*Đọc 18 phút*

Photo: Một phụ nữ khóc thương cho những nạn nhân bị bắn bên ngoài một nhà hàng tại Le Carillon, Paris, Pháp thứ Bảy, ngày 14 tháng 11, 2015. Trên 120 người đã thiệt mạng vào đêm thứ Sáu trước đó. (Steve Parsons PA via AP / Wikimedia Commons)

Bài THÍCH NỮ QUẢNG ĐỊNH

Có phải để tìm được sự bình an trong cuộc sống thường nhật là nỗi khát khao, mong đợi của mỗi người? Vậy trong mỗi chúng ta đã cảm nhận được điều gì khi từng khắc thời gian qua đi, như những dòng sông cuốn trôi tất cả, có lúc êm đềm, có lúc giận dữ, có lúc trong xanh dịu mát, nhưng cũng có lúc đục ngầu…

Điều này chúng ta có thể xem là cuộc sống, không thể nào thiếu được, nhưng chúng ta hãy quan sát xem tất cả những điều trên chúng thể hiện như thế nào? Có lẽ chúng sẽ thể hiện như một dòng chảy, như dòng tâm thức của chúng ta và không bao giờ ngừng đổi thay. Một hiện thực rõ ràng nhất khi chúng ta đối diện với những hiện trạng trên có phải chỉ đơn giản như vui thì cười và buồn thì khóc? Nếu chúng ta chỉ biết dừng lại ở đó là tự mình đóng khung khép kín cuộc đời rồi! Bởi vì cuộc sống tuy thế đấy nhưng lại mầu nhiệm vô cùng!

Lời một triết gia có nói: “The miracle of your existence calls for celebration everyday!”

Nghĩa là: Cuộc sống mầu nhiệm tuyệt vời, mỗi ngày mời gọi mừng ơi là mừng!”

Vẫn biết vui – buồn là thực trạng của cuộc sống, đồng thời chúng ta cũng muốn chọn lựa những gì thích hợp với ước vọng và nắm giữ chúng thật lâu để làm sở hữu của chính mình, còn nỗi buồn lại sợ hãi và tránh né, nên vô tình tạo ra những cực đoan không lối thoát.

Thật vi diệu thay! Chỉ cần chúng ta vững tin khả năng tự làm chủ tư duy của mình thì tất cả nỗi khổ đau đều có cơ hội được hóa giải. Vì vậy nên tâm lý học phải ra đời để làm người bạn đồng hành của mỗi chúng ta. Bằng sự hiểu biết và khả năng quán chiếu về bản chất cuộc sống thật sâu xa, bóng dáng của phiền muộn sẽ lùi xa dần và niềm vui sống được thay vào trong từng hơi thở của chúng ta. Bởi vì hạnh phúc chỉ có trong hiện tại mà thôi. Cho nên mỗi khi chúng ta gặp bất hạnh, hãy bình tĩnh để chọn cho mình một hướng đi và rồi mọi khổ đau sẽ qua đi.

Khổ đau là hiện thực của cuộc sống và ai ai cũng cảm nhận được, cho nên đề tài có phạm vi lớn, để việc nghiên cứu đầy đủ cần phải có đủ tư liệu và thời gian. Vấn đề khổ đau được đề cập khá nhiều trên mọi phương diện, nhưng khả năng người viết còn hạn chế nên chỉ tập phân tích sơ lược về khổ đau trong khuôn khổ hạn chế tri thức của mình trong khu vườn tâm lý học hiện đại và cách chuyển hóa khổ đau trong tâm lý học Phật giáo. Đây là bài viết đầu tiên khi bước chân vào ngưỡng cửa của tâm lý học, chắc chắn sẽ vấp phải những sai lầm, người viết sẽ cố gắng nhiều hơn trong những lần nghiên cứu sau.

Khởi đầu tâm lý học gắn liền với triết học, nửa đầu thế kỷ 16 xuất hiện sự giải thích tâm lý học “phản xạ” và tâm lý học kinh nghiệm. Đến thế kỷ 18 ở phương Tây xuất hiện chính thức các ngành tâm lý học và đến thế kỷ 19 tâm lý học đã tách rời triết học, trở thành một ngành khoa học chuyên môn và độc lập.

Thuật ngữ tâm lý học bắt nguồn từ tiếng La Tinh: Psyche: Có nghĩa là tinh thần và Logos có nghĩa là khoa học. Tâm lý học có nghĩa là khoa học về tâm lý.

Khoa học về tâm lý là hoạt động và kết quả của sự tìm hiểu cội nguồn và sự vận động của các hiện tượng quy luật tâm lý.

Xét về mặt hiện tượng: Tâm lý là tất cả những quá trình và những sản phẩm của hoạt động phản ánh hiện thực khách quan vào trong não. Đó là những quá trình cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, chú ý, ghi nhớ, nhớ lại, xúc cảm, và hành động… Đó là những sản phẩm như: Hình ảnh, biểu tượng, khái niệm, tư tưởng, tình cảm, ý chí, xu hướng, năng lực, tính cách, khí chất,…

Về mặt bản chất: Tâm lý là sự phản ánh một cách chủ quan hiện thực khách quan vào trong não mỗi con người. Đối với động vật khác với con người, tâm lý con người ở trình độ cao hơn và có sự làm chủ của ý thức.

Mọi hoạt động của con người đều do tâm lý điều khiển như:

– Chức năng nhận thức của tâm lý: Chức năng này giúp cho con người nhận biết thế giới khách quan, biết đánh giá sự vật, hiện tượng xãy ra xung quanh mình.

– Chức năng nhận biết khi bắt đầu hoạt động: Trước hết ở con người xuất hiện nhu cầu và nảy sinh động cơ mục đích hoạt động cho lý tưởng, niềm tin, lòng tự trọng và danh dự…

– Chức năng làm hành động thúc đẩy hoạt động: Tình cảm, tình yêu, say mê, căm thù…

– Chức năng giúp con người điều chỉnh hoạt động: Bằng trí nhớ và khả năng phân tích, so sánh. Nói chung, tâm lý học vô cùng sinh động và phong phú.

Khổ đau là thực tại của cuộc sống. Là người sống ở đời ít nhiều ai cũng cảm nhận được khổ đau, tùy theo tình huống và quan niệm của mỗi cá nhân nên khổ đau xuất hiện có ít, có nhiều… Không cần đi đâu xa xôi để tìm kiếm hình dạng, bóng dáng của khổ đau, chỉ cần chúng ta nhìn vào chính bản thân mình cũng thấy rõ đựợc khổ đau như thế nào? Có rất nhiều lời than trách mà chúng ta nghe dường như thường xuyên: Sao tôi khổ quá? Tôi muốn giàu sao không giàu? Tôi làm việc cực nhọc mà sao vẫn không có đời sống như tôi mong muốn? Tôi thật lòng với người tôi yêu nhưng sao vẫn không tìm được hạnh phúc? Tại sao tôi muốn khỏe mạnh mà vẫn cứ đau ốm… Và ngược lại tôi có đủ hết những điều tôi cần sao tôi vẫn khổ. Khổ đau nếu nói ra sẽ không bao giờ hết cho nên chúng trở thành thực trạng của cuộc sống.

Có quan niệm cho rằng: “Thế giới của bệnh nhân là một vũ trụ thu hẹp và cách biệt với bên ngoài. Thế giới đó không có gì vui, toàn là đau khổ, rầu rĩ vì người ta hiểu lầm nó.”(1)

 Điều này tác giả muốn gởi gắm niềm lạc quan, hy vọng để chiến thắng với những bất an của thân tâm. Dù khổ đau đang hiện hữu nhưng bệnh tật là một trạng thái nhất thời, không nên xem nỗi đau là sự quan trọng chấm dứt đời sống này. Vì ở đời còn có những điều kỳ diệu hơn và để có được niềm vui chúng ta phải biết tư duy để chiến thắng những điều khó chịu nhất.

Thế nên; “Trong khoảnh khắc tăm tối nhất, tâm hồn sẽ được vun đắp và cho ta sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh.”(2)

Và như thế chúng ta hãy biết vun đắp niềm vui sống cho tinh thần để khi đưa mắt ngắm nhìn một cảnh đẹp là sự cảm nhận đầy đủ nhất từ thân tâm.

 Như chúng ta đã đề cập khổ đau có mặt và nhiều hay ít đều do tâm chúng ta mong cầu và cho rằng sự việc hay ai đó thật sự quan trọng đối với chúng ta, bởi vì sự cố chấp đó nên tạo ra những nỗi khổ đau khác nhau. Ví như người cho rằng tiền bạc là trên hết đến nỗi suốt ngày chỉ thích đếm tiền.

 Có một câu chuyện kể về một chàng thanh niên nọ cả một đời chịu lao động vất vả chỉ mong kiếm được thật nhiều tiền nhưng anh ta lại không có người thân để chăm sóc hay bố thí cho những người bất hạnh… Anh thật sự trở thành giàu có đồng thời anh cũng tạo ra cho mình thói quen kỳ lạ, mỗi khi mọi người vắng mặt, thậm chí có cả mọi người anh lại thích nghe tiếng sột xoạt của đồng tiền nên anh đếm mãi, khi hỏi tại sao, thì anh bảo vì thích nghe âm thanh va chạm từ những đồng tiền, nếu không anh sẽ bức rức và khổ sở đến nỗi không ngủ được.(3)

Chúng ta có thể nhận biết được đồng tiền quan trọng đối với người thanh niên chỉ để nghe mà thôi, nếu không có anh ta sẽ thấy khổ, còn đối với người khác thì việc làm trên trở nên vô nghĩa và không bình thường. Tương tự như trên người ta cho rằng tình yêu là sự sống nếu như không được vừa lòng lập tức họ sẽ đau khổ, nhưng ở đời có mấy khi xãy ra hoàn toàn như ý chúng ta. Chính vì vậy chúng ta phải biết chọn cho mình cuộc sống thật lành mạnh không bi quan, không cố chấp và không bị rơi vào khổ đau.

Hãy xem khổ đau như người bạn cần được quan tâm. Tại sao chúng ta phải xem khổ đau như người bạn cần được quan tâm?

Bởi vì khổ đau chỉ là cảm giác khó chịu, chúng không có hình dạng và sẽ qua đi theo dòng chảy của thời gian. Nhưng nếu chúng ta xa lánh và trốn tránh khổ đau bao nhiêu thì sự có mặt của chúng sẽ mãi theo chúng ta như bóng không rời hình, vì khi chạy trốn thì khổ đau vẫn còn đó, chúng chưa được nhìn nhận và chuyển hóa. Cho nên chúng ta đừng sợ hãi khi đối diện với khổ đau mà phải xem chúng như người bạn thì chúng ta mới tìm ra được nguyên nhân để chuyển hóa khổ đau. Có khi nỗi sợ hãi là nỗi khổ nhưng không ai tránh khỏi sợ hãi. Bởi vì “Không có thuốc để trị bịnh sợ, nhưng hiểu được nguyên nhân nỗi sợ là có được thần phương làm cho tinh thần ta mạnh mẽ, vui vẻ lên.”(4)

Trong đời sống tâm thức là yếu tố tinh thần rất quan trọng nếu chúng ta làm chủ được lộ trình tâm thì sẽ vượt qua mọi chướng ngại. Câu chuyện kể rằng: “Vào tuổi 39 Jannet Clarke biết được cô bị bệnh cột sống khiến cô đau lưng triền miên. Các loại thuốc giảm đau cũng giúp cô đôi chút nhưng mãi cho đến khi cô tham dự khóa thiền ở Lytham, cô mới trực nhận ra rằng, còn có một vũ khí có thể giúp cô chuyển hóa nỗi đau, là tâm của cô. Cô bắt đầu thực tập phương pháp là giảm căng thẳng bằng phép tỉnh thức. Cô thực tập cách chấp nhận cơn đau thay vì chống lại hay chạy trốn nó. Cô cho rằng đây là phương pháp dạy cách tiếp cận với cơ thể chứ không phải với đầu óc, phương pháp tỉnh thức đã cho chúng ta phương thuốc hữu hiệu nhất chứ không phải thuốc giảm đau.”(5)

Đó chính là thái độ sống làm thế nào cho được an lạc. Đây chính là lời chia sẻ thật chân thành!

Nhiều khi chúng ta chỉ biết sống theo bản năng, không để tâm dành thời gian lắng nghe tâm mình nói gì? Nên cứ như thế ngày qua ngày sống với khổ đau và vọng tưởng dẫn lối mà thôi. Qua câu chuyện trên đã giúp cho chúng ta chuyển lối tư duy để biết tạo cho mình cuộc sống lành mạnh nhất.

Nói về khổ đau thì có các cấp độ . Khổ đau thuộc về thân tùy thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài bằng những cảm thọ hằng ngày như những cảm giác: Nóng, lạnh, đau nhức,… Mặc dù khi liệt kê chỉ khái quát một vài điểm tiêu biểu nhưng khi phân tích thì chúng vô cùng phức tạp vì tất cả những cảm thọ trên tùy thuộc vào từng cá nhân và không ai giống ai. Ở đời không ai muốn đau ốm cả, chỉ cần đau một bộ phận nào trên cơ thể thôi nếu không đủ sức chịu đựng hay quán chiếu cũng làm cho ta khốn đốn rồi. Ví dụ như đau răng, sốt huyết, ung thư…Đau khổ khi bệnh tật nhiều khi trở thành nỗi ám ảnh thật đáng sợ cho nên tâm lý học phổ thông hiện nay vẫn là một ngành khoa học quan trọng nhất về con người và luôn luôn có mặt trong các ngành học thuộc về xã hội. Tâm lý học nghiên cứu tất cả hiện tượng tâm lý con người, tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội nhằm làm rõ những yếu tố khách quan và chủ quan, ảnh hưởng đến sự hình thành đời sống tâm lý con người, nhằm mục đích tham gia vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn mà xã hội đặt ra như: Kinh tế, sản xuất, giáo dục, sức khỏe, hôn nhân…

Nhưng vì còn hạn chế từ những nguyên nhân của hữu ngã, nên tâm lý học đại cương có thực tế và hữu ích cho nhân loại thì cũng chỉ giải quyết mọi vấn đề ở mức độ tương đối mà thôi. Bởi vì tâm lý học phổ thông bằng phương pháp nghiên cứu cơ bản của quan sát, thực nghiệm, trắc nghiệm tâm lý, đàm thoại, … Dù có chính xác thì vẫn vấp phải những sai lầm từ các giác quan đem lại vì tất cả đều đúc kết từ tư duy hữu ngã, thế nên những cảm thọ khổ của nhân loại vẫn chưa có ngày chấm dứt.   

Khổ đau thuộc về tâm là sự cảm thọ ở bên trong, nó không có hình dạng, kích thước lớn hay nhỏ… Và cuộc sống như một dòng chảy và chúng ta thường mơ tưởng về quá khứ và ước vọng cho tương lai nên không có an lạc trong hiện tại. Khổ đau về tâm vô cùng phức tạp, các nhà triết học, tâm lý học, xã hội học không chủ trương để tìm ra một định nghĩa nào chung nhất về những khái niệm trên, bởi vì họ cho rằng những điều trên tùy thuộc vào khả năng cảm giác, tri giác, ý thức của cá nhân gắn liền với các đối tượng cụ thể cho nên khi phân tích chỉ dựa trên sự việc đó mà thôi.

Hầu hết các tài liệu tâm lý học ít đề cập đến khổ đau, có phải khổ đau là điều không nên bàn luận, ngược lại nếu có đề cập thì chỉ nói chung chung, rất mơ hồ. Khổ đau là vấn đề hết sức trừu tượng chỉ dựa trên các yếu tố cảm giác, tri giác và sự tác động của ý thức thì việc nghiên cứu kia chỉ ở bên ngoài, không thể nào thẩm thấu được bản chất thật của khổ đau.

