tự làm tổn phước của mình. Đừng nói gì chư thiên quỷ thần, người phàm phu cũng biết, cho dù mình có xóa hết vết tích nhưng chỉ ớ máy cá nhân của mình, còn trên máy chủ của nhà mạng vẫn lưu lại những lần truy cập của bất cứ ai, ấy là chưa kể cơ quan chức năng an ninh, cơ quan cung cấp dịch vụ… họ biết lịch sử truy cập NET của tất cả mọi người. Mấy nay mình dấu kín việc này, nay mình viết ra cũng là để sám hối, sám hối trước tôn tượng phật, sám hối với chính bản thân mình.

Ngày nghỉ cuối tuần thật thoải mái và sung sướng, mình nhớ người phương Tây có câu ngạn ngữ: “Chỉ những ai làm việc vất vả cả tuần họ mới biết ý nghĩa của ngày nghỉ cuối tuần.” Mình đang hưởng hạnh phúc của ngày nghỉ cuối tuần, hưởng những phút giây hiện tại và ngay tại đây!

Ngày nghỉ cuối tuần mình cũng thường ghé quán cà phê, những quán cà phê Việt ở thành Ất Lăng hầu hết là những điểm chứa máy đánh bạc. Ly cà phê có mấy đồng sống sao nổi? Chủ quán sống mạnh, sống khỏe, sống sung túc là nhờ tiền hoa hồng từ những máy đánh bạc này. Đánh bạc trên mạng hay trực tiếp cũng đều là ác pháp và tà mạng. Những máy đánh bạc dẫu hợp pháp, có đóng thuế, có giấy phép hợp pháp của chính quyền nhưng xét theo quan điểm Phật giáo rõ ràng là tà mạng. Pháp Phật và pháp thế gian có một khoảng cách lớn và nhiều trường hợp trái ngược nhau, máy đánh bạc là một minh chứng vậy. Bởi thế mà chúng ta cũng thường nghe nói những người tu hành là những kẻ lội ngược dòng, ngược dòng đời, ngược pháp thế gian. Pháp Phật giúp người buông bỏ, giải thoát còn pháp thế gian khiến người ta vơ vào nhiều hơn, khiến người ta tham hơn, ràng buộc chặt hơn, đâu đâu cũng muốn lợi nhuận nhiều hơn, năng suất cao hơn, tiền bạc vật chất không bao giờ biết đủ…

Ở quán cà phê Việt có rất nhiều những con bạc khát nước, họ thua te tua, nhiều người bán cả nhà, tiệm, rút hết tiền 401K… để trả nợ, nợ đánh bạc và cả nợ vay từ những người cho vay. Mình cũng bỏ vài chục đồng thử thời vận (dù biết rõ ràng là vận may hay phước báo thì phải tạo lấy chứ không thể có khơi khơi kiểu trên trời rơi xuống), những lúc ấy mới thấy rõ cái tâm mình thật đáng sợ, thua thì nó bừng bừng như lửa đốt, phải cố gỡ cho bằng được, phải quyết lấy lại những gì đã mất; còn khi thắng thì lòng tham nó dâng như nước lũ mùa lụt, muốn thắng thêm, thắng nữa và cứ ảo tưởng cái giải độc đắc sắp vào tay mình. Vì cái tâm vọng động ảo tưởng ấy mà nhiều con bạc trắng tay, tan nát cả gia đình, xất bấc xang bang, dở dang lỡ cả cuộc đời. Mình cũng may, nhờ biết Phật pháp và áp dụng Phật pháp nên biết dừng lại. Mình chỉ thử vài chục đồng ấy thôi, không chỉ ở mỗi việc này mà còn nhiều việc khác nữa, mình đã biết và kịp dừng lại.

Phật pháp tuyệt vời như vậy, hay như vậy, chẳng có chi là bi quan hay mê tín, ngược lại nữa là khác, rất khoa học, rất thực tế. Phật pháp cũng có thể áp dụng vào đời sống như một liệu pháp tâm lý rất hữu ích cho người và cho đời.

Ngày tái tạo, tháng này, năm nay

Ngày nghỉ cuối tuần cũng là ngày nạp năng lượng, tái tạo lại những tiêu hao, hư hoại của những ngày làm việc, của quá trình sanh lão… Ngày nghỉ cuối tuần cũng là ngày chuẩn bị cho một tuần mới kế tiếp. Quan niệm của người Âu-Mỹ xưa nay thì ngày này là ngày của Chúa, Chúa Nhật. Ngày này chỉ để nghỉ ngơi, cầu nguyện, không hoạt động, giảm mua bán… Tuy nhiên xã hội hiện đại hôm nay đã đổi thay, luật cũng uyển chuyển thay đổi cho phù hợp tình hình thời thế, một mặc khác thì “Đa kim ngân phá luật lệ,” các ông chủ, các tập đoàn kinh tế chi tiền vận động hành lang để sửa luật. Ngày nay Chủ Nhật người ta vẫn mua bán, vẫn ăn chơi, nếu như lúc trước không được bán rượu vào ngày chủ nhật thì giờ cho bán thả giàn luôn.

Chùa Việt ở xứ này cũng phải thuận theo pháp độ và tập quán xã hội, cái này gọi là tùy thuận pháp thế gian. Chùa cũng chỉ mở cửa vào cuối tuần để hành lễ, nếu mở ngày thường thì… chẳng có ai đến vì mọi người đều phải làm việc. Ở xứ này nếu ngày mồng một hay này rằm mà rơi vào ngày thường thì cũng đành chịu! Quan hôn tang chế cũng vậy, tất cả chỉ có thể đợi đến ngày cuối tuần.

Mình cũng có nhiều năm dạy tiếng Việt vào ngày chủ nhật ở chùa H, nhờ việc dạy tiếng Việt mà mình chiêm nghiệm ra nhiều điều thú vị. Hầu hết con em người Việt sanh ra và lớn lên ở xứ này đều không đọc được tiếng Việt, nói tiếng Việt thì đơn đớt như Tây nói tiếng Việt. Ở lớp tiếng Việt của mình đặc biệt có hai em Vi và Luân, tuy cũng sanh ra ở hải ngoại nhưng lại nói tiếng Việt sõi và sành điệu như trẻ em ở Việt Nam. Mình dạy hai em từ lúc còn ở bậc cấp hai cho đến khi vào đại học. Hai em học rất giỏi, sử dụng thành thạo tiếng Việt. Có một điểm ở hai em mà ta khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu dù là ở Việt Nam, điểm ấy là hai em rất ngoan và lễ phép một cách rất “cổ điển.” Bây giờ hai em đã lớn và đi làm nhưng gặp mình vẫn vòng tay cúi đầu chào. Mình bảo hai em đừng làm như thế nữa nhưng hai em vẫn không thay đổi! Có lẽ trong tạng thức của hai em chủng tử tiếng Việt và lễ nghi Việt còn in đậm và khởi dụng.

Mỗi sáng chủ nhật mình đều công phu, sau khi tụng kinh, niệm Phật thì ra vườn dạo loanh quanh. Trong vườn hoa nhà mình có nhiều những tôn tượng Phật và Bồ Tát. Mình bày trí dưới những cội hoa đào, hoa đỗ quyên, hoa dogwood… Mùa xuân hoa nở rực rỡ cả một góc trời, cánh hoa đào bay trong gió, đậu trên tượng Phật; hoa đỗ quyên khoe sắc đỏ, hồng, trắng, cam…; hoa tulip, thủy tiên thơm ngan ngát, tất cả sắc hương như dâng cúng dường Thế Tôn, cúng dường chư Phật, chư Bồ Tát khắp mười phương, dạo trong vườn mà mình lâng lâng sảng khoái. Mình đang sống những phút giây hiện tại và ngay tại đây, cái khái niệm bây giờ và ở đây có thể hiểu chính là hiện pháp lạc trú.

Hiện pháp lạc trú, lối sống đơn giản, tỉnh thức của thầy Nhất Hạnh và Làng Mai đã cảm hóa và tạo nhân duyên tốt lành để hàng chục ngàn người Âu-Mỹ-Á-Phi gia nhập đạo Phật, quay về nương tựa tam bảo. Thầy Nhất hạnh với cách làm mới đạo Phật, cách xiển dương Phật pháp hợp với văn hóa và tính cách người Âu-Mỹ nên đã tạo nên một làn sóng, một hiện tượng mới trong đạo Phật. Thầy Nhất Hạnh và Làng Mai đã thổi một luồng gió mới mẻ tinh khiết vào hồn người Âu-Mỹ. Một bộ phận người Âu-Mỹ đã lạc lõng với đức tin truyền thống của họ, họ đã tìm thấy một lối sống, một con đường tỉnh thức ở Làng Mai nói riêng ở Phật pháp nói chung.

Mình hâm mộ thầy Nhất Hạnh và Làng Mai lắm, thích thú với lối sống và hành đạo của Làng Mai, tuy nhiên trong tâm vẫn có một cái gì đó hơi lợn cợn lấn cấn rất khó nói ra và cũng không dám nói ra. Mình tuyệt đối cung kính thầy và Làng Mai, tuyệt đối không dám bàn luận gì, ở đây mình chỉ nói cái cảm nghĩ riêng của mình mà thôi. Đường lối của Làng Mai đặt trọng tâm vào hiện tại “Ở đây và bây giờ” hình như không đề cập hay nói gì đến mục đích cao cả tối thượng là giải thoát như đức Thế Tôn đã dạy. Ở một góc độ nào đó và một khoảnh thời gian hình như thầy Nhất Hạnh tách mình ra khỏi tiến trình của dân tộc cũng như Phật Việt? Thầy Nhất Hạnh giảng Tứ Niệm Xứ và chỉ nhấn mạnh thân bất tịnh, tâm vô thường, pháp vô ngã, còn yếu tố thọ là khổ thì thầy không chấp nhận, thầy bảo thọ không chỉ có khổ, không hẳn là khổ. Mình thấy hơi hoang mang ở điểm này, mặc dù mình vô cùng tôn kính, khâm phục thầy. Khi gác bỏ những ý kiến riêng này thì mình thấy thấy là một vị sư lỗi lạc, uyên bác, khiêm nhường. Một vị thầy vĩ đại đã đem đạo Phật vào đất chúa Âu-Mỹ, một vị thầy đã khai dòng mới với hàng chục ngàn Phật tử đủ các sắc tộc màu da khác nhau quay về nương tựa tam bảo và nương tựa ở chính bản thân (hải đảo tự thân).

Ngày chủ nhật bình yên và an lạc, một ngày nạp năng lượng và tái tạo lại những suy hao hư hoại của quá trình làm việc và sống, đó là về mặt thân xác. Ngày chủ nhật cũng là ngày nạp thêm năng lượng tinh thần, bồi tài thêm cho niềm tin ở chánh pháp, bồ đề tâm và tín tâm, để rồi tiếp tục sống và sống an lạc giữa dòng đời vất vả, bận rộn và nhiều hệ lụy này!

Mình cũng mong tất cả các bạn Phật tử nên dành ngày chủ nhật để “sống,” để an lạc, để tận hưởng và bồi bổ trong chánh pháp. Giáo sư Đông Phương Mỹ, một giáo sư triết học, một Phật tử thuần thành người Đài Loan đã từng phát biểu, “Học Phật là sự hưởng thụ lớn nhất của đời người.” Mình vin vào câu nói này và có viết một bài văn về sự hưởng thụ Phật pháp, trong ấy cái ý đại khái là: “Học Phật là sự hưởng thụ chí chánh, chơn thiện và tuyệt mỹ.”

Ngày chủ nhật là ngày lên chùa lễ Phật tụng kinh, ngồi thiền, bái sám… thay vì mồng một hay ngày rằm như ở Việt Nam. Mình ở xứ này thì phải tùy thuận quốc độ, tùy thuận pháp độ. Mình nên dành một ít thời gian trong ngày chủ nhật để tái nạp năng lượng cho cả thân và tâm, chứ nếu cứ đua đòi chạy theo mua sắm, shopping, mall thì uổng quá! Đời ngắn tạm, mạng sống mong manh giữa hai làn hơi thở vào và ra. Hãy tận hưởng ngày chủ nhật, hãy biến ngày chủ nhật thành ngày an lạc, ngày hạnh phúc, ngày hưởng thụ Phật pháp ngay bây giờ và ở tại đây.

Ngày rằm, tháng này, năm nay

Ngày rằm là một ngày quan trọng và thiêng liêng đối với người Phật tử Việt Nam, ngay cả những người Việt không tôn giáo hay các tôn giáo khác cũng ít nhiều để tâm đến. Lịch sử ngàn đời của dân tộc và đạo Phật đã in sâu vào tâm khảm của mọi người. Những ngày rằm lớn như rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng bảy… hầu như tác động đến tất cả mọi người. Tuy nhiên ngày rằm tháng Tư là trọng đại nhất, đây là ngày trăng tròn, ngày Vesak, ngày tam hợp, ngày ghi dấu ấn lớn không chỉ với Phật tử Việt mà là của toàn thể tín đồ Phật giáo trên thế giới. Ngày này là ngày thị hiện của một đấng “Thiên nhơn chi đạo sư,” ngài đến thế gian để đem lại giáo pháp từ bi và giải thoát cho loài người.

Con người từ lâu sống trong sự vô minh, trói buộc, phiền não, nay ngài đến để dùng từ bi và trí huệ chỉ cho lòai người nhận biết sự thật và con đường giải thoát, giải thoát một cách triệt để những ràng buộc hệ lụy của đời người. Mục đích Phật thị hiện là để giáo hóa chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến (Kinh Pháp Hoa).

Ngày rằm với người Việt từ xưa đến giờ là lên chùa dâng hương lễ Phật, hướng về tam bảo. Những ngày khác có thể tranh đấu hơn thua, có thể làm nhiều điều sai quấy… Nhưng chí ít ngày rằm mọi người cũng tạm dừng để mà hướng tâm về chùa, về cõi Phật, về điều thiện

Phật pháp truyền đến đâu thì giao thoa với văn hóa bản địa ở đấy. Việt Nam cũng không ngoại lệ, bởi vậy ở Việt Nam trong đạo Phật (nhất là chùa quê) có xin xăm, gieo quẻ, coi ngày giờ… Mình nhớ rất rõ ràng, ngày xưa ngoại mình rất tin, tin tuyệt đối ở sư cụ chùa làng, phàm việc gì bà cũng lên chùa xin thầy coi giúp cho ngày giờ tốt, thỉnh thầy cầu an, cầu siêu… Ngoại mình tin ở Phật, tin ở Tam Bảo nhưng cũng như mọi người dân quê khác, niềm tin ấy pha lẫn những yếu tố tín ngưỡng dân gian hay bản địa nên mới có chuyện xin xăm, gieo quẻ âm dương, coi ngày giờ, đeo bùa hộ mệnh… Ngoại mình tin một cách thành tâm, tin có Phật Bồ Tát gia hộ, có chư thiên, quỷ thần hộ vệ việc thiện, trừng phạt việc ác. Tin có ngày cát tường, có ngày xấu… Bà thường đọc câu ca dao:

Mười lăm mùng bốn hăm ba
Trong ba ngày ấy không ra ngoài đường
Hoặc là dị bản khác
Mùng năm mười bốn hăm ba
Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn

Những ngày này bà kiêng kỵ cẩn thận lắm, nhất định không đi đâu xa, không làm việc gì lớn, ấy vậy mà đi lên chùa thì bà lại hăm hở sốt sắng mặc dù ngày mười lăm (rằm) có trong danh sách những ngày không nên ra đường, cái tín tâm của bà thật mạnh và đơn sơ. Bà đâu được học giáo lý như bọn con cháu sau này nên đâu biết trong kinh Thắng Hạnh đức Thế Tôn đã dạy:

Khi nghiệp thân khẩu ý
Hiền thiện và thanh tịnh
Thì là ngày cát tường
Là giờ phút hanh thông
Là thời khắc hưng vượng.

Khi mình còn nhỏ, mình được ba chở lên chùa những ngày rằm, mùng một. Mình thích lắm và còn nhớ rõ về ngôi chùa làng ấy. Một ngôi chùa cổ rất tiêu sái ở giữa đồng quê, trước mặt là cánh đồng xanh ngát, sau lưng là một gò hoang rộng mênh mông đầy mồ mả. Trong chùa có nhiều cỗ quan tài của dân quanh vùng ký gởi. Người dân có thói quen sắm sẵn quan tài để dành khi hữu sự nhưng lại sợ không dám để ở nhà nên đem gởi ở chùa. Rằm nào cũng lên chùa, sau khi lễ Phật xong, mình thơ thẩn khắp trong ngoài, khám phá đủ thứ cho thỏa tánh tò mò. Mình xem những ngôi mộ tổ, rất nhiều chữ Hán dán bằng miểng sành, mình có biết chi đâu, thế mà lại thích và thấy thương chi lạ. Mình thấy hầu như các bà đều xin xăm, gieo quẻ, coi ngày giờ tốt xấu… y hệt như ngoại mình. Mình nghe ba và các chú lớn hơn bàn tán chuyện này là không đúng chánh pháp. Ba mình bảo, “Xưa các tổ dùng phương tiện để dẫn dắt và độ người, giờ đã thành tập quán, khó loại bỏ.”

Mình sợ tượng hộ pháp và ông Tiêu, sợ nhưng vẫn len lén nhìn. Mình thắc mắc, “Lễ Phật là đúng rồi vì ông Phật hiền và cứu người, sao lại còn đốt nhang lễ ông Tiêu Diện?” Ba mình giải thích, “Hộ pháp giữ chùa, ông Tiêu Diện cũng là bồ tát hóa thân để khuyến khích cái thiện, ngăn ngừa cái ác. Nếu người thiện nhìn thì thấy là hiền, người nào xấu thì nhìn vào sẽ thấy ác.”

Lúc ấy còn nhỏ nên chẳng hiểu gì, sau này lớn lên mới hiểu được chút ít ý nghĩa ẩn tàng cũng như triết lý thâm sâu: Thiện ác vốn không hai, mê ngộ chẳng tách rời, tất cả từ một niệm tâm mà ra, tỉnh thì giác, thì hiền; mê thì muội, thì ác. Cứ xem hai mặt của một bàn tay thì biết vậy! Trái phải vốn không hai mà cũng chẳng là một.

Phật thị hiện ở thế gian này để chỉ con đường giác ngộ cho loài người, để giáo hóa con người hướng về hiền thiện thức tỉnh. Phật đã từng nói ngài không phải là thượng đế hay thần linh nên không có ban phước giáng họa. Ngài độ người bằng cách chỉ đường đi, dùng phương tiện đưa chúng sanh ra khỏi nhà lửa, bày phương pháp cho mọi người thức tỉnh mà dấn thân, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như chư Phật ba đời mười phương đều là những vị thầy chỉ đường. Độ người bằng cách chỉ đường đi, chế ra phương thuốc để trị bệnh khổ. Chúng ta phải tự đi thì mới đến, phải uống thuốc thì mới hết bệnh. Các ngài không thể đi giúp hay uống thuốc giùm. Đường đi đã có, thuốc đã sẵn, phương pháp đã bày còn đi hay không là ở chúng ta.

Phật là bậc đại hùng, đại lực, đại từ bi nhưng nếu chúng ta không chịu đi, thuốc không chịu uống thì các ngài cũng đành chịu mà thôi! Sở dĩ có nhiều tông môn pháp phái, nhiều phương pháp hành trì, nhiều phương thức lễ nghi… là vì căn cơ chúng ta vốn thiên sai vạn biệt, bản tánh vô cùng khác nhau, một con đường hay một phương pháp thì không thể nào thích ứng cho tất cả, bởi vậy mà mới có phương tiện chế ra để phù hợp với mọi người. Tuy có nhiều cách thức khác nhau nhưng cốt lõi căn bản vẫn duy trì được thì Phật pháp không suy hao. Con đường giác ngộ vẫn rộng thênh thang phía trước.

Bây giờ mình sinh sống ở ngoại phương, phải tùy thuận theo phong tục tập quán địa phương, phải tùy thuận theo pháp độ và quốc độ. Ngày rằm nằm trong tâm tưởng nhưng không thể lên chùa vào ngày rằm, chỉ có thể lên chùa vào ngày cuối tuần mà thôi. Ngày rằm lên chùa dâng hương lễ Phật chỉ có thể duy trì nơi cố quận, đây có lẽ cái phước của người cố quận, người ngoại phương chịu thiệt ở điểm này Ngày rằm tháng trăng tròn, ngày rằm lễ Vesak là một ngày thiêng liêng và trọng đại cũng đành phải chờ ngày nghỉ cuối tuần.

Ất Lăng thành, 04/22

(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả sống tại Atlanta, Georgia)

Một gia đình đang lễ Phật trong một ngôi chùa tại Yangon, Miến Điện tháng Giêng 2013. (Michael Coghlan from Adelaide, Úc / Wikimedia Commons)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *