Photo: Từ trái là tôn tượng Thiện Tài Đồng Tử, Long Nữ, và Quán Thế Âm Bồ Tát tại Chùa Ping Sien Si ở Perak, Mã Lai Á. (Anandajoti / Wikimedia Commons)
Bài TRẦN VĂN DŨNG
Tôi về nương tựa Tam Bảo vì lời nguyện Biển Đông năm xưa. Cánh cửa Từ Bi đã rộng mở, nhưng bao tháng năm trôi qua tôi vẫn mãi loanh quanh. Sóng gió Biển Đông đã lắng dịu, nhưng cơn sóng đời còn vũ bão gấp trăm nghìn lần, quăng tôi lên xuống tơi bời. May mắn thay, trong bóng đêm đen tối, tôi chợt nhớ đến lời dạy của Đức Phật “Ta đến đây không phải để cứu độ các con. Ta đến đây để chỉ đường đi cho các con. Các con hãy noi theo đó mà tiến tới, để tự độ lấy mình.”
Ngọn hải đăng Phật Pháp vừa lóe lên thì than ôi đã muộn màng rồi! “Thời gian trôi, xuân nay đã úa tàn,” biết có còn được bao lâu nữa? Nếu kiếp này không được trọn duyên lành, xin Nguyện Tái Sinh làm kiếp Người, tuy đầy rẫy những khổ đau, phiền não, nhưng bên tôi đã có Ngọn Hải Đăng soi đường chỉ lối cho tôi tiếp tục lèo lái con thuyền tìm về Bến Giác :
“Ngày sẽ hết ta sẽ không ở lại
Ta sẽ đi và chưa biết đi đâu?
Nhưng ta nhớ trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây ta sống đủ vui sầu.”
(Bùi Giáng)
*
Oec Oec… Quạc Quạc…
Tiếng kêu lanh lảnh của bầy hải âu vang dội cả khoảng biển bao la, màn đêm buông nhanh, phủ kín con thuyền nhỏ bé, mong manh. Đoàn tàu hải tặc đã bỏ đi xa, chúng cướp hết tiền bạc, vật quý giá của thuyền nhân và cả cái la bàn của tôi, để lại bao nỗi thống khổ…Thân người nằm la liệt trên khoang thuyền. Đâu đây tiếng rên rỉ, tiếng khóc nỉ non … hình ảnh mẹ tôi thoáng qua trong trí nhớ … “Mẹ ơi,ngày con ra đi, mẹ rơm rớm nước mắt trao cho con sợi dây chuyền hình Mẹ Hiền Quán Âm và mảnh giấy ghi lời nguyện. Mẹ nói khi gặp hiểm nguy thì hãy cầu nguyện sẽ được tai qua nạn khỏi. Mẹ ơi, sợi dây chuyền đã bị hải tặc Thái Lan cướp mất rồi, còn mảnh giấy đã nát ra từng mảnh, trôi vào lòng đại dương bao la nhưng lời cầu nguyện con đã khắc trong tâm.”
Tôi lồm cồm ngồi dậy, chắp tay lâm râm luôn miệng khấn vái “Nam mô Đại Từ Đại Bi, tầm thinh cứu khổ cứu nạn Quảng Đại Linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ Tát, xin Ngài hãy chứng giám cho lòng tạ ơn đời đời của chúng con, xin Ngài soi đường chỉ lối cho con lèo lái con thuyền đến được bến bờ an lành.”
Ngoài kia, trên khoảng bầu trời đêm bao la, có những vì sao lấp lánh, tôi mơ thấy hình ảnh Đức Quán Âm Bồ Tát, tay cầm nhành dương, tay cầm bình tịnh thủy với lời thệ nguyện của Ngài, dốc một lòng thành, phát nguyện thường ở Nam Hải. Tôi mơ thấy mảnh đất tự do, an lành.
“Lord Buddha, do you hear our voice?
O! Fellow Humans, do you hear our voice?
From the abyss of death.
O! Solid shore
We long for you!
We pray for the mankind to be present today
We pray for land to stretch its arms to us!
We pray that Hope be given us
Today from this very land.”
(From “A Prayer for land” )
… Và nhớ về cố hương xa vời, nơi ấy bà nội tôi đang ngồi trên cái giường phản, tay lần tràng hạt niệm Nam Mô Phật.
… Nơi ấy, mẹ vẫn kể chuyện về cuộc đời Đức Phật và giáo pháp cho tôi nghe khi tôi còn cắp sách đến trường, với một giáo lý đơn sơ, vi diệu mà tôi đã dùng làm câu châm ngôn trong suốt cuộc đời.
*
“Dũng ơi! Dậy đi con, dậy đi, đưa bà nội và mẹ đi lễ chùa.”
Tôi ngái ngủ, quay qua quay lại hỏi, “Đi chùa nào hả mẹ?”
“Chùa Xá Lợi.”
Nghe Chùa Xá Lợi, tôi bật dậy như chiếc lò xo, đánh răng, rửa mặt thật lẹ, rồi cùng mẹ và bà nội leo lên chiếc xích lô máy, thẳng tới đường Bà Huyện Thanh Quan, vào chùa thắp nhang, lạy Phật. Sở dĩ tôi sốt sắng như vậy, không phải vì tôi ham thích chùa chiền, mà vì mấy cái xe bán bò bía trước cổng chùa. Chao ôi, thật hấp dẫn biết bao khi đứng ăn cuốn bò bía… một ít trứng, ít lạp xưởng, vài miếng củ sắn… rồi cuốn bò bía thành hình, tôi còn xin thêm một ít nước củ sắn ngon ngọt, thơm thơm… còn sướng hơn cả đi chùa.
Gia đình tôi theo đạo Phật, mỗi tối bà nội tôi hay ngồi trên cái giường phản kê ở góc nhà, lúc nào cũng được chùi bóng láng, tay lần tràng hạt, lâm râm niệm Phật… góc bên kia là một cái tủ thờ, tôi để ý thấy hình các Đức Phật mà mẹ tôi nói đó là hình của Đức Phật Thích Ca, Đức Phật A Di Đà và Quán Âm Bồ Tát. Mẹ hay kể chuyện về Đức Phật Thích Ca, về những lời dạy của Ngài:
Có một vị đạo sĩ, một hôm tới yến kiến Đức Phật và hỏi, “Thưa Ngài, tôi nghe nói giáo lý của đạo Phật cao thâm vi diệu lắm, vậy xin cho tôi được nghe các lời giảng được không?”
Đức Phật mỉm cười trả lời, “Giáo lý của ta không có gì cao siêu cả, chỉ là, không làm các điều ác, gắng làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch. Đó là lời Chư Phật.” (Pháp Cú 183)
Gã đạo sĩ nghe đến đó, cười mỉa, “Tưởng gì cao siêu lắm, chứ cũng tầm thường mà một đứa con nít lên ba cũng nói được.”
Đức Phật đáp lại, “Giáo lý tầm thường một đứa bé lên ba cũng biết, nhưng cụ già tám mươi tuổi cũng chưa chắc làm được.”
Gã đạo sĩ im lặng, tiu nghỉu bỏ đi.
Câu chuyện này mẹ đã kể nhiều lần và tôi đã thuộc nằm lòng, nhưng hiểu đại khái về các điều lành và các điều ác. Mỗi lần kể xong câu chuyện, mẹ lại giải thích cho tôi nghe, “Những điều lành là biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, kính trọng thầy cô, thương yêu và giúp đỡ kẻ nghèo.Tránh xa những điều ác là tránh sát sinh, trộm cắp, nói dối… Nếu con giữ gìn được những điều này, mẹ sẽ thưởng cho con một tuần lễ đi tắm biển Vũng Tàu.”
Nghe mẹ hứa, tôi vui vui trong lòng, vì với tuổi con non nớt, chưa bước chân ra đời, tâm hồn còn trong sáng, tôi dễ dàng thực hiện được những điều trên. Tôi còn viết lên giấy hàng chữ thật to, đem gián lên tường chỗ đầu giường nằm, để khi sáng thức giấc và tối trước khi đi ngủ để đọc được câu Phật ngôn này và đem câu này ra thực hành. Trong gia đình thì được mẹ thưởng cho đi chơi, ngoài học đường thì ngoài tấm bảng danh dự màu vàng, tôi còn có thêm được tấm bảng màu xanh lá cây: giấy chứng nhận Hạnh Kiểm Tốt nữa. Hình ảnh bà nội ngồi lần tràng hạt và bố mẹ tôi hàng tháng hay trong những dịp lễ đặc biệt như ngày Phật Đản, ngày Tết tới chùa thắp nhang là hình ảnh mẫu mực mà tôi nhận thấy trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, khói hương nghi ngút, và tôi vẫn xem Đức Phật như một vị thần linh, có tài phép biến hóa, có thể ban thưởng hay giáng tội tôi nếu tôi làm những điều ác, và bị ngài đày xuống địa ngục, nên khi thắp nhang lạy Phật, lúc nào tôi cũng cầu xin được điều này, điều kia, cầu xin được may mắn trong đời… nhưng những lời cầu xin đó không bao giờ thành sự thật khi tôi thực sự bước chân vào cuộc đời dù là câu châm ngôn vẫn thuộc nằm lòng, dù là tôi đã quy y tam bảo.
Vị bổn sư truyền giới cho tôi là Hòa Thượng Thích Thanh Từ, nhưng ngọn lửa tam độc Tham Lam, Sân HậN và Si Mê lúc nào cũng bừng cháy trong con người tôi, quăng quật tôi một cách tơi bời!
*
Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật.
Tiếng niệm Phật vang lên trong Niệm Phật đường Tu Viện Hoa Nghiêm, Santa Ana, gia đình tôi cùng các Phật tử khác đang đi thiền hành. Tôi đi trước, con tôi, lúc cháu còn năm tuổi đi sau, cuối cùng là vợ tôi. Tuần nào cũng vậy. tôi đưa cháu đến đây theo học các lớp dạy Việt ngữ và sinh hoạt gia đình Phật tử và ngồi nghe thầy giảng một tiếng về giáo lý đạo Phật, nghe rất hay và sát với thực tế cuộc đời, nhưng khi đang nghe thì bao nhiêu vọng niệm, hết chuyện này đến chuyện kia cứ thế mà trôi chảy trong tâm, tôi không bao giờ tập trung được, đã vậy còn ngủ gà ngủ gật, quay qua bên con tôi thì nó đang ngồi đánh gameboy, vì tôi cho phép cháu đánh game, chứ ngồi nghe thầy giảng kinh thì cháu chẳng hiểu gì cả.
Tôi bước chân đến Mỹ khi chùa Việt Nam còn ít, sách vở giáo lý có nhiều nhưng còn nằm trong các tạng chữ Hán, nên các Phật tử đến chùa lạy Phật, dù cho có lòng thành kính Đức Phật, siêng năng cúng bái và cầu đạo, nhưng không hiểu được những giáo lý tuyệt vời nên trai thanh gái lịch, mỗi lần Tết đến, cứ quần là áo lượt, cong lưng cong cổ, xì xụp cúi lạy Đức Phật, trong tiếng chuông, tiếng mõ, trong khói hương nghi ngút, và họ xem như vậy là làm đầy đủ bổn phận của người con Phật, là sẽ được giác ngộ vì vẫn tin tưởng Đức Phật là vị thần linh, cho nên tha hồ cầu xin mà không cầu tu nên đã bước đi những bước đi khập khiễng trên con đường Chánh Đạo, và tôi là một trong số những người, trong một lúc nào đó đã quên đi lời Phật dạy: “Chính tự các ngươi phải cố gắng kiên trì tu tập. Như Lai chỉ là người thầy chỉ rõ con đường giác ngộ cho các người, chứ không giác ngộ giùm ai được,Người nào theo con đường này sẽ thoát khỏi vòng trói buộc của ma vương.” (Pháp Cú 276)
*
Con đường học đạo của tôi có những bước đi khập khiễng, đôi lúc đi thụt lùi, nhiều lúc đi trật khỏi đường mà không hay biết, hằng tuần vẫn cùng gia đinh đi lễ chùa, về nhà mỗi tối ngồi quây quần đọc Chú Đại Bi.
Tôi ham thích đi chùa thắp nhang và say mê thỉnh kinh sách Phật giáo về nhà để chất đầy một tủ sách, nhưng không phải để đọc và suy ngẫm lời Phật dạy mà chỉ trưng và nhìn cho đẹp mắt, ngày qua tháng lại đóng bụi thời gian. Tấm lòng sùng kính Đức Phật thì nhiều, nhưng không hiểu về giáo lý nên niềm tin dễ bị lung lay, để rồi đến một hôm, một người đồng nghiệp, bà này làm chung một hãng xưởng, nghe tôi kể chuyện về Phật Pháp và chùa chiền, vì gia đình bà cũng theo đạo Phật, bà phán một câu:
“Chú đâu cần phải đi chùa hàng tuần đâu, gia đình tôi theo đạo Phật, nhưng có bao giờ đi chùa, học giáo lý, kể cả ngày lễ Phật Đản nữa, mà vẫn sống vững vàng, khỏe mạnh.”
Tôi nghe bà ta nói như vậy, trong lòng có chút ít bối rối và buồn bã, tôi cứ đinh ninh là bà ta sẽ hưởng ứng, vì cả hai đều cùng đạo, ai ngờ bà nói ngược tai, nhưng tôi đành lặng thinh vì không hiểu rõ sự vi diệu của giáo lý đạo Phật nên không tài nào biện bạch được, nhưng cũng kể từ giây phút đó, tôi đâm ra sao lãng việc đi chùa, những cuốn sách về giáo lý, nằm yên trong tủ sách từ bao lâu nay, tôi đã dọn dẹp, một phần đem bỏ vào ngăn kéo, một phần bỏ ngoài nhà để xe, và phần còn lại đem quằng ngoài nhà kho sau vườn. Thỉnh thoảng khi dọn nhà kho, tôi thoáng thấy cuốn sách, bìa cứng màu đỏ, Kinh Pháp Hoa và cuốn Kinh Kim Cang màu vàng,vẫn nằm chơ vơ trên kệ cái lò nướng Barbecue, hứng bụi thời gian và… cứt chuột, nhưng đối với tôi lúc đó cũng chẳng có giá trị gì!!!
*
“Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chút
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay.”
(Bùi Giáng)
Bước vào khu vườn hoa trái Roger’s Garden gần Fashion Island, Newport Beach, mùi hương hoa hồng tỏa ngát lối đi trải sỏi, tôi nghe đâu đây tiếng nước chảy róc rách, lần bước đến cuối đường, qua đám hoa hồng đỏ.. .và kìa giữa hai hàng trúc xanh rì, phía sau tòa hoa sen tỏa nước, Đức Thích Ca Mâu Ni đang ngồi tọa thiền. Bức tượng màu xam xám, với gương mặt sáng ngời, từ bi. Tôi lặng im đứng ngắm nhìn không biết bao lâu, cho đến khi nghe tiếng gọi của đứa con. Tôi bước ra về mà lòng thấy bao nhiêu niềm vui và hạnh phúc trào dâng. Cái hạnh phúc mà tôi đã để mất đi đến nay đã mười mấy năm rồi, nhưng rồi lòng tôi cảm thấy hổ thẹn vì bao lâu nay đã mang tội quăng bừa bãi sách vở Phật Pháp. Hôm nay trước Phật đài tôi xin chắp tay sám hối, từ nay không bao giờ tái phạm nữa:
“Xưa con đã tạo bao ác nghiệp
Đều bởi muôn thuở tham sân si
Từ thân miệng ý mà phát sanh
Tất cả nay con xin sám hối.”
Ngay sáng hôm sau, tôi lục lọi tất cả sách giáo lý đạo Phật không sót một chỗ nào, đem hết ra sân phơi nắng, lấy cồn lau chùi sạch sẽ, và đem xếp ngay ngắn trên kệ cái tủ sách tôi mới mua về, lòng tôi ngập tràn nỗi vui mừng khó tả, hàng ngày tôi đem từng cuốn sách ra nghiền ngẫm lời Phật dạy, đọc một cách say mê như chưa từng bao giờ được đọc. Mừng hơn nữa, tôi còn có thêm những cuốn giáo lý đạo Phật bằng tiếng Anh, giản dị, dễ hiểu… tôi đã để trên bàn học hai cuốn sách
‘Eight Mindful steps to Happiness,Walking the Buddha Path’ cho con tôi đọc, và cuốn ‘Bát Chánh Đạo’ cho vợ tôi đọc…
Tôi sinh ra đời, không mấy gì giỏi giang, tay chân thì luộm thuộm, vụng về, nói năng không được khéo léo, không miệng mồm như người khác nên nhiều lúc thấy đau đầu trong cuộc sống, nhưng nhờ lối sống đạo đức và chân thật, hay làm lành tránh ác như mẹ tôi đã dậy, thì cuộc đời sẽ được hưởng nhiều phước báu, đó là sự may mắn trong đời cộng thêm với sự cố gắng vượt bực của tôi đã giúp tôi vượt qua bao nhiêu trở ngại mà tưởng chừng không bao giờ có thể qua được. Tôi đã thực hành Chánh Tinh Tấn đem áp dụng trong mọi công việc, và thấy vô cùng hiệu quả. Từ ngày có dịch bệnh Covid, tôi hay thường xuyên bị mất ngủ nên nhiều lần muốn uống thử thuốc viên Melatonin, nhưng khi đọc được Bát Chánh Đạo, tôi đem phương pháp Chánh Định và Chánh Niệm ra thực hành thì tôi đã chìm vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng, dù bên tai tôi vẫn phải nghe âm thanh từ chiếc máy radio vợ tôi mở ra lúc trời khuya. Giã biệt người bạn Melatonin.
May mắn nhất là tôi có được người bạn đời tuyệt vời, luôn luôn giúp đỡ, sát cánh bên tôi trong suốt cuộc sống đầy phiền não. Những chuyện cãi nhau,giận hờn trong cuộc sống vợ chồng là bình thường nhưng cũng bởi tham sân si tạo nên, nhiều khi cũng vì những chuyện không đâu vào đâu mà vợ tôi nổi cơn phong ba, nhưng tôi đã ru cơn sóng bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, êm ái bằng phương thuốc Chánh Ngữ tuyệt vời, tôi dùng lời nói chân thành và hòa nhã với hàng xóm láng giềng, với bạn bè,anh chị em trong gia đình. Đôi lúc tôi hơi hối tiếc là tìm lại con đường Phật Pháp quá trễ, nhưng lời Phật dạy đã làm tôi yên lòng “Sống cả trăm năm mà không biết chân lý tối thượng, không bằng chỉ sống một ngày mà biết giáo lý như vậy.” (Pháp Cú 115)
*
Reng …reng…reng
Tiếng chuông điện thoại reo vang, tôi nhấc máy. Đầu dây bên kia, con tôi gọi, “Hello bố mẹ, tuần tới trường con có tổ chức chương trình văn nghệ cho các sinh viên Việt Nam, con về đón bố mẹ lên tham dự luôn.”
“Được rồi con, khi nào về nhớ gọi cho bố.”
Tôi tham dự ngày Vietnamese Culture Show tại UC Berkeley. Các sinh viên Việt Nam trình diễn các màn ca vũ dân tộc và kịch nghệ rất xuất sắc, nhất là vở bi kịch: Hai ngã dòng đời (Streams of Life) … và con tôi đóng vai là một doanh nhân giàu có ở Sài gòn, nhưng lúc nào cũng tỏ ra kiêu căng, tự cao, tự đại, không có lòng nhân, không giúp đỡ người nghèo khó, mà đã dùng sức mạnh của đồng tiền để đè bẹp người khác. Tôi đã phân tích và dẫn giải về ý nghĩa sâu xa của câu chuyện, là cuộc sống Vô Thường, luôn luôn biến đổi không ngừng, danh lợi, tiền bạc sẽ biến mất khi ta nằm xuống,cho nên khi sống phải biết thương yêu nhau, biết giúp đỡ và chia sẻ, và con tôi đã hỏi, “Bố ơi, con nghe mấy thầy hay nói về Vô Thường, nó nghĩa là gì?”
Câu hỏi này cháu đã hỏi nhiều lần, lần nào tôi cũng trả lời đại khái, vì chính tôi cũng không biết rõ lắm, chỉ nghĩ là vô thường là cái gì xấu. Sau nhờ Đức phật soi đường chỉ lối tôi đã hiểu lẽ Vô Thường, và những trải nghiệm của tôi trong cuộc đời đầy phong ba bão táp. Hôm nay tôi viết lên đây cái nghĩa của Vô Thường bằng một chữ tiếng Anh để giải nghĩa cho con tôi hiểu: Impermanence.
“Con mở cuốn sách ‘Eight Mindful Steps to Happiness, Walking the Buddha Path,’ trang 35 và 36, tác giả,Thiền Sư Bhante Gunaratana sẽ giải thích về ý nghĩa của Vô Thường, nhưng con đọc rồi cũng phải ngẫm nghĩ thì mới hiểu để ứng dụng trong đời sống.”
Impermanence is pretty easy to understand. The fact that things are temporary is not the problem. Rather, it’s the attachment we have to people and things. That makes us unhappy. Say we have a new jacket that we like enormously. After wearing it only a few times, we get some wet paint on it, or we tear it on something, or we leave it on a bus. We feel annoyed. When we look at change head on, we may begin to see that it has an up side as well. We can count on the fact that whatever conditions exist in our lives will also change. Things may get worse. But they may also improve. Because of impermanence, we have the opportunity to learn, develop, grow, teach, memorize, and make other positive changes, including practicing the Buddha’s path. If everything about us were set in concrete, none of these changes would be possible. The uneducated would stay uneducated. The poor and hungry would stay poor and hungry. We would have no chance to end our hatred, greed, or ignorance and their negative consequences.
*
Thành ngữ Anh văn có câu: “Here today and Gone tomorrow.” Thành ngữ tiếng Đức có câu “Alle Phanomen sind Unberstandig” (mọi hiện tượng đều không chắc chắn).
Và Xuân Diệu với những vần thơ:
“Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai,
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.”
Tôi lần giở những trang “Nhật ký tha hương,” những dòng chữ đã phai mờ theo năm tháng:
– Ngày 21 tháng 3, 2002. Tôi trở về cố hương sau hai mươi mốt năm xa cách. Mẹ ơi, ngày con ra đi, tóc mẹ còn đen, ngày con về, chỉ thấy một màu tuyết phủ trên mái tóc mẹ, bà nội và bố con đã mất, ôi cuộc đời sinh ly tử biệt. Mẹ vẫn ngồi đó, trên tấm phản cạnh bàn thờ, nhưng không phải để niệm Phật, tay mẹ run lên cầm cập, mẹ bị chứng bệnh Parkinson’s. Tôi cầm tay hỏi, “Mẹ còn nhớ con không?”
Mẹ nhìn tôi, đôi mắt lạc thần, “Thằng Dũng phải không?”
Tôi nhớ mãi bài thơ bất tử “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của Bà Huyện Thanh Quan, trước cuộc đời bể dâu:
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường“
Giờ đây, nhìn lại cảnh tượng Sài Gòn đổi thay, mà luống những ngậm ngùi. Tôi không còn nhận ra con hẻm vào nhà tôi trên con đường Phan Đình Phùng, Chợ Vườn Chuối, có chăng chỉ là nhìn được con số hẻm đã bạc màu. Vào bên trong hẻm, căn nhà xưa yêu dấu, đã biến đổi hoàn toàn, phá hết đi những kỉ niệm của một thời xa xưa, dấu vết của tình yêu muôn thuở, đắng cay. Tôi mới hiểu ra rằng vợ chồng đến với nhau do nhân duyên mà thành, nếu không có nhân duyên, dù có thương yêu nhau cách mấy, cũng hoài công thôi.
*
Tôi nằm trên giường bệnh, trong khu Pacific Hills Surgery Center, Laguna Hills. Các y tá đang bận bịu tới lui, người thì gắn máy đo blood pressure, máy trợ thở, người thì nhỏ thuốc gây tê … để chuẩn bị ca mổ mắt. Trước đây tôi hay lo âu khi bị bệnh, thỉnh thoảng ngẫm nghĩ về cái chết, nhưng từ ngày học hỏi những lời Phật dạy về lẽ Vô Thường, tôi cảm thấy bình thản hơn trước các biến cố, những đổi thay trong đời. Lần giải phẫu mắt này, có thể là Vô Thường Tốt khiến con mắt bên phải của tôi sáng ra, hoặc là Vô Thường Xấu khiến tôi trở thành người một mắt. Tôi lim dim con mắt trái còn tỏ, nhìn sự việc xung quanh, bà y tá hỏi, “Anh buồn ngủ hả?” Tôi đáp, “Tôi đang tập trung tinh thần.” Thực ra tôi đang cười mỉm khi nhớ đến những câu thơ hay hay mà tôi nghe được trên kênh Youtube tuần trước:
“Khi đôi mắt nhắm nghiền và đôi tay lạnh ngắt,
Trái tim không chuyển nổi máu tươi hồng
Thì Danh lợi trả về cho Sắc Sắc
Thì bạc tiền hoàn lại chốn Không Không.”
Hôm nay tôi xuất viện với con mắt bên phải sáng tỏ, để nhìn được cảnh vật trong một ngày hè rực nắng, và đọc được những hàng chữ trên tấm mành sáo treo ở phòng khách “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để Yêu Thương.”
(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả có pháp danh Tuệ Tâm Hào, bút hiệu Hoài Hương, sống tại Fountain Valley, California.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.