Tượng Phật ở vùng quê New Jersey thu hút tín hữu từ các truyền thống thế giới

*Đọc 6 phút*

Photo: New Jersey Buddhist Vihara / Facebook

Trong mấy ngày đầu tháng 12, báo chí địa phương và giới truyền thông Phật Giáo Mỹ đã đăng lại một bản tin của hãng thông tấn AP với đầy nhiệt tình và sự lạc quan về niềm tin ở sức mạnh tinh thần hòa hợp mà tôn giáo có thể mang đến cho thế giới ngày nay. Đó là tin về một trong những tượng Phật lớn nhất Hoa Kỳ, cao chín thước (9 mét), được xây gần một xa lộ ở thị xã Franklin Township, gần Princeton, tiểu bang New Jersey. Điều đáng chú ý là tượng Phật khổng lồ này đã trở thành một tâm điểm về tín ngưỡng và văn hóa, thu hút nhiều Phật tử từ các quốc gia đến thực hành đạo theo truyền thống riêng.

Tượng Phật được xây lên cách đây một thập niên tại sân sau của trung tâm thiền New Jersey Buddhist Vihara and Meditation Center, dưới sự hướng dẫn của Thượng Tọa Hungampola Sirirathana Nakaya Thero, một vị sư Phật Giáo Nguyên Thủy Tích Lan. Tượng đài phản ánh quan điểm về sự hòa nhập tôn giáo và tiếp cận cộng đồng. Trang Facebook của trung tâm nói rằng đây là tượng Phật lớn nhất và cao nhất tại Hoa Kỳ.

Photo: New Jersey Buddhist Vihara / Facebook

Tọa lạc ở một vị trí bất thường – cạnh xa lộ Route 27 gần Princeton – tượng đã thu hút nhiều thành phần du khách: Phật tử thuộc nhiều truyền thống khác nhau, Ấn Độ Giáo, Thiên Chúa Giáo, và những người hiếu kỳ tình cờ lái xe qua đây. Những người đến thăm và quan sát cho biết bức tượng đã tạo nên một môi trường chào đón những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau, tạo ra không gian cho những sinh hoạt như hành thiền, đối thoại về tôn giáo, và hiểu biết về niềm tin của nhau.

Một trong những vị khách thường xuyên của vihara (tịnh xá) và tượng Phật là ông Daniel Choi, một giáo sư dạy viết văn tại Đại Học Princeton. Ông đã đến thăm bức tượng này từ năm 2015. Ông Choi cho biết ông lớn lên trong một gia đình theo Thiên Chúa Giáo Đại Hàn, nay ông tu hành theo Phật Giáo Tây Tạng. Ông mô tả bức tượng và khuôn viên xung quanh là một “mối liên kết” nối liền mọi người với nhau. Ông nhận xét rằng các trung tâm Phật Giáo ở Hoa Kỳ thường là nơi riêng tư, trong khi trung tâm thiền New Jersey Buddhist Vihara được mở rộng, khuyến khích mọi người vào thăm cho dù họ đến để hành thiền cho cá nhân mình hay chỉ ghé thăm cho biết.

“Nơi đây chắc chắn tạo cho người ta cảm giác như ở một ngôi đền công cộng,” ông Choi nói với hãng AP, nhấn mạnh sự độc đáo của sự việc bạn có thể đến đây để hành thiền hoặc tụng kinh trong một môi trường hòa hợp các truyền thống và nền tảng văn hóa khác nhau.

Photo: New Jersey Buddhist Vihara / Facebook

Giáo sư Choi nhận thấy rằng du khách và người tu hành đến thiền viện từ khắp thế giới. Ông nói với AP, “Bạn có người Tích Lan, bạn có người Đại Hàn như tôi, hoặc bạn có người theo Phật Giáo Bắc Tông Trung Quốc. Bạn có những tu sĩ Ấn Độ, bạn có những Phật Tử Nhật Bản mới đến, bạn có những Phật Tử Nepal. Nơi đây rất cởi mở, và đó là tinh thần của New Jersey.”

Ông Choi nói với thông tấn MSN, “Tôi đã thấy những Phật Tử thuộc nhiều thành phần khác nhau đến tu hành.” Ông cũng thấy bức tượng thu hút khách du lịch và người qua đường hiếu kỳ. “Họ chỉ ngồi trên băng ghế trước bức tượng, tận hưởng khoảnh khắc yên bình và đắm mình trong bầu không khí thanh tịnh.”

Photo: New Jersey Buddhist Vihara / Facebook

Trung tâm New Jersey Buddhist Vihara thuộc Phật Giáo Nguyên Thủy, một truyền thống rất phổ biến ở Miến Điện, Tích Lan, và Thái Lan. Tuy vậy, những người tổ chức của trung tâm cho biết họ chào đón tất cả mọi người từ các truyền thống Phật Giáo cũng như các tín ngưỡng khác. Ông Choi rất vui khi khám phá ra trong khuôn viên có một bức tượng Quán Âm Bồ Tát – một biểu tượng không thể thiếu trong Phật Giáo Bắc Tông. “Ở đây có mọi thứ dành cho tất cả mọi người,” ông nhận xét, gợi nhắc sự pha trộn giữa các nền văn hóa và pháp môn tu hành ở trung tâm.

Cư dân sống lâu năm gần thiền viện cũng tạo mối liên hệ với bức tượng và cộng đồng sống ở trung tâm. Các hội đoàn địa phương đã tham gia, trong đó có các nhân vật lãnh đạo cộng đồng Nepal từng điều hợp các chương trình liên tôn.

Một nhân vật như vậy là ông Tulsi Majarjan, giám đốc của hội Friends of Nepal-NJ. Ông đã làm việc để tạo ra một bức tranh vẽ trên tường gần bức tượng với nội dung liên tôn. Tác phẩm nghệ thuật này trình bày các biểu tượng từ nhiều tôn giáo trên thế giới, phản ánh sự phong phú về văn hóa của địa phương. “Hạt Somerset của chúng tôi là một thế giới thu nhỏ,” ông Majarjan nói với AP.

Ông Majarjan còn nhớ trước đây các Phật tử phải đi khá xa để tìm một ngôi chùa. Nay ông hãnh diện về sự đa dạng tôn giáo và khả năng tiếp cận của địa phương, nhấn mạnh rằng không xa thiền viện còn có các ngôi đền của người theo đạo Hindu, Jain, và Sikh. Ông nói tượng Phật tỏa ra sự an lạc nên du khách đến đây cũng “cảm thấy rất an lạc,” điều mà chỉ có ai đến đây mới có thể trải nghiệm được.

Photo: New Jersey Buddhist Vihara / Facebook

Một người địa phương là bà Carol Kuehn, 76 tuổi. Bà từng là giáo viên trung học trước khi về hưu. Bà nói rằng việc sống cạnh thiền viện đã ảnh hưởng đến hành trình tâm linh của riêng bà. Bà từng lớn lên theo đạo Thiên Chúa Presbyterian, được nghe về Phật Giáo thông qua văn chương và thiền yoga. Sau khi các tăng sĩ đến thiền viện vào năm 2002, bà bắt đầu tu hành theo đạo Phật, nhận thấy rằng điều đó giúp bà đối phó trước cái chết của chồng.

Bà nói với AP, “Toàn bộ mục đích của Phật Giáo là sống trong hiện tại. Đó là một thay đổi lớn trong cuộc đời tôi, đối phó với nỗi đau của sự mất mát. Hành thiền đã giúp tôi tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống hiện tại.”

Vào một buổi chiều mới đây, bà Kuehn tụng kinh Pali với Thượng Tọa Hungampola Sirirathana Nakaya Thero. Bà cho biết bức tượng Phật cao lớn tượng trưng cho những phẩm chất mang đến sự “thay đổi căn bản” trong cuộc đời bà.

Bà nói, “Tôi có thể nhìn lên tượng và nghĩ về những phẩm chất mà Đức Phật là biểu tượng. Đó là sự bình yên, hiểu biết, từ bi và tôn trọng tất cả mọi người.”

(Nguồn: AP, The Pinnacle Gazette, MSN, và BuddhistDoor.net)

Địa chỉ: New Jersey Buddhist Vihara and Meditation Center, 4299 Route 27, Princeton, NJ 08540.

Photo: New Jersey Buddhist Vihara / Facebook

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *