Photo: Joanna Bourne / Wikimedia Commons
Bài Diệu Thuận HÀ THỊ HÒA
Chị Huệ ngồi thừ người, bất động thật lâu trên chiếc ghế da nệm dày mà các con đã mua sẵn cho chị trước khi phải mổ chân, chân phải của chị giờ chưa cử động được cứ nằm ì ở đó mặc cho mọi người bày trò, bác sĩ nói cả tháng mới tập đi được và cũng chờ đợi tới cái ngày trọng đại ấy, chắc là đau lắm đấy nhưng điều ấy với chị chẳng nhằm nhò gì vì chị muốn được đi lại, điều khiển đôi chân của mình nhất là không phải làm phiền chồng con, cơm bưng nước rót cả tháng trời. Hai đứa con gái từ cái tiểu bang xa về lo cho mẹ, mỗi đứa một tuần bỏ chồng bỏ con để về chăm sóc cho chị.
Cứ nhìn vào khuôn mặt đáng yêu của bốn đứa con và người chồng chung thủy tận tụy, chị cảm thấy sung sướng vì cảm giác không bị bỏ rơi, cả nhà chúng ta vẫn thương yêu, lo lắng, các con luôn hiếu thảo, chăm sóc cho chị thật tình. Chị có bà bạn khi có chuyện gì thì các con bà ấy lấy cớ bận công tác hoặc cớ này, cớ kia rốt cuộc chẳng tới thăm nuôi, chỉ hỏi thăm qua loa bằng điện thoại mà thôi. Bà ấy buồn bã tâm sự với chị, “Chúng nó bận lắm, hai vợ chồng tui già cả hết rồi sắp xuống lỗ không còn sức đâu mà đòi hỏi, muốn thăm thì thăm, hổng đi được thì thôi phải không bà hoặc thời buổi này con cái đâu có thương cha mẹ như hồi xưa, mong đợi làm gì? Người già vô dụng tụi nó sợ mình ăn bám.”
Và còn nhiều hoàn cảnh đau lòng nữa, người già bị bỏ rơi, may mà bên Mỹ chính phủ có những chương trình giúp đỡ cho người già về cuộc sống vật chất nhưng về tinh thần, điều đó thật nan giải, chỉ mong trên thế giới này đừng xuất hiện những người con lơ là, ích kỷ về lương tâm không đoái hoài đến mẹ, đến cha, đến những người già cô độc, đau yếu phải không các bạn
Chị Huệ cảm thấy mình may mắn, gia đình hai đứa con trai và lũ cháu nhỏ thường xuyên đến mỗi ngày, nhìn chúng nó mà chị cảm thấy yêu đời hơn. Các con, các cháu ở xa cũng thăm hỏi gọi điện thường xuyên khiến chị bận rộn cả ngày. Chị cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết vì gia đình chị đã đoàn kết thương yêu lẫn nhau.
Ngồi qua khung cửa kiếng, xuyên ra ngoài bác mặt trời đang chuẩn bị làm việc, ánh sáng ban mai đang tỏa dần trên nền trời Seattle . Chị đã dậy sớm và muốn ngồi trên chiếc ghế da, ông xã đã giúp chị ra ghế dài để duỗi đôi chân. Hai vợ chồng hì hục, nương tựa, đỡ nhau, rốt cuộc chị cũng được như ý nguyện nằm dài trên ghế, đôi chân thoải mái nằm yên dưới lớp chăn mỏng và cứ như thế chị sẽ ở trên ghế một ngày. Ông xã chắc đang chuẩn bị cho chị bữa ăn sáng, tiếng lục đục của ly tách làm chị chợt nghĩ mình quả thật vô dụng quá chừng, bực mình vì đôi chân yếu đuối nhưng chẳng còn cách nào hơn, cứ ù lì cho qua ngày. Gần cả đời người chị luôn phục vụ cho chồng con thì bây giờ tới phiên chồng con phục vụ lại có gì đâu nào, thôi thì thử xem tài nấu nướng của ông chồng yêu của mình. Quả thật dở ơi là dở, chị cũng ráng nuốt cho xong bữa mặc dù chị đã chỉ dẫn tận tình nhưng khả năng anh ấy vào bếp chỉ có vậy, đành chịu thôi.
Nhìn khuôn mặt nhẫn nại, tóc bạc điểm muối tiêu, trông anh ấy đạo mạo hơn, chúng ta già cả rồi sao anh? Chị thầm nghĩ và nén tiếng thở dài.
Gia đình đi bỏ báo
Ngày xưa cũng tại ngôi nhà này luôn vang tiếng cười đùa, nhộn nhịp, vợ chồng con cái luôn bận rộn, lũ con thì lo học hành, đứa ngồi góc bàn này, đứa ngồi chỗ kia, thậm chí có đứa còn miệt mài cầm sách đi qua đi lại trong phòng khách này để cố dồn ép chữ nghĩa trong đầu. Ôi bốn đứa con của chị thật tuyệt vời, chúng chăm lo học hành để có tương lai bên xứ người, điều đó không phải là dễ nhưng cứ nhìn đến khuôn mặt ấy sẽ thấy sự cố gắng phi thường của từng đứa con một.
Lúc ấy gia đình chị rất nghèo, qua Mỹ đôi bàn tay trắng tạo dựng một gia đình sáu người để thành công trên đất khách quê người thật quả khó khăn. Cả nhà luôn bảo ban, khuyến khích, che chở lẫn nhau, kiên nhẫn và chịu đựng là sức mạnh để thúc đẩy mọi người trong nhà tiến lên phía trước. Chị còn nhớ một buổi sáng rất sớm,cả nhà chị đã bừng dậy, lúc ấy khoảng 2 giờ sáng để đi bỏ báo, đêm ngủ không đủ, sáng phải dậy sớm, lũ nhỏ còn phải học bài nữa, nên đứa nào đứa nấy tóc tai bơ phờ, mắt kèm nhèm miệng ngáp lên ngáp xuống, người uể oải đi xiêu vẹo như những anh chàng say rượu, vì vậy nên anh chị đã dậy sớm hơn chúng và làm cho mỗi đứa ly cà phê nóng và vài miếng bánh mỳ quét bơ vội vàng, vừa đi vừa uống hoặc vừa đi vừa ăn, bọn trẻ tỉnh cả người. “Nào dậy đi các con, nào cả nhà chúng ta dậy làm việc.” Ai làm việc nấy, chia nhau ra, im lặng trong buổi sáng sớm tinh sương, bầu trời thành phố khi đó vẫn còn bóng đêm, sương mù dày đặc và những giọt sương còn đang long lanh trên cành lá, mái nhà toàn thành phố.
Mùi sáng sớm, mùi sương lạnh làm chị tỉnh hẳn cả người, trời vào thu nên lạnh lắm, đường xa không rõ lối đi, sương mù dày đặc như thử thách gia đình chị. Với sáu người chân ướt, chân ráo định cư tại tiểu bang này.
Thật sự làm nghề đi bỏ báo, rất nghiệt ngã, nguy hiểm nhưng là vì nguồn sống sinh nhai của gia đình nên cứ vẫn phải tiếp tục. Gia đình chị đã có lợi thế là được đông người và các con chị đều là lứa tuổi mới lớn vị thành niên, chúng có sức khỏe và tinh thần hăng say,giúp đỡ anh chị một cách cật lực, những khuôn mặt trẻ thơ đáng yêu của các con làm cho hai vợ chồng chị nhiều nghị lực, quên đi vất vả mệt nhọc trong cuộc sống hằng ngày.
Cứ mỗi sáng sớm còn tinh mơ, mọi người trong thành phố còn yên giấc nồng trong chăn ấm nệm êm, gia đình nhà chị đã lục đục thức dậy đi làm việc như những con cò đi ăn đêm, như những bác nông dân ra đồng với con trâu già, cứ nghĩ như thế chị cảm thấy vui hẳn lên. Nhà chị có hai chiếc xe cũ xì, không biết ra đời từ lúc nào, sơn đã tróc, trầy trụa, móp méo màu không ra màu, máy xe nổ nhưng không biết lúc nào sẽ tắt, nằm ì mộ chỗ,anh chị đã mua với giá rẻ mạt,dù sao nó cũng là phương tiện để đi bỏ báo, chịu thôi! Nghèo thì phải chấp nhận, thỉnh thoảng thấy con trai lớn mở nắp xe sửa chữa theo sự chỉ dẫn của bạn bè, người quen nên cũng tạm ổn, thôi thì tới đâu thì tới. Cầu trời khẩn Phật cho hai chiếc xe đừng có nằm đường, ngoài việc đi bỏ báo, nó còn phục vụ cho bốn đứa con đi học, đi chợ… nên hai chiếc xe rất quan trọng trong gia đình anh chị.
Hai cô con gái cũng đã thức dậy, chúng lục đục chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa,nấu cơm cho những người đi bỏ báo về, gia đình chị sẽ ăn và đi ngủ, đến chiều lại tiếp tục đi làm thêm. Những đứa nhỏ thì tội nghiệp hơn ngoài việc đi bỏ báo gấp báo bỏ vào trong bịch và thẩy cho mỗi nhà, các con chị còn phải đi học, tranh thủ từng giờ từng phút, giấc ngủ luôn thiếu thốn nên hễ có giờ trống là ngủ ngay dù bất cứ chỗ nào, trong xe, trên ghế, bàn học, ghế đá… năm mười phút cũng ráng ngủ để lấy lại sức “kéo cày”…
Cực khổ, vất vả mà các con chị không hề than khổ, chúng chấp nhận và hăng say làm việc, tiếng cười đùa vẫn không thiếu trong gia đình anh chị. Chồng chị thường đi với con trai lớn, hai người đi lấy báo nhiều hơn và đi vào những vùng dân cư xa, đông đúc, còn chị và cậu con trai út thì đi bỏ báo những chỗ gần nhà và sáng sủa hơn. Thế đấy cứ vào buổi sáng sớm là bọn chị lục đục lên đường làm việc, mỗi người một nhiệm vụ riêng không ai bảo ai, im lặng. Số báo mà tòa soạn đưa ra rất nhiều và nặng còn thêm mùi mực in nữa, bốn người hì hục khuân vác số báo ra xe. Sau khi hoàn tất việc gấp báo mỗi tờ và giấy quảng cáo, gia đình chị đã nhanh nhẹn thuần phục bỏ vào túi nylon để quăng trước cửa mỗi nhà người dân thành phố Seattle.
Bị bọn nghiện đánh
Nếu trời mưa, ướt át còn nếu không thì một người lo lái xe, một người lo cuộn tròn tờ báo, cột bằng dây thun và chất đống đằng sau xe. Đến nơi rồi ông xã chị ngừng xe, hai bố con mở cửa xe, ra đứng ở ngoài. Một bữa kia trời tối thật, không bóng trăng, không ánh sáng đèn điện nữa, bầu trời đen ngòm như sắp chuyển mưa, chỉ thấy nhau lờ mờ trong bống tối. Ông vội vàng với lấy báo bỏ nhanh vào bên trong ngực, sau chiếc jacket cũ mèm, rộng thùng thình, đó là thói quen, nó hơi lình xình trong đi đứng nhưng cách đó đã giúp cho gia đình ông phát báo nhanh chóng hơn. Bỗng ông nghe thấy tiếng xì xào nói chuyện đâu đó… đường xá vắng lặng không bóng người, không lẽ là ma hiện ra dọa nạt hai bố con ông. Thằng con trai lớn cũng cùng một suy nghĩ như ông và họ rảo mắt nhìn quanh… bỗng “bộp” một tiếng xoảng của thủy tinh, chắc là tiếng đập của chai bia vang lanh lảnh. Hai bố con ông hết cả hồn, nhìn kỹ thấy có hai bóng đen to lớn, núp sau cây cổ thụ bên kia đường, trên tay họ cầm cổ chai bia bể, hung hăng chửi bới chạy về phía hai người.
“Trời ơi cái gì xảy ra đây?” ông thầm nghĩ.
Cậu con trai hốt hoảng hét lớn, “Bố ơi! chạy đi tụi nghiện ma túy đó! Bố ơi! Chạy đi!”
Thế là, chưa kịp đóng cửa xe hai bố con ông co giò chạy thục mạng nhưng đã trễ, một thằng đen đúa với cặp mắt trắng dã, khuôn mặt giận dữ đã vung tay chỉ chỏ và đâm đầu vỏ chai bia vào ngực của ông. Chỉ nghe “hự” một tiếng, ông cảm thấy một lực rất mạnh đẩy vào ngực của ông, khiến ông choáng váng muốn ngã, quá sợ hãi không biết làm sao, chỉ có chạy là thượng sách, ông bèn co chân chạy một mạch, cậu con trai khỏe hơn chạy nhanh hơn nên tránh được những cú đòn ác hiểm của bọn nghiện ma túy.
Chạy được một khoảng xa hai bố con hoàn hồn, lúc này ông mới cảm thấy ran rát ở ngực và có gì ươn ướt thấm ra ngoài áo,
“Ối trời ơi! Máu bố ơi!”
Cậu con trai sợ hãi kêu thất thanh. Quả thực ông đã bị thương nhưng ông bình tĩnh trấn an con trai, “Không có gì đâu chỉ sơ sát tí thôi, cũng may là có xấp báo đỡ đòn nên bố không sao đâu.”
Cậu con nói như sắp khóc, ôm lấy vai cha như muốn truyền hơi ấm của mình.
“Bố ơi! Thật bố không sao hả? Con mừng quá!”
Hai đứa nghiện ma túy không đuổi theo nữa, sau khi hai cha con nghe anh chàng thứ hai nói, “Stop! Nó không phải cảnh sát, tụi đi bỏ báo mà.”
Hú hồn hú vía, thì ra bọn nó hiểu lầm, tưởng chúng tôi là cảnh sát chìm đi theo dõi bọn họ nên ra tay tấn công trước. Xã hội quả thật đáng sợ, kiếm đồng tiền lương thiện khó khăn quá, cái nghề bỏ báo tưởng dễ dàng nhưng có ai biết được nỗi nhọc nhằn, khổ tâm của nó. Hai anh chàng nghiện ngập bỏ đi đâu mất nên hai bố con trở lại xe không dám đi bỏ báo nữa, coi như hôm đó bỏ trễ thôi.
Sau khi chồng được băng bó ở bệnh viện, cả nhà chị lên tòa soạn báo cáo tình hình. Họ an ủi và tìm cho chúng tôi những chỗ sáng sủa, có đèn đường và khuyên chúng tôi không nên bỏ báo những chỗ tối tăm nguy hiểm. Cố nén thở dài để quên đi nỗi đau lòng mà chồng chị gặp phải, hai vợ chồng trấn an bọn trẻ, coi như không có gì nhưng trong lòng anh chị luôn luôn lo sợ, tính toán những cách an toàn hơn và sẽ bỏ nghề nguy hiểm này, nhưng không phải bây giờ mà có thể sau vài năm nữa. Khi bọn trẻ tốt nghiệp đại học có nghề vững vàng rồi, bỏ báo chỉ là cách kiếm tiền tạm thời trong thời gian mới qua Mỹ, gia đình còn quá nghèo, phải tự lực cánh sinh đi tìm cuộc sống mới.
Ông bà ta thường nói “ nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nghề nào cũng cao cả, dù cái nghề có hèn kém hay sang trọng điều quý trọng như nhau, vì đó là cái nghề. Nghề nào cũng kiếm từ sức lực tinh thần, đồng tiền kiếm ra luôn lương thiện và xương máu, thế nhưng có ai hiểu được lòng người mẹ, nhìn con mình đau khổ mà không nói nên lời, nước mắt tuôn rơi, đau xót của chị Huệ. Vì cái nghề bỏ báo thấp hèn bị người đời khinh khi, dè bỉu. Gia đình nhà chị cũng nhờ bỏ báo mà kiếm sống qua ngày, điều ấy cao quý lắm chớ, nó đã nuôi dưỡng những con người khốn khổ, nghèo nàn, thiếu ăn thiếu mặc và chính từ đấy là điểm tựa để gia đình đẩy mạnh vươn cao trong xã hội. Không những chị mà còn chồng chị, hai vợ chồng luôn suy nghĩ về vấn đề này, làm sao để gia đình vững vàng hơn, làm sao để các con được tương lai sáng lạn sau này, điều cần nhất là phải siêng năng, chăm chỉ làm việc và các đứa nhỏ bắt buộc phải học cho tốt, không sao lãng.
Con bị chê vì nghề bỏ báo
Đôi khi tâm trạng rối bời, chị như người mất hồn, cái nghèo cứ quanh quẩn bên gia đình chị, khiến mọi người từ già đến trẻ đều phải suy nghĩ, sự nguy hiểm, bất hạnh luôn rình rập. Chị chắp hai tay và nghĩ đến Phật, nhắm mắt nhớ những lời pháp thoại nói trong những ngày lễ lớn tại chùa, về luật nhân quả, những nghiệp báo từ kiếp trước. Cuộc sống vô thường đầy đau khổ, sóng gió, tai ương và nạn ách. Bồ Tát Quán Thế Âm lắng nghe tiếng kêu khổ của thế nhân để cứu đời nên ngài được gọi là Bồ Tát Từ Bi. Sự hiện thân từ bi dịu hiền của ngài như bóng cây lớn tỏa mát che chở chúng ta. Ngài gần gũi với chúng ta như mẹ hiền luôn luôn dõi theo đàn con dại để nâng đỡ dìu dắt chúng ta thoát khổ, được vui.
Còn nữa, từng bước hướng thượng và hướng thiện, tu tập là quá trình thanh lọc và chuyển hóa phiền não thành Bồ Đề, khổ đau và bất hạnh thành an vui hạnh phúc, nhiễm ô và hoen ố thành tinh khiết và trong sạch. Nếu chúng ta hiểu và thực hành thì an lạc và hạnh phúc thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm.
Chị như bừng tỉnh giác ngộ và giải thoát phần nào trong tâm tưởng và nguyện sẽ cố gắng tu tập, học hỏi thêm về đạo Phật qua những lời vàng ngọc của Phật dạy qua sách vở để tu thân.
Anh chị ngoài những công việc mệt nhoài ngày đêm nhưng vẫn luôn nhắc nhở, động viên, chăm sóc đàn bê con phải thế này thế kia. Sau bữa cơm chiều chị phụ với các con dọn dẹp, chị cảm thấy nhà mình hình như đông đông đảo hơn. Kiểm điểm lại “dân số” trong nhà.
Chị thắc mắc, “Ủa! Sao bữa nay cậu út nhà mình lại có mặt ở nhà, đáng lý giờ này cậu đã đi dạy học đàn piano ở nhà cô bạn gái mà. Hay là có chuyện gì?”
Mấy bữa nay vẻ mặt cậu bé thật đăm chiêu, ít nói, buồn bã, biếng cười và có vẻ nhàn nhã hơn so với mọi ngày luôn tất bật và bận bịu.
Có chuyện xảy ra rồi đây, chị Huệ thầm nghĩ và lén đưa mắt nhìn Dũng, cậu con trai út dễ thương của chị. Dũng là cậu bé rất thông minh, việc học luôn chăm chỉ đạt những điểm tốt không thua gì các anh chị, khuôn mặt đẹp trai thoáng nét nghệ sỹ, mái tóc bồng bềnh khoe dáng và Dũng luôn tự hào mình có mái tóc đẹp hơn ông anh, anh chàng đã trổ mã rồi, cao ráo, trắng trẻo dáng dấp thư sinh, ăn nói lại hoạt bát nên Dũng có nhiều bạn lắm nhất là các cô thấy Dũng là cứ nhoẻn miệng cười làm chị Huệ cảm thấy lo lắng mông lung vì sợ con trai mình gặp phải sao đào hoa thì thật khổ, chỉ sợ nó bỏ bê việc học, nhưng không, cậu bé mười tám tuổi này rất ngoan, biết nghe lời bố mẹ, không sao lãng việc học mặc dù cậu vẫn bận rộn về cô bạn gái học chung lớp. Nói là bạn gái hay người yêu thì cũng không đúng hẳn, chỉ là mới sơ giao, có cảm tình đôi chút, cứ coi như là tìm hiểu của lứa tuổi mới lớn, chàng trai “gà tồ” xuất chiêu vậy… Mỗi đứa con điều có năng khiếu riêng, anh chị khi ở Việt Nam cũng thuộc dạng gia đình giàu có, bề thế nên đứa nào thích muốn học thêm gì thì học thêm, như đứa con lớn thích bơi lội thì vào hồ bơi thả giàn, còn Dũng thì thích piano.
Anh chị thương các con nên đầu tư, tốn tiền cho các con học tới nơi tới chốn, nên Dũng có số vốn về đàn piano vững vàng lắm, được học từ nhỏ nên bàn tay đa năng, lướt trên phím đàn của Dũng rất điệu nghệ, gieo cung đàn réo rắc làm người mê mẫn tâm hồn. Cứ nhìn thấy đàn là Dũng thích lắm. Nhưng từ khi qua Mỹ đến giờ cậu bé không còn được chơi đàn nữa vì bố mẹ đâu có đủ tiền để mua cây đàn piano cho cậu, xa xỉ quá mà. Nhưng không sao, cậu không dám đòi hỏi cứ im lặng, cậu không muốn bố mẹ lo lắng vì cậu, tài chính của nhà quá ít ỏi, bố mẹ đã khổ lắm rồi. Dũng không muốn bố mẹ mình phải khổ thêm nữa.
Khi quen được cô bạn gái chung lớp, dễ thương, hai đứa hay nói chuyện, tình cờ đưa cô bạn về nhà, Dũng thấy nhà cô bạn có cây đàn piano để ở góc nhà để trưng bày thôi cho sang trọng chứ người trong nhà ít có người biết đánh lắm, cô bạn gái chỉ biết đàn chút ít, Dũng liền ngỏ ý đánh thử, họ đồng ý ngay.
Tiếng đàn piano bừng bừng tuyệt diệu, giống như tiếng suối reo, đúng là rồng gặp mây, mưa gặp gió, Dũng như sống như trong mơ, những ngón tay điêu luyện, trải dài trên phím đàn, Dũng không quên nốt nào, năng khiếu về âm nhạc bừng trổi dậy, Dũng đánh những bài rất khó, nổi tiếng khiến cả nhà cô gái phải nể sợ. Họ mời Dũng làm thầy dạy nhạc cho con gái họ “không lấy tiền.” Dũng nhận lời ngay vì đây là cơ hội để Dũng gần với cô bạn gái đáng yêu và anh có thể chơi đàn mỗi ngày thỏa chí, ước mong, tan biến những bực bội trong lòng khi gặp phải.
Mặc dù biết rằng họ đã lợi dụng lòng tốt của Dũng nhưng Dũng vẫn cứ chăm chỉ dạy hết lòng cho cô bạn gái trong thời gian dài. Chị Huệ lo âu nhìn con trai đang đứng trước hiên nhà, nhìn ngắm đoàn xe chạy mà cặp mắt không hồn đưa vào trong mơ, con chị đã lớn rồi, tướng cao hơn chị một cái đầu nhưng vẫn là đứa con bé nhỏ của chị, chắc có chuyện buồn gì đây sao trông nó như người mất hồn, chị nhỏ nhẹ nói thầm bên con
“Sao bữa nay con không đi dạy hở?”
Dũng giật mình quay đầu nhìn mẹ
“Con không đi dạy nữa mẹ ạ.”
“Tại sao vậy con, con thích đàn lắm mà?”
Dũng bặm môi không trả lời mẹ, mái tóc lòa xòa che giấu khuôn mặt đang thổn thức, đau đớn của cậu con trai mới lớn. Dũng không khóc nhưng trái tim cậu đang bị bầm dập vì suy nghĩ, cậu nhìn mẹ đang lo âu, đôi mắt của bà đang mở tròn như muốn khóc, như muốn năn nỉ cậu.
“Con ơi! nói cho mẹ biết đi… Mẹ sẽ giúp con, mẹ sẽ làm hết cách để cho con mà.”
“Mẹ à ! Con buồn lắm, con không muốn nói bây giờ, mẹ cho con ngày mai nhé”
“ Không! Con nói ngay bây giờ, mẹ đang muốn nghe, mẹ không thể để tới ngày mai, không có chuyện gì không thể giải quyết được con à.”
Chị Huệ nóng lòng, nắm lấy bờ vai rắn chắc của con như muốn bảo rằng, “Con yêu ơi! Mẹ thương con lắm mẹ sẽ là gà mẹ giang hai cánh bảo vệ đàn gà con không cho diều hâu bắt con mình, quyết chiến đấu, sanh tử một mất một còn đấy.”
“Mẹ ơi! Con không đi dạy đàn bởi vì họ chê con nghèo, làm nghề bỏ báo không xứng đáng.”
Dũng nén tiếng u uất trong lòng và chậm rãi nói tiếp, “Hai ngày nay tụi con không gặp nhau, cô bạn con tránh mặt và chúng con không nói chuyện câu nào.”
“Trời đất! Chèn ơi, tại sao vậy, bình thường hai đứa thân nhau lắm mà.”
“Nhưng tại sao họ biết con nghèo? Tại sao họ chê con, tại sao từ lúc đầu hổng chê mà đợi tới giờ này mới chê hở con?”
Thực tế nhìn Dũng giống con nhà giàu vì tướng tá trông ngon lành, dáng vóc nghệ sỹ lại đàn giỏi, thì ai dám bảo là con nhà nghèo… Nhà nghèo thì làm sao có tiền học cái đàn nhà giàu này, nhất là ở việt nam, cái xứ nghèo không đủ ăn đủ mặc. Chị Huệ sửng sốt, nhìn con trai mà đứt từng đoạn ruột, chị nghẹn ngào ngăn từng dòng nước mắt sắp tuôn nhưng chị chợt trấn tỉnh lại, phải hỏi cho ra lẽ, rồi mới tính được đây.
“Kể mẹ nghe đi, tại sao vậy con?”
“Dạ! Buổi sáng hôm đó con đi bỏ báo thay cho anh Hùng vì ảnh mắc đi công chuyện, khi đến trước nhà bạn con, con lật đật liệng báo thật nhanh vì con không muốn người trong nhà biết con làm nghề bỏ báo, con kéo nón tai bèo che mặt nhưng xui quá, bị mẹ của bạn con bắt gặp, bà chạy đến bên con hỏi, ‘Phải Dũng đó không?’ Con hoảng hồn trả lời, ‘Dạ! Chào bác!’ Thế là con nhanh chân chạy lẹ qua nhà khác, con thấy bà ấy đứng nhìn con rất lâu.”
“Tội nghiệp con quá vậy, đừng buồn nữa con, mình là thanh niên phải mạnh dạn, phải chiến đấu lên, không vì chút xíu đó mà buồn, họ là người xấu ham giàu, chê bần, không đáng cho con bận tâm. Nghề bỏ báo đâu có xấu xí, hèn kém gì, gia đình nhà ta làm việc chăm chỉ,kiếm tiền lương thiện bằng mồ hôi nước mắt, chỉ có người xấu chứ không có nghề xấu nha con. Mẹ hỏi con nè. Con có học giỏi không? Con có ngoan vâng lời cha me không? Con có giúp gia đình làm việc kiếm sống không? Con có đạo đức, có sức khỏe không? Nếu con có đủ yếu tố này thì con không phải buồn, phải đau khổ, chính họ mới là người không xứng đáng với con, họ không thấy được vàng thau lẫn lộn. Con là viên ngọc quý của bố mẹ, con còn có gia đình luôn yêu thương con. Bỏ đi con, đừng suy nghĩ nữa, cuộc sống không chỉ có nhiêu đó, còn lâu dài nó còn những điều to lớn hơn cần con thực hiện.”
Chị Huệ tức quá nói một tràng dài, chị đang bảo vệ đứa con trai, giúp con mình giải tỏa những nỗi lòng, tổn thương, tự ái đã dâng trào trong lòng cậu bé ngoan. Dũng như sực tỉnh ra trước lời mẹ khuyên, cậu ngẩng cao đầu lên, niềm kiêu hãnh, tự ái đã vực con người cậu đứng lên.
“Đúng, mẹ nói đúng! Phải mạnh mẽ lên, phải cho người xấu biết tay… Hãy chờ xem mình sẽ làm gì, được gì trong tương lai.”
Dũng cắn răng, hai bàn tay nắm chặt cương quyết với một suy nghĩ đúng đắn nhất cho cuộc đời mình, đó là phải chiến thắng, phải thành công. Cậu bé đã tỉnh táo lại, mỉm cười với mẹ, nét mặt hồn nhiên yêu đời đã trở lại. “Con cám ơn mẹ!”
Chị Huệ mừng rỡ, ôm con vuốt mái tóc cậu bé, cảm thấy lòng nhẹ nhõm nhưng chính bây giờ chị mới cảm thấy lòng mình ray rức, đau khổ còn hơn đứa con trai nữa. Chị đã từng khóc hàng đêm thao thức không ngủ, thương chồng thương con để đâu xiết, chị phải làm gì để chia sẻ với họ những người thân thương nhất trong đời chị sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng làm tất cả để giúp đỡ gia đình, làm việc ngày đêm để mau chóng đưa gia đình đến nơi thiên đường.
Tìm về Phật pháp
Cuộc sống bên Mỹ không phải là thiên đường, cũng phải chịu đựng, làm việc cật lực quên cả ngày đêm. Khi đến lúc hưởng thụ được thì tuổi già lại gõ cửa, sức khỏe đã hao mòn không còn như xưa, chân đi khập khiểng, xiêu vẹo, yếu đuối như đứa trẻ lên hai, đầu óc lẫn lộn quên trước quên sau.
Những cố gắng vượt bực của gia đình anh chị sau những năm vất vả, mọi sự đã ổn định, các con các cháu đã thành công, gặt hái tốt đẹp cho tương lai… Vì vậy cuộc sống thiên đường thực sự có trong tâm trí, tự mình cảm nhận, tự mình cố gắng và tự mình hiểu ra mà dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất này.
Nhưng đôi lúc tâm trí của chị như tuyệt vọng, làm sao để thoát khổ đây, chị chợt nhớ đến Phật, vị cứu tinh của nhân loại đưa chúng sanh đến giác ngộ và giải thoát.
Trong sách ‘Nét Bút Bên Song Cửa,’ Ni Sư Thích Nữ Giới Hương có viết: “Đức Phật là bậc trí tuệ và từ bi. Bằng thiền định sâu lắng, dưới gốc cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ này, ngài đã giác ngộ và chứng biết phương thuốc giúp vĩnh viễn thoát bệnh nghèo khổ và bệnh sanh tử của chúng sanh: là không tham, không sân và không si qua lý duyên khởi, chỉ ra cách giải thoát lâu dài, thoát vĩnh viễn nghiệp nghèo đói và thiếu thốn. Do không tham ích kỷ nên mới chịu đi chia sẻ, do không sân nên mới khởi lòng thương và tận tụy lo cho người như bản thân mình, do không si nên mới thấy nguyên nhân của nghèo là do nghiệp, và tu tập là giải thoát nghiệp nghèo.”
Như Ni Sư viết, chị Huệ hiểu mình “đang trong biển khổ vô tận của con người, những thiếu thốn đau khổ này do nghiệp xấu quá khứ chúng sanh đã tạo, như bố thí với tâm xấu, ích kỷ bỏn xẻn, thiếu chia sẻ, lấy trộm của người… và bây giờ họ phải chịu quả báo sống một đời.
“Là người phật tử trung thành với đạo là quy y Phật, Pháp, Tăng và tuân giữ năm giới, tâm tánh hiền lương, sống trong nhà với tâm không nhiễm sân tham, bố thí không luyến tiếc với tay rộng mở, thích thú từ bỏ, sẵn sàng được yêu cầu, thích chia sẻ đồ bố thí. Người như vậy được các sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và các phi nhân đều tán thán. Và như thế người đó là loại cây hương quý. Cây hương đó có mùi hương bay thuận gió, có mùi hương bay ngược gió, có mùi hương bay thuận gió lẫn ngược gió.
“Pháp môn này ai cũng làm được giàu nghèo già trẻ lớn bé đều có thể bố thí và làm từ thiện. Theo khả năng của mình mà ban bố pháp thí, tài thí, vật thí, vôi uy thí, nhan thí, ngôn thí, tâm thí, nhãn thí, thân thí, phòng thí, dược thí… Tu hạnh bố thí và làm từ thiện là gốc rễ của tất cả các pháp lành trên đời, là hạnh cúng dường tam luân không tịch (người thí, người nhận và vật thí là không) lên chư Phật.”
Chị không có thời gian nhiều vì bận rộn săn sóc người bạn đời đang nằm trên giường bệnh, nhưng trong những lúc nhàn rỗi, chị đọc cho chồng nghe những bài pháp, nhờ đó anh chị bớt phiền não, nhận định về nhân sinh quan một cách thông cảm thông suốt và an vui với hiện tại.
Gia đình anh chị và các con cháu đã và đang thực hiện những điều Phật dạy xưa nay, luôn làm việc lành, tránh xa việc ác, đó là nền tảng vững chắc trong cuộc sống, tham khảo, học hỏi thêm sách báo của các bậc chân tu để chuyển hóa con người mình thành thêm tinh tấn, nhẫn nhục, phát triển lòng từ bi, trí tuệ.
(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả sanh ở Biên Hòa, lớn lên ở Lagi, Bình Tuy, làm việc ở ngân hàng tại Sài Gòn sau năm 1975, sang Mỹ lập nghiệp năm 1992, hiện sống tại Boise, Idaho.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.