Kiếp nhân sinh

*Đọc 6 phút*

Bài NHUẬN HÙNG

Thói đời, chúng ta thường hay nghe mọi người than rằng: Kiếp nhân sinh của ta là gì, ra sao? Ai ai, cũng có thể hiểu rằng kiếp sống của ai đó bao gồm… tại sao và tại sao? Giàu, nghèo, sướng, khổ, vua, tôi, quan quyền, dân dã…!

Thật ra, nói biết một kiếp người thì ai ai cũng có thể nói được cả, nhưng đi vào chi tiết để phân tích cặn khẽ chi ly một chút, thì kiếp nhân sinh trong cõi Ta Bà này là chuyện khác. Đó là chuyện không thể nghĩ bàn.

Nếu như chúng ta có thể dùng “tuệ nhãn” trong giáo lý Phật đà qua thiền định để diễn đạt, kiếp nhân sinh chẳng có gì là lạ cả, chẳng qua là đề mục chuẩn mực dùng để đo lường hay lượng định, tính chất chi chi đó!

Trong ngôn ngữ đời thường thì kiếp nhân sinh của thế gian chẳng qua cũng chỉ là sự đua tranh giành giựt lẫn nhau mà thôi. Mạnh được yếu thua… tất nhiên, trong một thế giới hiện đại khoa học, máy móc tiện nghi mà chúng ta đang sinh sống. Không riêng gì con người mà còn các chủng loại khác vây quanh chúng ta “nó” cũng cần có sự sống! Có nghĩa là tham sống sợ chết, bản năng sinh tồn, là thế ấy. Chúng cũng phải đấu tranh mà tìm sự sống. Từ những môi trường sống không thể diễn tả hết được, đơn cử như đất, nước, gió, lửa! Tiếp theo là sơn hà đại địa cũng góp phần trong vũ trụ quan này, mà chúng ta cũng phải cần đến trong sự sống.

Phàm làm việc gì trên đời này cũng không trọn được mãi mãi, vì lẽ đương nhiên trong thế gian không thể thoát ra được định luật vô thường, sinh – lão – bệnh – tử. Trời đất có bốn mùa, Xuân – Hạ – Thu – Đông, thời tiết thì có nóng – lạnh. Vận hành của vũ trụ cứ thế chuyển động luân lưu, chẳng bao giờ đứng yên, trường tồn vĩnh cữu.

Làm người giống như nước vậy, trong cái mềm yếu cũng có sự cứng rắn, tĩnh lặng, đụng việc cần giải quyết, thì phải có khí khái của người quân tử, luôn luôn mở rộng tấm lòng độ lượng, bao dung che chở cho muôn loài, muôn vật. Không vì một quyền lợi nho nhỏ mà trở thành kẻ tiểu nhân, bảo thủ cho chính mình. Đó là chấp thủ, cái ta và bản ngã của ta quá lớn, chỉ biết bảo vệ cho cá nhân mình.

Kiếp nhân sinh! Sơ lược ý nghĩa là ở chỗ buông bỏ, nhưng buông bỏ những gì?

Cổ đức xưa có câu:

“Thủy duy năng hạ phương thành hải, sơn bất căng cao tự cập thiên”
tạm dịch:
Nước hạ mình chỗ thấp, mới có thể trở thành biển lớn, núi không cậy mình cao, nên mới có thể cao ngang tận mây xanh…

Đứng trên bình diện, nhân sinh quan, chúng ta thấy ngay: “Nhân sinh là giấc mộng dài, trăm năm trôi qua tựa như chớp mắt và trần gian chỉ là quán trọ ven đường chẳng được bền lâu.” Trong giáo lý Phật đà cũng nói rằng: Cõi nhân gian này cũng chỉ là cõi tạm hay nói khác hơn là một chặng nghỉ chân rất nhỏ và ngắn hạn trong kiếp luân hồi, đời đời kiếp kiếp trôi lăn trong vòng lục đạo luân hồi. Đến bao giờ chúng ta mới có thể thoát khỏi sông mê bể ái!

Thân người hôm nay có được, ngày mai chắc gì đã giữ bền lâu? Bởi thế, trong giáo lý Phật đà dạy rằng: Chớ nên chấp nhất, ôm giữ bất cứ điều gì trong cõi trần ai… Tất cả chỉ là ảo mộng, dù đó là kho vàng  hay núi bạc, danh vọng, tài lợi, sắc đẹp, quyền lực… đứng trên tột đỉnh của muôn loài. Chúng cũng chỉ là bong bóng, sẽ vỡ tan một khi ta nhắm mắt xuôi tay về bên kia thế giới. Lúc đó chúng ta mang theo được những gì ngoài nghiệp lực, tốt hay xấu còn tùy thuộc. Lúc chúng ta còn sống đã tạo ra những gì? Thiện hay ác, tức nghiệp sẽ đi theo ta đến cuối chân trời góc bể!

Bởi vậy, trong cuộc sống, nếu có ai đó, tìm hiểu về giáo lý Phật đà cũng nên cố gắng học cách buông bỏ từ từ những gì không cần thiết trong cuộc đời. Không nhất thiết về vật chất mà ngay cả cách đối nhân xử thế hằng ngày, chúng ta cũng nên dùng lời lẽ chân tình với những người chung quanh. Có như thế thì xã hội sẽ bớt đi những thứ gay gắt không cần thiết trong đời, thêm bạn bớt thù. Đó cũng gọi là buông xả. Để tận hưởng cuộc đời trong sạch và trọn vẹn nhất trong những tháng ngày sắp đến.

Do đó chúng ta khi biết rõ thân này từ đất, nước, gió, lửa hợp thành, không phải thật thì sao? Nếu biết được như thế thì nhẹ nhàng biết mấy, nhưng không chịu buông bỏ, cứ bám vào đó mà hơn thua phải quấy. Có những đêm tôi ngồi ở ngoài trời, bị muỗi cắn, tôi rờ thấy xương, thấy thịt, một hồi tôi tức cười quá. Thân này thật không ra gì, nương vào nó cực quá. Nương từng khúc từng mảnh xương mà cứ cho là của mình thật, từ đó bao nhiêu cái dở phát sanh, kể ra không thể hết. Vậy mà cứ hài lòng, động đến là phản đối chống trả mãnh liệt, chỉ có ta là số một,  hỡi ai đụng đến là có chuyện ngay! Thật là vô minh tột cùng không thể diễn bày được.

Thiền sư Thích Thanh Từ, ngài cũng đã từng giảng dạy cho đại chúng rằng:

 “Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi?
Cười vỡ mộng
Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng.”

HT Thanh Từ: “Chúng ta chỉ cần thức tỉnh thân này tạm gá mượn, lấy đó làm bè qua sông, đừng nghĩ nó là thật, cứ lo bồi bổ tô điểm, đủ thứ mà chìm đắm, không qua sông được. Những điều nói trên đây nhằm nhắc nhở cho cả đại chúng. Nếu chúng ta thức tỉnh được điều đó thì chuyện thoát ly sanh tử không khó. Còn nếu chúng ta mê hoài thì không biết chừng nào ra khỏi biển sanh tử. Cho nên chủ yếu Phật dạy lý vô ngã là như vậy. Thấy rõ thân này không phải thật ngã thì tự nhiên thoát ly sanh tử. Nếu thấy là thật ngã thì ngàn đời không bao giờ ra khỏi sanh tử, dù tu hạnh gì cũng thế, đó là một lẽ thật.”

Thiết tưởng, chúng ta ai ai cũng có những ý niệm rằng: Thiện và ác, nói nôm na “ác” có nghĩa sát sinh, hại vật để ăn thịt hay hại người, giết người hàng loạt, bằng vũ khí tối tân trong thời đại khoa học tiên tiến hiện nay, để dành quyền lợi cho riêng mình, sự vinh quang trên xác thân kẻ khác. Bạo chúa thời đại 5.0 bây giờ còn tàn ác, dã man hơn cả bạo chúa Tần Thủy Hoàng hay Thành Cát Tư Hãn ngày xưa, bây giờ thời cận đại là Hitler! Vậy lãnh chúa Putin là gì? Tâm ác tạo ra cảnh ác, chẳng hạn cõi địa ngục, ngạ quỷ. Những cảnh giới ác không phải ở đâu xa, ngay ở trên thế gian. Kể thêm tý nữa chẳng hạn như: thiên tai, bão lụt, núi lửa, động đất, sóng thần.  Trước mắt chúng ta, thấy rõ trên màn hình tại Âu Châu chiến tranh Nga-Ukraine là một ví dụ điển hình. Chưa hết, lại còn những tai nạn không thể lường trước được như máy bay, tàu thủy, tai nạn giao thông, hỏa hoạn, bệnh tật, v.v.. Những cảnh giới ác đó không phải tự nhiên có, mà do niệm ác bởi hành vi do chúng ta tạo ra.

Cảnh giới thiện hay ác xuất hiện theo quy luật nhân quả. Làm thiện gặp lành, làm ác gặp dữ. Tuy nhiên, bản chất của thiện-ác cũng không phải do ai chủ xướng, mà là do tâm chúng ta  gán ghép cho nó cái tên thiện – ác. Chính là vì thiện – ác cũng chỉ là chủ quan của chúng ta rồi đó, thiện biến thành ác và ngược lại.

Một lần nữa, xin được khép lại bài viết này, dù rằng ý ngắn nhưng tình vẫn còn, xin được gói trọn lại trong bầu trời  mênh mông, bao la vô tận. Chúc quý vị có những giây phút an nhiên – tự tại trong cuộc sống dẫy đầy sự xô bồ. Mong lắm thay!!! Bầu trời bình an đang đợi quý vị!!!

Santa Ana, Bảo Quang Tự
Ngày 4/4/2022
Thích Nhuận Hùng

Photo: Nhuan Hung


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *