Tám vạn năm, một kiếp người

*Đọc 7 phút*

Photo: Sao chổi C/2023 A3, hay Tsuchinshan-ATLAS, được phi hành gia Hoa Kỳ Matthew Dominick của NASA chụp hình vào ngày 22 tháng 9, 2024 bằng máy đặt trên Trạm Không Gian Quốc Tế. Khi đó sao chổi đang cách xa Trái Đất khoảng 99.4 triệu dặm. (Matthew Dominick/ NASA/ Wikimedia Commons)

Bài PHÚC QUỲNH

Năm giờ sáng, ngày Hạ cũng như ngày Đông, tôi uể oải lăn ra khỏi giường, đầu còn nặng đặc, lờ đờ trong cơn mê ngủ nhưng vẫn cố gắng tự đẩy mình đứng dậy với lời nhắc nhở vốn đã nhập tâm, “Hôm nay hãy sống cho sự an vui của người khác. Hãy cố lên! Cố lên!” Sau mươi phút làm vệ sinh, tắm rửa ở tầng trên, tôi tươi tỉnh tận hưởng khoảng thời gian quý giá, hiếm hoi nhất dành cho riêng mình ở dưới phòng garage: thắp hương, lễ Phật, niệm Phật, niệm chú, ngồi thiền. Không gian tâm linh của tôi, và của vợ, là gian phòng tuy đơn sơ nhưng trầm ấm ấy.

Đến sau 6 giờ sáng, một ngày trầm luân của tôi mới thật sự bắt đầu, với thông lệ mang găng tay để lau chùi hành lang, giật bồn cầu phòng vệ sinh ở tầng dưới, dọn dẹp phòng mẹ tôi. Sáng nào hên thì hành lang, phòng mẹ, phòng vệ sinh chỉ có một, hai bãi nước tiểu, nước phân; còn sáng hôm ấy, hôm tôi được nghe tin về một chòm sao chổi đang hướng về Trái Đất, khắp “bốn vùng chiến thuật” đều rải rác những bãi “mìn” nối tiếp nhau, từ giường trong phòng ngủ ra đến hành lang và vào phòng vệ sinh. Nhỏ như đồng tiền, có, lớn như bàn tay, có, cỡ nào cũng có, cũng nồng mùi. Mở cửa phóng ra ngoài sân, tôi chộp lấy hai cây lau nhà để sẵn cạnh tường, một cây để chùi sạch trực tiếp mớ “mìn,” một cây để rà quét sàn nhà với thuốc khử mùi hôi. Mỗi lần trở ra sân với hai cây “giáo mác” trong tay, tôi hít thật sâu từng luồng không khí trong lành, mát lạnh của sáng ban mai vào buồng phổi, cố gắng thanh lọc sự ô uế đang bám chặt trong cơ thể. Có lúc tôi mong sao công việc đượm mùi tanh nồng này sớm chấm dứt.

Trước 7 giờ thì tôi xong việc thay khăn trải giường phòng mẹ, cho bà uống sữa, uống thuốc, chất đầy hũ kẹo ho cho bà, mở tivi cho bà coi. Thay quần áo sạch, tôi hớp miếng cà phê còn ấm, cầm theo một trái cam, trái quít, hay trái táo, nói với vợ vài câu rồi hấp tấp bước ra xe phóng tới sở làm ở Garden Grove, cạnh thành phố Westminster nơi chúng tôi ở. Sở mới này cần tôi làm vài tiếng mỗi sáng. Sở cũ từng cho tôi làm việc ở nhà, nên tôi vừa làm vừa chăm sóc mẹ được, nhưng đến cuối năm rồi thì sở cũ cho tôi nghỉ luôn mà không rõ tại sao. Hết duyên, mười năm rồi chớ ít đâu! Long đong mấy tháng, may sao tôi được sở khác cho nhận việc dù đã quá sáu-mươi, không còn nhanh nhẹn, nạp đơn ở đâu cũng bị chê khéo là “dư thừa điều kiện.” Nhờ lao động với các đồng nghiệp mà đa số cỡ tuổi con mình, tôi được tăng thêm tính khiêm tốn, thấm hiểu sâu hơn lời Kinh: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, quá khứ đã đoạn tận, tương lai thì chưa tới, chỉ có Pháp hiện tại, tuệ quán chính ở đây,….”

Trên đường đến sở mới sáng thứ Sáu hôm ấy, tôi được nghe một tin thú vị từ một đài phát thanh Mỹ ở Los Angeles. Họ nói về một chòm sao chổi sắp xuất hiện trên vòm trời Trái Đất, chỉ cách cõi Ta Bà có… 44 triệu dặm vào thứ Bảy, ngày 12 tháng 10, 2024. “Comet” này được các nhà thiên văn học Trung Hoa và Nam Phi cùng khám phá vào năm ngoái. Họ đặt cho sao chổi một cái tên khoa học là C/2023 A3 và một tên khác là Tsuchinshan-ATLAS. Tôi đoán Tsuchinshan là tên của đài thiên văn trên núi Tử Kim Sơn bên Trung Quốc.

Họ nói mỗi buổi tối sau giờ hoàng hôn từ thứ Bảy đến hết tháng Mười thì người trên Trái Đất có thể thấy sao chổi này, tức là trong hơn nửa tháng. Lần kế tiếp sao chổi Tử Kim Sơn bay gần cõi Ta Bà và có thể nhận ra được như vậy là 80,000 năm nữa. Họ nói thêm rằng 80,000 năm trước sao chổi này có lẽ đã được thấy bởi người tiền sử ở Phi Châu. Vì một lẽ nào đó, con số 80,000 đã ám ảnh tôi suốt sáng hôm đó. Tám vạn. Một con số từ ngoài vũ trụ.

Trưa, trở về với thực tại ở nhà, tôi tiếp tục lau chùi nước tiểu, phân với hai cây “giáo” mà đầu lông không còn màu trắng tinh như khi mới mua ở tiệm. Bữa nay không phải giặt đồ. Tôi cho mẹ ăn cháo lỏng, uống thuốc vào buổi trưa, buổi chiều. Giờ bà không còn đòi ăn các món khiến tôi phải tất bật chạy xuống phố Bolsa mua cho bà, như tôm rang muối, cháo lòng, bún chả, mấy thứ mà vợ chồng chúng tôi không thể chia xẻ vì chúng tôi ăn chay. Giờ bà bị bệnh Alzheimer, không còn trí nhớ để kiểm soát sự bài tiết, nhưng vẫn giữ bản tính ương ngạnh cố hữu, nhất định không mặc tã, lại thêm không mặc quần lót, chỉ mang váy che phần dưới cơ thể. Thế nên mỗi lần cơ thể cần bài tiết, bà rải “mìn” khắp “bốn vùng chiến thuật.” Khiếp. Lại phải mang găng tay ra trận thôi!

Vợ tôi mang bệnh Parkinson’s Disease, không thể giúp chồng nhiều trong việc chăm sóc mẹ, ngoài việc canh chừng bà khi tôi ở sở. Kể cũng lạ, thời thơ ấu ở Việt Nam, tôi luôn mong được thoát ly mỗi khi bị mẹ đánh đập, có khi bật cả máu chảy từ đầu xuống chân. Mẹ tôi nóng tánh, hung dữ, thường hét lớn trấn áp kẻ đối diện, vớ được gì trong tay thì cầm đánh con, lại thêm bệnh hoang tưởng mà sau này tôi mới biết bà có bệnh tâm thần. Em tôi cũng vậy, cũng có vấn đề về tâm thần. Cha tôi đi lính, tử trận khi tôi được năm tuổi. Tôi may mắn, bị đánh u đầu long óc mà vẫn học khá, chắc nhờ còn chút ít não tốt sót lại ở đâu đó, chỉ có cái tội hiền, chậm, không hiểu ý mẹ nên thường bị ăn đòn.

Khoảng mười năm trước, mẹ sống với em tôi trong một khu mobile home ở Westminster đây. Mỗi buổi tối sau giờ làm việc tôi đều ghé thăm mẹ và em. Em có vấn đề như tôi đã nói, thêm tai biến mạch máu não nên bị liệt một phần cơ thể. Thấy mẹ đã luống tuổi, em bị bệnh, tôi thường nói trấn an họ rằng nếu mẹ chết trước thì tôi sẽ nuôi em, còn nếu em chết trước thì tôi sẽ lo cho mẹ. Sáu năm trước, em bị tai biến mạch máu não một lần nữa, và lần này em đi luôn. Giữ lời hứa, tôi đưa mẹ về nhà mình. Và từ đó, không một ngày nào tôi được yên với mẹ.

Mấy năm đầu còn khỏe mạnh, mỗi khi không vừa ý chuyện gì hay khi lên cơn điên, bà mắng tôi là “thằng khốn nạn.” Và hầu như ngày nào tôi cũng “được” gọi như vậy. Có anh lớn tuổi đã về hưu sống sau nhà, lần kia bà hét “thằng khốn nạn” lớn quá khiến anh kinh hãi muốn dọn đi, tôi phải năn nỉ lắm anh mới ở lại để chia xẻ tiền nhà với chúng tôi. Vợ tôi cũng bị vạ lây, bị gọi “con” này, “con” kia; vợ còn hiền hơn tôi, lâm bệnh chắc cũng vì vậy. Nàng thường đến chùa niệm Phật, vừa được miên mật theo pháp môn tu của mình, vừa giải tỏa sự phiền não do xung đột trong nhà gây ra.

Mấy tháng rồi mẹ tôi bị Alzheimer, ngày càng trầm trọng, bác sĩ có cho thuốc uống nhưng cũng như không, mỗi ngày bà “xịt” mìn chừng chục lần khiến cho tôi phải mang hai cây “giáo” ra trận lau dọn. Được cái bà không còn hung dữ, chưởi mắng thằng con (nay đã trở thành một chiến binh tinh nhuệ ngành vệ sinh), chỉ bướng bỉnh không nghe lời, không chịu mặc tã, mặc quần. Tôi phải khóa cửa phòng Phật dưới garage sau mấy lần bà xuống thả “mìn” ở dưới đó. Mấy bạn quen từng có kinh nghiệm nuôi người già khuyên tôi hãy đưa mẹ vào viện dưỡng lão, họ nói bà không còn trí nhớ, không còn khả năng điều tiết hoạt động sinh lý, càng ngày càng làm khổ con cái, hãy để công việc chăm sóc cho người chuyên môn. Tôi lưỡng lự.

Đêm thứ Bảy, nhớ bản tin về sao chổi Tử Kim Sơn, tôi ra sân tìm một chỗ ngồi nhìn lên bầu trời. Gần nửa đêm, đã quá giờ sao chổi xuất hiện. Mà có ra sân đúng thời điểm thì cũng không thể nào thấy sao chổi này, không thể ở đây. Khung trời hẹp, bị lấn thêm bởi cột điện, mái nhà, bị chia cắt với những hàng dây điện, dây cáp, nhánh lá. Bóng đêm bị che lấp đa phần bởi ánh đèn thành phố, ánh trăng khuyết. Vậy mà vẫn còn một khoảng bầu trời đêm cho tôi ngửa đầu nhìn ngắm, nhìn thật lâu vào trong vũ trụ xa thẳm, để thấy những ngôi sao hiện rõ dần, có lúc tưởng chừng như ánh sao chớp tắt chậm rãi theo từng nhịp thở. Có lẽ tôi đã đến đây từ một vùng đen thẫm giữa các vì sao, và có lẽ tôi sẽ trở về nơi thẫm đen ấy trong cuộc hành trình vô hạn kiếp.

Tám vạn năm. Phải đợi tám vạn năm sau mới có dịp thấy sao chổi Tử Kim Sơn. Tám vạn năm ấy đâu có chi lâu! Trong Kinh, Phật kể chuyện một con rùa mù sống vô lượng kiếp, mỗi một trăm năm mới trồi lên mặt biển một lần để tìm cái bọng cây có một lỗ trôi dạt trên biển cả mênh mông. Phật bảo, có được thân người còn khó hơn rùa mù gặp bọng cây, nên phải biết quý cái thân người này, sống sao cho có ý nghĩa với nó, dù biết thân đó chỉ là giả tạm. Dùng thân người để tu hành theo lời Phật chỉ dạy, nhưng tu làm sao đây? Tụng Kinh, niệm Phật, xây chùa, đắp tượng, bố thí, mặc áo tràng, lần chuỗi hạt, ăn chay, cúng dường, như thế và như thế?

Đêm đã khuya. Sương lạnh đã xuống. Có tiếng chân di chuyển trong hành lang. Tôi thôi nhìn lên bầu trời. Hai cây giáo dựng ở góc sân nhắc nhở lời nguyện nhập tâm mỗi sáng thức giấc. Hãy cố lên! Hãy chiến thắng chính mình. Tám vạn năm, đâu có chi lâu. Còn sớm chán so với một cơ hội tương lai được trở lại làm người.


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *