Văn Tư Tu: Đọc Kinh Snp 3.12

*Đọc 16 phút*

Bài NGUYÊN GIÁC

Bài viết này trước tiên, sẽ phân tích về Văn, Tư, Tu – tức là, nghe kinh hay đọc kinh, suy nghĩ tư duy về pháp, và tu tập để giải thoát. Cuối bài sẽ dịch Kinh Snp 3.12 (Trong Kinh Tập, Tiểu Bộ) để đối chiếu nhiều cách an tâm. Đọc kỹ Kinh này, nhiều người có thể bất ngờ vì thấy Kinh này không khác Thiền Tông, không khác bài Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán, vị tổ thứ ba của Thiền Tông Trung Hoa.

Văn Tư Tu còn gọi là Tam huệ học, sẽ dẫn tới Giới Định Tuệ là Tam vô lậu học. Thời của Đức Phật chưa có chữ viết phổ biến trong xã hội, chưa có giấy mực in ấn, cho nên nghe pháp là để học. Thời nay, khi nói về Văn, tức là Nghe, có thể hiểu là đọc kinh, đọc luận. Kinh DN 33 nói rằng cả ba việc – Văn, Tư, Tu – đều dẫn tới trí tuệ. Kinh này gọi là: Văn sanh tuệ, Tư sanh tuệ, Tu sanh tuệ.

Lộ trình văn tư tu cần kiên nhẫn, vì trí tuệ cần thời gian để huân tập. Những vị có căn cơ nhanh nhạy, nghe một biết mười, hiển nhiên là đã tu nhiều kiếp, bây giờ mới có thể tiến nhanh hơn các bạn đồng song. Kinh MN 70 ghi lời Đức Phật dạy về cách huân tập trí tuệ, nhiều lần nói rằng phải từ từ. Bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau:

Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một vị có lòng tin đi đến gần; sau khi đến gần, vị ấy tỏ sự kính lễ; sau khi tỏ sự kính lễ, vị ấy lóng tai; sau khi lóng tai, vị ấy nghe pháp; sau khi nghe pháp, vị ấy thọ trì pháp; sau khi thọ trì, vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì; sau khi suy tư ý nghĩa, các pháp được chấp thuận; sau khi các pháp được chấp thuận, ước muốn sanh khởi; sau khi ước muốn sanh khởi, vị ấy nỗ lực; sau khi nỗ lực, vị ấy cân nhắc; sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần. Do tinh cần, vị ấy tự thân chứng được sự thật tối thượng, và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy.” (1)

Thỉnh thoảng, chúng ta lại nghe lời nói từ một vị Thầy dạy thiền nào đó, nói rằng “đừng đọc sách nữa.” Bản thân người viết đã từng nghe một vị sư ở California nói rằng, Thầy này không còn đọc gì nữa, vì chỉ lo tu Thiền thôi. Người viết nghe vậy, nhưng không dám trả lời, vì không ưa tranh luận. Như thế, “không đọc” là sẽ mất phần “Văn” trong lộ trình Văn Tư Tu.

Xin kể một chuyện riêng rằng, người viết từng được dạy rằng “con đừng đọc nữa,” nhưng chữ “đọc” này hoàn toàn không có nghĩa là đừng nghe pháp, đừng đọc Kinh sách. Chữ “Đừng đọc” trong Thiền Tông không có nghĩa là ngừng đọc sách, không có nghĩa là hãy quăng bỏ hết Kinh luận, mà chỉ có nghĩa là “đừng diễn giải, đừng bói chữ ra nghĩa, đừng suy luận tới abc hay xyz…” Bởi vì lời dặn “Đừng đọc” chỉ có nghĩa đơn giản là hễ hiểu thì ngay tức khắc hiểu, còn hễ suy luận là hỏng.

Nên nhớ rằng Đức Phật đã liên tục khuyến khích đệ tử phải học nhiều, tức là đa văn (nghe nhiều). Nếu có ai nói rằng không đọc nữa, có thể gặp cơ nguy chệch vào những sai lầm khó chữa. Chư tổ thời xưa phần đông đều là những người rất uyên bác.

Đức Phật trong Kinh MN 108 ca ngợi những vị học nhiều, theo bản dịch của Thầy Minh Châu như sau: “Vị ấy là bậc đa văn, thọ trì những điều đã nghe, cất chứa những điều đã nghe; những pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa, với văn, nói lên Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy đều được nghe nhiều, được thọ trì, được lời nói làm cho quen thuộc, được ý tư niệm, được chánh kiến khéo ngộ nhập.” (2)

Trong Thiền Tông, lời dạy thường nghe là hãy Thấy Tánh trước, rồi tu sau. Ý nghĩa này là cốt tủy của Thiền. Kinh Pháp Bảo Đàn cũng từng nói rằng người đã thấy tánh thì dù múa đao ra trận cũng vẫn thấy, dù cảnh thuận, cảnh nghịch cũng vẫn thấy. Vị đó sẽ không còn lúc nào không thấy tánh nữa. Thấy Tánh nơi đây là thấy Tánh Biết hiển lộ, cũng là Tánh Không vì Tánh Biết không hình dạng, không màu sắc… Còn gọi là Bản Tâm. Bổn sư của người viết khi sinh tiền từng dặn một lời rằng, “Con phải thấy tánh trước, rồi làm gì thì cũng chẳng sai.”

Thí dụ, khi nói về thọ. Chúng ta có ba thọ: thọ lạc, tức vui sướng… thọ khổ, tức buồn đau… thọ không lạc và không khổ. Nếu bất kỳ thọ nào trong ba cảm thọ này hiển lộ, hễ bạn thấy Tánh Biết hiển lộ thì bạn sẽ không bị tham tùy miên nhận chìm vào thọ lạc, bạn sẽ không bị sân tùy miên nhận chìm vào thọ khổ, và bạn sẽ không bị si tùy miên (vô minh tùy miên) nhận chìm vào thọ bất khổ bất lạc. Có nghĩa là, khi bạn thấy Tánh Biết hiển lộ rực rỡ trong tất cả các thọ, thì tham, sân, si biến mất từ từ. Bây giờ, thấy lại ý này trong Kinh MN 148, bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau:

Vị ấy cảm xúc lạc thọ, mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ, mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra.” (3)

Kinh Snp 3.12 nêu lên nhiều cửa để giải thoát, nơi đây ghi lại các cửa căn bản:

– cách thứ nhất, giải thoát bằng trí tuệ, tức là lời dạy của Thiền Tông, thấy khổ và biết khổ (không đọc, không diễn giải, không suy luận…). Còn gọi là biết trực tiếp (thắng tri) sẽ dẫn tới hiểu đầy đủ (liễu tri).

– cách thứ nhì, đừng bám víu, đừng nắm giữ (vô sở trụ).

– cách thứ ba, đoạn tận hành, tức là đừng chọn lựa gì cả, đừng ưa hay ghét, đừng thuận hay nghịch. Ngài Tăng Xán viết trong Tín Tâm Minh: Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch, Đản mạc tắng ái, đỗng nhiên minh bạch. (Đạo tột cùng không khó, chỉ hiềm chọn lựa, Chỉ đừng yêu ghét thì rõ ràng minh bạch).

– cách thứ tư, là vô niệm, đoạn tận thức. Bạn chỉ cần tự nhủ rằng “Không biết” trong mọi thời, thì tham sân si không có chỗ xuất hiện.

– cách thứ năm, là hiểu rõ xúc (completely understand contact). Đây cũng là cách thứ nhất đã nói, nhưng lấy Tánh Biết hướng về xúc.

– cách thứ sáu, lấy Tánh Biết hướng về thọ (tương tự đã nói nơi trên, trong Kinh MN 148).

– cách thứ bảy là đoạn thực (4 loại thức ăn). Thiền Tông: lấy ruộng của dân cày, lấy cơm của kẻ đói.

– và một số cách khác.

Sau đây, xin dịch Kinh Snp 3.12, dựa theo các bản Anh dịch của các ngài Sujato, Thanissaro, John D. Ireland và bản Việt dịch của Thầy Minh Châu. (4)

Kinh Dvayatānupassanāsutta (Snp 3.12)

Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Phật đang cư ngụ gần Sāvatthī, trong ngôi nhà sàn dài của mẹ của Migāra tại Tu viện phía Đông. Bấy giờ, vào ngày trai giới Uposatha—vào ngày rằm, trăng tròn, trong đêm rằm, Thế Tôn ngồi giữa trời với chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn nhìn xung quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, nói với các Tỷ-kheo:

“Giả sử, này các Tỷ-kheo, họ hỏi các ông như thế này: ‘Có những giáo lý khéo léo, cao quý, giải thoát và đưa đến giác ngộ. Lý do thực sự nào để lắng nghe những giáo lý như vậy là gì?’ Các ông nên trả lời: ‘Chỉ để thực sự biết (truly know: Thầy Minh Châu dịch là như thật trí) các cặp giáo lý.’ Và họ nói về những cặp nào?

“Đây là khổ; đây là nguồn gốc của khổ”: đây là sự quán chiếu đầu tiên. “Đây là sự chấm dứt khổ; đây là sự thực hành đưa đến sự chấm dứt khổ”: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tỳ kheo thiền định đúng đắn quán chiếu một cặp giáo lý theo cách này – tinh tấn, sắc sảo và kiên quyết – họ có thể mong đợi một trong hai kết quả: giác ngộ trong đời hiện tại, hoặc nếu có gì còn sót lại, sẽ chứng quả Bất hoàn.”

Đức Phật đã nói như vậy. Sau đó, Thế Tôn, Bậc Thầy, tiếp tục nói:

[Đức Phật đọc theo thể thơ, nơi đây viết theo văn xuôi cho dễ đọc]“Có những người không hiểu được đau khổ và nguyên nhân của đau khổ, và nơi mà mọi đau khổ chấm dứt không còn gì sót lại. Và họ không biết con đường dẫn đến sự lắng dịu của đau khổ.

Họ không có tâm giải thoát, cũng không có tuệ giải thoát. Không thể kết thúc, họ tiếp tục tái sinh và già đi.

Nhưng có những người hiểu được đau khổ và nguyên nhân của đau khổ, và hiểu nơi mà mọi đau khổ chấm dứt mà không còn gì sót lại. Và họ hiểu được con đường dẫn đến sự lắng dịu của đau khổ.

Những người có được tâm giải thoát, cũng như có được tuệ giải thoát, sẽ có thể kết thúc, đoạn tận sanh và già.”

“Giả sử, này các Tỷ-kheo, họ hỏi các ông như thế này: ‘Có thể có cách khác để quán các cặp không?’ Các ông nên nói, ‘Có thể có.’ Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do tham ái gây ra’: đây là một quán. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của tham ái thì không có sự phát sinh của khổ đau’: đây là quán thứ hai. Khi một Tỷ-kheo thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc chứng quả Bất hoàn.” Rồi Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ]Sự dính mắc tham ái là nguồn gốc của mọi đau khổ trong vô lượng hình thức của thế gian. Khi một người ngu dính mắc tham ái, kẻ ngốc đó sẽ sanh trở lại với đau khổ hết lần này đến lần khác. Vậy nên, người hiểu biết hãy không tạo ra sự dính mắc, hãy quán chiếu nguồn gốc của đau khổ và tái sinh.”

“Giả sử, này các Tỷ-kheo, họ hỏi các ông như thế này: ‘Có thể có cách khác để quán các cặp không?’ Các ông nên nói, ‘Có thể có.’ Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do vô minh’: đây là một quán. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của vô minh thì không có sự phát sinh của khổ đau’: đây là quán thứ hai. Khi một Tỷ-kheo thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giác ngộ hoặc quả Bất hoàn.” Rồi Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ]“Những người đi đi lại lại, luân hồi qua sinh tử; họ đi từ trạng thái này đến trạng thái khác, đích đến đó chỉ do vô minh.

Vì vô minh là ảo tưởng lớn mà chúng ta đã luân hồi từ lâu. Những chúng sinh đã đạt đến tri thức lìa vô minh sẽ không còn kiếp sau.”(Ghi chú: Khi Tánh Biết được nhận ra, vô minh biến mất)

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Tất cả đau khổ phát sinh đều do sự lựa chọn [hành]’: đây là một sự quán chiếu. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của sự lựa chọn [hành] thì không có sự phát sinh của đau khổ’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một Tỷ kheo thiền theo cách này, họ có thể mong đợi sự giải thoát hoặc chứng quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ] “Tất cả đau khổ phát sinh đều do lựa chọn gây ra. Với sự chấm dứt của lựa chọn, không có sự phát sinh của đau khổ.

Biết được mối nguy hiểm này, rằng đau khổ là do lựa chọn gây ra; thông qua việc làm lắng dịu tất cả các lựa chọn, và sự dừng lại của các niệm tưởng, đây là cách mà đau khổ chấm dứt. Đối với những ai thực sự biết điều này, nhìn thấy đúng đắn, các bậc thầy về kiến ​​thức, người tinh tường, hiểu biết đúng đắn, đã vứt bỏ ách của Ma vương, không còn kiếp sau nữa.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do thức gây ra’: đây là một sự quán chiếu. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của thức thì không có sự phát sinh của khổ đau’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ] “Tất cả đau khổ phát sinh đều do thức gây ra. Với sự chấm dứt của thức, sẽ không có sự phát sinh của đau khổ.

Biết được nguy hiểm này, rằng đau khổ là do thức gây ra, với sự tịch lặng của thức, vị tu sĩ sẽ không còn đói, và được giải thoát.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do duyên xúc’: đây là một sự quán chiếu. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của xúc thì không có sự phát sinh của khổ đau’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ] “Những ai sa lầy trong xúc, bị cuốn trôi theo dòng luân hồi, thực hành sai đường, thì còn lâu mới đoạn tận kiết sử phiền não.

Nhưng những ai hiểu hoàn toàn về xúc, những ai hiểu, vui thích trong sự bình an; bằng cách hiểu xúc, họ không còn đói khát, được tịch tịnh.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do duyên thọ’: đây là một sự quán chiếu. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của thọ thì không có sự phát sinh của khổ đau’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ]“Đã biết mọi thứ được cảm thọ—dù là vui sướng hay đau đớn, cũng như những gì trung tính (không lạc, không khổ), cả bên trong lẫn bên ngoài— là đau khổ, lừa dối, tan rã; họ thấy nó biến mất với mỗi lần chạm vào: đó là cách họ hiểu nó. Với sự đoạn tận cảm thọ, vị tu sĩ không còn đói, được tịch tĩnh.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do tham’: đây là một sự quán chiếu. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của tham thì không có sự phát sinh của khổ đau’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc đắc quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ] “Tham là bạn đồng hành của một người khi họ tái sinh trên hành trình dài này. Họ đi từ trạng thái này sang trạng thái khác, nhưng không thoát khỏi sự tái sinh.

Biết được nguy hiểm này, rằng tham là nguyên nhân của đau khổ—xa lìa tham, không nắm bắt gì, một tu sĩ sẽ lang thang chánh niệm.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do nắm giữ’: đây là một sự quán chiếu. ‘Với sự đoạn tận hoàn toàn nắm giữ thì không có sự phát sinh khổ đau’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc chứng quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ] “Nắm giữ là nguyên nhân của tái sinh liên tục; người đã hiện hữu là sẽ rơi vào đau khổ. Cái chết đến với những người được sinh ra—đây là nguồn gốc của đau khổ.

Đó là lý do tại sao với đoạn tận nắm giữ, người tinh tường, hiểu đúng, đã trực tiếp biết được sự đoạn tận tái sinh, sẽ không tới một kiếp tương lai nào nữa.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do hành động thúc đẩy gây ra’: đây là một sự quán chiếu. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của sự thúc đẩy thì không có sự phát sinh của khổ đau’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc chứng quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ] “Tất cả khổ đau phát sinh đều do hoạt động thúc đẩy gây ra. Với sự chấm dứt của sự thúc đẩy, không có sự phát sinh của khổ đau.

Biết được nguy hiểm này, rằng khổ đau là do hoạt động thúc đẩy gây ra, đã từ bỏ mọi sự thúc đẩy, người ta được giải thoát khỏi sự thúc đẩy.

Đối với người tu sĩ có tâm bình an, người đã cắt đứt lòng tham tái sinh, sự luân hồi qua các lần sinh đã kết thúc; không có kiếp sau nào cho họ.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do duyên thức ăn’: đây là một sự quán chiếu. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của thức ăn thì không có sự phát sinh của khổ đau’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc chứng quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ] “Tất cả khổ đau phát sinh đều do thức ăn nuôi dưỡng. Khi thức ăn chấm dứt, thì không còn sự phát sinh của khổ đau.

Biết được nguy hiểm này, rằng khổ đau phát sinh do thức ăn, hiểu biết hoàn toàn mọi thức ăn, người ta không phụ thuộc vào thức ăn nào nữa.

Hiểu đúng trạng thái sức khỏe, thông qua sự chấm dứt lậu hoặc, thọ dụng sau khi tư duy, nguyên tắc vững chắc, vị đó đạt được trí tuệ, không rơi vào thương lượng.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Tất cả khổ đau phát sinh đều do dao động’: đây là một sự quán chiếu. ‘Với sự chấm dứt hoàn toàn của dao động thì không có sự phát sinh của khổ đau’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc chứng quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ] “Tất cả khổ đau phát sinh đều do dao động gây ra. Với sự chấm dứt dao động, không có sự phát sinh của khổ đau.

Biết được nguy hiểm này, rằng khổ đau là do dao động gây ra, đó là lý do tại sao, sau khi từ bỏ dao động, và ngừng đưa ra những lựa chọn nghiệp chướng, không bị dao động, không nắm giữ gì hết, một tu sĩ sẽ lang thang, giữ chánh niệm.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Đối với người lệ thuộc sẽ có sự dao động’: đây là sự quán chiếu đầu tiên. ‘Đối với người độc lập, sẽ không có sự dao động’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc chứng quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật nói tiếp:

[Thơ] “Đối với người độc lập, thì không có sự dao động. Người lệ thuộc, bám víu, đi từ trạng thái này sang trạng thái khác, mà không thoát khỏi luân hồi.

Biết được nguy hiểm này, nỗi sợ hãi lớn lao trong sự phụ thuộc, độc lập, không bám víu, một tu sĩ sẽ lang thang trong chánh niệm.”

“‘Có thể có cách nào khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Các trạng thái vô sắc thì an lạc hơn các trạng thái hữu sắc’: đây là sự quán tưởng đầu tiên. ‘Tịch diệt thì an lạc hơn các trạng thái vô sắc’: đây là sự quán tưởng thứ hai. Khi một tu sĩ thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc chứng quả Bất hoàn.” Rồi Đức Phật nói tiếp:

[Thơ] “Có những chúng sinh trong cõi sắc tướng sáng ngời (luminous form), và những chúng sinh khác bị kẹt trong cõi vô sắc (formless). Không hiểu được sự tịch diệt, họ sẽ trở lại trong những kiếp sống tương lai.

Nhưng những người hoàn toàn tịch diệt, đoạn tận— họ là những người chiến thắng cái chết.”

“‘Có thể có cách khác không?’ … Và làm sao có thể có? ‘Những gì thế gian này—với chư thiên, Ma vương, và Phạm thiên, khối dân số này với các tu sĩ khổ hạnh và Bà-la-môn, chư thiên và loài người—tập trung vào như thật, các bậc thánh đã thấy rõ bằng trí tuệ chân chánh là thực sự sai lầm’: đây là sự quán chiếu đầu tiên. ‘Những gì thế gian này tập trung vào là sai, các bậc thánh đã thấy rõ bằng trí tuệ chân chánh là thực sự sai lầm’: đây là sự quán chiếu thứ hai. Khi một tỳ kheo thiền theo cách này, họ có thể mong đợi giải thoát hoặc chứng quả Bất hoàn.” Sau đó, Đức Phật tiếp tục nói:

[Thơ]“Hãy xem thế gian cùng các vị thần đã tưởng tượng vô ngã lại là có ngã; quen với danh và sắc, tưởng tượng điều này là chân lý.

Vì bất cứ điều gì bạn tưởng tượng nó là, nó hóa ra là thứ khác. Và đó là điều sai trái trong đó, vì phù du là bản chất lừa dối.

Sự giải thoát có bản chất không lừa dối, bậc Thánh biết nó như thật. Hiểu được sự thật, họ không còn đói nữa, được tịch tĩnh.”

“Giả sử, này các Tỷ-kheo, họ hỏi các ông như thế này: ‘Có thể có cách nào khác để quán chiếu các cặp không?’ Các ông nên nói, ‘Có thể có.’ Và làm sao có thể có? ‘Cái mà thế gian này—với chư thiên, Ma vương và Phạm thiên, khối dân số này với các tu sĩ khổ hạnh và Bà-la-môn, chư thiên và loài người—tập trung vào là hạnh phúc, các bậc thánh đã thấy rõ bằng trí tuệ chân chánh lại là thực sự đau khổ’: đây là quán chiếu thứ nhất. ‘Cái mà thế gian này tập trung vào là đau khổ, các bậc thánh đã thấy rõ bằng trí tuệ chân chánh là thực sự hạnh phúc’: đây là quán chiếu thứ hai. Khi một Tỷ-kheo thiền quán đúng đắn một cặp giáo lý theo cách này—siêng năng, tinh tấn và kiên quyết—họ có thể mong đợi một trong hai kết quả: giác ngộ trong đời hiện tại, hoặc nếu còn sót lại điều gì đó, thì sẽ không trở lại (chứng quả Bất Hoàn). Đó là những gì Đức Phật đã nói. Sau đó, Thế Tôn, Bậc Đạo Sư, tiếp tục nói:

[Thơ] “Hình ảnh, âm thanh, hương vị, mùi vị, cảm xúc và ý tưởng, tất cả chúng—chúng đáng yêu, đáng mong muốn và thú vị miễn là bạn có thể nói rằng chúng tồn tại.

Đối với toàn thế giới với chư thiên của nó, đây là những gì họ coi là hạnh phúc. Và nơi chúng dừng lại được coi là đau khổ đối với họ.

Những người cao quý đã coi là hạnh phúc là sự chấm dứt của cõi hiện tiền cơ bản. Nhận thức này của họ mâu thuẫn với toàn thế giới.

Những gì người khác nói là hạnh phúc thì những người cao quý nói là đau khổ. Những gì người khác nói là đau khổ thì những người cao quý biết là hạnh phúc.

Hãy thấy đó, giáo lý này khó hiểu, nó làm người ngu bối rối. Có bóng tối cho người bị che khuất; bóng tối cho những người không thấy.

Nhưng điều tốt thì mở ra; giống như ánh sáng cho những người thấy. Mặc dù rất gần, họ không hiểu, những kẻ ngu không hiểu bao nhiêu về Phật pháp.

Họ sa lầy trong ham muốn được tái sinh, trôi theo dòng đời, sa lầy trong sự thống trị của Ma vương: giáo lý này không dễ hiểu đối với họ.

Những ai, ngoài các bậc thánh, có đủ phẩm chất để hiểu trạng thái này? Sau khi hiểu đúng trạng thái này, những người không bị ô nhiễm trở nên hoàn toàn tịch tĩnh.”

Đức Phật đã dạy như vậy. Các tỳ kheo mãn nguyện và đón nhận lời Đức Phật dạy. Trong khi bài pháp này được nói ra, tâm của sáu mươi tỳ kheo đã được giải thoát khỏi các ô nhiễm bằng cách không nắm giữ.

Hết Kinh Snp 3.12

Photo: Tượng Phật Thích Ca tại Thiền Viện Viên Không, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu. (Hình từ FB Ngô Quốc Trung)

GHI CHÚ:

(1) Kinh MN 70: https://suttacentral.net/mn70/vi/minh_chau
(2) Kinh MN 108: https://suttacentral.net/mn108/vi/minh_chau
(3) Kinh MN 148: https://suttacentral.net/mn148/vi/minh_chau
(4) Kinh Snp 3.12, bản Sujato: https://suttacentral.net/snp3.12/en/sujato
Bản Thanissaro: https://accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.3.12.than.html
Bản John D. Ireland: https://accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.3.12.irel.html
Bản của Thầy Minh Châu: https://thuvienhoasen.org/p15a1546/chuong-03-dai-pham


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *