Bài GESHE KELSANG GYATSO
NS Thích Nữ Trí Hải dịch
(Trong lời giới thiệu tập sách ‘Tình Yêu Phổ Quát’ (Universal Compassion) của ngài Geshe Kelsang Gyatso do Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải chuyển dịch (xuất bản tại Việt Nam năm 2010), ngài Hòa Thượng Thích Minh Châu viết rằng cuốn sách này “cung cấp thêm cho chúng ta một số cách thức hay giải pháp luyện tâm, giúp chúng ta nhận biết và thực hành con đường thật sự đưa đến giác ngộ an lạc. Tập sách này là một chú giải căn bản và sáng sủa về một tác phẩm Phật học Tạng ngữ có tên là “Bảy Pháp Luyện Tâm” do ngài Chekhavva biên soạn y cứ theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng. Qua kinh nghiệm tâm linh và lối trình bày tinh tế của ngài Gyatso cũng như qua sự chuyển dịch tài tình của Ni Trưởng Trí Hải, hy vọng tập sách này sẽ mang đến cho độc giả nhiều gợi ý và cảm nhận hữu ích về một trong số các truyền thống tâm linh Phật Giáo.”
Tựa nguyên thủy của chương đầu tiên được Ni Trưởng Trí Hải dịch trong tập sách gồm chín chương là “Hệ truyền thừa và đặc tính của pháp luyện tâm.”)
Những chỉ giáo về luyện tâm khởi thủy do đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy, truyền cho tôn giả Văn Thù. Tôn giả Văn Thù truyền cho Tịch Thiên (Shantideva), từ Tịch Thiên truyền xuống Elladary, Viravajra, Ratnashri, Serlingpa, Atisha, Dromtonpa, Geshe Potowa, Geshe Sharawa cho đến Geshe Chekhawa, người soạn bản văn ‘Bảy Điểm Luyện Tâm’ để truyền bá pháp tu này khắp xứ Tây Tạng. Ngài truyền giáo lý này cho Bồ Tát Chilbuwa; từ vị này truyền xuống nhiều bậc thầy cho đến đời đức Tsongkhapa.
‘Bảy Điểm Luyện Tâm’ có nhiều bản gốc được biên tập từ những ghi chú của các vị đệ tử ngài Chekhawa. Về sau, đức Tsongkhapa giảng dạy về ‘Bảy Điểm Luyện Tâm’ làm cho những chỉ giáo này thêm sáng sủa theo những gì Chekhawa và Atisha đã dạy, song vẫn không mâu thuẫn với những nguồn tài liệu khác. Những gì mà các đệ tử của đức Tsongkhapa ghi chú được sưu tập thành một bản văn lấy tên là ‘Luyện Tâm: Ánh Nhật Quang,’ được xem là một trong những luận giải có thẩm quyền nhất về pháp tu tâm. Bản gốc được sử dụng trong sách này là bản do Je Phabongkhapa biên tập, căn cứ trên các sớ giải ‘Luyện Tâm: Ánh Nhật Quang,’ ‘Tinh Túy Cam Lồ Trong Việc Tu Tâm’ và các bản văn khác. Vậy là giáo lý này đã được truyền từ đức Tsongkhapa xuống đến những bậc thầy giác ngộ qua một dòng truyền thừa không gián đoạn.
Đảnh lễ tâm Đại Bi
Giáo lý như tinh chất cam lồ này
Được truyền từ Serlingpa
Thầy Chekhawa khởi đầu bản văn gốc với lời đảnh lễ tâm đại bi. Ngài cốt khai thị rằng, chư Phật và Bồ tát đều phát sinh từ bà mẹ là tâm đại bi, bởi thế bất cứ ai muốn thành Phật hay Bồ Tát đều phải lấy tâm đại bi làm pháp tu chính yếu. Dòng kệ thứ hai ví giáo lý này như tinh chất cam lồ. Vị cam lồ mà chư thiên và một số người hưởng được chỉ đem lại những hạnh phúc tầm thường, nhưng giáo lý về luyện tâm có thể cống hiến phúc lạc phi thường của toàn giác. Dòng thứ ba ám chỉ rằng trong số những chỉ giáo khác nhau mà Atisha đã hấp thụ và truyền xuống đến chúng ta qua đệ tử ngài là Dromtoenpa và nhiều bậc thầy khác cho đến đời của Geshe Chekhawa, thì giáo lý đặc biệt này là do bậc thầy của Atisha là Serlingpa truyền lại.
Tương truyền Chekhawa lúc đầu theo phái Nyingpa, một phái cổ truyền của Phật Giáo Tây Tạng. Mặc dù đã tinh thông cả hai truyền thống giáo lý mới và cũ, ngài vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn với sự tu học của mình. Ngài theo học nhiều bậc thầy khác, như Rechungpa, một đệ tử chính của Milarepa, và sau đó học với Chagshinpa, một bậc thầy phái Kadampa. Một hôm vào phòng Chagshinpa, ngài trông thấy một bản văn ngắn nhan đề ‘Tám Bài Kệ Luyện Tâm.’ Hai dòng trong bài kệ thứ sáu làm ngài lưu ý:
Mong con nhận lấy sự thua thiệt
Và nhường vinh quang cho người khác.
Mặc dù đã có một tri kiến uyên thâm về Pháp, tâm ngài chấn động sâu xa khi đọc lời này. Vì muốn khám phá ý nghĩa chân thực của nó, ngài hỏi Geshe Chagshinpa ai là tác giả, và được trả lời chính do Geshe Langri Tangpa viết. Vừa nghe xong, Chekawa phát tâm mong mỏi học giáo lý từ vị này, và lập tức khởi hành đi Lhasa hy vọng được gặp ngài.
Nhưng khi đến nơi biết vị thầy ấy đã viên tích, ngài bèn tìm một đệ tử nào của ông có thể giảng giải cho ngài câu kệ ấy. Ngài gặp một người ở Lang Tang cho biết một đệ tử chính của Langri Tanpa là thầy Sharawa. Chekhawa hăm hở tìm đến thầy Sharawa. Lúc ấy vị này đang giảng dạy cho một thính chúng đông đảo. Chekhawa lắng nghe khóa giảng Pháp kéo dài nhiều ngày, nhưng tuyệt nhiên chẳng nghe nói gì về sự chấp nhận thất bại thương đau, nhường vinh quang cho người khác.
Sau khi khóa giảng chấm dứt, Chekhawa gặp thầy Sharawa đang kinh hành quanh một bảo tháp. Ông đến gần thầy, trải thượng y trên đất làm đệm để mời thầy ngồi xuống: “Xin Thượng tọa ngồi xuống đây, tôi có điều xin tham vấn.”
Geshe Sharawa nói cộc lốc: “Ta vừa bố giáo trên pháp tòa, ông không hiểu gì sao?”
Chekhawa đáp: “Tôi có một câu hỏi.”
Thầy Sharawa bèn ngồi xuống, và Chekhawa hỏi: “Hãy chấp nhận thất bại thương đau, nhường vinh quang cho kẻ khác. Lời dạy ấy có tầm quan trọng như thế nào?”
Thầy Sharawa trả lời: “Nếu ông muốn đạt giác ngộ, thành Phật, thì không tu kiểu vậy không xong.”
Chekhawa bèn hỏi có kinh điển nào nói câu đó. Thầy Sharawa trích dẫn hai câu trong tác phẩm của Long Thụ nhan đề Lời Khuyên Vua:
Mong tôi nhận thay chúng sinh những quả báo ác nghiệp
Mong chúng sinh hưởng tất cả kết quả thiện nghiệp tôi làm.
Câu ấy ngụ ý mong nhận lấy thất bại về cho mình, hiến tặng vinh quang cho người khác. Geshe Sharawa còn đưa thêm những nguồn chứng cứ cho Chekhawa thấy rằng giáo lý này là chân thật. Khi ấy Chekhawa thỉnh cầu thầy Sharawa cho những chỉ giáo đầy đủ về pháp tu này. Thầy Sharawa nói: “Nếu ông ở lại bên ta nhiều năm ta sẽ dạy cho ông.”
Chekhawa ở lại mười hai năm, và mới sáu năm ngài đã trở nên thiện xảo trong việc luyện tâm mình. Những học giả phái Kadampa đều thừa nhận ngài đã đạt đến địa vị Kiến Đạo trong Đại Thừa, nhờ đã hoàn toàn từ bỏ ngã ái.
Từ trước cho đến bây giờ, giáo lý luyện tâm chưa từng được giảng dạy công khai, chỉ theo một hệ truyền thừa bí mật. Bởi vì người ta cần phải đạt đến một trình độ nào đó về đức tin mới có thể thực hành giáo lý này, nên thầy Chekhawa lúc đầu chỉ truyền pháp cho những môn đệ thân cận nhất, những người có thể tiếp thu lời dạy.
Bấy giờ ở Tây Tạng bệnh cùi đang lây lan không bác sĩ nào chữa khỏi. Một hôm Geshe Chekhawa gặp một vài người mắc bệnh cùi và quyết định chỉ cho họ thực hành pháp luyện tâm nói trên, nhất là pháp hành “cho và nhận.” Nhờ thực hành pháp này, nhiều người cùi đã khỏi bệnh. Tin đồn lan nhanh, nhiều người cùi khác đến gặp thầy Chekhawa đến nỗi cuối cùng nhà thầy giống như một dưỡng đường. Rốt cuộc giáo lý này được người Tây Tạng mệnh danh “pháp của người cùi.”
Ngài Chekhawa có một người em trai rất ghét Pháp và đối với ngài, ông cũng không có chút lòng tin nào cả. Nhưng một hôm, tình cờ ông nghe lỏm được giáo lý luyện tâm mà ngài dạy cho những người cùi, và ông bị thu hút bởi những gì ông nghe được. Ít lâu sau qua hành vi của người em, ngài nhận thấy em mình đang thực hành những giáo lý về luyện tâm. Ngài nghĩ rằng nếu một kẻ bất tín như em mình mà còn được lợi lạc từ giáo lý ấy, thì nhiều người khác cũng có thể được lợi lạc. Do vậy ngài nghĩ không nên tiếp tục giữ bí mật những giáo lý này. Với tâm chân thành mong giúp đỡ tất cả hữu tình, ngài đã soạn bản văn ‘Bảy Điểm Luyện Tâm.’ Chính nhờ lòng đại bi của ngài trong việc soạn thảo bản văn này, và giảng dạy nó một cách rộng rãi công khai, mà ngày nay chúng ta mới có cơ may tiếp nhận và thực hành giáo lý ấy. Chúng ta phải tri ân lòng từ bi của ngài Chekhawa.
Chỉ giáo này như kim cương, như mặt trời và như dược thảo
Câu thứ tư trong bài kệ của Chekhawa nói đến những đức tính của chỉ giáo luyện tâm, giống như một viên kim cương, mặt trời và cây dược thảo. Phần nhiều những vật quý mất hết giá trị khi bị vỡ, nhưng một viên kim cương vỡ thành mảnh vụn nhỏ đến đâu cũng vẫn còn giá trị. Cũng thế, giáo lý luyện tâm, tốt nhất là thực hành trọn vẹn nhưng nếu chỉ thực hành được một phần nhỏ của giáo lý ấy cũng rất bõ công. Và cũng như ta sẽ cẩn thận không để mất đi dù chỉ một vụn kim cương, ta không nên lơ là với bất cứ chi tiết nào của giáo lý này, dù nhỏ nhặt cách mấy.
Như mặt trời đúng ngọ xóa tan bóng tối, nhưng chỉ một vài tia cũng đem lại ánh sáng phần nào. Cũng vậy, nếu viên mãn giáo lý này, ta sẽ xóa tan được toàn thể bóng tối vô minh, nhưng nếu chỉ thực hành vài phân, ta cũng đủ xóa được phần nào vô minh ngã chấp. Lại như mọi phần của một cây thuốc – rễ, thân, cành, lá, hoa, quả – đều có dược tính trị bệnh, mọi phần của giáo lý này có thể chữa tâm bệnh vọng tưởng si mê.
Những dược chất thông thường chỉ chữa thân bệnh, nhưng phương pháp luyện tâm này lại chữa được cả hai bệnh thân và tâm. Đây là lý do pháp tu này đôi khi gọi là y dược vô thượng. Làm sao biết được giáo lý này thực sự có tất cả những đức tính ấy? Câu hỏi sẽ được Chekhawa trả lời trong dòng thứ năm của bản văn gốc.
Ý nghĩa của bản văn này cần được biết
Khi đã hiểu ý nghĩa lời dạy, ta cần phải thực hành mới thấy được những sự thù thắng của pháp ấy nhờ kinh nghiệm bản thân. Nếu không thực hành, ta sẽ không bao giờ biết được thế nào là như kim cương, mặt trời, dược thảo. Dòng sáu và bảy của bản văn gốc cho thấy năng lực của việc luyện tâm có thể chuyển những nghịch cảnh thành con đường giác ngộ:
Sự phát triển của năm cấu uế sẽ được chuyển thành con đường giác ngộ
Thời đại này được xem là có năm cấu uế (ngũ trược ác thế – DG): cấu uế về thời gian, về chúng sinh, về quan điểm, về phiền não và về thọ mạng.
Cấu uế về thời gian (kiếp trược) nghĩa là thời bây giờ, con người tương đối thiếu tu tập, nghèo nàn về phương diện tâm linh. Thời đại này có sự suy đồi lớn về đạo đức, con người ngày nay rất ít tu so với quá khứ. Ngày xưa nhiều người tu đến mức thấy được chư Phật, Bồ Tát; nhiều người đắc định có thần thông như thiên nhãn hay khả năng nhìn thấy vật thể rất nhỏ và ở xa, thiên nhĩ hay khả năng nghe xa vượt ngoài phạm vi thông thường, tha tâm thông hay khả năng biết được tâm niệm người khác, và túc mạng trí, khả năng biết các đời quá khứ vị lai.
Nhiều người còn có những thần thông như biến hình hoặc bay được. Vào thời đại quá khứ, vô số người đã đạt giải thoát và giác ngộ. Nhưng cùng với thời gian trôi qua, càng ngày càng ít có người trực tiếp trông thấy chư Phật Bồ Tát hay đạt đến những chứng đắc về tâm linh. Ngày nay không ai có thể trực tiếp trông thấy những bậc giác ngộ. Sự kiện rằng chúng ta chỉ thấy mọi người là bình thường cũng chứng tỏ một cấu uế của thời đại chúng ta. Tuy nhiên nếu thực hành pháp luyện tâm thật thuần thịnh, ta có thể chuyển những khuyết điểm và cấu uế này thành những nhân tố cho việc tu tập.
Cấu uế về chúng sinh (chúng sinh trược) ám chỉ những chúng sinh thời mạt pháp. Hữu tình ngày nay có rất ít hạnh phúc an lạc nội tâm, trong khi hoàn cảnh thì ngày càng gia tăng những nguy hiểm đối với sinh mạng. Bản chất chúng ta thô hơn xưa nhiều, và những đau khổ cùng những khó khăn của chúng ta cũng vô vàn tệ hơn những đau khổ rắc rối của chúng sinh trong quá khứ. Mỗi một thế hệ qua đi, hữu tình lại càng thêm khốn đốn, càng thêm bất trị, và càng ngày càng rối ren.
Ngày nay chúng ta rất thiện xảo trong việc sản xuất đủ mọi thứ khí giới để gây chiến và làm hại lẫn nhau, nhưng lại thiếu thiện xảo để cải thiện hòa bình hạnh phúc. Trong khi chúng ta khao khát hạnh phúc hòa bình, chúng ta lại bận rộn đặt nền móng cho tranh chấp và đau khổ. Chúng ta đã làm những tiến bộ lớn lao trong việc sản xuất tài sản vật chất, nhưng những thứ này không đem lại bình an thực sự, cũng không nhổ hết gốc rễ những khổ đau của chúng ta. Nhưng nếu thực hành pháp luyện tâm, chúng ta có thể chuyển hóa tất cả những nghịch cảnh này thành con đường giác ngộ.
Cấu uế về quan điểm (kiến trược) nghĩa là người ngày nay có khuynh hướng mạnh mẽ chấp nhận và nuôi dưỡng những quan điểm sai lầm như chối bỏ đời trước đời sau, phủ nhận hiện hữu của những bậc giác ngộ, sự vận hành của nghiệp, hoặc hiệu lực của Pháp. Nếu thực hành pháp luyện tâm, ta có thể trừ khử mọi tà kiến ấy.
Cấu uế về phiền não (phiền não trược) có nghĩa rằng tham sân si nơi chúng ta ngày nay mãnh liệt và tác hại hơn những phiền não ở người xưa, và do đó nỗi thống khổ của chúng ta càng tệ hơn nhiều. Lại nữa, chính vì rất khó mà chế ngự những phiền não trong ta nên việc tu hành của chúng ta không kết quả bao nhiêu. Nhưng nếu thành thật khởi sự tu pháp luyện tâm, ta có thể chuyển hóa phiền não thành những nhân tố tu tập. Cấu uế thứ năm là cấu uế về thọ mạng (mạng trược).
Tương truyền lúc Phật Câu Lưu Tôn xuất hiện ở đời, thọ mạng con người rất dài, đến 80 ngàn năm. Đến đời Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, thọ mạng giảm còn 40 ngàn năm. Vào thời Phật Ca Diếp nó xuống còn 20 ngàn năm, và đến thời đức Phật thứ tư (thuộc hiền kiếp hiện tại, gồm một ngàn vị Phật – DG) là Thích Ca Mâu Ni, thọ mạng con người chỉ còn trên dưới một trăm năm. Kinh điển nói sự sút giảm này sẽ còn tiếp tục cho đến khi tuổi thọ trung bình của con người chỉ còn mười năm. Tuy nhiên nếu tha thiết đem cả đời mình để thực hành pháp luyện tâm, chúng ta có thể đạt đến mục đích tối thượng ngay trong cuộc sống ngắn ngủi này.
Lý do chính để tu tập những chỉ giáo này về pháp luyện tâm, là để viên mãn ước nguyện sâu xa nhất của chúng ta: có được hạnh phúc lâu dài và hoàn toàn thoát khổ. Điều này không thể đạt được bằng những phương tiện bên ngoài như tậu thêm tài sản vật chất. Dù có nhiều của cải bao nhiêu, chúng cũng không đem lại cho ta giải thoát hay hạnh phúc lâu bền. Ngược lại thường chính do theo đuổi tài sản vật chất mà ta gặp nhiều rắc rối. Nếu muốn có được an lạc, giải thoát mọi khổ đau, chúng ta cần phải thực hành pháp môn tối thượng về luyện tâm. Không còn có cách nào khác.
Tất cả chúng sinh đều có hạt giống Phật hay Phật tính. Phương pháp khiến cho hạt giống này nảy nở chính là thực hành những chỉ giáo về pháp luyện tâm. Những kinh nghiệm hay thực chứng trong pháp luyện tâm chính là con đường đến giác ngộ; bởi thế điểm thiết yếu là tất cả chúng sinh cần đạt được kinh nghiệm về pháp tu này. Kết thúc Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã, đức Phật đã dạy: Ta đã giải thích những con đường đến giác ngộ để cho mọi chúng sinh đều có thể đạt đến.
*
Đọc thêm ‘Bảy Điểm Luyện Tâm’ (‘Seven-Point Mind Training’ của ngài Geshe Chekhawa) do Hồng Như Thubten Munsel chuyển ngữ ấn bản điện tử năm 2016. (https://www.hongnhu.org)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.