Miến Điện sẽ tham gia dự án xây Vườn Phật Giáo lớn nhất Âu Châu

*Đọc 10 phút*

IBEC Sayadaw và những người phụ trách dự án Vườn Lumbini. (Hình: Báo GNLM của Bộ Thông Tin Miến Điện)

Người dịch: NGUYÊN GIÁC

Theo tin ngày 3 tháng 12, 2024 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Miến Điện, Trung Tâm Giáo Dục Phật Giáo Quốc Tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công Viên Phật Giáo lớn nhất Âu Châu.

Dự án quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ các quốc gia Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Tích Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan, và Đài Loan (ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật Giáo cao cấp hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC (Miến Điện).

IBEC Sayadaw, với tư cách là thành viên hội đồng quản trị dự án, sẽ giám sát việc xây dựng Đại Sứ Quán Đền Thờ Miến Điện (Myanmar Temple Embassy) và một bản sao của Chùa Shwedagon.

Ban đầu, dự án gặp trở ngại vì địa điểm ban đầu được coi là không phù hợp do các quy định về môi trường của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, một địa điểm mới đã được bảo đảm và chính phủ Tây Ban Nha đã cấp giấy phép xây dựng cần thiết. Một kế hoạch (được vẽ kiểu lại) sẽ được phát triển và dự án sẽ được tiến hành tại địa điểm mới.

Vào ngày 30/11/2024, IBEC Sayadaw đã thảo luận với các viên chức dự án tại Cáceres, Tây Ban Nha để hoàn thiện các kế hoạch và đảm bảo dự án được triển khai suôn sẻ.

Phố cổ của thị trấn Cáceres, Extremadura, Tây Ban Nha, năm 2019. (Hình: Alonso de Mendoza/ Wikipedia/Creative Commons)

Dự án này lớn như thế nào?

Bản tin sau đây dịch theo báo Religion News Service (RNS) loan tin ngày 5 tháng 1, 2024, nhan đề “A small Spanish city’s bid to build Europe’s biggest Buddha” (Một thành phố nhỏ của Tây Ban Nha sẽ xây tượng Phật lớn nhất Âu Châu). Bản tin như sau.

Cứ vào tháng 11 hàng năm, thị trấn Cáceres của Tây Ban Nha tổ chức Chợ Trung Cổ của Ba nền văn hóa (Medieval Market of the Three Cultures) để kỷ niệm lịch sử chung sống tôn giáo của thị trấn này, ngoại trừ Tòa Án Dị Giáo Tây Ban Nha. Trước khi các vương quốc Cơ Đốc Giáo thống nhất, trục xuất những người cai trị Hồi Giáo thời trung cổ của Tây Ban Nha và trục xuất tất cả người Do Thái vào năm 1492, các tôn giáo Abraham (các tôn giáo xuất phát từ Kinh Cựu Ước Ky Tô Giáo) được cho là đã sống trong sự hòa hợp khoan dung. Nhưng danh hiệu thị trấn có thể cần được nâng cấp sớm, vì sẽ có thêm bức tượng Phật cao 47 mét mà thị trấn có kế hoạch dựng lên trong vài năm tới.

Dự án do Lumbini Garden Foundation (LGF) khởi xướng, một hiệp hội Tây Ban Nha được thành lập với sự hợp tác của thành phố Lumbini của Nepal, hình dung ra một bức tượng Phật bằng ngọc trắng nặng tới 6,000 tấn nhìn ra một nhóm đền thờ và tu viện rộng lớn chỉ cách trung tâm thành phố Cáceres vài cây số.

Cáceres, với dân số 95,976 người tính vào năm 2022, muốn trở thành trung tâm Phật giáo tại Âu Châu. Các giám đốc dự án mô tả việc xây một cây cầu nối giữa Tây và Đông, tạo điều kiện cho sự hiểu biết sâu sắc hơn về tâm linh và các giá trị lấy Á Châu làm trung tâm tại Âu Châu vào thời điểm mọi người ngày càng quay lưng lại với tôn giáo, cũng như thực tế là Á Châu đang tiến nhanh về phía trước.

“Phương Tây, dù là người Mỹ hay người Âu Châu, hầu như không biết gì về Á Châu. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi mà từng chút một, sức nặng về kinh tế và nhân khẩu học đang chuyển hướng về phía châu Á, và chúng ta không thể tiếp tục phát triển mà không có sự hiểu biết của họ,” theo lời Đại Đức Ricardo Guerrero, một trong những người bảo trợ của Lumbini Garden Foundation, cho biết.

Nhà sư Ricardo Guerrero ở Myanmar, vào mùa hè năm 2019, nơi Thầy thọ giới tu sĩ Phật giáo Theravada.

Guerrero giải thích rằng khi còn là thiếu niên, ông đã từ bỏ Công Giáo và tìm thấy câu trả lời tâm linh trong Phật Giáo, nơi không đòi hỏi đức tin mà thay vào đó đã cung cấp một góc nhìn thuận lý. Ông đã thành lập Hispanic Association of Buddhism (Hiệp Hội Phật Giáo Tây Ban Nha) vào năm 2012 và trở thành một nhà sư Theravada tại Miến Điện vào năm 2019.

“Tôi không có đức tin [Ky tô]”, Guerrero nói, một tình cảm được dân Tây Ban Nha chia sẻ ngày càng đông. Theo Center of Sociological Research (Trung Tâm Nghiên Cứu Xã Hội Học), một cơ quan công cộng, chỉ còn 36% dân số tự nhận là người Công Giáo, trong khi chỉ có 18% thực hành. Guerrero tin rằng sự thay đổi này khiến việc truyền bá thông điệp của Phật Giáo trở nên phù hợp và cần thiết hơn nữa.

Đại Đức Guerrero nói, “Có một cách để hiểu cuộc sống, một loạt các giá trị mà theo nhiều cách chúng ta đã đánh mất ở đây.”

Ông José Manuel Vilanova, chủ tịch của Lumbini Garden Foundation, nói với báo Religion News Service rằng những người trẻ tuổi đặc biệt quan tâm đến Phật Giáo như một triết lý.

“Một triết lý không có Thượng Đế hướng dẫn, phù hợp hơn với thái độ tự nhiên hơn, phù hợp với các quy luật của vũ trụ,” Vilanova nói.

Ông cho biết Phật Giáo vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị như sự đồng cảm, lòng từ bi và sự tử tế, nhưng “không cần phải nhìn từ quan điểm tôn giáo, mà là theo quan điểm nhân bản.”

Điều đó rất hấp dẫn đối với giới trẻ, đặc biệt là khi nhiều người “đang tìm kiếm các khuynh hướng có-vẻ-như-tôn-giáo và các lối sống khác để tìm câu trả lời mà họ không nhận được từ tôn giáo truyền thống,” Vilanova nói thêm.

Bản vẽ nghệ thuật về dự án xây dựng được Lumbini Garden Foundation trình tại Cáceres, Extremadura, Tây Ban Nha, vào năm 2019. (Ảnh © Engineers’ & Surveyors’ Associates)

Mục tiêu của dự án “The Buddha” rất cao vời, đặc biệt là đối với một thành phố nhỏ, và có những người đặt câu hỏi liệu mức độ khổng lồ như vậy có thể khiến nó sụp đổ theo cách của Tháp Babel trong Kinh Thánh hay không.

Ông Antonio Cancho Sierra của Guías-Historiadores de Extremadura, một hướng dẫn viên du lịch và là sử gia của khu vực, cho biết mọi người mà ông biết đều “ít nhất là nghi ngờ” về một dự án mà một số thành phố khác, có liên quan hơn ở cấp quốc gia, gồm Madrid và Barcelona, đã từ chối.

Nguồn tài chính có vẻ không rõ ràng. Không ai biết chính xác số tiền khổng lồ cần thiết cho dự án sẽ đến từ đâu, Cancho nói, và ông thận trọng về thực tế là nó được cung cấp bởi một tổ chức từ Nepal, “một quốc gia nghèo hơn nhiều so với Tây Ban Nha.”

“Hiện tại, điều duy nhất đã được thực hiện là mang một bức tượng Phật đã bị lãng quên trong một góc của một tòa nhà công cộng,” ông nói.

Những người ngờ vực đã nói về khoản trợ cấp văn hóa và du lịch trị giá 281,229 euro được cung cấp cho quỹ này vào năm 2021, được cho là đã giúp trả tiền vé máy bay đến Nepal và các quốc gia theo đạo Phật khác cho những người quảng bá dự án.

Thầy Guerrero ước tính đã có khoảng 15 chuyến đi ra nước ngoài nhưng khẳng định rằng quỹ đã nhận được tiền thông qua các kênh hợp lệ vì họ đang làm điều gì đó vì lợi ích to lớn của thành phố, và nhiều chuyến đi trong số đó được các thành viên của quỹ tự chi trả bằng tiền túi.

Guerrero nói thêm, “Chúng tôi đã mở cánh cửa của Extremadura đến Á Châu”, ám chỉ đến khu vực Tây Ban Nha nơi Cáceres tọa lạc. Tận dụng những gì ông gọi là sứ mệnh của mình đối với Á Châu, quỹ đã quảng bá cho tỉnh, các doanh nghiệp và thậm chí cả các đội bóng đá của tỉnh, vào tháng 12/2022, đội bóng địa phương (có tên là Club Polideportivo Cacereño) đã chơi hai trận với đội tuyển quốc gia Nepal tại Pokhara và Kathmandu trong một chiến dịch có tên gọi là “bóng đá vì hòa bình,” được thực hiện với sự hợp tác của Quỹ Lumbini Garden Foundation.

Nếu hội đồng thành phố trả tiền cho một công ty để thực hiện loại hình quảng cáo quốc tế này, chi phí sẽ “nhiều gấp ít nhất 10 lần,” theo lời Thầy Guerrero giải thích, đồng thời nhấn mạnh rằng số tiền này cũng đã được sử dụng cho một loạt các hoạt động văn hóa và giáo dục.

“Cuối cùng, số tiền đó đã được chi tiêu tại chính tỉnh của chúng tôi,” Tomás Vega, kiến trúc sư chính của dự án cho biết.

Vega thông cảm với những người cho rằng việc xây dựng một bức tượng Phật cao 47 mét trong khuôn viên sau nhà họ có thể hơi xa vời. Chỉ riêng chi phí vật liệu – dự kiến là 4,800 đến 6,000 tấn ngọc bích trắng (white jade) – đã là “nhiều kinh hoàng,” theo Vega thừa nhận.

Nhưng thành phố Cáceres sẽ không phải trả tiền cho việc xây dựng.

Theo Guerrero, ngoài khoản trợ cấp [từ thành phố], dự án hoàn toàn dựa vào các khoản tài trợ nước ngoài chủ yếu từ các nước Á Châu, bao gồm cả khoản tài trợ các khối xây dựng tượng Phật từ Miến Điện, một quốc gia sản xuất phần lớn nguồn cung cấp ngọc bích của thế giới. Cụ thể, Hiệp Hội Doanh Nhân Đá Quý và Trang Sức Miến Điện “sẽ là nguồn tài trợ,” theo hồ sơ tháng 9, 2023, “Dự Án Đại Phật” (The Great Buddha Project), do quỹ này biên soạn.

“Ở Âu Châu và Mỹ Châu không có gì tương tự. Thật khó để hiểu ý nghĩa của nó. Đây sẽ trở thành một biểu tượng,” Vega cho biết.

Cáceres là một thành phố nhỏ, và giờ đây nó là “đầu câu chuyện,” tức là chuyện để nói của nhiều quốc gia Á Châu. Vega biết rõ điều này, vì tổ chức này đã cho phép ông và những người khác có những cuộc tiếp xúc thân thiện với Công Chúa Maha Chakri Sirindhorn của Thái Lan, với Quốc Vương Bhutan và với các Hòa Thượng Pháp Chủ “ở cấp độ của giáo hoàng,” theo lời ông nói.

Thành phố Cáceres, điểm đánh dấu màu đỏ, ở phía tây Tây Ban Nha. (Hình: Bản đồ Google Maps)

Bỏ qua chuyện tiền bạc và tin đồn, dự án vẫn phải đối mặt với một số trở ngại. Những lo ngại về môi trường về việc sử dụng đất công được bảo vệ đã suýt khai tử dự án hồi mấy tháng trước.

Khu đất ban đầu được chọn và tạm thời ký kết là núi Arropé, một phần của khu vực đặc biệt dành cho các loài chim được bảo vệ, gọi là khu ZEPA. Để xây tượng Phật, một phần của ZEPA sẽ phải bị loại bỏ. Mặc dù hội đồng địa phương cuối cùng đã bật đèn xanh cho dự án, nhưng cuộc tranh luận về giá trị môi trường của mảnh đất vẫn tiếp tục và cuối cùng, các bên liên quan ở cả hai bên đã quyết định tìm một nơi không gây tranh cãi cho dự án.

Vega thừa nhận, “Chúng tôi lúc đó tin rằng dự án có thể sụp đổ.”

Nhưng năm mới hứa hẹn một khởi đầu mới, với ngôi nhà cuối cùng cho tượng Phật được hội đồng thành phố chấp thuận vào cuối tháng 12/2023, tại Cerro de los Romanos, cách lô đất ban đầu khoảng 10 km.

Ngay cả Antonio Diaz, chủ tịch của Adenex, một tổ chức môi trường tại Cáceres, người đã phản đối việc đặt tượng Phật ban đầu, cũng tin rằng kế hoạch về địa điểm mới là “tích cực” đối với Cáceres.

“Cá nhân tôi tin rằng một dự án như thế này là tích cực đối với một thành phố như Cáceres – nhỏ và không có nhiều nguồn lực – vì cả những hậu quả kinh tế có thể xảy ra và đặc biệt là vì những gì nó có thể mang lại cho việc thúc đẩy lòng khoan dung và sự giao lưu giữa các nền văn hóa,” Diaz nói với báo RNS.

“Nhưng chúng ta phải cố gắng ngăn chặn dự án này gây ra hậu quả đối với môi trường tự nhiên hoặc xung đột với các chỉ thị và các quy định quy hoạch đô thị của Âu Châu,” ông nhấn mạnh.

Cáceres‎ là Thành Phố Di Sản Thế Giới của UNESCO, và Guerrero, Vega và Vilanova đều nhắc đến yếu tố “kể chuyện” mạnh mẽ khi đưa Đức Phật đến vùng này của Tây Ban Nha, nơi các ngôi nhà vẫn còn mái vòm hình móng ngựa Hồi giáo và những đôi mắt tinh tường có thể phát hiện ra khối đá rỗng nơi từng gắn huy hiệu mezuza của người Do Thái. Tất cả đều đề cập nhiều đến việc xây dựng những cây cầu văn hóa và tiếp tục di sản của thành phố như một thành trì của sự hòa hợp tôn giáo.

Nhưng như Cancho đã ghi nhận, sự thật không phải lúc nào cũng đẹp như tranh vẽ. Một phần lớn sự hòa hợp của ba tôn giáo này chỉ là một câu chuyện hay. Cancho nói rằng “Huyền thoại về ba nền văn hóa được duy trì từ lĩnh vực chính trị vì lý do ý thức hệ và đặc biệt là ở Cáceres, vì lý do du lịch, chẳng hạn như quảng bá cho khu chợ [ba nền văn hóa] đó”, ám chỉ đến khu chợ thời trung cổ vào tháng 11 hàng năm.

Nhưng trước khi khách du lịch có thể bắt đầu đến, vẫn cần phải xây dựng cho xong.

NGUỒN:

– Myanmar’s IBEC to join Europe’s largest Buddhist Park project in Spain (Báo Global New Light Of Myanmar của Bộ Thông Tin Myanmar):

– A small Spanish city’s bid to build Europe’s biggest Buddha (Báo Religion News Service):


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *