Photo: Hàn Sơn & Thập Đắc, tranh của Kanō Sansetsu, 1589 – 1651. (Wikimedia Commons)
ĐỒNG PHÚC gom nhặt
Nhân đọc mấy lời giới thiệu trên Facebook của Ni Sư Bhikkhuni Tịnh Quang người Canada ngày 17/7/24 về thi sĩ Hàn Sơn trong một phim tài liệu dài hơn 28 phút tựa đề “Cold Mountain” phát hành năm 2009, được đạo diễn Mike Hazard phổ biến trên Youtube năm 2016, kẻ hèn này bèn tìm hiểu thêm, và nay xin được chia sẻ hai bài viết, một của Wikipedia và một của dịch giả Thông Tánh, về nhà thơ “cuồng” Hàn Sơn.
Tựa phim Cold Mountain (Núi Lạnh hay Hàn Sơn) cũng là tên của thi sĩ Hàn Sơn hay Hàn Nham. Cuối bài viết này là link coi phim nói tiếng Anh/Hoa trên Youtube.
Ni Sư đã viết mấy dòng giới thiệu Cold Mountain, “Phim được thâu tại Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các dịch giả Burton Watson, Red Pine, tác giả Jim Lenfestey, cùng thi sĩ Gary Snyder đã nói về cuộc đời và thơ của Hàn Sơn.
“Thi sĩ Hàn Sơn thường đánh lừa người khác, làm thơ dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho giới ưu tú trí thức mà thôi. Hàn Sơn không theo một giáo lý tâm linh nào, không rõ ông có phải là một tăng sĩ Phật giáo hay theo đạo Lão, hay cả hai. Cũng không rõ nhân vật Hàn Sơn có thật hay không, nhưng những bài thơ thì có thật.”
Hàn Sơn, theo Wikipedia
Hàn Sơn (zh. hánshān 寒山, ja. kanzan), thế kỷ thứ 7, cũng gọi Hàn Sơn tử, là một dị nhân trong Phật giáo Trung Quốc đời nhà Đường. Ông thường được nhắc đến cùng với Thập Đắc và thiền sư Phong Can. Cả ba vị đều là những nhân vật độc đáo trong lịch sử Thiền tông, tạo thành một trong những đề tài hấp dẫn của lối vẽ tốc họa bởi các nghệ sĩ thiền. Những bài thơ của Hàn Sơn khắc trên vách đá được sưu tầm và lưu truyền dưới tên Hàn Sơn Thi.
Hành trạng
Ông là một thi sĩ sống ẩn dật cơ hàn trong một hang đá núi Thiên Thai, thường đến viếng thiền sư Phong Can (zh. fēnggān 豐干, ja. bukan) ở chùa Quốc Thanh. Nơi đây ông gặp Thập Đắc, một người phụ bếp trong chùa. Thập Đắc (zh. shide 拾得, Thập Đắc có nghĩa là “lượm được”, ja. jittoku) hay để dành thức ăn còn sót lại trên bàn của chư tăng cho Hàn Sơn. Ông thường đi tới đi lui ở hành lang, thỉnh thoảng kêu to một mình rồi tự than, “Khổ quá! Khổ quá! Họ cứ lăn trôi mãi trong tam giới” và khi bị đuổi đi thường vỗ tay cười lớn rời chùa.
Về Thập Đắc thì cũng không ai biết gì, chỉ rõ là ông bị bỏ rơi lúc còn nhỏ trong rừng, được Phong Can – vị trụ trì tại chùa Quốc Thanh – tìm thấy và bồng về chùa nuôi dưỡng. Phong Can thì nổi danh vì sư cảm hóa được cả cọp, xung quanh am của sư có cọp dữ qua lại và vì vậy, sư thường được trình bày dưới dạng cưỡi cọp trong các bức tranh.
Một hôm Thập Đắc quét sân chùa, vị sư trụ trì [?] hỏi, “Chú tên là Thập Đắc vì Phong Can mang chú về. Vậy chú tên họ là gì? ở đâu đến?”
Thập Đắc nghe hỏi vậy liệng cây chổi và đứng khoanh tay trước ngực. Sư trụ trì không hiểu.
Hàn Sơn chợt đi ngang qua, đấm ngực kêu, “Ối! Ối!”
Thập Đắc hỏi, “Làm gì thế, huynh?”
Hàn Sơn bảo, “Chú có biết nói, ‘Nhà hàng xóm chết, người hàng xóm chia buồn, không?’”
Rồi cả hai cùng nhảy múa, vừa la vừa cười bỏ đi.
Trong lời dẫn của tập Hàn Sơn Thi, Lưu Khâu Dận – một vị quan mộ đạo tại Đài Châu – có ghi lại chút ít về Hàn Sơn và Thập Đắc. Khi được Phong Can chữa khỏi bệnh, ông quan hỏi, “Vùng này có vị nào mà tôi có thể theo học được chăng?”
Phong Can đáp, “Ai nhìn họ thì không nhận ra, ai mà nhận ra họ thì không cần nhìn. Nếu ông muốn yết kiến thì không nên tin vào cặp mắt thịt – và sẽ nhận ra họ. Hàn Sơn là Văn Thù, ẩn cư trên chùa Quốc Thanh, Thập Đắc là Phổ Hiền, trông giống như một gã ăn xin, phong cách như cuồng…”
Nghe như vậy, Lưu Khâu liền đến chùa Quốc Thanh tìm hai vị. Vừa thấy mặt, ông làm lễ cung kính. Việc này làm các vị sư trong chùa ngạc nhiên, hỏi, “Đại nhân sao lại lễ các gã ăn xin này?”
Hàn Sơn và Thập Đắc liền cười to và nói, “Phong Can này lắm chuyện, đáng bị quở phạt vụ này.” Cả hai chạy trốn thật nhanh, không ai theo kịp.
Khi Lưu Khâu đến tìm cúng dường lần nữa thì gặp Hàn Sơn, và Hàn Sơn thấy ông liền la lớn, “Các ngươi hãy cố gắng!” Nói xong, ông lui vào một hang đá không bao giờ trở ra nữa, Thập Đắc cũng mất tích luôn.
Sau đây là một bài thơ của ông (Trúc Thiên dịch):
憶得二十年
徐歩國清歸
國清寺中人
盡道寒山癡
癡人何用疑
疑不解尋思
我尚自不識
是伊爭得知
低頭不用問
問得復何爲
有人來罵我
分明了了知
雖然不應對
却是得便宜
Ức đắc nhị thập niên
Từ bộ Quốc Thanh quy
Quốc Thanh tự trung nhân
Tận đạo Hàn Sơn si
Si nhân hà dụng nghi
Nghi bất giải tầm ti
Ngã thượng tự bất thức
Thị y tranh đắc tri
Đê đầu bất dụng vấn
Vấn đắc phục hà vi
Hữu nhân lai mạ ngã
Phân minh liễu liễu tri
Tuy nhiên bất ứng đối
Khước thị đắc tiện nghi.
Nhớ hai mươi năm trước
Thả bộ Quốc Thanh về
Trong chùa ai cũng nói
Hàn Sơn là gã si
Người si cần chi nghi
Nghi không hiểu tầm ti (tư)
Riêng ta còn chẳng biết
Thì y biết nỗi gì
Cúi đầu đừng hỏi nữa
Hỏi được lại làm chi?
Có người đến chửi ta
Ta biết rõ tức thì
Tuy nhiên không ứng đối
Thế mà được tiện nghi
Sự trầm tĩnh khinh an, tự tín bất động xuất phát từ hai nhân vật này cho thấy rằng, nó chỉ có thể là biểu hiện từ tâm giác ngộ. Tự mình tu tập, chẳng theo tông phái nào, cũng chẳng sống trong chùa theo luật chật hẹp mà vẫn đi trên Phật đạo, “cuồng điên” nhưng trí huệ lại cao siêu xuất thế. Có lẽ vì sự dung hòa của những kiến giải mâu thuẫn người ta tìm được ở hai đại nhân này mà hình tượng của họ đã và vẫn còn gây nhiều cảm hứng cho những người cư sĩ mộ đạo, trở thành những đề tài bất hủ trong nghệ thuật giới thiền.
Hàn Sơn, bài dịch của Thông Tánh
(nguồn Đạo Phật Ngày Nay)
Hàn Sơn – Thập Đắc – Phong Can
Không ai biết tên họ quê quán của Hàn Sơn Tử là gì, ở đâu. Ông ẩn cư trong Hàn Nham ở huyện Đường Hưng, Thai Châu, vì vậy phụ lão trong huyện gọi ông là Hàn Sơn Tử. Người ông gầy ốm, thích đội mũ bằng vỏ cây Hoa, đi guốc gỗ, mặc áo lông, quấn tua dải trông như gã điên, thường cười hát nghêu ngao. Ông ở gần chùa Quốc Thanh, núi Thiên Thai. Trong chùa có vị tăng Phong Can đốn củi, gánh nước, giã gạo để chúng tăng dùng, thường rong chơi với Hàn Sơn Tử.
Hồi trước Phong Can đi ngang Xích Thành, nghe tiếng con nít khóc ở trong bụi cỏ, ông đến xem, thấy đứa bé chừng hơn 10 tuổi, hỏi nó ở đâu thì nó chẳng nói gì, trong lòng lấy làm lạ, ông bèn dẫn đứa bé về chùa sai nó quét dọn. Do nhặt được ngoài đồng, nên ông đặt tên thằng bé là Thập Đắc. Lớn lên Thập Đắc tu khổ hạnh đầu đà, phong cách lanh lợi xuất chúng. Phong Can, Hàn Sơn rất khâm phục Thập Đắc, thường cùng ông ngao du. Ba người rất tương đắc. Tăng chúng trong chùa lấy làm lạ, ai nấy đều nghi nghi trong lòng mà chẳng biết vì sao.
Hàng ngày Thập Đắc rửa chén bát, ông nhặt cơm thừa cho vào ống trúc để dành cho Hàn Sơn ăn. Hai người đều có tài làm thơ. Có lúc dạo chơi trong thôn xóm gặp việc cảm hứng, họ liền làm thơ để bày tỏ ý mình. Có lúc khắc thơ trên đá, có lúc viết trên lá cây, có lúc họ ngồi trong quán rượu, nói năng trông rất thanh cao thoát tục. Dù là những kẻ phong lưu ngày xưa cũng chưa có ai giống như họ. Có lần Hàn Sơn tự thuật,
Vốn chẳng phải ẩn sĩ
Tự xưng người núi rừng
Trong tối tăm sáng rỡ
Chỉ thích buộc áo khăn.
Đạo sạch như Sào, Hứa
Thẹn làm tôi Thuấn, Nghiêu
Khỉ vượn đội áo mão
Chẳng học tránh phong trần.
Hoặc như:
Muốn được nơi an ổn
Hàn Sơn trụ mãi thôi
Gió nhẹ lay tùng rậm
Càng gần tiếng càng hay
Dưới có người loang lỗ,
Đọc thầm kinh Hoàng Lão.
Mười năm về chẳng được,
Quên mất cả cội nguồn.
Hay là:
Có thân cùng không thân,
Là ngã là phi ngã
Quán xét kỹ như thế,
Dựa vách đá ngồi mãi
Dưới chân cỏ mọc xanh,
Trên đầu bụi trần bám
Để thấy người thế gian
Linh sàng bày rượu quả.
Hoặc như:
Nhà ngọc treo rèm châu,
Trong có gái thuyền quyên
Nhan sắc hơn thần tiên,
Nghi dung như đào lý
Nhà đông sương xuân đọng,
Nhà tây gió thu qua
Đủ ba mươi năm nữa,
Ngon ngọt như cam giá.
Những câu như vậy nhiều vô kể.
Một lần Thập Đắc chắp tay cúng, đến lúc ăn thì ngồi đối diện Phật mà ăn. Có lần ông đối trước tượng Kiều Trần Như mắng, “Đồ tiểu căn bại chủng, đứng đây làm gì?” Tăng chúng trong chùa lấy làm lạ, chẳng sai ông cúng nữa.
Một hôm, ông thấy cơm cháo trước tượng thần Già-lam cứ bị chim cú đến ăn phá, Thập Đắc đánh tượng Thần mà mắng, “Ông ăn được mà không giữ được làm sao hộ trì Già-lam?”
Đêm ấy thần Già-lam báo mộng cho Tăng chúng trong chùa, nói, “Thập Đắc đánh tôi.” Đến sáng ai nấy trong chùa cũng đều nói mình thấy Thần nói như vậy. Bấy giờ Tăng chúng mới thất kinh. Lúc này Phong Can đã hạ sơn xuất du.
Cuối năm Trinh Nguyên, Lư Khâu được bổ nhiệm làm Tuần Thú Thai Châu. Vừa mới đến, ông bỗng bị bịnh đầu phong, danh y đều bó tay. Tình cờ Phong Can đến phủ ông, tự nói mình chữa được bệnh này. Lư Khâu nghe liền cho Phong Can triệu kiến. Phong Can sai đem nước đến rồi rảy trên đầu ông. Lát sau bệnh của Lư Khâu hết hẳn. Từ đó, Lư Khâu rất kính trọng Phong Can.
Lư Khâu hỏi ông, “Ông từ đâu đến?”
Phong Can đáp, “Chùa Quốc Thanh ở Thiên Thai.”
“Ở đó có hiền tài không?”
“Có, nhưng không thể dùng danh lợi thế gian thỉnh cầu họ được. Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù, Phổ Hiền hóa thân. Hai ông ấy đang trà trộn trong chùa Quốc Thanh, nếu ông muốn phong quan cho họ thì đến đó ngay, chớ chậm trễ.”
Lư Khâu về Nam hành sự không lâu liền vào chùa tìm tin tức của Phong Can. Ông chỉ thấy mái tranh tiêu điều, hổ nằm cạnh thất. Ông vào chùa xin yết kiến hai vị Đại Sĩ, tăng chúng trong chùa dẫn ông ra sau nhà bếp, Lư Khâu bái yết Hàn Sơn, Thập Đắc, hai người đứng dậy nói,
“Niệm mãi Di Đà mà chẳng biết, thì lạy ta làm gì!”
Nói rồi hai ông quay về Hàn Nham.
Hôm sau Lư Khâu sai sứ đem lễ vật đến, Hàn Sơn thấy sứ đến, mắng “Giặc! Giặc!” rồi trốn vào trong núi. Thập Đắc cũng biệt tăm, về sau không ai biết họ mất ở đâu, lúc nào.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.