– Cảm giác được định nghĩa như sau: “Cảm giác là sự phản ánh các tính chất riêng lẻ của các vật thể bên ngoài cũng như các trạng thái bên trong cơ thể nảy sinh trong ý thức con người do sự tác động trực tiếp của các tác nhân kích thích nhất định lên ý thức đó.”(6)

– Cảm giác như khi thấy màu sắc các vật thể như; Đỏ, xanh; Tính chất bề mặt bằng phẳng hay ghồ ghề… Trạng thái của các cơ quan bên trong như đau đớn…

 – Tri giác là sự phản ánh những vật thể và hiện tượng của thế giới xung quanh vào trong ý thức của con người dưới dạng các hình ảnh hòan chỉnh.(7)

 – Ý thức của cá nhân là thế giới chủ quan bên trong cá nhân, bao gồm vô số các hiện tượng tâm lý muôn hình vạn trạng và ý thức không tồn tại ngoài các hiện tượng đó.(8)

 – Cảm xúc còn được xem là một rối loạn thường gây ra bởi một tri giác hay một ý tưởng khi rối loạn này mãnh liệt, nó chế ngự toàn bộ cơ thể và tâm linh.(9)

Như vậy đau khổ về tinh thần là tình cảm khốn khổ, kết quả của sự không thỏa mãn các khuynh hướng và các ước muốn.

Nhà triết học Kant cho rằng: “Sống là cố gắng, vậy sống là gặp trở ngại và vì thế phải khổ đau.” Chopenhauer lại bảo: “Sống là lo âu, là luyến tiếc dĩ vãng, là bất mãn với hiện tại và cố gắng hy vọng đi đến một tương lai khá hơn, nhưng tương lai ấy đến rồi, sẽ là một hiện tại không đầy đủ như trăm ngàn hiện tại đã qua.”(10)

Tất cả những quan điểm trên đều nói lên ước muốn của mỗi người khi mong cầu mà không thành tựu thì khổ đau có mặt. Vì chấp vào tham đắm của dục vọng nên không thoát ra được khổ đau và nhất là sự chấp thủ vào hữu ngã, chấp vào thực tướng. Chính vì mà người ta luôn bị cơn đau điều khiển,dày vò toàn bộ thân tâm.

Vậy làm thế nào để chấm dứt ưu phiền? Chẳng lẽ nhân loại mãi luôn chìm đắm trong đau khổ? Lối sống mà chỉ có tồn tại và chết đi, cả hai quá trình này đều đem đến những ưu phiền sâu sắc. Vì họ chối bỏ hay cố quên đi đau đớn, cùng với cái già chết, những niềm vui hiếm hoi để chấp nhận sống trong vòng luẩn quẩn không có lối ra. Nếu chúng ta đã nhàm chán và hiểu được bản chất đánh lừa của chúng thì việc kết thúc những ưu phiền chính là sự sáng suốt. Điều này không thể mua ở cửa tiệm, cũng không thể tìm để tích lũy, nó không được sinh ra bởi truyền thống, không phải là sản phẩm của kiến thức, của kinh nghiệm…

Theo quan niệm về khổ đau trong tâm lý học Phật giáo. được chia làm bốn phần lớn gồm có: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

– Khổ đế là: Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, xa người mình yêu khổ, gần người mình không thích khổ, chấp thủ năm uẩn là khổ.

– Tại sao sanh là khổ: Bởi vì khi hài nhi còn trong bụng mẹ phải sống trong sự tối tăm, mẹ uống thức nóng thì như bị thiêu đốt, còn thức lạnh như ở trong băng giá vậy…Khi sanh ra lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài hoàn toàn xa lạ với cuộc sống trong thai mẹ, cho nên em bé vừa sanh ra đã khóc vì không chịu được sự thay đổi đột ngột. Còn nhiều yếu tố vi tế khác nữa nhưng chúng ta không thể nói hết được…

… Xa người mình yêu khổ: Điều này rất thực tế và ai cũng cảm nhận được, nhưng để thóat ra khỏi vòng luẩn quẩn của nó thì cả một quá trình tu tập được kết tinh từ trí tuệ. Vì khi thương nhau sanh tâm luyến ái, chấp thủ vì sợ mất nhau nên khổ. Và tất cả chúng sanh đều quay cuồng.

– Tập đế: Là chân lý về nguyên nhân của khổ là phiền não và nghiệp. Tất cả căn bản phiền não từ tham, sân, si, mạn, nghi, kiến giải sai lầm…

 Lòng tham cũng gọi là ái, chúng ta tham rất nhiều từ của cải vật chất cho đến những giá trị tinh thần, vì những ham muốn của xác thân mà bất chấp mọi thủ đoạn, vì tham mà chúng ta quen đi tình thâm, nhân nghĩa… Thế nên trong xã hội vẫn còn tồn tại nạn tham nhũng, làm trì trệ quá trình phát triển chung của đất nước.

Sân: Là thái đọ cự tuyệt, phản kháng đối với điều mình không hoan hỷ, không thích thú. Các tùy phiền não: Phẫn hận, điều thuộc phạm vi sân.

Si: Không tin Nhân quả, không hiểu Tứ đế…

Mạn: Là tự đề cao mình, hạ thấp người khác xuống, xem mình là trung tâm của vũ trụ…

Nghi: Là hoài nghi về tất cả mọi phương diện chân lý, tâm linh, không tin nghiệp báo, không tin có tái sanh,…Và như thế tạo ra tất cả phiền não.

 – Diệt đế: Là cảnh giới của tâm khi khổ đau không còn. Kinh Tăng Nhất A Hàm: “ Nếu vị đệ tử được chân chánh giải thoát, tâm vị ấy vắng lặng, việc làm đã làm, không còn việc gì để làm nữa, nhiệm vụ cần làm đã làm, không còn nhiệm vụ gì phải làm nữa. Giống như tảng đá lớn gió thổi không lay động, sắc, thanh, hương, vị mọi cảm xúc đẹp đẽ cho đến mọi chuyện thích thú đều không làm cho dao động. Vị ấy có nội tâm kiên cố, thường trụ giải thoát.”(11)

Niết bàn là mục tiêu tối thượng của đạo Phật, không thể lấy tư duy và ngôn ngữ để mô tả trực tiếp nên hay bị xem là vô thực.

– Đạo đế: Là con đường, là phương pháp đưa đến sự an lạc vĩnh hằng. Tâm lý học Phật giáo là cả kho tàng Kinh điển Phật dạy sau khi Ngài chứng ngộ nên có một giá trị thực tiễn cao. Nếu chúng ta cứ cố chấp cho rằng tất cả điều trên quá xa vời thì không bao giờ nếm được hương vị tuyệt dịu này.

Tiếp đến là Khổ đau trong Ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm bộ phận cấu thành nên một cá nhân, và như đã có thân thì có khổ, bởi vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều theo vô thường mà hoại diệt, nhưng chúng ta mãi mê yêu quý xác thân nên không thấy khổ, không chấp nhân khổ. Vì cho thân này là thật nên bản ngã càng cao, nếu ai xúc phạm lập tức bảo vệ ngay, tìm cho ra nên có hơn thua, phải trái… Và như thế con người cứ sống trong tư duy ảo ảnh. Làm sao để điều phục thọ, tưởng, hành trong năm uẩn.

– Thọ: Là cảm thọ, là hành tướng của thân và tâm, hằng ngày chúng ta đều thực nghiệm. Cảm thọ là đầu mối khi chúng ta tiếp xúc với ngoại cảnh, như cảm thọ nóng, lạnh, mệt mõi hay thoải mái…Nó hướng dẫn chúng ta thích đáng với ngoại cảnh, như lạnh thì đắp chăn, nóng mở máy quạt, đói thì ăn…

Chúng ta có tư duy tu tập sẽ cảm nhận được cảm thọ như tiếng chuông báo động để điều chỉnh thân tâm, thích ứng với ngoại cảnh, không lắng nghe chuông báo động chúng ta sẽ dễ dàng phạm phải sai lầm.

Vậy muốn điều phục cảm thọ chúng ta không nên chấp vào cảm thọ lạc hay cảm thọ khổ, vì tất cả đều bị sinh diệt theo trạng thái lưu chuyển của vô thường.

– Tưởng: Trong người chúng ta thọ gắn liền với tưởng, thế nên có sự phân biệt tốt – xấu. Sức tưởng của tâm rất mạnh, do chịu ảnh hưởng của thọ: “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét thì trái bồ hòn cũng méo”

Vì vậy chúng ta phải nhìn nhận được bản chất của tưởng luôn phỉnh gạt và dẫn đến sai lầm. Nó ở trong phạm vi của phân biệt đối đãi.

– Hành: Mỗi khi có tưởng mà không hành thì lòng ham muốn sẽ ức chế, nhưng cách giải quyết của đạo Phật không buông thả theo sức tưởng để đưa đến hành động mà phải dùng trí tuệ để soi sáng thực tại tìm ra cách ứng xử đúng đắn, hợp lý, không thiên lệch vào sự hưởng thụ hay khổ hạnh. Nếu chúng ta điều phục ba yếu tố trên chắc chắn sẽ nếm được hương vị giải thoát ngay trong hiện tại.

Muốn hiểu và sống với tinh thần của tâm lý học Phật giáo, chúng ta phải để hết trái tim mình vào đối tượng nghiên cứu và phải quên đi bản ngã, vì còn bản ngã chúng ta vẫn còn bị trói buộc trong muộn phiền. Thế nên tâm lý học Phật giáo là đề tài quan trọng rất cần thiết cho mỗi cá nhân trong bất cứ thời đại nào.

 Như Pascal đã nói: “Đạo Phật chỉ ra rằng bằng phương tiện hiểu biết hay trí tuệ, con người có thể làm chủ được hoàn cảnh, không để cho hoàn cảnh áp đảo và còn sử dụng quy luật của chúng để thăng tiến bản thân.”

Vì giá trị thiết thực của giáo lý Phật giáo nên mọi vấn đề đều có nêu lên các phương pháp để cho mỗi cá nhân tự hành trì, hoàn toàn dân chủ và không phụ thuộc vào một đấng toàn năng nào.

Phương pháp đó là con đường Bát Chánh, là tám hương đi có công năng đưa đến an lạc trong hiện tại và giải thoát. Cho nên chúng ta phải thưc tập theo tinh thần giáo dục của tám chi phần này:

– Chánh kiến: Là kiến giải chính xác, tín ngưỡng chính xác.

– Chánh tư duy: Tư duy và lập chí chính xác, đúng đắn.

 – Chánh ngữ: Là không nói dối, không nói lời ác, không nói chia rẽ, không nói lời vô nghĩa. Trái lại chỉ nói lời chân thật, lời dịu hiền, lời đưa đến đoàn kết, lời có ích đối với người nghe.

 – Chánh nghiệp: Là các hành vi không sát sanh, không lấy của không cho, không làm tổn hại đến phạm hạnh của người khác. Thực hành các hạnh bố thí, biết tôn trọng sự sống.

 – Chánh mạng: Là sống bằng nghề nghiệp chính đáng, lương thiện. Nghĩa là nề nếp sinh hoạt lành mạnh, giúp cho sức khỏe, tăng năng suất lao động, khiến thân tâm luôn được thư thái nhẹ nhàng.

 – Chánh tinh tấn: Là nỗ lực chính đáng, hướng tới lý tưởng của đạo, siêng năng làm điều thiên, siêng năng đoạn trừ điều ác.

 – Chánh niệm: Nghĩ nhớ không quên lý tưởng tu đạo, tỉnh táo cảnh giác, dù chỉ là việc nhỏ, không để phạm lỗi. Luôn nhớ đến vô thường, vô ngã và mọi cảm thọ đều là khổ.

 – Chánh định: Người tu đạo hằng ngày luôn giữ tinh thần an tịnh,tư tưởng tập trung không tán loạn thì việc làm mới có kết quả như ý. Và người tu tập thiền định tâm sẽ sáng như gương, không còn niệm, không còn tưởng.

Học tập và thực hành theo con đường Bát chánh là chúng ta chọn cho mình một hướng đi chân chánh nhất. Tất cả các chi phần hiện lên thật sinh động như là dòng chảy của đời sống vậy. Gía trị của Bát chánh là la bàn giúp chúng ta ra khỏi rừng sâu của vô minh, tham ái. Bát chánh đạo là người bạn đồng hành cùng chúng đi đến bến bờ của giải thoát, thể nhập nhất như.

Qua những gì đã trình bày ở trên chúng ta có cái nhìn như thật trong cõi mông lung của bể khổ hòa trong cái vô cùng tận của ngõ nghách tâm linh, đã bao lần sinh sinh, diệt diệt. Với sự đổi thay không ngừng ấy, chúng ta đã bao lần cười rồi lại khóc, khóc rồi lại cười. Nhưng ai đã cất bước tìm về nẽo vô sinh, ai còn rong ruỗi kiếm tìm. Chỉ có sức mạnh trí tuệ của tự thân chúng ta mới tháo gỡ được sợi dây đau khổ. Vì vậy muốn được tự tại trong cuộc sống thì phải sống trong thực tại nhiệm mầu, chứ không phải đi quanh nó hay tìm nó ở đâu? Chỉ cần quay về tự thân, quay về với bản lai diện mục chính mình, không nhớ chuyện đã qua, không mong việc chưa tới. Đó mới là lối sống theo tinh thần Trung đạo.

Vũ trụ sẽ sẵn sàng đón nhận chúng ta khi đã có sự thảnh thơi không còn vương vấn trong lao tù chấp ngã. Chúng ta sẽ vô cùng tự tại xem đất trời lồng lộng là nhà, ba cõi là quê hương, tất cả chúng sanh là bằng hữu, còn các pháp chỉ là trò ảo hóa, và không còn hụp lặn trong những mối nghi tình.

Mỗi người chúng ta đang sống trong lòng xã hội đua chen, giữa vật chất và tinh thần, giữa những niềm đau và an lạc… Để giữ được bản tâm thanh tịnh, không gì hơn là tự mình phải thắp lên ngọn đèn của Bi – Trí -Dũng, luôn hiểu mình và thương người. Đức Phật đã làm được điều này nên cuộc đời của Ngài như một dòng sông tâm linh lớn. Vậy chúng ta hãy cố gắng lên để trở thành những nhánh sông nhỏ cùng đổ về, bồi đắp phù sa cho dòng sông lớn này.

Sách Tham Khảo

1. Nguyễn Hiến Lê, Trút Nỗi Sợ Đi, Nxb Mũi Cà Mau, tr117, 1993
2. Heart Warrior Chosa, Hạt Giống Tâm Hồn, Nxb Tổng Hợp TP. HCM, 2005, Tr20
3. Chuyện kể từ Internet.
4. Nguyễn Hiến Lê, Trút Nỗi Sợ Đi, Nxb Mũi Cà Mau, 1969, tr43
5. Claudia Kalb, Những Bài Học Về Thiền Của Đức Phật, Trần Như Mai (dịch), 2004.
6. P. A. Rudich, Tâm Lý Học, Nguyễn Văn Hiếu (dịch) Nxb Mir Maxcova, 2001, tr91.
7. Sđd, tr92
8. Sđd, tr89
9. Trần Nhựt Tân, Tâm Lý Học, Nxb Lao Động, 2017, Tr161
10. Trần Nhựt Tân, Tâm Lý Học, Nxb Lao Động, 2017, Tr151
11. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Nhất A Hàm (III), 1992, tr378 – 379

(Thích Nữ Quảng Định từ Chùa Tam Giang, 67 Giang Mỹ, Tam Giang, Krông Năng ĐắkLắk gởi bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022 khi đang theo học tại trường Gautam Buddha University, Greater Noida Gautam Buddha Nagar, Uttar Pradesh, Ấn Độ.)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *