Photo: Hòa Thượng Thích Thông Hải đang thuyết giảng trong một buổi thiền Vipassana tại Chùa Bảo Quang. (Nhuận Hùng)
Bài NHUẬN HÙNG
Giữa dòng thành phố thân thương, nơi nắng ấm Cali, tình người, thủ phủ người Việt tỵ nạn gần khu thương xá Phước Lộc Thọ sầm uất ngụ tại Little Saigon, trong đó không biết bao nhiêu chùa xoay quanh, nhưng ngôi chùa nổi trội ấy mang đậm nét văn hóa – nghệ thuật Việt Nam, mà có lẽ nhiều người sinh sống tại Quận Cam đều biết rõ, lại có một sự kiện xảy ra thật bất ngờ. Đó là khóa thiền Vipassana lần đầu tiên được tổ chức tại Chùa Bảo Quang, một nơi rộng rãi cho nhiều thiền sinh tu tập. Tăng, Ni từ các chùa gần/xa, cũng như các cư sĩ/Phật tử đều có thể đến để tham dự khóa tu.
Những biến động đã xảy ra trong quá khứ, như bầu trời u ám, xám xịt rồi cũng trôi qua. Luồng gió mới mang hương thiền, đạo vị, mười phương Chư Phật phảng phất, ngát hương đến với người con Phật trong niềm hân hoan, hỷ lạc.
Hôm 18 tháng 10, 2024, Hòa Thượng Trụ Trì Thích Thông Hải từ Hawaii đã về Nam California. Hiện nay Hòa Thượng là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị làm việc chung với các thành viên trong ban quản trị Chùa Bảo Quang.
Khóa tu thiền Samatha & Vipassana 10 ngày đã bắt đầu từ 18/10 đến 27/10 tại đại tự Bảo Quang tọa lạc 713 N. Newhope St., Santa Ana, do Sư Cô Thích Nữ Trí Minh làm trưởng ban tổ chức.
Hòa Thượng Thích Thông Hải là Giáo Thọ Sư hướng dẫn khóa thiền tu tập. Một số thiền sinh từ xa như miền Bắc California, Los Angeles và các vùng phụ cận cũng đến tham dự khóa tu. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Ngài thuyết giảng khóa tu thiền tại Chùa Bảo Quang.
Sư Cô Trí Minh cũng đã cung thỉnh Ngài Thiền Sư Sayadaw U Tejinda nổi tiếng ở Miến Điện đến thuyết giảng và hướng dẫn khóa tu. Thiền Sư đã từng hướng khóa tu thiền Vipassana ở nhiều quốc gia.
Sư Cô cũng không quên thỉnh Sư Thích Tánh Huỳnh, Tiến Sĩ Phật Học Thái Lan, Giáo Thọ Sư hướng dẫn Thiền Tứ Niệm Xứ. Vị sư trẻ này rất uyên thâm về Thiền Vipassana, đã từng tu tập tại Thái Lan và Miến Điện nhiều năm. Đặc biệt vị sư này nói thông thạo tiếng Miến y như tiếng mẹ đẻ, đã hoằng pháp ở Hawaii và các tiểu bang Hoa Kỳ.
Thêm nữa, còn có Sư Cô Thích Nữ Lệ Trang cũng đã tu tập hơn sáu năm tại Ấn Độ. Sư Cô đã từng qua Miến Điện nhiều năm tu tập thiền Vipassana nay làm thông dịch cho Thiền Sư Sayadaw U Tejinda. Sư Cô đến từ Nhà Bè, Sài Gòn tham dự khóa tu này.
Chiều Chủ Nhật có lớp Vi Diệu Pháp do Thầy King hướng dẫn. Trong những ngày tu thiền có thêm giờ thể dục dưỡng sinh buổi trưa do Cô người Đại Hàn hướng dẫn.
Ngoài ra có các anh chị thiện nguyện đã phát Bồ Đề Tâm. Trong giới truyền thông quay phim và chụp hình suốt khóa tu như đài Pháp Âm Phật Giáo Toàn Cầu đã có mặt làm buổi phỏng vấn, các vị Thiền Sư hướng dẫn khóa tu thiền tập tại Chùa Bảo Quang. Mọi sinh hoạt trong khóa tu đã chu đáo từ hình thức cho đến sự hướng dẫn tận tình, cặn kẽ, điềm đạm của các Thiền Sư. Quý Ngài luôn luôn trả lời mọi thắc mắc của các thiền sinh.
Khóa tu thiền 10 ngày miễn phí, mỗi ngày từ 4g sáng đến 9g tối tại chánh điện Chùa Bảo Quang, trong khuôn viên rất rộng rãi, trang nghiêm cảnh trí hài hòa mát mẽ, có cây kiểng, non bộ, hoa lá xanh tươi, rất thích nghi cho các thiền sinh tu tập. Nơi chốn già lam thoáng mát tạo thêm nguồn năng lượng cho thiền sinh, hít thở khí trời trong lành, mỗi khi đi hành thiền trong sân chùa.
Sống trong một xã hội khoa học hiện đại, bây giờ là thời buổi tiên tiến. Tất cả công việc đều chạy theo thời gian. Nếu chúng ta không biết dừng lại, dành chút thời gian quý báu để tìm hiểu về vấn đề tâm linh, cứ mãi chạy theo cơm áo gạo tiền, lo cho con con, cháu cháu, mọi thứ vật chất đều nối đuôi nhau mà quanh quẩn trong trí não của chúng ta.
Cuộc đời ‘nó’ có phải luôn luôn màu hồng với chúng ta hay không? Nếu chẳng may, vô thường đến có hẹn cùng ai chăng? Hành trang của chúng ta chuẩn bị được gì chưa? Khi nhìn lại mái tóc muối tiêu hay đã trắng phau rồi, tuổi đời thì chồng chất bệnh hoạn liên miên “ba cao / một thấp” (cao máu / cao mỡ / cao đường, lại thêm thấp khớp). Quý vị cao niên ai ai cũng hiểu (món nợ) ba sinh này (nó) sẽ đến ngay, không chừa bất cứ một ai. Bây giờ chúng ta còn chút sức khỏe, và tinh thần minh mẫn. Thôi thì hãy nên “tìm về chính mình.” Bằng cách nào đây? Thật ra, có nhiều cách tu tập mà chúng không lưu ý, như Thiền – Tịnh – Mật, v.v..
Khi bước đến tuổi về hưu, các bạn nên chọn cho mình con đường tâm linh, để làm nơi nương tựa và dựa dẫm cho tháng ngày cuối cuộc đời. Hành trang đó là gì? Tiền tài, vật chất, nhà cửa, sắc đẹp ư? Tất cả các thứ đó chúng đều chạy theo thời gian rồi cũng hoại diệt. Chỉ có nghiệp lực (nó) sẽ theo mãi với chúng ta. Thiện hay bất thiện đều cũng như nhau. Vậy chúng ta hãy làm gì ngay từ lúc này?
Cuộc đời này rốt lại chỉ là quán trọ. Hoặc giả vỡ kịch trên sân khấu. Chúng ta chính là những diễn viên, chỉ khác có đóng đúng vai tuồng hay không. Hỷ, nộ, ái, ố, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến đều có đủ. Một khi vô thường đến rồi, nghiệp lực sẽ bám theo. Ai là người giúp cho chúng ta? Ai là người cứu chúng ta ra khỏi vòng luân hồi lục đạo?
“Sanh – Tử Là Đại Sự” không thể từ chối và cũng không miễn trừ cho bất cứ một ai. Từ vua chúa cho đến hàng dân dã, nam -phụ – lão – ấu cũng không thoát khỏi định luật vô thường.
Trong thời công phu chiều (Mông Sơn Thí Thực) có dạy rằng: “Thị nhựt dĩ quá, mạng diệt tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc, đại chúng đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thậm vật phóng dật.”
Nghĩa là: Ngày nay đã qua, mạng sống cũng giảm, Như cá ít nước, có vui sướng gì? Đại chúng! Hãy siêng tinh tấn, như cứu đầu cháy. Chỉ nghĩ vô thường, không nên phóng dật.
Từ đây xét thấy đa phần đại chúng ở ngoài xã hội cứ mãi rong chơi chốn khổ, tìm thú vui giả tạm, để rồi ngày tháng trôi qua, mạng sống đã sớm hết mà nghiệp trần khổ đau cứ mãi chất chồng cao hơn đỉnh núi.
Vậy thì lúc còn mạnh khỏe, sáng suốt chúng ta cũng nên tìm đến chùa chiền hay những nơi có tổ chức khóa tu tập, hướng dẫn về tâm linh chẳng hạn như: Thiền, Tịnh hay Mật Tông chi đó! Để có nơi nương tựa tinh thần, khi bóng đã xế chiều. Ôi! Cuộc đời sao ngắn ngủi thế ư! Nhớ những ngày hùng anh nơi chiến địa, bây giờ trôi nổi theo quá khứ, khi nhìn lại mình là một kẻ già nua, gối mỏi chân chùn, trí nhớ lãng đãng tờ mờ, giờ không còn nhiều mộng mơ chi nữa. Nào là vua chúa, quân, thần, sang, hèn, giàu, nghèo cũng thế thôi! Bước trần gian ta hỡi tiếc chi! Cận kề tử nghiệp ôi thôi! Còn gì? Tại sao và cũng tại sao? Biết được như thế, thì ta phải làm chi bây giờ?
Bởi vậy, chúng ta mau thức tỉnh hãy tìm về chính mình, làm sao cho tâm hồn thảnh thơi. Do vậy, quý vị cao niên cũng nên dành ít thời giờ quý báu tìm hiểu về ngôi nhà tâm linh mà học hỏi Thiền quán. Chẳng hạn như thiền Vipassana là như thế nào? Sư Cô trưởng ban tổ chức rất chu đáo, chuẩn bị tài liệu tu tập thêm cho các thiền sinh. Sư Cô tặng mỗi thiền sinh một quyển sách nhỏ với đề tài “Thể Nhập – Thiền Định (Samatha) và Thiền Tuệ (Vipassana)” tác giả Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayadaw, Tiến Sĩ Mehm Tin Mon (Tâm Chánh) dịch.
Để đạt được kết quả thiền Vipassana, tức Thiền Tuệ, hành giả cũng như thiền sinh cần phải có thời gian tu tập nhiều năm và phải nỗ lực tu tập cần mẫn siêng năng vì đây là sự thực hành (hạ thủ công phu) nhiều hơn lý thuyết suông.
Sơ lượt qua 10 ngày tu tập thực hành thiền Vipassana tại Chùa Bảo Quang là mở đầu cho những khóa tu thiền về sau. Nói đến thiền như Đức Phật đã từng dạy: “Khổ Diệt Dạo Thánh Đế chính là Bát Thánh Đạo.” Vậy thì trong giáo pháp của Đức Phật có con đường nào khác ngoài Bát Thánh Đạo nữa hay không? Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật Ngài đã dạy điều này.
Như vậy, không một chúng sanh nào có thể chứng ngộ Thánh Đế và Khổ Diệt (Niết Bàn) mà lại không cần thực hành đứng đắn Bát Thánh Đạo. Chúng ta không thể chứng ngộ Niết Bàn với “Một Đạo” là Chánh Niệm, hay “Hai Đạo” là Chánh Niệm và Tỉnh Giác, hay “Bảy Đạo” là Tám Đạo trừ Chánh Định. Với ba la mật chân thật đã viên mãn và trí tuệ của một vị Phật Toàn Giác.
Nếu các bạn không có điều kiện, vẫn có thể tự tập tu thiền tại nhà và nhớ những bước sau đây:
– Dành 10 đến 15 phút để thực hành, thời điểm tốt nhất để thiền là vào buổi sáng, lúc thức dậy và chuẩn bị một ngày mới với nhiều hoạt động bên ngoài
– Chọn không gian yên tĩnh, tránh tiếng ồn bên ngoài, nên chọn một vị trí thoải mái có thể trên ghế, dưới sàn, bãi cỏ, v.v..
– Tư thế cũng đơn giản thôi: lấy bàn chân trái gác lên chân phải hoặc ngược lại, lưng luôn giữ thẳng và thả lỏng cơ thể của bạn.
– Nhắm mắt lại và thở đều bằng mũi: Tập trung vào hơi thở và cảm nhận. Tập thở trong chánh niệm bằng cách tập trung vào hơi thở vào và hơi thở ra. Đồng thời, bạn bắt đầu quan sát những suy nghĩ, những cảm nhận bên trong chính mình.
– Trong trường hợp có quá nhiều suy nghĩ và lo âu xuất hiện, bạn có thể quay trở lại bằng cách đếm nhịp thở.
Thiền Vipassana được dạy căn bản trong vòng mười ngày. Khóa học đòi hỏi thiền sinh phải quan sát sự yên lặng và tuyệt đối tuân hành theo những luật lệ. Thời khóa biểu hàng ngày, trung bình, là sáu tiếng thiền định, với những giờ giải lao và tập thể dục dưỡng sinh. Theo hướng dẫn được đưa ra từng buổi tập trong ngày.
Nhưng đều quan trọng nhất là chúng ta biết buông bỏ những gì không đáng giữ lại trong người. Không phải là chúng ta buông bỏ hết tất cả như nhà cửa, của cải, vật chất. Hãy buông bỏ một lời nói cay cú hay chua nào đó mà chúng ta thường hay sử dụng đến khi gặp việc bất bình với một ai đó chẳng hạn. Chúng ta hãy cư xử tốt với nhau, nhẹ nhàng, thân thiện, hòa nhã, khiêm cung, đến với nhau bằng ánh mắt hòa diệu, giao tiếp hài hòa, đó cũng là tập tu thiền rồi.
Vì tu là sửa đổi cho con người hoàn thiện hơn, từ lời nói cho đến đi, đứng, nằm, ngồi cho được thuần thục.
Tiếp theo chúng ta cũng nên quan tâm, đến cách đối nhân xử thế hằng ngày từ người thân cho đến kẻ sơ giao. Làm sao được như thế đó cũng góp phần cho xã hội bình yên, vui với xóm làng- an hòa trong gia đình hạnh phúc. Người người vui sống với nhau không gây gỗ cũng là buông bỏ rồi. Nếu làm được như vậy, thì bầu trời này, sẽ mãi mãi xanh tươi – không còn ô nhiễm bầu trời, khí độc cũng không có cơ hội phát tán.
Khóa học mười ngày chỉ là một khuôn mẫu hướng dẫn, cần được thực hành hàng ngày. Và nếu được, quý vị cũng nên tiếp tục tu tập để củng cố và tiến bộ trên bước đường hành thiền. Chỉ có như vậy chúng ta mới gặt hái được những lợi ích đáng kể trong lúc hành thiền Vipassana.
Có những khóa học hai mươi ngày, ba mươi ngày, hay bốn mươi lăm ngày để giúp thiền sinh vững chãi hơn trên bước đường thực tập. Thực hành kiên trì trong một thời gian, tâm trí ta sẽ từ từ thoát khỏi những tham đắm, giận hờn, si mê. Và từ đó, ta tìm được hạnh phúc, an lạc cho chính mình, và luôn cả những người chung quanh cũng được lợi ích.
Sau đây xin được chia sẻ câu chuyện đã xảy ra trong khóa tu thiền Vipassana tại Chùa Bảo Quang. Sau hai ngày thiền tập, Sư Cô Trí Minh hỏi một cô thiền sinh, “Cô đã chuẩn bị cho buổi xuất gia gieo duyên hay chưa và có mang y và áo tràng theo hay không?”
“Dạ, em có mang áo tràng và y đầy đủ nhưng trong lòng còn nhiều trắc trở công việc, nên chưa muốn xuất gia.”
“Đến bao giờ em mới xuất gia?”
“Cho em xin hoãn lại, đợi thời gian vì chưa quyết định được.”
“Được, tùy duyên em chọn, Sư Cô không ép em xuất gia.” Sư cô hỏi tiếp, “Em có tập thiền Vipassana này chưa?”
“Dạ có, em đã tập thiền nhiều năm lắm rồi.”
Sau đó, sư cô chấm dứt câu chuyện, lo đi làm việc khác để chuẩn bị cho thời khóa tiếp. (Vì thời gian và không gian trong thời khóa biểu tu tập rất dày đặt, không tiện ghi ra đây. Có nghĩa là từ 3 giờ khuya thức chúng, 4 giờ khuya ngồi thiền, rồi nghe giảng, hành thiền rồi lại ngồi thiền, tụng kinh, ăn cơm quả đường, tập thể dục, ngồi thiền mãi siết cho đến 9 giờ tối chấm dứt. Liên tục 10 ngày ròng rãi.)
Tiếp lại câu chuyện.
Một ngày sau đó, vào buổi trưa thiền sinh đang ngồi thiền yên tịnh. trong chánh điện. Bổng nhiên có tiếng niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” từng hồi hòa theo tiếng mõ, tiếng khánh nhịp nhàng tiễn đưa một hương linh mới vừa lìa trần về bên kia thế giới. Tiếp theo là quý thầy, khoảng bốn hay năm vị chi đó, trong chiếc y vàng óng ánh dưới ánh nắng vàng chói chang. Sau đó là cổ quan tài đóng bằng gỗ rất tươm tất gọn gàng được mấy người con trai trông bộ đồ màu đen đẩy đi từ từ. Con cháu và những người thân lần lượt bước từng bước đi sau quan tài trông vẻ não nề buồn thảm, trước cảnh sinh ly- tử biệt. Kèm theo tiếng mõ và tiếng niệm Phật, đám tang diễn ra trước mắt các thiền sinh đang tu tập. Tuy là đơn giản của một kiếp người được diễn ra, nhưng mà thật là thấm thía cho những hành giả đang tu về pháp môn thiền quán.
Họ sẽ nghĩ gì về bản thân vô thường của một người vừa nằm xuống, lìa xa cõi đời. Giả dụ là người thân của thiền sinh đó thì sao? Những tác động thật sâu xa khi thiền sinh đó thức tỉnh giữa sự sanh và tử chỉ trong chốc lát.
Một giờ sau thiền sinh đó lại đi tìm Sư Cô Trí Minh Trưởng Ban tổ chức khóa tu đảnh lễ và nhờ thỉnh Ngài Thiền Sư Sayadaw U Tejinda để làm lễ xuất gia ngay trong buổi chiều đó. Thật là, một sự mầu nhiệm không thể diễn bày cho được. Đó là những lời kể lại từ Sư Cô và thiền sinh mới xuất gia.
Nói về thiền có rất nhiều câu chuyện chúng ta không thể ngờ trước được. Nhưng thật mà nói, tu hành không phải là chuyện dễ dàng như mình diễn bày trên lý thuyết mà phải đi và thực hành. Lúc đó mới biết được những hương vị – thiền vị mà đức Phật đã từng chỉ dạy.
Ý còn dài nhưng câu chuyện chưa dứt lời đã cạn, xin được khép lại hẹn dịp khác sẽ chia sẻ nhiều câu chuyện về thiền.
Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, quý bậc Thiền Sư Cao Tăng cũng như quý thiền sinh và độc giả gần xa. Tác giả xin thưa, đây không phải là “phóng sự” hay bài tường thuật giống các nhà báo chuyên nghiệp vì không đi sâu vào chi tiết cũng như phỏng vấn quý vị, Giáo Thọ Sư và Thiền Sư Miến Điện, cũng như thiền sinh vì không dám “múa rìa qua mắt thợ” chỉ cảm nhận một góc cạnh nho nhỏ nào đó sau những ngày tổ chức khóa tu thiền tại Chùa Bảo Quang.
Để kết thúc bài viết “Tìm Về Chính Mình” xin được phép mượn dòng thơ ngắn của cố Hòa Thượng thượng Quảng hạ Thanh tức thi sĩ Thanh Trí Cao để chia cùng quý độc giả gần xa:
“Hoang vu trên cõi phiêu bồng
Tuyết bay theo hướng lưu vong hải hồ
Núi choàng chiếc áo hư vô
Tiếng kinh – câu kệ điểm tô hình hài
Cúc vàng chiếc áo Như Lai
Bông mai hàm tiếu – tình ai (ngộ Thiền)
Chân tâm thể dụng vô biên
Như vầng trăng sáng không riêng nơi nào
Ở đâu chóp đỉnh trời cao!
Anh mang huyễn mộng đi vào thiên thu.”
Tóm lại, tác giả chỉ sơ lược những gì cảm nhận được qua lăng kính với tựa đề “Tìm Về Chính Mình.”
Khuôn khổ bài viết có giới hạn. Lại một lần nữa, kính chúc quý ngài Giáo Thọ Sư hướng dẫn khóa tu cũng như Thiền Sư Miến Điện đã về lưu trú tại đại tự Bảo Quang cho trọn khóa tu thiền 10 ngày được thành tựa viên mãn.
Một lần nữa, tôi xin mượn trang báo này cám ơn quý vị mạnh thường quân. Nhất là Sư Cô Trí Minh Trưởng Ban Tổ Chức đã nhiệt tình lo lắng cho khóa tu thiền đầu tiên tại Bảo Quang Tự thập phần viên mãn. Cũng như quý vị ủng hộ thực phẩm cho ban tổ chức khóa tu. Và không quên cám ơn Ban Trai Soạn, Ban Ẩm Thực, anh em trong Ban Quản Trị chùa Bảo Quang đã căng tấm lều làm trai đường rất xinh xắn bằng màu cờ Phật Giáo, và anh chị em tận tình giúp đỡ khóa tu, trong đó có cả anh Quân và quý vị nấu bếp, và chùa Phật Tổ cùng quý Phật Tử các chùa trong vùng lân cận đã đóng góp thức ăn trong khóa tu thật đầy đủ và sung túc.
Tạm mượn lời thay mặt Ban Tổ Chức, kính chúc quý Phật Tử và thiền sinh đến tu tập và góp phần công quả cho chùa Bảo Quang trong khóa tu mười ngày, luôn luôn được nhiều lợi lạc, thân tâm an lạc, vạn sự cát tường.
Riêng kính chúc Hòa Thượng Trụ Trì chùa Bảo Quang pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ. Ngài cũng là người tiên phong khai “hỏa” phát pháo đầu tiên, mở đường cho những khóa tu thiền tập về sau, hầu mong quý Phật Tử, và thiền sinh từ khắp muôn phương về chùa tham dự thật đông đảo. Mong lắm thay!!!
T. Nhuận Hùng
Ngày 22/10/2024
Bảo Quang Tự
Santa Ana, California
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.