Hạnh nguyện của Đại Thế Chí Bồ Tát

*Đọc 11 phút*

Ngày Vía Đại Thế Chí Bồ Tát là ngày 13 tháng 7 âm lịch. Dưới đây là hai bài viết về ngài Bồ Tát quan trọng này trong Phật Giáo Bắc Truyền.

Trích đoạn từ bách khoa điện tử Wikipedia về ngài Đại Thế Chí Bồ Tát

Đại Thế Chí Bồ Tát, chữ Hán: 大勢至菩薩 hay Đắc Đại Thế Bồ Tát (chữ Hán: 得大勢菩薩), tiếng Phạn: महास्थामप्राप्त/ Mahāsthāmaprāpta, là một vị Đại Bồ Tát thể hiện ánh sáng trí tuệ trong Phật giáo Đại Thừa, là bậc đại sĩ trợ tuyên chánh pháp cho Đức Phật A Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc.

Hồng danh và tiền thân

Đại Thế Chí Bồ Tát còn được gọi là Đắc Đại Thế Bồ tát, Đại Tinh Tấn Bồ Tát, Vô Biên Quang Bồ Tát, Linh Cát Bồ Tát,… hay vắn tắt là Thế Chí.

Ngài là vị Bồ Tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sanh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ Đề. Đắc Đại Thế Bồ Tát vì Bồ Tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường.

Trong Kinh Đại Bi Liên Hoa (Kinh Bi Hoa), tiền thân của Đại Thế Chí Bồ Tát là Ni-Ma Vương tử, người con thứ hai của Chuyển Luân Vương Vô Tránh Niệm (sau này là Đức Phật A Di Đà). Bồ Tát được Phật Bảo Tạng thọ ký rằng, trong đời vị lai vô lượng vô biên kiếp, sau khi Đức Phật Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Sơn Vương Như Lai nhập Niết-bàn (tức Quán Thế Âm Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai), Đại Thế Chí Bồ tát sẽ thay ngài tiếp quản chánh pháp và thế giới phương tây, thành Phật hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân sư, Phật, Thế Tôn.

Biểu tượng và hình ảnh

Kinh Quán Thế Âm Bồ tát thụ kí (Đại 12, 353 hạ) nói: “Tây phương cách đây trăm nghìn ức cõi; có Phật hiệu là A Di Đà Như Lai, Ứng cúng, Chính biến tri, hiện đang nói pháp. Đức Phật ấy có 2 vị Bồ tát, một là Quán Thế Âm, hai là Đại Thế Chí”. Đức Phật A Di Đà là Giáo chủ của thế giới Cực Lạc phương tây, Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí là hai vị thị giả giúp Phật A Di Đà trong việc giáo hóa chúng sinh, vì thế được gọi là Tây Phương Tam Thánh.

Trong bức tranh vẽ “Tây Phương Tam Thánh,” Bồ Tát Đại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Đức Phật A Di Đà, bên tay trái là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy.

Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, Bồ Tát thân cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, da màu vàng tử kim, trong thiên quang của Bồ tát có 500 hoa báu, mỗi một hoa báu có 500 đài báu, trong mỗi đài đều hiện quốc độ tịnh diệu của mười phương chư Phật, nhục kế như hoa Bát Đầu Ma, giữa nhục kế có một bình báu, khác hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Theo phẩm A-lợi-đa-la-đà-la-ni-a-lỗ-lực, hai Bồ Tát đều toàn thân màu vàng, phóng hào quang trắng, tay phải cầm phất trần trắng, tay trái cầm hoa sen, thân hình Bồ Tát Đại Thế Chí nhỏ hơn Quán Thế Âm.

Còn trong Hiện Đồ Mạn Đồ La Thai Tạng Giới của Mật Tông, ngài là vị thứ hai ở phương trên trong viện Quan Âm, ngồi trên hoa sen đỏ, thân màu trắng, tay trái cầm hoa sen mới nở, tay phải có ba ngón giữa đặt trước ngực. Mật hiệu là Trì Luân Kim Cương, hình Tam Muội Da là hoa sen mới nở.

Tượng gỗ Đại Thế Chí Bồ Tát mạ vàng từ triều đại Edo, Nhật Bản năm 1705, được trưng tại bảo tàng viện Museum für Ostasiatische Kunst, Berlin-Dahlem (Berlin, Đức). Lưng tượng có viết thêm rằng tượng được khắc bởi Takabayashi Matabei Shigeyuki, ghi ngày 27 tháng 7 của năm thứ hai của triều đại Hōei-Era (1705). (Wikipedia)

Bài viết của Thích Nữ Chân Liễu

Bồ Tát Quán Thế Âm được nhiều người nhắc đến và tạc tượng lộ thiên ở các chùa, tu viện, tùng lâm, để ca ngợi hạnh kham nhẫn và đức từ bi cao thượng.

Bồ Tát Ðại Thế Chí biểu trưng cho đức tinh tấn và ánh sáng trí tuệ. Ngài còn có danh hiệu là Ðắc Ðại Thế Chí Bồ Tát, Ðại Lực Ðại Thế Chí Bồ Tát, Ðại Tinh Tấn Bồ Tát hay Vô Biên Quang Bồ Tát.

Các danh hiệu của Bồ Tát Đại Thế Chí nói lên hạnh nguyện đại hùng, đại lực, đại tinh tấn và ánh sáng trí tuệ vô biên chiếu khắp mọi loài chúng sanh, có thể phá trừ vô minh, điều phục tham sân si, chuyển hóa phiền não thành bồ đề. Các vị Bồ Tát đều có từ bi, trí tuệ và ý chí xuất phàm như nhau, đó là nhân để tiến đến Phật quả.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật ca ngợi Bồ Tát hạnh như sau:

“Nhân vì chúng sanh mà khởi tâm đại từ bi. Nhân lòng đại từ bi mà phát bồ đề tâm. Nhân phát bồ đề tâm mà thành ngôi chánh giác”.

Bồ Tát Đại Thế Chí tay cầm cành hoa sen màu xanh. Hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết trong sạch, không dính danh lợi thế gian, có sức mạnh tự tại vượt thoát khỏi bùn nhơ, thành tựu trí tuệ. Màu xanh của hoa sen tỏa ánh sáng xanh trên cõi trời tây phương tịnh độ, và còn là sức mạnh tinh tấn của chánh định, là trí tuệ siêu việt như trời biển tĩnh lặng rộng lớn bao la bát ngát.

Hạnh nguyện của Bồ Tát Đại Thế Chí

Hạnh nguyện của Bồ Tát Đại Thế Chí thuộc về tâm thức, hạnh tu tâm dưỡng tánh, đi đến giải thoát rốt ráo. Tu theo Bồ Tát đạo là trước tiên phải tu tập thiền định để có được trí tuệ, xa lìa ái dục để được giác ngộ giải thoát; sau đó là phát đại nguyện độ tận tất cả chúng sanh đều được an trụ trong cảnh giới chư Phật. Mắt trần của chúng sanh thấy như Bồ Tát Đại Thế Chí không làm gì cả, nhưng thật sự làm tất cả hạnh nguyện của tâm hạnh bồ tát, làm với tinh thần tích cực và tinh tấn mạnh mẽ cao thượng tột cùng.

Bồ Tát Đại Thế Chí là tâm vô ngã và bình đẳng chân thật, không dụng tâm cố ý cho người thấy để tán dương khen ngợi, cũng không chấp vào công đức đã làm, không chấp tướng, không cầu danh. Hạnh vô ngã, vô trụ, vô phân biệt của Bồ Tát chẳng sinh một niệm gì cả, cũng không thấy có chứng, có đắc, có độ. Đó là chánh định và chánh niệm viên mãn tuyệt đối.

Hạnh nguyện của Bồ Tát Ðại Thế Chí là sự tinh tấn trong đạo Phật, có ích lợi cho chúng sanh rất nhiều và cũng là pháp tu tượng trưng cho sự nỗ lực dũng mãnh chân chánh trên con đường đi đến giác ngộ và giải thoát.

Trong 37 phẩm trợ đạo, bát chánh đạo bao gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Và tứ chánh cần gồm có:

Tinh tấn ngăn ngừa các điều ác chưa phát sanh.
Tinh tấn dứt trừ các điều ác đã phát sanh.
Tinh tấn phát triển các
điều lành chưa phát sanh.
Tinh tấn tăng trưởng các điều lành đã phát sanh.

Hình ảnh Bồ Tát Đại Thế Chí là một vị cư sĩ thân người nữ, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay cầm cành hoa sen xanh, tâm định như gương, thanh tịnh như nước lặng. Bồ Tát biểu trưng năng lực người tu không bị khuất phục bởi danh lợi và ngũ dục, tham sân si không làm ô nhiễm, như hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Lợi ích của tinh tấn và trí tuệ

Đức tinh tấn và trí tuệ rất cần thiết cho người tu, là con đường đi đến sự giác ngộ và giải thoát viên mãn. Trí tuệ có được là do tinh tấn tu hành, siêng năng học đạo, tham thiền, niệm Phật, tụng kinh, bái sám, không giải đãi, không thối chuyển. Người học đạo có trí tuệ sáng suốt, biết được sự nguy hiểm của vô minh dẫn chúng sanh đi vào lục đạo sanh tử của luân hồi, nên mạnh dạn chặt đứt phiền não của nhân bất thiện và nghiệp ác. Tinh tấn còn là tâm hoan hỷ siêng năng, chuyên cần làm mọi việc thiện lành, cứu người giúp đời, sau đó điều cần thiết và quan trọng là tinh tấn tự tu học, cho đến khi thân khẩu ý được hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh.

Chư ác mạc tác.
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý.
Thị chư Phật giáo.   

Việc ác không làm.
Việc thiện vâng làm.
Tâm ý thanh tịnh.
Lời chư Phật dạy.

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, mặc dù giáo pháp của Đức Phật mênh mông, nhưng không ngoài một vị giải thoát.

Văn Tư Tu là ba pháp tu có công năng thành tựu được trí tuệ, người tu theo Phật phải luôn luôn học tập, suy tư và thực hành.

Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy:

“Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố chở ta ra khỏi biển sanh lão bịnh tử; cũng là ngọn đèn chói sáng xua tan vô minh hắc ám, là liều thuốc chữa bịnh tham sân si, là chiếc búa chặt đứt phiền não. Vậy các ngươi phải văn huệ, tư huệ, tu huệ và hành trì tinh tấn để tự tăng trưởng trí tuệ”.

. Văn huệ: do nghe âm thanh, văn tự của Phật, mà hiểu được ý nghĩa của kinh điển.

. Tư huệ: do trí suy tư tìm hiểu, thấy được chân lý, sự thật một cách sáng suốt.

. Tu huệ: nhờ sự hành trì tinh tấn, mà giác ngộ thực tướng rõ ràng, mọi sự vật không sai.

Hiện thân của Bồ Tát Đại Thế Chí là căn bản trí tuệ cho người tu, nhờ vào trí tuệ có năng lực như ngọn đèn sáng rực, soi rọi các tà vọng thiện ác, thấy được vực sâu của tội ác trong thế gian một cách rõ ràng.

Ánh sáng trí tuệ chói rọi đến thâm tâm của con người, đến những nơi u ám của thế gian, để phá vỡ màn vô minh cứu khổ cho nhân loại. Tất cả chư Phật chư Bồ Tát nào cũng có hạnh nguyện đại từ bi và đại trí tuệ như Đức Phật A Di Đà và đó cũng là Phật tánh sáng suốt thanh tịnh, bất sanh bất diệt của con người.

Tu theo hạnh Bồ Tát Đại Thế Chí là tinh tấn kham nhẫn cho đến khi tâm an vui giải thoát, chứ không phải cái vui vị kỷ trong đối đãi: được mất, hơn thua, khen chê, sướng khổ. Si mê là gốc tội lỗi. Một niềm tin hay hiểu biết sai lầm sẽ khiến con người rơi vào vực thẳm đau khổ triền miên. Trí tuệ giúp con người nhận thức rõ ràng sự khác biệt giữa đúng và sai, thiện và ác, nhưng không tâm kỳ thị phân biệt và không bị phiền não chi phối. Đó cũng là tinh thần vô trụ, vô chấp của Bồ Tát Đại Thế Chí. Ðạo Phật là đạo giác ngộ bằng con đường trí tuệ, và giải thoát chúng sanh qua hạnh nguyện từ bi. Bồ tát cũng từ thế giới ta bà khổ, tu hành tinh tấn, trì giới thanh tịnh, tâm từ bi cao thượng, trí tuệ sáng suốt, phá được vô minh sanh tử luân hồi, và đạt thành chánh đẳng chánh giác.

Tranh vẽ Đại Thế Chí Bồ Tát tại Trung Hoa vào thế kỷ thứ 13. (Arthermitage.org / Wikipedia)

Niệm hồng danh Phật và Bồ Tát

Người mê miệng niệm Phật, nhưng tâm phiền não và ý mơ tưởng chuyện hưởng lạc cảnh giới tây phương. Người ngộ miệng niệm Phật, tâm trong sáng, ý thanh tịnh và tuệ chánh định như Bồ Tát Đại Thế Chí. Cảnh giới Tịnh Độ là cõi chư Phật trong sạch đẹp đẽ như ngọc lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, thì tâm chúng sanh muốn về cõi Phật cũng phải thanh tịnh sáng suốt, vô chấp và vô ngã tuyệt đối.

* Niệm mà không chấp có niệm, đó là chánh niệm.
* Hành mà không chấp có hành, đó là chánh tinh tấn.
* Độ mà không chấp có độ, đó là chánh tư duy.
* Tu mà không chấp có tu, đó là chánh tri kiến.

Niệm Phật để thanh tịnh tâm và đạt được nhất tâm. Muốn sanh về cõi tịnh độ Đức Phật A Di Đà, con người còn phải thực hành hạnh từ bi, kham nhẫn, thanh tịnh như Bồ Tát Quán Thế Âm và đạt định lực dũng mãnh, ý chí tinh tấn, trí tuệ sáng suốt như Bồ Tát Đại Thế Chí. Thiếu một trong hai đức tánh bên trái hoặc bên phải của Đức Phật A Di Đà, thì đường về cõi Tây Phương Tịnh Độ còn xa cách ngàn trùng.

Hành giả trên đường tu, biết ơn, phụng thờ, chí tâm đảnh lễ, và niệm hồng danh Bồ Tát Đại Thế Chí, tức là đang hướng về ánh sáng trí tuệ sẵn có tự thân. Kính lễ và niệm hồng danh chư Phật chư Bồ Tát không có ý nghĩa cầu xin bình an, hay vật chất sung sướng, chính là hướng về tâm hạnh từ bi, trí tuệ cao thượng, nguyện tinh tấn tu tâm dưỡng tánh theo lời Phật dạy. Như vậy là cách niệm hồng danh và đảnh lễ chư Phật chư Bồ Tát đúng chánh pháp bậc nhất, còn gọi là chánh niệm và chánh định. 

Ở thế gian, khi bước chân vào điện Phật chốn Thiền môn, người Phật tử đã phải bỏ lại đôi dép bụi bặm bên ngoài, thân tướng trang nghiêm cung kính, tâm chánh niệm, ý thiện lành, để xứng đáng là Phật tử chân chánh khi đảnh lễ Đức Thế Tôn. Cõi Phật là cõi cao thượng, thanh tịnh, không có đau khổ, không có ba đường ác. Tâm người tu phải thanh tịnh, sạch hết phiền não, không còn nghiệp chướng, không còn danh lợi, không hơn thua tranh chấp, xả bỏ hết ích kỷ nhỏ nhen của phàm phu. Đó chính là chuẩn bị cho mình trở thành một bậc thượng thiện nhơn, để được sanh về cõi tịnh độ của chư Phật.

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ; đem ánh sáng trí tuệ phá trừ vô minh, giúp người tu diệt tham ái sân hận si mê, đó gọi là công đức; đem từ bi là tình thương trong sạch, thanh cao, cứu người giúp đời, đó gọi là phước đức. Công đức và phước đức là phương tiện đạt thành đạo quả.

Thông thường, khi con người trong thế gian làm được việc lành việc tốt, thì hay tự hào ngạo nghễ, xem thường tất cả mọi người khác. Sự trói buộc của bản ngã làm người tu mất hết một phần công đức, phước đức, giảm bớt một phần từ bi và trí tuệ. Tu Bồ Tát đạo là phải tự giải thoát những trói buộc và phiền não thế gian. Tu Bồ Tát đạo không sợ sanh tử, cũng không chán ghét ta bà khổ. Tất cả vì sự đau khổ của chúng sanh, phát nguyện tùy duyên cứu độ. Đó là tâm hạnh ưu việt của người tu Bồ Tát đạo.

Tóm lại, đời tu không phải ai cũng có hoàn cảnh giống như nhau, con người thường thích cầu nguyện cho cuộc đời bớt sóng gió, bớt khổ đau, nhưng cuộc đời không như chúng ta mong ước. Trên thế giới ta bà khổ, không phải ai phát tâm tu hành đều được người cung kính hay tán thán, hoặc không bị sóng gió, nhưng dù cảnh thuận hay nghịch, người tu luôn cố gắng tinh tấn giữ vững niềm tin và nghị lực không thối chuyển.

Con người có hạnh phúc, không nhất thiết là phải được tất cả mọi mong cầu, mà là người mạnh dạn đứng lên khi thất bại, biết chuyển đổi được những khó khăn và khổ đau xảy đến, thành an lạc hạnh phúc trong tâm hồn.

Bồ Tát Đại Thế Chí là oai lực của trí tuệ, là công hạnh lý tưởng cao thượng tột cùng của công phu tinh tấn tu tập của người tu.

Xuất gia hay tại gia đều có khả năng tự chọn con đường tu, tự độ và độ tha, bằng sức mạnh của từ bi và trí tuệ.

“Tự Tánh Di Đà Duy Tâm Tịnh Độ”, nơi tâm nhứt niệm thanh tịnh, không loạn động điên đảo thì thấy được cảnh giới tịnh độ, có nhiều hoa sen xanh tỏa ánh sáng màu xanh tuyệt đẹp, đó là hình ảnh của Bồ Tát Đại Lực Đại Thế Chí chắc là không sai chút nào.

Nam Mô Đại Lực Bồ Tát Đại Thế Chí

TKN Thích Nữ Chân Liễu
(Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay)

(Hình minh họa bài: Tây Phương Tam Thánh / Youtube)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *