Ngày trở về

*Đọc 34 phút*

Photo: Loifotos / Pexels

Truyện THÍCH NỮ HẠNH LÝ

Cuối cùng tôi cũng trở về nhà sau cơn đại dịch kéo dài hơn hai năm. Một buổi chiều của những ngày đầu tháng Sáu, một mùa hạ nữa lại buông mình trên vùng quê xứ Quảng. Quê tôi, làng Đa Hòa của đất Quảng Nam, làng quê mộc mạc và bình yên đến lạ lùng, nằm nép mình sau những rặng tre xanh mướt. Dòng sông Thu Bồn mềm mại như dải lụa vắt ngang qua làng, êm ả chảy giữa đôi bờ, bên bồi, bên lở. Một buổi chiều của ngày trở về, đó là thời khắc đẹp nhất của hoàng hôn, khi ánh mặt trời đã khuất dần sau chân núi, những tia nắng vàng mỏng manh còn sót lại, cả đất trời như được bao trùm bởi một màu vàng cam tuyệt đẹp. Thế nhưng, cái nắng chói chang của dải đất miền Trung dường như vẫn còn thơm mùi nắng cũ, vẫn gắt gao, mùi hăng của con đường bị hun bởi cái nắng gắt vẫn còn bốc lên. Tôi lặng lẽ bước đi để lắng nghe tháng Sáu ùa về, nhẹ nhàng và bất chợt. Bất chợt, những kỷ niệm trong dòng chảy ký ức, những cảm xúc đi qua trong cuộc đời bỗng ùa về…

Lặng lẽ lần theo dòng chảy ký ức, tôi tìm về ngôi nhà xa xưa, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Phải chăng, đó cũng là tiếng khóc quặn lòng của một đứa trẻ mới lọt lòng đã mất mẹ. Tôi – đứa trẻ mồ côi mẹ, chỉ biết mẹ qua giấc mơ và những câu chuyện kể của ba và ngoại. Hình ảnh mẹ trong trái tim tôi là một người phụ nữ gầy gò, một tháng ba mươi ngày lăn lộn trên đồng ruộng. Bởi ba tôi là một người lính, sau khi trở về từ chiến trường Tây Nam, ba lại tiếp tục phục vụ trong quân đội. Vì thế, mọi việc từ đồng áng đến việc trong nhà đều đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ. Mẹ tôi không có được khả năng sinh con theo tiến trình sinh lý tự nhiên như bao người phụ nữ khác. Mẹ phải sinh mổ hai người anh trai tôi, theo lời khuyên của bác sĩ, mẹ không nên sanh con nữa. Tuy nhiên, vì ba tôi là con một, mẹ là con gái duy nhất của ngoại, nên cả hai bên đều mong muốn mẹ sinh thêm một đứa con gái. Nhưng rồi, niềm vui đâu được trọn vẹn, bịnh tim của mẹ ngày càng nặng dần, nhưng mẹ tôi vẫn nhất quyết sinh ra tôi, đứa con gái duy nhất mà cả hai bên nội ngoại đều mong đợi,… Và rồi, điều gì đến cũng phải đến, vừa sinh ra tôi là lúc mẹ mãi mãi ra đi.

Khoảng đời tôi nhớ rõ nhất khi hoài niệm về tuổi thơ, có lẽ là khoảng thời gian sống bên ngoại. Tuy nhiên, đó chỉ là những ký ức non nớt, không trọn vẹn của một đứa trẻ mới vừa lên năm. Đó là những “cuộc hành trình” cùng ngoại từ cánh đồng lúa cho đến những cánh đồng ngô, ớt, đậu… ven sông. Bởi ba tôi vì công việc nên rất ít khi về nhà, hơn nữa, ngoại không yên tâm khi để tôi ở nhà với các anh, sợ mấy anh mãi chơi rồi bỏ quên em, nên chỉ còn cách là tôi phải bám suốt theo ngoại.

Những năm sống bên ngoại, trong ký ức tuổi thơ non nớt của tôi là những lúc tôi nhớ và đòi anh đưa đi thăm ba, bị anh la rầy thì ngoại ôm tôi vào lòng, hơi ấm từ vòng tay ngoại lại là nguồn năng lượng diệu kỳ xoa dịu nỗi nhớ trong tôi. Ký ức đó còn là những đêm tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng tụng kinh, niệm Phật của ngoại từ phòng kế bên. Có lúc choàng tỉnh, tôi lơ mơ nghe ngoại cầu nguyện, nghe ngoại đọc tên tôi. Ký ức đó là “mái chùa tuổi thơ” với những bữa cơm chay đạm bạc, mang đậm hương vị quê hương như đậu khuôn chiên, rau luộc, tương đậu nành, chè đậu đen nấu nếp, xôi đậu xanh,… mà tôi vô cùng thích.

Ký ức tuổi thơ tôi, đó là những ngày mười bốn, rằm, ba mươi, mùng một, tôi được cùng ngoại đi chùa tham dự khóa lễ sám hối, tụng kinh. Khi nhìn thấy ngoại quỳ xuống, chắp tay và cúi đầu lạy, tôi cũng làm theo y như ngoại. Mặc dù tôi không biết gì về đức Phật, cũng không biết Ngài là ai mà diệu kỳ đến thế! Tôi chỉ nhận ra một điều là lòng tôn kính của tôi đối với đức Phật nhiều lên theo từng ngày. Thường sau thời lễ sám hay tụng kinh, Sư Phụ trụ trì thường dành 20-30 phút để thuyết giảng. Mặc dù tôi không hiểu những lời dạy của Sư Phụ, nhưng hình ảnh Sư Phụ ngồi bên ngọn đèn trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ, Phật tử ngồi chung quanh là những hình ảnh luôn tỏa sáng lung linh trong ký ức tuổi thơ tôi.

Nhưng rồi, cho đến một ngày năm tôi tám tuổi, lúc đó tôi vừa bước vào học kỳ một của năm lớp hai, một biến cố nữa lại ập đến với gia đình tôi. Tôi nhớ rất rõ, sáng đó khi anh hai chở tôi đến trường thì ngoại đi núi cùng mấy người trong xóm để đào sắn (củ mì), ngoại tôi đã bị rắn hổ mang cắn. Những năm đó, các tuyến đường giao thông đến đồng bằng chưa có, nên phải dùng phương tiện xe đạp để đưa ngoại xuống chân núi, từ đó mới có xe đến bệnh viện huyện. Do thời gian di chuyển quá lâu nên nọc độc của rắn đã xâm nhập vào cơ thể, ba ngày sau ngoại tôi đã ra đi mãi mãi, bỏ lại ba anh em tôi giữa cuộc đời đầy cô quạnh. Chứng kiến cảnh ngoại ra đi ngay trước mắt, khoảnh khắc ấy như bóp nghẹt trái tim nhỏ bé của tôi. Tôi khụyu xuống, gào khóc trong nỗi bàng hoàng, không thể chấp nhận sự thật rằng ngoại tôi đã không còn trên thế giới này nữa.

Tôi thẩn thờ, nhìn đâu cũng thấy bóng dáng ngoại trong ngôi nhà quê trơ trọi. Nỗi nhớ ngoại và cảm giác mất mát ấy khiến tôi dường như không còn tha thiết đến mọi thứ xung quanh. Tôi thường co ro trong góc nhà, chẳng nói, chẳng cười, một cảm giác cô đơn đến lạ lùng, len lỏi đến trong từng hơi thở. Những chuỗi ngày tang thương bao phủ ấy cứ kéo dài…

Sư cô về làng

Rồi một hôm, tôi nhớ đó là ngày Chủ Nhật, các anh tôi đều đi làm biền (vùng đất ven sông Thu Bồn). Thường thì năm hoặc sáu giờ tối là các anh đã về, nhưng hôm đó đến tám giờ các anh vẫn chưa về. Một nỗi sợ hãi bao trùm khắp căn nhà, tôi vụt chạy ra ngoài, ngồi co ro bên lề đường. Bỗng nhiên, tôi nghe một tiếng va mạnh, có một người ngã nhào đè lên tôi, tôi hoảng hốt chưa biết chuyện gì đã xảy ra thì nghe tiếng dì Tâm (người bà con trong họ):

– Con út hả, trời ơi, sao mà ra ngồi ngoài đường vậy con?

Lúc đó tôi mới chợt hiểu, thì ra do thời đó quê tôi chưa có đèn đường, nên dì Tâm không thể thấy được “chướng ngại vật” đang lù lù trước mắt mình. Dì đỡ tôi đứng dậy rồi dắt vô nhà, dì bật đèn lên, trước mắt tôi lúc này không phải chỉ có dì Tâm mà còn có một sư cô. Tôi lặng lẽ nép mình sau lưng dì Tâm, như hiểu chuyện, dì trấn an tôi:

– Con không phải sợ, đây là sư cô Như Hiếu con của chú dì, sư cô từ Đồng Tháp về lo một số công việc, tối nay dì đưa sư cô đi thăm bà con trong xóm.

Tôi ngước mắt lên nhìn sư cô, người đứng đó dưới ngọn đèn le lói, bất chợt tôi có cảm giác hình ảnh sư phụ ngồi bên ngọn đèn trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ, Phật tử ngồi chung quanh như hiện ra trước mắt tôi. Từ ngày ngoại mất, tôi không còn được đến chùa, được vòng quanh tượng Phật, lễ sám, ăn cơm chay,… tôi thả mình trong bao nỗi nhớ, trong khoảng không gian và thời gian mà mọi thứ dường như lắng đọng. Cho đến lúc tiếng anh hai tôi gọi ngoài cổng:

– Út ơi, anh về rồi nè!

Tôi vụt chạy ào ra cổng, lao vào ôm chầm lấy anh và khóc nghẹn. Anh dắt tôi vào nhà, dì Tâm kể lại cho anh nghe chuyện tôi ngồi chờ các anh ngoài đường, không một bóng người qua lại, không một tiếng xe,… Lúc đó, tôi nhìn thấy trên khóe mắt anh hai nước mắt từ từ chảy xuống, anh nói với dì:

– Con biết là mình còn có em út đang ở nhà một mình, phải về sớm lo cơm nước cho em, nhưng sự việc xảy ra do em con theo đám bạn tắm sông, bỏ trâu giẫm phá ruộng dưa hấu của người ta, chủ ruộng dưa phát hiện liền bắt trâu giam lại, họ đòi bồi thường ruộng dưa bị trâu giẫm đạp, con năn nỉ mất mấy tiếng đồng hồ họ mới cho lại trâu nên về trễ.

Dì Tâm quở trách anh ba tôi, dường như anh biết mình có lỗi nên chỉ cúi đầu đứng lặng yên. Khi dì và sư cô Như Hiếu ra về, vừa đến sân, bỗng sư cô quay lại nói gì đó với anh hai tôi, xong lại xoa đầu tôi và nói:

– Ngày mai Chủ Nhật, Sư có công việc phải đến mấy ngôi chùa trong huyện mình, con muốn đi với Sư không?

Tôi đưa mắt nhìn anh hai, anh hiểu ý tôi nên mỉm cười gật đầu, tôi nhìn sư cô và nói:

– Dạ!

Đối với tôi, đó là một ngày Chủ Nhật mang đầy ý nghĩa. Theo sư cô Như Hiếu và mấy cô bác trong xóm, cùng đi trên một chuyến xe lam, tôi được đi đến những ngôi chùa trong huyện. Tôi được nghe quý sư bà kể về những khó khăn gian khổ trên con đường xuất gia học đạo mà quý sư bà đã trải qua, được nghe sư bà giảng dạy sơ lược về lịch sử đức Phật và gương hiếu hạnh của Ngài. Những bài giảng đầu đời ấy đã in đậm trong tư duy non nớt của tôi về đức Phật và Phật giáo ngay từ lúc đó. Tôi nhớ rõ cái cảm giác lắng nghe say mê, nhưng ngây ngô của một đứa con nít, đôi mắt ngước nhìn sư bà không chớp, thỉnh thoảng lại lặng người, nghe mắt cay cay trong cảm xúc dâng trào một tình thương đối với đức Phật, mặc dù tôi không biết rõ về Ngài, bởi tôi chưa từng đọc qua lịch sử của Ngài.

Mỗi ngôi chùa tôi đến đều cho tôi cảm giác gần gũi, bình yên và nhẹ nhàng tựa mây bay, mọi điều không vui dường như đều tan biến. Đến ngôi chùa cuối cùng thì trời đã ngã về chiều. Vừa vào đến sân chùa, ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là hình ảnh những chú tiểu vô cùng dễ thương. Tôi thấy có chú đang quét sân, chú tưới cây, chú thì đang lau chùa, dưới gốc cây bồ đề có năm, sáu chú đang ngồi tụm lại, không biết họ đang nói chuyện gì mà nhìn ai cũng cười hớn hở. Tôi mon men lại gần chỗ các chú đang ngồi, thấy người lạ xuất hiện, mấy chú liền im lặng. Tôi khựng lại, chưa dám bước tiếp thì một chú tiến lại phía tôi, nắm tay tôi dắt lại chỗ mấy chú đang ngồi. Tôi cũng ngồi xuống, có lẽ chúng tôi cùng bằng tuổi nhau nên dù là lần đầu gặp nhau, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng hòa nhập, vui đùa cùng nhau. Tôi được nghe mấy chú kể những câu chuyện dở khóc dở cười, có chú thì sáng nay bị phạt gánh nước một tuần vì không dậy công phu, có chú thì ngủ gục trong thời công phu bị phạt quỳ tại chỗ cho tỉnh ngủ, chú thì kể chuyện ở trường, ở lớp cho mọi người cùng nghe,…

Đang lúc miên man chìm vào những câu chuyện của các chú tiểu thì từ xa, tôi thấy mấy bác và sư cô Như Hiếu hướng về phía chúng tôi đang ngồi, tôi và các chú tiểu đứng dậy chào sư cô và các bác, mọi người nhìn chúng tôi rồi cười vui vẻ. Sư cô hỏi thăm việc học hành của các chú tiểu, khuyên các chú cố gắng tu, học, phải vâng lời sư bà và quý sư lớn, các bác thì tặng cho mỗi chú một bịch bánh mà từ hôm qua mọi người đã chuẩn bị sẵn. Sư cô dắt tôi vào chào sư bà và quý sư cô trong chùa để ra về. Đó là một ngày in đậm dấu ấn trong tôi, mở ra cho tôi một con đường mới, đó là con đường đến với Phật pháp.

Sau ngày đó, tôi thường xuyên qua nhà dì Tâm để được gặp sư cô Như Hiếu, được nghe sư cô kể về cuộc đời đức Phật, về hạnh xuất gia, về những gương hiếu hạnh,… Có lẽ cũng do nhân duyên từ bao đời trước nên tôi rất muốn nghe sư cô kể về Thầy của mình, sư ông trụ trì chùa Hưng Thiền, một bậc thầy phạm hạnh. Như lời sư cô đã hứa với tôi, một tháng sau ngày trở về lại chùa ở Đồng Tháp, sư cô đã gửi ra cho tôi những cuốn sách mà tôi xem đó là hành trang bước vào đạo như: Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Tam Quy Ngũ Giới, Bước Đầu Học Phật, Gương Sáng Người Xuất Gia, Cẩm Nang Tu Học,… Tôi đọc đi, đọc lại từng quyển sách với niềm say mê bất tận, tôi đã được truyền thêm niềm cảm hứng để từng bước đến với ngôi nhà Phật pháp. Kể từ ngày đó, bất kỳ ngày chủ nhật nào không có giờ học thêm, tôi đều đi theo những cô bác trong xóm, có hôm tôi đi một mình về chùa tụng kinh, lễ sám hoặc làm công quả. Tôi nhớ, hôm đó là lần đầu tiên sau ngày ngoại mất, tôi về lại ngôi chùa mà ngày trước ngoại hay dắt tôi đi nhân ngày lễ vía Phật A Di Đà. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, anh hai tôi đã buộc vào đó một ang gạo (ba mươi lon sữa bò) để cúng dường Tam bảo, anh nói:

– Ngoại không còn thì anh sẽ thay ngoại, tiếp tục những công việc mà trước kia ngoại đã từng làm.

Anh dắt xe ra cổng, dặn đi dặn lại tôi phải chạy xe cẩn thận, vì đường đến chùa là con đường đất gồ ghề, lồi lõm những ổ gà rất khó đi. Tôi cúi đầu dạ một tiếng rồi đạp xe đi trong niềm hân hoan khó tả, trong bầu không khí tĩnh lặng của buổi sáng sớm vẫn còn bao phủ khắp làng quê. Vừa đến chùa, việc trước tiên là tôi vào chánh điện lạy Phật. Khi đối diện trước tượng Phật, tôi chắp tay, cúi đầu rồi quỳ lạy. Chính trong giây phút đó, tôi nghe trong tâm mình như có một sự rung cảm kỳ lạ xuất hiện, đó là điều mà một đứa trẻ lên tám như tôi chẳng thể nào lý giải. Lạy Phật xong tôi đi thẳng ra nhà sau, mặc dù mới sáng sớm, nhưng cũng có nhiều cô, bác về chùa phụ việc. Dưới sự hướng dẫn của mấy bác, tôi đã làm tất cả các công việc như lặt rau, rửa rau, rửa chén, bê củi,… trong niềm say mê, vui vẻ thật khó tả.

Nhân duyên xuất gia

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi trong căn nhà nơi làng quê yên ả, những ngày không mẹ, không ngoại, ba thì công tác xa, ba anh em phải đùm bọc lẫn nhau, dẫu cuộc sống trước mắt với muôn ngàn khó khăn. Có lẽ như người ta vẫn thường nói, “Miền Trung, mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt! Nhưng chính cái nghèo trên mảnh đất khô cằn, khắc nghiệt ấy đã hun đúc ý chí kiên cường cho những con người nơi đây vượt lên trên số phận, luôn hướng về một ngày mai tươi sáng, bằng những nỗ lực không ngừng trong bao khó khăn gian khổ.”

Quả thật như vậy, cái nghèo khổ, cô quạnh đã không quật ngã được anh em tôi, các anh vẫn luôn nuôi giấc mơ đại học từ làng quê nghèo. Và rồi, ước mơ đó đã trở thành hiện thực, các anh tôi lần lượt bước vào ngưỡng cửa đại học. Năm tôi vào lớp 7, anh hai tôi đã thi đậu vào Đại Học Kiến Trúc TPHCM. Năm tôi học lớp 12 cũng là năm anh ba tôi thi đậu vào Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng. Các anh lần lượt rời xa gia đình, xa quê hương xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn, xa ngôi nhà trống vắng giữa làng quê thanh bình và mộc mạc, xa những buổi chiều tà cùng đám bạn trong xóm lùa trâu về nhà, xa con đường làng khúc khuỷu uốn lượn giữa cánh đồng lúa, nhất là mùa lúa chín, mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng lan tỏa khắp cánh đồng, nhưng lại khiến cho người ta có cái cảm giác nồng nồng say say hương thôn dã.

Sau khi các anh tôi đều vào đại học, ba tôi đã xin về hưu trước tuổi. Theo định hướng của ba cũng như các anh thì tất cả đều muốn tôi thi vào Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng. Thế nhưng, không ai biết được, tôi đã nhen nhóm ý định xuất gia khi phát hiện bản thân đã có nhân duyên với Phật giáo từ những ngày đầu đến chùa cùng ngoại. Mỗi lần đặt chân đến chùa tôi đều cảm nhận được sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng nơi cửa thiền mà không phải nơi nào cũng có được. Có thể, ý định này của tôi sẽ làm cho ba và các anh tôi buồn và thất vọng, nhưng với quyết tâm không thối thất, tôi tự nhủ với lòng phải cố gắng thuyết phục ba và các anh. Bởi tôi nghĩ rằng, đây là thời điểm tốt nhất để tôi thực hiện ước mơ của mình. Nếu không xuất gia ở thời điểm này thì nhất định tôi sẽ bị cuốn hút vào dòng chảy của con đường phía trước, đó là một chuỗi thời gian nơi giảng đường đại học, ra trường lại phải lao vào công việc,… Có khi cũng vì mưu sinh mà lý tưởng xuất gia lại mờ dần theo ngày tháng, liệu khi ấy có còn giữ vững được cái tâm ban đầu hay không? Suy nghĩ đến đây, tôi không cần phải đấu tranh tư tưởng mà mạnh dạn thưa với ba về quyết định của mình. Tôi chợt nhìn thấy một thoáng buồn hiện lên trên nét mặt ba tôi, ba lặng im một lát rồi nói:

– Nếu ba không đồng ý thì con có thay đổi ý định không?

Tôi cúi đầu, nghe mắt cay cay, tôi thương ba rồi đây phải một mình trong căn nhà cô quạnh, nhưng từ bỏ chí nguyện xuất gia quả thật là quá khó. Lúc này tôi lại nghĩ đến anh hai, người hiểu tôi nhất, cũng là người luôn ủng hộ tôi trên mỗi chặng đường tôi đi. Tôi biết ba rất tin tưởng anh hai, nên tôi tin chắc rằng, nhất định anh sẽ xoay chuyển được suy nghĩ của ba. Tôi liền viết thư cho anh hai nói về tâm nguyện xuất gia, và mong anh thuyết phục ba để ba đồng ý. Nghe lời khuyên của anh, tôi phải chờ anh về, không đề cập đến việc xuất gia với ba, vẫn cắm cúi học và làm hồ sơ thi đại học.

Hè năm đó, các anh tôi đều về nghỉ hè một lượt, chúng tôi quấn quít bên ba suốt ngày. Tôi nhận thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt ba. Hạnh phúc của người làm cha là thế, thật đơn giản, đôi khi chỉ là những nụ cười của các con, những lúc quây quần bên mâm cơm cùng các con, được nhìn thấy các con lớn lên từng ngày, thấy con trưởng thành. Phải chăng, ba vui vì xem đó là món quà quí giá nhất mà các con dành tặng cho ba.

Thế rồi, không biết anh hai tôi đã nói gì với ba mà vào một hôm, khi bữa cơm tối vừa xong, ba gọi mấy anh em ngồi vào bàn, nhìn ánh mắt ba, tôi đoán nhất định tin vui sắp đến. Chưa dứt khỏi suy nghĩ thì tôi nghe giọng ba:

– Hôm nay có đầy đủ anh em các con, ba nói cho các con biết là ba đồng ý cho bé út đi xuất gia.

Tôi vui quá chưa nói được lời cảm ơn ba thì ba lại nói tiếp:

– Ba nghĩ, ở quê mình hoặc Đà Nẵng cũng nhiều chùa, con không nên vô tới Đồng Tháp, miền sông nước xa xôi để xuất gia.

Tôi vội vàng thưa với ba:

– Dạ con biết, nhưng tâm nguyện của con là được xuất gia ở Đồng Tháp, được làm đệ tử Sư Ông trụ trì chùa Hưng Thiền, Sư Ông là một bậc minh sư ba à. Ở đó còn có sư cô Như Hiếu, người đã cho con thêm niềm tin vào việc xuất gia, học đạo, con nghĩ đó cũng là nhân duyên.

Năm phút rồi mười phút, ba ngồi lặng im không nói gì, các anh tôi thấy vậy cũng im lặng theo. Để phá tan bầu không khí im ắng bao phủ khắp căn nhà, anh hai tôi lại một lần nữa nói lời ủng hộ quyết định của tôi:

– Dạ con nghĩ đúng thế ba, một khi em đã chọn nơi mình đến để xuất gia tức là em đã có duyên với vị thầy đó, với nơi đó, con xin ba cho em được toại nguyện.

Lúc đó anh ba tôi cũng thưa ba đồng quan điểm như anh hai:

– Dạ, con cũng nghĩ như anh hai ba à!

Có lẽ đây là tình huống khó để ba đưa ra quyết định đồng ý hay không. Nhưng vì tình thương bao la đối với các con, cũng như tôn trọng và dung hòa mối quan hệ với các con, có lẽ ba đã chôn giấu những nỗi niềm, tình thương dành cho đứa con gái duy nhất bằng những giọt nước mắt cố nén vào trong, nên ba đã thuận theo ý kiến của các anh, cho tôi bước đi trên con đường tôi đã chọn.

Sau khi nghĩ hè xong các anh tôi trở lại trường, tôi cũng nói lời chia tay các anh, anh em tôi đã có một đêm thức trắng cùng ba để tâm sự trước khi chia tay. Tôi chìm đắm trong những suy nghĩ miên man, tôi sẽ rất nhớ về căn nhà đã gắn bó với tuổi thơ tôi, nơi đó đầy ắp tiếng cười của các anh, giọng nói trầm ấm của ba, những lời dạy của ba chính là hành trang, là chiếc la bàn định hướng tương lai, dù mỗi người chúng tôi sẽ đi trên con đường riêng của mình, nhưng hành trang ba trao cho chúng tôi chính là nguồn năng lượng của vững vàng, tự tin, đối diện và sẽ không bao giờ sợ hãi trước một thế giới bên ngoài cánh cửa cuộc đời và bao điều trên con đường gập ghềnh của cuộc sống.

Riêng tôi bỏ lại sau lưng bao nhiêu muộn phiền của thế gian, bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn đã đi qua trong cuộc đời, để khoát lên mình chiếc áo nâu sòng bình dị và nhẹ nhàng. Màu nâu trầm, cái màu có thể dung chứa bao nhiêu những vết ố. Rồi tôi cũng phải sống như cái màu nâu trầm kia, để đi đến trạm dừng chân phía trước đang chờ đợi tôi, đó chính là con đường thanh cao, với hạnh nguyện “thượng cầu, hạ hóa”. Năm đó tôi 17 tuổi và nhân duyên xuất gia của tôi là như thế.

Những buổi đầu bước chân vào cửa đạo, với bao nhiêu điều bỡ ngỡ từ cách đi, đứng, nằm ngồi, ăn uống, làm việc, tất cả đều phải học từ đầu, phải học giới luật, oai nghi, học thuộc hai thời công phu căn bản. Phải thức khuya, dậy sớm, ngồi thiền, tụng kinh, lạy Phật, kinh hành, lao động, chấp tác, học giáo lý. Dù chỉ là người sơ cơ, nhưng với sức sống của tuổi 17, và quyết tâm mạnh mẽ khi chọn con đường xuất gia, tôi nghĩ mình sẽ đủ kiên định và nghị lực để đặt trọn đời mình vào lý tưởng giải thoát hoàn toàn khỏi những trói buộc của thế gian, mạnh mẽ bước đi trên chính đôi chân vững chãi của mình.

Hằng ngày chúng tôi được truyền những nguồn năng lượng lành của an nhiên và tự tại, từ sự tu hành miên mật một ngày sáu thời của đại chúng, tâm hồn mỗi chúng tôi luôn được tưới tẩm trong suối nguồn thanh tịnh, an hòa của ngôi già lam. Chúng tôi còn có sự quan tâm, sách tấn và dạy dỗ của Sư Ông, bậc ân sư khả kính, bậc thầy tâm linh mẫu mực, để chúng tôi luôn có sự tinh tấn, cần mẫn. Với chúng tôi, Sư Ông vừa là người thầy, vừa là người cha hiền chăm lo cho chúng tôi cả đời sống vật chất lẫn tâm linh, luôn bao dung mỗi khi chúng tôi phạm phải sai lầm. Sư Ông luôn dùng lòng từ bi để dạy bảo chúng tôi, không rầy la, mà trong mỗi lời dạy của Sư Ông luôn là những lời động viên, khuyến khích chúng tôi, điều đó khiến chúng tôi càng thấy mình cần phải nỗ lực tu tập để sửa mình trong từng lời nói, cử chỉ, hành vi,… Do đó, huynh đệ chúng tôi thường nhắc nhở nhau, phải cố gắng giữ hòa hợp, nhường nhịn nhau, không nên để những va chạm không đáng có xảy ra, vì tất cả chúng tôi đều sợ Sư Ông buồn. Là bậc thầy giới luật tinh nghiêm, nên hằng ngày Sư Ông thường dạy chúng tôi: “Các con phải giữ gìn giới luật, bởi giới như bờ đê không cho nước tràn vào ruộng. Cũng vậy, giữ giới là phòng hộ, ngăn ngừa, không cho các điều ác từ thân, khẩu, ý, có cơ hội hiện hành, làm tổn hại cho mình, cho người.”

Hằng tuần vào chiều thứ Bảy và Chủ Nhật, chúng tôi lại được học giáo lý, những bài Phật pháp căn bản từ Sư Phụ (SC. Thích Nữ Như Lan) để làm nền tảng căn bản cho sau này khi bước vào các trường Phật học, đó là định hướng mà Sư Ông và Sư Phụ đã vạch ra cho huynh đệ chúng tôi. Sư Phụ luôn bên cạnh chúng tôi trong từng bữa ăn, giấc ngủ, không để chúng tôi phải thiếu thốn từ những vật dụng nhỏ nhất trong sinh hoạt cá nhân. Luôn khắc ghi trong tôi hình ảnh Sư Phụ đi lần lượt từng bàn ăn trong giờ thọ trai, gắp từng miếng thức ăn để vào bát chúng tôi và luôn dặn chúng tôi phải ăn nhiều cho có sức khỏe để tu học. Sau giờ chỉ tịnh, Sư Phụ luôn đi đến từng liêu, nhắc nhở chúng tôi không được thức khuya, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi cảm nhận được trong ánh mắt hiền từ và yêu thương của Sư Phụ là cả sự chở che, bao bọc, để chúng tôi thấy rằng, mình đang sống hạnh phúc trong ngôi nhà Như Lai, nơi đã sinh ra chúng tôi một lần nữa. Mỗi giờ tu tập, niệm Phật, kinh hành, ngồi thiền, mỗi giờ học giáo lý là mỗi giờ tôi cảm thấy nhẹ nhàng và an lạc đến trong từng hơi thở.

Thời gian cứ êm ả trôi đi nơi ngôi già lam nằm nép mình bên dòng sông Long Ẩn. Hằng ngày, lời kinh tiếng kệ ngân nga, hòa thêm cho tiếng chuông chùa vang vọng vào mỗi sớm bình minh hay khi hoàng hôn buông xuống, tạo nên một giai điệu ngân vang, văng vẳng trong không gian bao la của miền sông nước. Những tưởng từng khoảnh khắc nghe cõi lòng mình an yên, từng ngày tháng được sống trong một đoàn thể Tăng Già hòa hợp để rèn luyện bản thân, trưởng dưỡng tâm bồ đề và nuôi lớn ước nguyện bước đi trên con đường Bồ-tát đạo, thế nhưng, hành trình của một đời người lại luôn là những ngã rẽ và rồi bắt buộc ta phải chọn cho mình một hướng đi để quyết định tương lai cho chính mình.

Lên đường học đạo

Lại một lần nữa tôi cũng phải đi theo ngã rẽ của cuộc đời, bước ngoặc này bắt đầu từ khi tôi thọ giới Thức-xoa ma-na sau bốn năm xuất gia. Tôi nhớ đó là một buổi tối sau giờ Tịnh Độ, Sư Ông gọi mấy huynh đệ chúng tôi lại và dạy:

– Ông cho các con đi học nghe.

Mấy huynh đệ chúng tôi ai cũng bất ngờ, đưa mắt nhìn nhau. Tuy không nói nhưng chúng tôi đều hiểu nhau là không ai muốn rời xa thầy tổ vào lúc này cả. Như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, Sư Ông liền nói tiếp:

– Các con à, các con phải đi học, phải có trình độ Phật học để sau này còn đi khắp nơi để làm Phật sự, xiển dương chánh pháp chứ!

Chúng tôi cùng nhìn chị Hạnh Nghiêm và nói nhỏ với chị là chúng tôi chưa muốn đi học. Một lát sau chị Hạnh Nghiêm đại diện mấy huynh đệ thưa với Sư Ông:

– Dạ thưa Sư Ông! Mấy huynh đệ chúng con chưa muốn đi học, Sư Ông cho phép chúng con được ở bên cạnh Sư Ông, nương đức Sư Ông để tu tập.

Với nụ cười hiền dịu, bằng ánh mắt từ bi vô lượng, Sư Ông nhìn chúng tôi, ánh mắt của người luôn tràn đầy thấu hiểu và yêu thương, tình thương của một người cha đối với các con nhỏ của mình, ai cũng có cảm giác như được chở che từ nguồn năng lượng của lòng từ bi. Rồi Sư Ông nhẹ nhàng khuyên bảo:

– Các con à! Ông đâu sống đời với các con, điều ông mong mỏi trước khi về Phật là được thấy các con trưởng thành, đem chánh pháp truyền khắp muôn nơi, làm lợi ích cho chúng sinh để đền ơn Phật. Không học thì làm sao giữ được mạng mạch Phật pháp hả con! Tương lai của Phật pháp luôn trông mong vào các thế hệ tăng Ni trẻ của hôm nay và mai sau. Các con hãy dõng mãnh tiến về phía trước, “Bỉ ký trượng phu, ngã diệc nhĩ. Bất ưng, tự khinh nhi thoái khuất”. Người kia là trượng phu thì ta cũng trượng phu như họ, các con không phải lo sợ về bản thân mình không đủ đạo lực để bước ra ngoài mà bỏ lỡ cơ hội, các con hãy ra đi với tâm nguyện là tự lợi, lợi tha và đừng bao giờ quên công phu hành trì tự thân. Đó là di huấn của đức Phật, các con phải nhớ khắc ghi, canh cánh bên lòng, thì dù có xa thầy tổ, các con vẫn là những người luôn gần gũi bên thầy tổ trong đạo tình linh sơn cốt nhục.

Dường như Sư Ông đã quyết định cho chúng tôi đi học nên Sư Ông dạy tiếp:

– Ông thấy Trường Trung Cấp Phật Học Đồng Tháp, cơ sở Ni ở chùa Phước Huệ là môi trường tốt đó các con. Ở đó có Ni Trưởng đức độ, các con được ở nội trú, vừa tu, vừa học, không phải chịu cảnh học Phật học ở trường, tu tập ở chùa, sáng đi trưa về, trưa đi chiều về. Các con sẽ có nhiều thời gian để học bài, tu tập, ở nội trú bao giờ cũng tốt hơn ở ngoại trú các con à.

Dẫu mỗi người trong chúng tôi không ai muốn xa chùa, xa thầy tổ vào lúc này, nhưng nghe những lời dạy của Sư Ông, chúng tôi đều cảm nhận được trong đó chứa đựng bao nhiêu tình thương, sự quan tâm, lo lắng, luôn dõi theo từng bước trưởng thành của chúng tôi, luôn mong mỏi chúng tôi thành tựu đạo nghiệp, kế thừa hạt giống Phật. Ân đức của ân sư, huynh đệ chúng tôi chỉ biết ghi lòng tạc dạ, cúi đầu y giáo phụng hành. Bởi chúng tôi biết rằng, rồi một ngày không xa thôi, chúng tôi sẽ không còn nhìn thấy bước chân thong dong của người, với chiếc áo nâu đã phai màu theo thời gian, được nghe những lời chỉ dạy ấm áp của người sau những thời công phu.

Năm đó, vào tháng 9/2002, Sư Phụ và sư chú đã đưa huynh đệ chúng tôi 19 người cùng đi trên một chiếc ghe, theo đường sông cái để đến trường Trung Cấp Phật Học Đồng Tháp nhập học. Tại đây, chúng tôi được Ni Trưởng, quý ni sư và các sư cô trong bổn tự chăm lo chu đáo từ ăn ở cho đến tất cả các sinh hoạt. Chúng tôi học được những kiến thức Phật học từ những vị Giáo thọ sư. Và quan trọng là chúng tôi đã được tiếp xúc với một không gian tâm linh yên tĩnh, hoàn toàn phù hợp cho việc vừa học, vừa tu. Nhờ vậy, chúng tôi cứ theo năm tháng mà trưởng thành. Bốn năm rồi cũng trôi qua, một dấu chấm hết cho chặng đường trung cấp. Ngày ra trường mỗi người lại chọn cho mình một con đường, có người trở về lại bên thầy tổ, người thì chọn học Luật, người thì học lên Cử Nhân Phật Học,…

Vâng lời chỉ dạy của Sư Ông và Sư Phụ, một lần nữa tôi lại khăn gói lên đường tiếp tục việc học. Thời gian cứ như dòng chảy trôi đi, đều đặn, lạnh lùng, không đợi chờ ai cả. Mới ngày nào bước chân vào cửa đạo với bao nhiêu ngỡ ngàng, nay đã là một vị Tỳ-kheo, một trưởng tử Như lai. Đã bao lần tôi tự hỏi: Phước báu gì nay được dự vào hàng ngũ chúng trung tôn? Nhân duyên gì được gặp bậc minh sư? Tôi chỉ biết khắc ghi, đó là nhân duyên quý báu, từng thời khắc tôi nhủ lòng phải luôn trân quý hình tướng đầu tròn, áo vuông này. Mặc dù trên mỗi chặng đường tôi đi không ít những gai góc, gồ ghề và sỏi đá, thế nhưng tôi vẫn luôn nhớ lời Sư Phụ dạy “Trên con đường tìm về bến giác, không ai trải thảm, trải chiếu hoa cho mình đi cả.” Vậy là tôi quyết vượt qua chướng ngại, nuôi dưỡng chí tu học để thực hiện cho bằng được chí nguyện “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” Thời thời khắc khắc tôi luôn nhớ mình là con Phật, là sứ giả Như Lai, nên không vì một lý do gì mà có thể bỏ lại sứ mệnh sau lưng, phải không ngừng tiến về phía trước, dấn thân vào đời bằng trái tim yêu thương của tâm từ bi và trí tuệ từ công năng tu học của tự thân.

Tôi may mắn khi có những người bạn, những thiện tri thức luôn giúp đỡ và ủng hộ tôi từ những ngày mới bước chân trên con đường hoằng pháp. Tôi đã tham gia vào các câu lạc bộ (CLB) với những tên gọi như “CLB Hoằng Pháp Trẻ,” “CLB Truyền Đăng,” “CLB Đóa Hoa Tặng Đời.” Chúng tôi đồng hành cùng nhau trong những chuyến thiện nguyện xuyên suốt từ Nam ra Bắc, từ thành phố đến những vùng núi xa xôi hẻo lánh hay biển đảo, chia sẻ những thời pháp thoại đến các đạo tràng niệm Phật hay khóa tu một ngày an lạc, tổ chức những lớp học tình thương, những khóa tu mùa hè, khóa tu tuổi trẻ hướng Phật, khóa tu cho sinh viên, trao học bỗng cho học sinh nghèo.

Trên mỗi chặng đường chúng tôi đi qua đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người nơi đó. Nhìn thấy những niềm vui khôn xiết, nỗi vui mừng hiện lên trên những gương mặt khắc khổ bởi bao lo toan của cuộc sống, niềm vui của các em học sinh khi đón nhận những suất học bỗng, những phần quà hay nghe chúng tôi chia sẻ những lời Phật dạy càng thôi thúc chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa, để mang đến cho họ không chỉ vật chất mà còn cả tinh thần, qua việc giảng giải những lời dạy của đức Phật, để họ ứng dụng vào đời sống, nhằm vơi đi những nỗi khổ, niềm đau, sưởi ấm trái tim họ bằng tình thương bao la của những người con Phật.

Người ta thường nói, tuổi trẻ luôn mang trong mình những bùng cháy khát khao và sáng bừng nhiệt huyết là vậy. Bởi tôi đã sống hết mình với con đường tôi đã chọn, với niềm đam mê bất tận vào công việc của mình, bằng cái tâm bồ đề sáng chói. Tôi khắc ghi bên mình những lời dạy của Sư Ông và Sư Phụ, và luôn xem đó là những hành trang phi vật thể nhưng lại là những chất liệu nuôi dưỡng tâm bồ đề của tôi lớn mạnh mỗi ngày. Mỗi sự trưởng thành của tôi đều ghi dấu công ơn dạy dỗ của Sư Ông và Sư Phụ, mỗi thành công hay mỗi lần tôi vấp ngã, người đầu tiên tôi nghĩ đến cũng chính là người, những người thầy luôn thầm lặng tiếp sức cho tôi trên mỗi chặng đường tôi đi qua.

Xa thầy tổ, bước chân lên thành phố nhập chúng tu học, làm Phật sự, có thể nói thời gian rãnh đối với tôi là không có. Nhiều lúc tôi có cảm giác mình như đứa trẻ muốn tìm về nơi chốn bình yên, về ngôi nhà thứ hai của tôi, về bên thầy tổ, lắng nghe những lời dạy của người, để tôi được tiếp thêm nguồn năng lượng. Thế nhưng, thời gian về cũng chỉ một chốc lát rồi lại đi. Chỉ có ngày lễ truyền thống “Về Nguồn” cũng là ngày khánh tuế Sư Ông (mùng 2/8) là huynh đệ chúng tôi dù bận rộn bao nhiêu cũng tề tựu đầy đủ, có người thì ở được một ngày, người thì hai, ba ngày. Chúng tôi cùng quây quần bên nhau trong tình linh sơn cốt nhục, tình cảm thiêng liêng cao quý mà ngôn từ không thể dùng để diễn tả hết. Chúng tôi trân quý từng khoảnh khắc bên nhau, có thể nói, đó là những giây phút hạnh phúc nhất đối với chúng tôi. Được lắng lòng nghe những lời động viên, sách tấn của Sư phụ, được sưởi ấm bởi lòng từ lan tỏa từ Sư ông, chúng tôi cảm nhận được cõi lòng thật an yên.

Cha ở quê nhà

Cứ mỗi năm, trước khi về lễ khánh tuế Sư Ông hai tháng, tôi đều đặn về thăm ba, cũng là về giỗ mẹ. Tuy không nói nhưng tôi biết ba rất buồn, vì lâu rồi, đến ngày giỗ mẹ không bao giờ các anh tôi về đầy đủ, những lời hứa ngày xưa “dù làm gì hay ở đâu ngày giỗ mẹ nhất định anh em mình cũng phải về cùng nhau” đã bị bỏ quên trong quá khứ. Anh thì về dịp tết, anh thì về trước giỗ hoặc sau giỗ. Bao năm rồi, đến ngày giỗ mẹ các anh cũng chỉ gọi điện thoại về và nói với ba, “xin lỗi ba, con không thể sắp xếp được công việc để về nhà trong ngày giỗ mẹ, ba hiểu cho con, thương ba!” Những năm gần đây, tôi nhận ra ba đã già đi nhiều, những vết nhăn trên trán ba sâu hơn, những đường gân trên bàn tay ba dường như khắc khoải hơn. Bất chợt nhìn thấy ba nằm gác tay lên trán khi ngủ, như có một cái gì đó trầm ngâm và sâu thẳm chứ không bình thản như trước nữa. Có phải vì anh em con không ba?

Tôi hiểu các anh vẫn luôn lo lắng cho ba, đã nhiều lần các anh muốn đưa ba về sống chung, nhưng ba không muốn sống đời sống của người già nơi phố thị. Nơi mà cuộc sống con người với bao bộn bề lo toan trong nhịp sống hối hả của thời đại, ai cũng bị cuốn theo guồng máy của công việc. Vì thế, lẽ tất nhiên của quy luật bù trừ, con người sẽ ngày càng có ít thời gian hơn để chăm lo đời sống tinh thần. Với gia đình các anh tôi cũng vậy, cũng không thể thoát khỏi cái guồng máy hối hả đó. Mỗi lần đến thăm các anh, tôi đều thấy rõ niềm vui trên khuôn mặt các anh, nhưng cũng chỉ thoáng qua rồi ai cũng giống nhau với câu nói quen thuộc, “cô ở lại chơi nha, anh bận quá,” tuy với họ tôi vẫn là cô em gái út ngày nào, vẫn luôn hỗ trợ tôi trong mỗi công việc tôi làm, các anh không để tôi phải thiếu thốn về vật chất.

Nhưng điều tôi mong muốn ở họ chính là làm sao để các anh cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, dành cho mình những khoảng lặng, để tâm bình an thoát khỏi mọi vướng bận, lo toan từ cuộc sống. Ai cũng có lý giải riêng cho sự bận rộn của mình, mỗi việc làm của họ cũng chỉ vì sự thôi thúc từ ước muốn một đời sống hạnh phúc với những tiện nghi, vật chất đầy đủ. Đành rằng, đó là lẽ tự nhiên, vì ai chẳng có mưu cầu hạnh phúc, ai chẳng muốn thoát cảnh nghèo cùng, túng thiếu. Thế nhưng, những gì ta đang theo đuổi có thật sẽ đưa ta đến được bến bờ hạnh phúc đích thực? Ta có thật sự làm chủ được dòng cảm xúc trong tâm mình chưa?

Tôi vẫn luôn hy vọng là đến một lúc nào đó, các anh tôi sẽ sống chậm lại để nhận ra hạnh phúc đích thực là gì? Chỉ đơn giản thôi, đó là niềm vui của ba khi nhìn thấy con cháu luôn khỏe mạnh. Hằng năm, các con, các cháu đều quây quần bên nhau trong ngày giỗ của gia đình. Đó là niềm vui của tôi mỗi khi đến thăm các anh, nhìn thấy gia đình các anh quây quần bên mâm cơm gia đình, nhìn thấy anh ngồi thư thả uống ly trà hay đọc một cuốn sách,… sau những giờ làm việc căng thẳng,… Có lẽ, ai cũng cho rằng đó là những điều quá đỗi bình thường trong cuộc sống, cần gì phải ao ước.

Tuy nhiên, với tôi đó là điều mà bao năm rồi tôi luôn mong mỏi, đợi chờ để được nhìn thấy. Nhưng thực tại lại không như vậy! Bởi công việc đã chiếm hết thời gian trong ngày của anh, chị tôi. Cả hai chị dâu tôi đều làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, thời gian làm việc phải từ sáng sớm cho đến tối, nên các chị tranh thủ nấu một bữa sáng để ăn cả ngày, ai về trước ăn trước, mỗi người một góc, người thì ăn bên máy tính, người thì tay bưng cơm, tay cầm điện thoại, vừa ăn vừa trao đổi công việc, nên khó để có những bữa cơm cùng chồng, con, cùng con trò chuyện để hiểu những nỗi niềm của bọn trẻ,… Tất cả họ đều quay cuồng trong cái guồng máy công việc hối hả, bất tận.

Nhiều lúc tôi thấy chạnh lòng, bởi tôi thương các anh của mình, thương chị và các cháu, bọn trẻ ở lứa tuổi vị thành niên này đáng lẽ phải được sự quan tâm, chia sẻ từ ba mẹ rất nhiều, nhưng các cháu lại thiếu đi điều đó,… Hạnh phúc không ở đâu xa, nó thật đời thường, giản dị, ở ngay bên cạnh ta, nhưng sao lại khó nắm bắt đến thế. Tôi tin chắc, ở một “khoảnh khắc nào đó” của cuộc đời, nhất định anh chị tôi sẽ quay trở lại để tìm cái hạnh phúc bình dị, giản đơn nhưng ấm áp giữa đời thường ấy.

Những ngày đại dịch

Thế rồi, cơn đại dịch covid-19 thứ tư bùng phát và trở lại tại Sài Gòn quá khốc liệt. Gần một năm thành phố phải gồng mình chống chọi với cơn “sóng thần” covid-19. Đại dịch covid-19 hoành hành, số ca tử vong tăng theo thời gian một cách đáng sợ, gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, tâm lý con người, cùng những nỗi đau vô hình không thể đong đếm nỗi. Toàn thành phố phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát phòng, chống dịch. Nhịp sống của con người trong thời giãn cách xã hội cũng hoàn toàn thay đổi. Phải chăng, đây chính là thời điểm mà tôi cho là “khoảnh khắc nào đó” của cuộc đời. Bởi chính trong những khoảnh khắc đối diện với những cái tận cùng của đau thương, tan tóc đó đã thức tỉnh con người trong cách suy ngẫm về triết lý vô thường. Suy ngẫm về vô thường để biết, không có cái gì là bất biến trong vũ trụ vạn hữu bao la này. Trước mắt là ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Bây giờ còn ngồi bên nhau, nhưng không biết một lát sau ai trong chúng ta sẽ mãi mãi ra đi, bởi dịch là kẻ thù không thể nhìn thấy.

Giữa thời điểm mà tâm lý con người, tâm lý xã hội hoảng loạn, dịch bịnh ngày càng nặng hơn, chị dâu tôi cũng không thoát khỏi tâm lý đó. Tôi thấy rõ trạng thái tâm lý đó của chị dâu qua những cuộc gọi điện vội vã, giọng chị run run, lúc thì: “Cô ơi! phía trước nhà mình có mấy ca Fo, chị lo quá!”, khi thì: “Cô ơi! nhà bên cạnh chết cả nhà!”, “Cô ơi! khu vực nhà mình đã bị phong tỏa rồi.”,… Tôi thấy thương chị vô cùng, vốn dĩ chị được bạn bè, đồng nghiệp luôn xem là nữ cường nhân. Chị là mẫu phụ nữ độc lập, cá tính mạnh mẽ, mọi khó khăn trong cuộc sống không hề quật ngã chị. Một mình chị điều hành hai công ty, vì công việc của anh tôi không liên quan gì đến lĩnh vực kinh doanh của chị, mỗi người mỗi hướng đi khác nhau. Dù vậy, chị vẫn luôn làm tốt công việc của mình, công ty của chị vẫn không ngừng phát triển, chị luôn được cấp dưới, nhân viên yêu quý.

Thế nhưng, khi đối diện với covid-19 chị đã không còn là chính mình. Tôi thấy thương chị và tự nhủ, phải làm sao để bản chất nữ cường trong chị sống lại. Tôi nghĩ mình phải thường xuyên tâm sự cùng chị để giúp chị vượt qua những chấn động tâm lý, nếu không kịp thời nhất định chị phải chịu những hậu quả là rối loạn, lo âu, trầm cảm,… Mỗi ngày tôi đều gọi điện cho chị, tôi bắt đầu cuộc nói chuyện bằng việc đánh thức bản tính nữ cường trong chị, tôi nhắc lại những trận chiến trên thương trường đều không làm khó chị, chị vẫn vực dậy và làm lại. Tôi nhắc lại để chị nhớ, mỗi lần thất bại hay mất mát trong công việc làm ăn chị đều quán tưởng đến vô thường để không nuối tiếc về những gì đã mất.

Tôi nói cho chị hiểu, những tang thương, mất mát do covid-19 gây ra cũng nói lên được đặc tính của vô thường: thành, trụ, hoại, không. Tất cả mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này đều phải trải qua bốn giai đoạn này, nên cái gì có thì cũng phải hư hoại, mất đi; thành công cũng phải có thất bại,… Thay vì bất an, lo lắng, chúng ta phải biết học cách chấp nhận những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Tôi luôn nhắc chị hãy sống với tinh thần lạc quan, dùng thiền định để lấy lại sự cân bằng tâm lý. Hãy xem giãn cách xã hội là cơ hội để mọi thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau nhiều hơn, yêu thương, trân trọng từng giây phút đoàn tụ, sum họp khi còn được bên nhau trong một mái ấm gia đình, được quây quần bên mâm cơm ấm áp, tràn ngập tiếng cười,…

Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng thiêng liêng này lại là sự gắn kết vô hình giữa các thành viên trong gia đình lại. Thế rồi, theo như lời anh tôi thì chị dâu tôi đã chiến thắng bản thân và sống với thực tại trong một tâm trạng thoải mái nhất. Nhiều lúc anh lại nói đùa, phải cảm ơn đại dịch đã biến vợ anh thành bà nội trợ đảm đang.

Suy đi nghĩ lại bản thân tôi cũng cảm thấy, tại sao ta chỉ nói đến những tác hại của cơn đại dịch mà không nghĩ đến chiều hướng tích cực của nó. Quá rõ ràng để nói rằng, khi sống trong cảnh tàn khốc của cơn đại dịch, con người mới càng nhận thức rõ về vô thường để sống chậm lại, có cho mình những khoảng lặng để tìm về với đời sống tâm linh, một đời sống tỉnh thức, để nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng luôn diễn ra như chúng đang là. Tôi thấy rõ điều này ngay trong gia đình tôi sau cơn đại dịch.

Thay vì lao vào công việc để sở hữu khối tài sản vật chất không bao giờ biết đủ, anh chị tôi đã nhận ra sức khỏe mới là tài sản quý giá của đời người, mạng sống con người mới là quan trọng. Anh tôi đã không còn làm việc thâu đêm suốt sáng bởi những bản vẽ anh nhận để làm thêm. Ngoài công việc ở công ty, thời gian còn lại anh dành cho gia đình, cho các con và tu tập của bản thân. Chị dâu tôi cũng vậy, chị đã giao bớt lại một công ty cho người em gái quản lý để dành thời gian chăm lo cho gia đình, gần gũi các con.

Trải qua cơn đại dịch, người ta mới suy ngẫm về luật vô thường để hiếu kính cha mẹ, bởi chỉ cần một sự cố xảy ra, tác động đến sức khỏe là ta sẽ không còn được nhìn thấy cha mẹ. Được bày tỏ lòng hiếu kính khi cha mẹ còn sống là niềm hạnh phúc vô biên. Một ngày được gần kề bên cha mẹ, được nhìn thấy cha mẹ, dù ở gần hay ở xa, bằng cách này hay cách khác, hãy thể hiện lòng hiếu kính, sự quan tâm đến cha mẹ một cách nhiều nhất có thể. Tôi biết các anh tôi vẫn luôn lo lắng cho ba, hiểu được nỗi cô đơn của người già khi không có con, cháu bên cạnh. Tuy nhiên, thời gian dành cho công việc đã chiếm hết quỹ thời gian của họ. Khi đại dịch kéo đến, số người chết mỗi ngày càng gia tăng, mọi công việc đều bị đình chỉ, ngưng trệ, lúc đó anh hay trải lòng mình, có lần anh nói với tôi:

– Cô biết không, trong cuộc đời mình chưa bao giờ anh yêu quý sức khỏe như bây giờ, anh cảm thấy thấu từng chữ trong câu nói của ông bà xưa “còn người là còn của”. Bài học quý giá để lại cho anh sau khi cả gia đình đều bị nhiễm covid đó là sức khỏe. Vì mục tiêu của cuộc sống anh đặt ra quá cao, nên không hề nghĩ đến điều giá trị nhất không phải tài sản làm ra, mà sức khỏe mới là tài sản quý giá, quan trọng nhất của con người. Anh nhớ trong một bài kinh, có đoạn đức Phật dạy về mọi thứ đều vô thường, “chưa từng có vật sở hữu nào được nắm giữ mãi mãi, thường còn, bất biến với chiều thời gian”. Vì thế, điều anh ân hận nhất chính là việc chạy theo của cải vật chất mà không biết rằng, thời gian dành cho ba mẹ mới là quỹ thời gian cần được ưu tiên. Dù mẹ không còn, nhưng chúng ta tề tựu với nhau trong ngày giỗ mẹ cũng chính là dành thời gian cho mẹ.

Điều anh nói làm tôi nhớ lại, có lần khi nhìn thấy anh quá ốm, mắt thâm quầng, tôi biết là anh thức khuya nhiều để làm việc, tôi khuyên anh hãy bớt thời gian làm việc lại để ngồi thiền và trì kinh. Tôi đem đến cho anh quyển kinh “Kinh Phật Cho Người Tại Gia” do TT. Thích Nhật Từ soạn dịch. Cho đến một ngày của thời gian giãn cách xã hội, anh gọi cho tôi và nói, thiền định giúp anh định tâm và khỏe lên. Anh đã đem quyển kinh “Kinh Phật Cho Người Tại Gia” để đọc tụng thường xuyên trong thời khóa tu tập hằng ngày. Cho nên, khi nói đến vô thường anh liền liên tưởng đến bài kinh “Kinh Dụ Ngôn Người Bắt Rắn”, trong đó có đoạn đức Phật dạy mọi thứ đều vô thường. Tôi nghĩ, vậy là anh mình đã thay đổi tư duy nhiều lắm rồi, tôi liền nói với anh.

– Hay là đám giỗ mẹ năm này, em và gia đình các anh cùng về hết cho ba vui.

– Anh cũng đang định nói với cô là anh đã nói chuyện với chú ba, cả hai gia đình đều nhất trí cùng về một lúc. Không phải mỗi năm nay đâu cô à, anh sẽ thực hiện đúng lời hứa năm xưa với cô “dù làm gì hay ở đâu, ngày giỗ mẹ nhất định anh em mình cũng phải về cùng nhau”.

– Anh à, chúng ta vẫn còn có một vị Phật ở nhà, đừng để một ngày nào đó phải đau xót, tiếc thương trong ân hận khi vị Phật của chúng ta không còn.

Anh mỉm cười đưa mắt nhìn tôi. Tôi như nhìn thấy ánh mắt của những ngày xưa trong anh, cái ánh mắt lúc nào cũng trìu mến dành cho đứa em gái út. Có lẽ, sau bao năm tháng quay cuồng trong cái guồng máy hối hả của mưu sinh, lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy anh như đang sống lại với hoài niệm về những “ngày xưa”, những ngày mà mẹ mất, ngoại mất, ba công tác ở xa, anh em phải đùm bọc lẫn nhau trong cảnh cơm ăn không đủ no, áo quần không đủ mặc,… Rồi giọt nước mắt trong khóe mắt anh từ từ rơi xuống!… cũng là lúc những đoạn phim quá khứ bất chợt ngừng tua trong ký ức đong đầy nỗi nhớ của tôi…

Reng… reng… reng… tất cả chợt tan biến nhanh, tôi vội lấy chiếc điện thoại trong cái túi vải đeo bên người, nhìn vào màn hình tôi thấy chị dâu (vợ anh ba) đang gọi.

– A lo! cô về tới đâu rồi, chị ra đón cô nghe. Cả nhà chị đã về hết rồi, ba và mọi người đang mong cô và gia đình anh hai.

– Em gần đến cổng nhà rồi chị.

Tôi vừa bước vào cổng thì anh hai điện cho tôi và nói, gia đình anh vừa xuống đến sân bay Đà Nẵng. Giọng anh hai tôi vừa dứt cũng là lúc mọi người trong nhà chạy ra, mấy đứa cháu ôm chầm lấy tôi, chị dâu thì nắm chặt tay tôi. Bất chợt, tôi nghe như cổ mình nghẹn lại:

– Ba!

Tôi khựng lại và chỉ thốt lên một tiếng trong ngẹn ngào! Quả là một sự bào mòn quá khắc nghiệt của vô thường, nó đã ngấm dần trong từng thớ thịt của ba, mái tóc ba giờ đã bạc đi nhiều, thân hình cũng gầy đi nhiều. Dẫu vậy, ba vẫn như ngày nào, vẫn bản tính trầm lặng, ba đứng đó không nói gì, nhưng tôi hiểu, chỉ cần nhìn thấy chúng tôi sum vầy, vui vẻ như thế này, chừng ấy là quá đủ với ba. Bao năm rồi ba vẫn vậy, vẫn người đàn ông cô độc ngần ấy tháng năm của anh em chúng tôi.

*

(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Sư Cô Thích Nữ Hạnh Lý quê quán Thôn Đa Hòa, Xã Điện Hồng, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam. Xuất gia tại chùa Hưng Thiền, Xã Mỹ Hội, Huyện Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp. Bài được gởi dự thi khi tác giả đang tu học tại chùa Thiền Quang, số 1, đường Trương Công Định, Phường 14, Quận Tân Bình, Sài Gòn.)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *