Hành trình tìm báu vật, 1 và 2

*Đọc 22 phút*

Photo: Rama / Wikimedia Commons

Bài NHUẬN HÙNG

Bóng hoàng hôn nhạt nhòa mỗi lúc mỗi yếu dần, rồi từ từ ngún lặn, hoàn toàn trả lại cho màn đêm, một màu đen trùm khắp nơi nơi, tiếng dế mèn lại rỉ rã suốt đêm thâu.

Tuệ Ca bước từng bước trên con đường mòn dài khúc khủy quanh co dẫn đến làng mạc xa xôi, hẻo lánh chưa rõ địa danh nơi ấy! Chàng không chút bồn chồn hay lo sợ gì cả, vẫn ung dung tự tại xem chung quanh chẳng có gì xảy ra. Bởi vì chàng cảm nhận được một việc làm rất thú vị với tính vị tha, nhân ái, tự hào làm việc có ý nghĩa trong tinh thần “thượng võ nghĩa là không đánh người ngã ngựa.”

Trái lại chàng còn là một nghĩa hiệp giàu lòng vị tha, rộng lượng khoan dung. Vẫn biết rằng “thả hổ về rừng” là điều rất cấm kỵ cho những người trong giới thợ săn, hiện đang sống du mục nơi núi hiểm trở, lương thực của họ chỉ có thú rừng mà thôi, vẫn biết đối phương của mình một tay “xem trời bằng vung.” Nhưng cá tính chàng rất liều lĩnh không chút do dự khi quyết định trả tự do không một điều kiện gì hết, cử chỉ cao đẹp ấy khiến đối phương “tâm phục, khẩu phục” mà còn nói rằng, “Việc cứu mạng hôm nay ta sẽ khắc ghi, hẹn khi nào có dịp sẽ gặp lại…”

Những lời nói ấy văng vẳng bên tai khiến chàng quên hết cái rét lạnh ùn ùn kéo đến của những tháng ngày mùa Đông giá buốt trên đỉnh núi cao.

“Đường đi tuy khó, nhưng cũng có con đường ta đi,” Tuệ Ca vừa đi vừa ngâm nga như thế.

Đúng vậy, khi nhắc đến con đường tuy khó là ta liên tưởng đến ngay những khó khăn gian nguy, của con đường đó, là con đường gì, kể ra là vô số con đường. Nhưng Tuệ Ca thầm nghĩ con đường để đạt đến mục đích chính mà người hành giả đang chọn, đó có phải chăng là con đường dài vô tận chăng? Nếu không thì, ai là kẻ đi trên con đường ấy mới thấu hiểu được những chướng ngại vật trên con đường mà mình phải kinh qua. Tuệ Ca là người liều lĩnh dám nhận trách nhiệm để đi tìm ấu chúa thất lạc từ bốn mươi năm qua. Việc làm như thế có điên rồ hay không?

Có lúc Tuệ Ca thầm nghĩ, nếu là ấu chúa thì bây giờ cũng bằng tuổi mình là cùng không làm vua được thì sao đây? Chàng liền nhớ đến câu dân gian thường hay nhắc đến: “Con vua thì được làm vua, con vãi ở chùa thì quét lá đa.” Nghĩ ngược lại nếu như ấu chúa ấy ở trong chùa thì giờ này cũng chỉ quét lá đa thôi chớ có mơ mộng làm vua chúa được gì nhỉ? Số mạng không thể cưỡng cầu được, có muốn đi chăng nữa, phước báu không có thì lấy đâu ra mà làm vua, làm chúa? Cuộc hành trình đi tìm ấu chúa của ta cũng đầy cam go thử thách có lúc gần như mất mạng nhưng mục đích thì chưa tìm ra dấu tích hay manh mối gì cả.

Dòng suy nghĩ của Tuệ Ca đang tuôn chảy mênh mông bỗng dung bị đứt đoạn vì có đoàn người cưỡi ngựa từ xa phóng tới, khiến bụi đường bay tung tóe, nhưng Tuệ Ca vẫn bình thản đi hiên ngang bên lề đường mòn. Bấy giờ miệng chàng nghêu ngao những dòng thơ cho đoạn đường dài rút ngắn lại:

Lô sơn yên tỏa Chiết Giang triều,
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.
Đáo đắc bản lai vô biệt sự,
Lô sơn yên tỏa Chiết Giang triều.

Tạm dịch:
Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang,
Khi chưa đến đó luống mơ màng.
Đến rồi, hóa cũng không gì lạ,
Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang
.

Bỗng nhiên có tiếng kêu thật to, “Tuệ Ca…Tuệ Ca… Tuệ Ca đứng lại! Đứng lại… chờ đệ… chờ đệ.”

Tuệ Ca ngoảnh đầu quay lại phía sau, những bụi bặm đất cát bay tung tóe cùng lúc đó, tiếng ngựa hí vang lên, dây cương được xích lại có người trong đám ngựa đó liền nhảy xuống nói lớn tiếng rằng, “Tuệ Ca đã về rồi các bạn ơi! Ơi! Ơi!” Chỉ trong giây lát cả đoàn người cưỡi ngựa bao quanh, la lớn lên, “Tuệ Ca…Tuệ…Ca, huynh trưởng của chúng ta sống sót, còn sống, trở về với chúng mình rồi.” Lại có người trong đám lớn tiếng hò hét, “Từ đây chúng ta không còn sợ ai ăn hiếp nữa, các huynh đệ ơi!”

Lúc bấy giờ trời cũng đã choạng vạng nhá nhem tối cho nên mọi người nhường cho chàng một con ngựa chiến để cùng đi với đoàn. Trước sự ưu đãi và kính trọng của các huynh đệ dành cho, chàng vui vẻ cám ơn mọi người. Đoàn người và ngựa tiếp tục lên đường trên đoạn đường còn lại khá dài, mãi cho đến khi màn đêm buông xuống hẳn và tiếng dế mèn bắt đầu rên rỉ. Từ xa xa đoàn người thấy ánh lửa hồng đã sáng lên một góc trời. Nơi ấy cũng là nơi dừng chân mọi người.

Tuệ Ca không mấy ngạc nhiên khi bước vào doanh trại thô sơ của các huynh đệ kết nghĩa từ lâu, tuy không rõ nơi đây là đâu? Nhưng chàng liền khen rằng, “Các đệ của ta làm việc cũng có chí hướng lắm đó, không uổng công ta chờ mong bao tháng ngày, ước gì một ngày nào đó bình yên trở về ngôi chùa xưa, sống lại những tháng ngày huynh đệ tu tập và vui đùa bên nhau của những năm tháng qua.”

Tuy chàng không khen tặng nhiều lời nhưng mọi người vẫn hiểu và hò hét chúc mừng chàng sau bao nhiêu năm xa cách, nay cơ may gặp lại thật là hạnh phúc khôn ngần.

Đêm ấy cũng là đêm bất ngờ gặp lại Tuệ Ca sau bao năm thất lạc, cho nên mọi người liền tổ chức ăn mừng ca hát suốt thâu đêm, nhưng Tuệ Ca cùng các huynh đệ kết nghĩa tìm đến một chỗ an toàn để trò chuyện, chia sẻ cùng nhau những kỷ niệm khó quên trong đời lưu lạc nơi phồn hoa phố thị. Lúc bấy giờ Tuệ Ca lên tiếng nói, “Này các huynh đệ nãy giờ ta nghe các đệ kể lại những nỗi khổ cơ cực và sự đóng góp công sức để tạo dựng cơ đồ nho nhỏ này. Các đệ nên nhớ rằng, nếu không có cái nhỏ ngày hôm nay thì làm sao có cái to lớn của ngày mai mà mình hằng mong ước. Đó là lấy lại mảnh đất thân thương và đòi lại sự bình đẳng nhân quyền cho mọi người dân thấp cổ bé họng, quyết thanh trừng hết đám quan lại triều đình thối nát, chúng chỉ biết ăn hối lộ, tư lợi riêng cho mình, ai chết mặc ai! Chúng chỉ biết hút máu của dân lành, ăn trên xương máu của người dân. Một triều đình như thế đáng cho lịch sử phê phán con cháu về sau quyền rủa.”

Chưa hết, chàng còn nhắc nhở thêm, “Không phải là những tài sản vật chất, của ngày hôm nay chúng ta có được không phải là những của cải, tiền tài, nhà cửa, v.v.. Mà là những tài sản tình cảm, những tài sản tinh thần. Đây mới là những tài sản thật sự, những tài sản giá trị, những tài sản qúi báu, những tài sản thanh cao. Trên đời này, con người; không có thứ tài sản vật chất nào có thể so sánh được: những tình cảm quý mến, thương yêu, quý trọng của người khác dành cho mình, không dễ gì có được những thứ tình cảm vô giá này của con người, những tấm lòng cảm xúc, tri ân của những người đồng cảnh ngộ, những người kém may mắn những thứ không dễ gì mua được bằng tiền, bằng vàng.”

Tuệ Ca nói tiếp, “Thực tế là chừng nào còn có thân thể phàm trần, còn thân xác vật chất con người bằng xương bằng thịt, bằng thể chất, thì chúng ta vẫn còn cần đến những tài sản vật chất; nhưng mà, tài sản vật chất, bất cứ là thứ tài sản vật chất nào, cũng luôn luôn có những giá trị giới hạn, những giá trị tương đối. Tài sản vật chất thì luôn luôn biến đổi, luôn luôn mong manh, không bền vững, thường nhỏ bé, dù khối lượng vật chất to lớn thì tính cách của vật chất cũng vẫn là nhỏ bé; dù vật chất cần thiết đến thế nào thì giá trị của vật chất cũng vẫn là tầm thường.

“Nếu như của cải ấy do người bất lương chiếm đoạt từ trong tay của dân lành như: ruộng đất, nhà cửa, những đồng tiền bất chính ấy các huynh đệ không nên bận tâm những việc ấy, đám quan lại đó hút máu dân lành làm giàu, thật là đáng trừng trị cho thích đáng, nếu có cơ hội. Trái lại, những tài sản tình cảm, những tài sản tinh thần, những tài sản tâm linh, mới là những tài sản vô giá, mới là những tài sản bền lâu, mới là những tài sản thanh cao, những tài sản đáng cho chúng ta mơ ước, đáng cho chúng ta kiếm tìm, đáng cho chúng ta gìn giữ, đáng cho chúng ta trân trọng, đáng cho chúng ta trân quí.

“Nói vậy nhưng mình Ca không buồn, không hận, không oán, không hối tiếc… Những quyết định này của mình, bởi vì mình đã kinh qua khá nhiều thử thách, quá nhiều kinh nghiệm cuộc đời, bởi vì mình đã giác ngộ những vai trò, những sứ mạng của mỗi con người trên chốn trần gian. Ở mỗi không gian, ở mỗi thời gian của cuộc đời, mỗi lúc, mỗi nơi, mỗi giờ, mỗi khắc, mình đều có những vai trò, những nhiệm vụ, những sứ mạng khác nhau, không phải là mình có thể làm những công việc mình muốn làm, mình thích làm, mà là mình phải làm những công việc mình cần làm.

“Mỗi một nơi chốn mới mà Tuệ Ca đến, chắc chắn là sẽ có những điều cần phải làm, hoặc có thể làm, cũng sẽ có những điều Tuệ Ca có thể học hỏi, hoặc là những điều mình sẽ phải học hỏi; cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm và những hiểu biết của Tuệ Ca, cho những người Tuệ Ca đang gặp, và sẽ gặp mặt cùng nhau quen biết, kết bằng hữu với Tuệ Ca nữa. Đây không phải là sứ mạng đối với riêng tư dân tộc, riêng tư đất nước của Tuệ Ca và mọi người dân đang sinh sống tại đó, riêng tư dân tộc này, riêng tư đất nước nọ, mà phải là sứ mạng chung đối với tất cả, đối với mọi miền trên đất nước, nhất là miền quê. Riêng đối với mọi sắc dân, mọi quốc gia, mọi con người, và toàn thể nhân loại, không phân biệt màu da, ngôn ngữ, sắc tộc trên toàn thế giới.

“Sứ mạng và nhiệm vụ tâm linh, là sứ mạng và là nhiệm vụ mang lại những ánh sáng giác ngộ, minh triết cho nhân loại; sứ mạng và nhiệm vụ mang lại những ngọn lửa tình thương, từ bi cho con người, vạn vật, thế gian là nhiệm vụ rất khó, là sứ mạng rất lớn, mà mục tiêu của sứ mạng và nhiệm vụ như vậy lại càng khó khăn hơn, gian khổ hơn, nhiều đòi hỏi hơn, nhiều thử thách hơn.”

Tuệ Ca nói huyên thuyên chưa ngưng hẳn thì những tràng pháo tay nổ liên hồi, kèm theo đó những hò hét, “Tuệ Ca thật tuyệt, thật tuyệt.”

Tuệ Ca chưa kịp nói tiếp thì có người hỏi lại rằng, “Từ nay về sau có ai đồng ý Tuệ Ca làm đại sư huynh trong nhóm chúng ta hay không? Ai đồng ý tán thành thì giơ tay lên.”

Mọi người vui vẻ hò hét giơ tay lên đồng ý Đại Sư Huynh, đồng thanh reo to, “Đại Huynh Tuệ Ca… Đại Huynh…Tuệ Ca… Tuệ Ca!”

Tiếp theo đó là những tràng pháo tay nổ liên hồi thật là náo nhiệt vô cùng.

Kể từ đó mọi người đều đồng ý và tán thành việc làm của Tuệ Ca và chấp nhận Tuệ Ca làm Đại Sư Huynh trong nhóm để cùng tiến lên trên con đường tranh đấu cho lý tưởng và quyết đòi lại sự bình đẳng cho dân làng. Rồi từ đó Tuệ Ca đại sư huynh mở đường một lộ trình mới, cho mọi người tiếp tục dấn thân đi trên con đường chính nghĩa.

Cũng trong các huynh đệ ấy có người giơ tay lên phát biểu và nói, “Tôi chỉ là hạt cát nhỏ trên sa mạc khô cằn thì làm được việc gì?”

Tuệ Ca đáp lại, “Hạt cát tuy nhỏ nơi sa mạc, nhưng gom nhiều lại gặp gió lớn sẽ trở thành trận bão cát kinh hoàng khiếp đảm các huynh đệ có nghĩ ra những điều đó hay không?”

Mọi người vỗ tay tán thưởng.

Tuệ Ca liền cám ơn mọi người tín nhiệm và sau đó tiếp tục cuộc hành trình mới.

Hỡi các huynh đệ! Hãy cùng ta đứng lên giành lại dãi đất thân yêu từ tay bọn côn đồ cướp nước được như vậy thì kho “Báu Vật” sẽ nằm trọn trong lòng bàn tay của các huynh đệ cùng chí hướng. Mong lắm thay!!!

Tiết trời mùa đông trên đỉnh núi bỗng nhiên ngừng lại giây phút để đón nhận bầu nhiệt huyết tuổi trẻ dâng cao khiến trời đất cũng cảm động. Tưởng chừng như tuyết Đông ngưng rơi, ý chí là như thế, không ai có thể ngăn cản được bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ dâng trào. Những chú dế mèn vẫn rỉ rả suốt thâu đêm chúng có thấu hiểu hay không nhỉ?

(Santa Ana năm 2017, Xuân Đinh Dậu)

 *

Gặp Lại Cố Nhân

Giả sử tiền đồ tận di thản
 Anh hùng hào kiệt giã dung thường.

Tạm dịch:
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai?

Câu thơ diễn rằng: Bất cứ ở góc độ nào, anh hùng hào kiệt cũng thế thôi! Nếu đoạn đường đấu tranh bằng phẳng cả thì chẳng còn việc gì để nói. Vậy xin quý độc giả tiếp tục tìm hiểu câu chuyện Hành Trình Tìm Báu Vật tiếp theo.

Thời đã điểm

Không hiểu vì sao sức nóng của mặt trời ngày càng gia tăng? Nhưng dù sao trời cũng đã vào thu. Thế mà, nhiệt độ vẫn không thuyên giảm chút nào, trái lại như muốn thiêu đốt từng ngọn rau, đọt cỏ, nhành cây khiến cho vạn vật và mọi loài ai ai cũng lo lắng cho mùa màng sắp đến. Nếu kéo dài như thế này dân miền núi chết đói ngay, khô hạn không có mưa. Có lẽ chăng ông trời lại thử lòng dân nữa đây? Dân tình ở đây nghèo khổ lắm, thừa chết, thiếu sống, cộng thêm bọn quan quyền triều đình. Chúng có bao giờ nghĩ đến cái khổ, cái cực của đám ngu dân này đâu? Thật là vô cùng tội nghiệp cho họ. Phải chi.

Cái nắng trưa chói chan mỗi lúc, mỗi gia tăng, khiến cho Tuệ Ca không thể bước thêm được nữa, đôi chân muốn ngã qụy xuống không còn đủ sức đứng vững nữa, mồ hôi nhuễ nhoại khắp cả thân mình. Chiếc áo sờn vai đã đẫm mồ hôi ướt như tắm.

Được biết, chàng đã vượt qua không biết bao nhiêu làng mạc, nhưng rốt lại không thể đi thêm nữa. Cuối cùng, sức tàn, lực kiệt ý nguyện chưa thành, chàng đã ngã quỵ rồi bất tỉnh bên vệ đường lúc nào cũng không hay biết.

May thay, phần phước vẫn còn, không gặp phải thú dữ cũng như bọn thảo khấu cướp bóc dọc đường, hay binh lính triều đình tuần tra biên ải. Chàng đã gặp được người tốt cứu mạng. Một lão tiều phu giàu lòng nhân ái, thấy có chàng thanh niên bất tỉnh liền nghĩ rằng,”cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp phù đồ.”  Lão liền thả gánh củi xuống đất, lôi kéo chàng qua những khúc quanh xóm làng, mặc dù sức của lão cũng có hạn. Về tới nhà, chàng y như một con hổ chết đói lâu ngày, tuy nói là nhà nhưng cũng chỉ là một túp lều tranh nho nhỏ đủ che nắng, che mưa qua ngày. Ông lão rất tử tế, lo lắng cho chàng đủ việc. Mãi đến năm hôm sau chàng mới tỉnh dậy.

Câu nói đầu tiên của chàng, “Đây là nơi đâu hả? Tại sao ta như thế này, sao ta bị bó chặt ở đây?”

Nghe có tiếng nói phát ra, ông lão liền bước lại bên cạnh cậu thanh niên bất tỉnh mấy ngày trước. Mừng quá, lão liền vỗ vai cậu nhè nhẹ nói, “May quá, cậu đã tỉnh rồi hả? Thật là phước nhiều đời, chắc là kiếp trước cậu có tu tập.”

“Ở đây là đâu, tại sao tôi lại nằm nơi đây? Thân thể tôi bị bó chặt như thế.” Chàng lập đi lập lại nhiều lần như thể, kẻ chết đi sống lại.

Ông lão mừng rỡ nói, “Đây là nhà của tôi, không sao đâu, cậu cứ yên tâm ở lại tịnh dưỡng, khi nào khỏe rồi lại tiếp tục lên đường.”

Ông chưa dứt lời, cậu ta liền cắt ngang, “Tại sao tôi lại ra nông nổi như thế này?”

Ông lão đáp, “Tôi không rõ nguyên cớ gì? Nhưng thấy cậu ngã quỵ bất tỉnh bên vệ đường cách nhà tôi không xa, thương tình kẻ lữ khách đường xa gặp nạn, nên tôi cố sức dìu cậu về đây để tịnh nghỉ. Tôi rất lo lắng, và thắc mắc tại sao trên người cậu có rất nhiều vết máu và bầm tím may là cậu không trúng phải độc dược, tôi mới có thể cứu chữa cậu được. Ai đã hành hung cậu như thế? Hay là cậu bị kẻ gian hành hung, cướp bóc.”

Chàng cắt ngang câu hỏi của ông lão, “Cám ơn, ông đã giúp cháu trong khi hoạn nạn. xin cho biết quý danh tánh?”

“Ơn nghĩa gì, cậu khỏe là tôi mừng rồi. Thôi thì, cậu cứ gọi tôi là Lão Bá được rồi.”

Thấy Lão Bá tấm lòng quảng đại, chàng lại cám ơn không ngớt lời.

Chàng đưa mắt nhìn ngôi nhà tranh đơn sơ một vòng, thở dài rồi thầm nói rằng, “Tiếc quá, phải chi không bận việc đi xa, ở lại đây với Lão Bá chắc sẽ học hỏi được nhiều điều hay lắm đó!”

Bất chợt chàng nhìn thấy bức tranh treo trên vách, làm bằng mành bằng tre đan rất khéo, với những dòng chữ viết sắc xảo, chàng lớn tiếng đọc:

CHỨNG ĐẠO CA
Quân bất kiến:
Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân?
Vô minh thực tánh tức Phật tánh
Ảo hóa không thân tức Pháp thân.
Pháp thân giác liễu vô nhất vật
Bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật.
Ngũ ấm phù vân không khứ lai.
Tam độc thủy bào hư xuất một.
Chứng thực tướng, vô nhân pháp,
Sát na diệt khước a tì nghiệp.
Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sanh,
Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp…

Tạm dịch:

Anh thấy chăng:
Dứt học, vô vi, ấy đạo nhân,
Không trừ vọng tưởng chẳng cầu chân?
Tánh thực vô minh tức Phật tánh.
Thân không ảo hóa tức Pháp thân.
Pháp thân giác rồi không một vật,
Vốn nguồn tự tánh thiên chân Phật.
Năm ấm: ảo hư mây lại qua.
Ba độc: huyễn hoặc bọt còn mất.
Chứng thực tướng, không nhân pháp,
Sát na rũ sạch a tì nghiệp.
Bằng đem lời vọng dối chúng sanh,
Tội rút lưỡi nguyện mang cùng kiếp…

Đọc bài “Chứng Đạo Ca” khiến chàng bừng tỉnh tự trấn an lấy mình. Biết được chủ nhân là người như thế nào. Chàng càng tỏ vẻ kính phục và tôn trọng Lão Bá bằng cả tấm lòng. Bởi vì Lão là ân nhân cứu mạng chàng. Ân nghĩa ấy chẳng bao giờ chàng quên được. Chẳng những Lão Bá còn có tấm lòng quảng đại thương người. Mà còn uyên thâm giáo lý Phật Đà thật đáng kính trọng. Mặc dù sức khỏe chưa bình phục hẳn nhưng chàng cố gắng bước đi, bước lại trước mặt Lão Bá để nói lên những nỗi lòng của mình.

Thấy vậy, Lão Báo bèn nói, “Cậu chưa khỏe cứ nằm đó tịnh dưỡng, khi nào khỏe hẳn ta sẽ cùng cậu đàm đạo.”

Thoáng chốc hai tuần lễ trôi qua thật nhanh, chàng đã khỏe hẳn nên quyết định ra đi không thể chần chờ được nữa vì “Đêm dài lắm mộng…” không thể lường được, vì đâu đâu cũng là tai mắt triều đình. Chàng từ giã Lão Bá lên đường. Trước khi ra đi Lão Bá tặng cho chàng một gói đồ nho nhỏ. Biết được tâm trạng của chàng cho nên Lão Bá hào phóng tặng thêm cho con tuấn mã để làm cuộc hành trình trong những ngày sắp đến. Lão bá còn nhắc nhở rằng, “Cậu hãy giữ kỹ lấy gói này, khi nào cần thiết, mới được mở ra đừng làm thất lạc, nhớ nhen!”

Chẳng biết là thứ gì trong đó, mà Lão Bá lại quan tâm đến thế. Chàng cũng không còn từ ngữ nào hơn ngoài hai chữ “Nhớ Ơn” tấm lòng của Lão Bá. Ra đi trong lúc tiết trời lạnh buốt giữa mùa đông gió bấc. Đã vậy, Lão Bá còn tặng cho chàng một con tuấn mã làm bạn đường xa. Đọc được tâm tư của những người dân lành, nơi vùng núi cao hẻo lánh họ yêu chuộng hòa bình luôn luôn mơ ước cho đất nước có được nền tự do nhân quyền, thực sự bình đẳng. Trong cuộc sống không bị bọn quan quyền cưỡng bức ép uổng, thu hồi ruộng đất của họ. Nếu đất nước nào hoặc một quốc gia dù lớn hay nhỏ, mà kẻ cầm quyền biết lo cho dân chúng cơm no áo ấm, đất nước đó thật là hạnh phúc vô vàn. Cuộc sống thanh bình thì chiến tranh sẽ lùi vào bóng tối. Nhân loại sẽ không còn cảnh lầm than chém giết lẫn nhau. Mong lắm thay!

Những suy nghĩ của chàng đã ngưng lại khi bóng bình minh vừa ló dạng bên kia ngọn đồi. Chàng cùng con tuấn mã chuẩn bị cho cuộc hành trình mới. Chân trời mở rộng phía trước, cũng là bao thử thách đến với chàng. Nhưng không ai ngăn được sự quyết tâm, cuối cùng chàng vẫn tiến nhanh tiến thẳng trên chặng đường đầy chông gai và thử thách.

Ngay thời điểm đó, tại triều đình đã xảy ra không biết bao nhiêu là biến động.

Thứ nhất hoàng hậu chánh cung người mà vua yêu thương nhất đã sanh bốn hoàng tử, nay cũng đã trưởng thành về mọi mặt nhưng tánh tình ngông cuồng, làm theo sở thích. Nhà vua rất buồn phiền cho vận nước, giặc giã liên miên .Quần thần thì tham ô thối nát. Vua chưa biết chọn thái tử nào xứng đáng để thừa kế ngôi vị. Đang cân nhắc bàn thảo với các quan đại thần trong triều chính, bỗng nhiên có lính xông vào báo tin cẩn cấp:

“Bẩm bệ hạ nguy lắm rồi…rồi…rồi,” tên thái giám vì quá lo sợ nên ú ớ nói không ra lời, khiến mọi người trong triều thêm hoảng hốt lên.

“Giặc đến nơi phải không? Đóng cửa thành.”

“Dạ không phải, nguy rồi bệ hạ ơi!”

Thấy vậy nhà vua trấn an mọi người, “Việc gì mà khẩn cấp vậy, ngươi hãy bình tĩnh nói cho rõ sự việc.”

“Tạ ơn hoàng thượng, hoàng thượng vạn vạn tuế…”

“Miễn lễ, người hãy nói, nhanh lên.”

“Bẩm bệ hạ, hoàng hậu phát bệnh rất nặng, nặng lắm.”

“Tại sao? Ngươi không đi mời thái y danh tiếng đến trị bệnh cho hoàng hậu mà vào đây quấy rầy ta, ngươi có biết ta đang nghị trình với các quan đại thần không? Tại sao?” nhà vua trở nên giận dữ, gương mặt đỏ hửng quát lớn, “Lính đâu, lôi hắn ra ngay!”

“Khoan đã, ta có việc trình với vua chưa hết, các người không được lại gần ta.”

Thấy vậy, vua liền nói tất cả hãy lui ra.

“Hoàng hậu điên rồi bệ hạ ơi!” người lính vừa nói, vừa khóc, khiến cho vua không thể tin vào lỗ tai mình nữa,

Vua lặp lại, “Hoàng hậu điên hả? Tại sao?”

“Dạ bẩm. Hoàng hậu nói nhảm la hét quá chừng, đập phá lung tung khiến mọi người hổn sợ không một ai tới gần.”

Đột ngột quá, vua nói, “Bãi triều. Các khanh hãy về đi, khi khác bàn tiếp.”

Mọi người ra về ai nấy cũng bàn tán xôn xao sự việc. Làn gió thoáng qua thật nhanh. Chẳng mấy chốc tin dữ lan xa, dân chúng ai ai cũng biết đến, mặc sức đồn đãi dèm pha khắp mọi nơi.

Ba ngày sau, vua ra lệnh cho lính dán thông báo khắp mọi nơi, ai mà chữa lành bệnh cho hoàng hậu sẽ được trọng thưởng và ban đất đai hưởng bổng lộc suốt đời. Còn bằng như trái lại chế diễu, khi bắt được sẽ nghiêm trị theo hình luật.

Kể từ đó trong dân gian bớt đi vấn đề đồn đại. Trớ trêu thay, cho một vị vua bất tài như thế. “Tiên trị kỳ gia, hậu trị kỳ quốc” (Trước phải xây dựng gia đình, sau rồi mới xây dựng đất nước).

Còn nữa, sách có ghi rằng: Các vị vua thuở xưa muốn làm cho cái đức của mình tỏ sáng ra trong thiên hạ, trước phải lo sửa trị nước mình. Muốn sửa trị nước mình, thì phải tề gia trước. Muốn tề gia thì phải tu thân trước. Muốn tu thân thì phải làm cho ý mình trở nên thành thật. Muốn làm cho ý mình trở nên thành thật phải có tri thức chu đáo. Muốn có tri thức chu đáo ắt phải nghiên cứu sự vật.

Đúng vậy, tri thức được mở rộng nằm ở chỗ nghiên cứu sự vật. Thế còn gì nữa, thưa Phu Tử?

Cổ nhân đã nói: “Khi đã nghiên cứu sự vật, cái tri thức mới được chu đáo. Cái tri thức được chu đáo, cái ý mình mời thành thật. Cái ý mình đã thành thật, lòng dạ mình mới ngay thẳng. Lòng dạ mình đã ngay thẳng mới tu tập lấy mình được. Đã tu tập lấy mình được, thì mới sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề. Nhà cửa đã chỉnh tề, thì mới sửa trị nước được. Nước đã sửa trị, thiên hạ mới bình an.”

Đúng vậy, mới có một việc nhỏ nhoi như thế mà nhà vua hoang mang chẳng giải quyết được, tinh thần bấn loạn lên. Thử hỏi, khi giặc kéo đến bao vây thành thì vị vua ấy làm sao đủ sức bình tĩnh để đối phó với ngoại bang?

Ba tháng trôi qua. Mùa đông đã đến tuyết bao phủ khắp các vùng núi cao, những cơn gió rét lạnh buốt khắp nơi. Tiếng gió thổi vi vút suốt đêm thâu. Những cái khổ cho người nghèo cùng khốn khổ mỗi khi đông về, là ngày họ từ giã cõi đời đi về thế giới bên kia. Thật vậy, không cái khổ nào giống cái khổ nào, đã là người thiếu may mắn lại càng khổ hơn.

Lúc này, Tuệ Ca cùng con tuấn mã đã băng qua nhiều làng mạc và cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tang tóc trong dân gian. Sau đó chàng tiếp tục đến tỉnh Vân Nam chưa vào thành chàng đã gặp một trận thư hùng thật khốc liệt nhưng lại là bất phân sức lực. Một là nhóm lính của triều đình quá đông, còn bên kia là một ông lão cùng năm, sáu người thuộc hạ theo ông, nhưng không hiểu vì sau họ lại đánh nhau như thế, bất phân thể lực, nơi chịu thua là ông lão. Thấy sự bất nhẫn xảy ra đột ngột như thế chàng không thể làm ngơ, buột lòng phải ra tay nghĩa hiệp cứu ông lão và những người đang bị vây hãm. Thoạt đầu, chàng dùng hết sức bình sanh cho con tuấn mã lao thật nhanh vào vòng vây cứu ông lão ra khỏi đám lính bạo tàn của triều đình. Thấy vậy, không thể bỏ qua tên chỉ huy ra lệnh cho lính xông vào đánh và bắt sống cho bằng được chàng để lấy thưởng. Nhưng không ngờ võ thuật của tên chỉ huy chẳng là bao. Hắn nhờ vào sức mạnh của đám lính đông đảo để hạ gục chàng. Quả nhiên biết những chiêu thức này, cho nên chàng chỉ lao thẳng tới dung vài độc chiêu đã đánh tên chỉ huy rớt ngựa. Đám lính triều đình thấy vậy hoảng hốt không dám xông vào. Chàng rộng đường cứu ông lão an toàn ra khỏi vòng vây của bọn chúng, và đưa ông lão đến nơi an toàn.

Về đến nơi, ông lão cho người tiếp đón chàng rất là chu đáo.

“Cám ơn tráng sĩ đã cứu mạng cho tôi. Ơn ấy tôi nguyện khắc cốt ghi tâm.”

“Xin ông đừng quá lời, vì đó chẳng qua là việc làm cứu giúp người cô thế. Là nghĩa hiệp mà chẳng ra tay thì chẳng có gì để nói.”

“Ta có việc, cần tráng sĩ ở lại vài hôm có được không?”

Chàng bèn nói, “Tuệ Ca tôi xưa nay từng phiêu bạt khắp mọi nơi. Chưa gặp một ai hào kiệt như lão. Xin cho biết quý danh?”

“Cứ gọi tôi là Lão Tứ được rồi. Rồi từ từ ta sẽ kể cho nghe cuộc đời của một lão bại tướng như ta. Cũng vì vật đổi sao dời, cho nên mới ra nông nổi như thế này! Xin tráng sĩ cho biết danh tánh là chi?”

“Cứ gọi là Tuệ Ca được rồi, đừng quá màu mè.”

“Cám ơn, Tuệ Ca quá khiêm nhường, tuổi trẻ tài cao ta đây đáng khâm phục.” Lão thầm nghĩ  kỳ này ta đã chọn được người rồi, để trao gánh nặng “ân tình trung thành đấng bề trên.”

Tuệ Ca chẳng hiểu ông lão này nói gì. “Thôi thì Lão Tứ cứ nghỉ cho khỏe vài hôm nữa chúng ta cùng trò chuyện.”

Bảy ngày trôi qua thật nhanh!

Vào một ngày trời mùa đông rét buốt, Lão Tứ đưa chàng đến một hang động sâu thẳm trong khu rừng trú ngụ. Rồi cho người mang bình trà nóng hổi ra tiếp chàng. Thấy thế, Tuệ Ca thầm nói rằng, “Lão Tứ cũng là người có tầm cỡ trong thiên hạ, chớ không phải là tay tầm thường, biết chọn nơi để thưởng thức trà.”

Uống trà tại một nơi thanh vắng, nơi không có sự ồn ào xao động. Nơi mà không có tiếng quấy rầy làm xao lòng người thưởng thức trà. Vì uống trà đúng điệu cũng là nghệ thuật cao trong giới võ lâm. Nơi ấy cũng là nơi thường xảy ra những cuộc đọ sức bất phân thắng bại của những anh hùng hào kiệt muốn nổi danh trong thiên hạ. Muợn chung trà mà tạo nên đấu trường. Thật là khiếp đảm vô cùng. Nhưng cũng không ít khách tứ phương lui tới. Kẻ tao nhân mặc khách đã chọn trà là phương tiện giao du trong thiên hạ. Người đắc thời hay thất chí khi về ở ẩn trong giang hồ, họ cần một chung trà nóng để ấm lòng trong những ngày băng tuyết dày đặc trên vùng núi cao. Thưởng thức trà nơi tĩnh lặng để chiêm nghiệm lại cuộc kinh qua “Thành-Bại,” từ đó có thể rút ra nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. “Trà đạo” hay “Uống trà trong nghệ thuật” không hợp với kẻ xu thời hám lợi. Con đường ẩm trà cứ thế lầm lũi đi ngang qua bao ngổn ngang bất hạnh, khốn khó lẫn hạnh phúc ngắn ngủi. Thú ẩm trà đi dọc ngang từ nông thôn qua phố thị, từ các ngóc ngách phố xá bụi trường đến những nơi phồn hoa sang trọng. Những chén trà đắng chát, vàng ươm, thơm phứt cứ rót vào từng đời sống, từng thân phận con người. Họ chấp nhận an nhiên mà không hề cam chịu. Tuệ Ca cùng Lão Tứ thong thả nhấp từng giọt đắng cay lẫn ngọt bùi, mà vị đắng kia có ít đâu? Cuộc đời cũng chẳng phải là như thế hay sao? Cứ uống, và cứ uống mãi đi để mà nghiền ngẫm cuộc đời, bao thăng trầm nổi trôi. Chín mươi bốn mùa lá rụng mà Lão Tứ vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của kẻ bề tôi khi nhận việc với vị vua tiền nhiệm cách đây hơn bốn mươi năm. Tuệ ca hiểu được như thế liền nói:

“Gia bần chi hiếu tử, quốc loạn thức trung thần”
(Nhà nghèo mới biết lòng hiếu thảo của con)

Ông lão liền suy nghĩ, “Nay gặp được ân nhân cứu mạng, cũng là kẻ Lão Tứ có thể tin tưởng giao lại hết những gì mà mình cất giữ bấy lâu nay. Điều mơ ước có người sẽ nhận công việc truy tìm Báu Vật năm xưa thất lạc.” Qua chung trà này Lão Tứ không còn do dự nữa nhưng vẫn chưa nói ra với ai những sự kiện này cũng bởi vì, chưa gặp phải người mình có đủ tin tưởng để trao lại gánh giang sơn mà bấy lâu nay, lão vẫn khư khư ôm giữ. Ngay cả đứa con ruột mà lão vẫn chưa tin được. không hiểu hôm nay lão có ý định trao lại cho ân nhân cứu mạng lão những việc làm như thế. Chẳng lẽ nào, lão…

Mà cứ thong thả cùng Tuệ Ca nhâm nhi từng ngụm đắng chát một, cái đắng làm tỉnh người ra. Vị đắng không làm cho người ta phải nhắm mắt nuốt từng giọi trong đau khổ, vị đắng ấy đủ để nhâm nhi, đủ để đón nhận cái dư hậu ngọt ngào sau đó. Tuyết ngoài hang cũng đã tan biến hết. Núi rừng vẫn còn lạnh giá sau cơn mưa mùa đông. Có lẽ ngọn gió nhè nhẹ mang hơi nóng của mùa xuân sắp về làm cho cây lá rung lên xào xạc. Trà đã hết mà câu chuyện vẫn chưa chấm dứt. Bóng đêm nhanh chóng trôi qua trả lại núi đồi nơi ấy. Mỗi người quay về với chính mình để hòa nhập dòng sống mưu lợi hằng ngày. Dẫu còn ngổn ngang bao khốn khó trên bước đường đi tìm “Ấu chúa,” vẫn biết rằng cuộc sống luôn luôn đọng lại bên chén trà nóng. Lão Tứ hy vọng ngày mai sẽ tươi sáng: “Sau cơn mưa trời sẽ sáng” hay là “Ánh sáng cuối đường hầm.”

Tia hy vọng nhỏ nhen cuối đường hầm, nhưng cũng làm cho Lão Tứ phấn khởi, mặc dù cho biết đắc thất ra sao?

Phút chốc Tuệ Ca hứa nhận lời của Lão Tứ, quyết đi tìm cho kỳ được “bản đồ kho báu.” Kỳ vọng cuối của Lão Tứ cũng đã thỏa mãn lắm rồi, dù có nhắm mắt liền đi nữa Lão cũng không hỗ thẹn với vị vua tiền nhiệm. Bởi nay, đã có người nhận trách nhiệm thế cho Lão Tứ. Nhưng ngược lại Tuệ Ca muốn Lão Tứ phải kể tường tận sự việc xảy ra hơn bốn mươi năm trước. Đồng thời lúc đó, Tuệ Ca mới chào đời. Lão Tứ hứa chắc chắn sẽ kể rõ câu chuyện thương “mất nước, vua tử trận” cho Tuệ Ca nghe tường tận, trước khi Lão nhắm mắt lìa trần qua bên kia thế giới. Tuệ Ca vẫn biết việc này chỉ là “dò kim đáy biển” Nhưng chàng vẫn quyết thực hiện cho kỳ được, không thể nuốt lời một cách đường đột. Chàng lớn tiếng nói thẳng trước mặt Lão Tứ rằng:

“Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy.”
(Một lời nói ra nặng hơn nâng chín cái đỉnh, lời nói ra bốn con ngựa đuổi theo không kịp.)

Phàm quân tử không nói hai lời, nói rồi không rút lại, không nói đi nói lại. Nếu nói như vậy là quân tử dại. Tuệ Ca thầm nghĩ, “Việc này xem ra cũng khó nuốt lắm, chỉ còn cách tin vào số mạng do trời định. Anh hùng làm nên lịch sử hay thời thế tạo anh hùng hoặc anh hùng rơm. Anh hùng ảo trong 3 D, anh hùng nào cũng là anh hùng. Thời gian sẽ trả lời.

      Câu chuyện còn dài, có nhiều đoạn hấp dẫn và gay cấn, lúc này triều đình đang tranh chấp quyền lực, dẫn đến chuyện thanh toán quan quyền, bằng nhiều thủ đoạn trong lúc giao bang, mỗi  khi có vị lãnh đạo tối cao lìa trần, tứ trụ triều đình cũng phải lung lay ghế ngồi vị trí cũng thế. Đến đây tác giả xin được tạm ngưng hẹn kỳ tới.

 T. Nhuận Hùng
Santa Ana, California, mùa Hè 2017


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *