Thực hành thiền chỉ quán

*Đọc 14 phút*

Photo: Buddha and Mala by Sher Pil / Pinterest

Bài NGUYÊN GIÁC

Bài này được viết để khảo sát và mời gọi thực hành Thiền Chỉ Quán. Đây là pháp môn giải thoát do Đức Phật dạy, có hiệu lực cực kỳ nhanh chóng, có thể cảm nhận tăng thượng ngay trong vài ngày, hay thậm chí ngay trong vài phút đồng hồ. Những gì được viết nơi đây sẽ chủ yếu dựa vào Kinh Phật, bởi vì người viết tự thấy sức tu, sức học đều kém, tự thấy không có thẩm quyền riêng nào.

Đức Phật nói rằng đây là pháp để giải thoát. Nương theo pháp này sẽ dễ dàng đoạn tận tham, sân, si. Trong Tăng Chi Bộ, Kinh AN 2.21-31, bản dịch của Thầy Minh Châu, Đức Phật dạy:

Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, thuộc thành phần minh. Thế nào là hai? Chỉ và Quán. Chỉ được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận. Quán được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận. Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát. Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập. Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát. Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát.” (1)

Để độc giả có lòng tin vào Thiền Chỉ Quán, nơi đây xin giải thích thêm. Rằng trong vài thập niên qua, chúng ta không nghe nói nhiều về Thiền Chỉ Quán. Thậm chí trên YouTube, một số tu sĩ lại nói rằng Đức Phật dạy rằng Tứ Niệm Xứ là pháp duy nhất để giải thoát, ngoài ra đều là không cần hoặc là của ngoại đạo. Lời nói đó dựa vào một bản dịch thiếu sót. Nếu đọc và đối chiếu nhiều bản dịch tiếng Anh của Tạng Pali, sẽ thấy lỗi dịch thiếu sót đó. Thực tế, ngay cả với người kém tiếng Anh, chỉ cần đọc và đối chiếu nhiều Kinh trong tiếng Việt, cũng thấy lỗi dịch thiếu sót đó. Đức Phật đã dạy rằng có rất nhiều pháp để giải thoát. Tuy nhiên, cũng cần phân tích điểm này: thí dụ, nếu chúng ta định danh rằng các pháp quán bất tịnh, quán vô thường, quán vô ngã, quán nhàm chán… cũng chính là “niệm pháp” thì đây chính là chi thứ tư của Tứ Niệm Xứ. Chỗ này, độc giả nên đọc và đối chiếu các bản dịch tiếng Anh sẽ thấy chữ “pháp duy nhất” là cách dịch thiếu sót.

Như trong Kinh MN 52, Đức Phật dạy 11 pháp để giải thoát, chứ không phải có một pháp nào là duy nhất, theo lời giảng của ngài Ananda, trích bản dịch của Thầy Minh Châu:

Khi được nghe nói vậy, Gia chủ Dasama, người ở thành Aṭṭhaka bạch Tôn giả Ānanda: — Bạch Tôn giả Ānanda, như người tìm một kho tàng cất dấu, trong một lúc tìm được mười một kho tàng cất dấu. Cũng vậy, bạch Tôn giả, con đi tìm một pháp môn bất tử mà được nghe một lần mười một pháp môn bất tử. Bạch Tôn giả, như ngôi nhà người ta có đến mười một cửa, khi ngôi nhà bị cháy, thì chỉ do một cửa người ta cũng có thể thoát ra một cách an toàn. Cũng vậy, bạch Tôn giả, chỉ với một cửa bất tử trong mười một cửa bất tử này, con có thể đạt được sự an toàn cho con.” (2)

Trong Kinh AN 10.60, Đức Phật dạy có 10 pháp để giải thoát, chứ không phải có một pháp nào là duy nhất, và với 10 pháp này, chỉ trong vài khoảnh khắc là có thể làm thuyên giảm bệnh. Bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:

Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ-kheo Girimànanda và đọc lên mười tưởng, thời sự kiện này có thể xảy ra: Tỷ-kheo Girimànanda sau khi được nghe mười tưởng, bệnh của vị ấy có thể được thuyên giảm ngay lập tức! Thế nào là mười? Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra.” (3)

Trong khi đó, với Kinh DA 12, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, ghi lời Đức Phật dạy về nhiều pháp dẫn đến Niết Bàn, không hề nói rằng chỉ có một pháp nào là duy nhất, trích:

Thế nào là một pháp dẫn đến Niết-bàn? Thường tinh cần tu niệm xứ về thân. Đó là một pháp dẫn đến Niết-bàn…

“Thế nào là hai pháp dẫn đến Niết-bàn? Chỉ và quán

“Thế nào là ba pháp dẫn đến Niết-bàn? Ba tam-muội: không tam-muội, vô tướng tam-muội, vô nguyện tam-muội….

“Thế nào là bốn pháp dẫn đến Niết-bàn? Bốn niệm xứ: thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ…

“Thế nào là năm pháp dẫn đến Niết-bàn? Năm căn: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn….

“Thế nào là sáu pháp dẫn đến Niết-bàn? Sáu tư niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên…

“Thế nào là bảy pháp dẫn đến Niết-bàn? Bảy giác chi: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, hỷ giác chi, xả giác chi…

“Thế nào là tám pháp dẫn đến Niết-bàn? Tám Hiền Thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định….

“Thế nào là chín pháp dẫn đến Niết-bàn? Chín thiện pháp: 1. hỷ, 2. ái, 3. duyệt, 4. lạc, 5. định, 6. thật tri, 7. trừ xả, 8. vô dục, 9. giải thoát….

“Thế nào là mười pháp dẫn đến Niết-bàn? Mười trực đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí…” (4)

Thứ tự tu Chỉ và Quán là tùy theo học nhân, sẽ tự tìm thấy thế nào là thích nghi. Trong Kinh AN 4.170, Ngài Ananda nói rằng có người tu chỉ trước, rồi quán sau; có người tu quán trước và chỉ sau; có người tu song hành chỉ quán đẳng dụng; và trường hợp thứ tư là khi dao động trong tâm đột nhiên dứt bặt, thì thánh đạo hiền lộ ra.

Kinh AN 4.170, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau:

Tôn giả Ananda nói như sau: — Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào tuyên bố trước mặt tôi rằng, đã chứng được quả A-la-hán, tất cả vị ấy được đầy đủ bốn chi phần này, hoặc là một trong bốn chi phần này. Thế nào là bốn?

Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập quán, có chỉ đi trước; do vị ấy tu tập quán có chỉ đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo tu tập chỉ, có quán đi trước. Do vị ấy tu tập chỉ có quán đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau. Do vị ấy tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo với các dao động đối với các pháp được hoàn toàn dứt sạch. Này các Hiền giả, đây là thời khi tâm của vị ấy an trú, an tọa, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.” (5)

Trong Kinh SA 186, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng về chỉ và quán như sau:

Phật bảo các Tỳ-kheo: Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tu chỉ. Vậy để đoạn trừ những pháp vô thường nào phải tu chỉ? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu chỉ; đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên tu chỉ… […]

“…Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, phải biết như thật và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử phải chánh quán như vậy, đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán. Khi đã nhàm chán rồi thì sẽ không thích, vì đã không thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa’.” (6)

Thiền Chỉ Quán có thể dẫn tuần tự tới Tứ Thiền, trong nhiều Kinh dẫn trên, như Kinh MN 52 hay như Kinh SA 964 và nhiều Kinh khác. Tuy nhiên, đối với riêng pháp Quán, mà không cần vào các tầng Thiền, thậm chí không cần vào Sơ Thiền, cũng có thể giải thoát, trong đó nổi tiếng có Kinh Susima Sutta còn gọi là Kinh SN 12.70, bản tương đương A Hàm là Kinh Tu-thâm (Kinh SA 347). Hay nổi tiếng nhất là Kinh Bahiya.

Về pháp quán để giải thoát, trong Kinh MN 37, Đức Phật dạy, theo bản dịch của Thầy Minh Châu, trích: “Ở đây, này Thiên chủ, Tỷ-kheo được nghe như sau: “Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp”. Này Thiên chủ, nếu Tỷ-kheo được nghe như sau: “Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp”, vị ấy biết rõ tất cả pháp. Sau khi biết rõ tất cả pháp, vị ấy biết một cách rốt ráo tất cả pháp. Do biết một cách rốt ráo tất cả pháp, nếu có một cảm thọ nào, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy. Vị ấy nhờ sống quán tánh vô thường, sống quán tánh ly tham, sống quán tánh đoạn diệt, sống quán tánh xả ly trong các cảm thọ ấy, nên không chấp trước một vật gì ở đời; do không chấp trước nên không phiền não, do không phiền não, vị ấy chứng đạt Niết-bàn. Vị ấy tuệ tri: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa”. Này Thiên chủ, một cách tóm tắt, đến mức độ như vậy, một Tỷ-Kheo ái tận giải thoát, cứu cánh thành tựu, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người.” (7)

Có một cách rất tiện lợi, Đức Phật dạy rằng, có thể vào Sơ Thiền — trạng thái hỷ lạc sau khi tâm ly dục, ly bất thiện pháp, có tầm (hướng tâm vào), có tứ (dán tâm vào), nhất tâm – và từ Sơ Thiền quán vô thường, quán vô ngã, quán không, quán khổ thì sẽ giải thoát. Đối với người đắc Sơ Thiền, người này có thể giữ trạng thái này trong cả khi đi, đứng, nằm, ngồi… và nếu thường trực giữ như thế, nếu chưa giải thoát, khi cuối đời sẽ hóa sanh, tức là sanh thiên, đắc quả Bất Lai (A Na Hàm) và từ đó sẽ vào cõi bất tử, nhập Niết bàn.

Đức Phật dạy như thế (từ Sơ thiền vào giải thoát) trong Kinh AN 9.36, bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:

Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên gì, được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng và trú sơ Thiền. Vị ấy, ở đây đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc, nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.” (8)

Như thế nào để biết mình đã vào Sơ Thiền? Đó là một cảm thọ hỷ lạc trên toàn thân được Đức Phật mô tả trong Kinh AN 5.28, bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:

Này các Tỷ-kheo, như thế nào là sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho dung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.” (9)

Cách để vào Sơ Thiền tiện nhất là qua hơi thở. Nên chú tâm vào hơi thở dịu dàng, nơi cảm thọ ấm, thoải mái, nhẹ nhàng nơi hai đầu mũi khi hơi thở vào và ra. Buông bỏ hết tất cả mọi chuyện, buông hết tất cả những gì khởi lên trong tâm. Khi thấy 5 yếu tố hiện ra: tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm (applied thought, sustained thought, rapture, happiness, and one-pointedness of mind) thì đó là Sơ thiền. Trong Kinh AN3.63, Đức Phật nói rằng ngài trong các thời đi đứng nằm ngồi đều có thể an trụ nơi bốn tầng thiền, tùy ý. Thực tế, chúng ta nên nhắm tới Sơ Thiền là đủ, vì sẽ dựa vào nơi đây để quán vô thường để giải thoát.

Tới đây, chúng ta nói tới Thiền Chỉ Quán trong “Luận Đại Thừa Khởi Tín” một tác phầm của Ngài Mã Minh Bồ Tát. Pháp này còn gọi là Chơn Như Tam Muội. Nơi đây, chúng ta dựa vào bản Việt dịch của Thầy Thích Thiện Hoa trong ấn bản năm 1961 dịch và giảng tại Phật Học Đường Nam Việt.

Chúng ta có thể đối chiếu Thiền Chỉ Quán này với Thiền Tông của Bồ Đề Đạt Ma. Pháp này không nói về các tầng thiền, vì pháp Chỉ Quán này, còn gọi là Chơn Như Tam Muội là không nương vào đất, nước, gió, lửa (buông tứ đại), không nương vào thấy, nghe, hay biết (buông cả danh-sắc, hay là buông cả thân-tâm), không tưởng cảnh giới ngoài tâm (ngoài dứt muôn duyên), không khởi tưởng niệm (trong không khởi niệm), nơi cái được niệm tưởng tư lường biến mất và chính ngay cái tâm đang niệm tưởng tư lường cũng biến mất (ảnh chiếu và gương chiếu đều được nhận ra là không, là rỗng, là tịch lặng).

Chương thứ tư Tín Tâm Tu Hành được Thầy Thích Thiện Hoa dịch như sau:

Thế nào là tu Chỉ, Quán?_ “Chỉ” nghĩa là đình chỉ tất cả các vọng tưởng (định), để tuỳ thuận theo quán không (xa ma tha); “Quán” nghĩa là quán sát các tướng nhơn duyên sanh diệt (huệ) để tuỳ thuận theo quán giả (tỳ bác xa na). Sao gọi là tuỳ thuận?_ Do hành giả từ từ tu tập, một lần cả Chỉ và Quán, đều không rời nhau, nên gọi là tuỳ thuận.

Nếu tu “Chỉ” (định) hành giả phải ở chỗ thanh vắng, ngồi ngay thẳng, tâm chơn chánh, chẳng nương hơi thở, chẳng nương hình sắc và hư không, chẳng nương đất, nước, gió, lửa; chẳng nương thấy, nghe, hay biết, cho đến các tưởng niệm đều diệt trừ, rồi hành giả dẹp luôn cái “tâm niệm” trừ tưởng niệm nữa.

Do tất cả các pháp từ hồi nào đến giờ, mỗi niệm không sanh, mỗi niệm không diệt, nên hành giả phải không các tưởng niệm và cũng không tưởng cảnh giới ngoài tâm, rốt sau rồi lấy tâm trừ tâm. Nếu tâm vọng tưởng rong ruỗi, thì hành giả phải liền đem trở lại chánh niệm. Phải biết “Chánh niệm” đây, tức là “Duy tâm”, không có ngoại cảnh. Và cái tâm này cũng không hình tướng gì có thể tưởng niệm được.

Lại nữa, trong tất cả thì giờ, khi đi đứng nằm ngồi, tới lui qua lại, làm tất cả việc, hành giả phải thường nhớ phương tiện (phương tiện tuỳ duyên chỉ), nghĩa là tuỳ thuận quán sát. Hành giả tu tập như vậy lâu ngày thuần thục, thì tâm được an trụ; do tâm an trụ lần lần mạnh mẽ, nên dẹp sâu phiền não, tín tâm tăng trưởng, đặng tuỳ thuận vào chơn như tam muội, mau thành vị Bất thối. Chỉ trừ những người nghiệp chướng sâu dày, nghi ngờ bài báng không tin, hoặc ngã mạn biếng nhát, thì không thể nhập Chơn như tam muội được. Và hành giả nhờ nương pháp Chơn như tam muội này mà biết được pháp giới duy nhứt; nghĩa là nhận rõ Pháp thân của chư Phật và thân chúng sanh bình đẳng không hai, nên cũng gọi là Nhứt hạnh tam muội. Phải biết Chơn như là căn bản của các pháp tam muội; nếu hành giả tu pháp tam muội này, thì lần lần sẽ được vô lượng pháp tam muội.” (10)

Sẽ có một số người nghi ngờ rằng Thiền Chỉ Quán trong Luận Đại Thừa Khởi Tín không hề được Đức Phật dạy trong Kinh Nikaya và Kinh A Hàm. Bởi vì Tứ Niệm Xứ còn phải dựa vào danh sắc của khối ngũ uần (Thân, Thọ, Tâm, Pháp) để niệm, trong khi Thiền Chỉ Quán của Đại Thừa là một khối tỉnh thức của gương tâm, nơi dứt bặt các niệm và không còn thấy có thân thọ tâm pháp nào để phải niệm nữa (Thiền Tông: Chánh niệm, tức là niệm vô niệm).

Đức Phật trong Kinh SA 926 (Tạng A Hàm) và Kinh AN 11.9 (Tạng Nikaya) đã khen ngợi những người tu theo Thiền Chỉ Quán của Luận Đại Thừa Khởi Tín (và Thiền Tông của Bồ Đề Đạt Ma) là những con tuấn mã, những con ngựa giỏi của Chánh pháp. Nơi đây, chúng ta trích dẫn lời Đức Phật từ Kinh AN 11.9, bản dịch của Thầy Minh Châu:

Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy, vị ấy vẫn có Thiền tư. Lại nữa, này Sandha, với vị ấy Thiền tư như vậy, chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên, dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục.” (11)

Nếu đọc kỹ đoạn vừa trích dẫn trên, chúng ta sẽ thấy lại Kinh Kim Cang về lời dạy là “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (nơi tâm không chỗ trụ, Niết bàn sẽ hiển lộ). Và đó là những kinh chúng ta đã khảo sát Tạng Pali về các trường hợp đốn ngộ, giải thoát tức khắc của ngài Bahiya, của đại thần Santati, của chàng nghệ sĩ gánh xiếc Uggasena… khi tâm các vị này hốt nhiên buông hết các sắc thanh hương vị xúc pháp của quá khứ, không mơ tưởng tới sắc thanh hương vị xúc pháp của vị lai, và không nắm giữ sắc thanh hương vị xúc pháp của cái bây giờ và ở đây. Buông hết cả ba thời.

Cảnh giới đó, Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) còn gọi là buông bỏ thân tâm. Tức là tư lường cái không tư lường. Tức là trong khối tỉnh thức của gương tâm, không còn thấy thân thọ tâm pháp nào để niệm nữa, bởi vì các pháp vốn xưa nay là rỗng, lặng.

GHI CHÚ:

(1) Kinh AN 2.21-31 https://suttacentral.net/an2.21-31/vi/minh_chau
(2) Kinh MN 52: https://suttacentral.net/mn52/vi/minh_chau
(3) Kinh AN 10.60: https://suttacentral.net/an10.60/vi/minh_chau
(4) Kinh DA 12: https://suttacentral.net/da12/vi/tue_sy
(5) Kinh AN 4.170: https://suttacentral.net/an4.170/vi/minh_chau
(6) Kinh SA 186: https://suttacentral.net/sa186/vi/tue_sy-thang
(7) Kinh MN 37: https://suttacentral.net/mn37/vi/minh_chau
(8) Kinh AN 9.36: https://suttacentral.net/an9.36/vi/minh_chau
(9) Kinh AN 5.28: https://suttacentral.net/an5.28/vi/minh_chau
(10) Luận Đại Thừa Khởi Tín: https://thuvienhoasen.org/p19a3244/15-tin-tam-tu-hanh-bon-mon-tin-tam-va-nam-mon-tu-hanh
(11) Kinh AN 11.9: https://suttacentral.net/an11.9/vi/minh_chau
Kinh SA 926: https://suttacentral.net/sa926/vi/tue_sy-thang


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *