DIỆU ÂM lược dịch
TÍCH LAN: Tài tử đóng vai Phật khởi xướng hành hương từ Ấn Độ đến Tích Lan
Anh Gagan Malik, một nam tài tử Ấn Độ nổi tiếng với vai diễn Thái Tử Tất Đạt Đa trong bộ phim ‘Tất Đạt Đa Cồ Đàm’, đã quảng bá cho Phật tử Ấn Độ hành hương đến Tích Lan.
Cùng 65 Phật tử hành hương từ Maharatshtra, Madhya Pradesh và Telengana, Ấn Độ, diễn viên đa tài và là nhà hoạt động Phật giáo này, đã đến thăm Thủ Tướng Tích Lan Dinesh Gunawardena tại dinh thủ tướng được gọi là Đền Cây ở thủ đô Colombo vào ngày 4-9-2024.
Thủ tướng chào đón nhóm hành hương và cho biết ông quyết định gặp họ vì đây là nhóm hành hương Phật giáo lớn nhất đến thăm Tích Lan trong những năm gần đây.
Thủ Tướng nói Dinesh Gunawardena, “Phật giáo là sợi dây liên kết bền chặt nhất gắn kết Ấn Độ với Tích Lan, và chúng tôi vô cùng biết ơn Hoàng Đế Ấn Độ Ashoka và con trai của ông, Arahat Mahinda, đã trao tặng cho chúng tôi món quà tuyệt vời nhất là lời dạy của Đức Phật.”
Tài tử Gagan Malik cho biết anh cam kết truyền bá Phật giáo và làm việc để quảng bá Tích Lan tại Ấn Độ và trên thế giới. Tài tử nói thêm rằng đó lý do anh đã đưa nhóm người hành hương lớn này đến Tích Lan.
“Vì Ấn Độ có hàng triệu Phật tử, nên tiềm năng hành hương Phật giáo đến Tích Lan rất là lớn,” tài tử nói.
(Source: News.lk, cơ quan truyền thông của chính phủ Tích Lan)
ĐỨC: Hội Khyentse bổ nhiệm TS Jorg Heimbel làm Giáo Sư Nghiên Cứu Phật Giáo và Tây Tạng tại Đại Học Ludwig Maximilian
Hội Khyentse, một tổ chức phi lợi nhuận do Lạt Ma Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche thành lập, đã công bố việc bổ nhiệm Tiến Sĩ Jorg Heimbel làm Giáo Sư Nghiên Cứu Phật Giáo và Tây Tạng tại Đại Học Ludwig Maximilian (LMU) ở thành phố Munich.
Tiến Sĩ Heimbel đã học ngành Tây Tạng học và Nhân Học Xã Hội tại Đại Học Gottingen và Đại Học Hamburg, nơi ông tốt nghiệp bằng Thạc Sĩ Nghệ Thuật vào năm 2007.
Ông nhận bằng Tiến Sĩ Tây Tạng Học từ trường Hamburg University vào năm 2014. Trong quá trình nghiên cứu cho bằng tiến sĩ, ông Heimbel đã tham gia Chương Trình Ngôn Ngữ Tây Tạng tại Đại Học Tây Tạng ở Lhasa và là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên Cứu Quốc tế Lâm Tì Ni ở Nepal. Sự quan tâm chính yếu của ông là lịch sử các truyền thống Phật giáo Tây Tạng và văn hóa văn bản liên quan, đặc biệt trường phái Sakya.
Hội Khyentse là một tổ chức phi lợi nhuận do Dzongsar Khyentse Rinpoche thành lập vào năm 2001. Mục đích của tổ chức này là truyền bá giáo lý của Đức Phật và hỗ trợ tất cả các truyền thống nghiên cứu và thực hành Phật giáo.
(Source: Buddhistdoor Global)
ETHIOPIA: Quỹ Phật giáo Từ Tế nuôi dưỡng trẻ em di cư ở Ethiopia
Tzu Chi Foundation (Hội Phật Giáo Từ Tế), một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Đài Loan, đã tường trình về những nỗ lực cung cấp thực phẩm cho 3,000 gia đình bị ảnh hưởng bởi nội chiến đang diễn ra tại Ethiopia, một quốc gia ở Đông Phi.
Ethiopia là nơi sinh sống của khoảng 109 triệu người, từ lâu bị nội chiến và xung đột giữa các sắc tộc.
Giai đoạn xung đột gần đây nhất, bắt đầu vào năm 2018, giữa chính phủ liên bang và nhiều nhóm dân quân khác nhau, là nguồn gốc đáng kể của các cuộc vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh, biến động xã hội và bất ổn. Mặc dù hiệp ước hòa bình đã ký kết vào năm 2022, các cuộc xung đột nội bộ lẻ tẻ vẫn tiếp diễn, cùng với hạn hán và mất mùa, đã dẫn đến một cuộc đói kém đang diễn ra.
Với mục đích cứu trợ và mang đến hy vọng trong bối cảnh hỗn loạn, hội Từ Tế đã bảo đảm bữa ăn đến tay 1,350 trẻ em tị nạn mỗi ngày, dành cho các gia đình đang phải vật lộn để sinh tồn tại ba địa điểm: Bakelo, Nhà Máy Giấy Woineshet và Trại Trung Hoa.
Hội Từ Tế đã phân phát các gói thực phẩm cho 3,000 gia đình tai ba địa điểm vào ngày 24 và 25-7-2024. Ủy ban tự quản của các trại tị nạn này, gồm 5 đại diện người tị nạn từ mỗi trại, đã đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các gia đình cần cứu trợ nhất.
(Source: Tzu Chi Foundation)
HOA KỲ: Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng được trưng bày tại Met
Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Metropolitan (Met) tại thành phố New York sẽ giới thiệu “Mạn Đà La: Vẽ Bản Đồ Nghệ Thuật Phật Giáo Tây Tạng,” một chương trình triển lãm trưng bày nhiều loại nghệ thuật Phật Giáo Hi Mã Lạp Sơn.
Chương trình khai mạc vào ngày 19-9-2024, sẽ trưng bày hơn 100 tác phẩm, gồm tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, hàng dệt may, trang phục, vũ khí, nhạc cụ và nhiều đồ vật nghi lễ khác, chủ yếu có từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15.
Triển lãm cũng sẽ có một tác phẩm sắp đặt đương đại của nghệ sĩ Tây Tạng Tenzing Rigdol, được viện bảo tàng ủy quyền thực hiện riêng cho cuộc triển lãm này.
“Mạn Đà La: Vẽ Bản Đồ Nghệ Thuật Phật Giáo Tây Tạng” nhằm mục đích cung cấp một cái nhìn toàn diện về nghệ thuật Phật giáo xứ Hy Mã Lạp Sơn và đưa ra những hiểu biết mới về ý nghĩa tôn giáo, văn hóa và nghệ thuật của đất nước đó. Triển lãm sẽ khai mạc tại Met từ ngày 19-9-2024 và kéo dài đến đầu năm 2025.
(Source: Buddhistdoor Global)
SINGAPORE: Hơn 100 người nhận bằng Phật giáo từ trường Tích Lan
Mới đây, 103 người Singapore đã nhận bằng Thạc Sĩ, Cử Nhân về Nghiên Cứu Phật Giáo từ trường Cao Đẳng Phật Giáo và Pali Singapore, một học viện trực thuộc Đại Học Phật Giáo và Pali Tích Lan. Lễ tốt nghiệp được tổ chức tại Tịnh Xá Mangala ở Singapore.
Các bằng cấp và chứng chỉ được trao tặng bởi Phó Hiệu Trưởng của Đại Học Phật Giáo và Pali Tích Lan, Thượng Tọa Neluwe Sumanawansa Thero.
Ông Senarath Dissanayake, Cao Ủy Tích Lan tại Singapore, đã là khách mời đặc biệt của buổi lễ. Ông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý các kỳ thi của Cao Đẳng Phật Giáo và Pali Singapore thông qua sự hợp tác với Đại Học Phật Giáo và Pali Tích Lan.
Trường Cao Đẳng Phật Giáo và Pali tại Singapore đã cung cấp các khóa học cấp bằng, hậu đại học, và tiến sĩ về Phật Giáo và Nghiên Cứu Phật Giáo trong 30 năm, và hàng ngàn sinh viên đã lấy được bằng cấp giáo dục từ học viện này.
Đại Học Phật giáo và Pali Tích Lan có 12 tổ chức trực thuộc trên khắp thế giới truyền bá giáo lý của Đức Phật toàn thế giới.
(Source: News.lk, cơ quan truyền thông của chính phủ Tích Lan)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.