Nói chuyện về bảo vật

*Đọc 4 phút*

Bài TÂM KHÔNG VĨNH HỮU

Nam mô Phật!

Con luôn nhớ đến “Bát phong xuy bất động” (8 ngọn gió đời, 8 pháp ở thế gian hay làm loạn động, mê hoặc lòng người), để tâm mình không buông lung phóng túng, để biết mình đang ở đâu, ở vị trí nào, khi đang gặp gió, nhất là thứ gió “Dự” (gián tiếp khen ngợi con người), gió “Xưng” (trực tiếp ca tụng con người).

Chính con đã từng nhắc nhở mình về mấy ngọn gió đời này, qua mấy bài tứ cú lục bát:

DỰ
Xun xoe mật ngọt chết ruồi
Mây xanh bay bổng ôm lời ngợi khen
Chạm chân trên đỉnh chông chênh
Ta bà huyễn mộng lăn kềnh rớt rơi.

XƯNG
Vênh vênh hoan hỷ giữa làng
Nấc cao tán thán, bảng vàng tán dương
Mang về tự mãn soi gương
Giật mình trước mắt vô thường số không!

Học Phật để mà tu. Tu thì phải hành, nên mới gọi là tu hành, chứ xưa nay chưa thấy vị Tổ, vị Thầy nào gọi là tu thuyết.

Hành là áp dụng, vận dụng, sử dụng, thực hiện, thực hành giáo pháp của nhà Phật vào đời sống thực tế của mình hằng ngày. Áp dụng cho mình, mình là người đỡ phải Khổ trước tiên.

Cho nên, trong trường hợp gặp “gió Dự, gió Xưng,” chớ vội hí hửng vênh vang, chớ vội tự phụ tự mãn, mà hãy xác định ngay hai chân mình vẫn đang chạm vào đất ở đâu, tâm mình có đang loạn động vì thành công, vì những lời khen ngợi, tán dương hay không?

Pháp Phật là bảo vật, chớ có xem thường!

Chánh Pháp chính là Kho Tàng Bảo Vật. Từ trong một kho tàng của báu ấy trữ chứa bá thiên vạn ức những báu vật khác, thiên hình vạn trạng, muôn sắc muôn màu, tất thảy đều quý báu, giá trị vô song, giá trị vĩnh cửu và bất biến!

Chánh Pháp được truyền bá, truyền đạt, truyền lưu từ những bậc Tổ Sư siêu xuất, tôn sư xuất chúng, thiền tăng thiền đức chứng đắc đại ngộ… đến với bao đời sau, bao thế hệ hậu sinh hậu học.

Người học Phật, tự xưng là con nhà Phật, con của Phật, tất nhiên đều đã được nhận những Bảo Vật ấy từ những bậc tôn túc, từ thầy tổ của mình rồi. Tiếp nhận rồi, biết là mình đang được nắm lấy của báu rồi, thì sẽ làm gì sau đó? Đem cất trong tủ kính để tránh bụi bặm ô nhiễm, nắng mưa nóng ẩm chăng? Cất vào két sắt để bảo toàn nguyên vẹn chăng? Ôm rịt lấy trong người suốt ngày suốt đêm không cho ai sờ chạm vào chăng?

Đức Phật đã nói: Tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta!

(Tin ta mà không nương pháp ta tu tập để đạt được mục đích làm chủ Sinh Lão Bệnh Tử, và giải thoát không còn tái sinh làm người khổ đau, mà chỉ nương vào danh ta để trục lợi, để tận hưởng ngũ dục tài-sắc-danh-thực-thụy, là lợi dụng ta, tức là phỉ báng ta!)

Khi mình cho rằng mình là người học Phật, muốn hiểu thông những lời Phật dạy, thì mình phải thực hành, áp dụng chánh pháp vào đời sống hằng ngày của mình. Có thực hành chánh pháp mới thấu hiểu chánh pháp nhiệm mầu như thế nào, tuyệt diệu hay ho đến mức nào, chứ không phải chỉ hiểu bằng trí óc, bằng kiến thức, bằng sự thông minh uyên bác, hay bằng lời nói, bằng tiếng tán dương ca tụng!

Học được biết bao nhiêu là Pháp Phật từ cao siêu đến giản dị dễ hiểu, hiểu biết rồi, rõ thấy rồi, y như rằng ta đã được chư Thầy Tổ, chư tôn thiền đức truyền trao cho Bảo Vật rồi, nhưng ta có trân quý, có tôn kính, có mang ra áp dụng, thực hành cho đời sống của mình không? Hay là quên béng hết những gì ta đã ca tụng là hay ho, là tuyệt vời, vào những lúc ta tức giận, nổi nóng, vào những khi bị mất mát, bị thiệt thòi, bị thiếu hụt, bị hiếp đáp, bị chửi rủa khinh khi, bị vu oan giá họa…?

Nếu ta đã lãng quên, bỏ bê, không màng nhớ gì đến Chánh Pháp khi ta va chạm đối đãi với người với đời, là ta đã mang lấy tội xem thường Pháp Phật rồi đó!

Trong bài “Sám Nguyện” dài thật dài của Tăng Thân Làng Mai, liệt kê ra rất nhiều lỗi lầm, sai trái, yếu kém, nhược khuyết điểm của một người con Phật, ta sẽ thấy biết được thêm một cái tội của mình: Tội Xem Thường Bảo Vật Trong Tay!

…”Đệ tử biết trong tâm thức
Bao nhiêu hạt tốt lấp vùi:
Hạt giống thương yêu, hiểu biết
Và bao hạt giống an vui.
Nhưng vì chưa biết tưới tẩm
Hạt lành không mọc tốt tươi
Cứ để khổ đau tràn lấp
Làm cho đen tối cuộc đời
Quen lối bỏ hình bắt bóng
Đuổi theo hạnh phúc xa vời
Tâm cứ bận về quá khứ
Hoặc lo rong ruổi tương lai
Quanh quẩn trong vòng buồn giận
Xem thường bảo vật trong tay
Dày đạp lên trên hạnh phúc
Tháng năm sầu khổ miệt mài;
Giờ đây trầm xông bảo điện
Con nguyền sám hối đổi thay…”

Hãy tỉnh giác lên, hãy xem Bảo Vật mà ta đang có được trong tay là Thanh Gươm Báu chém đứt mọi Dây Phiền Não, hãy tuốt gươm ra, đừng nghi ngại và chần chừ!

(Photo: Tâm Không Vĩnh Hữu)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *