Photo: Quân đội thuộc phía Việt Nam Cộng Hòa đang thực hiện Chiến Dịch Taro 6 ngày 10 tháng 2, 1966, trong rừng cao su gần Củ Chi, để quét sạch quân Việt Cộng trú ẩn trong rừng này. (Hình tài liệu của cựu chiến binh SFC Peter P. Ruplenas / Wikimedia Commons)
Bài NGUYỄN TƯ NHA
(Tác giả Nguyễn Tư Nha cho biết ông chép lại theo lời kể và tài liệu của phóng viên Phạm Thu Hiền ở trong nước, trong bài viết gởi dự cuộc thi viết Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả cũng cho biết thêm ông là cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, sang Mỹ năm 1976, là hội viên hội Thiền Tánh Không Sacramento, Bắc California. Ông có viết một số sách về Thiền và cõi tâm linh. Bài này được Tinh Tấn Magazine hiệu đính kể cả phần tiểu tựa.)
Trong hàng vạn đơn xin “Tìm Mộ Liệt Sĩ” do các gia đình gửi tới mục “Tìm Người Thân” của báo Cựu Chiến Binh, do tôi [Phạm Thu Hiền] phụ trách (từ năm 1993 tới 2016) không ít lá đơn làm tôi bần thần xúc động, mất ăn, mất ngủ hàng tháng trời… Những ấn tượng về “dòng điện sinh học,” “thần giao cách cảm” từ những ngày còn là học viên khoa sinh, trường đại học Sư Phạm I Hà Nội, do thầy Lê Quang Long dạy, lần lượt trở về, sống động trong tâm trí tôi… Dù bán tín, bán nghi, biết duy tâm không thể thắng duy vật, nhưng không đủ trình độ để lý giải, tôi xin đóng vai trò của người “dựa cột,” mạo muội kể lại vài trường hợp sau:
Hồn chưa yên nghỉ ở rừng cao su
Ông Cầm Duy Hiệp, cán bộ chi cục di dân kinh tế mới, Sở Lao Động- Thương Binh Xã Hội tỉnh Sơn La, có người cậu ruột là Đinh Văn Sếm, quê ở bản Nà Lò, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ (nay đổi thành Sơn La). Trong lá đơn tìm mộ của cậu Sếm, ông Hiệp viết:
“Cậu tôi nhập ngũ từ năm 1960. Trong một lần nghỉ phép, cả gia đình xúm vào tranh thủ cưới vợ cho cậu. Sau một tuần ở rể bên nhà vợ theo phong tục, cậu tôi lên đơn vị trả phép, ai có ngờ đó là lần tử biệt sinh ly cuối cùng.
“Cuối năm 1969, gia đình tôi nhận tin cậu mất, giấy báo tử ghi: “Đã anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam, thi hài mai táng tại nghĩa trang đơn vị, gần khu vực mặt trận… Người vợ sau thời thời gian mãn hạn tang, ngậm ngùi đi bước nữa. Bố mẹ già lần lượt qua đời, anh chị em thành lập gia thất, tâm linh ai nấy đều yên ổn về sự “hy sinh anh dũng” của em mình trong cuộc kháng chiến “thần thánh” trường kỳ của dân tộc…
“Thưa quý ban, tôi không phải là người mê tín, nhưng thực tế cứ vài năm cậu tôi lại nhập hồn vào cháu gái (nay đã có con) trong đó có một lần hồn cậu tha thiết đề nghị gia đình vào đón, gia đình khấn xin hồn vui lòng ở lại cùng đồng đội, hồn liền nổi khùng, mắng nhiếc, đại để: “Chúng mày chỉ biết sướng cái thân chúng mày thôi, coi tao như người dưng nước lã, chết là hết mà, ai bảo chết….” Lần gần đây nhất (trước tết 1993) hồn cậu nhập về và nói: “Nằm ở rừng cao su họ đốn cây ầm ầm không ngủ được.”
Với tư cách là cháu ruột, làm việc tại Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội của tỉnh, ông Hiệp được gia đình giao phần việc tìm mộ cậu. Điểm lại những gương mặt bạn bè, người thân của cậu từ thời điểm cùng nhập ngũ năm 1960, ông may mắn tìm được địa chỉ của ông Hà Thương, người cùng huyện, khác xã. Ông vội viết thư sang, lòng hồi hộp nửa tin, nửa ngờ. Ngày 5 tháng 1, 1994, ông nhận được thư trả lời. Niềm vui và nỗi thắc mắc đều tăng bội phần. Thư viết:
“Kính gửi ông Hiệp!
“Thời gian ông Sếm hy sinh vào tháng 9, 1968. Khi ấy ông Sếm là y tá cứu thương thuộc trung đội 7, đại đội 3, tiểu đoàn 1. Cả trung đội đi đánh phục kích ở quốc lộ 26, tỉnh Tây Ninh, trên đường đi Bến Cát (nay là Sông Bé) đều hy sinh.
“Hai bên đường giao thông-nơi trung đội nằm phục kích là rừng cây cao su, đường kính trung bình từ 35-40 cm. Nơi đó địa hình bằng phẳng, đất pha cát, nhưng gai xấu hổ chằng chịt, nên trung đội rất khó cơ động… và kết quả đều bị chết hết, kể cả ông Sếm.”
Hiện tại trong danh sách quy tập mộ liệt sĩ từ Tây Ninh gửi về sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Sơn La chưa có tên Đinh Văn Sếm. Ông Hiệp cũng chưa có điều kiện vào Tây Ninh, nhưng địa điểm nơi ông cậu nằm lại, do ông Thương cung cấp, trở thành “địa chỉ đỏ” đáng tin cậy… Biết đâu thấy ông còn khúc mắc trong việc tìm kiếm, hồn cậu lại trở về thông báo địa điểm rõ ràng hơn và nhất quyết bắt gia đình phải tìm vào để đưa về mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã nhà gần anh em, bè bạn, gia đình, người thân. Kẻo nằm lại ven đường quốc lộ, trong khu vực rừng cao su, tâm linh ông luôn bị “đánh thức” không thể yên nghỉ ngàn đời hoặc ngàn thu được?
Hồn ở lại bên bờ suối sát chân đồi
Anh Phạm Văn Chung là con trai duy nhất của liệt sĩ Phạm Nhuần, quê ở xã Đức Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh, hiện là công nhân phân xưởng xẻ, nhà máy gỗ Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An. Cha anh tử trận năm 1969, khi anh còn nhỏ. Hai-mươi bốn năm qua, ngoài hai tấm giấy báo tử (một của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, một của đơn vị gia đình) anh không biết thêm tin tức gì.
Năm 1993, qua bao lần hỏi han tìm kiếm phần mộ người chồng, người cha không được, mẹ anh quyết định chiêu hồn nhập mộ tại quê hương. Kết quả hồn người cha nhập vào anh Chung, hồn cứ cương quyết không chịu về mộ mới, với lý do mộ cũ đang còn, đồng thời hướng dẫn anh trực tiếp đi tìm.
Bao nhiêu năm nay tại quê hương xứ sở, mẹ con anh không hề biết ai là bạn bè đồng ngũ của bố anh còn sống trở về sau thời gian đó. Nhờ sự hướng dẫn tỉ mỉ theo tên tuổi, địa chỉ mà bố cung cấp, anh đã tìm ra ba đồng đội cũ ngay tại xã mình, cách nhà anh vẻn vẹn chục cây số (km). Cả ba người mà trước lúc mất thì bố anh đã gặp mặt, trò chuyện vui vẻ.
Thư anh viết cho ba đồng đội cũ của cha:
“Thưa quý ông. Linh hồn bố tôi cho biết trên đường hành quân đến đơn vị mới, bố tôi bị thương nặng do đạn bắn vào đầu làm mất một tai bên phải, chấn thương sọ não, gãy xương vai. Bố tôi được đưa ngay vào trạm xá, sau 1.5 giờ thì bố tôi mất, thi hài liệm trong tấm vải tăng, mặc bộ đồ đại cán, trên túi áo ngực còn đầy đủ giấy tờ. Lúc đó đơn vị có 5 người chết mà chỉ có 3 người làm nhiệm vụ mai táng, nên mai táng rất tạm bợ, cẩu thả. Hiện toàn bộ 5 ngôi mộ vẫn còn nằm lại bên bờ suối chưa được chuyển về, dù hồn họ đã tìm về đơn vị kêu cầu, báo mộng rất nhiều lần, nhưng không hề gặp được ba người chôn cất họ, bởi lẽ sau chiến tranh ba người kia vẫn còn phải nằm lại đâu đó nơi bìa rừng, sông suối và cũng đang ngày đêm kêu cầu báo mộng cho lãnh đạo đơn vị tìm đến đưa về như vô số đồng đội kém may mắn của mình mà không được.”
Để xác nhận nguồn tin, người đầu anh tìm gặp là bác Nguyễn Văn Huần, khi ấy là giao liên quân khu 559, đại đội 7, tiểu đoàn 5… Vừa gặp anh, chỉ thoáng nhắc đến tên người bạn đã khuất là Phạm Nhuần, mọi chi tiết từ 25 năm trước vụt sáng trong trí nhớ. Bác kể:
“Lúc ấy khoảng 5 giờ chiều. Bố cháu trên đường đánh trận Xa La Vân, đơn vị dừng lại ở trạm giao liên Cô Bạc. Bác đang làm nhiệm vụ giao quân cho mặt trận I, thuộc Quân khu Trường Sơn thì bố cháu đến, cả hai tay bắt mặt mừng, ôm hôn thắm thiết, mở miệng như mở máy “mày mày, tao tao, ôn nghèo, kể khổ. Khoảng 30 phút thì bác được lệnh phải quay lại đơn vị gấp vì số quân giao đã đủ. Vì kỷ luật chiến trường, bác đành ngậm ngùi bắt tay bố cháu, hẹn bằng giờ này ngày mai sẽ gặp lại. Nào ngờ, hôm sau, bác quay lại trạm, mới hay bố cháu đã hy sinh rồi, đau xót quá…
“Các bác ở mặt trận I kể lại là trong khi chờ đơn vị chuyển giao quân số (vì số trước đã chết gần hết), bố cháu nằm ngủ trên võng. Trạm bất ngờ bị oanh tạc, bố cháu nhào xuống căn hầm nhỏ bên cạnh, người xuống trước, đầu xuống sau, chưa kịp ngồi thụp xuống thì bị một mảnh rốc két văng vào đầu, phạt mất một bên tai, chém đứt phăng một mảng sọ não, gãy xương vai. Các y bác sĩ ở trạm phẫu thuật đã kịp thời băng bó, nhưng vết thương nặng, mất máu quá nhiều, nên chỉ hơn 1 tiếng sau, bố cháu đã ra đi, chẳng kịp trăng trối lại điều gì…
“Trạm giao liên Cô Bạc nằm giáp ranh giữa tỉnh Atôpơ và huyện Xa la vân, cách đường 13, rẽ về phía Nam khoảng10 km.Trạm đóng nơi đồi cao giữa rừng, xa dân bản, gần đồi là con suối nhỏ chảy qua, mùa mưa nước lũ dâng cao hung dữ, mùa khô nước róc rách reo vui. Ngay bên bờ suối là trạm của đội phẫu thuật đoàn 559, phía sau trạm cách mặt đường 13 chừng 2 km là đồi núi nhấp nhô, nhiều chỗ địa hình dốc ngược, bộ đội phải dùng tre đóng thành bậc tam cấp, để lên xuống cho dễ dàng.”
Bần thần xúc động trước nguồn tin vừa xác nhận, theo lời “nhắn nhủ” của bố, anh Chung tìm đến nhà bác Ất, hiện đang công tác tại sở Thủy Lợi, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1969, bác Ất là y tá đơn vị 968, (đơn vị chuyên vận chuyển lương thực và vũ khí trên đường thủy sông Cê Kông). Bác Ất kể:
“Chiều hôm ấy, đơn vị dừng lại trạm giao liên Cô Bạc, máy bay Mỹ đến oanh tạc, bố cháu bị thương đưa vào trạm phẫu, bác chỉ kịp băng bó qua loa rồi lại phải theo đơn vị hành quân ngay vì tình hình chiến trường gấp gáp lắm. Trạm phẫu thuật nằm ở tỉnh Atôpơ gần thị trấn Atôpơ đi theo đường sông Cê kông 2 km thì gặp con suối chảy ở đồi Phù Luông ra… Bố cháu bị thương rất nặng, bác biết với tình hình phẫu thuật, và tình trạng sức khoẻ ngàn cân treo sợi tóc như thế thì khó lòng qua khỏi… Nói chung chỉ bom đạn tránh người, chứ người không tránh khỏi bom đạn được. Quy luật của chiến tranh ác nghiệt lắm, hành quân trên đường thủy mà vài phút lại có người bần thần thốt lên: ‘Thằng nớ ăn bom rồi, chiều qua vừa ăn cơm chia tay nó xong… ai dè;’ Hoặc: ‘Cô nớ trẻ người, gan như rứa mà cũng bị bom ăn hết cả tứ chi, còn trơ lại một mẩu người, tội quá hè’… Bố cháu cũng không nằm ngoài quy luật đó, không được phép lựa chọn sự sống cho mình. Khi chết, bố cháu cùng đồng đội nằm lại bên bờ suối, sát chân đồi Phù Luông…”
Rời nhà bác Ất, anh quay lại địa chỉ cuối cùng ở gần nhà là bác Kỳ, hiện nghỉ hưu tại xã. Biết rõ lý do anh đến, bác ngậm ngùi nói:
“Hôm ấy là ngày 18 tháng 6, 1969 trên đường vào Nam, qua trạm giao liên Cô Bạc, bác dừng lại nghỉ và nhìn thấy bác Huân, cả hai mừng mừng, tủi tủi, hỏi thăm về bố cháu thì bác Huân nói bố cháu vừa chết cách đó hai ngày. Cái chết của bố cháu được bác Huân kể lại tỉ mỉ, rất trùng khít với những gì các y tá, bác sĩ trong trạm phẫu thuật nói với bác sau đó. Thương bố cháu quá mà chẳng biết làm thế nào, chiến tranh là thế đấy cháu ạ, chết như ngả rạ, chết bất đắc kỳ tử, chết mọi nơi, mọi lúc, trên đường hành quân, khi đang nằm võng, giữa bữa ăn trưa, trong giấc ngủ vùi, v.v. đường ra trận mùa nào cũng kinh hãi rợn người, đến mức các bác phải đọc vè cho nhau nghe:
Nam chuồn, Hà bốc, Thái Bình bay
Hải Hưng anh dũng trốn ban ngày
Thanh Hoá mất mùa xin ở lại
Nghệ An thấy thế cũng giơ tay.
“Thế mà cái thằng cha căng, chú kiết Phạm Tiến Duật nào đó lại dám viết sằng, nói bậy rằng: ‘Đường ra trận mùa này đẹp lắm.’ Hóa ra tạo ra sự sống là điều kỳ diệu vĩ đại của thượng đế, còn tạo ra cái chết lại là là điều ‘ngu kỳ diệu’ của các nhà thơ, nghệ sĩ? Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng tuốt gươm ra sa trường, đi vào chỗ chết như đi vào chỗ không người, để lại con côi, vợ goá…”
Điều làm anh băn khoăn nhất là suốt cả thời gian dài trước khi mất, bố anh không hề gặp bác Kỳ, sao khi báo mộng vẫn cho tên và địa chỉ để anh tìm đến xác nhận sự ra đi của người? Và vẽ sơ đồ tỉ mỉ từng gốc cây, hòn đá để anh và mẹ không bỡ ngỡ khi tìm đến…
Cũng từng ấy năm, các bác theo đuổi con đường binh nghiệp, nghỉ hưu mới về lại quê nhà, sao bố anh cũng biết mà báo? Không lẽ hai-mươi bốn năm trời qua, linh hồn bố anh vẫn tìm về bên họ, những người bạn của một thời cùng tại ngũ? Cũng như quanh quẩn bên hai mẹ con để phù hộ, độ trì cho hai mẹ con được dồi dào sức khoẻ, thu nhập ổn định, cuộc sống yên bình… Còn bây giờ, khi biết rõ ý định của mẹ, bố anh đã kịp thời báo mộng để chỉ dẫn cụ thể đường đi, nước bước, giúp hai mẹ con dễ dàng tìm đến tận nơi để thắp hương tạ tội với thổ thần thổ địa rồi đưa hài cốt về, mới chịu chiêu hồn nhập vào mộ mới, ngay nghĩa trang xã nhà.
Điều lý giải xin nhường bạn đọc…
Hà Nội 3 tháng 10, 1996
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.