Sao con người thường ngộ nhận?

*Đọc 3 phút*

Bìm bìm, hoa của tháng Chín (Photo: PiccoloNamek / Wikimedia Commons)

Thơ ĐÀO VĂN BÌNH

Bạn ơi,
Giữa thiện và ác,
Giữa đúng và sai,
Giữa mê và ngộ.
Giữa tà giáo và chánh đạo,
Giữa tốt đẹp và xấu xa,
Giữa chân thực và giả dối.
Dễ mấy ai phân biệt được.
Chỉ vì vọng chấp vào Thanh-Hương-Vị-Xúc-Pháp cho nên không nhìn thấy bản thể chân như của vạn pháp.
Hoặc vì thương-ghét cũng làm cho hình ảnh méo mó đi.
Như Hương Hải thiền sư kệ tụng: (1)
“Hoặc thị hoặc phi nhân mạc thức”.

Bạn ơi,
Lịch sự duyên dáng chẳng phải là điệu bộ.
Khen không có nghĩa là xu nịnh.
Hiền không có nghĩa ngu si.
Nói cho nhiều chưa hẳn là trí tuệ.
Hoạt bát không phải là những lời sáo rỗng.
Can đảm không có nghĩa hung hăng, bạo động.
Sang không có nghĩa khoe của cải của mình.
Nhường nhịn không có nghĩa là hèn nhát.
Im lặng không phải là không biết.
Khiêm tốn không có nghĩa là thua.
Thua là sau khi đấu tranh thất bại.
Hứa ít ít có khi còn tin được.
Hứa cho nhiều chỉ lường gạt mà thôi.
Âm nhạc du dương và lễ nghi huyền bí.
Thần thánh kia kìa hãy cúi lạy đi con.
Sẽ bất tử và muốn gì cũng có.
Đó là tà pháp dụ con người khờ dại.
Không đổ mồ hôi sao có bát cơm?
Đạo chân chính là dùng trí và sức mình nỗ lực.
Như học trò muốn thi đậu phải chăm học mà thôi.

Bạn ơi,
Đại trí tuệ không phải là khoe kiến thức.
Nghèo không phải là tội với ai.
Người trông xấu không có nghĩa tâm hồn không đẹp.
Thấp bé nhiều khi trí tuệ tuyệt vời.
Ông Án Anh làm quan tể tướng hai đời.
Và cả cụ Mạc Đĩnh Chi nước Việt.
Đẹp chưa chắc tâm hồn đã đẹp.
Tinh tấn không có nghĩa vội vàng.
Tu vài tháng vài năm sao thành Phật?
Dù đốn ngộ nhưng vẫn cần tu tiệm.
Chư tổ dạy rằng phải phước-huệ song tu.
Tu phước là năng làm thiện nguyện, cúng dường, bố thí.
Tu huệ là giữ cho tâm hồn thanh tịnh.
Hễ tâm luyến vào cảnh thì trí tuệ lu mờ.
Khi tâm không thì trí tuệ tự nhiên ngời sáng.
Đó chính là “Đối cảnh vô tâm” Phật Hoàng Trần Nhân Tông dạy thế.
Ngủ ngồi, ngủ đứng không có nghĩa là thánh quả.
Ngủ ở gốc cây gò mả không phải Phật đã thành.
Đừng nhìn vào Ăn -Mặc – Ở mà đánh giá người tu. (2)
Hãy qua Mỹ mà xem hơn bảy trăm ngàn người vô gia cư.
Họ chui rúc ở góc phố, lùm cây và dưới chân cầu xa lộ,
Vô cùng hôi thối,
Và thường xuyên bị xua đuổi.
Và chẳng có ai tới vái lạy cúng dường.
Họ chẳng còn thân thích và chẳng có tình thương.
Họ tịnh khẩu như những người câm điếc.
Họ chẳng bao giờ tranh cãi.
Họ đoạn diệt tất cả.
Họ còn khổ hơn cả người tu.
Sao họ không thành Phật?
Thành Phật là đại trí tuệ chứ không phải hành xác và học lóm vài câu kinh kệ,
Và đi lang thang để cho mọi người biết tôi tu khổ hạnh đây này.

Bạn ơi,
Đừng tưởng chết đi là hết.
Chết đi rồi nghiệp chướng vẫn còn.
Chúng ta hưởng bao nhiêu điều tốt từ cha ông để lại,
Và biết bao tai họa do người trước tạo ra.
Cho nên sống kiếp này phải biết lo xa.
Đừng có để cháu con mình gánh quả.

Bạn ơi,
Là tán loạn.
Khi thấy người tu pháp đó,
Rồi chạy theo, bỏ bạn bỏ thầy.
Tu ít tháng, ít ngày rồi vỡ mộng.
Sao không tự hỏi,
Và quán xét.
Bị bệnh gì thì uống thuốc ấy mà thôi,
Chớ uống thuốc của người.
Chỉ một pháp môn tu là đủ.
Pháp nào cũng thành Phật,
Nếu tu đàng hoàng tới chốn tới nơi.

Này bạn ơi,
Ngày nay ma quỷ sống chung với người nhiều lắm.
Lương tâm người như đống rác ven đường.
Muốn hạ ai chỉ cần gán ghép tấm hình,
Rồi chua thêm vài câu kết tội.
Rồi viết một vài bài bóp méo.
Dân hiếu động đua nhau bàn tán,
Người thiện lương đành chịu kẻ hung tàn.
Thế giới này như địa ngục trần gian.
Như loài thú tranh nhau xẻ thịt.
Không ngộ nhận phải theo đường Bát Chánh. (3)
Có Chánh Kiến rồi mới tới Chánh Tư Duy.
Không nhìn đời bằng con mắt thị phi.
Không thương-ghét và không kỳ thị.
Khi đó không giống như dây xỏ mũi.
Bị dòng đời lôi kéo như trâu.
Giữa hỗn loạn mà tâm ta an tĩnh.
Tu gì tu chỉ nội một tâm này.

Thiện Quả Đào Văn Bình

(1) Kệ tụng của Hương Hải Thiền Sư đời Vua Lê Dụ Tông (trong Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục của HT. Thích Thanh Từ)
Hoặc thị hoặc phi nhân mạc thức.
Nghịch hạnh thuận hạnh thiên mạc trắc.
Cách sơn nhân xướng giá-cô từ.
Thác nhận sáo Hồ thập bát phách.

(2) Bài giảng của sư Thanh Minh chùa Phúc Minh, Thái Bình
(3) Bát Chánh Đạo


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *