DIỆU ÂM lược dịch
NAM HÀN: Tượng Bồ Tát thiên niên kỷ của Chùa Seollim được triển lãm tại Bảo Tàng Viện Chuncheon
Một tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng đồng mạ vàng, có từ thế kỷ thứ 8 hoặc thứ 9 sau Công Nguyên, từng bị chôn vùi dưới lòng đất, được khai quật tại Chùa Seollim ở quận Yangyang, tỉnh Gangwon, Nam Hàn.
Kể từ ngày 14-5 đến ngày 28-7, 2024, tượng này được trưng bày ở Bảo Tàng Viện Quốc Gia Chuncheon trong một cuộc triển lãm đặc biệt gọi là “Phục Hồi Ánh Sáng Từ Thời Kỳ Silla Thống Nhất.”
Sau khi được khai quật vào năm 2015, pho tượng đã trải qua một thời gian dài phục hồi và trở thành một trong những tượng Phật cổ đẹp nhất trên Bán Đảo Triều Tiên.
Khi việc phục hồi tại Trung Tâm Khoa Học Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa hoàn thành vào năm 2021, pho tượng lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng tại Bảo Tàng Viện Phật Giáo Trung Ương vào năm 2023.
Cuộc triển lãm cho thấy nghệ thuật Phật giáo của thời kỳ Silla thống nhất đã phát triển và trưởng thành như thế nào trong việc sáng tạo các nhân vật của đạo Phật.
(tipitaka.net – August 15, 2024)
ÚC: Lễ trồng cây Đại Bồ Đề Jaya Sri ở Bendigo
Để đánh dấu tình hữu nghị giữa Tích Lan và Úc, một cây non của cây Đại Bồ Đề Jaya Sri thiêng liêng đã được trồng tại Chùa Phật Giáo Bồ Đề Đạo Pháp ở Bendigo, Úc vào ngày 9-6-2024.
Trong thông điệp chính thức cho sự kiện này, Thủ Tướng Úc Anthony Albanese đã hoan nghênh cây Bồ Đề Thiêng Liêng như một món quà dành cho cộng đồng Phật tử tại Úc và cho toàn thể người dân Úc nói chung.
Trong khi ghi nhận những đóng góp lâu dài của cộng đồng Phật tử đối với Úc – một quốc gia đa văn hóa – ông bày tỏ hy vọng rằng: khi cây Bồ Đề phát triển mạnh mẽ trong sự ấm áp của đất Úc, thì các giá trị của Phật giáo về sự tôn trọng và lòng tốt cũng sẽ phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng.
Hơn 1,500 thành viên của công chúng, gồm Phật tử và không phải Phật tử từ khắp nước Úc đã đến dự buổi lễ này, trong số đó có những người từ các nền văn hóa khác nhau.
Cây bồ đề non nói trên, ban đầu được đưa đến Úc vào năm 2019, kể từ đó đã được các nhà khoa học của Bộ Nông Nghiệp Úc chăm sóc, cho đến khi đạt được kích thước và sức mạnh để trồng xuống đất.
(tipitaka.net – August 18, 2024)
HOA KỲ: Đức Đạt Lai Lạt Ma rời Miền Thượng New York
Sáng 20-8-2024, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khởi hành đến thành phố New York sau khi hoàn thành thời gian hồi phục kéo dài 6 tuần tại Nappi Farmhouse ở Syracuse, tiểu bang New York, sau ca phẫu thuật thay khớp gối thành công vào ngày 28-6. Trong thời gian lưu trú tại Nappi Farmhouse, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận được sự chăm sóc đặc biệt và làm việc tích cực với các chuyên gia vật lý trị liệu để bảo đảm quá trình hồi phục diễn ra an ổn.
Bác Sĩ David Mayman, Trưởng Khoa Phục Hồi Chức Năng và Thay Khớp Cho Người Lớn tại Bệnh Viện Phẫu Thuật Đặc Biệt ở New York, nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma dự kiến sẽ tiếp tục hồi phục trong 6 đến 12 tháng tới.
Vào ngày 22-8, các thành viên của Cộng Đồng Tây Tạng tại Bắc Mỹ sẽ cầu nguyện cho sức khỏe và tuổi thọ của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại vận động trường thể thao UBS ở thành phố New York. Sau đó, cộng đồng người Tây Tạng cũng sẽ có một buổi cầu nguyện tương tự tại sân vận động Hallenstadion Zurich, Thụy Sĩ, vào ngày 25-8. Đức Đạt Lai Lạt Ma dự kiến sẽ trở về Dharamsala, Ấn Độ vào ngày 28-8.
(dalailama.com)
ÁI NHĨ LAN: Khánh thành ngôi chùa Tây Tạng đầu tiên
Ringu Tulku Rinpoche, vị thầy đáng kính của truyền thống Phật giáo Tây Tạng Kagyu vào tháng 7 đã ban giảng pháp khánh thành ngôi chùa Dzogchen Beara mới ở Hạt Cork, tây nam Ái Nhĩ Lan.
Việc xây dựng ngôi chùa Tây Tạng này đã bắt đầu cách đây khoảng 8 năm tại trung tâm thiền và tĩnh tâm Dzogchen Beara ở mũi của Bán Đảo Beara ở West Cork. Ngôi chùa mới nói trên đã mở cửa đón công chúng lần đầu tiên vào ngày 17-7-2024.
Ngôi chùa được bao quanh bởi khuôn viên có thiết kế cảnh quan cẩn thận, chiếm một vị trí quan sát ấn tượng nhìn ra Đại Tây Dương. Tòa nhà mới này có một thiền phòng phía trên chánh điện, cũng như các tiện nghi để làm bánh lễ torma và chuẩn bị cúng dường tsok.
Năm 1997, Ringu Tulku Rinpoche thành lập tổ chức Phật giáo quốc tế Bodhicharya – một hiệp hội giáo dục và văn hóa phi lợi nhuận nhằm bảo tồn, sao chép, dịch thuật và truyền bá giáo lý Phật giáo, đồng thời thúc đẩy các cuộc đối thoại liên văn hóa cũng như các dự án giáo dục và xã hội. Rinpoche là tác giả của một số cuốn sách bằng Tạng ngữ và các ngôn ngữ châu Âu.
(Buddhistdoor Global – August 16, 2024)
NAM HÀN: Tăng sĩ dùng nhạc Pop để truyền bá Phật giáo
Tông phái Jogye của Phật giáo Nam Hàn đã công bố sự ra mắt của BTENS, một nhóm nhạc Phật giáo mới, nhằm mục đích quảng bá Thiền và giáo lý Phật giáo thông qua âm nhạc thời đại.
Nhóm bao gồm 10 tăng ni và được truyền cảm hứng từ 10 vị đại đệ tử của Đức Phật theo truyền thống Đại Thừa. Họ xuất hiện lần đầu trước công chúng tại cuộc Triển Lãm Phật Giáo Quốc Tế Busan 2024, khai mạc vào ngày 8-8-2024.
Những buổi trình diễn của họ là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của Tông Phái Jogye nhằm thu hút khán giả trẻ tuổi và giúp giáo lý Phật giáo dễ tiếp cận hơn thông qua các phương tiện hiện đại và phù hợp với văn hóa mới.
Sau khi ra mắt tại Busan, nhóm BTENS dự kiến sẽ tham gia một số sự kiện khác trong tháng 8 đến tháng 10 năm nay tại Nam Hàn và New York.
Quyết định ra mắt BTENS là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm hiện đại hóa việc trình bày giáo lý Phật giáo và làm cho chúng phù hợp hơn với xã hội đương đại. Bằng cách kết hợp các hoạt động Phật giáo truyền thống với nghệ thuật trình diễn hiện đại, Tông Phái Jogye hy vọng sẽ tạo ra một cách năng động và hấp dẫn để truyền bá các hoạt động và ý tưởng Phật giáo.
(Buddhistdoor Global – August 15, 2024)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.