Tin tức Phật Giáo thế giới tuần thứ 4 tháng 9, 2024

*Đọc 6 phút*

DIỆU ÂM lược dịch

ẤN ĐỘ: Đỉnh núi ở Mon Tawang được đặt tên Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 6

Một đội của Viện Leo Núi và Thể Thao Mạo Hiểm Quốc Gia (National Institute of Mountaineering and Adventure Sports / NIMAS) đã thành công khi leo một đỉnh núi cao 20,942 feet ở dãy Gorichen thuộc Hy Mã Lạp Sơn, tỉnh Arunachal Pradesh, Ấn Độ ở vùng Tawang-West Kamen, theo thông báo của NIMAS vào ngày 25-9-2024. Thông báo cũng cho biết đây là lần đầu tiên đỉnh núi này được chinh phục.

Đỉnh núi Arunachal là một trong những đỉnh núi đòi hỏi có kỹ thuật khó khăn nhất và chưa được khám phá trong khu vực. Sau khi vượt qua những thử thách như những vách băng dựng đứng, khe nứt nguy hiểm và sông băng dài 2 cây số (km), đội NIMAS đã đặt tên cho đỉnh núi là “Đỉnh Tsangyang Gyatso” để vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 Rigzen Tsangyang Gyatso.

Đức Đạt Lai Lạt Ma Rigzen Tsangyang Gyatso sinh ra trong một gia đình người Monpa ở làng Ugyenling, huyện Tawang, Arunachal Pradesh vào năm 1683. Ngài được công nhận là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 tại cung điện Potala, Tây Tạng.

Sự việc người từ Ấn Độ đặt tên cho đỉnh núi cũng đã gây chỉ trích từ phía Trung Cộng.

Đội NIMAS leo thành công một đỉnh núi chưa từng được chinh phục và đặt tên Lạt ma thứ 6. (Photo: X/@PemaKhanduBJP)

MIẾN ĐIỆN: 1,900 ngôi chùa ở Bagan cần được sửa chữa

Mưa lớn và lũ lụt trong mùa mưa gần đây đã gây thiệt hại cho khoảng 1,900 ngôi chùa tại khu Di Sản Thế Giới UNESCO Bagan, và nhiều ngôi chùa Phật giáo cổ hiện đang có nguy cơ sụp đổ.

Ông Thura Aung, cựu thư ký của Hiệp Hội Khảo Cổ Học Miến Điện cho biết tình trạng xuống cấp của các ngôi chùa trong vài tháng qua – nhiều ngôi chùa trong số đó được xây dựng từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 – là hậu quả của nhiều năm không được bảo tồn đầy đủ,

Ngoài ra, cuộc đảo chánh của quân đội năm 2021 và cuộc giao tranh giữa các phe phái trong khu vực sau đó đã khiến Khu Khảo Cổ Bagan thiếu nhân sự, ông Thura Aung cho biết thêm.

Ông nói với RFA, “Bagan là một khu vực rộng lớn với nhiều đền chùa, nhưng lực lượng lao động hiện có lại không đủ. Không có kế hoạch nào được đưa ra để giải quyết vấn đề nhân sự.”

Một ngôi chùa bị lụt cạnh sông Ayeyarwady, Miến Điện trong hình chụp ngày 24 tháng 9, 2024. (Insightmyanmar / Instagram)

THÁI LAN: Phetchabun tổ chức lễ truyền thống Um Phra Dam Nam

Để bảo tồn truyền thống Phật giáo đặc sắc, tỉnh Phetchabun ở bắc Thái Lan đã tổ chức Lễ Um Phra Dam Nam bắt đầu từ ngày 27-9 đến ngày 6-10.

Theo truyền thuyết, một tượng Phật xuất hiện ở Sông Pa Sak trong thời kỳ Ayutthaya là thủ đô của Vương Quốc Siam (1350-1767). Pho tượng Phật ngồi bằng đồng được gọi là Phra Phuttha Maha Dhamma Racha, xuất hiện giữa dòng nước xoáy trong một ngày bất thường khi không ai bắt được cá và bầu trời tối sầm lại.

Tương truyền pho tượng Phật này được khắc tạo dưới thời trị vì của Vua Jayavarman VII (1122-1218) của Đế Chế Khmer. Sau khi được lưu giữ tại chùa Wat Tri Phum, tượng đã biến mất bí ẩn vào đầu tuần trăng tháng 10 một năm sau đó. Khi tượng được tìm thấy trên sông Pa Sak, dân làng bắt đầu tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm với cầu mong nhận được phước lành, sự sung túc và sống hòa hợp với thiên nhiên.

Năm nay, chùa Wat Tri Phum tổ chức lễ cúng vào ngày 1-10 và sẽ có lễ rước tượng Phật Phra Phuttha Maha Dhamma Racha. Vào ngày hôm sau, người dân được xem diễn hành dọc theo bờ sông và nghi lễ rước tượng tại chùa Wat Bot Chana Man, tại địa điểm ban đầu nơi pho tượng được phát hiện.

Hình ảnh Lễ Um Phra Dam Nam tại tỉnh Phetchabun (Photo courtesy of Bangkok Post)

HOA KỲ: 120 nhà sư sắp đến New York truyền bá thiền an lạc

Bắt đầu từ ngày 8-10-2024, Sư Jin Woo, Tổng Thư Ký của Phật phái Đại Hàn Jogye (Tào Khê) cùng 120 tăng sĩ Phật giáo sẽ có mặt tại Thành Phố New York trong một tuần để tham dự các cuộc họp và sự kiện quan trọng. Mục tiêu chính của chuyến thăm là truyền bá kiến thức của thực hành thiền Seon truyền thống, vốn cuối cùng có thể mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người.

Tuần lễ đặc biệt được bắt đầu với buổi đối thoại sâu sắc giữa Sư Jin Woo và Tiến Sĩ Menas Kafatos – tác giả, nhà vật lý và triết gia nổi tiếng – về sự giao thoa giữa thiền Seon của Đại Hàn và Cơ Học Lượng Tử từ 7-9 pm chiếu ngày 9-10-2024

Sau đó, ngày 10-10, phái đoàn sẽ đến Đại Học Yale để nói về thiền Seon và truyền thông Đại Hàn. Nhân dịp này, tông phái Phật Giáo Đại Hàn này sẽ tổ chức lễ ký kết cam kết tài trợ $1 triệu mỹ kim cho Đại Học Yale để hỗ trợ sự phát triển và nghiên cứu Phật Giáo Đại Hàn.

Vào ngày 11-10, phái đoàn Jogye sẽ đến thăm trụ sở Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Về Người Tị Nạn (UNHCR) và công bố tặng $200,000 cho Quỹ Cứu Trợ Người Tị Nạn thông qua Dreaminus, một công ty phúc lợi công cộng do Giáo Hội Phật Giáo Đại Hàn thành lập.

Sư Jin Woo, Tổng Thư Ký của Phật Phái Đại Hàn Tào Khê (Photo: Jogye Order of Korean Buddhism)

HOA KỲ: Dự Án Cưu-Ma-La-Thập vận động dịch kinh điển Tây Tạng sang Hoa ngữ

Nhân dịp Rằm Tháng Tám âm lịch vừa qua, vào ngày 17-9, Dự Án Kumarajiva – một sáng kiến dịch thuật của Hội Khyentse (Foundation) đặt trụ sở tai San Francisco – đã giới thiệu nguồn tài nguyên trực tuyến miễn phí mới do Thầy Dzongsar Khyentse Rinpoche khởi xướng.

Nguồn trực tuyến này có tên là “Tự Hồi Phục Sáng Tạo” nhằm mục đích cung cấp “một bộ công cụ hạnh phúc, sức khỏe tinh thần và khả năng phục hồi trong những thời điểm căng thẳng và đầy thử thách về mặt cảm xúc.”

(Khyentse Foundation)

Dự Án Kumarajiva cho biết, “Thông qua lăng kính của 5 yếu tố (không gian, gió, nước, đất và lửa), dự án này cung cấp các công cụ tâm lý sáng tạo và độc đáo để giúp mọi người làm chủ tâm trí của chính mình và chuyển hóa những thử thách về mặt cảm xúc thành niềm vui của nhận thức.”

Được Hội Khyentse khởi xướng vào mùa hè năm 2019, Dự Án Kumarajiva là nhằm dịch các văn bản Phật giáo kinh điển từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Trung Hoa trong vòng 60 năm.

Kumarajiva là tên tiếng Phạn của ngài Cưu-Ma-La-Thập. Theo Wikipedia, Cưu-Ma-La-thập sinh năm 344, mất năm 413 là một dịch giả Phật học nổi tiếng, chuyên dịch kinh sách từ tiếng Phạn ra tiếng Hán.

Lạt Ma Dzongsar Khyentse Rinpoche (Khyentse Foundation)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *