Photo: Amiya Nanda / Pexels
Bài NHUẬN HÙNG
Ánh thái dương từ từ nhạt dần, trên bầu trời xanh thăm thẳm. Tia nắng chiều nhạt nhòa vàng úa, sót lại lãng đãng luyến lưu. Những áng mây mờ bàng bạc lửng thửng trôi về Tây, mềm mại như những tấm lụa mong manh trước làn gió nhẹ, bầu trời lành lạnh. Vạn vật chìm trong màu tím sẫm, hoàng hôn từ từ buông xuống nửa chừng lưng đồi.
Xa xa tiếng chuông chùa trầm điệu ngân vang vọng lại, rỗng rạc du dương. Từng chiếc lá khô vội vàng lìa cành, rơi rào rạt trước gió, nơi núi đồi cô tịch. Cảnh tượng ấy, tăng thêm vẻ huyền bí linh thiêng nơi hoang dã, còn đượm nét thô sơ, núi rừng bạt ngàn. Màn đêm cũng đã sắp buông dần xuống, trăng lưỡi liềm treo lơ lững giữa hư không. Ánh trăng thượng tuần, không đủ xuyên qua những tàng cây cổ thụ, nỗi hãi hùng không sao tả xiết từ từ phủ lên một lớp màn mù sương đặc sệt.
Be…be…be…be…be!
Tiếng kêu thảm thiết của một con dê con đang gặp nạn, chân vướng phải nhánh cây khô thật to rắn chắc đã lìa cành sau cơn gió lớn. Khiến cho con vật nằm im trên thảm cỏ, với đôi mắt van xin cầu cứu, run lên cầm cập. Rồi từ trong bụi rậm, cách khoảng 25 bộ, chiếu ra một tia sáng đỏ rực như lửa. Chỉ một bước nữa là chúa sơn lâm đã nhẹ nhàng đặt con mồi trên mặt đất, chén một bữa no nê, hả hê. Nào ngờ sự kiện ấy diễn ra rất đột ngột không đơn giản! Giờ phút nghiêm trọng, con vật đáng thương nằm thiêm thiếp không cựa quậy. Đầu gục xuống trên miệng còn nhỏ những giọt máu đỏ tươi, nhìn cho kỹ vẫn thấy dấu máu nhem nhúa dính trên bộ lông.
Trên không trung chị Hằng hình như không muốn thấy cảnh tương tàn lẫn nhau. Trong thế giới hỗn độn mạnh được yếu thua, loài vật đang tranh mồi kiếm ăn. Nơi đây chúng sanh đang sát phạt lẫn nhau cũng vì sinh tồn – bản năng. Bóng trăng thượng tuần, mờ mờ tuy không rõ lắm. Nhưng núp sau đám mây đen dày đặc, cảnh tượng u ám, thật kinh khủng!
Bỗng một tiếng hú rùng rợn, rồi hai, ba tiếng, liên tục dồn dập xóa tan đi bầu không khí yên tịch nơi núi đồi hoang vắng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhanh như mũi tên bắn, một con vật đen thui thủi vụt nhảy trong bụi cây nhào ra, rơi xuống chỗ đất cách mãnh hổ không bao xa. Chúa sơn lâm giật mình quay lại, quắp đuôi, nhảy lùi lại trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với đối phương. Thật là một sự lạ kỳ vô cùng, cái bóng đen kia, lại là một con hổ “nhỏ”. Thân mình thon gọn hơn chúa sơn lâm, trông cũng có vẻ dữ tợn lắm đó. Hổ con tuy nhỏ, nhưng không hề nao núng trước mãnh chúa sơn lâm mà ai thấy cũng khiếp nhược.
Hổ con, bèn lùi lại, chân vừa chạm đất, vươn tấm thân mềm mại, chờn vờn nhảy nhót chung quanh dê con. Hổ chúa đang lúc tức giận, thấy kẻ khác dành mồi ngon của mình. Lại lần nữa, chúa sơn lâm cố nhìn địch thủ nhỏ bé kia. Bộ dạng thon thót không đáng kể, mãnh hổ tỏ vẻ khinh địch, chẳng cần phí sức mà vẫn tóm gọn được đối phương. Bởi vậy, chúa sơn lâm hoài nghi, liền hét lên một tiếng thật to oai phong làm vang động cả khu rừng, khiến cho các loài nhỏ bé đều kiếp sợ. Đuôi liền quật đi- quật lại mấy cái rồi phóng thân hình to lớn, như con bò mộng lao vào đối phương. Ta sẽ xé mi ra nhiều mảnh cho hả giận. Nhanh như cắt hổ con tránh qua một bên, chân trước vồ lấy mồi dê, rồi chạy bằng hai chân sau đến gốc cây đại thụ, đã gần trụi cả lá. Hổ chúa không buông tha liền phóng mình đuổi theo.
Nhưng chẳng may, vừa tới gốc cây, hổ chúa đã rơi tụt xuống một cái hố đã được đào sẵn từ lâu. Bên trên ngụy tạo bằng một lớp cỏ rơm dày đặc. Ngay lúc đó, trên cây buông xuống một sợi dây thòng lọng lọt thẳng vào chân trước của hổ chúa. Sợi dây không trúng vào cổ của hổ chúa, mà chỉ vướng vào cái chân trước, chưa kịp thoát cạm bẫy. Hổ chúa liền cố sức vùng vẫy lăn lộn dưới đất làm rung chuyển cả thân cây. Vì sợi dây thừng bện rất dai, hổ càng đẩy dây càng xiết chặt chân lại.
Hổ con lúc bấy giờ, thở phào nhẹ nhõm, liền trút bỏ lốt da “hổ” ngụy trang. Trở thành một tráng sĩ to lớn vạm vỡ. Trong bộ đồ võ phục màu đen, lưng đai thắt chặt trên tay cầm chiếc gậy trường côn trông thật dữ tợn. Tráng sĩ (hổ con) bây giờ phải dùng tới khí giới hộ thân. Vì sức lực đã gần cạn kiệt tay không đấu với hổ chúa. Chàng liền rút con dao găm mang theo cạnh bên hông. Sử dụng với ngón nghề điêu luyện đã từng chiến đấu, với các loài thú dữ. Lần này, rất cam go không thể lơ là toi mạng như chơi. Chúa sơn lâm chưa hề bỏ cuộc với một con vật nào có hạng mục cả. Ngay cả con người, sơn lâm cũng chẳng nể nang gì cả, ngoài trừ viên “kẹo đồng” mà thôi. Một luồng ánh sáng vụt bay xẹt đến găm trật vào đùi ác thú, rồi rơi xuống bãi cỏ. Hổ chúa bị nhát dao găm xẹt qua, rướm máu nơi đùi. Cơ thể bị thương, giận dữ vô độ khiến sức khỏe tăng lên bội lần, quyết chồm lên rồi lao nhanh về phía tráng sĩ. Lúc ấy chàng liền lách mình qua một bên, né đòn quyết tử của hổ chúa.
Rắc, rắc, rắc. Cành cây bỗng gẫy rời khỏi thân cây, rơi xuống đất. Dây thòng lọng buột ở chân trước của hổ chúa đã tuột hẳn ra. Hổ chúa liền nhảy bổ lại đối phương, quyết lấy mạng không hề thương xót. Bỗng một tiếng hét phát ra từ trên cây bên cạnh, vang cả góc trời âm u tịch mịch:
-Coi chừng. Coi chừng. Nó… nó… nó…!
Lời chưa dứt, tiếp theo đó hàng loạt dao găm, được ném ra khỏi lòng bàn tay của tráng sĩ. Nhưng chúa sơn lâm rất tài tình nhanh lẹ, né tránh tuyệt vời không trúng phát nào. “Hừm! Hừm!” hai, ba tiếng vang dội trong đêm cùng lúc. Hổ chúa, nhe răng muốn ăn tươi nuốt sống đối phương, lấy lại phong độ hiên ngang, tuy bị thương, nhưng mãnh hổ không muốn địch thủ xem thường.
Kỳ đọ sức này, tráng sĩ không hề nao núng, nhưng trong thâm tâm vẫn kính nể chúa sơn lâm. Bất ngờ, tráng sĩ né sang một bên, chờ cho hổ chúa lao tới. Dùng cả nội lực tung đòn chí tử, vào lồng ngực của hổ chúa bằng đầu trường côn. Bị trúng đòn độc, hổ chúa bất thần ngã xuống lăn mấy vòng rồi vùng dậy. Như điên, như cuồng, hổ nhảy xổ vồ lấy tráng sĩ, nhưng vì trúng nhược điểm trong lúc giao đấu, hổ chúa suy giảm nội lực, không còn sung mãn như trước, đành thất thế. Trận đấu này cam go vô cùng, chưa phân thắng bại.
Thừa lúc cả hai giao đấu không chú trọng con mồi, dê con liền co cẳng chạy thẳng vào rừng, dù bị thương nhưng cũng phải thoát thân. Nó hòa cùng bóng đen tìm về nơi an toàn chung sống với bầy đàn, không dám đi nghêu ngao trong khu rừng vắng.
Hổ chúa, tuy thất thế hai lần nhưng vẫn vùng dậy, lao thẳng vào người tráng sĩ tung đòn. Lần này đổi chiến thuật, tráng sĩ dùng hết sức bình sanh, nhoài người luồn dưới bụng hổ chúa, chắp hai tay lại mà tung độc chiêu, đâm vào yết hầu, dưới cổ của hổ chúa thốc lên một cú thật đau như trời giáng, khiến hổ chúa không ngờ được. Kế đó, hổ chúa bị liên tiếp những nhát gậy trường côn đâm vào yếu điểm. Hổ chúa đau quá phải lăn nhiều vòng trên mặt đất, kêu rên thất thanh. Tráng sĩ định kết liễu đời hổ chúa, nhưng chẳng ngờ từ xa có tiếng vọng lại.
– Dừng tay. Dừng tay. Ngưng lại!
Đồng thời, lão Mộc từ trên cây theo dõi nảy giờ, cũng nhảy xuống rút con dao dài sang quắc ra hợp lực. Cả hai quyết hạ thủ hổ chúa cùng một lúc. Nhưng chưa kịp, một bóng đen từ xa lao tới, lấy chiếc gậy gạt phăng lưỡi dao dài của lão Mộc qua một bên, tiếp đó một giọng nói như van xin tha mạng:
– Xin Lão trượng và tráng sĩ hãy dừng tay, tha mạng cho con vật đáng yêu của tôi (tức hổ chúa).
Lạ thay! Hổ chúa nghe tiếng nói, tức thời chuyển mình thật mạnh, lao đến hất tung tráng sĩ ra xa độ mười mươi bước chân rồi bò đến nằm phục dưới chân bóng đen, người vừa cứu mạng nó. Hổ tỏ vẻ biết ơn người đã giúp mình trong cơn hoạn nạn. (Con vật còn như thế, huống chi ta với ta thì sao?)
Bóng đen kia, lại là một vị sư già nhân từ, liền vuốt nhẹ lên đầu hổ chúa, rồi kề miệng vào tai hổ chúa thì thầm gì đó. Hổ chúa liền gật đầu lia lịa giống như đa tạ ân nhân cứu mạng. Sau đó, liền phóng nhanh vào rừng sâu.
Tráng sĩ không ngờ hổ chúa bị thương nặng nhưng vẫn còn có sức mạnh ghê gớm. Bản thân tráng sĩ do vì hổ chúa hất mạnh như bị trời giáng nên toàn thân ê ẩm, nằm im bất tỉnh, rồi sau đó tỉnh lại.
Lão Mộc cả kinh, chạy đến bên cạnh tráng sĩ nói vọng lại:
– Sư phụ dung túng ác thú làm càn, định hại đồ đệ của tôi hay sao?
Vị Sư già điềm tĩnh trả lời:
– Tráng sĩ chẳng qua bị đau xoàng thôi, không nguy kịch gì đến tính mạng, để bần tăng chữa trị cho.
Nói xong, vị sư già lấy trong túi ra một lọ thuốc nho nhỏ đựng trong chai màu xanh. Đổ ít ra tay rồi xoa khắp người cho tráng sĩ. Chỉ giây lát sau là tráng sĩ tỉnh lại. Lão Mộc mừng rỡ hỏi:
– Thật là thần dược, diệu kỳ quá ha!
Vị sư già tươi cười nói:
-Mô Phật, bần tăng xin cảm ơn hai vị.
Lão Mộc đáp lại:
– Phiền sư phụ đến giải cứu hộ, không thì đồ đệ của tôi mất mạng.
-Tráng sĩ tài nghệ siêu quần, võ công thâm hậu, sau này tương lai sẽ có phần rực rỡ hơn người. Bần tăng hân hạnh được làm quen với người.
Tráng sĩ bấy giờ đã tỉnh lại. Hắn tính chất thật thà quê mùa, nên không biết lời hay tiếng đẹp, dùng hoa ngữ ngôn từ mỹ miều đáp lại. Lúng túng trong miệng chỉ nói được rằng:
– Cám ơn vị Tăng đã cứu hai thầy trò của con.
Khiến cho lão Mộc và vị sư già cười thỏa thích vì tấm lòng, quá chân thật của tráng sĩ. Không biết dùng từ hoa mỹ để đáp tạ!
Sư già, cảm kích lời nói chân thật của tráng sĩ, nên mời cả hai về chỗ ở của mình mà nghỉ qua đêm.
Qua ngày hôm sau, lão Mộc, chắp tay vái vị sư già, kính cẩn thưa:
– Lần đầu tiên, được tiếp kiến sư phụ, âu cũng là duyên nghiệp nhiều đời dong ruổi…!
Nếu sư phụ không chê, lão Mộc ở dưới chân đồi xin mời sư phụ quá bộ lại hàng xá, để xóm làng được nối rộng thêm ra. Tình thầy trò thêm khắng khít, cũng là niềm vinh hạnh vô cùng cho thầy trò chúng tôi. Hầu mong cảm kích ơn cứu mạng, tấm lòng này sẽ khắc cốt ghi tâm.
Sư già tiếp lời:
-Bần tăng lưu lạc trên mười mấy năm trời, bốn bể đâu cũng là nhà, cái cảnh gối đất nằm sương đã từng trải qua quá nhiều. Nếu lão trượng thấy cảnh nghèo, động lòng trắc ẩn cho nghỉ tạm một đêm, bần tăng này đâu dám từ chối.
Cả ba đều xuống núi về nhà tranh của lão Mộc. Xa xa tiếng trống cầm canh điểm chừng. Trông lên trời ánh thái dương cũng đã tắt, lác đác một vài ngôi sao, lúc ẩn lúc hiện trên nền trời đem sẫn như mực. Về đến nhà. Lão Mộc gọi tráng sĩ xuống bếp đun nước lên, châm trà mời sư dùng. Họ chuyện trò thâu đêm.
Sáng hôm sau, Sư nhìn quanh thấy ngôi nhà tranh nhỏ bé xinh xinh của lão Mộc và tráng sĩ trông như một bức tranh thủy mạc xa xưa nào đó, ở giữa lưng đồi chung quanh hàng tre xanh bao bọc. Thêm vài cội tùng già được cắt tỉa. Bên cạnh là tảng đá gồ ghề trông thật hữu tình, có cái bệ xây bằng đất gối lưng vào mặt vách. Đồ đạc rất đơn sơ gồm chiếc gường gỗ và ba tấm ván ghép lại để ngay trên mặt đất dùng để sinh hoạt trong gia đình. Chỉ có lão Mộc và chàng tráng sĩ ở chung với nhau nhận làm thầy trò, tu luyện. Nhìn trên vách tường một ngọn giáo dài, và một chiếc cung rất nặng. Đời sống của họ rất đơn độc và lạnh lẽo nhưng ở giữa sân lại có một cái hồ sen rất đẹp với tôn tượng Quán Âm bằng đá cẩm thạch màu xanh rất tuyệt vời. Ai ai nhìn thấy cũng đều ngưỡng mộ cả. Vì tôn tượng này rất sống động dân làng thường đến đây chiêm ngưỡng và đảnh lễ. Hình như lão Mộc là kẻ mai danh ẩn tích chi đó, chưa ai hiểu rõ lai lịch của lão cả. Thời gian rồi sẽ trả lời cuộc đời của lão.
Lão Mộc thường hay dạy bảo chàng tráng sĩ rằng:
– Rất khó để tìm bình an trong cuộc đời bất an. Cho nên tu là để thấy, thấy được bản chất cuộc đời, không bám víu, không dính mắc, sẽ không còn đau khổ. Luôn luôn tham lam, bám víu mới sinh ra khổ và khổ, vì không thấy được cái vô thường nên bất an trong đời sống.
Chúng ta hay hiểu tu theo nghĩa rèn luyện đạt được mục đích nào đó. Trở thành cái gì mà mình chưa từng có. Cách đó là cách tu tập của hầu hết của các tôn giáo, trường phái khác nhau. Bởi thế, để cái trở thành hàm nghĩa sinh tử. Nếu tu mà để trở thành tức là đã tạo ra một chuỗi dài sinh tử. Cách đó không phải cách tu của đạo Phật, cầu giải thoát.
Tu theo đạo Phật thật đơn giản chỉ là làm thế nào nhận ra chân lý. Qua đó để sửa đổi rồi nhận thức việc làm đúng với sự thật chứ không phải thuận theo ý mình. Chuyện còn dài nhưng tạm ngừng nơi đây.
“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.” Ai ai, cũng thế, giàu, nghèo, sang, hèn, danh vọng, tài lợi gì cũng chỉ tạm bợ thời gian mà thôi.
Sống là phải chân thật, không thẹn với lòng. Luôn luôn tôn trọng sự sống của người khác. Phải biết thương yêu và hòa thuận với nhau, hãy hỷ xả và buông bỏ những ác nghiệp hoặc những phiền não, không nên chứa nhóm những gì không lành mạnh vào tâm hồn mình. Hãy vui vẻ, dũng tiến về phía trước, cũng như trong kinh Phật đà có dạy:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.”
Lại một lần nữa, khuyên các bạn rằng: “Bạn phải dùng tâm bình thản mà đối đãi với cuộc đời, đừng đi cưỡng cầu cái gì. Bởi vì, nếu đã không phải là của bạn thì cho dù cưỡng cầu cũng không đạt được. Phải biết đủ mới thấy vui vẻ và hạnh phúc cho chính bản thân của mình đã tạo ra.” Mong lắm thay!
T. Nhuận Hùng
Santa Ana, California
Ngày 3-3-2024
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.