Photo: Một người bán vé số tại Sài Gòn năm 2020. (Minh Tuấn / Báo Phụ Nữ Ngày Nay)
Bài HUỲNH THỊ PHƯƠNG LOAN
Mỗi ngày lắc chiếc xe ba bánh đi bán vé số ngang chùa, tôi nhiều lần muốn vào nhưng cứ ngại ngần. Rồi một buổi chiều lấy can đảm ghé vào chùa, quì dưới chân tượng bồ tát mà khóc nức nở “Phật ơi! Con khổ quá.”
Sư cô còn trẻ, ái ngại hỏi thăm mà nước mắt cứ rưng rưng tủi hờn cho một kiếp người sao quá lận đận, lao đao. Cũng từ đó tôi thường xuyên ghé chùa, biết lạy Phật, biết cúng dường và cũng biết làm việc thiện nhiều hơn. Và có lẽ vì tôi thường xuyên cầu cứu Phật nên ngày tháng bớt dần đi những nặng nề.
Một buổi chiều, bước vào nhà tắm, con gái vừa đổ nước rửa nấm làm tôi ngã quỵ chân gụp ra sau. Tôi đau đớn thể xác và cũng đau đớn tâm hồn khi nghĩ đến tiền nhà trọ, tiền ăn uống ngày sắp tới nếu tôi không đứng dậy được. Tôi ngồi đó rất lâu, miệng không ngừng “Lạy Quan Thế Âm Bồ Tát xin người đừng cho con bị gì vì con không có tiền để trang trải mọi việc.” Và lâu, rất lâu, cơn đau dịu bớt, tôi từ từ nhích chân lên và gượng đứng dậy lên nhà
Ngày hôm sau tôi vẫn lắc xe đi bán vé số bình thường tuy có chút đau đớn ở đầu gối chân. Nhưng được một tuần lễ đã đóng được tiền nhà trọ, đủ vài trăm ngàn để có tiền mua thực phẩm. Thấy tôi bị đau nơi đầu gối dữ dội, vợ chồng đại lý vé số còn trẻ đã cho tôi mượn tiền và cho đi bệnh viện bó bột vì bị té gãy xương.
Tôi biết Bồ Tát Quan Thế Âm đã độ cho mình khi tôi cầu cứu Người, và tuy tôi biết Phật pháp muộn, nhưng tin rất sâu vào sự nhiệm mầu, nên sự linh ứng này tôi luôn biết ơn khi Phật không ngừng che chở cho tôi ngày ấy, và mãi đến bây giờ, đã rất nhiều năm trôi qua
Phật luôn ở trong tâm tôi.
*
Tôi tần ngần, tần ngần rất lâu trước cổng chùa Pháp Quang, ngôi chùa nhỏ bên đường nhỏ nằm ở một khu phố không một chút khang trang, phải nói là con đường đất gồ ghề. Rồi tôi đã bước vào, sân chùa nhỏ nhưng khá sạch sẽ. Một sư cô còn trẻ đã bước ra. Điều làm cho tôi vui là sư cô thân thiện, rất ấm áp. Cô nói, “Bà đi vào lạy Phật nhé. Cô là Viên Bảo.”
Tôi nói, “Dạ.”
“Bà hãy lạy Phật.”
Và tôi đã lạy Quan Thế Âm Bồ Tát với ước nguyện là xin cho ngày tháng của tôi bớt nặng nề. Nhưng rồi tôi đã không có thời gian để ghé chùa nữa Tôi mỗi ngày lắc chiếc xe ba bánh để đi khắp cả nhà đường bán hai trăm tờ vé số, tiền lời hai trăm ngàn cũng rất chua cay. Có hôm không bán hết, có hôm bị giật vé số, có hôm bị đổi vé số giả. Mỗi ngày đối mặt với tiền nhà trọ, tiền góp, tiền ăn và không đủ trả tiền vé số (lấy bán xong mới về trả tiền). Con gái không ngoan, đang tuổi lớn, thường xuyên làm tôi khóc mỗi ngày. Có nhiều ngày ra đường mà tâm trí tôi nặng nề đến nhiều khi xuýt bị xe lớn tông vào. Cuộc sống một màu đen, tôi nghĩ trước đó không lâu.
Hai năm trước tôi bế tắc, đã chạy về quê tá túc với cha mẹ ở vùng sát núi. Ba mẹ bảo cho tôi một sào đất và chia cho một mảnh vườn. Sào đất ba bảo ba bán 5 triệu nhưng người ta chưa đưa tiền. Rồi ba lấy tiền nhưng không đưa cho tôi. Tôi vay được ở xã được vài triệu, mua gà vịt nuôi, không kinh nghiệm, không người giúp đỡ, lại tranh cãi trong gia đình nên tôi quyết định nói với ba, “Con tính trở lại Sài Gòn buôn bán để có tiền gởi về ba mua thức ăn cho mấy chục con gà, vịt mà con đang nuôi, ba giúp con chăm sóc gà vịt được không? Vì cũng phải hơn tháng nữa mới bán được mà con giờ hết tiền mua thực phẩm cho tụi nó ăn rồi.”
Ba tôi hồ hởi nói, “Được, con đi đi, ở đây ba lo cho.”
Nhưng tôi vừa bước chân lên xe vào Sài Gòn là nghe tin ba đã kêu người bán hết số gà vịt của tôi. Tôi đau đớn đến cùng cực. Vì thế mà đã hơn hai năm rồi tôi chưa một lần gọi điện thoại về hỏi thăm cha mẹ, và tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ nói đến hai chữ gia đình…
Một tháng sau, một buổi chiều tôi bán hết vé số sớm và thấy cũng ở gần chùa nên tôi đã lắc xe đến. Chùa hôm nay có thầy trụ trì ở bên Mỹ về. Thầy chừng tuổi với tôi.
Thầy hỏi thăm và nói, “Con có muốn xuất gia không?”
“Dạ con muốn, nhưng con gái con chưa có gia đình nên con không thể nào bỏ nó được.” Con gái tôi khi đó 18 tuổi. Vậy là tôi được thầy hẹn ngày qui y…
Ngày qui y tôi được thầy đặt tên Viên Bảo Như, con gái Viên Bảo Hiếu, và được thầy tặng cho hai mẹ con hai bộ áo lam dài.
Bỗng dưng tôi thấy cuộc sống mình thay đổi hẳn lên, khi thường xuyên đến chùa, tiếp xúc nhiều với anh chị Phật tử, biết đọc kinh, biết lạy Phật và biết làm việc thiện. Tôi ngộ ra tội lỗi của mình, và đã cố dốc làm những việc thiện nào tôi có thể làm được.
Thầy trở về Mỹ, nhưng ở chùa có cô Viên Bảo hướng dẫn Phật tử tụng kinh, lạy Phật và những ngày rằm, lễ Phật lớn chùa nhỏ nhưng cũng khá là tấp nập Phật tử đến chùa. Và cuộc sống của tôi đã dần thay đổi.
Một ngày kia ba tôi gọi điện thoại, tôi nghe máy. Tôi không còn giận hờn nữa, ba tôi đã dắt em trai út vào thăm tôi.
Em út tôi tên Toàn, ngày tôi được 15 tuổi mẹ tôi mới sinh ra Toàn. Ngày ấy ba mẹ tôi sau năm 1975 đoàn tụ mới dắt tôi và em kế tên Vũ về quê ở miền Trung xứ Quảng. Toàn ra đời thời bao cấp đi làm chấm điểm vì vậy mà em thiếu thốn về mọi mặt. Và tôi là người chăm sóc em. Buổi sáng tiếng kẻng vang lên là mẹ đã đi làm, trưa mẹ về ăn cơm xong chưa kịp cho em bú no là mẹ lại đi làm tiếp, cơm cho em ăn có hôm khoai nhiều hơn, nhưng em vẫn lớn, xinh xắn và rất đáng yêu.
Khi Toàn lên 2 tuổi, nhà tôi bỏ quê trở lại Cam Ranh, nơi đó có gia đình ông bà nội cùng các cô chú. Gia đình tôi ở riêng mảnh vườn ông bà nội mua với căn nhà ván nho nhỏ cũng là thị trấn. Ba mẹ tôi mỗi ngày đi làm rẫy cách nhà mười mấy cây số (nơi ở hiện nay). Toàn ở nhà với tôi, tôi vừa chăm sóc em, vừa làm thêu, vừa bán hàng tạp hóa nhỏ. Toàn rất đáng yêu, nhưng gia đình ba mẹ tôi vẫn không ngừng gây nhau, hầu như ba mẹ sống chung chỉ là để cãi nhau. Tôi và em kế Vũ mệt mỏi, chỉ có Dũng em thứ ba của tôi ở với ông bà nội là ít bị ảnh hưởng.
Rồi tôi vào Bến Tre, Sài Gòn làm nghề may thêu,Vũ cũng đi làm. Mỗi ngày ba mẹ không có nhà, để Toàn chạy ra chơi cùng một chú bé nhỏ từ dưới xóm biển ở trần truồng hay lên đứng bên đường nói cười ngu ngơ… Toàn trở thành nhút nhát.
Ba mẹ tôi trả đất nhà cho ông bà nội, làm nhà ở hẳn trên đất rẫy, Toàn đi học được lớp 2, em viết chữ rất đẹp. Đi học về em bị bạn bè chọc ghẹo, lấy mũ. nên em thường xuyên la đau đầu. Ba tôi không cho Toàn đi học nữa, mặc dù tôi có nhờ cô giáo em can thiệp, ông vẫn có chấp bắt em nghĩ học.
Thời gian tôi ở quê, bán hàng tạp hóa, Toàn chạy xe đạp chở hàng từ chợ về và phụ tôi việc vặt bán hàng. Tôi buộc tiền vào toa hàng cần lấy là Toàn đưa toa cho chủ hàng, người ta sắp hàng vào thùng là Toàn chở về.
Ba đưa Toàn vào có ý định cho Toàn ở chơi với tôi, nhưng hôm sau Toàn bị lòi trĩ, ra máu. Ba tôi nhăn nhó, nhưng tôi rất bình tĩnh, gọi cho người quen mua thuốc trĩ, và vừa đi bán vé số vừa hái lá thầu dầu tím cho ba giúp Toàn hơ nơi trĩ bị lòi. Và tôi đi bán qua những miếu Quan Âm, tôi cầu nguyện Người, xin nước, trái cây cúng người về cho Toàn.
Và điều kỳ diệu qua hai, ba hôm trĩ thụt vào, và Toàn không bị ra máu, đau đớn nữa.
Tôi là người rất cứng đầu nên tôi không bao giờ tin những điều huyền hoặc, nhưng từ khi biết Phật pháp là tôi lại tin vào sự huyền diệu của Phật, của Quan Thế Âm Bồ Tát một cách rất là tuyệt đối… Tôi đi qua những ngôi miếu thấy những tượng Phật, tượng Quan Thế Âm là tôi thỉnh về, gởi về quê cùng với kinh sách Phật giáo tặng cho người ở quê. Quê tôi khi đó đã có nhiều người tin Phật đi chùa rất nhiều. Và tôi khuyến khích ba tôi đi chùa Hoàng Pháp dự những khóa tu Phật thất. Những ngày rằm, lễ Phật lớn tôi đã nấu được nhiều phần cơm chiên Dương Châu hoặc bún xào chay tặng nhiều người. Tôi còn không ngại ngần xin quà từ thiện để đem đến cho những người già cô đơn tôi biết ở những căn phòng trọ.
Gia đình, bà con nhà tôi trước mặt hoan hỉ,nhưng vẫn có nhiều người không bằng lòng. Bạn bè tôi thấy tôi đi thả cá còn bảo tôi là “nghèo mà bày đặt làm từ thiện.”
Tôi không bận tâm và vẫn làm những việc tôi muốn làm.
Tôi biết kiếp này và có lẽ nhiều kiếp nữa tôi mắc nợ rất nhiều nên tôi đã mang một đời khổ sở, bản thân tật nguyền, cha mẹ không thương, gia đình không đầm ấm, cuộc sống luôn xáo trộn, thay đổi… Ba mẹ tôi không có phước nên tôi con gái đầu bị tật một bên chân, con trai út khờ khạo, con trai kế thì đổ vỡ hôn nhân. Và một người con trai bất lực bị vợ con sai khiến. Ba mẹ tôi không ngừng cải vã, sân si tới cuối đời.
Hoàn cảnh cha mẹ con cái nghèo túng, may là tôi biết Phật pháp, dù muộn nhưng cũng may mắn là tôi đã tìm thấy được ánh sáng cuộc đời từ đây.
Phần 2
Buổi chiều tôi đi bán vé số về căn phòng trọ 12 mét vuông, con gái ngồi rửa nấm rơm để nấu chay. (Vì một ngày kia con gái đề nghị “từ nay mình ăn chay trường đi mẹ.” Tôi mừng lắm, vì đây là nguyện vọng của tôi mà). Cây nạng gỗ trơn chúi theo nhớt của nấm làm tôi quị gục ngã xuống, đầu gối chân bị tật gụp ra sau. Tôi đau đớn vô cùng, đau thể xác và thoáng lo sợ.
Nước mắt tôi lăn dài và miệng lẫm bẫm “Lạy Quan Thế Âm Bồ Tát! Xin người cứu con, xin cho con đừng bị gì vì con không có tiền để trang trải mọi việc lúc này.” Tôi ngồi đó và cầu nguyện rất lâu, rất lâu tôi mới từ từ nhích dần chân ra, xoa bóp từ từ và gắng gượng đứng lên mà không cho con gái phụ, chỉ có tôi mới biết mình phải làm gì.
Một đêm rất đau nhưng sáng ra tôi vẫn gắng gượng đi bán được. Một tuần bán vé số tôi đã gom góp được đóng tiền nhà trọ, còn đủ lại vài trăm là cơn đau nơi đầu gối bị té rất dữ dội. Hai vợ chồng đại lý vé số cho tôi mượn tiền và có nhã ý đưa tôi đi chụp phim (gãy xương ở vết gãy cũ đã bị lúc tôi 25 tuổi).
Vào năm 25 tuổi đó, tôi muốn đi Sài Gòn làm thêu trở lại nên đã nhờ một người bạn em trai tôi đưa tôi xuống bến xe cách nhà 10 cây số. Khi ấy trời vừa mưa xong, đường trơn trượt không sao. Vậy mà lúc em ấy chạy ra đường nhựa, chiếc giỏ xách để trước yên xe đòng vông muốn rớt, cậu trai đưa tay sửa lại, xe ngã úp bên chân trái, chân khỏe mạnh không sao, chân phải bị tật thì gãy. Khi đó ông nội và mẹ tôi đưa tôi ra bệnh viện Nha Trang bó bột, về nhà nằm hết ba tháng.
Giờ thì nơi ấy bị va cham mạnh nên gãy trở lại. Tôi thầm cảm ơn Phật đã độ cho tôi có tiền đóng tiền nhà và đủ gạo ăn yên tâm mà tĩnh dưỡng vết thương. Buổi sáng con gái đổ bô, giúp mẹ vệ sinh và nấu cơm, làm thức ăn để cho mẹ rồi đi làm đến chiều tối mới về.
Được hai tháng, qua tháng thứ ba, con lãnh lương về xài hết không có tiền đóng tiền nhà. Sau khi khóc lóc, than vãn rồi bình tâm lại, tôi thấm nước từ từ vào bột nơi chân và dùng dao cắt dần bột lên tới đầu gối. Tôi chống được cây nạng đứng lên, ngồi xuống rồi là bắt đầu đi bán trở lại khi cố gắng kê gối nơi vết thương. Vì tôi cần phải có tiền để lo tiền nhà và ăn uống khi con gái không thể lo được. Lúc đầu cũng đau, cũng mệt nhưng rồi mọi chuyện cũng trở lại bình thường khi tôi vẫn không ngừng cầu nguyện Quan Thế Âm Bồ Tát.
Vũ, em trai kế tôi ly dị vợ, bị thằng con trai lấy mất xe honda đi bán đến nhà trọ tá túc cùng tôi. Tôi lấy vé số để tủ cho em ngồi bán, hy vọng giúp em nguôi ngoai nỗi buồn gia đình của Vũ. Nhưng không phải làm là được. Vũ bán vé số được hai ngày thì bị mất mấy chục tờ vé số, rồi bị công an hốt tủ vé số. Vũ đi bán đĩa nhạc, đĩa phim thì bị hốt đĩa, mượn vốn và tìm cho cho Vũ bán rau củ thì vốn không còn.
Một lần em bị đánh sưng hết mặt mũi, bị thương trầm trọng, tôi thở dài khuyên nhủ em, “Từ nay đừng uống rượu nữa nha, hãy làm lại cuộc đời đi.” Lúc đó mẹ tôi vào chơi đã chăm sóc Vũ giúp tôi. Tôi và mẹ tôi cố gắng giúp em quên chuyện buồn gia đình, nhưng không xoa dịu được. Mỗi ngày em tôi vẫn lén uống rượu nhiều (khi đi bán hàng thì uống rượu xong giao cho em út coi còn anh chàng tìm chỗ ngủ).
Rồi Vũ gây sự với tôi và bỏ đi, tôi dở khóc, dở cười với đống nợ đã mượn góp cho em làm ăn. Số tiền vài triệu không nhiều,nhưng với tôi là cả vấn đề.
Và để Vũ không tìm được tôi, tôi đã chuyển nhà, vậy mà rồi Vũ cũng tìm được. Nhưng ba mẹ tôi đã ngăn không cho tôi gặp Vũ. Ngày ấy ba tôi đi làm để tiền riêng xài, mẹ ở nhà với Út Toàn, con gái tôi đi làm nhà hàng bị một người phụ nữ gạt gẫm bảo “mẹ nuôi” về moi móc tiền của tôi và cả tiền lương đưa cho bà ta. Vì con gái mới thất tình nên tôi không dám làm gì, chỉ biết tìm mọi cách để con tiếp cận với Phật pháp, nhưng duyên con bé đến giờ vẫn chưa thấm nhuần lời Phật dạy.
Ôi! Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao ngày đó chỉ bán vé số mà tôi có thể đóng tiền nhà, lo cho 5 người ăn và thỉnh thoảng cũng nấu được cơm chay (một lần 10kg gạo làm cơm chiên bỏ hộp) để tặng nhiều người.
Khi đó tôi không ngại ngần làm thêm thực phẩm chay, bán chả chay kèm vé số mà không mỏi mệt. Khi đó Toàn giúp tôi lấy và trả vé số mỗi ngày, đại lý vé số cách mười cây em biết đường đi. Một buổi chiều 16/7 âm lịch, tôi gọi điện thoại cho Toàn bảo đem chả chay xuống tôi giao cho người mua. Và tôi đợi rất lâu nhưng vẫn không thấy Toàn. Gọi điện thoại, Toàn bảo em đang ở đường số 7, nhưng tôi biết Toàn đã đi lạc ra Bình Chánh xuôi về miền tây, khi càng gọi em cứ bảo ở đường số 7 và rồi không liên lạc được nữa.
Tôi cuống cuồng khóc hết nước mắt, tôi lo lắng, sợ sệt khi em tôi khờ khạo đói lạnh. Tôi đã lang thang suốt đêm hết đường này đến đường kia với hy vọng mong manh, đến tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nào tôi cũng cầu nguyện, tôi cầu nguyện ông bà nội ngoại cửu huyền thất tổ xin tìm cho được em tôi.
Tôi khóc, ba tôi cũng khóc vì lo lắng khi em tôi mất tích một ngày một đêm rồi. Đêm thứ hai, bỗng điện thoại tôi hiện số của Toàn, đầu dây kia là công an ở Bến Lức cho biết đã bắt gặp em tôi đứng lơ ngơ bên bờ sông cạnh chiếc xe đạp và hai cây chả chay trên giỏ xe đằng trước. Em đi lạc ra xa lộ, rồi đạp xe đạp đi hoài, điện thoại hết pin, tối em không dám ngủ vì sợ mất xe, sợ mất điện thoại, đói bụng cũng không dám lấy chả chay trước giỏ xe để ăn. May là cuối cùng có con sông cắt ngang em không đi được nữa, nên công an mới thấy em và gọi về gia đình đi rước.
Khi ấy cả xóm mừng thấy út đã đưa ba tôi đi rước em về trong đêm. Có phải Bồ Tát đã nghe lời khẩn cầu của tôi mà cho người tìm thấy em?
Phần 3
Vào một ngày tháng Tư năm 2011 tôi đã về nhà thăm ba mẹ, và trước lúc đi không quên ghé xuống thăm bà nội.
Mảnh vườn ngày xưa ông bà nội cho gia đình tôi ở. Vườn rộng lắm kéo dài gần cả mẫu theo hình chữ L. Đầu vườn sát đường lớn ba tôi cất căn nhà ván nhỏ, cuối vườn đầu kia cũng giáp đường nhỏ là gia đình cô ba, em ruột của ba tôi. Chồng cô bị ung thư ruột mất rất sớm, còn cô một mình buôn bán lo cho 5 người con vừa trai vừa gái. So với cả nhà nội thì cô xấu người nhất nhưng giống nội nhiều nhất ở tài buôn bán, chịu thương chịu khó. Ông nội đã lén bà nội bán dần dần, khi bà biết được vào làm nhà thì không còn nhiều. Sau năm 1993, ông nội mất bà bán và chia cho các cô, còn lại căn nhà bà ở với vợ chồng chú út.
Cách đây ba năm bà bước xuống bậc tam cấp, vấp té gãy chân và từ đó đến giờ tuy lành nhưng bà không đi đứng được chỉ nằm tại giường. Chú út chỉ hơn tôi có hai tuổi. Tôi nhỏ giờ sống với ông bà nội, nhưng tôi vì mặc cảm tật nguyền của mình, chú lại ít nói nên chú cháu không thân thiện nhiều. Gặp chú, chào chú, chú chỉ ừ một tiếng rồi thôi hầu như không còn biết sự hiện diện của cháu nữa.
Chú từ thuở nhỏ được ông bà nội cưng lo đủ thứ, chú vào Đại Học Nông Nghiệp Thủ đức, ra trường chú làm ở Đắc Nông. Rồi có lẽ vì “cực khổ” nên chú về coi quán karaoke cho cô thứ tám ở Sài Gòn. Năm ông nội mất chú về ở với nội, nuôi gà, nuôi tôm không thành công. Có cô gái ở Đà Lạt xuống thuê trước nhà nội bán cà phê, nội gán ghép mãi rồi thành thím tôi, khi đó chú đã bốn mấy tuổi rồi. Ngày trẻ chú to con, học giỏi, đẹp trai phong độ biết đàn hát lại con nhà khá giả nên chú cũng có nhiều mối tình. Và rồi lần lượt người ta đều sang sông còn chú im lặng đứng lại. Lúc chú làm ở quán karaoke, chú quen một phụ nữ có một đứa con nhỏ, khi chú về ở với nội người ấy có ra thăm một lần, bà nội không vừa ý tuy bà nói ngọt ngào mà đau nên người ấy cũng không còn liên lạc nữa. Sau này nhiều mai mối chú im lặng và vẫn một mình cho tới lúc làm tôm nợ nần mới ưng thím. Thời gian đầu nội thích và thương thím, nhưng sau thì nội lại hay chửi, nói nặng nhẹ cả chú nữa. “Nó ngồi đó ăn mà không hề nói tới nội một tiếng.”
Mà thật vậy, có phải vì mọi thứ trong cuộc sống có người dọn đường sẵn (lúc trẻ cha mẹ lo, lấy vợ vợ lo), hay chú bất mãn đều gì mà hầu như cuộc sống của chú chỉ là gói gọn ở bản thân thôi, nếu tiếp xúc bạn bè hoặc xung quanh thì rất hạn hẹp. Nên nội nằm một chỗ chú cũng lạnh nhạt để nội buồn tủi là vậy
Thím cũng tháo vát lắm vừa buôn bán lo cho chồng con (hai đứa con gái nhỏ) và chăm mẹ chồng. Các cô con gái ở gần nhưng cũng không chăm sóc bà được nên hùn người ít tiền cho cô thứ tư ở Sài Gòn về chăm được gần một năm. Cô Tư là người tốt bụng nhất, nghèo nhất. Và cô vừa về lại Sài Gòn lo cho gia đình riêng của cô.
Bà nội 93 tuổi rồi, bà nằm trên giường sắt nhỏ đau buồn, cô đơn, ánh mắt bà vui mừng khi nhận ra tôi, “Lan hả con, con ở đây với bà nhé. Nhà của bà, cơm của bà con ở đây với bà đừng lo gì nhé?” Nắm bàn tay gầy yếu của nội mà thương bà quá, tôi nhận thấy quần áo bà bay mùi nên tìm quần áo thay cho bà. Bà còn e thẹn nói nhỏ, “bà sạch lắm, đâu cần thay đồ con.”
Tôi vuốt ve tóc bà bạc trắng mà ngậm ngùi.
Người phụ nữ này một tay gầy dựng sự nghiệp buôn bán tảo tần nuôi chồng và 6 người con, ba tôi trai đầu, chú út trai cuối đang ở với bà. Cô ba, cô tám, cô sáu ở gần bên, chỉ có cô thứ tư ở Sài Gòn. Từ khi lấy chồng là nội đã gánh hàng trên vai ngược xuôi chợ nuôi sống chồng, nhưng đứa con ra đời là đứa lớn lo cho đứa nhỏ nội vẫn gánh hàng trên vai. Ông nội không làm gì và gia trưởng lắm. Ông nội luôn quan tâm tới tất cả mọi người (dù ông luôn la mắng). Vì vậy mà có ông ai cũng thấy an lòng, ngày giỗ thì luôn đông vui họ hàng con cháu đến. Khi nội mất ngày giỗ không còn người đến nhiều nữa. Và gia đình nội định cư ở Cam Ranh, lúc đầu mỗi buổi sáng nội gánh một đầu cơm rượu, một đầu em trai kế tôi đi chợ bán khi em còn nhỏ mà không người coi (ba mẹ tôi lúc ấy ở Ban Mê Thuột.) Trưa chợ về nội lo cơm nước cho gia đình và con, cháu. Một tay nội gồng gánh và nội đã mua nhiều đất… Bây giờ nội không còn sức lực nữa.
Bà nội nắm tay tôi, nói, “Thương con quá, lúc nội bán đất đứa nào nội cũng cho mà con nội quên mất.”
Tôi ghẹo, “Vậy giờ bà cho con đi.”
Bà thở dài, “Các cô mày mượn hết rồi, khi nào nó trả bà cho.”
Ừ nhỉ! Tôi từ nhỏ sống với nội, gần gũi nhất với bà, gắn bó với bà và cả ông nội nữa. Bản thân tôi lại là kẻ tật nguyền nhưng hầu như tôi không có được tình thương yêu, mọi người luôn “quên” tôi. Vậy mà tôi chưa bao giờ buồn cùng oán trách. Có lẽ vì tôi luôn luôn cố gắng vượt lên số phận của mình từ hai bàn tay trơ trọi, không học thức không nghề vững chắc và cũng không hậu thuẫn. Tôi như con sâu trong kén cố vùng vẫy thoát ra để rồi ngơ ngác tìm lối đi, lối đi mà một mình tôi khập khiễng bước thấp bước cao…
Tôi vuốt ve tóc nội “bà niệm Nam Mô A Di Đà Phật nha bà.” Nội níu giữ không muốn cho tôi đi nhưng làm sao được khi tôi nghèo quá, ăn hôm nay lo ngày mai. Tôi tìm nói với mấy cô chú mua cho nội chiếc xe lăn để đưa nội ra ngoài chơi hơn là nằm mòn mỏi trên giường đã 3 năm nay mong đợi con cháu thoáng qua chốc lát. Nhưng hầu như không ai muốn nghe tôi nói.
Về tới Sài Gòn, đi bán vé số tôi nghĩ nhiều đến nội nên đến tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nào tôi cũng cầu nguyện, “Xin cho Nội con ra đi sớm thanh thản hơn là nằm cô đơn bệnh tật kéo dài đã nhiều năm như vậy mà ít ỏi sự quan tâm của con cháu.”
Một tháng sau ngày 19/6 (ngày sinh của tôi) nội ra đi. Tôi không có tiền để chạy về đưa tang nội, nhưng tôi vẫn cố gắng đi thả cá cho nội một tuần lễ với ước nguyện hương hồn bà sớm siêu thoát …
Sau này tôi có thấy bà trong giấc mơ, bà trẻ đẹp thanh thoát. Thấy bà lần đó rồi không thấy bà nữa
Phần 4
Vừa mới sinh ra đời được 9 tháng tuổi, trong một lần tôi bệnh nhẹ, một y tá vườn đã chích thuốc và từ đó một bên chân tôi teo cơ dần và tôi đi phải tựa chiếc nạng. Và trời Phật đã phú cho tôi tâm hồn luôn lạc quan nên tôi rất yêu vạn vật. Niềm vui của tôi là ca hát và đọc thơ truyện, tôi mơ mộng và quên mất mình là con bé tật nguyền nếu người thân tôi không nhắc nhở tôi.
Không hiểu sao, mẹ hay đùa gọi tôi là con sẹo. Chú út nói, “Mày què.” Cô Tám thấy tôi chải đầu kẹp tóc thì nói, “Ai ưng mày mà điệu?” Tôi muốn đi đám cưới nhỏ bạn thân nhất của tôi thì bà nội bảo tôi tật nguyền không nên đến những chỗ vui.
Gia đình tôi luôn nhắc nhở tôi là ai giữa cuộc đời này…
Có một lần lúc mười lăm tuổi, một cậu bé ở quê bảo tôi, “Đẹp mà què thì cũng như không.”
Khi tôi mười chín tuổi, đi học thêu ở Nha Trang, về ngang qua xóm nhà trọ nhỏ nghe tiếng một chàng trai, “Chị đẹp lắm nhưng chị bị tật rồi.”
Mới lần đầu nghe tôi tủi hờn, nước mắt lăn dài, và rồi tôi chai sạn dần, không khóc nữa mà thu mình lại, bất cần, ngạo mạn để che dấu những tổn thương lớn dần trong tôi. Và tôi luôn đặt dấu hỏi trước mọi việc. Có lẽ vì thế mà khi tôi một mình bước chân ra đời không tiền, không học thức, không nghề nghiệp giỏi và không một kinh nghiệm sống nào nhưng tôi không vấp ngã bởi cám dỗ, cạm bẫy cuộc đời.
Khi đó chưa biết Phật pháp, chưa một lần vào chùa nhưng tôi lại nghĩ trời Phật đã che chở cho tôi.
Tôi cũng từng nằm mơ thấy Quan Thế Âm Bồ Tát bay trên đỉnh núi, nhưng mơ là mơ chứ tôi không hiểu gì hết. Lớn lên một chút, ra đời đi làm có tiền (đi làm thêu gia công hàng xuất khẩu nước ngoài) tôi hay đi du lịch. Có lần đến Núi Sam tôi gặp một sư cô trẻ, cô nói, “Người ta tu giàu còn tôi nghèo lắm cô ơi.” (Sao đi tu mà bảo giàu nghèo?!)
Duy nhất khi ở Càng Long với chị bạn, tôi vào chùa nhỏ xin sư cô trụ trì cũng bị tật ở chân cho tôi ở chùa. Cô bảo, “Chùa rộng mở nhưng không cho ai ở vì lỡ đêm hôm ăn trộm thì sao?” Và lúc tôi còn ngơ ngác, cô quay qua nói chuyện với Phật tử nữ khác, trong câu chuyện chỉ có đề cập tới đô la và vàng.
Ở bến phà Mỹ Thuận hôm đó, hình như tâm trạng tôi không tốt một chút nào, trong lúc chờ đợi phà tôi thơ thẩn và lội ra sông, nước lớn dần cuốn trôi tôi. Tôi kịp khấn Quan Thế Âm Bồ Tát cứu tôi. (Cứu con con sẽ cúng một con gà. Có ai ngu muội như tôi không?) Và thình lình một ghe chở khách đi tới, thấy tôi ngụp lặn dưới nước, một người đã kéo tôi lên.
Khi tôi nói với ba tôi, ba mắng, “Phật nào ăn gà mà mày đòi cúng gà?” Ba tôi ngày trẻ có đi chùa tham gia Gia Đình Phật Tử.
Có lúc xuống Rạch Giá thăm Dì Tư em ruột mẹ lấy chồng làm ăn nơi đó. Nhà Dì gần chùa, tôi hay lại chùa chơi nhưng không hiểu gì hết. Mẹ tôi có lần ngập ngừng bảo tôi nên ở chùa, không hiểu sao khi đó tôi nói với mẹ tôi là khi tôi gần 50 tuổi tôi sẽ đi tu.
Và tôi đã qui y khi tôi ở tuổi 48. Phải chăng tất cả đều ở nhân duyên?
Vì trước đó có dịp tiếp cận những người tu hành nhưng duyên chưa tới, tôi còn nhiều lo toan để mãi đến bây giờ mới biết Phật pháp là gì, và mới thực sự có người dẫn dắt làm theo lời Phật dạy.
(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả Huỳnh Thị Phương Loan, pháp danh Viên Bảo Như, sống tại Văn Thủy 2, Cam Phước Tây, Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.