Thương về dĩ vãng

*Đọc 7 phút*

Photo: Drazen Nesic / Pixnio

Bài NHUẬN HÙNG

Bầu trời Cali những ngày gần đây thời tiết bỗng khác thường hơn mọi khi, nhưng chuyện ấy chẳng có ai buồn quan tâm cả, mãi lo cơm áo gạo tiền trong lúc kinh tế nước đại cường đang gặp nhiều khó khăn. Mấy ai, có tâm trạng chi đâu mà nghĩ đến chuyện khác.

Nhất là chiến sự ở Âu Châu giữa hai nước đối nghịch nhau, đạn bom khắp trời tên lửa tầm ngắn, tầm dài, máy bay không người lái, xe tăng ồ ạt vượt đầm lầy xông lên, còn hơn những con hổ sắt hung hăng chúng nó lao mình tìm tới mục tiêu, hầu khạc đạn lửa khắp nơi nơi. Khiến bầu trời trong xanh thành màu đen ngùn ngụt, khói lửa tưng bừng. Đâu là mạng sống, đâu là cái chết tức tưởi… Còn hơn những con thiêu thân lao vào ngọn đèn dầu le lói. Cảnh tượng tàn sát lẫn nhau. Hỡi ai, có hiểu cho chăng? Ông trời có biết hay không?

Những giây phút ấy lòng tôi càng xót xa hơn nữa nhìn lên bầu trời Cali hôm nay quá ư, ảm đạm vô cùng, mây đen vây bủa khắp trời liên tục mấy ngày liền, không có tia nắng nào buồn tình le lóe cả, khí trời thì lành lạnh, lá vàng lại rơi lả tả, đã vậy lá xanh cũng theo đó mà rơi theo, chợt đến, chợt đi, à thì ra là tháng Tư Đen đã đến rồi các bạn ạ!

Lòng tôi miên man lại nhớ đến những dòng thơ xa xưa của thi sĩ Thanh Trí Cao tức cố Hòa Thượng, thượng Quảng hạ Thanh, có đoạn ngài viết rằng:

“Thương dĩ vãng bụi trần hội tụ
Uống sương mù rong ruổi nghìn thu
Vàn sao rụng bởi nhiều mơ mộng
Tìm được gì sau bước chu du
Nếu không đến đường về vô nghĩa
Mấy lần đi sao hãy còn đi
Bao lâu nữa nhận mình lữ khách
Để không còn đối diện tử thi
Rồi những lúc hoa tàn trên áo
Hoàng hôn buồn quá khứ vùi sâu
Một lần tỉnh suối nguồn giao cảm
Hiện hữu nào cũng rất nhiệm mầu
Từ tác ý nghìn thu sắc thái
Thịt da nào cũng rướm máu thương đau
Sao không nghĩ mình là tất cả
Cùng cỏ cây làm kiếp thi hào…”

(tập thơ Trăng Ngủ Trong Mây) -Thanh Trí Cao

Nghĩ đến đó, lòng tôi chùng xuống dĩ nhiên bao nhiêu ký ức, thương-nhớ về dĩ vãng lại cuồn cuộn tuôn ra trong tâm trí của tôi. Đã vậy, hình ảnh những lúc chạy giặc trong cuộc chiến chinh khói lửa đã xảy ra, gần nửa thế kỷ (49 năm) qua, sao lại đậm nét, thế nhỉ? Tuổi càng cao thì sức khỏe càng yếu đi.

Việc gì đã qua mình muốn cho nó trôi theo dòng sông tuôn ra biển cả không còn lưu luyến trong não bộ gì nữa, nói thì dễ nhưng không thể nào tẩy não được bạn ạ! Chúng (sự kiện ấy) đã được đưa vào A-Lại-Da-Thức còn gọi là tạng thức nói theo ngôn từ trong Giáo Lý Phật Đà thì dễ gì mà xóa đi được, thật là không dễ chút nào. Vẫn biết “xả bỏ những ký ức xa xưa đó” chỉ là cách một cách nói thuận miệng, suông chiều, chính là lừa dối bản thân mình, các bạn ạ!

Ngày 30 tháng 4. Riêng tôi cũng nghĩ vậy, nhưng còn không biết có bao nhiêu người Việt đang sinh sống khắp nơi ở hải ngoại. Hễ hằng năm tháng Tư đến là họ nhớ ngay, đây là dấu mốc “lịch sử bi thảm, đau thương miền Nam Việt Nam, mãi mãi sẽ không bao giờ quên.” Nói đến Tháng Tư Đen năm nay đã tròn 49 năm kể từ khi miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm. Một thể chế tự do, trên một dãi đất thân thương miền Nam Việt Nam bị bức tử, những hậu hoạn, những thương đau ấy do đâu mà ra? Có phải chăng là cuộc chiến chênh lệch mà ra hay không? Những uất ức của quân, dân miền Nam VN trên bàn cờ chính trị do các cường quốc lớn lèo lái. Thật là đau buồn cho các nước nhược tiểu không đủ sức tự chủ, tự lập cho chính dân tộc của mình luôn luôn bị ngoại bang chèn ép. Thật buồn thay!

Con thuyền Miền Nam Việt Nam bị chìm bức tử trong cơn chiến loạn, cũng vì bé cổ thấp họng không thể cầu cứu đến thiên đình được. Để rồi dẫn đến cảnh nước mất nhà tan, tha phương nơi xứ người. Bao nhiêu tủi nhục khốn cùng cho đến bao giờ mới xóa được. Tôi vẫn hiểu “Oan oan tương báo…” Những đau khổ, mất mát của người dân lành không thể nào diễn bày cho hết được. Trong thi ca Nguyễn Du có câu “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”

Cảnh nhà tan, cửa nát, không biết bao nhiêu quân, dân, cán, chính Miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản bắt bớ giam cầm tù đày nơi rừng thiêng nước độc hành hạ cho đến kiệt sức. Giam người không có bản án, vậy các bạn trẻ nghĩ sao đây? Thắng thua là việc của binh gia, kẻ thua không phải là hèn nhát, nhưng tình người không thể đưa lên bàn cân mà so sánh được? Nếu được, (tình yêu thương, bảo bọc, khoan dung, đại lượng) thông cảm với nhau, đó thật là quý hóa thay! Nhưng ngược lại thì sao?

Hỡi! những bạn trẻ yêu quý của tôi đang sống ở Miền Nam Việt Nam, sanh ra và lớn lên sau năm 1975 chắc có lẽ chẳng biết gì về cuộc chiến chinh đầy khói lửa vào những năm 1954 cho đến 1975 cuộc chiến tàn khốc trên đất nước Việt Nam. Nếu các bạn trẻ có lòng yêu quê hương nước Việt dành chút ít thời giờ để nghĩ tưởng đến dòng lịch sử cha ông của chúng ta hãy lên “Google” tìm hiểu kỹ vì sao các bậc trưởng thượng, ông cha anh mình, đã hy sinh anh dũng như thế nào? Để có ngày hôm nay mình được sống an ổn trên đất nước tự do mệnh danh là Hiệp Chủng Quốc vì sao và lại vì sao?

Chắc có lẽ quý vị, thường đi chùa nghe quý thầy giảng cũng thừa hiểu và thừa biết trong giáo lý Phật Đà, các bậc Tôn Đức có ghi câu: “Không truy tìm quá khứ, không mong cầu tương lai, hiện tại là đây.” Đúng, điều đó là không sai cả. Nhưng ai ai, cũng có thể hiểu và biết, chúng ta là người Việt tỵ nạn Cộng Sản.

Dù gì, con cháu mình sinh ra lớn lên tại vùng đất mới đầy đủ tiện nghi, ăn học có bằng cấp cao làm đến ông này hay bà nọ cũng chỉ là sống nhờ ở tạm trên đất khách quê người. Vậy các bậc phụ huynh đã cao niên chẳn tuổi rồi cũng nên nhắc nhở hàng hậu bối, con cháu rằng: “Mình còn có quê cha, đất tổ, mang dòng máu con rồng cháu tiên… Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê.” Ở bên kia bờ biển Thái Bình Dương là dãi đất thân thương của dân tộc mình đó.

Đứng trên bình diện khách quan, chúng ta nhìn thấy ngay. Cộng đảng đang nắm quyền trong tay từ Bắc cho đến miền Nam, không một ai được tự do ngôn luận hoặc từ ý nghĩ cho đến việc làm. Bởi vậy, chúng ta cũng biết trước được Cộng đảng cưỡng chiếm dãy đất thân thương của Miền Nam, nhưng chúng không thể chiếm được trái tim của hằng triệu người dân miền Nam Việt Nam.

Bởi thế, sau năm 1975 có cả triệu người bỏ nước ra đi thà làm mồi cho cá còn hơn sống trong vòng kìm hãm của chế độ vô thần. Nhắc đến những chuỗi ngày sau tháng Tư Đen của miền Nam Việt Nam thì thật là dài lê thê, ai ai cũng là chứng nhân của lịch sử, và còn cả một tập hồi ký đau thương. Tuy tôi là người ra khỏi nhà thế tục, không còn vướng trong vòng xoáy đảo điên tranh giành quyền lực hay mang hận thù chi nữa! Nhưng tôi cũng không thể thờ ơ được, đất nước Việt Nam đang ngã nghiêng bên bờ vực thẩm, Tàu Cộng đang lăm le nuốt chửng đất mẹ thân thương của chúng ta. Chúng ta phải làm gì đây?

 “Mau thức dậy tìm về đất Tổ
Muôn cỏ cây chờ đợi ta về
Dù ngày ấy vạn người nằm xuống
Ta vùng lên chiến sĩ kề vai
Chiến hào cũ trở mình tìm minh chủ
Hãy tự tin đừng hóa kẻ ươn hèn
Thử soi lại tấm gương anh hùng sử
Chớ nản lòng bởi tiếng người chê khen
Ngày quang phục, ngày chung tất cả
Chí hiên ngang bất luận trẻ – già
Cùng chung sức bước qua đường hiểm trở
Và reo hò hát khúc khải hoàn ca.”

(Thanh Trí Cao)

Một lần nữa, riêng tôi mong mỏi quý vị, trong cái rủi lại có cái may. chúng ta, cũng tạm gác lại những nổi buồn thảm và luôn nhắc nhớ các thế hệ trẻ Việt Nam, con cháu quý vị lớn lên và sống tại hải ngoại, đã có bản lãnh nơi mình, hãy chứng tỏ khả năng học vấn thành công trong thương trường, cũng như binh nghiệp, hoặc các ngành nghề.

Trong khi xây dựng cuộc đời mới trên quốc gia hùng mạnh, thì hãy giữ vững trái tim mình một hình ảnh thân thương của đất nước Việt Nam quê hương yêu dấu của ông bà tổ tiên ta.

Nếu một ngày nào đó, giấc mơ của bạn đã thành sự thật, thì các bạn sẽ sống lại những buổi sáng sương mù tại Đà Lạt, những buổi chiều mưa sa tại Sài Gòn. Các bạn sẽ có dịp thả hồn đi trên Quốc Lộ số 1, con đường cái quan ngày xưa, dọc theo những bãi biển, màu xanh thăm thẳm bên bờ cát trắng tinh, Nha Trang vẫn còn đó và hãy nhìn bên kia đường nắng chiều hoàng hôn rải xuống một màu vàng tươi trên hàng cây ở lưng đồi, xa xa là dãy Trường Sơn, nhấp nhô những hàng thông già thẳng tấp trên vùng núi cao nguyên đất đỏ của ngày nào.

Các bạn trẻ còn nhớ không, sẽ có một ngày nào đó quay về với dĩ vãng năm xưa, bạn sẽ được đứng trên chiếc phà băng qua sông Cửu Long, để cảm nhận gió chiều thổi rào rạt trên mặt, phảng phất mùi lúa chín thơm trong những ngày gặt hái trên cánh đồng lúa vàng bao la bát ngát. Lúc ấy các bạn trẻ sẽ thấy quê hương Việt Nam mình là viên ngọc chiếu sáng trong vùng trời Á Châu.

Mong lắm thay! Hẹn một ngày mới sẽ đến với các bạn trẻ.

T. Nhuận Hùng
Tháng Tư dĩ vãng buồn!
Santa Ana, California, ngày 21/4/2024


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *