Tin tức Phật Giáo Thế Giới, tuần thứ 4, tháng 6, 2024 

*Đọc 6 phút*

Lễ Hội Nến tại Ubon Ratchathani, Thái Lan tháng 7, 2009. (Photo: Plenz / Wikimedia Commons)

DIỆU ÂM lược dịch
(Nguồn: Nguyệt San Chánh Pháp)

THÁI LAN: Ubon Ratchathani tổ chức Lễ Hội Nến đánh dấu Ngày Bắt Đầu Mùa Chay Phật giáo

Để đánh dấu Khao Phansa, ngày bắt đầu Mùa Chay Phật giáo, thị trấn Ubon Ratchathani đông bắc Thái Lan mời những người hành hương và khách du lịch tham gia Lễ Hội Nến hàng năm – với các nghi lễ tôn giáo và hoạt động văn hóa độc đáo trong suốt tháng Bảy.

Từ ngày 1 đến 18 tháng 7, 2024 du khách có thể quan sát và học cách chạm khắc và trang trí nến sáp bằng các kỹ thuật truyền thống khi các nghệ nhân lành nghề quy tụ trong cộng đồng của họ. Sẽ có các tác phẩm nghệ thuật mô tả về cuộc đời của Đức Phật, về các sinh vật huyền thoại Himmapan và sử thi Ramakien.

Trong ngày, du khách có thể sắp xếp chuyến hành hương của mình tới 12 đền chùa xung quanh thị trấn, tượng trưng cho 12 cung hoàng đạo. Công Viên Thung Si Muang sẽ là nơi tổ chức lễ nến và tranh tài vào ngày 19-7.

Từ ngày 20 đến 21-7, lễ rước nến dự kiến sẽ bắt đầu tại Chùa Wat Si Ubon Rattanaram và kết thúc tại Công Viên Thung Si Muang.

Từ ngày 22 đến 23-7, một bộ sưu tập nến sáp đoạt giải sẽ được trưng bày tại tòa thị chính và xung quanh Công Viên Thung Si Muang. Sau đó, các ngôi chùa tham gia sẽ trưng bày nến sáp từ ngày 24-7 đến 24-8.

(Bangkok Post – June 27, 2024)

MIẾN ĐIỆN: Hàng ngàn người thương tiếc vị Sư bị lực lượng an ninh sát hại

Ngày 27-6-2024, hàng ngàn người đã tham dự lễ tang của một vị Sư Phật giáo nổi tiếng bị lực lượng an ninh Miến Điện bắn chết trong một sự việc khiến chính quyền quân sự phải đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi.

Sư Sayadaw Bhaddanta Munindabhivamsa, 78 tuổi, cũng là một giảng sư và tác giả nổi tiếng. Ngài đứng đầu một tu viện vốn đã công khai phản đối cuộc đảo chính năm 2021 của quân đội khiến Miến Điện rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Sư bị bắn chết vào ngày 19-6 khi đang di chuyển bằng xe hơi qua khu vực trung tâm Mandalay. Sự việc này ban đầu truyền thông nhà nước đổ lỗi cho những người đối lập, trước khi chính quyền cho biết lực lượng của họ phải chịu trách nhiệm.

Trong cơn mưa lớn, tăng ni các cấp và cư dân Phật giáo đã đi bộ hàng giờ dọc theo quan tài từ tu viện của Sư Sayadaw Bhaddanta Munindabhivamsa đến khu hỏa táng.

Cảnh sát và binh lính đứng canh gác chung quanh nghĩa trang mặc dù không có dấu hiệu biểu tình hay bạo lực nào, theo tin AFP.

(NewsNow – June 28, 2024)

Các tăng sĩ và Phật tử viếng ngài Sayadaw Bhaddanta Munindabhivamsa. (Photo: Báo mạng Irrawaddy)

HOA KỲ: Các tu sĩ Phật giáo giảng về hòa bình tại Đại Học Hawaii, Manoa

Ba tu sĩ Phật giáo đã đến thăm Đại Học Hawaii tại Manoa (UH Manoa) vào mùa xuân năm nay để thảo luận về giáo lý hòa bình và lòng từ bi của Phật giáo dành cho tất cả chúng sinh.

Các nhà sư này là Thượng Tọa Kou Sopheap và Thượng Tọa Hak Sienghai từ Cam Bốt, và Thượng Tọa Sok Theavy, sống ở Hawaii.

Bài giảng được tổ chức tại Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á của UH Manoa, tập trung vào cuộc xung đột ở Cam Bốt xảy ra khi Khmer Đỏ còn nắm quyền. Cụ thể, bài giảng xem xét vai trò của Phật giáo trong các nỗ lực hòa bình và hòa giải đã diễn ra từ năm 1992.

Chế độ Khmer Đỏ cai trị Cam Bốt từ năm 1975–1979. Trong thời gian đó, chế độ này phải chịu trách nhiệm về một trong những vụ giết người hàng loạt tàn ác nhất trong lịch sử gần đây, với gần 2 triệu người Cam Bốt đã thiệt mạng.

Với suy nghĩ này, điểm nhấn chính của bài giảng là: trí tuệ cổ xưa, đã được kiểm chứng qua thời gian của giáo lý Phật giáo có thể hữu ích trong việc thúc đẩy bất bạo động và giải quyết vấn đề trong các thời kỳ khủng hoảng.

(Buddhistdoor Global – June 25, 2024)

Các tăng sĩ Cam Bốt thăm trường Đại Học UH Mãnao ngày 30 tháng 4, 2024 (Photo: University of Hawai’i News)

INDONESIA: Phật tử hành hương thực hành khổ hạnh ‘Thudong’

Công chúng Indonesia trong những tuần gần đây đã chú ý đến sự hiện diện của 40 nhà sư đến từ Indonesia, Mã Lai, Singapore và Thái Lan, cùng với hàng trăm tín đồ. Họ dừng chân tại một số thành phố như một phần của cuộc hành hương tâm linh bắt đầu trong Đại Lễ Vesak vào tháng trước, vào ngày 23-5.

Đoàn hành hương ‘thudong’ này đã đi bộ một quãng đường khoảng 80 km từ Đền Phật Jayanti Wungkal Kasap ở Trung Java đến khu phức hợp đền Chùa Borobudur lịch sử ở Magelang Regency.

Thuật ngữ thudong, bắt nguồn từ tiếng Pali ‘dhutanga’ (thực hành khổ hạnh), biểu thị lối sống cô độc, lang thang, khổ hạnh và thiền định của một số tu sĩ. Tục lệ này đã trở nên phổ biến ở Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác trong những năm gần đây. Thudong liên quan đến một cuộc hành hương tâm linh hoặc tôn giáo theo bước chân của Đức Phật trong suốt cuộc đời của Ngài.

Khi đến khu đền chùa Borobudur, các nhà sư đã lên các tầng trên của di tích cao 35 mét này và tham gia vào nghi lễ ‘pradakshina’, một nghi lễ gồm việc thiền hành vòng quanh ngôi chùa theo chiều kim đồng hồ ba lần. Sau lễ hội Vesak, nhóm này đã hành trình đến Chùa Muaro ở tỉnh Jambi, miền Trung Sumatra để kết thúc chuyến hành hương tại Indonesia.

(Buddhistdoor Global – June 28, 2024)

Lễ Vesak tại Chùa Borobudur, Nam Dương năm 2015 (Photo: Aditya Suseno / Wikimedia Commons)

ẤN ĐỘ: Di tích Sankisa sẽ được phát triển thành điểm du lịch Phật giáo đẳng cấp thế giới

Sở Du Lịch Bang Uttar Pradesh (UP) đã khởi xướng một số dự án quan trọng để phát triển di tích Phật giáo Sankisa ở huyện Farrukhabad.

Các dự án này gồm việc phát triển các cơ sở du lịch khác nhau ở Budh Vihar, với chi phí vào khoảng 20 tỷ Rupees (gần $240 triệu Mỹ kim).

Sự phát triển này sẽ bao gồm việc xây dựng bức tường ranh giới, hệ thống cấp nước, lán trại cho hành khách, hệ thống chiếu sáng, các nhà vệ sinh, phòng vệ sinh và phòng hành khách. Ngoài ra, một bảo tàng Phật giáo sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 2.25 mẫu Anh với chi phí 10 tỷ Rupees ($120 triệu).

Hôm thứ Sáu 21-6, Bộ Trưởng Du Lịch và Văn Hóa bang UP, ông Jaiveer Singh, nói rằng Đức Phật đã giáng trần tại thánh địa Sankisa sau khi thuyết pháp cho mẹ của Ngài ở cung trời Devlok (?).

Bộ trưởng Singh nhấn mạnh sau khi hoàn thành, Sankisa sẽ không chỉ nổi lên như một địa điểm tôn giáo Phật giáo quan trọng mà còn phát triển như một trung tâm du lịch lớn, thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

(The Statesman – June 24, 2024)

Họa đồ khu di tích Phật giáo Sankisa ở huyện Farrukhabad, UP, Ấn Độ. (Photo: travelworldonline.in)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *