Photo: Jess Loiterton / Pexels
Bài PHƯƠNG HOA
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trân quý kính tặng chú Hồ Bốn ở Westminster, California
Ngày xưa, bà Nội của người viết ăn chay, thường xuyên niệm Phật, tụng kinh. Câu “Nam Mô A Di Đà Phật” luôn nằm trên của miệng của Nội, cho nên trong gia đình con cháu cũng đều quen thuộc với lời niệm Phật này. Hàng ngày, bà nằm sấp trên chiếc chiếu hoa trải trước thềm, mài mực tàu, cầm bút lông chép kinh Phật bằng chữ Hán.
Hình ảnh này tạo sự nể trọng cho bà con dòng họ. Bà Nội của tôi là một tiểu thư khuê các xinh đẹp, con nhà Hương Chức, ruộng đất cò bay thẳng cánh, được ăn học đàng hoàng. Vì vậy gia đình chồng cũng như cả xóm giềng đều quý mến nể nang Nội; trong nhà bà nói gì, khuyên gì, con cháu đều nghe theo. Nội học Phật nên là người đầy từ tâm, sống đạo đức, thương người, bố thí, và thường giúp đỡ những kẻ nghèo khó, cơ nhỡ. Bà tụng kinh niệm Phật lần chuỗi bồ đề mỗi tối; khuyên con cháu cùng ăn chay, dù thời đó việc ăn chay chưa được thịnh như bây giờ. Theo lời Nội, ăn chay sẽ khiến tâm con người hiền hòa hơn, nhẹ nhàng hơn; và tâm từ càng phát triển thì tâm sân hận sẽ không còn. Khi không còn ý muốn sát sanh giết hại, sẽ tránh khỏi sự khổ và trả vay nhân quả về sau.
Ba mẹ của người viết cũng nhất nhất theo gương bà. Những năm hạn hán mất mùa, người dân trong làng đói khổ, ba mẹ cho người ta mượn lúa, mượn tiền. Nhờ Nội mà cả gia đình từ nhỏ tới lớn không ai phạm giới sát sanh, như giết gà, giết vịt, làm thịt chim… vì nhà luôn làm đám giỗ chay. Việc này đã thành lệ, nên cho tới giờ dù sống ở Mỹ cái xứ sở thịt cá ê hề, gia đình tín nữ vẫn luôn cúng giỗ chay. May mắn là các con cháu đều chấp nhận có gì ăn nấy, không chê khen.
Ngày xưa Nội thường nói, trì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mỗi ngày sẽ được phước lộc vô biên. Trong gia đình con cháu đều thuộc lòng hai câu thơ của Nội:
“Niệm danh hiệu Phật Di Đà,
Được nhiều phước báu toàn gia an lành.”
Ngày đó còn bé tôi cũng tin như vậy, nghĩ rằng chỉ cần làm theo Nội, niệm Phật nhiều, sẽ được phước báu. Nhưng lớn lên học hỏi thêm về Phật pháp, đọc kinh sách, nghe những bài giảng của quý thầy, quý sư cô, quý vị cao tăng, thì hóa ra là không phải vậy. Niệm Phật còn có ý nghĩa và triết lý cao siêu hơn, quý giá hơn. Tôi nhớ có đọc từ lâu trên một trang Phật Giáo đâu đó, dạy rằng khi niệm Phật danh thì tâm mình phải thanh tịnh để cột niệm từng cái tư tưởng của mình vào nơi cảnh Phật. Nghĩa là khi niệm Phật, tâm của mình phải quyện vào những điều Phật dạy, những việc làm đúng, những từ bi, hỷ xả, với cõi lòng trong sáng không gợn chút bợn nhơ, ấy là “cảnh Phật” vậy.
Bây giờ nơi xứ người ngồi kể lại chuyện xưa, chợt nhiên trong lòng quay quắt nhớ về thời tuổi thơ, về làng cũ, chùa xưa, nơi bọn nhóc chúng tôi thường tụ tập chơi đùa. Chùa làng quê gần nhà rất nhỏ, nhưng đất vườn rất rộng, và tấm lòng Sư Cụ trụ trì thì thật bao la. Vườn chùa cây cối um tùm, nào chuối, nào lựu, ổi, xoài, chùm ruột, khế … Những cây lựu trái sai oằn, màu da bóng loáng đỏ tươi khi chín, thật hấp dẫn. Thấy tụi nhóc thèm thuồng nhìn trái chín, Sư Cụ hái lựu bổ ra cho chúng tôi tha hồ thưởng thức. Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng nhai lụp bụp giòn rụm của những hạt lựu mượt mà, trong veo như những hạt ngọc, mọng nước ngọt lịm, và miệng mồm bọn nhóc chúng tôi đều đỏ hồng màu hạt lựu.
Có những đêm lễ lớn như Lễ Phật Đản, Vu Lan, Rằm Trung Thu, Sư Cụ cho phép tất cả đám con nít trong làng ở lại chùa, cho ăn đồ cúng, đến tối cùng quỳ tụng kinh với Cụ đến khuya. Và rồi Cụ kêu chú tiểu trải chiếu cho cả bọn nằm ngủ la liệt trước Điện Phật. Khi trời vừa hừng sáng, bình minh bắt đầu ló dạng, tiếng gà gáy râm rang trong xóm, tiếng chim ríu rít ngoài vườn, và tiếng trống công phu bắt đầu vang lên, thì tụi nhóc được đánh thức, chạy ra lu nước sân chùa rửa mặt rồi vào quỳ tụng kinh sáng với Sư Cụ và các Tu sĩ cùng chú Tiểu. Lớn lên một chút, tôi được vào gia đình Phật Tử trong Đoàn Oanh Vũ, được mặc áo váy xanh lam xinh xắn đi sinh hoạt, ca múa; và lớn thêm chút nữa, thì tôi mặc áo dài lam, cầm đèn búp sen tập Múa Lục Cúng trong các dịp lễ lớn, nhìn trang nghiêm và đẹp vô cùng, hạnh phúc vô cùng.
Cuốn kinh “Nghi Thức Tụng Niệm Gia Đình Phật Tử” chúng tôi đều thuộc làu vì tụng niệm thường xuyên. Nhờ bà Nội khai tâm từ nhỏ về Phật A Di Đà, nên lớn lên tôi nhớ nhất, nhớ nằm lòng mấy câu kinh trong bài Niệm Danh Hiệu Phật.
“Ba đời mười phương Phật
A Di Đà bậc nhứt
Chín Phẩm độ chúng sanh
Uy đức không cùng cực.”
Và nhờ vậy, “Sáu chữ Di Đà” đã ăn sâu vào tâm khảm tôi từ thuở ấy cho đến tận bây giờ. Viết đến đây, một kỷ niệm diệu kỳ đầy xúc động chợt hiện đến trong tôi.
Ngày còn trẻ, dù tôi không phải là một tay bơi giỏi, nhưng mấy đứa bạn cùng trang lứa thường kêu là “rái cá” vì sức tôi bơi rất dẻo dai. Đó cũng nhờ bãi biển Nha Trang là nơi tắm biển tuyệt vời. Hầu như sáng sớm nào tôi cũng chạy xuống biển, tụ tập cùng lũ bạn vui đùa trên bãi cát một hồi rồi nhào xuống nước bơi với nhau. Đám bạn nể phục vì tôi có thể bơi tà tà từ công viên Bồn Nước Nha Trang bơi hoài dọc theo bờ biển tiến về hướng Cầu Đá hàng giờ không nghỉ nhưng chẳng hề biết mệt. Vậy mà về sau có lần tôi bị sóng nhận chìm, xém chút nữa đã đi “ăn cơm cúng” cùng với ông bà ông vải rồi, đâu còn cơ hội ngồi đây mà viết.
Sau 1975, với đám con thơ và hai bàn tay trắng, vợ chồng tôi phải bắt đầu làm lại cuộc đời từ con số không. Cuộc sống khi đó rất tồi tệ, ban ngày vất vả tính toán vì cơm áo gạo tiền, đêm về trăn trở muộn phiền cùng nghìn mối lo âu không làm sao yên giấc. Để giải tỏa bớt căng thẳng, mỗi buổi sáng tôi dậy thật sớm, sớm trước cả bình minh, theo chân những người hàng xóm chạy bộ xuống biển.
Một buổi sáng tháng Mười Âm lịch, tôi thức dậy chuẩn bị chạy biển như thường lệ. Mẹ tôi cản lại, bảo đừng đi vì nghe đài báo có bão rất lớn ở Philippines, và nó đang tràn sang Việt Nam. Tôi nói mẹ yên tâm là tôi chỉ chạy thôi chứ sẽ không tắm, rồi chạy vút đi, nào biết là vì cãi lời mẹ mà xém chút nữa tôi đã không còn cơ hội gặp lại người.
Ngoài trời đang có gió rất mạnh từ hướng biển thổi lên. Gió máy là “chuyện nhỏ” đối với dân chạy biển bốn mùa trường kỳ như chúng tôi. Nhưng khi đến bờ biển thì ai nấy đều há hốc miệng kinh hoàng. Nhiều người đứng trên bờ xôn xao chỉ trỏ: Bãi cát quen thuộc đã biến mất.
Mới hôm trước bãi cát ấy còn chạy dài từ trên đường lộ xuống dưới nước, không ngờ chỉ sau một đêm bờ biển đã bị biến thành vực thẳm thật rợn người. Gió thổi phần phật bên tai, đứng trên bờ cát nhìn xuống nước tôi có cảm giác chóng mặt như là đang đứng trên mái ngói của một ngôi nhà. Ngoài khơi, hàng hàng lớp lớp những cơn sóng bạc đầu cao ngất đang cuồn cuộn hùng hổ tiến vào. Đến gần bờ chạm vào cát, chúng trở nên dữ dội hơn, cất lên cao hơn rồi hòa nhập với lớp sóng sau, cùng bổ ầm lên bờ, và xúc từng mảng cát lớn cuốn ra biển. Từng đợt rồi từng đợt, những cơn sóng như những chiếc máy xúc khổng lồ làm việc miệt mài, và bãi biển tội nghiệp của chúng tôi đành chịu trận, bị cắt phéng dần đi mà vô phương chống cự.
Lần đầu tiên trong đời chứng kiến cảnh tượng như phim của bãi biển quê mình, mọi người quá ngạc nhiên nên quên cả sợ hãi. Thay vì bỏ chạy về nhà, tôi lại ngu ngốc thích thú đứng trên bờ cùng với người ta giương mắt ra mà trầm trồ.
Thình lình một cơn sóng cao khủng khiếp, bổ “Ầm!” một phát, chụp xa vào trong bờ qua khỏi đầu mọi người rồi giật mạnh ra. Ai nấy hoảng hốt chạy tán loạn bật ngược ra sau. Tôi bị sóng chụp trúng té nhào, và cơn sóng hung thần này kéo tôi lăn lông lốc như một trái banh, từ trên bờ lộn cuội xuống nước. Tôi cố sức bám vào bờ cát để đứng lên nhưng rồi những cơn sóng tiếp theo lại chụp vào, cuốn tôi trôi tuột ra khơi. Trong nháy mắt, tôi thấy mình cách xa bờ cũng đến mấy chục mét.
Đã từng có kinh nghiệm nhiều lần đùa giỡn với sóng biển, tôi chưa cảm thấy có chút sợ hãi nào ngay lúc đó nên cứ cố gắng tìm cách bơi vào. Như những người chơi trượt sóng, tôi ngoái nhìn ra sau chờ cho cơn sóng kế tiếp tràn vào thì phóng mình trồi lên, lượn theo đầu ngọn sóng sải chân bơi thật mạnh vào bờ và đáp xuống. Nhưng vừa đặt chân xuống bờ cát chưa kịp đứng dậy thì cơn sóng khác đã tức tốc phủ lên tôi, kéo giật trở ra. Bị mất đà vì bờ cát là vực thẳm, tôi lăn tròn và bị dìm xuống sát dưới đáy biển. Cố nín thở cho cát và nước khỏi vào miệng, tôi trồi lên, bơi theo sóng, đáp xuống bờ, rồi bị kéo ra. Cứ liên tục lập đi lập lại như mèo vờn chuột, những cơn sóng đánh ập tôi vào bờ rồi lại lôi đi.
Những lúc chờ sóng từ ngoài xa ào đến để mượn sức bơi vào, tôi nhìn vô bờ thấy các bạn tôi gào khóc, kêu cứu om sòm. Những người đàn ông thì hét to lên bày cách cho tôi, “Trồi lên! Bơi theo sóng!” khi thấy sóng vào sau lưng tôi và, “Lặn xuống! Nín thở!” khi sóng kéo tôi ra. Nhiều người trong bọn họ là những tay bơi tầm cỡ, vài người là bạn thân của ông xã tôi, và số còn lại đều là bạn quen chạy biển hàng ngày. Nhưng tuyệt nhiên không một ai dám “xâm mình” bơi ra tiếp cứu.
Cũng đúng thôi, sóng lớn như vậy lạng quạng có khi bị chết chùm. Mọi người cùng nhau chạy ùa theo sau những cơn sóng về hướng biển và la hét như van xin chúng hãy tha cho tôi, mỗi khi chúng kéo tôi đi. Có lúc tôi nhìn thấy họ như thật gần. Nhưng rồi họ chạy lùi lại khi sóng ập vào, nên tôi bơi vào được đến bờ thì không có người tiếp cứu giữ lại, nên tôi lại bị kéo đi.
Bản năng sinh tồn giúp tôi tiếp tục trồi lên hụp xuống một lúc rất lâu, trong cố gắng hết mức để bơi vào. Nhưng sức người có hạn. Dần dần tôi cảm thấy đầu váng mắt hoa, tay chân rũ rượi, và tay bơi đã bắt đầu chậm lại, rời rạc. Rồi sau cú quật mạnh của một cơn sóng lớn cuộn tròn, tôi bị uống đầy miệng nước biển. Đó là ngụm nước muối đầu tiên từ lúc tôi bị kéo xuống biển đến giờ. Cái cảm giác buồn nôn khi những giọt nước muối tràn qua cổ họng cho tôi biết đây là giây phút thập tử nhất sinh, sắp hết hy vọng vào bờ. Tôi nhắm mắt lại, chuẩn bị buông tay.
Đột nhiên, trong trí tôi bỗng bật ra rõ to câu niệm Phật quen thuộc của bà Nội:
“Nam Mô A Di Đà Phật!”
Vừa dứt câu niệm Phật trong đầu, tôi thả lỏng tay bơi, buông đi chút tàn lực còn sót lại để cho thân mình tự do chìm vào lòng đại dương dưới sức dập vùi tàn bạo của những cơn sóng.
Nhưng bỗng nhiên phép màu hiện đến! Một bóng người từ đâu lờ mờ xuất hiện trước đôi mắt lạc thần của tôi. Rồi bóng người đó vòng ra phía sau, vừa đẩy mạnh, vừa bơi, vừa vật lộn với sự điên cuồng của những con sóng để đưa tôi vào bờ, bằng cách nương theo đường đi của chúng.
Con sóng này vừa ném tôi lên cát, thì cơn sóng khác ập vào lôi ra. Nhưng một dãy những người đàn ông tắm biển đang nắm tay nhau thành một “sợi dây người” đã chụp được tay tôi và lôi chạy ngược lên bờ, cho cách xa mặt nước. Mấy chị bạn nhào đến ôm chầm lấy tôi, vừa khóc vừa xoa bóp tay chân giúp tôi tỉnh lại. Sau khi hoàn hồn mở mắt, tôi nhìn lại thì không thấy vị ân nhân đâu. Hỏi các bạn thì chẳng người nào biết vị đó là ai. Mọi người đều nói chưa bao giờ gặp người này trong suốt nhiều năm họ đi biển.
Sau một thời gian rất lâu, tôi và ông xã cố tìm kiếm tông tích vị ân nhân không thành công, thì trong một dịp tình cờ tôi gặp lại người. Chừng đó chúng tôi mới biết, người sống gần bờ biển phía Nam, cách rất xa bãi biển Bắc chỗ tôi. Trước đó, sáng nào người cũng ra bơi chỗ biển gần nhà một lát rồi về, chứ chưa bao giờ đi tắm xa về phía chúng tôi cả. Người nói, không hiểu sao sáng hôm ấy “tự dưng cái gì xui khiến” nên người mới đi-trong-vô-định về hướng Bắc. Nên khi nhìn thấy bên này nhốn nháo người mới chạy đến và cứu được tôi. Thật quả là tôi có phước mấy mươi đời, nên Trời Phật đã khiến xui cho người đổi hướng chạy về phía tôi hôm đó.
Người vốn thi ân bất cầu báo, nên tránh né và từ chối mọi sự đền ơn đáp nghĩa của chúng tôi. Sau khi tôi tìm được tung tích vị ân nhân, nhiều người nữa ở quanh vùng mới biết đó cũng là vị ân nhân đã từng giành giật và cứu họ về từ tay biển dữ, mà vì quá khiêm nhường người luôn “biến mất” sau mỗi lần cứu giúp. Người chẳng cho ai biết về mình, nên những nạn nhân được cứu đã không có cơ hội nói lời cám ơn.
Nhiều năm sau nữa, cách đây gần ba chục năm, một cơ duyên tốt đã cho tôi gặp lại vị ân nhân – mà tôi gọi là “người cha thứ hai” đã sinh tôi ra lần nữa – tại miền Nam California, Hoa Kỳ. Đến thăm nhà, tôi biết được cuộc sống hiện tại của người tràn ngập tình thương từ con cháu, bạn bè, và người thân. Nhớ lại những điều tôi học được từ ngày còn đi Gia Đình Phật Tử trong “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.” Phật giảng về Mười Điều Thiện có chỗ nói người Phật Tử chẳng những không được sát sanh mà còn phải cứu sống chúng sinh để tạo thêm điều thiện. Nếu ai tạo được nghiệp lành sẽ được người đời yêu kính, gia đình đầm ấm, con cháu hiếu thảo, vợ chồng tràn đầy hạnh phúc. Nhất là, được hưởng phước báu ở cõi Người, về sau cõi Trời, và cõi Niết Bàn. Bởi vậy hàng năm trong những ngày lễ lớn có rất nhiều Phật Tử, và cả người đời, đi mua chim mua cá phóng sanh để tạo phước cho mình và gia đình con cái.
Cho nên đối với vị ân nhân của người viết thì những lời giảng của Đức Phật là quá đúng, quá phù hợp. Người đã tạo được phước báu, cứu sống không phải một mình tôi mà còn cứu mạng được nhiều người khác nữa. Thì bây giờ người được hưởng phước là lẽ tất nhiên. Tôi xúc động và mừng vui lắm, nên thầm cám ơn Trời Phật đã “trả công” cho con người nhân hậu; người được hưởng những sự ưu ái, mà nhiều người khác không dễ gì có được. Với tuổi hạc vượt trên hàng cửu thập – chỉ mấy mùa Xuân nữa thôi là lên hàng bách tuế – mà mỗi ngày sáng dậy người còn tập thể dục được nửa giờ, tự ăn tự uống tự lo chuyện vệ sinh. Con cháu rất hiếu thảo, thương yêu, và chăm sóc tận tình. Quanh năm suốt tháng, bất kể thời tiết nắng mưa, mỗi ngày đều có một người con hay đứa cháu đến nhà ứng trực để phụ giúp ông khi cần.
Điều hạnh phúc của người tuy giản đơn nhưng không phải gia đình nào trên đất Mỹ bận rộn này đều được hưởng. Có những cha mẹ già trông con cháu đến mõi mòn, nhưng nhiều khi cả năm còn chưa gặp được. Cũng chẳng hiếm trường hợp con cái đem cha mẹ gửi vào nhà dưỡng lão rồi “một đi không trở lại bao giờ” để xem tình trạng cha mẹ họ ra sao. Người có một đại gia đình rất đầm ấm và hạnh phúc. Tất cả con cháu của người đều đang sống ở Mỹ; ai nấy đều thành công trên quê hương thứ hai; hòa nhập tốt đẹp vào đời sống của người Mỹ. Nhờ phước báu người đã tạo ra, bây giờ con cháu cũng được hưởng theo.
Về phần mình, tôi cũng tin là nhờ bà Nội ngày xưa đã hun đúc tình thương; với tấm lòng nhân hậu giúp người, dạy dỗ con cháu biết tu, tập ăn chay; tiếp theo Nội là Ba Mẹ tôi cũng nối nghiệp tạo phước cho con cái và gia đình. Nội và Ba Mẹ đã để lại “đám ruộng phước” cho chúng tôi thu hoạch; cộng thêm việc học theo Nội trì chú, niệm Danh Hiệu Phật thường xuyên đã ăn sâu vào tâm khảm. Cho nên ngày lâm nạn trong cơn nguy khốn tôi mới nhớ đến niệm Phật, và được Phật dẫn dắt quới nhân đến cứu mạng một cách thần kỳ trong cơn thập tử nhất sinh, để cho tôi còn sống đến bây giờ. Nam Mô A Di Đà Phật!
Còn nữa, sự nhiệm mầu của việc tu hành, trì chú và niệm Phật, thì từ trước tới nay đã có không biết bao nhiêu người niệm và được cứu. Đọc trên nhiều thông tin báo chí từ những câu chuyện người thật việc thật, trì Chú Đại Bi và niệm Danh Hiệu Quan Thế Âm cũng vi diệu vô cùng. Ba mươi mấy năm về trước, chồng tôi vượt biên trên chiếc thuyền câu nhỏ xíu mà người ta chất đến 17 người. Khi ra khơi nước ngập mém thành ghe, nước tràn vào trong ghe người ta phải thay phiên tát ra ngoài. Trong một đêm mưa to gió lớn, sóng đánh gần lật thuyền, mọi người trên ghe cùng nhau cầu nguyện, nhất là cầu Quán Thế Âm Bồ Tát cứu giúp. Thế là tự nhiên có vài “ông” cá voi to đùng chạy tới ghé vào đỡ lấy chiếc thuyền con trên lưng rồi bơi đi suốt cả cái đêm mưa gió đó. Sáng ra sóng lặn, gió yên, “ngài” mới lặn đi giữa sự cung kính xá bái, cám ơn và đưa tiễn của mọi người trên ghe.
Một câu chuyện linh ứng huyền diệu nữa về việc trì chú Đại Bi và niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cũng trong gia đình tôi. Cách đây gần 8 năm, con trai tôi từ Việt Nam du lịch qua Mỹ thăm gia đình. Sau mấy chục năm không gặp, cách biệt trùng trùng, gặp lại cha mẹ chưa kịp mừng thì con phát bịnh. Đi khám bác sĩ mới biết là cháu bị một căn bịnh nghặt nghèo, chỉ nghe là đã phát run. Đưa cháu đi bệnh viện điều trị trong sự lo sợ tột cùng. Kết hợp, vợ chồng tôi đi chùa niệm Phật tụng kinh cầu phước cho con, và đồng thời khuyên cháu trì niệm Chú Đại Bi và Quán Thế Âm. Cháu cũng rất tin tưởng, nên nghe lời chúng tôi, đọc kinh Chú Đại Bi và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát mỗi đêm; cháu đọc kinh cả khi đi ngủ. Kết quả thật là kỳ diệu. Bịnh cháu lành hẵn một cách nhanh chóng, mạnh khỏe để trở về Việt Nam.
Từ đó tới nay cháu vẫn luôn tin tưởng, cầu nguyện Quán Thế Âm. Những lần tôi gọi về cháu thường kể, “Mỗi sáng xuống biển bơi xong nằm ngửa thả người trên mặt nước, con nhắm mắt lại và hình dung Bồ Tát Quán Thế Âm hiện ra trên trời với bình nước Cam Lộ tưới xuống cho con thật là mát mẻ và an lành.”
Chúng tôi rất mừng, tạ ơn Phật, vì tuổi trẻ bây giờ bộn bề lớp vì công ăn việc làm, lớp vì gia đình con cái, việc đời đã quá nhiêu khê, nên lo thêm về việc Đạo là rất khó khăn cho chúng.
Gia đình chúng tôi luôn nhận biết, điều may mắn mà gia đình nhỏ chúng tôi có được bây giờ, chính là công đức, phước đức vô biên của Nội và Ba Mẹ từ ngày xưa để lại. Nội đã dạy dỗ, truyền lại niềm tin Phật, lòng nhân từ, và ban phát tình yêu thương cho mọi người và muôn loài. Nhờ vậy, chúng tôi lớn lên cũng kế thừa, cũng noi theo Nội mà học Phật và tu hành, cũng truyền lại cho con cháu chúng tôi những gì học được từ bà Nội và Ba Mẹ.
Hy vọng rằng các thế hệ kế tiếp sau này của con cháu chúng tôi cũng sẽ làm theo.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.
(Bài dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả sống tại Alameda, California.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.